Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 5, ngày 18/04/2024, lúc 7:47 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 19 » Lễ Hội Tuyên Quang
10:20 PM
Lễ Hội Tuyên Quang

HỘI KHAI NHẠC - TUYÊN QUANG

Lễ hội Khai nhạc của dân tộc Cao Lan (Tuyên Quang) 
Hàng năm vào mồng 2 Tết Nguyên đán, bà con dân tộc Cao Lan xã Thành Long (Hàm Yên) tổ chức Lễ hội Khai nhạc. Các tiết mục trong lễ hội thể hiện những nét văn hoá truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Cao Lan. 
Lễ hội Khai nhạc nằm trong nghi lễ trả nợ (đám tang, đám chay) của 4 dòng họ của dân tộc Cao Lan: Hoàng, Lương, Lý, Hà. Từ sáng sớm các con cháu tổ chức lễ rước kiệu tổ tiên, tổ tông, thần linh từ nhà ra đồng (ngoài đồng dựng sẵn cái rạp đã lập đàn), sau đó thầy (thầy mo) đánh ba hồi trống bắt đầu lễ Khai nhạc.

Lễ Khai nhạc kết thúc thì nghi lễ trả nợ cũng hoàn thành. Thầy làm phép khai binh khiển tướng, cấp lễ hội này cho tổ tiên, tổ tông, thần linh. Coi như con cháu đã trả nợ xong công ơn của các bậc đã phù hộ cuộc sống của họ được bình yên, hạnh phúc trong nhiều năm qua. Nghi lễ trả nợ không phải lúc nào cũng có mà chỉ khi có nợ với tổ tiên, tổ tông, thần linh. Tức là đời ông, bà, cha, mẹ trước kia nuôi con, cháu khó, trâu bò, lợn gà khó, mùa màng thất thu... đã khấn các vị phù hộ. Sau khi được phù hộ, việc trong nhà ngoài ngõ thuận buồm xuôi gió là đến lúc họ phải làm lễ trả nợ. Đời bố không trả được thì đến đời con, đời cháu, tuyệt đối không được để quá 3 đời. Các đồ cúng tế trong nghi lễ là trâu (họ Hoàng), bò (họ Lương), lợn (họ Lý, Hà). 
Lễ Khai nhạc gồm 10 điệu múa: Tập thể, Khai đao mở đường, Mời thần an toạ, Bồ câu xoè cánh, Khỉ giã gạo, Xúc tép, Dâng hương, Dâng trà, Dâng rượu, Khai đèn và 24 câu xướng. Hát xướng là hình thức phụ họa (hát đệm) để chuyển bài, qua đó tăng thêm tính hấp dẫn, nghiêm trang của lễ hội. 10 điệu múa trong lễ Khai nhạc thể hiện sự biết ơn tổ tiên, tổ tông, thần linh đã mang lại những điều may mắn cho con, cháu, người nhà khoẻ mạnh, trâu bò không bị ốm, mùa màng tốt tươi. Hiện nay, các tiết mục múa trong phần lễ Khai nhạc của nghi lễ trả nợ được các nghệ nhân dân tộc Cao Lan lưu giữ và thể hiện dưới hình thức sân khấu hoá. Các tiết mục này đều dùng công cụ chủ đạo là trống cái - thầy đánh trống, các đồng nhi (tồng nhi - diễn viên múa) múa theo tiếng trống. Diễn viên múa không phân biệt lứa tuổi, nam - nữ. Người đánh trống giữ vai trò chủ đạo, xuyên suốt trong bài múa, điệu múa. Mỗi một hồi trống gắn với một động tác khác nhau. Sau mỗi điệu múa người đánh trống sẽ hát xen vào 2 câu xướng - coi như là nhạc dạo để các đồng nhi chuẩn bị cho điệu múa tiếp theo. 
Hiện nay để lưu giữ nghi lễ truyền thống này hàng năm vào mồng 2 Tết Nguyên đán bà con dân tộc Cao Lan xã Thành Long lại mở hội Khai nhạc. Tại buổi lễ bà con chuẩn bị một mâm cỗ đơn giản vái thần Hoàng Làng, sau đó tập trung tại nhà già làng (thầy mo) mở hội. Lễ hội Khai nhạc thu hút đông đảo bà con trong xã tham gia, không kể dân tộc, dòng họ. Họ đến lễ hội vừa để vui xuân đón tết, vừa để học những điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan. Tiết mục múa "Bồ câu xoè cánh” của gia đình nghệ nhân Trần Quang Tiến, thôn 3 Đoàn Kết, xã Tân Thành vừa vinh dự đạt giải xuất sắc trong Liên hoan các nhà văn hoá tiêu biểu toàn tỉnh năm 2009. (internet)

