Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 4, ngày 17/04/2024, lúc 3:55 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 06 » 11 » Một Góc Kho Tàng Văn Chương Bình Dân Việt Nam 1
9:31 PM
Một Góc Kho Tàng Văn Chương Bình Dân Việt Nam 1

Một Góc Kho Tàng Văn Chương Bình Dân Việt Nam

Thuở bé, lúc còn nằm võng, để ru cho tôi ngủ, mẹ hoặc dì tôi đã thường kể chuyện cổ tích cho tôi nghe và đó là những dấu ấn khó phai của tuổi thơ tôi.

Buổi trưa hè ở thôn quê êm đềm và thanh vắng. Nắng chói chang trên nóc nhà và ngòai vườn. Tôi nằm đó, chỉ còn nghe tiếng võng kẽo kẹt trộn lẫn tiếng "chiêm chiếp”đàn sẻ ríu rít nhặt thóc ở sân trước , đôi khi có tiếng gà gáy báo ngọ và tiếng hót lảnh lót vài con chim chích choè.

Cánh cửa phía sau ngôi nhà gỗ lim lợp ngói âm dương của thầy mẹ tôi mở ra một khu vườn lớn trồng đủ thứ rau cải để cung cấp những bữa ăn cho gia đình. Trên võng, mẹ đã đặt một mảnh chiếu manh lót bên dưới để thân người tôi được thỏai mái không bị võng túm lại.

 

Mẹ tôi mặc quần đen, áo cánh nâu đã cũ, vải mỏng cho mát, tóc vấn trần. Bà ngồi trên tấm phản cạnh đó, mắt để ý vào những đường khâu hay hai chiếc que đan áo len bà đang đan - chiếc áo cho thầy tôi hoặc anh, chị em chúng tôi - , miệng ru và thỉnh thỏang khi đà võng đã kém, bà vươn tay lại kéo sợi dây dài buộc vào võng để võng tiếp tục đu đưa cho tôi dễ ngủ.

 

Tai nghe mẹ ru, mắt tôi vẫn còn nhìn quanh quất nóc nhà, cái cửa sổ có những chấn song sắt đen sì rồi nhìn qua khung cửa lớn ra tới những luống rau mà tôi có cảm tưởng mầu xanh của chúng rọi vào tới nơi tôi đang nằm, làm cả căn nhà xanh mát. Trong khu vườn ấy, nào rau diếp, dưa leo, dưa hồng, nào rau dền, cà pháo, cà chua... và nhiều thứ khác nữa. Mùa hè là mùa của rau, dưa thôn quê. Gia đình nào cũng tận dụng mảnh đất có sẵn để sản xuất cho nhu cầu hàng ngày. Gạo thóc trông vào mấy mảnh ruộng; chỉ phải đi chợ mua tôm cá hoặc những đồ lặt vặt thiết dụng khác.

 

Chỉ một thời khỏang ngắn ngủi, cái mầu xanh kì diệu mát rượi kia đã chiếm ngự cả trí óc tôi làm tôi có cảm tưởng cả thân người nhuần nhuyễn thấm đẫm cái mầu xanh ấy. Đôi mắt tôi tự nhiên sụp xuống như có vật gì thật nặng đè lên rồi tôi chẳng biết gì nữa kể cả lời mẹ ru cũng như làn gió hiu hiu, tác nhân chính làm tôi đi vào giấc ngủ.

 

Dạo đó, mẹ tôi có quá nhiều việc phải làm trong ngày và muốn không phiền bận vì tôi thì chỉ có một cách, ru cho tôi ngủ sau khi đã cho ăn uống no nê. Vả lại, trẻ con ngủ nhiều, cho đến khi tôi đã cắp sách đi học, tôi vẫn còn "ghiền” giấc ngủ trưa dù chỉ vài chục phút sau buổi học buổi sáng.

