Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 29/03/2024, lúc 3:41 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 19 » Lễ Hội Phú Thọ
9:06 PM
Lễ Hội Phú Thọ

Lễ Hội Phú Thọ

LỄ RƯỚC THÁNH TẢN VIÊN - PHÚ THỌ

Nghi thức đầu tiên của lễ hội được tiến hành vào đêm 30 tết, là lễ rước Thánh Tản qua sông Đà để ngài về thăm bố vợ. Một ông lái đò, được chọn trước theo các tiêu chuẩn: khoẻ mạnh, gia thế đề huề, có đạo đức tốt, và chay tịnh để bảo đảm trong sạch hàng tuần trước ngày lễ. Sau lễ tế tại đình, lễ tiễn tiến hành tại bến đò làng Khê Thượng. Người lái đò trong lễ phục màu đỏ chèo chiếc đò không, sang bến đò Bộ thuộc xã Thạch Đồng, huyện Tam Thanh, Phú Thọ. Mọi người đều hiểu Đức Thánh đã lên đò, sang sông. Đức Thánh không đi một mình, mà có nhiều quân, quan hộ tống, nên người chèo đò đưa con đò đi lại ba lần qua sông. Khi người lái đò "thấy" Đức Thánh và đoàn quân của ngài đã sang sông hết, mới đốt tràng pháo báo tin. Cuộc hành lễ đã xong. Dân làng kéo về nhà đón năm mới.


Khớp với lễ rước Chúa Ông bên làng Khê Thượng, ở làng Triệu Phú bên Hy Cương, Phong Châu, Phú Thọ có lễ hội rước tiễn Chúa Bà theo chồng về núi Tản Viên. Tương truyền rằng từ trước Tết, bà Ngọc Hoa đã xin phép chồng về thăm bố mẹ. Đến khi Sơn Tinh (Thánh Tản) sang tết bố vợ thì đón luôn vợ trở về. Bà Ngọc Hoa ra đi rất bịn rịn. Đoàn kiệu về đến làng Triệu Phú, bà không chịu đi nữa, Thánh Tản dỗ mãi không được phải vào làng bảo dân làng tổ chức trò vui bách nghệ khôi hài và trò rưóc để bà Ngọc Hoa vui vẻ lên đường...Và, tiếp tục rước Chúa Bà lên làng Triệu Phú, ở Khê Thượng tiến hành lễ đón Chúa Ông vào rạng sáng mồng 2 tết.

 

Sau lễ là đến hội. Hội Khê Thượng diễn ra tưng bừng từ mồng 3 tết, các dân làng chung quanh cũng nô nức đến tham dự. Các trò chơi dân gian được tổ chức để trai gái đua tài, đua sức: chọi gà, đấu vật, đánh cờ, rồi hát tuồng, diễn chèo...suốt ngày, suốt tối. Trong số các trò chơi suốt cả tuần đầu mùa xuân, thì trò đấu vật thờ Thánh được đặc biệt chú ý. Tục này được giữ gìn như một nghi lễ để nhắc nhớ sự kiện oanh liệt của Sơn Tinh chiến thắng Thuỷ Tinh. Trò đấu vật thờ Thánh trở nên lừng danh còn bởi một nguyên do ở Khê Thượng xưa vốn là một lò vật nổi tiếng, nhiều thời kế truyền có những đô vật, tiếng địa phương gọi là hói, kiệt xuất bậc nhất, nhì của bản hội. Do vậy, cứ sau một keo vật tượng trưng để thờ thánh, hói nhất được ngồi một mình một chiếu hoa trước sới, xem các đàn em thi tài. Ngày thứ 6, thứ 7, ngày cuối của hội vật, có trò trồng voi trước cửa đình. Thật kỳ khu và ngộ nghĩnh, có hai nhóm, mỗi nhóm gồm 3 đô vật, kết thành hai con voi. Đô khoẻ nhất đứng tấn, đô thứ hai ngồi trên vai đô đứng, chắp tay trước ngực làm quản voi. Đô thứ ba quặp chân ngang bụng đô đứng, nhoài ngang người, đầu vươn ra làm đầu voi... Do luyện tập công phu, chỉ sau hồi trống lệnh, hai con voi đã được trồng xong, sóng hàng đứng chầu vào cửa đình. Khi ấy, hói nhất mới đứng dậy, bước tới dùng dải lụa đào quàng qua hai đầu voi, dắt cặp voi tiến về phía cửa đình trong tiếng hò reo vang dậy của dân làng...

