Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 29/03/2024, lúc 1:45 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 19 » Lễ Hội TP HCM
10:42 PM
Lễ Hội TP HCM

Lễ Hội TP HCM

LỄ HỘI NGHINH ÔNG - CẦN GIỜ

Lễ hội nghinh "Ông", hay là lễ cúng cá "Ông cá voi" là tục thờ phổ biến của ngư dân từ đèo Ngang trở vào. Có nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá "Ông", lễ cúng "Ông", lễ nghinh "Ông", lễ nghinh ông Thuỷ tướng nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá "Ông" là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương nói trên. 
Lăng ông Thuỷ tướng tại xã Cần Thạnh huyện Cần Giờ được vua Tự Đức ban sắc phong Nam hải Tướng quân. Hàng năm lễ tế diễn ra rất trang trọng để tưởng nhớ công ơn cá "Ông"


Ngày 15/8 không khí lễ hội đã diễn ra nhộn nhịp ở bên ngoài lăng với nhiều hoạt động văn hoá sôi nổi. Sáng ngày 16/8, khoảng 10h, các vị trong hội lăng trong trang phục chỉnh tề làm lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Đoàn ghe nghinh xuất phát tại bến đò Cần Giờ - Vũng Tàu. Dọc theo đường rước, ngư dân sống trên biển và bà con hai bên phố bày lễ vật nghênh đón, khói nhang nghi ngút. Cùng với thuyền rồng rước thuỷ tướng, có hàng trăm ghe lớn nhỏ, trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ tháp tùng ra biển nghênh ông. Trước mũi ghe là hương án và mâm lễ vật. Trên các ghe lớn nhỏ này có chở hàng ngàn khách và bà con tham dự đoàn rước. Đoàn rước đi khoảng hai giờ thì quay về bến nơi xuất phát, rước ông về lăng ông Thuỷ tướng. Tại bến một đoàn múa lân, sư tử, rồng đã đợi sẵn để đón ông về lăng. 
Khi rước ông vào lăng, các nghi thức đón và tế diễn ra trang trọng, đúng với nghi thức cổ truyền. Các lễ cầu an, xây chầu đại bội, hát bội diễn ra tại lăng ông Thuỷ tướng. Ngoài lăng, có các hoạt động văn hoá văn nghệ. Vào khoảng 20 - 23h cùng ngày lễ cúng tế, hát bội vẫn tiếp tục diễn ra trong lăng.

 

Sáng 17/8 từ 8h - 22h tại lăng ông Thuỷ tướng diễn ra lễ tôn vương ông Thuỷ tướng theo sắc phong. Lễ cúng có hát thờ. Sau phần lễ tôn ông theo sắc phong cũng là lúc chấm dứt lễ hội.

