Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 26/04/2024, lúc 0:55 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 19 » Lễ Hội Bà Rịa - Vũng Tàu
10:45 PM
Lễ Hội Bà Rịa - Vũng Tàu

Lễ Hội Bà Rịa - Vũng Tàu

LỄ HỘI NGHINH ÔNG - VŨNG TÀU

Nghinh Ông Vũng Tàu là một trong những lễ hội được Bộ văn hoá Thông tin và Tổng cục Du lịch chọn trong 15 lễ hội lớn của cả nước năm 2000.

 

Lễ hội Nghinh Ông và tục thờ cá Ông (cá voi) bắt nguồn từ dạng tín ngưỡng vật tổ cư dân vùng ven biển nước ta, phổ biến rộng rãi từ vùng biển Thanh Hoá đến tận Kiên Giang.

 

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, bà con cư dân ở các làng cá đều tổ chức Lễ hội Nghinh Ông: Xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), xã Phước Hải, Phước Tỉnh, Long Hải (huyện Long Đất), Ðình Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam (TP.Vũng Tàu)... trong đó tiêu biểu nhất là Lễ hội Lăng Ông - đình Thắng Tam.

 

Theo truyền thuyết, tục thờ cá Ông được xuất phát từ tín ngưỡng của dân tộc Chăm: "Vị thần tên là Cha-aih-va, vì quá nôn nóng trở về xứ sở sau thời gian khổ luyện phép thuật, đã cãi lại thầy của mình và tự ý biến thành cá Voi.

 

Từ đó, mỗi khi có thuyền lâm nạn vị thần đều nâng đỡ và đưa người lâm nạn vào bờ". Truyền thuyết dân gian của dân tộc Kinh thì cho rằng: "Cá Voi do Phật Quan Âm Bồ Tát xé chiếc áo cà sa thành muôn mảnh thả trên mặt biển để cứu vớt chúng sinh đi biển bị lâm nạn".

 

Trong lịch sử triều Nguyễn có ghi lại: Khi Chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu ngoài đảo Phú Quốc (Kiên Giang) bị bão lớn, thuyền sắp đắm, ông đã cầu nguyện và được cứu thoát nạn. Sau khi phục quốc lên ngôi, vua Gia Long (tức Chúa Nguyễn Ánh) phong cho cá Voi là "Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần"

 

Những người dân vùng ven biển tôn vinh cá Ông (cá Voi) thành một vị thần rất đỗi thiêng liêng, là chỗ dựa tinh thần mỗi khi gặp sóng to gió lớn, thuyền bị đắm, con người bị hiểm nguy đe doạ.

 

Lễ hội Nghinh Ông đình Thắng Tam được tổ chức vào ngày 16, 17, 18 tháng 8 âm lịch hàng năm. Trong Lăng Ông còn lưu giữ nhiều bộ xương cá Ông, bộ xương sớm nhất được đưa vào năm 1868, khi cá Ông dạt tới bãi biển Thùy Vân, thành phố Vũng Tàu. Bộ xương này nặng khoảng 4 tấn và có chiều dài khoảng 30 mét. Hiện nay, Lăng Ông còn giữ được hai sắc thần được phong vào năm 1846 và 1850 dưới triều Tự Đức

 

Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức với sự tham dự của nhân dân trong vùng. Lễ hội bắt đầu từ sáng sớm với một đoàn người gồm các vị kỳ lão, kỳ hương... lên một chiếc ghe lớn (có trang trí hoa, cờ, bàn thờ và bài vị thuỷ tướng, có đoàn nhạc ngũ âm, chiêng, trống và đội múa lân rộn ràng) đi đến địa điểm đã định rồi dâng hương, rượu.

 

Sau đó, đoàn thuyền về bến rước Ông đến lăng, tiếp đến là các lễ cúng Tiền Hiền, Hậu Hiền, đọc văn tế, sắc phong, học trò dâng trà, hoa, rượu...

Đến với lễ hội, du khách còn được thưởng thức các tiết mục: Võ thuật, múa lân, hát Bội... cùng với nhịp điệu hoà âm của chiêng, trống trong khói hương nghi ngút.

