Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 29/03/2024, lúc 7:50 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 06 » 11 » Một Góc Kho Tàng Văn Chương Bình Dân Việt Nam 2
9:32 PM
Một Góc Kho Tàng Văn Chương Bình Dân Việt Nam 2

MỴ CHÂU TRỌNG THỦY

 

Thục Phán diệt họ Hồng Bàng lên làm vua (275 trước C.N), lấy hiệu An Dương vương, đặt tên nước là Âu Lạc. An Dương vương xây thành Cổ loa để ngăn giặc nhưng xây mãi không xong vì yêu quái quấy rối. Sau được Thần Kim Qui hiện lên dạy nhà vuacách trừ yêu quái, thành mới xây được. Thần lại cho An Dương vương một cái nỏ thần, bảo rằng hễ có giặc, đem nỏ ra bắn thì giặc mạnh thế nào cũng phải tan. Nỏ thần đã chứng tỏ đuợc sức mạnh phi thường của nó nên An Dương vương rất vững dạ. Lúc đó có Triệu Ðà nhòm ngó Âu Lạc, tấn công Thục Phán. Nhờ nỏ thần, Thục Phán thắng luôn mấy trận. Triệu Ðà cầu hoà, phải cho con trai là Trọng Thủy sang Âu Lạc làm con tin. Trọng Thủy ra vào cung cấm, gặp công chúa Mỵ Châu là con gái An Dương vương. Hai người yêu thưong nhau, đến tai An Dương vương, được An Dương vương chấp thuận. Trọng Thủy thưa với cha đem lễ sang cầu hôn. Rồi hai người thành vợ chồng, rất yêu thương nhau. Trong lúc âu yếm, có hẹn với nhau, nếu có chiến tranh xẩy ra, sẽ rắc lông ngỗng dọc đường đi để vợ chồng dễ tìm thấy nhau.

 

Ngoài tình yêu, Trọng Thủy còn có mục đích khác - Có phải mưu kế Triệu Ðà? - là lợi dụng lòng tin của vợ, đánh tráo nỏ thần rồi lấy cớ về thăm cha, đem nỏ thần về cho Triệu Ðà. Triệu Ðà lập tức xua quân đánh An Dương vương, An Dương vương lấy nỏ thần ra bắn nhưng vì là nỏ giả, không hiệu nghiệm, phải đem con gái lên ngựa chạy trốn (Thế bà vợ đâu ?). Mỵ Châu ngồi sau lưng cha dùng lông ngỗng rải trên đường, hi vọng Trọng Thủy sẽ theo dấu vết đó mà tìm được nàng. Quân Triệu Ðà cứ theo "con đường lông ngỗng” đi tới. An Dương vương quá bối rối. Ðến một con sông chắn ngang, An Dương vương cùng đường liền khấn thần Kim Qui cứu giúp. Thần hiện lên bảo nhà vua: "Giặc ở ngay sau lưng nhà vua đó !” Thục Phán hiểu ra quay lại chém chết con gái rồi nhảy xuống sông tự tử. Trọng Thủy đi tìm vợ tới một ngôi làng, nghe dân làng kể lại chuyện An Dương vương và Mỵ Châu đã tự vẫn, thương vợ quá, cũng nhảy xuống cái giếng kế đó tự tử. Những con trai sò ở khúc sông Mỵ Châu tự trầm ăn phải máu huyết Mỵ Châu, có ngọc nhưng viên ngọc mờ mạc, u tối. Có người thử đem đến cái giếng Trọng Thủy tự trầm lấy nước rửa những viên ngọc. Ngọc bỗng nhiên trở nên sáng lóng lánh, xinh đẹp khác thường.

 

BÍCH CÂU KỲ NGỘ

 

Tú Uyên lên kinh đô Thăng Long (Hà Nội) trọ học.

 

Tú Uyên chưa vợ, lại khôi ngô tuấn tú. Một hôm tình cờ chàng thấy trong đám đi xem làm chay tăng của các nhà sư ở phường Bích Câu, Hà Nội có một nàng xinh đẹp, lộng lẫy chim sa cá lặn. Chàng đâm ra mê mẩn si tình, ngày ngày tới chỗ đó mong được nhìn lại người đẹp.