__________________

LỄ HỘI CHÙA BÀ - TPHCM

Thờ: Chùa (Miếu) người Hoa. 
Bà Thiên Hậu. 
Thời gian: Ngày 15 tháng giêng và 15 tháng 10. 
Chính hội: Ngày 23 tháng 3. 
Địa điểm: Miếu Thiên Hậu, 710 Nguyễn Trãi, Quận 5. 
Đặc điểm: Lễ vật nhiều (heo quay). 
Tiền "Phước Sương” dùng vào việc công ích xã hội. 
Chùa Bà Thiên Hậu còn được gọi là chùa Bà (Chợ Lớn) của người Hoa tọa lạc tại số 710 Nguyễn Trãi, Quận 5, TP.HCM. Bà con người Hoa còn gọi là "Phò Miếu”, tên chữ Hán là Thiên Hậu Miếu. Chùa do nhóm người Hoa Quảng Đông xây dựng vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ XVIII, lúc đầu chỉ là một ngôi miếu và đã trải qua 4 lần trùng tu (theo thứ tự thời gian: 1800, 1842, 1890 và 1916) mới có được quy mô bề thế như hiện tại. Chùa Bà Thiên Hậu là một trong các ngôi chùa lớn và đẹp nhất của hơn 30 ngôi chùa Hoa ở TP.HCM. Chùa thờ Nữ thần Thiên Hậu. Dựa theo truyền thuyết được ghi trên tấm bia đá đặt ở chùa, bà sinh vào thời Tống, niên hiệu Kiến Long thứ nhất (960), là con thứ 6 của gia đình họ Lâm ở huyện Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Khi mới lọt lòng mẹ, bà đã tỏa ánh hào quang và hương thơm. Lớn lên bà thường cưỡi thảm bay lượn trên biển và du ngoạn nhiều nơi. Đến niên hiệu Ung Hy năm thứ 4 (987), bà từ giã cỏi trần, mới 27 tuổi và trở thành hiển linh. Đời Nguyên bà được phong là Thiên Phi, đến đời Thanh vua Khang Hy gia phong làm Thiên Hậu. Và danh hiệu Thiên Hậu tồn tại mãi cho đến nay. 
Từ truyền thuyết dân gian đã chuyển hóa thành tính ngưỡng và được những thế hệ sau hương khói phụng thờ ở nhiều nơi. So những điều ghi ở bia đá nói trên với một số truyền thuyết về bà ở các chùa khác thì có ít nhiều khác biệt, nhưng tựu trung đều ca ngợi, suy tôn bà là một người phụ nữ đức hạnh, có lòng hiếu thảo, xả thân cứu đời, được các triều đại phong kiến Trung Quốc phong tặng. Đề cao bà Thiên Hậu, ngưỡng mộ và phụng thờ bà như một vị hiển thánh, bà con người Hoa muốn thông qua tấm gương của Bà mà giáo dục cộng đồng của mình hãy học tập lòng hiếu thuận, đức nhân hậu của bà, sống có đạo nghĩa. 
Mặt khác, trên con đường vượt sóng gió biển khơi, đi về hướng Nam tìm đất lập nghiệp đầy gian truân, họ luôn cầu nguyện bà giúp đỡ, phù hộ. Và sau khi đã định cư, ổn định đời sống, sum họp đông vui, làm ăn phát đạt trên đất Việt Nam, quê hương thứ 2 của họ, họ cùng nhau lập đền thờ để tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với Bà. 
Trải qua nhiều năm tháng, chùa Bà Thiên Hậu đã giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh không chỉ của người Hoa Quảng Đông, mà cả người Triều Châu, Phúc Kiến, người Hẹ. Nhiều người Việt cũng thường đến cúng bái ở chùa, tham gia các hội lễ, ngày Tết hằng năm với lòng thành kính. Điều đó nói lên sự gần gũi về mặt tính ngưỡng, đồng thời cũng phản ánh tinh thần đoàn kết cộng đồng Hoa và Việt được hình thành trong quá trình khai phá vùng đất mới. 
Xây dựng tương đối sớm so với nhiều chùa Hoa khác trong thành phố, trải qua nhiều lần trùng tu chùa bà Thiên Hậu vẫn giữ được phong cách của một chùa Hoa, từ cách bố trí mặt bằng, đường nét kiến trúc (cửa vòm, mái ngói, nóc chùa) cho đến các tổ hợp điện thờ , hành lang, sân thiên tĩnh... cùng nghệ thuật trang trí bên trong. 
Chùa Bà Thiên Hậu được xây dựng theo hình chữ Quốc hay còn gọib là hình "cái ấn” - một kiểu kiến trúc đặc biệt mang tính Trung Hoa - trên một diện tích khá rộng. 
Ở tiền điện, bên trong hai cánh cửa có hai bia đá đặt sát tường, ghi lại truyền thuyết về bà bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Bên phải có bệ thờ tượng Phúc Đức chánh thần (tức Ông Bổn) bên trái thờ môn quan Vương Tả (thần giữ cửa). Trên cửa, một bức tranh cao gần sát nóc miêu tả bà đang bay lướt trên sóng nước giữa trùng khơi. 
