Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 7, ngày 20/04/2024, lúc 4:38 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 08 » 30 » Huyện đảo Hoàng Sa thuộc Thành phố Đà Nẵng
4:36 PM
Huyện đảo Hoàng Sa thuộc Thành phố Đà Nẵng
CHỦ QUYỀN ĐỐI VỚI HOÀNG SA DƯỚI CÁI NHÌN CỦA PHƯƠNG TÂY

Nguyễn Phước Tương

I. Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ thế kỷ 16 - 17

Vào tháng 4 năm 1471, sau chiến thắng Chămpa của vua Lê Thánh Tông, Bãi Cát Vàng tức Quần đào Hoàng Sa đã sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) trấn nhậm Thuận Quảng, Bãi Cát Vàng đã được Đàng Trong Đại Việt chiếm hữu: vào thời kỳ đó có hai gia tướng thân tín của Thái sư Nguyễn Kim người Việt gốc Chămpa là Vũ Thì An và Vũ Thì Trung giúp Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chiếm hữu Quần đảo Hoàng Sa vô chủ và không một quốc gia nào phản đối.

Dưới thời Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1613 - 1635), thương gia người Nhật Araki Sataro là Phò mã có tên Việt là Nguyễn Đại Lượng, tự là Hiển Hùng thông thạo đường biển, đã giúp Chúa Sãi chỉ huy đội thuỷ binh hàng năm đến mùa khô đưa binh thuyền ra Quần đảo Hoàng Sa đo đạc lộ trình, vẽ bản đồ, khai thác hải sản và thu vớt hàng hoá, súng đạn, vàng bạc của tàu thuyền phương Tây bị đắm tại Quần đảo Hoàng Sa.

Dưới thời Triều Nguyễn từ 1802, các vua Nhà Nguyễn đã củng cố chủ quyền của Việt Nam đối với Quần đảo Hoàng Sa, nhất là dưới thời vua Minh Mạng (1820 - 1841), từ năm Bính Thân 1836 đã thành lập các Đội Hoàng Sa thường xuyên hàng năm ra Quần đảo Hoàng Sa để đo đạc thuỷ trình, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền và khai thác hải sản.

Quần đảo Hoàng Sa nằm trên Biển Đông dọc theo bờ biển Trung Trung Bộ của nước ta, ở vị trí 14045" đến 17015" vĩ độ Bắc và 1110 đến 1130 kinh độ Đông, cách Đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) thuộc tỉnh Quảng Ngãi 222,400km, cách thành phố Đà Nẵng 315km và cách Đảo Hải Nam của Trung Quốc nơi gần nhất là 289km. Như vậy Quần đảo Hoàng Sa gần Việt Nam hơn Trung Quốc.

Quần đảo Hoàng Sa cách Quần đảo Trường Sa nơi gần nhất khoảng 500km, kéo dài từ bắc xuống nam 366km, từ tây sang đông176km, chiếm một diện tích biển rộng 292.000km2 và có tổng diện tích nổi trên mặt biển của các đảo và bãi đá là khoảng 10km2.

Quần đảo Hoàng Sa có trên 20 hòn đảo, bãi đá và gồm hai nhóm đảo - bãi đá. Nhóm Đông hay Nhóm An Vĩnh ở xa đất liền hơn và Nhóm Tây hay Nhóm Nguyệt Thiềm ở gần đất liền hơn.

Từ khi thuộc lãnh thổ Việt Nam từ thế kỷ 15 - 16, Quần đảo Hoàng Sa luôn luôn nằm trong cơ cấu tổ chức của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử:

· Dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) cho đến thời kỳ vua Bảo Đại (1926 - 1945), Quần đảo Hoàng Sa thuộc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho đến ngày 30 tháng 3 năm 1938.

· Dưới thời vua Bảo Đại (Việt Nam thuộc Pháp), ngày 29 tháng 2 năm Mậu Dần (30.3.1938), nhà vua đã ký Dụ số 10 quyết định chuyển Quần đảo Hoàng Sa vào địa phận tỉnh Thừa Thiên trước khi cuộc Chiến tranh Thế giới II nổ ra.

Đến ngày 5 tháng 6 năm 1939, Toàn quyền Đông Dương Jule Brévié đã ra Nghị định 3282 chia Quần đảo Hoàng Sa thành hai bộ phận là Sở Đại lý An Vĩnh và Sở Đại lý Nguyệt Thiềm để tiện việc quản lý.