 

Lễ hội Nghinh Ông là dịp cho ngư dân cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống được no ấm thịnh vượng, hạnh phúc trường tồn. Lễ hội Nghinh Ông còn là nơi cho mọi người tưởng nhớ đến việc báo nghĩa, đền ơn, uống nước nhớ nguồn

 

Tổ chức 3 ngày, từ ngày 10 đến 12 tháng 2 âm lịch. Cũng như "Chúa Hòn" ở Kiên Giang, "Núi Sam" ở An Giang, tên gọi "Dinh Cô" ở Long Hải đã trở nên quen thuộc với khách thập phương.

 

Là ngôi miếu nhỏ thờ một trinh nữ chết nước, nằm trên mỏm đồi lộng gió ở bãi tắm Long Hải. Dinh Cô được dựng lên bằng lòng tin, sự tín ngưỡng vốn có lâu đời trong nhân dân. Tương truyền, 186 năm trước, xác một người con gái khoảng 16 tuổi dạt vào bãi, tên cô là Lê Thị Hồng Thuỷ, quê ở Phan Rang, theo cha Lê Văn Khương dong ghe bầu xuôi ngược Trung - Nam để đánh bắt cá và trao đổi hàng đan lát bằng tre. Mỗi lần ghe bầu qua vùng biển Long Hải, Cô nhìn cảnh sơn thuỷ hữu tình, thường ao ước được ở lại đây chung sống. Một đêm bão tố, trời chiều lòng Cô, đưa Cô theo sóng biển dạt vào, nằm lại trên bãi cát trắng xoá, nơi mà Cô từng mong ước. Cát đùn lên che chở, sóng vỗ muôn nghìn lời ru cho Cô yên giấc. Dân làng xem Cô là nữ thần thiêng liêng nên lập mộ trên đồi, dựng miếu thờ bên cạnh. Đầu tiên chỉ là một nấm mộ đất, miếu tre lá. Miếu và mộ thay đổi dần theo sự linh ứng ngày càng lan rộng. Một lần (vào khoảng năm 1966), miếu phát hoả, được trùng tu thành ngôi đền khang trang hơn. Đầu năm 1990, Dinh Cô lại được trùng tu bằng kinh phí quyên góp của khách thập phương, trở thành một dinh thự kiên cố như hiện nay.

 

Từ khi có Dinh Cô để hương khói, ngư dân Long Hải có thêm sức mạnh tinh thần trong lồng ngực để đương đầu với vất vả, gian nan. Thành tích của mình, dân làng thường gán cho Cô, dệt thành nhiều huyền thoại thi vị, chú yếu là chuyện Cô ứng linh ứng giúp người hiền vượt khó khăn. Sự tôn kính dành cho Cô đã trở thành tập quán của người Long Hải, trong đó ẩn chứa khát vọng và niềm tin về cuộc sống thanh bình, thịnh vượng.

 

Hàng năm, lễ hội thường mở trong 3 ngày (10 - 11 - 12 tháng 2 âm lịch), suốt cả ngày cả đêm. Hàng chục vạn khách thập phương từ miền Tây, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Thuận... lũ lượt kéo về Long Hải dự "Giỗ Cô", chen chúc nhau trong rừng dương, trên bãi cát, ở những hành lang, khoảng trống để nghỉ qua đêm, dự trọn 3 ngày hội. Có người phải đến trước mấy ngày mới mong kiếm được chỗ trọ. Có gia đình mang theo cả con cái cả đồ dùng nội trợ để ăn nghỉ tại chỗ. Đêm buông màn, rừng dương lao xao, sóng biển rì rào, lấp loáng trăng, lồng lộng gió... cảnh hữu tình khiến người ta quên vất vả mà vui với cuộc hành hương mang tính chất dã ngoại.

 

Từ rạng sáng ngày 10 tháng 02 âm lịch, người ta đã bắt đầu viếng Cô. Mỗi người thường cầm trong tay một nhành huệ trắng tượng trưng cho sự thanh khiết. Giới trẻ ham vui, các cụ già sùng tín đều chen nhau vượt 187 bậc đờ để dâng hương xin lộc nơi chính điện. Đêm 10 và 11 là đêm hội hoa đăng. ánh đèn sáng rực hoà cùng ánh trăng. Hàng vạn ghe thuyền quay mũi về Dinh chầu Cô, tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng thâu đêm.

