Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 26/04/2024, lúc 2:16 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 22 » Nguyễn Ngọc Chương: Qua trầu cau tìm hiểu cội nguồn văn hóa Việt
4:21 PM
Nguyễn Ngọc Chương: Qua trầu cau tìm hiểu cội nguồn văn hóa Việt
Cuộc giới thiệu công trình nghiên cứu công phu gồm hai tập sách mang tên "Trầu cau - Việt điện thư” và "Trầu cau - Nguyên nhất thư” vừa được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, do Tạp chí Văn hóa nghệ thuật tổ chức đã mang đến cho người tham dự những bất ngờ về chân dung một nhà nghiên cứu hơn 30 năm miệt mài tìm hiểu cội nguồn văn hóa Việt qua một "vật thể” tưởng quá bình thường nhất: trầu cau.
Con đường bước vào khoa học của Nguyễn Ngọc Chương đầy bất ngờ, nhưng là bất ngờ chỉ có được ở một người hay ưu tư và giàu óc liên tưởng. "Suốt đời tôi, tôi không nhớ được bao nhiêu lần nhận chia trầu cau, và không bao giờ tôi để ý đến một sự việc quá bình thường đến vậy. Một hôm vào những năm 1970, một cô gái duyên dáng, dịu hiền, nết na, e thẹn vào nhà tôi mang đến chia trầu cau cho cô em gái của cô, đặt trên một đĩa sứ trắng. Cô vừa ra khỏi một lúc thì còi báo động và tiếng máy bay xa rồi to dần, chắc cô cũng đang vào hầm trú ẩn lúc này, hoặc nép vào một bức tường, một cái cổng không quen biết nào đó. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi, cái việc nghìn lần không gợi ý cho tôi một cái gì, thì lần này làm tôi tự hỏi: tại sao một hành động nhỏ như thế mà một thiếu nữ bất chấp cả máy bay siêu âm đến bắn phá và rải bom đạn. Hẳn có một cái gì”.

Hình như chỉ vậy, "hẳn có một cái gì" là nguyên cớ nảy sinh một ý tưởng: trầu cau là một mật mã văn hóa mà việc giải mã trầu cau sẽ thấy được cội nguồn văn hóa Việt Nam. Nguyễn Ngọc Chương đã bắt đầu hành trình khoa học của mình bằng một cắc cớ như thế! Trầu Cau Việt điện thư (1989) và Trầu Cau Nguyên nhất thư (2009) là thành quả rất đáng khích lệ của một đời lao động khoa học bền bỉ ấy.

"Miếng trầu là đầu câu chuyện”, nên trong văn hóa ứng xử của người Việt Nam, trầu cau giữ vị thế "đầu trò”. Lại nữa, "từ ngày ăn phải miếng trầu, miệng ăn môi đỏ dạ sầu đăm chiêu”, miếng trầu cũng còn là cầu nối của nhân duyên. Chẳng thế mà trầu cau luôn luyến quyện trong tâm hồn người Việt. Trầu cau nói hộ cho người ta cái nỗi lòng mình. Bởi vậy, khi trao hay nhận miếng trầu, người ta hiểu "miếng trầu ăn nặng bằng chì”. Cái nặng của tình, của nghĩa, và của cả một truyền thống dân tộc gắn liền với nó.

Nhưng tại sao lại phải là trầu cau? Tại sao lại là qua trầu cau mà vẻ đẹp của tâm hồn Việt Nam được lưu giữ, được tượng hình ? Chính cái "trí nhớ tiềm ẩn” của dân tộc bộc lộ qua "hình thể trầu cau” đã hướng Nguyễn Ngọc Chương đến nhận định: trầu cau là một biểu tượng văn hóa, biểu tượng trung tâm của văn hóa Việt. Vì vậy, có thể tìm hiểu văn hóa Việt Nam từ/ qua (và bằng) biểu tượng trầu cau, tức một cách tiếp cận văn hóa từ cổ mẫu (archétype), mà Nguyễn Ngọc Chương gọi là nguyên mẫu, là cái kết tinh cao nhất của biểu tượng (symbol).