 

Ròng rã mấy ngày liền đứng ngóng nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng hồng. Đang lúc thất vọng thì gặp một người mang một bức tranh tố nữ vẽ rất đẹp, rất có hồn, đầy sinh khí, đem bán rong. Tú Uyên mua về treo trong phòng, mỗi bữa sai dọn cơm hai người ăn, có ý coi người đẹp trong tranh như người thật, mời mọc quí mến như bạn vàng.

 

Sau đó ít lâu, một bữa, người đẹp trong tranh cứ những lúc Tú Uyên đi học vắng là hiện thành người thật, làm cơm nước sẵn sàng. Tú Uyên về, tháy cơm canh đã dọn sẵn, lấy làm ngạc nhiên, bèn rình coi thì thấy người đẹp tự trong tranh vẽ đi ra. Chàng liền lẻn vào xé tranh đi để nàng khỏi biến mất. Lúc đó nàng đã là người thật, xưng tên là Giáng Kiều, thuận ăn ở với Tú Uyên, làm vợ chàng, phục tùng và hiền hậu đoan trang

 

Giáng Kiều chính là hình ảnh người đàn bà Việt Nam, dù là tiên chăng nữa cũng chu toàn bổn phận làm vợ, làm mẹ, hết đạo thờ chồng, nuôi con.

 

NGỌC HOA - PHẠM TẢI

 

Trần Ngọc Hoa, con gái một phú ông ở miền Thanh Hà, Hải Dương mới mười ba tuổi đã là một trang tuyệt sắc giai nhân. Trong làng có nhiều người dạm hỏi nhưng cô không ưng một ai.

 

Một bữa, có một hàn sĩ tên Phạm Tải, người miền Sơn Tây, đến xin ăn. Ngọc Hoa bỗng động lòng trắc ẩn ra mở cửa, nhìn thấy chàng tuy rách rưới nhưng phong tư tài mạo khác vời bèn đem lòng yêu rồi tương tư sinh bệnh. Cha mẹ Ngọc Hoa chiều con, khi rõ sự tình bèn sai gia nhân đi kiếm cho được Phạm Tải đến, cho hai người làm lễ hợp hôn.

 

Sau đó ít lâu, trong làng có kẻ thù hằn, tạc tượng nàng dân lên nhà chúa. Chúa thấy tượng quá đẹp, bèn sai quan quân đi đón Ngọc Hoa tiến cung. Ngọc Hoa liền cắt tóc, cào sát mặt mày, xé rách quần áo rồi vào chầu chúa. Chúa vẫn thấy nàng xinh đẹp hơn bức tượng nhiều, quyết định tuyển nàng làm cung phi. Nhưng nàng nhất định không bằng lòng, thưa cùng Chúa rằng nàng đã có chồng. Nhà Chúa cho người dỗ dành Phạm Tải, hứa ban quan chức miễn đồng ý để nàng tiến cung nhưng Phạm Tải nhất quyết không chịu. Chúa bèn cho người ngầm đầu độc Phạm Tải để làm thối chí Ngọc Hoa sau khi chồng đã chết. Ngọc Hoa được tin chồng chết khóc lóc thảm thiết, xin với Chúa cho về quê chịu tang chồng ba năm sau đó sẽ tiến cung hầu hạ chăn gối cho nhà Chúa cũng vừa. Chúa ưng vì lúc đó nàng mới mười ba tuổi.

 

Sau ba năm, chúa sai sứ giả về Thanh Hà rước Ngọc Hoa lai kinh. Nhưng khi sứ giả tới nơi thì được tin nàng đã tuẫn tiết theo chồng. Hiện nay ở miền Thanh Hà vẫn còn đền thờ bà Ngọc Hoa.