 

Lễ chính được tổ chức từ rạng sáng ngày 12. Từ chính điện, đoàn người chỉnh tề cờ quạt ra bãi, lên thuyền, ra khơi làm lễ "Nghinh Cô". Lễ "Nghinh Cô" được cử hành long trọng. Vị Chánh bái dẫn đầu, đoàn học trò lễ tiếp bước, có cờ xí, lọng che, hoa đăng rực rỡ. Một chiếc ghe to đặt bày hướng án được xem là ghe dành "Nghinh Cô". Ghe được hộ tống bởi vài chục chiếc ghe khác. Đoàn ghe nối nhau ra khơi trong tiếng chiêng trống vang trời. Đến Mũi Nhỏ, nơi có ngôi mộ Cô, đoàn người xuống ghe lên viếng mộ, nghênh đón Cô về Dinh. Đặc biệt, trong lễ "Nghinh Cô", còn duy trì được hình thức diễn xướng "Hát bả trạo". Theo TS Tôn Thất Bình, "Hát bả trạo" có nghĩa là hát có nắm mái chèo, một thể loại dân ca nghi lễ phổ biến của cư dân vùng biển từ Bình Trị Thiên (cũ) đến Bình Thuận. Ngư dân thường tổ chức hát bả trạo trong nghi lễ đưa ma Cá Ông. ở Long Hải, hát bả trạo lại gắn với lễ "Nghinh Cô". Hình thức diễn xướng không khác hát bả trạo của cư dân vùng biển Nam Trung bộ, cũng có tổng khoang (hoặc tổng thương), tổng mũi, tổng lái và đám bạn chèo từ 12 đến 16 người. Các bạn chèo và các tổng đề trong trang phục cổ truyền, vừa hát vừa diễn (xướng - xô) mô phỏng thao tác của người đi biển vượt ngàn trùng sóng gió. Chỉ khác ở nội dung bài hát ngưỡng vọng Cô (thay vì ca ngợi, thương tiếc Cá Ông) và lời nguyện cầu cho trời lên biển lặng, tôm cá đầy khoang. Làn điệu và bài hát cho thấy hát bả trạo Nghinh Cô ở Long Hải phóng khoáng và trữ tình hơn lối hát "nặng nỗi âu lo" của vùng biển Nam Trung bộ. Câu lối của một tổng mũi ở Quảng Nam

 

Thú vị nhất của khách hữu tình không phải ở nội điện, mà là toàn cảnh bãi Long Hải trong những ngày hội rộn ràng, đứng ở hành lang của chính điện, có cảm giác như đang ở vùng giao thoa giữa biển và trời, giữa đời thực và hư, giữa sóng biển dập dềnh như đang dệt lụa và Dinh Cô trong thế "phục long" đang muốn bay lên. Bởi vậy, đến Dinh Cô trong ngày hội không chỉ có người sùng tín mà còn có những văn sĩ, thi nhân và các đôi trai gái đi tìm rung cảm cho con tim.

__________________

LỄ HỘI DINH CÔ

Lễ hội Dinh Cô:Dinh Cô là một công trình kiến trúc uy nghi, được xây dựng trên một diện tích rộng lớn vào cuối thế kỷ XVIII, nằm bên sườn đồi nhỏ, trước mặt là bãi biển Long Hải. 
Theo truyền thuyết kể rằng: cách đây 200 năm có một cô gái trẻ tên Lê Thị Hồng (tục danh là Thị Cách) quê ở Phan Rang trên đường đi qua đây thuyền gặp giông bão, cô bị rớt xuống biển tử nạn, xác trôi dạt vào Hòn Hang. Nhân dân vùng này đã chôn cất cô trên đồi Cô Sơn và lập đền thờ gần biển. 
Từ đó cô luôn hiển linh, mộng báo điềm lành, diệt trừ dịch bệnh nên vào năm 1930 ngư dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn xưng cô là "Long Hải Thần Nữ Bảo An Chánh Trực Nương Nương Chi Thần", đền thờ được dời đến chân núi Kỳ Vân chính là Dinh Cô ngày nay. Tại đây vào các ngày 10, 11, 12 tháng 2 âm lịch hàng năm đều có lễ hội lớn.

