Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 29/03/2024, lúc 6:36 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 19 » Lễ Hội Hưng Yên
9:29 PM
Lễ Hội Hưng Yên

Lễ Hội Hưng Yên

LỄ HỘI ĐỀN CHỮ ĐỒNG TỬ - HƯNG YÊN

Lễ hội đền Chử Đồng Tử: Lễ hội Chử Ðồng Tử hàng năm diễn ra trong 3 ngày từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 3 âm lịch tại đền thờ Chử Ðồng Tử thuộc làng Ða Hoà, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội hơn 20 km. 
Ðức Thánh Chử Ðồng Tử là một trong "Tứ bất tử" của người Việt- một anh hùng văn hoá và anh hùng khai phá (chinh phục đầm lầy, mở mang nghề nông, phát triển buôn bán...). 
Sau lễ khai mạc ôn lại truyền thuyết về cuộc đời và những hoạt động của đức thánh Chử Ðồng Tử và nhị vị phu nhân là lễ rước nước. 
Ði đầu đám rước là 2 con rồng vàng lộng lẫy do 10 người điều khiển uốn lượn theo nhịp trống phách. Ðoàn rước kiệu là đội tế nữ với xiêm y đẹp, đủ màu sắc. Ðám rước có ban nhạc lễ, kiệu thánh, bát bửu, kíp chấp, ché đựng nước. Ðoàn rước ngồi trên hàng chục chiếc thuyền ra đến giữa sông múc nước đổ vào ché rồi quay về đền để làm lễ tắm tượng. 
Sau lễ dâng hương là các trò vật võ, đánh gậy cờ người, múa sư tử, hát chèo... (Internet)

___________________________________

LỄ HỘI RƯỚC NƯỚC TRÊN SÔNG HỒNG - HƯNG YÊN

Lễ rước nước trên sông Hồng: Hằng năm, từ ngày 10 đến 12-2 âm lịch, nhiều xã ven sông Hồng thuộc huyện Châu Giang (Hưng Yên) đều tổ chức lễ rước nước, trong đó lớn nhất phải kể đến lễ rước nước của xã Dạ Trạch và Bình Minh với hàng nghìn người tham dự. Từng đoàn thuyền bơi từ xã sang bãi Tự Nhiên, nơi xưa kia chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung lần đầu gặp gỡ, rồi quây thành vòng tròn ở giữa sông để lấy nước đổ vào chóe, dùng làm nước thờ cả năm. 
Cứ vào dịp từ ngày 10 đến 12-2 âm lịch hàng năm, nhân dân các xã Bình Minh, Mễ Sở, Dạ Trạch thuộc huyện Châu Giang (Hưng Yên) thường tổ chức lễ hội tưởng nhớ đức Thánh Chử Đồng Tử. Cũng có năm không mở hội lớn nhưng lễ rước nước rất đặc sắc thì năm nào cũng được tiến hành trên một dải sông Hồng, theo truyền thuyết là nơi diễn ra cuộc hội ngộ có một không hai giữa chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung. 

