Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 4, ngày 24/04/2024, lúc 3:34 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 20 » Lễ Hội Ninh Thuận
1:02 PM
Lễ Hội Ninh Thuận

Lễ Hội Ninh Thuận

LỄ YÔH YANG - NINH THUẬN

Thời gian: Ngày 1 tháng 7 theo lịch Chăm (khoảng 25/9 - 5/10 dương lịch) 
Địa điểm: đền tháp Pô Nagar (thôn Hữu Đức), tháp Pô Klông Garai (phường Đô Vinh, tháp Chàm), tháp Pô Rôme (thôn Hậu Sanh), tỉnh Ninh Thuận. 
Đối tượng tôn vinh: các vị Nam thần: Pô Klông Garai, Pô Rôme. 
Đặc điểm: theo nghi lễ của dân tộc Chăm. Lễ hội Katê của người Chăm diễn ra trong 3 ngày trên một không gian rộng lớn, lần lượt từ đền tháp (Bi môn, Ka lan) đến làng (Paley) và từng gia đình (Nga wôm), tạo thành một dòng chảy phong phú, đa dạng.

 

Đây là một lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá của cộng đồng người Chăm. Lễ hội không chỉ gắn với đền tháp cổ kính - nơi lưu giữ những giá trị kỹ thuật và mỹ thuật cao nhất của nền văn hoá Chăm mà còn gắn tới lĩnh vực khác của văn hoá: đồ cúng tế, y phục, nhạc cụ; những bài thánh ca, ca ngợi các vị vua hiền có công với nước với dân. Lễ hội còn là dịp để những người tham dự được thưởng thức một nền nghệ thuật ca - múa - nhạc dân gian với phong cách độc đáo. Những người tham dự lễ hội được hoà cùng điệu múa của các cô thiếu nữ Chăm, say sưa cùng tiếng trống Gi năng, kèn Saranai. Lễ hội Katê là minh chứng về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hoá của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

 

Lễ hội Katê của người Chăm ở Ninh Thuận diễn ra ở 3 đền tháp trong cùng ngày, cùng giờ. Các nghi lễ cơ bản giống nhau về nội dung, nghi thức hành lễ. Tiến hành lễ hội gồm có:

 

Thầy cả sư trụ trì đền tháp làm chủ lễ,

Thầy kéo đàn Kanhi hát thánh ca,

Bà bóng dâng lễ vật lên các vị thần,

Ông từ chủ trì lễ tắm tượng,

Cùng một số tu sĩ Bà la môn phụ lễ.

 

Lễ vật dâng cúng Katê tại đền tháp bao gồm:

 

1 con dê,

3 con gà làm lễ tẩy uế ở tháp,

5 mâm cơm, canh cúng với thịt dê,

1 mâm cơm với muối vừng,

3 ổ bánh gạo và hoa quả.

Ngoài ra còn có rượu, trứng, trầu cau, xôi chè...

 

Lễ hội Katê gồm có 2 phần: Phần lễ và phần hội. Trình tự theo các bước:

 

Ngày thứ nhất: đón rước y phục của nữ thần Pô Nagar ở thôn Hữu Đức

Ngày thứ hai: lễ hội Katê ở các tháp Chăm

 

Phần lễ

 

Lễ đón rước y phục (thường từ 7 giờ sáng)

Lễ mở cửa tháp (diễn ra tại 3 đền, tháp)

Lễ tắm tượng thần (diễn ra trong 3 đền, tháp)

Lễ mặc y phục cho tượng thần (tại 3 đền, tháp)

Đại lễ (thường bắt đầu từ 9h sáng kéo dài đến 11h trưa tại 3 đền, tháp)

 

Phần hội

 

Ngày thứ ba:

 

Lễ hội Katê ở làng

 

Sau khi lễ hội Katê ở tháp kết thúc thì không khí lễ hội lại bùng lên ở các làng Chăm. Trước ngày lễ dân làng phân công nhau quét dọn đền thờ, ngôi nhà chung của làng, chuẩn bị sân khấu, sân bãi...

 

Cùng thời gian đó một bộ phận khác lại chuẩn bị lễ vật cúng thần.