 

Trò cuối cùng được chọn để kết thúc hội xuân là trò chém may. Có trò này, bởi trong dân gian vẫn tương truyền câu chuyện rằng trên đường từ núi Tản về Đền Hùng, Thánh Tản bắt được kẻ gian. Ngài giao cho dân giữ, rồi cho xử tội để làm răn kẻ khác vào dịp trước khi tan hội. Người được giao trọng trách chém may là thủ phiên của giáp đăng cai hội xuân. Ông thủ phiên mình trần, đầu chít khăn, mặc quần lá toạ, thắt lưng lục, thảy đều là màu đỏ. Tay phải cầm dao dài nom như thanh kiếm, tay trái cầm chiếc mộc hình thuyền đan bằng tre và cũng được sơn đỏ. Lễ Thánh xong, thủ phiên theo nhịp trống tiến đến võ đài, cùng lúc có hai cánh quân cuồn cuộn tiến theo. Cho đến khi trống thúc dồn, đường đao phủ phiên múa tít, chủ tế xướng lên: "khởi trừ tà đạo", bách pháo được châm ngòi nổ ran, thì thủ phiên đã áp sát cây chuối - vật chịu tội. Nhanh như chớp, lưỡi dao thủ phiên phạt xuống, thân chuối đứt đôi, và theo đà, lưỡi dao phất ngược lên chém đứt đôi ngọn chuối đang đổ xuống. Nếu chém trước tràng pháo, hoặc chém xong khi pháo đã nổ hết, là không đạt, sẽ bị làng phạt vạ, bởi đó là điềm không may. Còn chém đạt, sẽ được thưởng bởi như vậy là xóm làng năm đó sẽ may mắn, được mùa, an khang thịnh vượng...

___________________________________

Lễ HỘI ĐỀN HÙNG - PHÚ THỌ

"Dù ai đi ngược về xuôi 
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 
Khắp miền truyền mãi câu ca 
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

 

Vậy giỗ tổ ở đây là gì?- là Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng. Đây là dịp để nhân dân cả nước lại hướng về cội nguồn dân tộc, tưởng niệm và ghi nhớ công lao tổ tiên, thể hiện tình cảm sâu đậm. Điều này đã trở thành truyền thống " uống nước nhớ nguồn”, ghi nhận công lao to lớn của các vua Hùng đã có công dựng nước Văn Lang- nhà nước đầu tiên của người dân gốc Việt.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, năm nào Nhà nước cũng tổ chức lễ hội Đền Hùng và lễ dâng hương tại Đền Thượng. Hầu hết các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã đến thăm viếng mộ Tổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần đến thăm Đền Hùng. Ngày 19 tháng 9 năm 1954, Bác lần lượt đi thăm khu di tích, viếng mộ Tổ và Đền Giếng, gặp gỡ và nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong trên đường về tiếp quản thủ đô:

 

"Các vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

 

Từ nhiều đời nay, trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, đã luôn hướng tới một điểm tựa của tinh thần văn hoá - đó là lễ hội Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương, được tổ chức từ ngày mồng 8 đến mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Nhưng phần lễ chính được diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3. Điạ điểm tổ chức ngay tại đền Hùng- thôn Cổ tích, xã Hy Cương, Huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Hàng năm, lễ hội Giỗ Tổ vẫn được tổ chức theo truyền thống văn hoá của dân tộc. Vào những năm chẵn (5 năm một lần), Giỗ Tổ được tổ chức theo nghi lễ quốc gia, năm lẻ do tỉnh Phú Thọ tổ chức. Việc tổ chức lễ hội Giỗ Tổ rất chặt chẽ, bao gồm hai phần: lễ và hội.