Dọc theo hai bên tả hữu sông Hồng nhiều nơi có đền thờ Chử Đồng Tử nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là các đền Dạ Trạch (thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch), n_ bên đầm Dạ Trạch (tương truyền là nơi Chử Đồng Tử hóa) và đền Đa Hòa (thôn Đa Hòa, xã Bình Minh) n_ trên bờ sông đối diện bãi Tự Nhiên là nơi xưa kia Chử Đồng Tử và Tiên Dung lần đầu gặp gỡ. Cả hai đền này đều có tổ chức lễ rước nước với nghi thức gần giống nhau trong cùng một ngày mồng 10-2 âm lịch. Theo tục lệ, nước dùng để cúng bái trong cả năm phải là nước được lấy ở giữa sông Hồng. Mỗi đám rước thường rất đông, có đến cả vạn người tham dự. Những người trực tiếp tham gia vào công việc của lễ như đội tế, đội múa sênh tiền, đội múa rồng, đội khiêng kiệu, v.v. được gọi là các giai đồ. So về quy mô thì đám rước nước từ đền Dạ Trạch có lẽ lớn hơn vì có sự tham gia đông đảo của các xã khác như Đông Tảo, Yên Phú, Liên Nghĩa, v.v. đặc biệt các xã thuộc tỉnh Hà Tây có thờ Thánh Chử Đồng Tử cũng tham dự lễ rước nước cùng với Dạ Trạch như xã Tự Nhiên (Thường Tín), xã Vĩnh Khang (Phú Xuyên). Còn đám rước nước từ đền Đa Hòa tuy cũng có rất đông khách thập phương nhưng về quy mô thì chỉ có chín làng (xưa kia thuộc tổng Mễ Sở) trực tiếp tham gia, gọi là lễ hàng tổng. Đi đầu các đám rước là một hoặc hai con rồng vàng lộng lẫy uy nghi uốn lượn theo nhịp trống phách. Tiếp đó đến đội tế nữ của các bà, các cô trong làng ăn mặc xiêm áo rực rỡ, thứ đến bát bửu chấp kích, đội múa bồng vừa đi vừa đánh trống vừa múa thật rộn rã, rồi đến kiệu thánh và kiệu rước chóe để lấy nước sông Hồng. Đám của Dạ Trạch rước đến bảy kiệu, bao gồm: kiệu Long Đình, kiệu Thánh Chử Đồng Tử, kiệu bà cả Tiên Dung, kiệu Hồng Vân, đặc biệt có kiệu gậy - nón và kiệu Ông Bế, sau cùng là kiệu rước chóe. Gậy - nón và Ông Bế là những vật thờ độc đáo của đền Dạ Trạch. Trong đền, gậy và nón (theo truyền thuyết là những vật dụng Chử Đồng Tử dùng để hóa phép ra lâu đài, thành quách) được thờ ở ban phía bên hữu và Ông Bế, hay còn gọi là Bế Ngư được thờ ở ban bên tả. "Bế Ngư thần quan" là tượng một con cá hóa rồng bằng gỗ dài hơn 1m sơn son thếp vàng rực rỡ, biểu hiện niềm mong mỏi chế ngự sông nước của những ngư dân vùng đầm lầy Dạ Trạch. 

Dân làng kể rằng thuở xưa trong đầm có những con cá chép lớn đến nỗi trẻ chăn trâu bơi lội còn cưỡi được cả cá, sau 18 năm liền vỡ đê Văn Giang không còn thấy được những con cá lớn ấy nữa. Đám rước nước vừa đi vừa múa trong nhịp trống phách, khi ra đến bờ sông, tất cả các kiệu được chuyển lên đoàn thuyền trang trí cờ xí đèn hoa lộng lẫy đã chờ sẵn. Cả hai làng đều có làm một thuyền rồng lớn có một lầu ở giữa, gọi là du thuyền, để diễn lại cảnh nàng Tiên Dung thuở nào đi du ngoạn trên sông. Chiếc du thuyền uy nghi chèo ở giữa, các thuyền khác diễu chung quanh, sắc màu rực rỡ, âm nhạc vang lừng. Đoàn thuyền của Đa Hòa bơi sang bãi Tự Nhiên, rồi quây thành một vòng tròn ở giữa sông để một cụ già đức độ (được làng chỉ định từ trước) cầm gáo dừa sơn đỏ múc từng gáo nước đổ vào chóe. Còn đoàn thuyền của Dạ Trạch sau khi gặp với đoàn thuyền của xã Tự Nhiên bên kia sông cùng nhau diễn cảnh Tiên Dung du ngoạn xuống đến tận Hàm Tử rồi mới quay về lấy nước ở giữa dòng sông đoạn ngang làng Vĩnh. Chóe nước sông Hồng đầy ắp được các đoàn rước đưa trở về đền để dùng làm nước thờ cúng quanh năm.