· Dưới thời chế độ Việt Nam Cộng hoà, ngày 17 tháng 7 năm 1961 Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ra Sắc lệnh số 174 -VN đặt Quần đảo Hoàng Sa dưới sự quản lý của tỉnh Quảng Nam và đặt tên cho quần đảo này là xã Định Hải thuộc huyện Hoà Vang.

Sau một thời gian tám năm, do sự ràng buộc về đơn vị hành chính, ngày 21 tháng 10 năm 1969, Tổng trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hoà ra Nghị định số 709/BNV/HCĐP/26 sáp nhập xã Định Hải vào xã Hoàng Long, quận Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam;

· Dưới thời chế độ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, ngày 11 tháng 12 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 194 - HĐBT nâng Quần đảo Hoàng Sa thành Huyện Hoàng Sa thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng

Sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam theo Nghị quyết ngày 6 tháng 11 năm 1996 của Quốc hội, đến ngày 23 tháng 1 năm 1997, Chính phủ Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định số 07-CP quyết định Huyện đảo Hoàng Sa thuộc Thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

Như vậy, từ giữa thế kỷ 15 cho đến nay trên 400 năm, Quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa luôn luôn là một bộ phận không tách rời của Việt Nam.

Như trên đã nói, rất nhiều sách sử học nước ta nói đến Đội Hoàng Sa làm nhiệm tuần tra, khai thác Quần đảo Hoàng Sa như "Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí" của Phan Huy Chú, "Hoàng Việt Dư Địa Chí", "Phủ Biên Tạp Lục" của Lê Quý Đôn, "Đại Nam Thực Lục Chính Biên" và "Châu Bản Triều Nguyễn" của Quốc Sử Triều Nguyễn .v.v...

Trong quá trình làm nhiệm vụ quang vinh và gian nguy tại Quần đảo Hoàng Sa, không ít cai đội chỉ huy, dân binh, dân phu của Đội Hoàng Sa đã hy sinh, bỏ xác trên biển cả. Họ thật xứng đáng là những anh hùng.

Vì vậy vào năm Đinh Mão - 1867, vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ những người hoạt động trong Đội Hoàng Sa mà hy sinh khi làm nhiệm vụ là các "Hùng binh Trường Sa" như "Hùng binh Trường Sa đi tuần trên biển", "Hùng binh Trường Sa giữ trại", "Hùng binh Trường Sa giữ kho", "Hùng binh Trường Sa ôm lưới", "Hùng binh Trường Sa nấu ăn"... như chánh đội trưởng Nguyễn Hữu Nhật, cai đội Phạm Quang Ảnh mà tên tuổi của họ đã được đặt cho các đảo của Quần đảo Hoàng Sa: Đảo Hữu Nhật, Đảo Quang Ảnh.

Để tri ân và tưởng niệm những người làm nhiệm vụ trong Đội Hoàng Sa, ngay từ dưới thời Chúa Nguyễn nhân dân làng An Vĩnh và An Hải vùng Cửa Sa Kỳ, đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré), nay thuộc xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, hàng năm vào ngày 14 và ngày rằm tháng 3 âm lịch đã tổ chức trọng thể Lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa để tiễn đưa những người trong Đội Hoàng Sa ra đi làm nhiệm vụ, cầu mong Trời, Phật phù hộ cho họ được bình yên trên biển cả và trở về đoàn tụ với gia đình.

Ngày nay, sau gần bốn thế kỷ trôi qua, Lễ hội Khao lề thế lính Trường Sa vẫn được các tộc họ ở xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi tiến hành hàng năm vào những ngày quy định như một lễ hội văn hoá dân gian truyền thống. Sinh hoạt văn hoá dân gian này minh chứng cho người ta thấy rằng Quần đảo Hoàng Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam từ hơn 400 năm. Trong thời gian tới, lễ hội dân gian địa phương này sẽ được nâng cấp thành Lễ hội dân gian Quốc gia.

Ngoài ra, trên đảo Lý Sơn còn có Khu mộ Hoàng Sa mà hàng năm các tộc họ đến đây để thắp hương tưởng niệm, cúng giỗ, tảo mộ cho các Hùng binh Hoàng Sa. Trong thực tế đây là một khu mộ gió. Thêm vào đó, ở xã Lý Hải, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi còn có Nhà thờ cô hồn các Hùng binh Trường Sa gọi là Âm Linh Tự.