 

Buổi sáng ngày thứ ba, một người làm lễ cúng Katê ở ngôi nhà chung của làng để cầu mong thần phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt. Mỗi làng Chăm thờ một vị thần riêng. Trong lễ cúng tế thần làng, chủ tế lễ không phải là chức sắc tôn giáo mà thường được dân làng tôn vinh hoặc người có uy tín và tinh thông phong tục tập quán. Ông thay mặt cho dân làng cúng lễ vật cho thần và cầu mong thần phù hộ cho dân làng. Nếu như lễ hội Katê nặng về phần lễ ở các đền tháp thì tại làng phần lễ đơn giản hơn phần hội. Đó là các trò như thi dệt vải (làng Mỹ Nghiệp), thi đội nước, đá bóng, văn nghệ...

 

Vào cuối buổi chiều thì cuộc vui kết thúc, hội Katê ở làng cũng vãn. Mọi người về nhà để tiến hành lễ Katê gia đình.

 

Lễ Katê ở gia đình

 

Kết thúc lễ Katê ở làng là lễ Katê ở các gia đình mới bắt đầu. Nghi lễ này phụ thuộc điều kiện kinh tế của từng gia đình, nếu có thì tổ chức nếu không thì thôi.

 

Chủ lễ cúng Katê là người trong gia đình hoặc là người lớn tuổi trong tộc họ. Vào ngày lễ, mọi thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ, cầu mong tổ tiên, thần linh phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn. Đây cũng là dịp ông bà, cha mẹ, giáo dục con cháu kính trọng tổ tiên. Cũng dịp này các gia đình đều chuẩn bị bánh trái mời người thân tới thăm viếng chúc tụng nhau. Cả làng đều ngập tràn niềm vui, thân thiện, tình đoàn kết xóm giềng. Hầu như tất cả đều quên đi những vất vả, lo âu của đời thường để tận hưởng những phút giây tràn đầy hạnh phúc.

___________________________________

LỄ HỘI PAPĂN KALANG PÔ YANG IN - NINH THUẬN

Hàng năm, vào thứ bảy tháng 11 (lịch Chăm) hàng năm, một dòng tộc Yang In ở Ninh Thuận mặc trang phục truyền thống dân tộc, tập trung tại một bãi đất rộng đầu làng thực hiện nghi lễ thả diều cầu phúc cho con cháu khỏe mạnh, hạnh phúc, mùa màng bội thu. Lễ tục này đồng bào gọi là Papăn Kalang Pô Yang In.

 

Theo quan niệm của đồng bào Chăm, cánh diều sẽ là sợi dây liên lạc hai thế giới âm, dương để báo cáo tình hình làm ăn sinh sống của con cháu cho tổ tiên đồng thời cầu xin tổ tiên ban phúc lành cho năm tới. Cánh diều quê vừa mang giá trị văn hóa vừa gợi nét thanh bình hiện vẫn được đồng bào Chăm gìn giữ.

 

Cánh diều đựợc thiết kế theo giới tính nam và nữ mang hình thoi, có hai túi tròn, tượng trưng cho bộ phận sinh dục. Khung thân dài 1,5 m, cánh dài 0,6 m, rộng 1,4 m được làm bằng tre và buộc dây mây. Mặt trước cánh diều dán giấy đỏ, mặt sau dán tờ giấy ghi ngày con cháu thực hành nghi lễ và sử lược về Ngài Pô Yang In do ông Kadhar thảo bằng chữ Chăm. Diều nam đựợc gắn sáo hai tầng và ba cái đuôi dài chừng 5 m bằng lá buông to bản. Dây buộc diều là dây màu (dây rừng) được tết vặn thừng, dài 50 - 100 m, cuộn trong khung gỗ hình chữ H. Diều nữ chỉ lớn bằng một phần ba diều nam, không có túi, không dán giấy viết sự tích Poo Yang, sáo diều một tầng.

 

Trong khi thả diều, ông Kadhar (trưởng bản) dâng lễ vật gồm:chuối, trứng, trầu cau, rượu, thịt dê hay chè xôi... và làm phép mời Ngài Pô Yang In về chứng giám cho lòng thành của con cháu. Lễ vật này tượng trưng cho sự thịnh vượng phát đạt của con cháu trong một năm làm ăn.