 

Mẹ tôi thuộc nhiều chuyện bằng văn vần, khi thì kể, khi thì đọc. Trí nhớ của mẹ tôi rất tốt, bà lại có học được mấy năm chữ Nho, rồi chữ Quốc ngữ nên bà học thuộc lòng những chuyện ngắn diễn nôm bằng văn vần không mấy khó khăn. Khi có những chữ lạ, mẹ tôi đem ra hỏi thầy tôi và được chỉ dẫn đến nơi đến chốn. Ngồi ru tôi ngủ, mẹ tôi đã thay đổi món ăn tinh thần cho tôi mỗi ngày. Khi thì mẹ kể chuyện cổ tích như Chuyện trầu cau, Chuyện Sơn tinh Thủy tinh, Lịch sử cái bánh chưng v.v... khi mẹ lại đọc chuyện bằng văn vần mà tôi sẽ đề cập ở dưới.

 

Chuyện nhiều như vậy nhưng mẹ tôi không lẫn lộn. Mỗi câu chuyện được kể làm nhiều lần vì mẹ tự động ngưng khi thấy tôi đã đi sâu vào giấc ngủ nhưng lần tới, khi kể tiếp chuyện ấy, mẹ nhớ như in đã kể đến đâu; bà dượt lại một chút phía trước rồi đi vào phần mới.

 

Lúc đó, tôi muốn nằm võng để nghe mẹ ru, mẹ kể mãi nhưng thời gian trôi vùn vụt mà tôi chẳng có ý niệm gì, tôi lớn bổng lên và hết còn nằm võng để mẹ ru nữa.

 

Mất cái thú ấy, thật là phiền cho tôi vì tôi đã "ghiền” nó như người ta ghiền thuốc lá, thuốc lào. Nhưng không thể tiếp tục vì mẹ tôi bảo:”Người ta ai cũng mong lớn đi học mở mang trí tuệ, giúp nhà giúp nước chứ có ai muốn nằm võng mẹ ru cả đời đâu. Con nghĩ con còn bé lắm đấy! Nay mai đi học rồi!”

 

Chẳng những mẹ mà cả các chị và anh cũng chế nhạo tôi:”Lớn "đễu” rồi, sắp đi với mẹ lên tỉnh cất hàng được rồi. Ở đó mà vòi bú tí với nằm võng mẹ ru cả ngày!” Chị gái lớn nhất bảo tôi thế. Tôi mắc cở lỉnh ra vườn đi kiếm cái lồng chim khuyên.

 

Tôi xin trở lại với câu chuyện kho tàng văn chương cổ Việt Nam ta.

 

MỘT GÓC

 

Nói một góc có nghĩa tôi sẽ không lược hết mọi chuyện mà chỉ đi vào phần nhiều những chuyện mẹ kể khi tôi còn nằm võng.

 

Đó là những sách chuyện Nôm, viết theo thể văn vần, các cụ ta xưa thuộc lòng rồi truyền khẩu cho con cháu trong gia đình rồi cứ thế truyền ra dân gian, chẳng bao lâu rất nhiều người biết, thuộc chuyện đó, có khi cả tổng cả làng.

 

Những câu chuyện đó có thể là những chuyện có thật đã xẩy ra ở đời thường, hoặc những chuyện hư cấu nhưng thích hợp với tâm lí quần chúng, hoặc lấy từ một sách chuyện sẵn có của ngọai quốc (hầu hết từ Trung hoa) đem diễn thơ Nôm, đa phần theo thể lục bát cho quần chúng dễ học. Các chuyện đó phần nhiều không biết tác giả là ai - cũng như Ca dao, Tục ngữ - nhưng chúng ta có thể suy đóan rằng tác giả là những nhà nho có kiến thức và có tài làm thơ lại rất am tường tâm lí quần chúng nên tình tiết câu chuyện, cách kết cấu, rất hợp với não trạng quần chúng nước ta thời đó.

 

Tựu trung câu chuyện nào cũng đề cao "Trung hiếu, tiết, nghĩa”, "Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác” và con người ta ở đời phải lấy "Nhân, nghĩa, lễ, trí tín” làm chuẩn mực cho cuộc sống.