Ở nơi trung điện không có trang thờ mà chỉ đặt một bộ lư "Phát lan” (mang niên hiệu Quang Tự năm thứ 12) trên một bàn đá. Một bên bộ lư là chiếc kiệu lớn sơn son thiếp vàng, và một bên là chiếc thuyền rồng Thuận Phong (biểu tượng của sự may mắn , an lành trên biển) cũng sơn son thiếp vàng, có chạm hình nhân. Xưa kia kiệu và thuyền được khiêng đi trong đám rước, nay tục này đã bỏ. 
Sân thiên tĩnh (giếng trời) đã được các nhà kiến trúc tính toán bố trí khá chặt chẽ, hài hòa, vừa có đủ diện tích thoáng, rộng để thông gió vừa đón nhận được ánh sáng tự nhiên đầy đủ, tạo cho bên trong chính diện một không khí trang nghiêm, thanh nhã của một kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng. 
Chùa được xây dựng để thờ bà Thiên Hậu, nên tượng bà được đặt ở nơi trang nghiêm nhất của chính điện. Bên trong trang thờ, 3 tượng bà đặt theo thứ tự từ lớn đến nhỏ thành một hàng thẳng, hai bên có 4 quân hầu. Phía bên trên điện thờ có khắc dòng chữ Hán (Thiên Hậu Cung). Trước điện là một dãy bàn đá nơi để kễ vật dâng cúng. Bên phải chính điện là trang thờ bà Kim Huê, bên trái thờ bà Long Mẫu Nương Nương. Đặc biệt trong tủ kính còn lưu giữ một "tướng lệnh” do Ariès ký năm 1860 (chữ viết bị mờ trên giấy ố vàng) cấm binh sĩ Pháp và Y Pha Nho không dược phá phách chùa. Chùa còn thờ một số nhân vật khác như Quan Đế, Địa Tạng và Thần Tài ở gian phụ nằm hai bên chính điện. 
Ngoài những vật liệu xây dựng mang từ vùng Nam Trung Quôc sang, ở Chùa Bà Thiên Hậu còn có nhiều tượng gốm nung với nghệ thuật thể hiện sắc sảo rút từ những đề tài lịch sử trong các tiểu thuyết cổ Trung Quốc như Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc... Các nhóm tượng đất nung này được bố trí một cách hài hòa với các hình tượng thuộc đề tài cổ điển khác như "tứ linh” (long, lân, quy, phụng) "lưỡng long tranh châu”, "bái tổ vinh quy”... Các mẫu vật trang trí bằng gốm màu này được bố trí dọc trên các đường diềm mái ngói, trên nóc chùa rêu phong tạo nên vẻ đạp đa dạng pha màu huyền thoại, làm tăng thêm tính chất mỹ thuật cũng như nội dung tính ngưởng của công trình. 
Bên trong chùa, có thể nói là một sự phối hợp của nhiều bộ môn điêu khắc, trang trí hội họa khá đa dạng và phong phú phục vụ cho mục đích tôn giáo tín ngưỡng của người Hoa. Bên cạnh những tượng tròn được tạc bằng những nét tả thực chân phương, các phù điêu chiếm một vị trí quan trọng trong việc trang trí, từ các bao lơn, hòanh phi, câu đối cho đến bậu cửa, vòm mái, những bức chạm lộng và chạm nổi về đề tài chim muông, hoa trái xen lãnh với những đề tài huyền thoại, vừa tạo nên không khí cổ kính trang nghiêm, vừa hiện thực, thể hiện hoài bão, ước vọng một cuộc sống thái bình, thịnh vượng nơi mãnh đất mà những người Hoa di cư đã chọn làm quê hương thứ hai của họ. 
Cũng như ở nhiều chùa Hoa khác, hằng ngày vẫn có người đi lễ chùa Bà, nhưng tập trung đông nhất ở đây là các ngày sóc (mồng một) và ngày vọng (ngày rằm), đặc biệt là ngày rằm tháng giêng, rằm tháng 10 và buổi cúng tất niên chiều 29 tháng chạp. 
Lễ vía bà Thiên Hậu (23 tháng 3) được xem là lễ hội lớn nhất hằng năm của chùa Bà, trong đó số nữ bao giờ đi lễ cũng đông hơn nam giới nhiều lần. Lễ hội không chỉ thu hút người Việt và người Hoa ở trong quận và thành phố, mà còn có đong đảo người ở các tỉnh khác về dự. 
Trước đây, lễ vía bà thường kéo dài cả tuần, việc cúng tiến, lễ vật mang đến cũng rất linh đình (riêng heo quay có năm đến 200 con). Có cả lễ rước tượng à đặt trong kiệu sơn son thếp vàng cùng thuyền Thuận Phong và các nghi trượng ghi tên các vị thần có thờ ở chùa. Ngày nay, đám rước trên đường phố đã được giảm đi, chỉ còn tổ chức ở khuôn viên nhà chùa. 
Để chuẩn bị cho ngày lễ vía Bà, từ những ngày trước đó, ban quản trị nhà chùa đã tổ chức trang hoàng, sửa sang lại bên trong nội thất và chang đèn kết hoa ở bên ngoài. Ngay từ chiều ngày 22 tháng 3, ban quý tế tổ chức lễ cúng và với thành phần tham dự gồm có ban quản trị, những thiện tín có nhiều đóng góp công sức, tiền của cho nhà chùa, các quan khách địa phương và nhiều thiện nam tín nữ khác. Lễ vật dâng cúng gồm có heo quay, ga, ngỗng (nói chung là thức cúng mặn) cùng các loại hoa quả, bánh trái. Xưa lễ vía Bà thường phải cúng đủ "tam sanh” —heo, gà, dê làm thịt, mổ ruột và để sống. Nay thì tục lệ như vậy dâng cúng đã giảm lược hơn. 
