Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 5, ngày 25/04/2024, lúc 2:30 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 21 » Món Ăn Đặc Thù Miền Bắc: Bắc Kạn
0:16 AM
Món Ăn Đặc Thù Miền Bắc: Bắc Kạn

Món Ăn Đặc Thù Miền Bắc: Bắc Kạn

 

MỨT MẬN - BẮC KẠN

Món mứt mận ở Bắc Kạn được người dân coi là đặc sản. Vì nó có những hương vị đặc trưng riêng và rất hấp dẫn. Hầu như người dân Bắc Kạn đi đâu xa đều mang món mứt mận để làm quà biếu và giới thiệu sản phẩm của quê hương mình.
Quả mận có ở rất nhiều địa phương nhưng chỉ có Bắc Kạn với giống mận vàng quả to và được những bàn tay khéo léo của các cô gái chế biến mới tạo nên món đặc sản không nơi nào có. Nhìn quả mứt mận nâu sậm, trong veo, cắn vào thấy dai và có vị ngọt hấp đẫn, không ai có thế nghĩ rằng nó được làm ra từ những quả mận vừa chua vừa chát mà người ăn chua giỏi nhất cũng không thể ăn quá ba quả.

 

Chế biến mứt mận rất cầu kỳ, trước tiên phải chọn loại mận chát và đắng, rồi sau đó phải khía từng quả mận để khi nấu mận ngấm đường. Khi đã khía mận thật mỏng ngâm xuống chậu nước lã, những cánh mận được khía nở ra như một bông hoa rừng thật đẹp. Muốn mận vừa dai vừa mềm và không bị chát thì cứ 5kg mận ngâm 1 lạng vôi và nước lã trong 3 ngày. Để cho mứt ngon hay không là nồng độ vôi khi ngâm (mận khía hình con sò xong đem ngâm nước vôi trong để khử chua), nếu nhiều vôi mứt sẽ bị cứng, xác mà ít vôi mứt sẽ nát. Cuối cùng cho mận vào nồi nấu với đường, đường cũng vậy, nếu nhiều đường mứt sẽ ngọt quá ăn chóng chán mà ít đường mứt sẽ bị chua cũng không đạt. Khi nấu, đun nhỏ lửa, đảo đều tay cho đường ngấm đều, vừa khô là được, nếu bắc xuống sớm mứt sẽ bị ướt, bắc xuống muộn mứt sẽ bị cháy. Mứt mận của Bắc Kạn có thể để được từ năm này qua năm khác mà không sợ bị mốc hay chảy nước, ăn vẫn cảm nhận được hương vị của nó.

______________________________________

MIẾN DONG CÔN MINH BẮC KẠN

Miến dong Côn Minh - Đặc sản Bắc Kạn: Ở Bắc Kạn, ai cũng biết tới món miến dong của xã Côn Minh, sản phẩm làm ra từ những bàn tay khéo léo và nguyên liệu thuần khiết là bột dong.
Nghề làm miến ở đây có lịch sử từ những năm 80 của thế kỷ trước, ban đầu chỉ là món ăn phục vụ trong phạm vi thôn bản. Qua thời gian, miến dong Côn Minh trở thành hàng hoá có giá trị, được người nội trợ nhiều nơi tin dùng vì chất lượng đặc biệt. Hiện nay, ở thôn Lùng Vạng (Côn Minh, Na Rì) đã thành lập các hợp tác xã sản xuất miến dong, bán ra thị trường với số lượng lớn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Miến dong Côn Minh luôn bảo đảm những yếu tố như: nguyên liệu nguyên chất và quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh. Để có sợi miến ngon, người sản xuất phải chọn loại dong củ to, đều và già. Những củ dong được tách lấy mầm giống, sau đó cho vào máy rửa, nghiền, lọc bột, lọc khử tạp chất. Lọc bột nhiều lần cho đến khi đạt độ trắng cần thiết, quá trình lọc sạn cát và tạp chất ra khỏi bột là khâu rất quan trọng. Bột dong được treo khoảng từ 12 — 13 tiếng cho róc nước.