 

Tác giả bài này không biết hiện giờ các sách cổ này có thể được tìm thấy tại đâu, các tiệm bán sách, thư viện Việt Nam và ở ngọai quốc hay trong những gia đình còn lưu trữ được. Tác giả nhớ được chừng nào, xin ghi lại như thế. Nếu quí bạn đọc có thêm tài liệu bổ khuyết cho để bài khảo sát đơn sơ này thêm phần phong phú, xin vô cùng đa tạ.

 

LƯU BÌNH DƯƠNG LỄ

 

Ở miền Sơn Tây ngày xưa có đôi bạn chí thân, một người tên Lưu Bình, một người tên Dương Lễ. Lưu Bình nhà khá giả hơn nên chỉ lo ăn chơi, lơ là việc học còn Dương Lễ thì nhà nghèo nên hết sức chăm lo đèn sách. Đến ngày thi, cả hai cùng lên kinh đô ứng thí. Lẽ dĩ nhiên, Dương Lễ đậu còn Lưu Bình rớt. Lưu Bình buồn bực trở về nhà thì nhà lại bị cháy, tình cảnh rất khốn quẫn, phải đi xin ăn từng bữa, nhục nhã đến điều.

 

Ngày nọ, Lưu Bình nhớ ra Dương Lễ bạn mình khi xưa, nay đã đường đường một ông quan triều đình hiển quí sang cả. Lưu Bình bèn tìm đến Dương Lễ xin nhờ vả nhưng Dương Lễ đối xử quá tệ, chẳng những nói lời nặng nề, khi dể lại sai lính dọn cho Lưu Bình một lưng cơm với quả cà muối, y như cho một người hành khất.

 

Lưu Bình giận lắm, bỏ đi miệng không ngớt nguyền rủa thằng bạn bất nghĩa không nghĩ gì đến tình bạn khi xưa. Đang lúc đau khổ tột cùng, lang thang đầu đường xó chợ thì bỗng nhiên gặp được một người con gái tên Châu Long nhan sắc mặn mà, ăn nói duyên dáng mà tấm lòng nhân hậu chẳng ai bì. Nàng thuận giúp Lưu Bình ăn học cho đến khi thành tài và hứa với Lưu Bình sẽ nâng khăn sửa túi cho chàng nếu chàng thi đậu. Đang lúc túng quẫn, Lưu Bình gặp được nàng như gặp cứu tinh, riu ríu vâng lời.

 

Từ đó Lưu Bình chuyên tâm học tập ngày đêm, dùi mài kinh sử, không một phút sao lãng việc học vì Châu Long hàng ngày khuyến khích lại lo cho Lưu Bình đầy đủ vật chất, cơm ăn áo mặc, tiền chi phí học hành.

 

Yêu người vợ chưa cưới - Châu Long - như điếu đổ vì nàng được cả người lẫn nết, đêm hôm khuya khoắt có những lúc Lưu Bình không nén được tình yêu đòi cùng nàng ân ái nhưng Châu Long một mực khuyên nhủ Lưu Bình gắng chờ:

 

”Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng.”

 

Thấy nàng chính đính cao thượng, Lưu Bình càng phục càng yêu nàng và ra sức học để nhất định danh chiếm bảng vàng và cưới được nàng:

 

"Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau”

 

đại đăng khoa rồi mới tiểu đang khoa, cuộc đời vô cùng tươi đẹp.

 

Ba năm trôi đi vùn vụt, đã đến ngày Lưu Bình về kinh đô ứng thí. Quả nhiên, có công mài sắt có ngày nên kim, Lưu Bình đỗ khôi nguyên khoa đó. Xênh xang áo mũ, bảng vàng lọng tía trở về làng vinh qui bái tổ, Lưu Bình vô cùng sung sướng khi nghĩ đến Châu Long và những gì sắp được cùng hưởng với nàng. Nhưng khi về đến đầu làng, cả huyện đi đón đứng đông nghẹt nhưng chẳng thấy nàng đâu. Về đến nhà thì hỡi ơi, người đẹp đã chẳng còn đó như lòng mong mỏi. Nàng cũng chẳng để lại dấu tích gì khiến Lưu Bình buồn rầu quá độ nhưng chẳng biết đi đâu, hỏi ai để tìm ra nàng. Chàng thầm nghĩ có lẽ nàng là người tiên giáng trần để giúp chàng ăn học chăng và nay chàng công thành danh tọai rồi thì nàng trở về trời vì đã làm xong nhiệm vụ. Càng nghĩ càng bùi ngùi và càng yêu say đắm người con gái xinh đẹp, đức hạnh, đoan trang đó nhưng chẳng biết làm sao.