 

Phần lễ được duy trì trang nghiêm trong các đền, chùa trên núi Hùng.

 

Lễ hội được tổ chức rất đông vui, có khoảng 40 làng lân cận cùng tham gia rước kiệu từ đình làng mình tới chầu tại chân đền. Mỗi lễ vật được đặt trên kiệu đều có một ý nghĩa nhất định, có liên quan đến từng sự tích vào thời vua Hùng; chẳng hạn như : Lễ vật của đám rước thường có voi( nan); ngựa ( gỗ)- với ý nghĩa muôn loài quy phục vua Hùng, đồng thời cũng là tượng trưng cho việc Sơn Tinh mang lễ vật đến cầu hôn Mỵ Nương. Đám rước cỗ chay và mâm ngũ quả không được thiếu cùng với lễ vật là bánh chưng, bánh giầy để nhắc lại sự tích Lang Liêu, cũng là nhắc nhở công đức các vua Hùng đã dạy dân trồng lúa. Nhưng không chỉ có đủ lễ vật đã là đạt giải mà còn phải căn cứ vào một vài yếu tố khác như : kiệu phải đẹp, sang ( sơn son, thiếp vàng), quân cờ, quân kiệu phải đủ đồng phục và rước lên núi vẫn giữ được thăng bằng và đồng bộ giữa kiệu, tàn, tán, lọng; không xô nhau hoặc lúc nhanh lúc chậm! Đó là những chuẩn mực để ban giám khảo chấm giải. Kiệu nhất của năm nay thì năm sau sẽ được rước lên đền Thượng. Còn kiệu năm nay được rước là kiệu của làng năm ngoát đạt giải. Điều này tạo nên sự thường xuyên cố gắng của các làng về ý thức với Tổ và tạo nên sự long trọng và tôn nghiêm của ngày giỗ.

 

Nghi thức dâng hương hoa của các đoàn đại biểu của Đảng, Chính phủ, các địa phương trong toàn quốc,... được tổ chức long trọng tại đền Thượng. Từ chiều ngày mồng 9, làng nào được Ban tổ chức lễ hội cho phép rước kiệu dâng lễ đã tập trung tại nhà bảo tàng dưới chân núi, trên kiệu đặt lễ vật. Sáng sớm ngày mồng 10, các đoàn đại biểu tập trung ở một địa điểm tại thành phố Việt Trì, có xe tiêu binh rước vòng hoa dẫn đầu, diễu hành tới chân núi Hùng. Các đoàn đại biểu xếp hàng chỉnh tề đi sau kiệu lễ, lần lượt lên đền theo tiếng nhạc của phường bát âm và đội múa sinh tiền. Tới trước thềm của "Điện Kính Thiên”, đoàn dừng lại, kính cẩn dâng lễ vào thượng cung đền Thượng. Một đồng chí lãnh đạo tỉnh (năm chẵn là nguyên thủ quốc gia hoặc đại biểu đại diện Bộ Văn hoá), thay mặt cho tỉnh và nhân dân cả nước đọc chúc căn lễ Tổ. Toàn bộ nghi thức hành lễ được hệ thống báo chí, phát thanh truyền hình đưa tin hoặc tường thuật trực tiếp để đồng bào cả nước có thể theo dõi lễ hội Đồng bào dâng lễ trong các đền, chùa trên núi, ai cũng có tâm nguyện cầu mong tổ tiên chứng giám, phù hộ độ trì cho con cháu.