 

Trong không khí đượm mùi trầm hương từ chiếc lư đồng tỏa ra, bà con dòng tộc Yang In nâng cánh diều từ trong rạp đi ra rồi thả dây. Chiếc diều đã được gắn ống sáo nên khi lên cao, gặp gió mạnh phát ra âm thanh vi vu. Đồng bào cho rằng, diều lượn càng uyển chuyển, tiếng sáo càng thanh chứng tỏ sự hưởng ứng của các bậc thần linh càng nhiều. Vừa thả diều, họ vừa kéo đàn kanhi vừa hát bài ca về Pô Patao Yang In và Chay Tathun... Con cháu dòng tộc Yang In thả diều từ sáng đến tối mịt mới thu diều về, bóc giấy, cắt khung để sang năm mang ra dán giấy tiếp tục thả.

___________________________________

LỄ HỘI KATÊ - NINH THUẬN

Lễ hội Katê là lễ hội lớn nhất của đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Bà La Môn được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 7 lịch Chăm nhằm khoảng 25/9 đến 5/10 dương lịch (tháng 9 âm lịch) để tưởng nhớ các vị Nam thần như Pô Klong Garai, Pô Pôme... Lễ hội diễn ra trên một không gian rộng lớn, lần lượt từ đền tháp đến làng rồi về từng gia đình tạo thành một dòng chảy phong phú, đa dạng.

 

Một ngày, trước khi lễ hội chính thức diễn ra tại các đền tháp thì tại thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận có tổ chức lễ đón rước y trang từ người Raglai tại đền Pô Nưgar. Theo truyền thuyết, người Raglai là em út của người Chăm có nhiệm vụ giữ gìn y trang để mỗi năm trao lại cho người Chăm. Các lễ hội Katê đều có sự tham dự của người Raglai với các điệu múa đặc sắc dâng lên thánh thần.

 

 

 

Vào ngày thứ hai, lễ diễn ra tại Tháp Pô klong Garai nằm trên ngọn đồi Trầu thuộc phường Đô Vinh và tháp Pô Rôme trên đồi " Bôn acho" tại thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu. Trong buổi lễ này người Chăm sẽ thực hiện nghi thức tắm và mặc y trang cho vua. Đây là nghi thức kỳ bí nhất diễn ra bên trong tháp. Mở đầu là vị cả sư và ông từ giữ tháp làm lễ mở cửa tháp sau đó đoàn người gồm cả sư, bà bóng, thầy kéo đàn Kanhi và các giáo đồ trung tín tiến vào tháp. Vị cả sư cầm lọ nước thánh có pha trầm hương tưới lên tượng thần ( tượng thần bằng đá dưới hình thể Mukhalinga - linga hình mặt người). Lễ mặc y trang cho vua diễn ra ngay sau đó nhịp nhàng theo các câu hát của thầy kéo đàn Kanhi. Thầy kéo đàn Kanhi kết thúc bài hát đầu tiên thì cả sư, bà bóng... đã mặc xong váy cho vua. Cứ như thế y trang lộng lẫy được khoác lên tượng ngài theo các lời hát. Nghi lễ tắm và mặc y trang cho nhà vua diễn ra thành kính đầy tính tâm linh. Những người được tắm cho vua còn thấm nước trên tượng ngài bôi lên đầu mình để cầu may mắn, sức khỏe. Thầy kéo đàn Kanhi là người giữ nhịp cho buổi lễ, mỗi bài thầy hát đều mang một ý nghĩa tín ngưỡng và tưởng nhớ tổ tiên.

 

Vào ngày thứ ba, lễ hội diễn ra tại làng Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Làng Mỹ nghiệp có tên Chăm là Caklaing, theo truyền thuyết đây là nơi sinh ra vị vua Chăm Pô Klong Garai. Làng còn có một nghề dệt thủ công truyền thống nổi tiếng có lịch sử phát triển lâu đời. Trong ngày Hội Katê, làng Chăm Mỹ Nghiệp tổ chức Lễ dâng cúng thần làng, tổ sư nghề dệt và tổ tiên. Trong ngày hội họ còn tổ chức nhiều trò chơi như thi dệt vải, đội nước, đá bóng, văn nghệ...

 

Khi lễ Katê ở làng kết thúc thì lễ Katê gia đình mới được tổ chức. Trong thời gian này gia đình nào có điều kiện thì mới tổ chức, nếu gặp lúc kinh tế khó khăn thì có thể mỗi dòng họ cử một gia đình để tổ chức, chứ không nhất thiết gia đình nào cũng cúng lễ Katê. Chủ lễ cúng Katê là người trong gia đình hoặc là người lớn tuổi trong tộc họ. Vào ngày lễ này mọi thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ cầu mong tổ tiên thần linh phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, tránh rủi ro, gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống. Đây cũng là dịp ông bà, cha mẹ giáo dục cho các thế hệ con cháu nhớ ơn, kính trọng tổ tiên. Trong dịp lễ này, mỗi gia đình cũng chuẩn bị bánh trái mời họ hàng, bạn bè đến thăm viếng, chúc tụng nhau.