 

Sau đó, Lưu Bình được bổ đi làm quan. Một bữa rảnh rỗi, nhớ đến người bạn học khinh người rẻ của khi xưa bèn lập tâm đến để cho anh ta một bài học về tình đời trắng đen và để anh ta biết Lưu này đâu có hèn kém gì. Trống giong cờ mở đưa Lưu Bình đến dinh Dương Lễ. Lính vào báo. Lần này Dương Lễ ra tận cổng ngòai đón tiếp long trọng lại đặt đại tiệc đãi Lưu Bình vô cùng trọng thể. Lưu Bình ngồi đó mà chán cho nhân tình thế thái. Khi xưa ta hàn vi, hắn sai lính cho ta một bát cơm với vài quả cà muối. Ngày nay ta đường đường là một vị quan to thì hắn hết mực trọng đãi. Tình người sao thay trắng đổi đen dễ vậy?

 

Trong bữa ăn, Dương Lễ hỏi Lưu Bình về những ngày học tập vất vả. Lưu Bình thực tình kể lại được nàng tiên giáng trần nuôi ăn học nên mới có ngày nay. Lưu Bình kể xong, Dương Lễ cho người hầu vào mời người vợ ba của chàng ra chào khách. Châu Long vừa ra tới nơi, miệng mỉm cười cúi đầu chào Lưu Bình thì Lưu Bình giật mình nhận ngay ra Châu Long, nàng tiên đã nuôi chàng ăn học thành tài. Lưu Bình vô cùng ngạc nhiên, cứ trố mắt nhìn Châu Long không chớp, chợt nhớ ra lời giới thiệu của Dương Lễ, chàng mới nhận ra Dương Lễ đã vì mình cho Châu Long theo nuôi mình ăn học trong ba năm trời.

 

Lưu Bình đứng lên cung kính vái tạ Dương Lễ và Châu Long và dĩ nhiên cái ơn đó với Lưu Bình phải là ơn tái sinh.

 

TỐNG TRÂN – CÚC HOA

 

Ở huyện Phù Hoa có một nhà rất giầu, có cô con gái tên Cúc Hoa, người xinh đẹp lại đoan trang, nết na. Nhiều đám ngấm nghé hỏi cô nhưng cô chẳng chịu ai.

 

Một bữa, có một người hành khất tên là Tống Trân đến trước cổng đứng xin ăn. Cúc Hoa nhìn anh này có cảm tình, liền xin với cha mẹ cho được kết duyên với Tống Trân. Cha mẹ Cúc Hoa hòan tòan không đồng ý, chẳng những ngăn cấm mà còn hất hủi Cúc Hoa như một đứa con hư hỏng, nhưng Cúc Hoa nhất quyết làm theo ý mình.

 

Sau đó, Cúc Hoa theo chồng đi tha phương cầu thực, nàng khuyên chồng trở lại đèn sách vì chỉ có con đường này mới tìm ra lối thóat danh dự và đọan tuyệt được với cái nghèo. Còn nàng làm lụng lam lũ vất vả nuôi chồng ăn học, quyết chí phải thi đua với đời. Quả nhiên sau mấy năm dùi mài kinh sử, Tống Trân đỗ Trạng Nguyên, vinh dự lớn lao đến với cặp vợ chồng trẻ nhiều thiện chí.

 

Hiển quí không được bao lâu, Tống Trân phải đi sứ Tàu, một nhiệm vụ muôn ngàn nguy hiểm ở dọc đường cũng như phải đối phó với những bộ óc tinh quái đầy cơ mưu của vua quan Tàu. Cái chết dễ như chơi.

