Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 5, ngày 28/03/2024, lúc 10:39 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 20 » Lễ Hội Đồng Tháp
1:39 PM
Lễ Hội Đồng Tháp

Lễ Hội Đồng Tháp

Lễ hội Gò Tháp

Lễ hội Gò Tháp là lễ hội lớn và quy mô nhất Đồng Tháp, tổ chức mỗi năm 2 lần vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch. Từ 10 năm nay lễ hội Gò Tháp đã trở thành một lễ hội tầm cỡ ở các tỉnh Nam Bộ..

Lễ hội Gò Tháp là lễ hội lớn và quy mô nhất Đồng Tháp, tổ chức mỗi năm 2 lần vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch. Từ 10 năm nay lễ hội Gò Tháp đã trở thành một lễ hội tầm cỡ ở các tỉnh Nam Bộ. Cứ mỗi độ lễ hội, dường như nhịp sống của người dân huyện Tháp Mười cũng khác đi, cũng hối hả, nhộn nhịp theo từng đoàn khách thập phương từ các nơi lũ lượt kéo về với đủ mọi phương tiện : tàu, ghe, xe lam, xe khách...

Về dự lễ hội đặc sắc Gò Tháp, trước hết bạn có thể thăm các di tích cổ : Gò Tháp Mười, Tháp Cổ tự, miếu Bà Chúa Xứ... sau đó còn được hoà mình vào không khí lễ hội dân gian, được thưởng thức các hoạt động văn hoá nghệ thuật. Hai lễ hội đầu và cuối năm ở Gò Tháp đều tấp nập hàng chục ngàn du khách từ TP.HCM và các tỉnh lân cận về đây cầu tài, cầu lộc và hành hương đi lễ. Từ chiều 14 đến rạng sáng 16 tháng 3 âm lịch là lễ hội tưởng niệm Bà Chúa Xứ, tương truyền là nguời có công lao khai phá, tạo dựng và phát triển vùng này. Từ chiều 14 đến rạng sáng 16 tháng 11 âm lịch là lễ tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Dương (Võ Duy Dương) và Đốc binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều).

Lễ hội ở Gò Tháp có 2 phần rõ rệt : phần nghi thức cúng lễ và phần hội hè. Ngoài các lễ cúng chính trong mỗi kì hội như cúng Bà chúa xứ, cúng Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều còn có một số lễ phụ khác như : cúng Thần nông, lễ cầu an, lễ thỉnh sinh... Mỗi nội dung lễ cúng có nghi thức hành lễ không giống nhau nhưng có nét chung nhất là đều có bài văn tế do bô lão chánh bái vừa đọc vừa diễn; kèm theo là các tiết mục lễ nghi phụ họa như : dàn nhạc lễ réo rắt, dâng trà, rượu, hương... Nội dung văn tế là ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân hay cầu khẩn đất trời cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trong khi đó, phần hội hè có nhiều tiết mục vui chơi giải trí rất hấp dẫn như múa hát, trò chơi dân gian, hát bội, đấu võ... khiến bạn như quên đi những lo toan của cuộc sống hằng ngày để hoà vào không khí lễ hội nô nức, rộn ràng vui tươi...

Điều lý thú ở lễ hội Gò Tháp là bạn có thể được ăn cơm chay miễn phí trong nhà chùa nhờ có đội ngũ tình nguyện viên phục vụ và hàng tấn gạo, rau quả do khách thập phương mang đến. Điều này đã tạo điều kiện cho rất nhiều bà con nghèo và ở những nơi xa về đây tham dự. Ngoài ra, tại khu hội chợ, bạn còn có thể mua được nhiều đặc sản hay hàng hoá của địa phương về làm quà cho gia đình, bè bạn... Nhờ sự tổ chức chu đáo của chính quyền, ý thức của nguời đi lễ và tính tự quản của nhân dân địa phương mà lễ hội Gò Tháp đông hàng chục vạn nguời hằng năm vẫn luôn diễn ra yên ổn và trật tự.

