Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 19/04/2024, lúc 12:33 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 20 » Lễ hội Then Kin Pang: Linh hồn của người Thái trắng ở Lai Châu
12:50 PM
Lễ hội Then Kin Pang: Linh hồn của người Thái trắng ở Lai Châu

Lễ hội Then Kin Pang: Linh hồn của người Thái trắng ở Lai Châu

 

 

Lễ hội Then Kin Pang là nét văn hoá đặc sắc, là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo của dân tộc Thái trắng khu vực Mường So, huyện Phong Thổ.


Qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử dân tộc, người Thái đã đúc kết được kho tàng văn hoá văn nghệ phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Thể hiện sự trường tồn qua thời gian với ý nghĩa tâm linh to lớn là Lễ hội "Then Kin Pang” – được ví như linh hồn của người Thái trắng ở khu vực Mường So, huyện Phong Thổ.

 


Dòng Nậm Na ngàn đời vẫn chảy/ Suối Nậm So vẫn oằn gánh nặng phù sa…

Dòng Nậm Na ngàn đời vẫn chảy/ Suối Nậm So vẫn oằn gánh nặng phù sa

Khi những cơn mưa cuối xuân, đầu hạ về; lúa trên đồng đang thì trổ bông; hoa Bó mạ nở vàng khắp các triền đồi, ven bờ suối thì người dân nơi đây lại nô nức trẩy hội Then Kin Pang. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, 3 đêm vào trung tuần tháng 3 âm lịch hàng năm.

Theo truyền thuyết của dân tộc Thái trắng kể lại rằng: Sau Pô Phà (vua trời) là Then. Các vị Then đều có lòng bao dung độ lượng, yêu thiên nhiên cỏ cây, con người. Vì vậy vua trời đã phái các thần Then xuống hạ giới đầu thai thành người phàm trần để cứu nhân độ thế. Ai đau ốm thì được Then cho thuốc. Người nào gặp rủi ro, vận hạn Then sẽ cầu phúc cho tai qua nạn khỏi. Then cũng là người đại diện để cầu nguyện các vị thần linh trên trời tạo phúc cho dân, ban cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, bản Mường yên vui no ấm. Đây cũng là ngày các Lụ liệng - Lụ hương (tức là những người con nuôi được Then cầu hồn, chữa bệnh) dâng lễ tạ ơn Then.

Bàn thờ Then được trang trí rực rỡ, nhiều màu sắc. Hoa Bó mạ là lễ vật chủ đạo. Vì loài hoa này được xem là biểu tượng của Then Kin Pang – có hoa Bó mạ mới có ngày hội Then.

Người Thái có câu:
Bó pục púng Then cả/Bó mạ púng Then sương/(Hoa bưởi nở Then sướng/Hoa Bó mạ nở Then vui).

Ngoài ra, trên bàn thờ còn có con én gấp bằng giấy màu, đàn tính tẩu, quả còn; trên mâm có một con lợn, một con gà luộc để nguyên con, xôi nếp, rượu, nước... Các lễ vật cúng đã thể hiện sự đầy đủ của vạn vật cỏ cây hoa lá, để báo hiệu một năm mới no đủ, tươi mới đã về.

Ngoài ra, Then Kin Pang bao giờ cũng có một mâm lễ cúng tạ ơn những người có công lập bản dựng Mường; tạ ơn những vị anh hùng đã có công đánh giặc giữ Mường. 

Mọi người đến với lễ hội đều tâm niệm thắp hương lên bàn thờ Then để cầu nguyện một năm may mắn, cuộc sống an lành, gia đình hạnh phúc. Các gia đình có người chết cũng dâng các lễ vật để nhờ Then xin với các vị thần linh cho các hồn ma về hưởng.

Ngày đầu tiên làm lễ, ông (bà) Then kiêng kị không ăn thịt các con vật; các cô gái được chọn làm Sao chẩu phải có sắc đẹp và chưa chồng để hầu hạ các vị thần xuống trần gian vui chơi. 

Bước vào hành lễ, người đủ tiêu chuẩn được dân bản bầu ra mặc trang phục của Then, tay đánh đàn tính tẩu trông uy nghi như một vị tướng. 

Những hành động dâng hoa, dâng lễ, mời rượu, cùng những lời diễn xướng của Then như đối thoại được với các đấng thần linh tối cao trên trời. Con người đã làm cho thiên nhiên say đắm.