 

SỰ TÍCH TRẦU CAU

 

Ngày xưa, vào đời vua Hùng Vương thứ tư, có nhà họ Cao sinh hai người con trai giống nhau như hai giọt nước, đặt tên là Tân và Lang. Hai anh em đều khôi ngô tuấn tú và thương mến nhau, ít khi rời nhau. Bà mẹ nhiều khi cũng không phân biệt được đứa nào là anh đứa nào là em. Khi hai anh em mới được mười lăm, mười sáu tuổi thì cha mẹ chết vì một trận hỏa hoạn thiêu rụi hết nhà cửa và của cải. Đôi trẻ mồ côi được ông quan họ Lưu, nguyên đồng liêu với họ Cao, nghĩ tình bạn xưa kia đưa hai trẻ về nuôi.

 

Họ Lưu có một cô con gái tên là Xuân Phù đang tuổi dậy thì, ông quan họ Lưu định bụng đem gả cho một trong hai anh em. Nàng Xuân Phù không làm sao phân biệt được ai là Tân, ai là Lang mà mọi nét đều giống nhau như đúc kể cả tính tình và tài học. Hai anh em lại tranh nhau nhường nhịn, người này muốn cho người kia được lòng cô gái đáng yêu ấy.

 

Một hôm ông quan họ Lưu sai con gái dọn ra một mam cơm để chọn rể, bầy đầy thức ăn, hai cái bát nhưng chỉ có một đôi đũa. Người em liền cầm lấy đôi đũa đưa mời anh ăn trước. Ông quan họ Lưu nhìn nhận người anh làm rể.

 

Vì thương anh, Lang cũng dễ dàng thắng được mối tình đối với người con gái đã trở nên chị dâu mình. Còn Tân thì mải mê theo tình duyên mới, hóa ra lơ là đối với em trai. Lang âm thầm đau khổ, xót xa anh vì tình chồng vợ mà quên tình ruột thịt.

 

Đến một hôm, không còn chịu đựng được nữa, Lang bỏ nhà anh chị ra đi. Lang cứ trước mặt đi, đi mãi, không kể mệt nhọc, cho tới khi đến một con sông lớn chắn ngang. Không vượt qua sông được, Lang đành ngồi lại bên bờ, nghĩ đến số phận mình mà chết mòn trong đau đớn. Rồi Lang hóa thành một hòn đá.

 

Người anh ở nhà, lâu kông thấy em về, đóan hiểu duyên cớ, lấy làm hối hận, vội vàng đi tìm. Đi được mấy ngày, Tân đến bờ sông, mệt nhọc ngồi xuống cạnh hòn đá, tựa đầu nghĩ nhớ thương em mà chết. Rồi Tân hóa thành một cây cao thẳng tắp có trái và lá ở ngọn.

 

Xuân Phù ở nhà mỏi mắt chờ chồng, chẳng biết chồng đi đâu, nàng quá nóng lòng bèn lên đường đi tìm chồng. Nàng lê bước tới bờ sông, mệt quá ôm lấy thân cây cao cho khỏi ngã, khóc lóc nhớ thương chồng cho tới chết. Nàng hóa ra một dây leo quấn quýt lấy thân cây.

 

Dân chúng ở trong vùng được báo mộng, bèn dựng đền thờ vong linh ba người. Sau đó, gặp năm đại hạn, cây cối khắp nơi đều khô héo, chỉ riêng cây cao và dây leo quấn quanh là vẫn xanh tươi.

 

Tin lạ đồn đi, khách thập phương kéo đến rất đông. Vua Hùng Vương cũng ngự tới nơi, nghe các bậc bô lão trong làng kể lại câu chuyện hóa thân của ba người, lấy làm cảm động bèn hỏi các quan theo hầu về việc lạ lùng này.

 

Một vị lão thần tâu:

 

"Tâu bệ hạ, lệ thường muốn biết sự liên hệ máu mủ ruột thịt của hai người thì chích lấy hai giọt máu của đôi bên mà hòa lẫn với nhau. Hễ hai giọt máu hòa trộn lại thì đúng là cùng chung một dòng huyết cha mẹ. Bệ hạ cho trộn lẫn lá dây leo kia với trái cây này cùng bột đá nọ để thử xem sao.”

 

Vua nghe theo, ra lệnh nung đá thành vôi rồi tán nhỏ quệt lên lá trầu nhai lẫn với cau thì thấy hóa thành một mầu đỏ thắm tươi như máu. Vua cho rằng đây là tình nghĩa của hai anh em và người vợ đã chết kết tinh lại. Vua truyền cho dân chúng đem thứ cây và dây leo kia về trồng, gọi tên là cau và trầu.