Sau lời khấn khai mạc của vị chánh tế, người phụ nữ đọc bản văn viết sẵn bằng tiếng Quảng Đông ca tụng công đức của Bà, nay nhân ngày vía bà, mọi người xin tỏ lòng biết ơn chân thành và mong sao Bà phù hộ cho mọi người, mọi nhà sống yên vui, làm ăn phát đạt, đoàn kết tương thân tương ái với nhau...Sau bài văn tế, các thành viên trong ban quản trị tổ chức bốc thăm để lựa chọn người "cầm ấn” (một chiếc ấn bằng đồng khắc cổ tự) lên trước ngai thờ Bà, đóng lên tấm giấy đỏ mang dòng chữ Khai ấn đại kết và Hợp cảnh bình an viết bằng mực xạ, để dán lên hai bên các điện thời trong chùa. 
Sau nghi lễ ba tuần rượu và ba tuần trà ở nơi chính điện thì ở phía trước, nơi sân thiên tĩnh bắt đầu đốt vàng mã và đốt pháo. Khi tràng pháo dài chấm dứt, mọi người làm lễ chào Bà lần cuối, một người trong ban quản trị đi thâu nhang tận tay của từng người dự lễ, để đem đi cắm rải rác chung quanh chùa. 
Bước sang ngày 23 — ngày chánh vía Bà từ 4h sáng, trong chùa, trên các điện thời, đèn nến thắp sáng choang, nhang trầm hương ngào ngạt. Sau một hồi chuông dóng lên, cửa chùa từ từ mở rộng để đón các đoàn khách đến cúng Bà. Lễ vật dâng cúng thì tuỳ hoàn cảnh và lòng hảo tâm của từng người, riêng món nhang đèn, giấy vàng bạc, giấy tiền là những lễ vật không thể thiếu, vì người Hoa quan niệm đây là quà biết dâng lên các vị thần. Ngoài phần lễ bái ở nơi chính điện thờ Bà Thiên Hậu, khách còn tuỳ theo nhu cầu và ước vọng riêng của từng người, từ việc gia đạo, đến tình duyên, con cái, từ việc cầu sức khoẻ đến chuyện buôn bán làm ăn... mà mang lễ vật tiếp tục đến cúng bái ở các điện thờ nhân vật khác. 
Sau khi cúng lễ xong, thân chủ thường để lại cho nhà chùa một phần còn một phần thì mang về nhà, gọi là để "hưởng lộc thánh”. Trong khi cúng lễ, khách có thể mua ngay tại chỗ những "vòng nhang cầu an” có đường kính trung bình từ 50 đến 60cm, có loại đường kính đến 1 mét. Nhà chùa ghi tên người đó trên một miếng giấy đỏ đính kèm vòng nhang rồi treo lên trần đốt. Mỗi "vòng nhang cầu an” như thế cứ cháy suốt đêm trong vòng một tháng trời. Đây là một nét đặc trưng ở chùa Hoa, đặc biệt ở chùa Bà Thiên Hậu và chùa Ông (Nghĩa An hội quán). 
Người đi lễ sau khi cúng bái thường được nhận của nhà chùa 3 tấm giấy (khổ 12 x 25cm) trên có in dòng chữ Hán và đóng triện son: "Thánh Mẫu toạ trấn, hợp gia bình an, bảo hộ an khang”. Theo cách gọi của người Hoa, đây là "rước vía Bà” đưa về nơi bàn thờ ở gia đình. 
Đến chiều 24 tháng 3, lễ vía Bà kết thúc. Vào lúc đó, những đội lân cùng xuất hiện, trình diễn nơi sân chùa, rồi toả về một số ngả phố như để báo hiệu với mọi người một lễ hôi vía Bà diễn ra thuận lợi, tốt lành và hy vọng sẽ gặp nhau lại trong lễ hội năm sau. 
Trước ngày giải phóng, lễ vía Bà Thiên Hậu, ngoài việc cúng bái linh đình, kéo dài cả tuần lễ, còn có các tục mê tín như xin xăm, bói toán, coi ngày, bay tiền thần... nay những tục lệ ấy đã giảm đi khá nhiều. 
Chùa Bà Thiên Hậu là một ngôi chủa lớn của thành phố, là một di tích văn hoá có giá trị cao về mặt nghệ thuật và kiến trúc. Nếu như sự hình thành của các chùa Hoa nói chung, trong đó có chùa Bà Thiên Hậu, gắn liền với lịch sử định cư của khu vực Sài Gòn — Chợ Lớn, thì trên bình diện tôn giáo, tín ngưỡng, việc thờ cúng, sinh hoạt lễ hội hàng năm ở đây là một biểu hiện rõ nét quá trình hội nhập của người Hoa vào cộng đồng tổ quốc Việt Nam từ vô thức đến ý thức. Đã từ khá sớm, chùa Hoa ở thành phố không chỉ là riêng của người Hoa mà không ít chùa có sự đóng góp xây dựng của bà con người Việt, và bà con người Việt cũng chân thành chia sẻ những tín ngưỡng của bà con người Hoa. Không ít thợ thủ công, nghệ nhân người Việt đã đóng góp vào nghệ thuật xây dựng, trang trí làm tăng thêm vẻ đẹp của các chùa Hoa.