Kết thúc phần lễ, Then và các Sao chẩu múa điệu quát bó héo (quét hoa tàn):

Hoa héo hoa về gốc/Hoa úa hoa về thân/Tất cả cây cối chết trơ/Nhưng hoa vẫn nảy mầm. 

Bước vào phần Hội, mọi người cùng nắm tay nhau đoàn kết chất ngất điệu xoè:

Không múa hát thì lúa nương không mảy hạt,Hoa không kết trái,Gái không tìm được đôi, Trai không tìm được bạn.

Như vậy, Then Kin Pang là dịp để trai bản, gái mường gặp gỡ và thể hiện mình qua những câu hát, điệu múa. Sau lễ hội, nhiều đôi trai gái đã nên vợ chồng. 

Lễ hội Then có sức mạnh lan toả ra một vùng và thu hút các dân tộc khác cùng tham gia. Người ở xa cũng về dự hội; người Mông từ núi cao xuống; người Dao ở bản bên sang… Đàn ông thì mang theo dây song dài để chơi trò chặc vai (kéo co), phụ nữ thì mang theo quả còn, én cáy để cùng chơi với chị em người Thái. Đây cũng chính là hạt nhân để cố kết cộng đồng các dân tộc. Qua đó tạo ra sức mạnh to lớn để xây dựng, phát triển bản mường, chống giặc ngoại xâm và thiên tai. 

Trong hai ngày còn lại, các già bản, già mường ngồi trong nhà Then kể cho con cháu nghe về lịch sử bản mường, kể về các anh hùng có công đánh giặc giữ Mường. Còn lớp trung niên, nam thanh nữ tú thì múa hát, chơi các trò chơi dân gian như: ném còn, tó má lẹ, kéo co, đẩy gậy, té nước, bơi lội. 

Các trò chơi được mọi người tham gia hào hứng với mong ước chinh phục tự nhiên, cầu có sức khoẻ cường tráng. Đồng thời cũng thể hiện sự khéo léo, tài giỏi và gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng thôn bản. 

Đến với lễ hội chúng ta còn được thưởng thức những món ăn dân gian truyền thống của người Thái như: cơm lam, rau gai, cà rừng, cá bống nướng, ve sầu, bọ xít, dế mèn… bỏ vào miệng nhai kỹ ta mới thấy được vị thơm ngon của từng món ăn, mang đậm hương rừng Tây Bắc. Đồng thời, ta cũng thấy được đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái.

Lễ hội Then Kin Pang là nét văn hoá đặc sắc, là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo DulichVietnam

 

Bài Đọc Thêm:

Đôi điều về "Lễ hội Kin Pang Then" của người Thái trắng huyện Phong Thổ

Lễ hội Kin Pang Then - Ảnh: simplevietnam.com

LAN PHƯƠNG

Huyện Phong Thổ (còn có tên gọi Mường Tso, Chiềng Sa) tỉnh Lai Châu nằm trong vùng núi rừng hùng vĩ với mạng lưới sông suối dày đặc và những thung lũng lòng chảo màu mỡ. Nơi đây tụ hội nhiều dân tộc anh em cùng chung sống như Thái, Dao, H'Mông. Hà Nhì, Giáy... trong đó người Thái (Tay đón, hay Táy Khao) chiếm vai trò chủ thể, cư trú lâu đời với thiết chế bản mường chặt chẽ.


Thích nghi với điều kiện sinh thái, người Thái đã hình thành nền văn hóa thung lũng trồng lúa nước với kỹ thuật cao, kết hợp với làm nương, chăn nuôi phát triển, hái lượm và săn bắt.

Xưa nay, văn hóa Thái đã được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ bởi vẻ đẹp và tính nhân văn của nó từ văn hóa vật chất (ăn, mặc, ở...) đến văn hóa tinh thần (phong tục tập quán, lễ hội, dân ca, dân vũ...)

Theo phong tục, lễ hội Kin Pang Then được tổ chức 2 đến 3 năm một lần vào tháng 2 hoặc tháng 3 dương lịch, khi mà tiết trời đang "độ xuân" vạn vật như được hồi sinh, cây cối đâm chồi, nảy lộc, hoa Mạ, hoa Phón cùng nhau đua nở. Thiên nhiên như hòa quyện với lòng người. Khi năm cũ qua đi, người Thái mong một năm mới may mắn, hạnh phúc, nhân khang, vật thịnh.