Về bản đồ địa lý Quần đảo Hoàng Sa, năm 1771 Đỗ Bá Công Luận đã vẽ và khắc in "Toàn tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư" mà trong tập bản đồ này có bản đồ Quần đảo Hoàng Sa với lời ghi chú rõ ràng: "Địa phận làng Kim Hộ, hai bên có hai ngọn núi, các núi này có đặt người tuần tra. Giữa biển có một dải cát, tên gọi là Bãi Cát Vàng dài độ bốn trăm dặm, rộng hai mươi dặm đứng dựng giữa biển. Từ của Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh mỗi khi có gió tây nam thì thương thuyền các nước chạy ở phía trong trôi dạt ở đấy; gió đông - bắc thì thương thuyền chạy ở phía ngoài cũng trôi giạt luôn vào, làm mọi người đều chết đói ở đây cả. Hàng hoá, vật liệu đều phải để lại nơi đó.

Hàng năm vào cuối đông, Chúa Nguyễn đưa mười tám chiếc thuyền đến đấy để lấy hàng hoá, vật sản, được nhiều vàng bạc, tiền tệ, súng đạn và các vật liệu khác..."

Bên cạnh bản đồ trên, chúng ta còn có bản đồ khác có tên gọi là "Đại Nam Thống Nhất Toàn Đồ" vẽ về nước ta tương đối kỹ lưỡng và chính xác, do các sử quan Nhà Nguyễn vẽ vào khoảng 1839 - 1940 dưới thời vua Minh Mạng (1820 - 1841), trên đó có vẽ và ghi các Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa.

Một lần nữa, qua bản đồ "Thiên Nam Tứ Chí Lô Đồ Thư" được vẽ vào thế kỷ 18, Nhà nước phong kiến Việt Nam khẳng định các Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam từ những thế kỷ trước.

Trong khi đó, các bản đồ địa lý do Trung Quốc vẽ vào những thế kỷ trước chưa bao giờ vẽ Nam Sa (tức Hoàng Sa) và Tây Sa (tức Trường Sa) nằm trong lãnh thổ của Trung Quốc. Chẳng hạn như trong cuốn sách địa lý "Trung Quốc Địa Lý Học Giáo Khoa Thư" Tập I của tác giả Vũ Tiến Đồ biên soạn vào năm Quang Tự thứ 31 Nhà Thanh, 1905 được xuất bản năm 1906, đã viết rõ ràng: "Phía nam từ vĩ độ Bắc 18013" tận cùng là bờ biển Nhai Châu đảo Hải Nam; phía bắc đến vĩ độ Bắc 53050", tận cùng là chỗ gặp nhau giữa sông Hắc Long Giang và sông Uxuri; phía tây là kinh tuyến 42011", tận cùng là núi Tùng Lĩnh. Nam Bắc gồm hơn 61 độ, dài hơn 8.800 dặm. Diện tích 32.605,156 dặm vuông, chiếm 1/4 châu Á, 1/10 lục địa thế giới, lớn hơn cả châu Âu". Như vậy rõ ràng là lãnh thổ Trung Quốc không hề có "Nam Sa" (Hoàng Sa) và "Tây Sa" (Trường Sa) ở phía Nam.

Trên bản đồ địa lý Hoàng Triều Nhất Thống Dư Địa Đồ của Trung Hoa xuất bản năm Quang Tự thứ 20, 1894, dưới thời Nhà Thanh chỉ vẽ phía nam đến Đảo Hải Nam và có lời chú giải là điểm cực nam của lãnh thổ Nhà Thanh là "Nhai Châu, phủ Quỳnh Châu, Quảng Đông, 18013" Bắc", cũng không hề có "Tây Sa" và "Nam Sa" vì Quần đảo Hoàng Sa nằm ở vị trí 14045" đến 17015"Bắc và Quần đảo Trường Sa nằm ở vị trí 6020" đến 11028" Bắc trên Biển Đông thuộc lãnh thổ của Việt Nam.

Các địa danh Tây Sa (Sisha) và Nam Sa (Nansha) chỉ mới được Trung Quốc sử dụng từ ngày 1 tháng 12 năm 1947 dưới thời Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thì làm sao các địa danh đó có thể có mặt trên các bản đồ cổ của Trung Hoa được!.

II. Chủ quyền đối với Hoàng Sa dưới cái nhìn của Phương Tây

Các tư liệu cổ của các nước phương Tây như Pháp, Anh, Ý, Đức... đều cho rằng Quần đảo Hoàng Sa thuộc về chủ quyền của Việt Nam từ những thế kỷ trước.