Đáp ứng được nhu cầu tâm linh của mọi tầng lớp, du lịch văn hoá tín ngưỡng tại lễ hội Gò Tháp là hình thức du lịch hấp dẫn, độc đáo mà bạn không nên bỏ qua. Đến với lễ hội Gò Tháp là bước vào hoạt động văn hoá tổng hợp, đan xen và hòa lẫn vào nhau : giữa vật chất và tinh thần, giữa tín ngưỡng và văn hoá, giữa cái thiêng liêng và cái đời thường, giữa cổ xưa và đương đại... Lễ hội Gò Tháp mang đậm tính chất dân gian và in dấu ấn một thời mở cõi, phản ánh những khát vọng và ước mong tha thiết của người nông dân Đồng Tháp Mười. Được đến thăm các di tích kiến trúc, được cầu nguyện, được chứng kiến các sinh hoạt văn hoá văn nghệ truyền thống, đó chính là nguyên nhân cuốn hút ngày càng đông khách đến tham dự lễ hội Gò Tháp từ xưa đến nay.

_________________________

Hội đình Tân Phú Trung

Cách thị trấn Châu Thành 17 km, đình Tân Phú Trung tọa lạc trên khuôn viên rộng 3.000 m2, giữa một vùng quê trù phú, cây trái xum xuê của xã Tân Phú Trung, tỉnh Đồng Tháp.

Là một trong những ngôi đình cổ của Đồng Tháp, đình được xây dựng vào giữa thế kỉ XIX và được vua Tự Đức phong sắc Thành Hoàng Bổn Cảnh vào ngày 16/04/1858 âm lịch.

Đình có kiến trúc theo kiểu cổ, mái xây theo hình chữ "Đại", lợp ngói kiểu ống xưa, trên ngói có hình tượng lưỡng long tranh châu. Cột kèo của đình làm bằng gỗ quý, được chạm trổ tinh vi.

Trong đình có nhiều bức liễn đối, hoành phi được chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng, nét chữ sắc sảo. Nghi thờ trước thở Quan Thánh Đế, nghi thờ sau ở giữa thờ Thánh Hoàng Bổn Cảnh và hai bên thờ những nguời đã đóng góp công lao cho đình làng.

Hằng năm, hội cúng đình được tổ chức vào các ngày từ 10 đến 17 tháng 4 âm lịch (năm chẵn) hoặc các ngày 12, 13 tháng 5 âm lịch (năm lẻ) để suy tôn Thành Hoàng và những người có công lập làng. Vào dịp này, nhân dân trong xã và các xã lân cận đến dự rất đông vui, tấp nập, cùng nhau cầu nguyện mưa thuận gió hoà, mùa màng thắng lợi.

_________________________

Hội đình Định Yên

Đình Định Yên được xây dựng vào năm Canh Tuất 1909 tại ấp An Lợi A, xã Định Yên, huyện Lấp Vò để ghi nhớ công ơn ông Phạm Văn An, người đầu tiên khai hoang lập ấp nơi đây.

Đình được lợp ngói đại ống, các kỳ, kèo, cột được chạm trổ hoa văn đầu rồng, lân lộng lẫy. Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng các câu đối, cân liễn, bao lam sơn son thếp vàng rực rỡ, cẩn ốc xà cừ, chạm hoá long, lưỡng sen, mẫu đơn và các bức tranh sơn thuỷ ca ngợi đất nước và con người... Chánh điện của đình thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, hai bên tả, hữu thờ các vị Tiền hiền. Trước sân đình là những bồn hoa, cây dương cổ thụ cao vút, làm cho khung cảnh nơi đây thêm phần thơ mộng.

Thế nhưng điều hấp dẫn nhất đang chờ du khách thập phương khám phá chính là hội cúng đình Định Yên. Hằng năm vào các ngày 16,17 tháng 4 và 15, 16 tháng 11 âm lịch, tại đây diễn ra lễ cúng đình rất long trọng để tưởng nhớ ông Phạm Văn An và những người có công khai hoang, lập nên làng xã. Nếu đến thăm đình Định Yên vào đúng dịp này, bạn sẽ được chứng kiến đầy đủ những nghi thức truyền thống của một hội cúng đình như : đội kỵ mã, đội lân, đội lính hầu, học trò lễ, chiêng, trống, nhạc, lễ... Một lần tham dự hội cúng đình Định Yên chắc chắn sẽ mở ra trước mắt bạn nhiều điều thú vị, làm phong phú thêm vốn hiểu biết về lễ hội cổ truyền dân tộc.

Nguồn: cuocsongviet

Chủ đề: Lễ hội miền Nam | Lượt xem: 823 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==