______________________________________________

HỘI GIÃ CỐM - TUYÊN QUANG

Lễ hội giã cốm - Nét văn hóa đặc sắc ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang: Lễ hội giã cốm (khẩu mẩu, lẩu then) của đồng bào dân tộc Tày Chiêm Hoá là lễ hội truyền thống sau mỗi vụ thu hoạch lúa, thể hiện sự biết ơn của người dân đối với đất trời đã cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội giã cốm khẳng định trình độ sản xuất nông nghiệp của bà con, không khuất phục trước thiên tai dịch họa để cho cây lúa trĩu bông, thóc lúa đầy bồ. 
Lễ hội được tổ chức hàng năm vào dịp tháng 9, tháng 10 âm lịch, khi lúa nếp cái bắt đầu chắc hạt, gia đình trưởng họ xem ngày lành, tháng tốt, nhờ chị em trong dòng họ nhặt lúa thành cum, đem lạt buộc thành túm nhỏ, đào lò, đan một miếng phên vuông đậy lên miệng lò, chất củi đốt rồi hơ cho lúa chín, để nguội rồi đem vào cối giã thành hạt cốm thơm ngon, để tế dâng lên Ngọc Hoàng Thượng đế và các vị Thần linh. Đây coi như một lễ báo công tạ ơn Ngọc Hoàng Thượng đế và các vị Thần đã ban cho muôn dân mùa màng tốt tươi, mọi nhà no ấm. 
Không chỉ có vậy, lễ hội giã cốm còn là dịp để các đôi trai làng, gái bản đua sức đua tài, tìm bạn kết duyên. Với nhịp chày khua đều đặn, khỏe khoắn tạo thành những âm điệu rộn ràng vang vọng khắp núi rừng làng bản với hai người cầm trịch, tiếng Tày gọi là "khửn khèng”, và bên nam bên nữ thi nhau giã gọi là "kéng mưởn”. Âm thanh chuyển điệu thành ba nhịp, nhịp đầu gọi là "kéng mưởn", có nghĩa là giã mướn, nhịp hai "tắm húc" có nghĩa là dệt vải, nhịp ba gọi là "khắp kha" có nghĩa là kẹp chân. Cứ ba nhịp chuyển điệu đều đặn suốt canh này sang canh khác có khi còn đến sáng. 
Lễ hội giã cốm tại đêm văn nghệ dân ca, trình diễn thời trang các dân tộc "Âm vang Bản Ba" có thể nói là một điểm nhấn, nét tươi mới trong các lễ hội ở Chiêm Hóa. Với những nghi thức truyền thống, lễ hội giã cốm thể hiện sức sống, tinh thần lễ hội đặc sắc mang lại cho những du khách và cả những người dân bản địa được sống trong một cảm giác linh thiêng. Những nhịp giã chuyển điệu rộn ràng làm xốn sang lòng người, tạo nên nét đặc sắc của riêng một lễ hội có từ lâu đời. (internet)