 

Từ đó nước ta có tục lệ dùng trầu cau trong lễ cưới hỏi để nhắc nhở đến sự tích trên. Trầu cau tượng trưng cho tình nghĩa thắm thiết giữa vợ chồng, anh em và rộng ra, giữa mọi người trong xã hội với nhau. Trầu cau tượng trưng cho lễ nghĩa dùng trong giao tiếp, yêu cầu, tạ lỗi v.v... Tục ngữ có câu:”Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Tục nhai trầu đã giảm bớt kể từ giữa thế kỉ 20 ở nước ta và ngày nay chỉ dùng trong đám cưới để nói lên sự ưng thuận của hai gia đình cho đôi tân hôn.

 

PHƯƠNG HOA

 

Ở vùng Thanh Hóa có hai người bạn, họ Trương và họ Trần đồng khoa, đồng triều, lúc đó đã già về trí sĩ. Ông già họ Trương có hai con trai là Cảnh Tĩnh và Cảnh Yên. Còn ông già họ Trần có một gái là Phương Hoa, nhan sắc yêu kiều lại giỏi thơ văn. Cảnh Tĩnh đã có vợ. Họ Trần hứa gả Phương Hoa cho Cảnh Yên.

 

Sau có Tào Trương Úy tuổi trẻ làm quan tại triều đến hỏi Phương Hoa làm vợ nhưng không được họ Trần chấp thuận nên lập kế vu hãm Trương công. Cảnh Tĩng và Cảnh Yên trốn thoát. Sau Cảnh Yên bị Tào lập kế vu oan bị hạ ngục.

 

Năm ấy nhà vua mở khoa thi, Phương Hoa xin phép mẹ lai kinh, nói dối là để bán hàng kén chồng. Thực ra nàng đội tên chồng dể vào thi. Khi xướng danh, tên Cảnh Yên đỗ Thám hoa.

 

Khi nhà vua ban yến cho các quan tân khoa, thấy vị Thám Hoa nho nhã có vẻ đàn bà, liền phán hỏi.

 

Phương Hoa bèn quì tâu tình thực. Thế là phá được cái oan án cho cha chồng và chồng. Cảnh Yên được phép ra thi. Nhà vua xét tài thấy đáng đỗ Thám Hoa, so với Phương Hoa thì văn tài xấp xỉ như nhau.

 

Hai người từ đó sống chung hạnh phúc.

 

TẠM KẾT

 

Truyện cổ, ca dao, tục ngữ là những viên ngọc quí giá trong kho tàng Văn chương cổ bình dân Việt Nam. Trong khi ca dao và tục ngữ nhấn mạnh về thời tiết, khí hậu, tính tình con người v.v... truyên cổ đề cao luân lí, trung, hiếu, tiết nghĩa và hình ảnh ông trời rất rõ nét. Người nhân hậu, làm điều tốt được thưởng, kẻ ác tâm hại người sớm muộn cũng bị trừng phạt khác nào Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu nghĩa là lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt. Nhìn vào những tấm gương đó, con người nên tu nhân tích đức, ăn hiền ở lành để được trời thương ban cho nhiều điều may lành. Vả lại đó mới chính là con người đúng nghĩa, con người đem lại sự yên vui, an ủi cho đồng loại.

 

Truyện cổ nước ta còn nhiều, Bút Xuân khi có dịp trở lại đề tài này sẽ tham khảo và viết thêm. Những chuyện trên do mẹ kể khi còn nằm võng và tới giờ này chỉ còn nhớ được bấy nhiêu để cống hiến bạn đọc. Ước mong kho tàng Văn chương cổ bình dân này sẽ sống mãi với dân tộc Việt để các thế hệ trẻ mai sau cũng được hưởng những giây phút sung sướng nằm trên võng cho mẹ ru và ngủ thiếp đi với những hình ảnh đẹp của các nhân vật trong câu chuyện.

 

Bút Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC

Chủ đề: Văn hóa | Lượt xem: 820 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==