Nghiên cứu mật mã trầu cau, Nguyễn Ngọc Chương đã lọc lựa và tập trung sự chú ý của mình vào mấy điểm : 1. Kiểu hôn nhân sóng ba : Tân - Lang - Lưu trong huyền thoại về trầu cau; 2. Màu thắm đỏ khi nhai cau - trầu - vôi với nhau; 3. Vai trò của cây cau, như là vị thế chủ chốt trong "quan hệ tay ba” kia, "thành phần chủ yếu về mặt ý nghĩa” của kết hợp, với đời sống văn hóa dân tộc. Xoay quanh ba vấn đề này để tiến hành giải mã, Nguyễn Ngọc Chương muốn xác tín giá trị văn hóa của trầu cau, và qua đó, dẫn dụ người đọc khám phá vẻ đẹp bí ẩn của văn hóa Việt.

Theo Nguyễn Ngọc Chương, biểu tượng cây cau, ở bề mặt, là cây thuộc họ cau cọ, cung cấp chất bột (bột nhúc, bột quang lang,…) nuôi sống con người ở trước thời kì văn minh cây lúa; ở bề sâu biểu tượng, đó là cây tộc mẹ, cây mẫu hệ trong văn hóa nhân loại. Bởi trong sự liên tưởng với màu máu thắm đỏ (khi nhai trầu), thì cây cau còn gắn với cây hiến sinh (trong lễ đâm trâu vẫn còn tìm thấy tàn dư ở các tộc thiểu số Tây Nguyên). Cây Gơnơng (nơng, nang là từ gốc chỉ cây cau) được dựng lên trong những dịp tế lễ trọng đại của đồng bào Srê Tây Nguyên. Đó là một cây nêu có hình dáng như cây cau, trồng ở giữa bãi hội dùng để buộc trâu hiến sinh. Khi đâm trâu, người ta lấy máu đó bôi vào cây nên cây còn được gọi là cây đỏ. Cây đỏ là giáo lý cho sự bỏ mình vì cộng đồng, biểu tượng cho lòng hỷ xả, sự biết ơn đối với tổ tiên tổ vật.

Như vậy, ở cấp độ liên tưởng này, biểu tượng trầu cau tìm được ý nghĩa xã hội của nó trong lễ hiến sinh. Cũng như trong bộ ba cau - trầu - vôi, lễ đâm trâu cũng được cấu thành bởi ba bộ phận : cây Gơnơng - dây cự li Bra (sợi thừng) - trâu, trong đó cây Gơnơng cũng giữ vai trò chủ đạo. Sự tương đồng giữa cây Gơnơng (là hình tượng của cây cau) với sừng trâu, ở chỗ cùng có sự phân chia đốt - sừng đã gợi liên tưởng cau và trâu mang cùng một bản chất. Biểu hiện khác biệt có chăng ở chỗ, cau là thực vật, biểu tượng của cây nguyên sinh, cây mẹ, mẫu hệ ; còn trâu là động vật, biểu tượng cho lớp con (như người Việt tự nhận mình là "min” (tức con trâu), người Srê tự nhận mình là "con Cau”), phụ hệ. Và chính ở chỗ này, Nguyễn Ngọc Chương đã có được một liên tưởng táo bạo: lễ đâm trâu không khác gì hơn là diễn lại cái tích chặt cây mẫu hệ để hình thành xã hội phụ hệ (như tích chặt cây Chu trong Đẻ đất đẻ nước, tích chặt cây Kơpô trong Đam Săn,…).

Đó là một tiết đoạn nhảy vọt trong quá trình phát triển tiệm tiến của lịch sử loài người : các tộc mẫu hệ nhánh sinh ra từ tộc mẫu hệ duy nhất bị phủ định để hình thành tộc phụ hệ. Biểu tượng trầu cau được đẩy về thời nguyên thủy để chỉ ra vết tích của cuộc đấu tranh từ hôn nhân sóng ba sang hôn nhân sóng đôi một vợ một chồng, tức là giai đoạn chuyển từ mẫu hệ sang phụ hệ.