______________________________________________

HỘI LỒNG TÔNG - TUYÊN QUANG

Lễ hội Lồng Tông Tuyên Quang: Lễ hội Lồng Tông được tổ chức tại thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hoá vào ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm. Đây là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá của dân tộc Tày. Lễ hội Lồng Tông theo nghi thức truyền thống, người ta dựng một kệ tồng 3 tầng làm bằng tre ở giữa khu ruộng lớn, đây là nơi đặt các mâm có chứa đồ lễ để cúng thánh thần, Thần Nông, Thổ Địa cầu cho một năm mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà yên lành, người người khoẻ mạnh... Ngày tổ chức lễ hội Lồng Tông, khi trời hửng sáng, mặt trời bắt đầu lên cũng là lúc đoàn rước mâm tồng ra nơi làm lễ. Đi đầu là 7 thanh niên trai tráng, mỗi người cầm trên tay một cành lá cây vừa đi vừa vung vẩy, theo quan niệm của đồng bào là để xua đuổi tà khí, rủi ro. Đi sau là đoàn múa lân, tiếp đến là thầy Cả (người cúng chính của buổi lễ) và các thầy giúp việc. Theo sau là 9 mâm tồng được các thiếu nữ đội trên đầu. Lễ vật gồm có gà luộc, các loại bánh, các loại hạt giống lúa, ngô, lạc, đỗ tương, hoa quả và rượu trắng. Các mâm lễ được đặt thứ tự lên kệ Tồng, tầng trên cùng gọi là thượng án là nơi mâm Tồng chính lễ, tầng thứ 2 là Trung án và tầng thứ 3 là Hạ án, mỗi tầng đặt 4 mâm, tất cả đều quay về hướng chính Đông nơi có núi Bách Thần sừng sững. 
Sau khi Thầy Cả làm lễ đặt mâm Tồng là đến lễ tạ ơn và lễ cầu sự ấm no, hạnh phúc. Một phần quan trọng không thể trong lễ Lồng tong đó là phần cầu mưa và lễ cày ruộng, sau đó là phần cấy lúa, gieo hạt được thể hiện tượng trưng qua màn múa của các em học sinh. 
Bước sang phần hội, hoạt động đầu tiên đặc trưng nhất, đông vui nhất là hội tung còn, đây là trò chơi nhưng cũng là một nghi thức không bao giờ thiếu trong lễ hội Lồng Tông. Trên cây còn treo 3 vòng nhật nguyệt, tượng trưng cho Thiên - Địa – Nhân (trời, đất và con người). Theo quan niệm của đồng bào, còn phải được ném thủng và nếu thủng trước giời chính Ngọ thì năm đó mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu. Trong hội còn tổ chức các hoạt động vui chơi khác như kéo co, thi nấu ăn, thi văn nghệ... thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc tham gia và cổ vũ. (internet)

______________________________________________

HỘI ĐÌNH LÀNG GIẾNG TANH - TUYÊN QUANG

Lễ hội Đình làng Giếng Tanh Tuyên Quang: Đình làng Giếng Tanh thuộc làng Giếng Tanh, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, là nơi tâm linh tín ngưỡng thể hiện bản sắc cộng đồng cư dân sống trên đất Giếng Tanh. 
Các lễ hội Đình làng Giếng Tanh hàng năm gồm: Lễ hội chính thức được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, có đủ cả phần Lễ và phần Hội. Các ngày lễ phụ có: Lễ khai xuân tổ chức vào ngày mùng 2 tháng Giêng; Lễ cúng cơm mới tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch; Lễ Thượng điền tổ chức vào ngày 9 tháng 11 âm lịch; Lễ Khép ấn tổ chức vào ngày 25 tháng 12 âm lịch. Các ngày lễ phụ tổ chức đơn giản: Thắp hương, dâng lễ là sản vật địa phương làm ra (cúng cơm mới) để tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên đã tạo dựng nơi cư chú, cầu mong có cuộc sống yên vui, hạnh phúc. 
Lễ Hội Đình làng Giếng Tanh là Lễ chính trong một năm, được tổ chức chính thức vào ngày mùng 10 tháng Giêng. Phần Lễ mở đầu ngày hội có 7 người tham gia gồm: Chủ tế, xướng tế, người đọc văn tế và 4 chấp Dư (chủ tế mặc áo đỏ, còn lại tất cả mặc áo xanh). Phần tổ chức cúng tế trong đình theo nghi thức cổ truyền, nội dung chủ yếu là cầu cho mưa thuận, gió hoà quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, gia súc sinh sôi... Phần tế lễ nghiêm trang thành kính nhưng không thể hiện mê tín dị đoan mà thuần khiết là tâm linh tín ngưỡng. Khi kết thúc cúng tế, phần hội bắt đầu bằng Lễ tung còn thu hút nhiều người tham gia và náo nhiệt nhất. Các trò chơi đấu vật, kéo co, biêu diễn nghệ thuật... cũng đồng thời diễn ra trong một không khí hội hè sôi động tưởng chừng không dứt. Hội đình làng Giếng Tanh thực sự góp phần xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần của cộng đồng các dân tộc Kim Phú. (internet)

Nguồn: saigontoserco

Chủ đề: Lễ hội miền Bắc | Lượt xem: 761 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==