Trong năm 1701, dưới thời Hoàng đế Henri V, Giáo sĩ Pháp Jean Yves Cleays trong chuyến du hành từ Tây Âu sang Trung Hoa trên tàu Amphitrite đi qua Quần đảo Hoàng Sa đã ghi lại trường hợp tàu của ông suýt bị đắm tại đấy. Bài viết có tựa đề làMystère des atolls (Bí mật của những san hô vòng) và đăng trên Journal de voyage au Paracels (Ký sự du hành đến Hoàng Sa) và về sau được đăng lại trên Revue Indochinoise (Tạp chí Đông Dương) số 6 năm 1941:

"Người ta nhổ neo khi có gió mạnh và chẳng mấy thời gian người ta đã đến ngang tầm với Hoàng Sa. Hoàng Sa là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam. Đó là một núi đá kinh khủng dài trên một trăm dặm, bị chỉ trích bởi những vụ đắm tàu mà ở đó gió luôn luôn thổi, nó nằm dọc theo bờ biển Đàng Trong (tên gọi của An Nam trước đây). Tàu Amphitrite trong cuộc hành trình đến Trung Hoa tưởng như bị đắm tại đó... Bị đắm tàu trên các mỏm đá đáng sợ đó và mất hết tài sản thì cũng như nhau". (Dịch của tác giả)

Trong cuốn Abrégé de Géographie (Tóm tắt về Địa lý) Tập II của tác giả Adriano Balbi xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1838 tại Paris, trên trang 768 đã nói đến Vương quốc Đàng Trong và đã ghi nhiều địa danh chính thuộc Vương quốc Đàng Trong như Huế, Nha Trang, Phú Yên, Quy Nhơn, Hội An, Đà Nẵng và Quần đảo Hoàng Sa. Quyển sách này hiện được lưu trữ tại Thư viện Library of the America Bible Society của Mỹ.

Trong công trình Univers, histoire et description de tous les peuples, leurs religions, mœurs et coutumes (Thế giới, lịch sử và mô tả tất cả các dân tộc, các tôn giáo, phong tục, tập quán của họ) của Giám mục Pháp Jean Louis Taberd ấn hành năm 1833, sau khi nói qua về địa lý Quần đảo Hoàng Sa đã mô tả nghi thức chiếm hữu Hoàng Sa với sự chứng kiện của vua Gia Long:

"Chúng tôi không đi vào liệt kê những hòn đảo chính thuộc Xứ Đàng Trong, chúng tôi chỉ nhận xét rằng từ hơn 34 năm, Paracels được gọi là Bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa, một mê cung thực sự của các hòn đảo nhỏ và các bãi cát, chính đáng làm lo sợ các nhà hàng hải, đã được chiếm hữu bởi người Đàng Trong. Chúng tôi không rõ họ có đặt một cơ sở nào không, nhưng chắc chắn rằng Hoàng đế Gia Long đã phải gắn thêm hình hoa trang trí vào vòng nguyệt quế của mình vì Hoàng đế xét thấy cần đích thân đến đấy đúng lúc để chiếm hữu và đó là vào năm 1816 mà Hoàng đế đã long trọng dương cao lá cờ của Xứ Đàng Trong". (dịch của tác giả)

Thực ra Quần đảo Hoàng Sa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam từ thế kỷ 16 dưới thời các Chúa Nguyễn, chứ không phải đến 1816 dưới thời vua Gia Long mới thuộc lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng dù sao, ý kiến của Giám mục J. L Taberd đã cho thấy rằng Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Có nhiều cuốn sách viết bằng tiếng Ý trong những thế kỷ trước đã nói đến Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trong cuốn sách tiếng Ý "La cosmographia istoria astronomica et fisica" (Lịch sử vũ trụ học, thiên văn học và vật lý học) của Bagio Soria in năm 1828 tại Napoli trong phần 4 tập VI đã nói về Đế chế An Nam, ở trang 128 - 131 có câu cuối cùng ghi rằng: "Thuộc về đế chế này là Quần đảo Hoàng Sa (Paracels) bao gồm các đảo và đá ngầm ở phía đông bờ biển nước này". Cuốn sách này hiện được lưu trữ tại Thư viện Trường Đại học California của Mỹ.