Bên cạnh những nhu cầu về tinh thần và đời sống tâm linh được phản ảnh rõ nét trong lễ hội, ý thức hoà nhập cộng đồng và đoàn kết giữa bà con người Hoa và bà con người Việt còn được thể hiện rõ hơn ở những mặt hoạt động xã hội, từ thiện mà nhà chùa ở đây đang đóng góp vai trò trung tâm. Như ta biết, số tiền "phục sương” của chùa Bà Thiên Hậu hàng năm rất lớn, do bá tánh tự nguyên đóng góp. Phần lớn số tiền này đã được sử dụng các việc công ích như: xây dựng trường học, bảo trợ học sinh nghèo học giỏi hay những em thiếu điều kiện đến trường, đỡ đầu cung cấp thuốc men, phương tiện cho một số bệnh viện, bênh xá, cung cấp thêm tiền ăn cho các cụ già ở trại dưỡng lão, cho bệnh nhân các trại phong...

__________________

LỄ HỘI ĐỨC THÁNH TRẦN - TP. HỒ CHÍ MINH

Thành phố Hồ Chí Minh lễ hội Đền Đức thánh Trần: Liên tiếp trong ba ngày mùng 8, 9, 10 tháng giêng âm lịch, ban Quản trị Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo ở số 36 Võ Thị Sáu phường Tân Định Q1 đã long trọng tổ chức lễ bái chánh điện và lễ tế cổ truyền. Đông đảo bà con đã đến dự, làm lễ dâng hương. 
Đại diện Ban quản trị đền đã ôn lại công đức của Hưng Đạo Đại vương (1213-1300), vị anh hùng kiệt xuất đời nhà Trần ở thế kỉ 13-14, lập nên nhiều chiến công hiển hách trong ba lần chống giặc ngoại xâm Nguyên- Mông, giữ vững bờ cõi và nền độc lập dân tộc thời ấy. Trận thủy chiến ở sông Bạch Đằng, bến Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết… tới nay vẫn còn vang danh như hai câu thơ của Nguyễn Trung Ngạn đời Trần: Lính già từng trải mùi chinh chiến/Nghe nói Nam chinh ủ mặt mày ! 
Cuộc kháng chiến đời Trần đã đạt đến trình độ của một cuộc chiến tranh nhân dân mà người vận dụng thiên tài chiến lược, chiến thuật là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