 

Trong khi Tống Trân đi làm nhiệm vụ vua trao, Cúc Hoa ở nhà lấy công việc làm để khuây khỏa, chờ một ngày đòan tụ vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên người cha Cúc Hoa không chịu như vậy. Thấy Tống Trân đi mãi không về, ông đem Cúc Hoa gả cho một người đình trưởng vì y giầu có và khéo lấy lòng ông ta. Cúc Hoa nhất định không chịu, nói rằng cứ ở vậy chờ chồng kì cho chàng về và chàng sẽ về. Cả gia đình Cúc Hoa, cả họ bức bách nàng phải lấy ông đình trưởng. Giữa lúc giằng co ấy thì Tống Trân đi sứ về đến đầu làng, cờ biển rước xách linh đình, một phần thưởng vô cùng cao quí cho người vợ tiết hạnh chờ chồng.

 

TẤM CÁM

 

Ngày xưa Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ. Bố chúng nó mất rồi và mẹ Tấm cũng mất rồi; Tấm phải ở với dì ghẻ là mẹ con Cám.

 

Một hôm mẹ Cám đưa cho mỗi đứa một cái giỏ, bảo đi bắt tôm bắt tép. Bà hứa rằng hễ đứa nào bắt được nhiều thì cho yếm đỏ.

 

Hai đứa cùng mang giỏ ra đồng. Tấm siêng nên bắt được nhiều còn Cám mải chơi nên bắt được ít. Cám bày kế bảo Tấm:

 

"Chị Tấm ơi, chị Tấm! Đầu chị lấm, chị lặn cho sâu kẻo về dì mắng!”

 

Lúc Tấm lặn hụp thì Cám ở trên bờ trút lấy cả tôm tép của Tấm sang giỏ mình rồi mang về trước. Tấm lên bờ dòm đến giỏ thì tôm tép mất hết cả, nó mới khóc hu hu lên.

 

Bụt hiện lên hỏi:” Làm sao con khóc?”

 

Tấm kể sự tình cho Bụt nghe rồi lại khóc. Bụt bảo nó dòm vào giỏ xem có còn gì không? Tấm nhìn vào thì chỉ còn một con cá bống mà thôi. Bụt bảo đem thả con bống xuống giếng mà nuôi, cứ một ngày hai lần, mỗi bữa cơm đáng ăn ba bát thì chỉ ăn hai, còn một đem cho bống. Lúc đổ cơm xuống giếng thì nói thế này:

 

"Bống ơi bống! Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta. Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người!”

 

Con Tấm nghe lời Bụt, làm y theo. Cứ xong bữa cơm, nó quẩy thùng ra giếng gánh nước, giấu bát cơm vào thùng đem cho bống. Lúc đổ cơm xuống giếng thì nói như lời Bụt dặn. Bống nghe thấy, chẳng lần nào là không ngoi lên mặt nước để ăn.

 

Được ít lâu, mẹ con Cám hồ nghi mới để tâm rình, cho Cám theo dõi. Cám núp trong bụi cây gần đó thấy Tấm đổ cơm xuống giếng và nói mấy lời như thế thì nó học thuộc lòng và về nói cho mẹ nghe.

 

Hôm sau mẹ con Cám bảo Tấm rằng:”Con ơi con! Mai đi chăn trâu phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà làng bắt mất trâu.”

 

Con Tấm vâng lời, hôm sau dắt trâu đi chăn đồng xa. Ở nhà, hai mẹ con con Cám đem bát cơm ra giếng, đổ xuống rồi cũng nói như con Tấm nói mọi khi. Bống ngoi lên mặt nước, hai mẹ con con Cám bắt lấy mang về làm thịt ăn.

 

Bữa cơm kế đó, con Tấm lại cứ mang cơm ra đổ xuống cho Bống nhưng không thấy Bống nữa mà chỉ có một cục máu nổi trên mặt nước, nó mới khóc òa lên. Bụt lại hiện lên hỏi:

 

"Làm sao con khóc?”