 

Phần hội diễn ra tưng bừng, náo nhiệt xung quanh các đền, chùa và dưới chân núi Hùng. Lễ hội ngày nay có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá hơn xưa. Các hình thức văn hoá truyền thống và hiện đại được đan xen nhau. Trong khu vực của hội, nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, văn hoá phẩm, các cửa hàng dịch vụ ăn uống, các khu văn thể,.... Tại khu văn thể, các trò chơi văn hoá dân gian được bảo lưu có chọn lọc như: đu quay, đấu vật, chọi gà, bắn nỏ, rước kiệu, kéo lửa nấu cơm thi, đánh cờ tướng (cờ người).... Có năm còn diễn trò "Bách nghệ khôi hài”, "Rước chúa gái”, "Rước lúa thần” và trò "Trám” tại khu vực hội. Cạnh đó là sân khấu của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp: chèo, kịch nói, hát quan họ,... Hội ngày nay chính là nơi để thi tuyển và giao lưu văn hoá giữa các vùng. các nghệ nhân người Mường mang đến lễ hội thanh âm của tiếng trống đồng một thời dóng trên đỉnh núi Hùng, gọi mặt trời làm mưa, làm nắng thuận hoà, cho mùa màng tốt tươi, muôn dân hạnh phúc. Những làn điệu Xoan - Ghẹo với lời ca tinh tế, mượt mà đã đem tới cho lễ hội đền Hùng một nét đặc trưng, thấm đượm văn hoá vùng Trung du Đất Tổ. Một điểm quan trọng nằm ở giữa trung tâm lễ hội là nhà bảo tàng Hùng Vương, ở đây lưu giữ vô số những cổ vật đích thực của thời đại các Vua Hùng.

Thời đại của chúng ta ngày nay đang ngày càng góp sức tô điểm và phát huy sự cao đẹp của lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương. Hàng năm, ý nghĩa tâm linh của cuộc trẩy hội về Đền Hùng đã trở thành nếp nghĩ, nếp sinh hoạt truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần tín ngưỡng của người Việt Nam. Không phân biệt già trẻ, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt tôn giáo.... Tất cả những người con đang sống trên mọi miền Tổ quốc, những người con xa xứ đều bình đẳng về mộ Tổ, thăm đền và dự lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương

_________________________________________

HỘI ĐÁNH PHẾT HIỀN QUANG - PHÚ THỌ

Hiền Quan là một vùng đất cổ, có lịch sử tồn tại và phát triển rất lâu đời. Với tên cổ xưa là làng Song Quan, nằm ở phía Bắc huyện Tam Nông, cách thị xã Phú Thọ 4km về phía Nam bên hữu ngạn sông Hồng. Vùng đất này ngay từ đầu đã gắn bó với nhiều cuộc đấu tranh nổi dậy chống lại quân nhà Hán xâm lăng mà những gì còn lại cho đến ngày nay là những lễ hội với những nghi thức tưởng nhớ các vị anh hùng khi xưa. Lễ hội đánh phết Hiền Quang cũng là một trong số những lễ hội đó nhằm tưởng nhớ vị nữ tướng Thiều Hoa của Hai Bà Trưng.

 

Đánh Phết là hình thức cầm một chiếc gậy mà đánh vào quả cầu để đưa cầu đi, đòi hỏi sức mạnh tập thể và tinh thần đồng đội. Những người chơi Phết chia làm hai phe, số người tham gia không hạn chế. Trên bãi Phết, mỗi đầu bãi có một cái hố tròn đứng ngập đến đầu gối. Giữa bãi cũng có một số hố nông làm vị trí để đặt quả cầu. Quả cầu hay quả Phết làm bằng gỗ mít, gỗ xoan hay củ tre to bằng quả bóng da ngày nay. Các đấu thủ mỗi người cầm một cái gậy tre dài bằng chiếc đòn gánh, gốc đẽo vát hình thìa, gọi là cây gậy Phết. Khi chơi, người ta lấy gậy đó mà đưa cầu, bên nào dành được cầu đánh cho vào cái hố bên mình là được. Chơi Phết như thế gọi là "Phết bộ", hình thức phổ biến nhất ở các hội làng Phú Thọ. Ngoài Phết bộ còn có Phết cưỡi ngựa nhưng mỗi địa phương lại có tục lệ và hình thức chơi Phết khác nhau.

