Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 7, ngày 20/04/2024, lúc 1:45 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 20 » Lễ Hội Tây Ninh
12:56 PM
Lễ Hội Tây Ninh

Lễ Hội Tây Ninh

LỄ HỘI NÚI BÀ ĐEN TÂY NINH

Thời gian: 15/1 âm lịch 
Địa điểm: huyện Tràng Bảng, tỉnh Tây Ninh. 
Đối tượng suy tôn: Linh Sơn Thánh Mẫu 
Đặc điểm: Hội xuân Núi Bà không chỉ là sự tự do tín ngưỡng tôn giáo mà còn biểu hiện đậm đà bản sắc dân tộc. 
Núi Bà - thường được gọi là Núi Bà Ðen do truyền thuyết, có một người con gái tên là Ðênh (sau gọi chệch sang là Ðen) sùng phật đạo, con một viên quan trấn thủ người Miên. Do từ chối ép duyên với con quan trấn vùng Trảng Bàng, nàng Ðênh bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo và chết ở đó. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là "Linh Sơn Thánh Mẫu". Hàng năm vào dịp xuân về, từ chiều 30 tết nguyên Ðán đến suốt tháng Giêng, tháng Hai âm lịch - nhất là ngày rằm tháng Giêng, du khách trong tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác ở Nam Bộ đổ về hành hương, lễ bái và tham quan du lịch rất đông đúc.

Từ chân núi, khách trẩy Hội phải đi bộ và leo núi. Ðến lưng chừng núi khách vào lễ đền Linh Sơn Thánh Mẫu rồi nghỉ ngơi. Ai khoẻ chân lại tiếp tục đường mòn leo núi để lễ chùa. Nơi đây, nhà chùa có cơm chay đãi khách, khách cứ việc dùng rồi cúng tiền vào chùa, có hoặc không, nhiều hoặc ít tuỳ tâm. Thậm chí nếu khách muốn lưu lại chùa một, hai ngày vẫn được nhà chùa thết đãi nồng hậu - vì rằng ở chốn tu hành, đồng tiền không có nghĩa và người mộ đạo ai cũng như ai. Lên cao chút nữa, gần đỉnh núi là Miếu Sơn Thần. Dừng tại đây, du khách có cảm giác nhiều đám mây còn bay dưới chân mình và từ đấy có thể ngắm toàn ảnh hồ nước Dầu Tiếng - Một công trình thuỷ lợi đẹp và lớn ở nước ta hiện nay. Những năm gần đây mỗi mùa Xuân tới, dân chúng Nam Bộ kéo tới lễ Ðiện Bà đông như nước chảy. Mọi người tin rằng lễ Ðiện Bà để cầu phù hộ, giải toả nhu cầu tâm linh, cũng nhân dịp du lịch ngắm phong cảnh hùng vĩ của Núi Bà.

__________________

Tây Ninh - Náo nức mùa lễ hội Đôn Ta

Đã thấy sen trắng nở trong chiếc ao con trước chùa Khe Đon vào mùa lễ Đôn Ta. Dưới bóng cây bồ đề, rào rạt tiếng gió luồn qua những chòm cây thốt nốt, bỗng thơm thoảng những mùi hương dịu dàng và tinh khiết. Từ ao sen? Từ nhang khói trên chùa? Hay có thể là vị ngọt thơm của đường thốt nốt toả lan trong mỗi bếp nhà.

Đôn Ta năm nay, ở khắp các xã ấp có đồng bào Khmer sinh sống trong tỉnh Tây Ninh, bắt đầu từ nửa cuối tháng 9 đến 4/10/2005, tương đương với các ngày cuối tháng 10 lịch mặt trăng theo cách tính của dân tộc Khmer. Đôn Ta là lễ giỗ chung của cộng đồng, tưởng nhớ và tri ân tổ tiên ông bà cùng tất cả những người thân đã khuất. Người Khmer không bắt buộc phải có bàn thờ riêng cho ông bà, cha mẹ và cũng không nhất thiết phải làm đám giỗ cho từng người thân đã mất trong năm. Vì thế, Đôn Ta còn trở thành lễ hội chung của cộng đồng, không nhất thiết phải buồn thương, sầu nhớ và qua đấy, là mối dây thắt buộc nếp sống cộng đồng theo tập tục ngàn năm. Trong những đêm lễ hội, sau buổi cầu siêu tối của các sư sãi, thanh niên nam nữ có thể cùng nhau bước vào vòng múa roam-vông trong tiếng nhạc rộn vang ngay giữa sân chùa. Cuộc vui cứ thế kéo dài cho đến nửa đêm.