 

Con Tấm thưa rằng:

 

"Tôi nuôi bống ở dưới giếng, mọi khi cho ăn nó vẫn ngoi lên mặt nước mà hôm nay tôi đem cơm cho nó, không thấy nó nữa., chỉ thấy một hòn máu.”

 

Bụt bảo:”Người ta bắt bống ăn thịt rồi. Con về nhà nhặt lấy xương nó; con mua bốn cái lọ, bỏ xương vào đó rồi đem chôn ở bốn góc giường con nằm.”

 

Tấm nghe lời Bụt về nhà tìm xương bống. Có một con gà bảo nó rằng:”

 

"Cục te cục tác, cho ta nắm thóc, ta bới xương cho.”

 

Tấm lấy thóc ném cho gà; gà bới một chỗ thì thấy xương ngay. Tấm nhặt lấy bỏ vào lọ rồi đem chôn.

 

Được ít lâu, nhà vua có mở hội. Hai mẹ con con Cám sắm sửa đi xem. Mẹ con Cám lấy một đấu thóc và một đấu gạo trộn lẫn vào nhau, rồi bắt Tấm phải lựa riêng ra. Dì con Tấm bảo nó thế này:

 

"Lúc nào mày nhặt xong thì mới được đi xem hội, hễ chưa xong thì không được đi.”

 

Con Tấm ngồi khóc. Bụt hiện lên hỏi:”Làm sao con khóc?” Nó thưa rằng:”Con khổ quá, dì con bắt phải nhặt bấy nhiêu thóc gạo, xong mới được đi xem hội. Đến lúc nhặt xong thì hết hội còn gì mà xem.” Bụt bảo rằng:” Để ta cho một đàn chim sẻ xuống nhặt đỡ.” Con Tấm sợ chim ăn mất thì dì về nó phải đòn. Bụt lại bảo rằng:”Rồi ta cấm không cho chim ăn, con đừng sợ.”

 

Đến khi lựa riêng xong rồi, con Tấm lại khóc. Bụt lại hỏi:”Làm sao con khóc?”

 

Nó thưa rằng:

 

"Con không có quần áo đẹp để đi xem hội.”

 

Bụt bảo rằng:

 

"Con đi đào những cái lọ đã chôn ngày trước lên, thì muốn quần áo đẹp thế nào cũng có.”

 

Tấm đào lên thì thấy quần áo đẹp, một đôi giầy và một con ngựa. Tấm mừng quá thắng bộ vào rồi đi xem hội.

 

Lúc Tấm đi qua bờ hồ, đánh rơi chiếc giầy, không sao lấy lên được. Một lát sau, vua ngự đến gần đấy, voi đứng dừng lại, kêu ầm ĩ lên. Vua thấy sự lạ mới phán cho quân sĩ phải xuống hồ xem có cái gì lạ không. Tức khắc lính xuống hồ, mò thấy một thấy một chiếc giầy đàn bà đẹp lắm. Vua phán cho tất cả con gái đi xem hội ướm thử, hễ chân ai vừa thì vua lấy làm vợ. Trong đám hội ai cũng ướm cả, cầu mong chân mình đi vừa. Mẹ con con Cám cũng ướm, nhưng chẳng có chân ai đi vừa. Tấm xin ướm thử. Dì nó mắng rằng:”Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh bỏ ngoài bờ tre.” Nhưng Tấm cứ xin ướm. Khi Tấm ướm thì chân nó đi vừa vặn. Lính thị vệ đem kiệu đến rước về cung. Vua phong cho Tấm làm hoàng hậu.

 

Đến ngày giỗ bố, Tấm về nhà. Dì nò bảo nó trèo lên cây cau cắt mấy quả để cúng. Lúc Tấm lên đến ngọn cau thì dì nó đẫn gốc. Tấm thấy động, bèn hỏi:

 

"Dì làm gì ở dưới thế?”

 

Dì nó trả lời:

 

"Dì đuổi kiến cho nó khỏi đốt con đấy mà.”

 

Tấm đang cắt cau thì cây đổ. Tấm ngã xuống ao chết đuối. Dì nó lấy quần áo của nó mặc cho con Cám rồi đưa vào cung.