Lễ hội Kin Pang Then được tổ chức với hàm ý nghĩa như vậy. Đây là lễ hội cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc của người Thái trắng.

Lễ hội Kin Pang Then được tổ chức tại nhà Then.Then có thể là "ông" hoặc "bà". Họ được coi là những người đặc biệt trong cộng đồng, có năng lực giao tiếp với thế giới "siêu nhiên": Có thể gọi hồn, nhập hồn và chữa bệnh. Cùng với việc thực hiện một số ma thuật, Then thường biết một số lâm dược để chữa bệnh. Sau khi người bệnh được chữa khỏi thì được nhận làm Lụ Liêng (con nuôi của Then).

Trên thực tế thì Then không chỉ là một thầy phủ thủy (Xaman) mà còn là một Ca sỹ dân gian - người nắm giữ vốn văn học phong phú của dân tộc, một yếu nhân trong quá trình sáng tạo và truyền bá văn hóa dân gian. Người làm Then có tài học truyền khẩu các bài thơ, các bài hát, làn điệu trong then, có năng lực ứng tác trong thơ ca, thuần thục phần nhạc đệm của cây đàn tính tảu (hộp đàn làm bằng quả bàu).

Chủ trì lễ Kin Pang Then được gọi là Chảu then thường có độ tuổi ngoài 40. Tham gia hành lễ còn có một Me đa (Người giúp việc Chảu then), một hoặc hai người Bảo khỏa (Nhạc công) điều khiển tính tảu, và bốn cô gái trẻ gọi là Xao Chay biết múa các điệu múa quy định và hát phụ họa. Trong suốt những ngày hành lễ, tất cả những người này phải ăn chay.

Kin Pang Then trước hết là nghi lễ mang tính tôn giáo được tổ chức với ý nghĩa được nhà Then mang lễ vật tiến cống các Then trên trời. Cầu mong các Then trên trời phù hộ cho dân bản mường có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ý nghĩa đó phản ánh vũ trụ quan cổ xưa của người Thái. Họ cho rằng: Phía trên thế giới thực của con người là thế giới hư vô "cõi trời" - nơi chứa đựng mọi lực lượng siêu nhiên quyết định sự sống trên trái đất. Đối với họ, cõi trời cũng là một Mường, trong đó có các tướng lĩnh được gọi là Then. Trong các hàng tướng then ấy có người tốt, có người xấu, có linh hồn người chết là dân của then.

Trong lời giáo đầu để dẫn nhập hồn then, Bà Then trình ngày nguyên nhân mở hộiKin Pang Then mong Then phù hộ cho dân bản Mường no ấm hạnh phúc. Lời Then tạm dịch như sau (Lời dịch của Đinh Chanh)

Hàng tướng hỡi, Hàng then yêu

Tôi mạn lời mạn phép
Tôi ra nơi áng ra mắt Vua
Có chén rượu mới dâng mời
Có dĩa cơm mới nhuộm màu hương sắc
Xin dâng mời vua chủ uống cạn
Uống vào lòng sáng
Dạ nghĩ ra nhiều việc lớn
Thêm nhiều của cải
Xin mời vua chủ đi chơi cho vui, cho sướng
Mời vua tướng đi chơi cho có tiếng tăm
Chơi vui cho khỏe khoắn
Giữ cho bản chắc bền
Giữ cho mường cường thịnh
Nàng tướng tôi mạn hầu
Nàng then tôi mạn phép
Làm cho Mường Tso bừng sáng
Hàng tướng vừa lòng
Hàng Then vui tận gốc...

Lễ vật dâng lên Then là quần áo dân tộc, những con chim én cắt bằng giấy màu, những quả còn làm bằng vải đủ màu, lợn, rượu, hoa...

Đối với người Thái trắng Phong Thổ, lễ Kin Pang Then có sức hấp dẫn đặc biệt; họ nghe then, xem then với tất cả sự say mê. Có được điều này là bởi thực chất Kin Pang Then không chỉ là một lễ nghi tôn giáo mà còn là nghệ thuật diễn xướng dân gian tổng hợp bao gồm thơ, ca, múa, nhạc với nghệ thuật trang trí.