Nhiều xóm ấp Khmer ở Tây Ninh năm nay bước vào mùa lễ Đôn Ta năm nay ngay sau vụ lúa hè thu thắng lợi. Dẫu nhà to của ông già làng hay nhà nhỏ của thanh niên mới thành vợ thành chồng thì phần chính trong nhà đầu phải để làm nơi xếp thóc lúa. Nhà xuềnh xoàng nhất cũng đã có dăm chục giạ. Còn có thêm tiền bán mía, mì. (Nhiều nơi đã chuyển đổi tập quán chỉ trồng thuần cây lúa). Lại còn trâu, bò thung thăng gặm cỏ mé sau vườn. Anh Thon Rét, người Khmer ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, hớn hở khoe: "Bò Nhà nước cấp cho nuôi đấy! Đẻ được bò con thì là của mình, còn bò mẹ lại giao cho nhà khác. Mới mấy năm nay, chỉ còn 3 hộ nữa là nhà nào cũng có được bò con…”

Đôn Ta ở khắp các xóm ấp Khmer Tây Ninh, không nhà nào mà không có vài mâm cơm làm cỗ cúng. Người ta dọn bữa cơm ấy làm lễ vô bồn, tức là vào mùa lễ Đôn Ta. Vô bồn là bày biện phẩm vật cúng lễ và một mâm cơm cúng, mời Lục Cà Cha (giống như ông thầy cúng của người Kinh) và ông già bà cả trong họ hoặc trong ấp đến làm chủ lễ. Các cụ ngồi trên giường, nơi một phía bày 2 thúng trái cây, kẹo bánh, đèn nhang, cả thóc gạo, rượu, bánh trái nhà làm. Ở giữa là mâm cơm cúng, phía sau ông thầy chủ lễ, giáp vách tường còn có giăng một sợi dây treo toàn quần áo mới và những tấm khăn, xà rông mới tinh, sặc sỡ. Đấy chính là trang phục dành cho người đã khuất. Ông thầy cầm túm lá cây trên tay, vừa đọc kinh cầu, vừa nhúng nước rảy trên phẩm vật cúng tế và cả trên những người ngồi ở chung quanh. Nghi thức ấy chính là lời mời âm hồn tổ tiên, ông bà về ăn cơm mới, về vui vầy với con cháu trong nhà sau một năm trời cách biệt âm dương. Cúng xong, con cháu và họ hàng, lối xóm mới cùng nhau vào tiệc. Xong bữa ở nhà này lại tới tiệc nhà kia, thành ra cuộc lễ cứ kéo dài ra đến suốt cả ngày. Đến ngày cuối 30 âm lịch, năm nay nhằm ngày 3.10.2005 thì mọi nhà đều có người mang phẩm vật cúng ra chùa, kèm theo gạo thóc, cơm canh, thuốc trà, bánh trái cúng dường cho sư sãi. Mỗi nhà mỗi món, cúng xong ở chùa, người ta mới cùng nhau ăn bữa cơm chung ngay tại ngôi Sa la hay ở sân chùa. Hôm sau, còn một lễ tiễn đưa các âm hồn về lại nơi chín suối. Phẩm vật mỗi thứ một ít xếp vào một chiếc thuyền con chế từ bẹ thân cây chuối rồi đem thả trên suối hay bàu, ao nước gần chùa.

Tiếng là lễ giỗ chung nhưng Đôn Ta lại mang đến cho người Khmer Tây Ninh những niềm vui bình dị. Vừa là sự tưởng nhớ đến cội nguồn, biết ơn tổ tiên, vừa là một dịp nghỉ ngơi, vui chơi sau mọt vụ cày bừa, cấy hái trên đồng. Cùng với tiến trình đô thị hoá, nhiều xóm ấp Khmer đã có đường nhựa, điện lưới, Nhà Văn hoá dân tộc…Riêng Khe Đon, xã Thạnh Tân giờ đây đã là một xóm Khmer thuộc địa bàn Thị xã. Thiên nhiên vẫn còn ưu ái với Khe Đon bởi cánh đồng xanh trải rộng dài trước chùa cho tới tận chân núi Bà Đen. Bàu nước, vườn cây, những con đường nhựa chạy lên Tân Châu, sải dài sang Suối Đá như ôm lấy Khe Đon. Mà chẳng cứ ở vùng đô thị; tận các xóm ấp vùng sâu như Sóc Con Trăn, Suối Dầm, Kà Ốt, Tầm Phô trên miền biên giới huyện Tân Châu, nơi nào chẳng chan hoà ánh điện, chẳng náo nức những bài ca điệu múa trên màn hình TV hoặc từ các dàn loa điện tử. Đêm xuống, gái trai Khmer lại rủ nhau vào những vòng múa cổ truyền dân tộc, khoe những bàn chân, bàn tay cong vắt điệu đà.

Chẳng biết rồi đây trên đường đô thị hoá, những xóm ấp Khmer có còn giữ được những vẻ đẹp riêng của nền văn hoá truyền thống còn đang được nâng niu gìn giữ.

Nguồn: saigontoserco

Chủ đề: Lễ hội miền Nam | Lượt xem: 764 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==