Lễ hội này hằng năm đều tổ chức trong ba ngày vừa để nhân dân ghi nhớ công đức của một anh hùng dân tộc, vừa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay. (internet)

__________________

LỄ HỘI CHÙA NGỌC HOÀNG

LỄ HỘI CHÙA NGỌC HOÀNG: Chùa Ngọc Hoàng hay Ngọc Hoàng điện, nay gọi là chùa Phước Hải, tọa lạc tại số 73, đường Mai Thị Lựu, gần chợ Đa Kao thuộc phường Đa Kao, quận I, thành phố Hồ Chí Minh. 
Chùa Ngọc Hoàng được thành lập từ năm 1892 do một người Hoa tên Lưu Minh chủ xướng. Năm 1900, công cuộc xây cất chùa hoàn thành, nhưng đến năm 1906 mới làm lễ khánh thành. Chùa khởi nguyên tên là Ngọc Hoàng Điện, người Pháp gọi là "chùa Đa Kao", năm 1982 chùa gia nhập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam với hòa thượng Thích Vĩnh Khương chủ trì, mới đổi tên thành Phước 
Hải Tự, nhưng dân gian vẫn quen gọi là chùa Ngọc Hoàng. 
Trong sân chùa Ngọc Hoàng, ngoài hai hồ nuôi cá và rùa, có một miếu thờ Hộ Pháp và một nhà bát giác che chiếc đỉnh lớn đúc bằng xi măng giả đồng dành cho khách hành hương thắp nhang trước khi vào chùa cũng như ra khỏi chùa. Chùa Ngọc Hoàng có tổng cộng trên 300 tượng thờ, được phân bố trong ba gian thờ. Gian ở giữa liền với cổng vào, là gian thờ các bậc thiên tướng và Ngọc Hoàng, theo thứ tự từ ngoài vào trong gồm có: 
- Thổ địa (bên trái cửa vào), Môn Quan (bên phải cửa vào). 
- Phật Dược Sư, tượng phật duy nhất bằng gỗ trầm đặt trong lồng kính, ở giữa chánh điện. 
- Thanh Long đại tướng (bên phải) và Phục Hổ đại tướng (bên trái), tượng to bằng người thật. 
- Cung thờ Ngọc Hoàng ở giữa, cung thờ Chuẩn Đề Quan Âm bên phải và cung thờ Bắc Đế, tức Huyền Võ hay Trấn Võ bên trái. 
Ở gian thờ Ngọc Hoàng có sáu pho tượng chính: bên phải gồm ba vị, với giữa là Quan Phu Tử (chủ về việc võ) và hai bên là Thiên Tướng và Thiên Thần. Ngoài ra, còn có các tượng thờ khác như: Nam Tào, Bắc Đẩu, Hoa Đà tiên sư, Tề Thiên đại thánh, Quan Thánh đế quân, thần Nhật, thần Nguyệt, Long Mẫu nương nương, Tứ Đại kim quang, Thái ất chân nhân, Hòa thượng Đạo Minh, Khuyến thiện đại sư, hai quan văn, hai quan võ, hai đồng tử, Ông bà bà Thiên Lôi cùng bảy thiên tướng... 
Hầu hết các tượng thờ ở đây đều bằng gỗ, một số ít làm bằng giấy bồi. Riêng tượng của Ngọc Hoàng là pho tượng ngồi lớn nhất trong chùa. Đầu tượng Ngọc Hoàng đội mão lớn có mái che trước trán. Hai tay Ngọc Hoàng cầm lịnh tiễn. Mặt Ngọc Hoàng bình thản, không vui cũng không buồn, mắt trong tư thế mở nhưng không thấy rõ tròng mắt, mũi dời và to. Khuôn mặt tượng Ngọc Hoàng hình chữ điền, hai má cao và rộng, có bốn chòm râu tỏa dài xuống ngang vai. 
Ngọc Hoàng mặc áo choàng rộng, hai tay áo phủ tận đến các ngón tay. áo được chạm nối dính hến vào tượng với kỹ thuật sơn son thếp vàng tinh xảo làm nổi bật đường nét trang trí trên thân áo với một con rồng uốn lượn. 
Gian bên trái từ ngoài vào, theo thứ tự từ trước ra sau có những hương án với các tượng thờ sau: 
- Gian đầu tiên thờ Kim Hoa thánh mẫu, mười hai bà mụ và các nhũ mẫu trong các tư thế nuôi dạy cho trẻ nhỏ. Đây là gian cầu tự cho những người hiếm muộn. 
- Gian tiếp theo là Thập Điện Diêm Vương, với mười bức chạm gỗ với cảnh mười cửa ngục phân bổ đều mỗi bên vách năm bức. Nối liền gian Thập Điện với gian Kim Hoa thính mẫu, có các tượng thờ: Quan Âm, Kim Đồng, Ngọc Nữ, Địa Tạng Vương bồ tát (biểu tượng cho sự cứu rỗi), Hoạt Vô Thường, Tư Mạng sứ quân và Dẫn Hồn Tiền (biểu tượng sự dẫn dắt, phân biệt linh bổ lành dữ). 
- Thần Tài: Trang phục đồ tạng, biểu tượng mang hết sự rủi ro vào mình và ban phát tài lộc cho nhân gian. Tượng đứng cuối gian Thập Điện, tay cầm một cái rổ đựng các gói giấy đỏ bọc mảnh giấy nhỏ ghi hai chữ Hán "Tài Thần" bên trong để khách hành hương xin lộc. 
- Gian nối liền với gian Thập Điện có các tượng thờ: Nhị Vị song án, Mã tướng quân, Thành Hoàng Lỗ Ban và Thái Tuế. 
- Gian cuối cùng (hiện không còn cho khách vào chiêm bái) gồm hai hương án thờ Thạch Cẩm Đương (tục thờ đá của người Hoa) và thờ Ông Tà (tục thờ đá của người Khmer). 
- Bên phải gian thờ Ngọc Hoàng là phòng khách của chùa, sau phòng này có cầu thang lên lầu. Nơi đây thờ phụng: Quan Âm bồ tát, Quan Thánh Đế Quân, Hộ pháp và Tổ Lưu Minh - người lập chùa. 
Từ lâu chùa Ngọc Hoàng là một trong những cơ sở tín ngưỡng dân gian thu hút đông đảo khách hành hương chiêm bái. Vào những ngày rằm, mùng một âm lịch, nhất là vào các ngày rằm lớn trong năm (15/1 âm lịch, 15/7 âm lịch, 15/10 âm lịch) khách đến lễ chùa đông đến hàng vạn người. Tuy nhiên, dịp lễ hội thu hút khách đông nhất là dịp lễ vía Ngọc Hoàng vào ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch hàng năm. Vào địp này, tối ngày mùng 8, vị hòa thượng trụ trì chùa tổ chức tụng kinh cầu an. Cả ngày mùng 9 dành cho hàng chục vạn khách đến chiêm bái, có cả người Hoa lẫn người Việt. Khói hương mù mịt khắp trong ngoài...