Nguyễn Ngọc Chương đã huy động một dữ liệu khổng lồ các tàn dư văn hóa để giải mật mã trầu cau. Bằng óc liên tưởng tài tình và vốn kiến văn sâu rộng, ông đã chỉ ra một cách hệ thống dấu ấn của cau và trâu ở hầu hết các thời kỳ phát triển của văn hóa Việt Nam. Cau và trâu để lại dấu vết trong huyền thoại sinh nòi lập nước ; dấu tích trong văn hóa vật chất, văn hóa tổ chức đời sống xã hội; dư hưởng trong đời sống của đồng bào Trường Sơn - Tây Nguyên,…

Nếu những tàn dư trong sinh hoạt văn hóa còn đang ở giai đoạn manh nha có giai cấp, mang nhiều tàn tích của đời sống nguyên thủy, đã đặt biểu tượng trầu cau vào thời điểm tương ứng của sự sinh thành ra nó được ghi dấu trong huyền thoại (Sự tích Trầu Cau), khiến những liên tưởng trực tiếp và rõ ràng hơn thì những biểu tượng trầu cau trong các xã hội phát triển về sau, khi đã có hàng loạt những trầm tích văn hóa khác bồi phủ, liên tưởng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Cái tài của Nguyễn Ngọc Chương là ở chỗ đã kéo gần những biểu tượng tưởng rất xa nhau ấy. Đó là cái cách mà "con Cau” trở thành "nàng Kiều”, thành Tân Lang, "chàng mới” ; là làng Việt, những "kẻ la”, những "thập bát phù viên”, mười tám thôn vườn trầu, thành "lang miếu” triều đình ; là từ hình thể cây cau, cây hiến sinh thành Chùa Một Cột, thành cột Xã Đàn ; từ giàn trầu, vườn trầu biến thành tháp bà Kautara Pô-Nagar, tháp Pô-Klaun Garai trên đồi trầu Bôn-Hala ;… Và đến bài ca dao : "Con mèo mà trèo cây cau…” thì khó lòng mà phân biệt được đâu là văn hóa Trầu Cau Nam Á khởi thủy, đâu là văn hóa Dịch kinh "âm dương tiêu trưởng” mãi sau này mới phát triển.

Bên cạnh hình thể vật chất cụ thể trong các tàn dư văn hóa, ông còn nghiên cứu biểu tượng trầu cau dựa vào hình thể tinh thần siêu thoát trong ngôn ngữ văn tự. Sự kết hợp giữa phương pháp dân tộc học và ngôn ngữ học (ở đây chủ yếu là từ vựng học), đã từng tỏ ra rất thuyết phục trong các công trình nhân học văn hóa (đặc biệt là về hát đối đáp) của Nguyễn Văn Huyên, một lần nữa xuất hiện và đem lại hiệu quả trong những nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Chương. Đó là cách ông đi tìm chữ gốc (trong cả tiếng - phát âm và chữ - mẫu tự ghi hình) trong các ngôn ngữ Nam Dương (Môn - Khơme, Nam Đảo, Việt - Mường,…) và ngôn ngữ Ấn Âu để thấy được những biến thể của ngôn ngữ trầu cau. Đó là cái cách ông xử lý với các từ u (mẹ Đất), nang, nơng, sala, tamar (cây cau), mur (cuốn tròn) trong tên trầu mêlu, dệt nên huyền thoại về con thuyền Mêlukha, con thuyền của người trầu Melu, tổ tiên của những người Lưỡng Hà. Tất cả đều minh chứng cho một thời kì phát triển rực rỡ của nền văn minh trầu cau, nay đã bị nhấn chìm dưới các đại dương vùng Đông và Nam Á.

Là hậu duệ của văn minh trầu cau, Việt Nam đã lưu giữ được nhiều dấu tích văn hóa trầu cau, và trong quyển văn hóa ấy, cấu trúc nên bản sắc văn hóa của mình. Hai bộ ba trùng khít lên nhau : cau - trầu - vôi (của văn hóa mẫu hệ) và cây Gơnơng - dây cự li Bra - trâu (của văn hóa hiến sinh phụ hệ) trở thành cấu trúc cơ bản của văn hóa Việt Nam. Từ nguyên lý đốt - sừng, soi vào huyền thoại Việt Nam, Nguyễn Ngọc Chương cho rằng : nguồn gốc của người Việt (trong huyền thoại Trâu Sơn Giếng Việt) là rắn Vương Kinh Tử (rắn có đốt giống như cau), sinh ra bởi mẹ đất Trâu Sơn từ trong lòng bang giếng. Đó là thời kỳ mẫu hệ, với tín ngưỡng thờ mẫu trong Điện Mẫu. Khi cây mẫu hệ bị phủ định (Việt Vương chặt cây Chu trong Đẻ đất đẻ nước, Lạc Long chặt cây Xương Cuồng trong Lĩnh Nam trích quái, Đam Săn chặt cây Kơpô trong Đam Săn, …), mẫu quyền nhường bước trước nam quyền, Điện Mẫu nhường ngôi vị độc tôn cho Việt Điện, rắn Vương Kinh Tử của lòng mẹ chuyển sang rồng Kinh Dương Vương của uy quyền cha. Tuy vậy, cái độc đáo của văn hóa Việt Nam là quá trình phủ định ấy đã không thật triệt để, thờ mẫu vẫn trường tồn trong tâm linh người Việt.