Lễ rước nước là một nghi thức tâm linh rất đặc sắc biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của những cư dân sống với nền văn minh lúa nước ven sông Hồng. Hầu như mọi thủ tục, mọi hoạt động trong lễ rước này như múa rồng, rước cá, chèo thuyền, rước nước, v.v. đều có liên quan nước - một yếu tố rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Thông qua nghi thức này, nhân dân muốn cầu cho mưa thuận gió hòa để cấy cày thuận lợi, đặng "lấy đầy bát cơm". Lễ hội đền Chử Đồng Tử thôn Đa Hòa và đền Dạ Trạch năm nay nằm trong chương trình du lịch quốc gia "Việt Nam - điểm đến của thiên niên kỷ mới". Lễ rước nước trong hội Chử Đồng Tử sẽ cùng diễn ra ở cả hai xã Bình Minh và Dạ Trạch vào ngày 15-3 (tức ngày 10-2 âm lịch). (Internet)

___________________________________

LỄ HỘI ĐỀN MẪU - HƯNG YÊN

Lễ hội đền Mẫu: Đền Mẫu nằm trên địa bàn phường Quang Trung, thị xã Hưng Yên. Đây là một trong những danh lam thắng cảnh đẹp nhất của Phố Hiến. Bên phải đền là hồ Bán Nguyệt, phía trước là sông Hồng, Bến Đá - nơi thuyền cập bến buôn bán tại Phố Hiến xưa. 
Đền Mẫu thờ bà Quý Phi họ Dương nhà Tống (Trung Quốc), được người đời tán xưng là Dương Thiên Hậu, Mẫu Nghi Thiên Hạ. Theo truyền thuyết, vào thế kỷ XIII khi quân Nguyên xâm lược nhà Tống, vua và hoàng tộc xuống thuyền chạy về phương Nam. Vì không chịu khuất phục trước sự truy bức của quân Nguyên, vua Tống và một số người trong hoàng cung nhảy xuống biển tự tận. Thi thể của Dương Quý Phi trôi dạt về vùng cửa sông Phố Hiến, được nhân dân chôn cất chu đáo. Người nội thị của triều đình Bắc quốc là quan thái giám họ Du trong cơn loạn lạc tới Phố Hiến, được nhân dân địa phương giúp đỡ đã tập hợp những người Hoa lánh nạn hưng công xây dựng đền thờ, lập làng Hoa Dương. Khi thái giám mất, dân làng tôn làm thành hoàng làng, ngôi mộ được giữ gìn trong khuôn viên của đình Hiến. 
Qua nhiều lần trùng tu, quy mô đền như hiện nay là lần tu sửa năm Thành Thái thứ 8 (1897), kiến trúc hoàn chỉnh gồm: tam quan, thiên hương, tiền tế, trung từ, hậu cung. Tòa tiền tế, trung từ có nhiều bức cốn chạm khắc đề tài tứ linh, tứ quý. Hậu cung có tượng Dương Quý Phi cùng hai người hầu là Kim Thị và Liễu Thị, niên đại thế kỷ 17-18. Tượng Quý Phi được tạo tác sống động, nét mặt trang nghiêm, đôn hậu. Dưới ban thờ có dấu tích một cái giếng nhỏ. Tương truyền giếng vốn là "rốn biển”, khi biển lùi xa để lại dấu tích cùng với hồ Bán Nguyệt cho nên nước giếng luôn đầy vơi theo nước hồ. Trong đền lưu giữ nhiều di vật quý như kiệu võng, long đình, long sàng, long kỷ có niên đại thế kỷ 18-19 và 15 đạo sắc phong từ triều Lê đến Nguyễn, cùng nhiều bức hoành phi, câu đối, đại tự ca ngợi tấm gương trung trinh tiết liệt của Quý Phi. 
Đền Mẫu cũng nổi tiếng bởi có cây sanh, si, đa cổ thụ ngót tám trăm năm ở phía trước cửa đền. Ba thân cây quấn lấy như hòa vào làm một, thân rễ quấn quýt làm thành thế kiềng ba chân vững chãi, cành lá vươn cao xum xuê che phủ cho toàn bộ ngôi đền, tạo ra cảnh trí thâm nghiêm huyền bí. 
Lễ hội truyền thống đền Mẫu tổ chức từ ngày 10 đến 13 tháng 3 âm lịch. Mở đầu là buổi tế long trọng do các quan viên làng Mậu Dương thực hiện. Hôm sau tổ chức rước nước từ sông Hồng về làm lễ mục dục. Buổi rước sôi động nhất là rước liềm và rước du. 
Rước liềm tổ chức vào ngày 12/3, đám rước xuống đình Hiến và trở về đền chính. Đi đầu là cờ, trống chiêng, long đình, bát bửu, lộ bộ, có đội múa lân, múa rồng. Đám rước đi một đoạn thì dừng lại để biểu diễn múa cờ. Bốn thanh niên cầm 4 cờ, múa theo nhịp trống, lúc nhanh, lúc chậm. Sau mỗi tiếng trống, người múa cờ "hứ” một tiếng to và dài (nên được gọi là trò "tùng hứ”). 
Đám rước du được tổ chức vào ngày hôm sau. Đám rước đi quanh phố. Đi trong đám rước cũng như hôm rước liềm. Trong đám rước, rồng vàng uốn lượn từ đầu đến cuối đám rước, có múa "Con đi đánh bồng”. Đám rước đi đến đâu hai bên đường các gia đình đốt pháo nổ không dứt. 
Trong ngày hội, sân đền tổ chức thi đấu cờ, quân cờ là nam thanh nữ tú. Tổ chức thi đấu tổ tôm điếm, chọi gà; buổi tối hát chầu văn. (internet)