Miến có ngon hay không lại phụ thuộc vào bí quyết pha chế giữa bột sống và bột chín của người làm. Khi quấy bột chín cần cho một chút phèn chua để sợi miến giòn, không dính khuôn. Trong quá trình quấy cần phải đảo liên tục để bột không bị vón cục. Bột chín (sẽ chiếm khoảng 20%) được trộn đều với bột sống rồi cho vào khuôn và tráng thành những chiếc bánh tráng. Phơi bánh tráng cho tới khi hết dính và cuối cùng là đưa vào máy cán thành sợi miến. Phương cách sản xuất khá đơn giản nhưng không dễ chút nào, chỉ cần lơ là một chút, không tuân thủ chặt chẽ quy trình là miến sẽ bị khô, dễ gãy, sợi miến không đẹp.
Những sợi miến dong thành phẩm có màu hơi xám. Đây là màu nhựa của củ dong vì người dân nơi đây không dùng hoá chất tẩy trắng, nhuộm màu sản phẩm, nên trông sợi miến không bắt mắt như những sản phẩm miến trắng khác. Nhưng chắc chắn ai cũng thích dùng miến sạch hơn.
Miến dong Côn Minh làm bằng tinh bột dong nguyên chất, sợi miến không pha trộn bột tạp, dai và có hương thơm đặc trưng của bột dong. Sợi miến sau khi nấu có thể để lâu mà không bị bở, nát và không có sạn. Miến dong có thể ăn được quanh năm, chế biến với nhiều loại thức ăn như thịt nạc, lòng gà, thịt ngan, làm nhân bánh bao…
Miến dong Côn Minh mang đầy hương vị quê hương, là món quà quê mộc mạc, thân quen luôn góp phần không thể thiếu trên mâm cỗ trong các dịp lễ tết, hiếu hỷ hay đơn giản là bữa cơm xum họp của gia đình

_______________________________________________

MẬT ONG RỪNG BẮC KẠN

Mật ong rừng Bắc Kạn: Mật ong rừng là một loại đặc sản quý hiếm, những giọt mật ong vàng ươm, sóng sánh trông thật hấp dẫn. Nhiều người đi du lịch Bắc Kạn họ đều thích được thưởng thức hương vị ngọt ngào của món mật ong rừng, món ăn đặc sản của người dân Bắc Kạn.
Lấy được một đến hai lít mật ong rừng không phải chuyện dễ, những ngườichuyên đi lấy mật ong phải vào rừng sâu, vất vả tìm kiếm. Mật ong có nhiều loại: mật ong Khoái thường làm tổ trên cành cây ở các vùng núi đá cao, nhưng đến nay rất hiếm. Còn loại ong mật Mè thì phổ biến có ở các khu rừng ở Nguyên Phúc (Bạch Thông), Côn Minh (Na Rì), Thác Giềng (Thị Xã Bắc Kạn)…
Mật ong không chỉ dùng để chế biến thức thực phẩm, mà còn là loại thuốc quý hiếm giúp con người chữa được nhiều bệnh như: dùng mật ong trộn với nghệ chữa được bệnh dạ dày, mật ong ngâm với quất chữa được ho cho trẻ em, rất nhiều bài thuốc quý làm từ mật ong đã chữa được khỏi bệnh cho con người. Tìm mua mật ong rừng cũng rất hiếm, phải vào những phiên chợ vùng cao mới có, trung bình mật ong rừng có giá từ 150-180.000 đồng/lít. Đến với Bắc Kạn du khách sẽ được thưởng thức và mang về những loại mật ong rừng quý hiếm, là món quà đặc sản đối với người dân miền núi Bắc Kạn.
Khách du lịch Bắc Kạn còn được thưởng thức hương vị ngọt ngào của món mật ong rừng chấm với bánh mì, hay mật ong ướp nướng với thịt lợn rừng, rất thích thú. Từ xa xưa, mật ong Bắc Kạn thường dùng để tiến vua. Ngày nay, trong các gia đình trên vùng cao, mật ong được sử dụng cho người già, trẻ thơ và người suy nhược cơ thể.