 

Con Tấm hóa ra con chim vàng anh đến đậu ở vườn nhà vua, bảo lính giặt áo của vua rằng:

 

"Phơi áo chồng ta, phơi lao, phơi sào, chớ phơi hàng rào, rách áo chồng tao.”

 

Một hôm vua nghe tiếng chim hót, phán rằng:

 

"Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh, chui vào tay áo.”

 

Chim nhẩy ngay vào. Vua bắt nó bỏ vào lồng sơn son thếp vàng. Từ đấy, cả ngày cả đêm vua chỉ chơi với chim.

 

Con Cám kể với mẹ. Mẹ xui bắt chim làm thịt ăn. Về đến cung, nó sai ngay lính bắt chim giết ăn thịt, còn lông thì vứt ra vườn. Lông chim hóa ra hai cây soan đào. Vua thấy đẹp, sai mắc võng vào hai cây ấy rồi nằm chơi dưới bóng mát.

 

Con Cám về mách mẹ. Mẹ nó xui bảo lính đẵn cây lấy gỗ đóng làm khung cửi. Đến lúc dệt vải thì nghe tiếng:”Kẽo cà kẽo kẹt, lấy tranh chồng chị, chi khoét mắt ra.”

 

Con Cám lại về mách mẹ. Mẹ nó xui đốt khung cửi, nó cũng sai lính làm ngay. Những than tro lúc đổ ra đường lại hóa ra cây thị, chỉ có một quả đẹp lắm. Bà lão hàng nước đi qua, thấy quả thị đẹp bảo rằng:

 

"Thị ơi thị, rụng vào bị bà, bà đem bà ngửi chứ bà không ăn.”

 

Thị rụng ngay xuống, bà lão đem thị về nhà.

 

Ngày nào đi chợ sắm đồ hàng, lúc về thấy cơm canh đã dọn sẵn tươm tất lắm, bà ta lấy làm lạ. Một lần bà lão giả vờ đi chợ, đến nửa đường thì lộn về. Rón rén đứng dòm vào khe cửa bà ta thấy một cô tiên đang làm đồ ăn, bất thình lình bà ta chay vào, cô tiên lộ cơ không biến đi được. Bà lão mừng lắm, ôm choàng ngay lấy. Từ đấy cô tiên và bà lão thương yêu nhau như hai mẹ con. Lúc bà ta đi tìm quả thị thì chỉ thấy cái vỏ không mà thôi.

 

Một hôm vua dạo chơi gần đấy, thấy trong làng có một bà lão phương phi, phúc hậu, vua mới ghé vào. Bà ta lấy trầu nước kính dâng. Vua thấy trầu têm giống như trầu hoàng hậu têm ngày trước, phán hỏi:

 

"Trầu này ai têm?”

 

Bà ta tâu là của con gái têm. Vua phán muốn xem mặt, bà ta bảo con ra thì chính là vợ vua ngày trước. Vua phán bảo rước về cung. Tấm lại làm hoàng hậu.

 

Con Cám thấy chị xinh đẹp mới hỏi rằng:

 

"Chị Tấm ơi chị Tấm! Chị làm thế nào mà đẹp thế?”

 

Tấm bèn hỏi:

 

"Em có muốn đẹp không?”

 

"Thưa chị có.”

 

Tấm bèn sai đào một cái hố sâu và đun một nồi nước to thực sôi rồi bảo con Cám xuống cái hố ấy. Lúc Cám đã ở dưới hố thì Tấm sai đổ nước sôi xuống. Con Cám chết nhăn răng ra. Xác nó bỏ vào chĩnh làm mắm đem biếu mẹ nó, bữa nào mẹ nó ăn cũng khen ngon. Có con quạ đậu trên mái nhà, kêu rằng:

 

"Ngon gì mà ngon, mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng.”

 

Mẹ Cám giận lắm mắng chửi quạ ầm ĩ và đuổi nó đi cho mau. Đến khi ăn gần hết, thấy ở chĩnh có cái đầu lâu con thì lăn đùng ra chết.

Chủ đề: Văn hóa | Lượt xem: 894 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==