Trong các cơ sở tín ngưỡng dân gian của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh, chùa Ngọc Hoàng có thể xem là một trong những điểm có sức thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái rất đông đảo. (internet)

__________________

HỘI CHÙA ÔNG BỔN

HỘI CHÙA ÔNG BỔN: Chùa ông Bổn của người Hoa ở Chợ Lớn, còn gọi là Nhị phủ miếu, tọa lạc tại đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5 (TP. Hồ Chí Minh). Chùa có vị trí quan yếu đối với người Hoa gốc Phúc Kiến ở quận 5... 
Theo tài liệu của Lý Văn Hùng trong Gia Định tràng Phật Tích cổ thì ông Bổn chính là Châu Đạt Quan, một viên quan của triều đình Trung Hoa đời nhà Nguyên, thế kỷ thứ XIII. Ông tham gia các sứ bộ Trung Hoa đến nhiều nước ở Đông Nam Á, trong đó có vùng đất nam Việt Nam và Chân Lạp. Ông là nhà viết sử và nhà du ký... nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa cổ đại. Từ miền Chân Lạp trở về, ông viết quyển Chân Lạp phong thổ ký (ghi chép về phong tục, đất đai và con người) mô tả vùng đất cực nam Đông Dương thế kỷ XIII... 
Chùa Ông Bổn - Nhị phủ miếu có kiến trúc tổng thể theo hình chữ khẩu, gồm bốn dãy nhà dài, vuông góc nhau, khoảng trống ở giữa tạo nên sân thiên tỉnh. 
Nhìn từ bên ngoài chùa Ông Bổn nổi bật giữa phố phường với những nếp mái cong như chồng lên nhau. Những nếp mái cong của chùa Ông Bổn khá độc đáo so với nhiều ngôi chùa khác ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như cả nước. 
Phần chính điện chùa Ông Bổn bày một bàn thờ Ngọc Hoàng thượng đế với một lư hương bằng đồng khá lớn. Bên trên Ngọc Hoàng có hai tấm hoàng phi đại tự "Phúc toàn đức bị" và "Thích cấp lâm phong". Những hiện vật này được ghi rõ làm trong năm Quang Tự thứ 27 tức 1901. 
Đi qua sân thiên tỉnh, nơi đó có dãy bàn bằng xi măng làm chỗ biện bày các lễ vật cúng thần, sẽ bắt gặp một hoàng phi đại tự "Thân Lâm phước địa", nét chữ bay bướm phong nhã. Bên dưới hoàng phi là một bàn để bày lễ cúng và cũng là bàn thờ "Nhị Phủ miếu phúc đức chính thần". 
Bàn thờ "Phúc đức chính thần" chiếm vị trí trung tâm của gian chính điện với trang thờ nguy nga, lộng lẫy. Bao lam điện thờ được sơn son thếp vàng, chạm lộng hoa lá, rồng, phượng v.v... Điện thờ phúc đức chính thần có tượng ông Bổn bằng gỗ cao khoảng 1,5m, một cỗ ngũ sự bằng đồng, một bài vị "Nhị Phủ Đại Bá Công". 
Tượng ông Bổn thể hiện một ông già khuôn mặt quắc thước, khoan hòa với chòm râu bạc trắng buông dài, dáng ngồi thoải mái, một tay gác lên tay ngai, một tay vừa mới vuốt chòm râu. Những nếp áo tượng buông chùng trong dáng nghĩ ngợi suy tư. Bên dưới tượng ông Bổn là hai tượng nhỏ khác như hai đồng tử đang đứng chờ được sai bảo. 
Bên trái bàn thở ông Bổn là một gian điện thờ nhỏ hơn, thờ Quảng Trạch Tôn Vương, cùng 106 vị khác. Bàn thờ có hai di tượng, tượng một hài đồng yên vị trên ngai với vẻ mặt ngây thơ, có dáng như ngạc nhiên, bên dưới là tượng một nhà sư (hoặc đạo sĩ) mặc áo vàng, đầu trọc, lông mày rậm uốn cong lên. Trên trang thờ Quảng Đại Tôn Vương còn một bức liễn nhỏ ghi ba chữ "Phụng Sơn Tự". Bên phải bàn thờ ông Bổn, đối xứng với bàn thờ Quảng Trạch là bàn thờ "Thái tuế". Trên bàn thờ là một đạo sĩ, tay đang lắc chuông, chung quanh là ba con hổ trong trạng thái gầm ghè hung hãn. Vị đạo sĩ vẫn bình tĩnh nhìn về phía trước như đang thu phục lũ dã thú. Trước tượng đạo sĩ là tượng một đồng nhi ở trần đang múa gươm. 
Dãy nhà giữa bên phải chính điện là nơi làm việc của Ban trị sự Nhị Phủ miếu. Dãy nhà bên trái là nơi đặt điện thờ Quan Công, Quan Thế Âm bồ tát và hai bàn thờ nhỏ hơn một thờ bà Chúa Sanh (Chúa Sanh nương nương) và bà phu nhân Hoa Phấn (Hoa Phấn phu nhân). Những di tượng nơi các điện thờ, bàn thờ ở bên trái cũng gần giống với nhiều chùa Hoa khác thờ Quan Công, Quan Thế Âm... 
Bên trong chùa Ông Bổn hiện còn lưu lại 10 cặp liễn bằng gỗ, 10 bức hoành phi cũng bằng gỗ được sơn thếp chạm trổ rất khéo léo. Hầu hết các liễn, hoành này có niên đại Quang Tự đời nhà Thanh tức được hoàn thành vào cuối thế kỷ trước. Ngoài ra trong chùa còn hai quả chuông, một bằng đồng và một bằng gang. Quả chuông đúc bằng gang có ghi năm chế tạo "Quang Tự nguyên niên" (tức năm 1875), với dòng chữ "chúng thương đồng cúng" (do những người buôn bán cúng cho chùa). Chuông này khá nặng và to lớn, nhà chùa không có giá treo nên đành để dãi dầu phong sương ở dưới đất góc chùa, cạnh lò đốt vàng mã. Một chuông khác đúc bằng đồng, dáng nhỏ, thanh thoát có ghi chữ "Ất Dậu trọng thu", có lẽ được đúc vào năm 1825. 
Nhìn chung, kiến trúc và tư tưởng chùa Ông Bổn - Nhị Phủ miếu tương đối đơn giản, nhưng vẫn tạo được không khí trang nghiêm của một cơ sở tín ngượng, tôn giáo và thể hiện một phong cách đặc sắc văn hóa của người Hoa ở thành phố. Việc chọn ông Bổn làm vị thần thờ cúng chính của ngôi chùa cũng là một đặc điểm đáng lưu ý của tôn giáo, tín ngưỡng của người Hoa ở Việt Nam nói chung. 
Hàng năm, chùa Ông Bổn có nhiều ngày lễ hội lớn. Đặc biệt ngày lễ chính của chùa là rằm tháng Giêng và rằm tháng Tám theo âm lịch. Theo Ban trị sự của chùa, đó là ngày sinh và ngày mất của ông Bổn. Lễ vật cúng ông Bổn thường là heo quay, heo sống, gà luộc, hoa trái, nhang đèn v.v... Ngươi Hoa phần lớn là người gốc Phúc Kiến đem lễ vật đến chùa cúng rất đông. Bà con người Hoa thường mua những vòng hương thắp cúng treo khắp vòm trần chùa tỏa khói thơm nghi ngút suốt nhiều tháng. 
Ngoài hai ngày lễ chính, chùa Ông Bổn cũng có một số bà con người Hoa đến cúng chùa vào dịp Tết Nguyên đán, Nguyên Tiêu, Rằm tháng Chạp... Người Hoa ở thành phố tới lễ chùa, dự hội rất đông vui. Thường vào dịp tết Nguyên Đán, các đội múa Rồng đến tổ chức biểu diễn múa ngay sân chùa thu hút hàng ngàn người xem. Các đội võ thuật, thể dục thể thao, cũng thường tổ chức các cuộc thi đấu tại sân chùa.