Hàng ngàn du khách từ khắp nơi xa gần đổ về Long Hải để tham dự lễ hội và dâng hương tưởng niệm vong hồn vị Thần Nữ linh thiêng. Các ngư dân lớn tuổi trong trang phục cổ truyền điều khiển buổi lễ theo đúng nghi thức truyền thống. Họ cầu nguyện cho năm mới tốt lành, đánh bắt được nhiều cá tôm và cuộc sống an bình. (internet)

__________________

LỄ HỘI NAM HẢI

Lễ hội Nam Hải: Lễ hội "Nam Hải Đại tướng Quân" Danh hiệu Cá Ông do vua Thiệu Trị ban tặng được tổ chức trùng với ngày Vía (ngày mất) của cá. Lễ hội kéo dài trong 3 ngày, từ 16 đến 18 tháng 8 âm lịch hàng năm. 
Lế hội gồm có lễ cúng Ông, lễ nghinh Ông (đón cá). Nhiều ghe thuyền trang trí lộng lẫy, thắp đèn sáng trưng chạy vòng biểu diễn ngoài biển.

Những hình thức tế lễ cá Ông mang đậm màu sắc riêng của cư dân miền biển, nhưng trong lễ hội người ta cũng dành một buổi cúng Tiền Hiền, một buổi tế Thần Linh như việc tổ chức cúng lễ trong đình làng. (internet)

__



________________

Lễ hội đình thần Thắng Tam

Theo truyền thuyết đình thần Thắng Tam thờ chung cả ba người đã có công xây dựng nên ba làng Thắng ở Vũng Tàu. Hằng năm lễ hội đình thần Thắng Tam được tổ chức trong 4 ngày, từ 17 đến ngày 20 tháng 2 âm lịch.

Đây là lễ hội cầu an, là thời điểm kết thúc và mở đầu cho một mùa thu hoạch tôm cá. Phần lễ hội diễn ra rất cầu kỳ: cúng tế, lễ vật tế thần, dâng hương… Phần hội có nhiều trò chơi giải trí như múa lân, hát bội…

Lễ hội đình thần Thắng Tam là một hoạt động văn hóa đặc sắc của người dân miền biển Vũng Tàu.

 

Nguồn: saigontoserco

__________________

Lễ Hội Trùng Cửu

Tổ chức 1 ngày, từ đêm 8 đến ngày 9 tháng 9 âm lịch.

Lễ hội Trùng Cửu 9/9 âm lịch hàng năm, diễn ra tại Nhà Lớn Long Sơn đây là lễ cầu an, là lễ hội cầu cho vạn dân bá tánh được mạnh khoẻ an lành, lễ hội diễn ra vào đêm mồng 8 và ngày 9/9 âm lịch. Đêm 8/9 gọi là lễ Tiên Thường kỉnh mặn (cúng mặn) chủ yếu là các sản vật do các bá tánh mang vào kỉnh (cúng), và ngày 9/9 gọi là Chánh Giỗ kỉnh chay (cúng chay), lễ hội không tổ chức linh đình như nhiều lễ hội khác chủ yếu là đi dâng hương, nguyện cầu khấn vái, và tưởng nhớ đến công đức của ông Trần.

Tuy nhiên vào những ngày này hàng vạn du khách thập phương hội tụ về đây, đặc biệt là người ở các tỉnh Miền Đông và Miền Tây Nam Bộ, tự xem mình là tín đồ của đạo Ông Trần. Du khách đến đây có thể tìm thấy những điều mới lạ mà người dân nơi đây đã tạo ra theo ý muốn và ước vọng của họ, bổ sung cho kho tàng hiểu biết của mình. (Nguồn: Sách hướng dẫn du lịch Việt Nam)

Chủ đề: Lễ hội miền Nam | Lượt xem: 726 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==