Bên cạnh đền Hùng, tổ mẫu vẫn có vị thế của Tam tòa thánh Mẫu. Nó là tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm tính của người Việt, biểu thị cái "nguyên lý ỷ la”, dựa vào thiên nhiên, lấy nhu chế cương, lạt mềm buộc chặt, cốt sao cho có được sự hài hòa, êm thấm. Chính vì vậy mà qua biểu tượng trầu cau để đi tìm tính thống nhất (thực chất là tính trội) trong văn hóa Việt Nam, Nguyễn Ngọc Chương mới đi đến nhận định : "Văn minh Việt Nam trong vùng Nam Á trầu cau, cái không tính của bụng mẹ mẫu hệ, để sinh ra còn mang nhiều tàn dư, ý nghĩa của quan niệm khởi thủy. Tính thiện mẫu tử hằn vết trên nền suy tư Việt Nam là một thế mạnh về triết lý nhân sinh, về vũ trụ, để bồi đắp cái dương tính nam thời để cái mạnh dương tính đượm màu của cái nhân của tình thương, được ước lệ hóa như tình mẫu tử lúc ban đầu. Đó là tính cách Việt Nam, đồng thời là thế mạnh thế thiện để đi lên”.

Có thể nói, Nguyễn Ngọc Chương có đầy đủ phẩm tính của một nhà dân tộc học xuất sắc. Ông có óc liên tưởng, chuyên tâm điền dã sưu tầm, lại là người có tài năng phát hiện, trong đó có những phát hiện độc sáng. Nhưng cái ông thiếu là một sự chuẩn bị để trở thành nhà khoa học. Sự nghiệp khoa học đến với ông đã trễ tràng lại còn quá bất ngờ, rồi sau đó, bị quyết định bởi cảm xúc và ý thức tự nhiệm với ý tưởng của mình. Ông viết trong cảm xúc, như là cho mình, cho một nhóm bạn xung quanh mình. Nên ông gọi là tùy bút. Mà đã vậy thì khó lòng đòi hỏi ở đó cái khắt khe nghiệt ngã của khoa học, nó sẽ làm chết yểu cái mộng mơ của ý tưởng. Song xét đến cùng, nếu bỏ qua những tiểu tiết, chỉ đánh giá giả thuyết và cái hệ hình được đưa ra để triển khai cái giả thuyết ấy thì một sự tư biện như Nguyễn Ngọc Chương là một bài học quý về phương pháp nghiên cứu khoa học, là cái mà nghiên cứu văn hóa ở ta còn đang yếu và thiếu.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Chương sinh năm 1920 tại phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang;

Giang; nguyên quán phủ Quốc Oai, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).

Học Đại học Nhân dân khóa I

1956 - 1980, công tác tại Vụ Bảo tồn, Bảo tàng, Bộ Văn hóa (nay là Cục Di sản văn hóa).

Ông mất năm 2008, trong một cơn bạo bệnh, khi cuốn sách thứ hai "Trầu cau - Nguyên nhất thư” còn ở dạng bản thảo.

Trong khi đó, cuốn "Trầu cau Việt điện thư” khởi in năm 1980 do Ty Văn hóa Hà Nam thực hiện, cho đến nay đã tái bản lần thứ ba.

ĐOÀN ÁNH DƯƠNG          
Nguồn: nhandan.org.vn
Chủ đề: Nhân kiệt | Lượt xem: 805 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Tổng số ý kiến: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm các ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==