Trong cuốn sách "Geografia Fisica et Politica" (Địa lý học hình thể và chính trị) viết bằng tiếng Ý của Luigi Galant, bản in lần thứ năm vào năm 1834 tại Napoli, trong tập III ở các trang 197 và 198 đã viết: "Cuối cùng, chúng tôi phải nói đến một mê cung các hòn đảo nằm ở phía đông Đàng Trong (Cochincina) có tên gọi là Hoàng Sa (Parcel hay Percels) bao gồm các đảo đá nhỏ và vùng nước nông... Chúng thuộc quyền cai trị của Vương quốc An Nam, cũng như quần đảo Pirati ở phía đông Đàng Ngoài (Tochina)". Cuốn sách này đang được lưu trữ tại Thư viện Biblioteca Walter Bigiavi del l"Universita degi studi Bologna tại Bologna và Thư viện Biblioteca S. Antonio Daltore tại Padova của Ý.

Trong cuốn sách "Nuovo compendio di geographia" của Adriano Balbi và một số tác giả khác in năm 1865, tại Milano, Ý, trên các trang 642 và 643 cũng đã có đoạn viết về Hoàng Sa thuộc Đàng Trong: "Thuộc đế chế này còn có quần đảo Hoàng Sa (Paracels) quần đảo Pirati và quần đảo Côn Sơn (Pulo Condor)".

Trong một cuốn sách khác viết bằng tiếng Ý là "Del vario grado d"importanza degli statiodierni" của Cristoforo Negri xuất bản năm 1841 tại Milano, trên trang 421 đã ghi rõ: "Đảo Hòn Hài (phương Tây gọi là Polo Sarpata, nằm ở phía đông đảo Phú Quý, có điểm 6 trong tuyên bố đường cơ sở của Việt Nam) nằm cách biển Đàng Trong 100 hải lý. Nước này năm 1816 đã chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa (Paracels) nhóm các đảo đá nguy hiểm nằm xa trên bờ biển đông mà thuyền trưởng Ross người Anh đã tiến hành khảo sát..." Như trên đã nói, việc chiếm hữu Hoàng Sa, Việt Nam đã thực hiện từ thế kỷ 16, việc vua Gia Long ra Hoàng Sa long trọng đặt bia chủ quyền, cắm cờ, bắn đại bác chỉ là hình thức công bố chủ quyền đối với Hoàng Sa của Việt Nam theo thủ tục, tiêu chí của phương Tây mà thôi.

Trong cuốn sách viết về vùng Đông Ấn "Storia delle Indie Orientale" (Lịch sử Đông Ấn) của Felice Ripamonti, in năm 1825 tại Milano, Ý, trong phần Libro XXII từ trang 124 đến 143 dành riêng viết về Đàng Trong và trên trang 127 đã viết: "Thuyền trưởng các tàu buôn phải thường xuyên qua lại vùng này vì thích nhập cảng Hội An hơn, cảng này không xa thủ đô Huế. Những người đi biển ở ba cảng này (tức Huế, Hội An và Đà Nẵng) là những người lão luyện nhất của quốc gia này và hàng năm có chuyến đi biển đến chuỗi đảo và bãi đá nhỏ có tên là Hoàng Sa (Paracel) nằm cách bờ biển Đàng Trong khoảng 20 - 30 dặm". Ở đây tác giả cuốn sách muốn nói đến các Đội Hoàng Sa dưới thời Triều Nguyễn hàng năm đã ra Quần đảo Hoàng Sa tuần tra, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền, khai thác tài nguyên. Cuốn sách này hiện được lưu trữ tại Thư viện Trường Đại học Michigan của Mỹ.

Trong cuốn sách "Geografia moderna universale" (Bách khoa Địa lý hiện đại) của G. R. Pagnoi xuất bản năm 1823 tại Florence, trong tập III viết về Ấn Độ, Trung Hoa và Đông Dương, đã giành nhiều trang từ 182 đến 212 để viết về Vương quốc An Nam (Isole del l" Annam) mà trong các trang 207 và 208 đã nói đến Hoàng Sa (Paracel), Cù Lao Chàm (Callas), Côn Đảo (Polo Condor), Đảo Nghi Sơn (Bientson). Cuốn sách này hiện được lưu giữ tại Thư viện ở Firenze, Livorno, Roma của nước Ý.

Trong cuốn sách "A. Balbi"s Allgemeine des geographischen Wissens" xuất bản bằng tiếng Đức năm 1842, cũng đã dành nhiều dòng nói về Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cuốn sách này hiện được lưu giữ tại Thư viện Astor, New York của Mỹ.