___________________________________

LỄ HỘI NAM TRÌ - HƯNG YÊN

Lễ hội Nam Trì là lễ nghi tôn giáo tế Thần có từ thời thượng cổ. Lễ hội vừa mang tính tín ngưỡng dân gian vừa là văn hóa cộng đồng làng xã. Thời thượng cổ việc tế Thần phức tạp hơn như phải tế vật sống (Tam sanh). Ngày nay thủ tục này không còn nữa. Sau các Thần ở đây được tôn làm Thành Hoàng nên lễ được tổ chức theo nghi thức tế Thành Hoàng. Đây là lễ hội chung của ba làng Nam Trì, Đới Khê và Bảo Tàng. Lễ hội tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm, kéo dài năm ngày: ngày 8/3 quét dọn hai khu đền miếu, rước Thần đến sở Công đồng làm lễ yết cáo xong rước đi các nơi làm lễ tắm Thánh. Ngày 9/3 là ngày lễ chính. Ngày 10/3 làm lễ lại, lễ đón Cao Vương. Ngày 12/3 thì cả ba làng làm lễ tạ. Các ngày tế lễ là các ngày sinh, ngày hóa của các vị Thần Bảo, Lang, Biền, Công chúa, hai vị phu nhân, ngày húy nhật của Thánh phụ Thánh mẫu, ngày Khánh hạ (các ngày 4/6, 8/6 và 12/8), lễ Tam sanh (các ngày Đinh tháng 2, tháng 8). Lễ vật ngày lễ chính gồm trâu, bò, lợn, gà, xôi rượu và bánh mật (trâu, lợn đen tuyền mua của những gia đình vợ chồng song toàn). Hội là ca hát 10 ngày, đánh cờ, đấu vật. Khi rã đám thì ba làng phải cùng dọn đình Ba Xã để rước thần về đó làm lễ. Lễ vật ngày sinh của 2 vị phu nhân là lễ chay gồm hoa quả, xôi, rượu. Các lễ tế khác thì biện lễ tuỳ nghi, thỉnh cả Thánh phụ, Thánh mẫu. Ngày hành lễ cấm mặc quần áo màu tía, kiêng tên húy các vị Thần và Thánh phụ, Thánh mẫu. (internet)

Nguồn: saigontoserco

Chủ đề: Lễ hội miền Bắc | Lượt xem: 989 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==