 

 

Quả phết được thả xuống hố chuẩn bị xuất quân

 

Xã Trương Xá (huyện Cẩm Khê) đánh quả Phết bằng gỗ, hố đặt Phết được gọi là "cối". Các phe đấu giành nhau đưa quả cầu về địa phận mình. Họ tin rằng giáp nào giành được Phết là năm đó làm ăn phát đạt.

 

Xã Hiền Quan (huyện Tam Thanh) có hội Phết lớn vào ngày 13 tháng giêng âm lịch. Phết ở đây được tổ chức chơi ba ván gọi là ba bàn với lệ khá nghiêm ngặt là lúc nào cũng giữ cho Phết sệt đất. Quả Phết xã này bằng gỗ sơn son thếp vàng. Xong một bàn Phết, các đấu thủ chạy vòng vèo trên bãi vài vòng rồi nghỉ trước khi vào bàn Phết sau. Có lẽ đó là cách vận động cho giãn xương cốt, cho thân thể thoải mái hơn trước khi vào một ván Phết mới.

 

 

Mọi người cùng tranh nhau quả phết, giành lấy may mắn cả năm

 

Hội Phết Sơn Vi cũng là một hội lớn của huyện Lâm Thao. Quả Phết to như cái ấm ủ lại bằng gỗ lim nên rất nặng. Giữa bãi đào một cái hố sâu ngập đầu người, đường kính 1,5m. Chủ tế đọc bài giáo Phết rồi thả quả cầu xuống hố. Dưới hố có hai người của hai phe trực sẵn đón cầu. Khi họ mang cầu nhảy lên miệng hố là hai bên đấu thủ xông vào tranh cướp. Điều khác các nơi khác là Sơn Vi vừa cướp cầu bằng tay vừa đánh cầu bằng gậy, nhưng cướp tay nhiều hơn. Ngày thứ nhất, mồng một Tết, chơi một bàn cầu; mồng hai chơi hai bàn cầu; mồng ba chơi hai bàn cầu rồi kết thúc bằng bàn Phết. Lệ chơi ở đây cứ phe nào đưa cầu về địa phận thôn mình là được. Theo truyền thuyết, Phết Sơn Vi là hình thức luyện quân trước khi cất quân đánh Thục Chúa của Tản Viên và Mộc Sanh, một nhân vật huyền thoại của địa phương.

___________________________________

 

HỘI ĐÁNH CÁ THỜ LÀNG KẺ GIÁP - PHÚ THỌ

Như thành lệ, hàng năm vào đúng ngày 11 tháng chạp âm lịch, dù là ngày thường hay mưa gió rét người làng kẻ Gáp (xã Tứ Xã - Phong Châu, Phú Thọ) cũng đều mang nơm, mang dập, thuyền lưới ra gò Đồng Đậu mở hội đánh cá thờ trình thánh. Sản phẩm thu được là những chú cá béo tốt sẽ được dâng lên tế thần.

 

Khi tiếng chuông chùa Tổng đổ xong ba hồi âm vang báo hiệu, ông chủ tế hô lớn: "Dân làng ta xuống đánh cá thôi!". Mọi người ùa xuống láng (ngôn ngữ địa phương của hồ, đầm) đánh cá. Số người đổ xuống mỗi lúc một đông, nước dềnh lên có khi tới thắt lưng. Không khí đánh bắt cá huyên náo, vui vẻ. Người trên bờ, kẻ dưới nước đều hò reo. Người xua cá, người đập cá, tạo nên không khí ngày hội thật tưng bừng, náo nhiệt. Ai cũng mong đánh được con cá thật to để được chọn làm cá trình thánh. Hội đánh cá kéo dài khoảng hai canh (bốn giờ đồng hồ). Chuông chùa Tổng lại gióng giã ba hồi thu quân. Tất cả "đoàn quân đánh cá" hối hả kéo nhau trở lại gò Đồng Đậu. Mọi người đều bày cá bắt được ra cho làng chọn lấy hai con cá chép to nhất, béo nhất. Một con được mổ ngay, nướng chín để sáng hôm sau (12 tháng chạp) tế thần. Còn một con lấy bẹ chuối ép lại, ngoài đắp đất, vùi trấu cho chín nục, dùng cho tiệc cầu xuân ngày mồng 10 tháng Giêng.