Như một hình thức ám thị, Bà Then luôn ở trạng thái nhập định và linh hồn của Bà được tin là đang dẫn một đội quân rất đông bao gồm con nuôi chín bản, con yêu chín mường của Then.

Trong trạng thái xuất thần cuộc hành trình của Bà Then được kể lại qua lời hát, chùm quả nhạc xóc rộn ràng được thể hiện đoàn quân đang đi.

Đầu tiên đoàn quân đi qua những địa điểm trên mặt đất: Từ ngã ba đến dòng suối của bản mường rồi ngược dòng lên thác nước đến Chiềng On rồi lên Pu Kho Luông (đỉnh núi cao nhất) tới trình Vua Chảu (người có công lập ra bản mường khi chết trở thành vị thần hộ mệnh của bản mường).

Đường lên trời thật gian nan vất vả, đoàn quân phải vượt qua bao núi cao, suối sâu, vực thẳm, rừng rậm. Đi nhờ đường người Xá để lên trời: (Lời dịch của Đinh Chanh)

Đi đường của người Xá rừng rậm
Đường khó phải phát quang
Làm đường rộng đàng hoàng
Vượt qua rừng làm cầu mây
Qua bụi cỏ, rừng tre nứa phải phát
Chỗ khó nối cầu tạm
Chỗ khe bắc cầu qua...

Cây đàn tính tẩu và chùm quả nhạc xóc là những nhạc cụ không thể thiếu trong lễ hát then. Mỗi đoạn đường đi lại có một tiết tấu phù hợp để diễn tả.

Sau đó đoàn quân lại phải đi thuyền do những báo xông (những chàng trai khỏe mạnh quen sông nước) chèo lái vượt ngược sông tới Mường Then.

Trai xông báo xông quan
Người tài cầm lái, người giỏi chèo thuyền
Bơi thuyền lướt đi băng băng
Đẩy mạnh thuyền lướt nhanh tới bến
Vượt qua thác về tới miền rộng
Qua hết ghềnh tới cánh đồng bao la
Đẩy mạnh lên hai mươi chàng trai hỡi
Đẩy mạnh mười lần
Đẩy mạnh hai mươi cái
Đầu thuyền cắm hoa đại
Cuối thuyền cắm hoa rừng...
(Lời dịch của Đinh Chanh)

Lời hát then là sáng tác dân gian của nhiều người và nhiều thế hệ then, vì vậy nó không cố định tuyệt đối mà có thể biến hóa linh hoạt. 

Bên cạnh những nét chung, mỗi ông, Bà Then đều có phong cách riêng. Sử dụng những thủ pháp riêng. Họ có thể thêm hoặc bớt các cung đoạn của Then.

Điều thú vị là lời then thu hút rất nhiều vốn văn học dân gian vào nội dung của mình.Chính vì thế mà có nhiều người thuộc, nhiều người yêu thích.

Vượt qua bao thác ghềnh, đoàn quân đã đến Mường Then, vào chầu và dâng lễ vật cho Then. (Lời dịch của Đinh Chanh).

Đến nơi chân bước lên nền đá kê
Chân đạp trên nền đá quý
Bước vào Mường Vạ
Đi vào đền đài của Then
Nhà tướng lợp sao
Nhà then lợp ngói
Tôi có đĩa rượu mời
Hàng then tôi có đôi chén dâng lên hầu hạ
Rượu gạo hương xin dâng lên
Rượu hương hoa xin hầu mời
Mong Vua Chủ uống đẹp
Muốn cho vua quan uống cạn...

Múa là một thành tố quan trọng không thể thiếu làm tăng vẻ đẹp và không khí của Kin Pang Then được các Xao Chay thể hiện. Đó là những điệu múa mang tính nghi lễ hàm chứa nhiều ý nghĩa thể hiện tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ, nhân sinh quan, thế giới quan. Đặc biệt là điệu múa Quát Bó Héo (quét hoa tàn) các Xao Chay mô tả động tác quét hoa về gốc để cho:

Hoa héo hoa về gốc
Hoa úa hoa về thân
Tất cả cây cối chết trơ
Nhưng hoa vẫn nảy mầm

Đó là niềm tin vào sự luân hồi bất diệt. Con người chết đi không phải là hết mà vẫn còn tiếp tục sống ở thế giới mới, cũng như bông hoa kia héo tàn lại trở về thân, cây lại đâm chồi nảy lộc. Quá khứ không mất mà luôn hiện hữu trong hiện tại, quá khứ và tương lai.