Về bản đồ địa lý, đã có hàng chục nhà thám hiểm, nhà hàng hải, giáo sĩ phương Tây vẽ về Quần đảo Hoàng Sa, nhưng đáng lưu ý nhất là bản đồ Karte von Hinter Indien und den Ostindischen Inseln (Bản đồ Ngoại Ấn và các đảo Đông Ấn) của tác giả E. G. Ravenstein, in năm 1874 dưới thời vua Tự Đức mà trên đó ghi rõ ràng Paracel In (zu Annam ) có nghĩa là Quần đảo Hoàng Sa thuộc An Nam.

Quan trọng nhất trong các tư liệu của phương Tây nói về Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là cuốn sách "La souveraineté sur les archipels Paracels et Sparley" (Chủ quyền trên các Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) của Nữ luật sư Công pháp Quốc tế Monique Chemillier Gendreau, người Pháp, xuất bản năm 1996. Bà đã khẳng định:

"Như vậy, qua việc xem xét kỹ lưỡng các tư liệu do Trung Quốc nêu ra thì thấy rằng các tài liệu tham khảo này chứng minh sự hiểu biết từ lâu về sự hiện diện của nhiều đảo nhỏ nằm rải rác đó đây trong biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Nhưng chúng không cho phép đi xa hơn và không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng Trung Quốc có lẽ là nước đầu tiên phát hiện, khai phá, khai thác và quản lý hai quần đảo này.

Đó là kết luận cho phép gạt bỏ những lời khẳng định rườm rà trong nhiều sách hay bài viết khi xem xét các yếu tố được đưa ra để ủng hộ một danh nghĩa lâu đời có lợi cho Trung Quốc.

Ngược lại từ đầu thế kỷ XVIII, các bằng chứng về cai quản của An Nam đã được xác lập tốt.

... Đặt mình vào thế kỷ XVIII, người ta có thể bảo vệ được rằng cho tới thời điểm đó, sự tồn tại của các đảo Paracels đã được biết đến một cách rộng rã

i rằng Trung Quốc không thể viện dẫn bất kỳ sự chiếm hữu nào phù hợp các tiêu chuẩn đã được nêu lên ở trên, rằng cuốn sách của Lê Quý Đôn ( "Phủ Biên Tạp Lục" khắc in năm 1776) ở Việt Nam là tư liệu đầu tiên nêu lên các hành vi tương ứng với một sự quản lý nhất định quần đảo, đó là sự quản lý có niên đại từ những năm đầu của thế kỷ XVIII.

Như đã thấy ở phần trên, các tư liệu của Trung Quốc không cho phép xác định là đã có sự thụ đắc chủ quyền lãnh thổ cho đến đầu thế kỷ XVIII.

Cuối cùng, người ta nhận thấy rằng khi Trung Quốc viện lý về chế độ chư hầu để đòi các quyền của Việt Nam đã giành được phụ thuộc về Trung Quốc (khi luận chứng về vấn đề chư hầu đã bị loại bỏ). Trung Quốc chỉ còn lại việc công nhận rằng các quyền đã được thụ đắc thực sựTrong khi đó các quyền này chỉ là của Việt Nam".

Thêm vào đó, trong buổi phát sóng vào tối ngày 1 tháng 1 năm 1999 trên đài phát thanh RFI của Pháp, Nữ luật sư Công pháp Quốc tế Monique Chemillier Gendreau đã phân tích những diễn biến gần đây trên Quần đảo Trường Sa và đã khẳng định: "Việt Nam là quốc gia duy nhất có đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với Quần đảo Trường Sa và Quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc không hề có cơ sở lịch sử vững chắc để đòi hỏi chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông".

Như vậy, việc Trung Quốc đã dùng vũ lực để đánh chiếm toàn bộ Nhóm An Vĩnh ở phía đông Quần đảo Hoàng Sa vào tháng 4 năm 1956 và đánh chiếm toàn bộ Nhóm Nguyệt Thiềm ở phía tây Quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19 tháng 1 năm 1974 là vi phạm Luật pháp Quốc tế về Chủ quyền, vi phạm Hiến chương Liên hiệp Quốc và vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

                                                                                                                                                       N.P.T
Chủ đề: Sự thật và chân lí không thể dảo ngược | Lượt xem: 1211 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Tổng số ý kiến: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm các ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==