 

Có thể nói lễ hội Katê chính là dịp cho người Chăm phô bày sắc thái văn hóa của dân tộc mình. Chính vì vậy lễ hội Katê không chỉ đem đến cho người dự hội những vẻ đẹp của Tháp Chăm cổ kính, những sản phẩm của nghề trồng lúa và đi biển thông qua lễ vật dâng cúng mà nó còn trình diễn trước công chúng một nền ca- múa - nhạc dân gian giàu bản sắc riêng.

___________________________________

LỄ HỘI CẦU MƯA CỦA NGƯỜI CHĂM - NINH THUẬN

Lễ hội cầu mưa của người Chăm Ninh Thuận: Ninh Thuận là dải đất cận cuối Nam Trung Bộ, có khí hậu khô ráo nhất Việt Nam do vị trí địa lý đặc biệt, có nhiều dải núi che chắn, chặn đường đi của gió mùa Tây Nam và Đông Bắc nên rất ít mưa, mỗi năm chỉ có khoảng 60 ngày mưa trong ba tháng, lượng mưa trung bình hàng năm rất thấp (695mm/năm). 
Miền đất này là nơi cư trú, sinh sống của hơn 6 vạn đồng bào dân tộc Chăm với những truyền thống, tập tục và bản sắc văn hóa độc đáo. 
Lễ hội Cầu đảo (cầu mưa) Palau Sah là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng của người Chăm nhằm tôn vinh thần cai quản nông nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa, diễn ra vào ngày 16 tháng 5 âm lịch hàng năm hoặc những khi mưa trễ, hạn hán nặng nề. Lễ hội này thường tổ chức ở các đền tháp Chăm và ở các cửa biển cho chung cả hai cộng đồng Chăm Ahier (Bà-la-môn) và Chăm Awal (Hồi giáo). 
Lễ Palau Sah do các vị chức sắc, tu sĩ, thầy cúng Chăm tổ chức và làm chủ lễ nhằm tế cúng các vị thần Chăm Bà- la- môn như Yang Bimon-Yang Aklak, các vị thần Chăm Hồi giáo như Yang Birow – thánh Alla cùng các vị thần sông, thần núi, thần biển, thần sấm… 
Cách đây vài mươi năm, địa điểm hành lễ cầu đảo tại các cửa biển ở Ninh Thuận gồm cửa biển Mỹ Tân (Ninh Hải), cửa biển Lâm Ngư (Ninh Hải) và cửa biển Cà Ná (Ninh Phước). Thời gian tiến hành nghi lễ cầu mưa diễn ra cùng một lúc. Tại cửa biển Cà Ná do chức sắc và dân làng thuộc vùng Tháp Pô Rômê cúng lễ. Tại cửa biển Mỹ Tân thì do chức sắc và dân làng thuộc đền Pô Nưgar phụ trách. Tại cửa biển Lâm Ngư việc cúng lễ do chức sắc và dân làng vùng tháp Pô Klong Garai đảm trách. 