Then là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính Xaman phổ biến ở người Thái và người Tày. Lễ Pang Then của người Thái vùng Phong Thổ Lai Châu có nét chung và nét riêng đóng góp vào loại hình sinh hoạt văn hóa này.

Lời hát trong Kin Pang Then có thể coi như một bản trường ca mang tính trữ tình có nhuốm chút màu thần thoại, chứa đầy sự tích dân gian, thể hiện vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan của người Thái đồng thời phản ánh những quan hệ xã hội cũng như đời sống tinh thần của người Thái.

Kin Pang Then được người dân ưa thích, say mê. Có nhiều người đã thu lại lời hát then vào băng để nghe thâu đêm suốt sáng, có người thuộc lòng từng đoạn then. Phải chăng then đã đáp ứng nhu cầu tình cảm, tâm linh, tinh thần của quần chúng?

Xem then, nghe then chúng ta thấy trí tưởng tượng, óc sáng tạo của dân gian thật phong phú. Dân gian đã làm nên những giá trị tinh thần vô giá của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử.

Sau khi các Xao Chay múa phục vụ các vua quan then, Đoàn quân do linh hồn Bà Then dẫn đầu xin phép trở về trần gian.

Sau những phút thăng hoa, họ lại trở về thực tại nhưng trong tâm tuởng vẫn còn đọng lại niềm tin: Then đã chứng giám, phù hộ cho ước nguyện của bà con dân bản được ấm no, hạnh phúc.

Bàn thờ hồn then của Bà Then được đặt trong một ngôi nhà riêng biệt, không chung với nhà ở hay nơi thờ cúng tổ tiên được gọi là Hươn Then tức Nhà Then.Trước kia nơi đây là nơi riêng biệt cho việc hành lễ. Nay dù có làm Kin Pang Then ở đâu thì sau khi kết thúc Bà Then phải đưa lễ vật về bàn thờ hồn then.

Đã nhiều năm qua đi Lễ Kin Pang Then mới được tổ chức, bàn thờ then cũ kỹ phủ một lớp bụi thời gian như bừng lên trong sắc màu tươi tắn của những quả còn, của nhưng con chim én, của áo, của khăn. Ở tuổi 75 của mình bà then như trẻ lại bởi niềm vui bà con dân bản vẫn chưa quên, họ vẫn yêu, vẫn say Kin Pang Then. Có nhiều người trẻ chỉ nghe ông, bà kể lại hôm nay có cơ hội tận mắt chứng kiến.

Bà Then Đèo Thị Tủi là một trong số rất ít bà then ở Phong Thổ - những người gìn giữ, thỏa mãn niềm vui văn hóa tâm linh của cộng đồng.

Tuy nghi lễ kết thúc nhưng cuộc vui vẫn kéo dài, người già, người trẻ vẫn say trong vũ điệu bất tận và hào hứng. Bên cạnh những điệu múa nghi thức trong lễ Kin Pang Then còn nhiều điệu múa tập thể giàu tính biểu cảm thể hiện tâm hồn, tình cảm, thẩm mỹ, của dân tộc. Quả thật có ai đó đã thốt lên rằng: "Dường như nghệ thuật múa đã ăn vào máu của người Thái" thì bất kỳ ai về với lễ Kin Pang Then ngắm nhìn những người dự hội mới thấy hết được cảm xúc ấy.

Kin Pang Then là một tài sản giá trị trong kho tàng tinh thần của người Thái trắng. Và, điều gì sẽ xảy ra, nếu như các ông then, bà then cứ lần lượt ra đi mang theo luôn cả những làn điệu then ấy về cõi vĩnh hằng. Những then như bà Đèo Thị Tủi ở Phong Thổ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, liệu các con cháu của bà còn xem Kin Pang Then được mấy lần?

Giữ gìn Kin Pang Then là một trong nhiều việc cần thiết mà chúng ta phải làm để góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa - cái hồn của dân tộc.

L.P
(126/08-99)

 

Nguồn: Tạp Chí Sông Hương

Chủ đề: Lễ hội miền Bắc | Lượt xem: 1011 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==