Vào Rằm tháng Giêng một số bà con người Hoa đến lễ chùa và xin vay mượn tiền của các vị thần thánh trong chùa như Ông Bổn, Quan Công để làm ăn buôn bán. Sự vay mượn này có tính chất tượng trưng, nhưng đến cuối năm vào Rằm tháng Chạp, bà con đến chùa trả lễ đầy đủ cả vốn lẫn lời bằng số tiền mặt bỏ vào các thùng phước sương. Vào dịp này số người đến chùa Ông Bổn, cũng như nhiều chùa khác xin xăm, bói toán khá nhộn nhịp. (internet)

__________________

Lễ hội lăng Ông

Người Sài Gòn xưa cũng nay có thói quen gọi cặp từ "Lăng Ông Bà Chiểu" để chỉ lăng thờ Tả quân Lê Văn Duyệt, từng giữ chức tổng chấn Gia Ðịnh thành (tức cả Nam Bộ và tỉnh Bình Thuận ngày nay) tại khu vực Bà Chiểu hay cụ thể hơn: Bên cạnh chợ Bà Chiểu. Có không ít người nhầm tưởng rằng đây là phần mộ ông và bà tên Chiểu. Không phải vậy. Ðây là phần mộ của ông bà Lê Văn Duyệt.

Hàng năm, tại Lăng Ông có hai lễ hội lớn, đó là ngày giỗ tả quân vào ngày 1-8 âm lịch và ngày hội đầu xuân mồng 1 và ngày mồng 2 Tết.

Về lễ hội Tả quân: Xét riêng phương diện các lễ hội tưởng niệm các nhân vật lịch sử, thì đây là lễ hội lớn nhất ở đất Gia Ðịnh xưa và nay. Lễ bắt đầu từ 30 tháng 7 và kết thúc vào 3 tháng 8. Số người dự hội có đến hàng chục vạn. Suốt trong những ngày hội tại trung tâm thành phố này, dòng người hành hương tấp nập từ các nơi đổ về không ngớt cả ngày lẫn đêm . Không chỉ người thành phố mà cả khách tỉnh xa cũng về dự hội. Ðáng chú ý trong số khách đi lễ số lượng người Hoa chiếm khoảng 50%. Ðiều này có nguyên nhân lịch sử của nó. Họ đến dâng hương cầu khấn với lòng thành kính, để tạ ơn một vị phúc thần mà lúc sinh thời khi làm Tổng chấn Gia Ðịnh đã có những chính sách, chủ chương nâng đỡ, tạo điều kiện cho cộng đồng người Hoa phát triển nghề nghiệp, an cư lạc nghiệp trên quê hương thứ hai của họ. Người hoa vì thế đã tôn vinh Tả quân Lê Văn Duyệt là "Phò mã gia gia" coi ông như một vị thần ngang hàng với ông Bổn trong lịch sử Trung Hoa.

 

Tượng Tả Quân Lê Văn Duyệt

Về lễ hội đầu xuân nơi Lăng Ông: Ngay đem 30 Tết từ 22 giờ trở đi, những dòng người, những dòng xe cộ từ nhiều ngả đường trong thành phố đổ về Lăng Ông đông nghẹt, không có chỗ chen chân, để thắp hương dâng cúng và hái lộc đêm giao thừa, nhưng nơi đây, ngoài những cây cổ thụ cao chót vót, đâu có lộc mà để hái? Ðể đáp ứng nhu cầu đã trở thành tập tục này, ban quý tế của lăng đã chuẩn bị hàng xe ô tô cây "phát tài" từ các làng hoa Gò Vấp đưa về để sẵn từ chiều. Trên sân lăng rộng gần nơi cổng Tam quan, gần nơi cổng bán hương cho khách vào lễ bái ở lăng, có những chiếc bàn trên chất cao những cây "phát tài" và cạnh đó có đặt một thùng "phước sương". Khách đến cứ chọn cành lộc đầu năm mà mình vừa ý, sau đó cũng tự nguyện bỏ tiền vào quỹ "phước sương" của lăng (vì ở đây không có người bán - hơn nữa ai mà đi bán lộc). Quang cảnh đêm lễ hội đầu xuân tại nơi đây thật là náo nhiệt. ở trung điện và chánh điện khói hương trầm mù mịt, nhóm này ra, nhóm khác vào liên tục không ngớt, kẻ hái lộc, người "đổi hương" tưng bừng, rộn rịp, mong mang một chút lộc Thánh về gia mình trong năm mới. Người ta thấy bên cạnh người Việt có đông đảo bà con người Hoa tay cầm cành lộc hoặc cây hương trường đang cháy đỏ, hoặc cùng lúc cả hai thứ. Có mặt trong hội đầu xuân này còn có mặt không ít người ngoại quốc cùng tham gia chảy hội với nét mặt hân hoan, thích thú. Ðêm hội kéo dài đến 2 giờ sáng mới vãn người để rồi ngày mồng 1 và mồng 2 lăng Ông lại mở cửa đón bà con thành phố, mà đông đảo nhất là ba con tiểu thương, tiểu chủ trong các quận nội thành, và khách thập phương đổ về với số lượng hàng chục vạn mỗi ngày.

Chủ đề: Lễ hội miền Nam | Lượt xem: 831 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==