Lễ cầu đảo Palau Sah có các tiểu lễ sau: 
- Rija Harei (lễ múa ban ngày) được diễn ra trong một nhà lễ thô sơ bằng tre nứa, mái lợp tranh hướng về phía mặt trời lặn. Lễ vật gồm 1 con gà, 5 mâm cơm, canh cá và cá khô, 3 mâm chuối, hai mâm trầu, rượu, trứng và 5 mâm chè xôi. Lễ do các thầy cúng (Ka-in), thầy vỗ trống (Basanưng) hát mời các vị thần núi (Po Cơk), thần biển (Po Riyak), thần chèo thuyền (Po Tang Ahuak), và đặc biệt là thần thủy lợi Po Klong Garai… Khi Mưduôn (thầy vỗ trống Basanưng) hát ngợi ca tiểu sử, đức độ, công lao các thần thì thầy bóng múa phụ họa theo tiếng khoan nhặt của trống Ginăng, Basanưng, kèn Sanarai. Dân làng tham gia lễ hội cũng đồng múa. 
- Rija Dayuap (lễ cúng ban đêm), lễ này tổ chức vào ban đêm do các thầy cúng và các bà bóng (Muk Pajau) thực hiện. Lễ vật gồm 1 con dê, 5 mâm cơm, xôi chè, trầu cau, rượu trứng, bánh trái… Các vị chủ lễ hát mời các thần về chứng giám và hưởng phẩm vật tế lễ. 
- Cuh Yang Apui (lễ tế thần lửa) – do các tu sĩ (Paseh) thực hiện, đây là lễ cúng tế các thần Chăm ở đền tháp và thần lửa (Yang Apui), để cầu thần lửa đem lại sấm, chớp, mây, mưa… Ý nghĩa lễ này giống như lễ "đốt thần lửa” trên các đền tháp Chăm. Có nghĩa là cũng cầu xin, thúc giục Yang Apui tạo ra mưa gió, sấm chớp… 
- Gay Bhong (lễ rước gậy thần). Lễ này do nhóm tu sĩ Chăm Hồi giáo thực hiện rất long trọng. Gậy lễ rao giảng kinh Coran được rước từ thánh đường đến cửa sông, cửa biển để cầu mưa. Lễ vật gồm 5 mâm xôi, chè, chuối. Các tu sĩ đọc kinh Coran, cầu thánh Alla về hưởng lễ, dân làng van vái, cầu khấn thánh Alla ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. 
Ngoài lễ hội cầu đảo tổ chức chung rất trọng thể, các làng người Chăm còn tổ chức riêng lẻ các lễ hội cầu mưa cho làng mình, thường vào tháng 4 Chăm lịch. Các thần được cúng tế là Po Nai (nữ hoàng Chăm), thần sóng biển (Riyak)… Các lễ hội này lôi cuốn cả dân làng tham gia rất tưng bừng, nhộn nhịp trở thành ngày hội của các palei (làng, thôn) Chăm. 

Sau lễ hội cầu đảo thường có mưa xuống, dân làng vỡ đất cày cấy, xuống giống trên các đồng ruộng, nương rẫy. Một màu xanh đầy sức sống bao phủ lên khắp đồng bằng, rừng núi. Nhưng lo, tránh mưa nhiều gây ngập lụt, người Chăm khi mưa xuống sau lễ cầu đảo còn tổ chức "lễ chặn nguồn nước” (Kap Kruang). Lễ này được thực hiện tại cửa sông lớn như sông Hinh ( Phú Yên) sông Cái (Nha Trang), sông Dinh (Phan Rang)… Lễ diễn ra ở cả hai cộng đồng người Chăm Ahier và Awal với nghi thức khá trọng thể. Lễ vật là 5 mâm cơm và chè xôi. Người Chăm rước gậy lễ (Gay Bhong) của Mohamach ở trong thánh đường đến cửa sông. Có 9 tu sĩ Po Acar (Hồi) mặc áo đen hành lễ. Họ đọc kinh Coran, cầu nguyện đấng Alla xin đừng cho mưa lũ nhiều, gây lụt lội tàn phá mùa màng, nhà cửa, thôn xóm. Kết thúc lễ, tất cả các Po Acar ở trần lội xuống sông làm lễ "té nước”. 
Nghi lễ "chặn nguồn nước” này ngoài các vị chức sắc, tu sĩ hành lễ còn có rất đông đảo tín đồ, nhân dân cùng chung dòng nước dâng nhiều phẩm vật tham gia cúng lễ.

Lễ Palau Sah không những là lễ hội cầu mưa đơn thuần mà nó còn là dịp tập trung các chức sắc, tu sĩ, bà con của hai cộng đồng Chăm Bà-la-môn và Chăm Hồi giáo cùng nhau chung mục đích cúng lễ, cầu mong nhân dân được ấm no, mùa màng tốt tươi, tránh được các bệnh tật. Thời điểm vào mùa hè cũng là thời điểm khắp nơi ở các làng Chăm miền Nam Trung bộ sôi nổi, nhộn nhịp vào mùa trẩy hội. Trong cái nắng nhiệt đới oi bức; trong những cơn gió cát dọc dài ven biển… những lễ hội truyền thống của bà con dân tộc Chăm mang đậm đà bản sắc văn hóa, như những cơn mưa mang đến cho đất đai, con người sự sung mãn và những mùa màng tươi tốt, bội thu. (internet)

 

Nguồn: saigontoserco

Chủ đề: Lễ hội miền Nam | Lượt xem: 808 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==