 

Ai cũng thấy vui vì tự thấy trong thành quả chung ấy có phần mình, chắc chắn cả bản năm nay sẽ giàu có, "ló" (lúa) nhiều, thịt lắm. Tất cả loại vừa và nhỏ đều chia cho mọi người mang về nhà làm cỗ cúng gia tiên, đây là quà đầu xuân của bản làng cho lấy may.

___________________________________


CHỌI TRÂU - PHÚ THỌ

Phú Thọ có ba điểm chọi trâu được tổ chức hàng năm như: Hoàng Cương, Phù Ninh, Chu Hóa nhưng lớn nhất là hội chọi trâu Phù Ninh.

 

Lễ hội chọi trâu ở xã phù Ninh là một lễ hội cổ xưa nhất mang đậm nét văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước với tín ngưỡng gắn biểu tượng con trâu và tục sát sinh vật thiêng để hiến tế thần linh cầu cho "mưa thuận, gió hòa", cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Theo truyền thuyết dân gian, các tướng của Vua Hùng đi săn qua đây thấy hai con hổ đánh nhau phá hoại dân làng. Vua cho quân lính bao vây bắt hổ và làm thịt tại chỗ. Vì thế sau này để tưởng nhớ công ơn vị vua Hùng đã giết hổ bảo vệ sự bình an cho dân làng, nhân dân có tục lệ tổ chức chọi trâu hiến lễ tạ ơn.

 

 

 

Theo lệ vào ngày tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch, bốn thôn xã mỗi thôn đưa một trâu cà (trâu có lông đen tuyền và chưa bị hoạn) đến điểm mở hội gọi là chợ Hàm Rồng. Bãi chọi trâu rộng khoảng 100 m2 có rào cọc xung quanh. Trâu được tắm rửa sạch sẽ và trước khi vào chọi mỗi con được uống nửa lít rượu để trâu say, hăng máu sẽ chọi khoẻ. Hai con thua sẽ mổ thịt ngay hôm đó để hiến tế. Lễ tế diễn ra vào ban đêm nên được gọi là tế âm và thịt phải là thịt còn sống. Hai con thắng cuộc sẽ được giữ lại nuôi cho đến ngày diễn ra trận chung kết mồng 10 tháng 10 Khi đã tan cuộc, dù trâu thắng hay thua đều được đem mổ để tế thần và làm cỗ khao dân.

 

 

 

Xã Phù Ninh nằm ở trung tâm của Bộ Văn Lang thời Vua Hùng dựng nước. Do vậy nhiều trò diễn trong lễ hội làng ở Phù Ninh đều phản ánh lịch sử thời dựng nước của cư dân nông nghiệp vùng đất Tổ. Ngày đó Phù Ninh cũng có tục làm cỗ phố, thịt trâu được bày trên lá hò, lá ngõa hay lá chuối đặt vào trong đĩa (đĩa được rút bằng nan tre, như cái rế) cỗ được bầy "Cửu trùng thất diệp" (9 tầng 7 lá) đặt trên một mô đất vuông bằng phẳng để tế bạch địa ngay trên bãi Hàm Rồng. Tế xong cả làng tập trung ăn uống ngay trên bãi đất này; ăn bốc bằng tay, uống rượu chung bằng duộc, gáo nước hoặc bằng bát; thịt trâu chấm muối trắng. Đó là những sinh hoạt văn hóa, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống hàng ngày của người dân vùng trung du, miền núi.

Nguồn: saigontoserco


Chủ đề: Lễ hội miền Bắc | Lượt xem: 783 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==