____________________________________________

RAU BỒ KHOAI BẮC KẠN

Rau Bồ Khai - Hương vị đặc trưng của núi rừng Bắc Kạn: Ai đã một lần lên thăm mảnh đất vùng cao Bắc Kạn, nghỉ ngơi một đêm bên bếp lửa nhà sàn và thưởng thức sản vật của núi rừng Bắc Kạn hẳn sẽ không thể quên được hương vị đặc trưng của món rau đặc biệt này - món rau Bồ Khai.
Rau Bồ Khai có một mùi vị rất riêng, không thể tìm được sự tương đồng ở bất cứ loại mùi vị nào khác. Mùi vị ấy là sự hòa quyện giữa hương đất rừng, cái thanh khiết của thứ nước mát trong từ nơi ngọn nguồn sông suối với cái khí trong lành, se sắt của tiết trời chớm xuân ở nơi miền núi này. Không thể diễn tả hết bằng lời, chỉ biết rằng, hương vị rau bồ khai luôn quấn quyện trong nỗi nhớ của người dân Bắc Kạn xa quê. Còn với những du khách một lần được thưởng thức loại rau này sẽ trở thành kỉ niệm không thể phai mờ.
Rau Bồ Khai thường mọc trên những vùng núi đá cheo leo, ngọn rau giống như cây tầm gửi, thân bám vào những cây gỗ lớn để vươn lên đón lấy cái trong trẻo của ánh sáng và khí trời. Ngọn rau thoạt nhìn giống ngọn mướp hương nhưng mảnh mai hơn và có màu xanh non tơ như lá cành mới nhú. Khoảng mùa xuân, bồ khai bắt đầu trổ ngọn xanh tốt. Người dân trong vùng đã quen với mùa đi hái Bồ Khai. Vào dịp này, ở khắp các phiên chợ vùng cao nơi đây đều có bày bán rau Bồ Khai.
Bồ Khai mang về chẳng phải chế biến cầu kì gì nhiều, chỉ cần nhặt sạch, phi tỏi thơm trên bếp rồi đổ rau vào xào to lửa là đã có một món rau hấp dẫn, xanh mướt, thơm giòn…Bồ Khai còn được dùng làm món phở xào, mì xào hay xào lẫn với thịt bò. Đó là những món ăn người dân Bắc Kạn vô cùng ưa thích.

Nếu một lần có dịp lên thăm Bắc Kạn, hãy cùng thưởng thức hương vị đặc trưng của núi rừng.

______________________________________________

MÈN MÉN

Mèn mén - món ăn truyền thống của người Mông: Mỗi dân tộc đều có những món ăn đặc sắc, mang đậm nét truyền thống của dân tộc mình. Khi nhắc tới những đặc sản truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, không thể không kể tới món "Mèn mén”. Đồng bào dân tộc Mông là một trong những dân tộc thiểu số sống ở vùng núi cao vì thế cây ngô là cây lương thực chính. Trước đây, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn Mèn mén là món ăn chính trong bữa ăn hàng ngày của người Mông. Mèn mén được làm từ hạt ngô tẻ. Món Mèn mén đòi hỏi tốn nhiều thời gian để thực hiện với các công đoạn: Bóc vỏ, tách hạt ra khỏi lõi ngô, xay hạt ngô thành bột và sàng bỏ bớt vỏ. Sau khi có bột ngô vừa ý, người làm trộn bột ngô với nước rồi đảo để bột ngô tơi ra, sau đó đổ vào chõ và cho vừa nước đủ để đồ; khi bắc chõ khỏi bếp thì đổ bột ngô ra mẹt, dùng thìa gỗ đảo đi, đảo lại cho bột ngô tơi ra. Để có được món Mèn mén, người làm phải đồ bột ngô hai lần trên chõ gỗ.
Mèn mén khi đã chín có vị thơm, dẻo, rất đậm đà. Ăn mèn mén bao giờ cũng kèm thêm một bát canh. Người Mông thường ăn món này với canh bí để tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn.
Ngày nay, khi cuộc sống của người Mông đã đầy đủ hơn, món Mèn mén đã không còn là món ăn chính trong bữa ăn hàng ngày nhưng mỗi dịp lễ tết, hội hè…vẫn không thể thiếu món ăn truyền thống Mèn mén.
Chủ đề: Ẩm Thực | Lượt xem: 923 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==