Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 29/03/2024, lúc 10:34 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 21 » Món Ăn Đặc Thù Miền Bắc: Yên Bái
0:15 AM
Món Ăn Đặc Thù Miền Bắc: Yên Bái

Món Ăn Đặc Thù Miền Bắc: Yên Bái

XÔI NGŨ SẮC - YÊN BÁI

Về Mường Lò, mảnh đất miền Tây của tỉnh Yên Bái những ngày đầu xuân, du khách không chỉ được đắm chìm trong cảnh sắc êm ả của núi rừng Tây Bắc mà còn được đắm say trong điệu khắp điệu xoè, cùng thưởng thức các món ăn dân dã đặc sản của người Thái Mường Lò như cơm lam, xôi ngũ sắc.

 

Xôi ngũ sắc hội tụ được những giá trị truyền thống và hiện đại, mang ý nghĩa về quan niệm vũ trụ, triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Khẩu cắm lanh là cơm xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng.

Khẩu cắm lăm là cơm xôi màu tím tượng trưng cho trái đất trù phú. Khẩu cắm hương là cơm xôi màu vàng tượng cho sự no ấm đầy đủ. Khẩu khiêu là cơm xôi màu xanh tượng trưng cho màu xanh của núi rừng Tây Bắc. Khẩu nón là cơm xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng thuỷ chung.

Để có xôi ngon, thơm dẻo người làm nghề phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy trình từ khâu chọn lá nhuộm màu đến việc đồ xôi. Nguyên liệu để nấu xôi phải là gạo nếp Tú Lệ hạt to, trong, một loại nếp thơm ngon và nổi tiếng nhất vùng. Bốn loại lá rừng dùng để nhuộm các màu xanh - đỏ - tím - vàng được người dân lựa chọn kỹ lưỡng, lá không được quá non hay quá già. Sau đó rửa sạch nấu với nước lấy từ suối nguồn ở xã Tú Lệ. Khi đã có nước màu, gạo nếp được cho vào ngâm khoảng 10 tiếng rồi vớt để ráo nước. Gạo ráo nước sẽ được đồ trong chõ xôi truyền thống của đồng bào gọi là Mỏ Lửng - Tay Lung. Chõ xôi hình bầu dục bằng thân cây cọ hoặc gỗ thơm được gọt đẽo để thủng hai đầu, đầu trên có nắp đậy, đầu dưới lót bằng phên nứa, mỗi chõ xôi được hơn 1kg gạo. Quá trình đồ xôi lửa phải đều, đượm than, Xôi chín dẻo, thơm đậm, dù nóng hay nguội nắm chặt tay cũng không dính.

Xôi chín được đơm vào đĩa hoặc trình bày theo từng ý tưởng khác nhau với 5 màu xanh - đỏ - tím - vàng - trắng. Năm màu được ghép trên một mâm xôi hình cánh hoa ban thì tượng trưng cho thuyết âm dương Ngũ hành, đồng thời thể hiện khát vọng yêu thương, tình yêu son sắt thuỷ chung, lòng yêu mẹ kính cha của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc.

______________________________________________

CHÈ SUỐI GIÀNG

Nằm trên độ cao gần 1.400m so với mực nước biển, khí hậu của Suối Giàng tương tự như Sa Pa, Đà Lạt. Du khách đến đây có thể trèo lên những cây chè cổ thụ hàng trăm tuổi, hái những búp chè xanh non cùng thiếu nữ Mông mến khách, hay dạo chơi dưới rừng Pơ mu hoặc phiêu du cùng thác Tập Lang rì rầm nước chảy.
Ai đã từng lên thăm xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, đều không khỏi ngỡ ngàng trước bạt ngàn những cây chè cổ thụ. Ngay từ những năm 60, thống kê có tới gần 40.000 cây chè Shan cổ thụ có từ 200 tuổi, đến 300 tuổi, còn những cây hàng trăm tuổi trở xuống thì nhiều không kể xiết. Chè cổ thụ nhiều đến nỗi viện sĩ K. M. Djemmukhatze thuộc viện sinh hóa A. Ba Cu, Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, khi đến Suối Giàng nghiên cứu vào những năm 60 của thế kỷ 20 này phải thốt lên: "Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là cội nguồn của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới” (lời ghi trong sổ lưu niệm của xã Suối Giàng). Hương chè thơm thoảng, vấn vít trong từng ngọn gió, ngưng trên từng lá cây, ngọn cỏ. Vậy mà khi thưởng thức, người sành trà cứ không khỏi phân vân: Vị chè độc đáo lắm, tuyệt vời lắm, nhấp một ngụm nhỏ hàng giờ sau dư vị ngọt ngào vẫn không tan trên đầu lưỡi, nhưng sao hương thơm còn rất khiêm nhường?
Suối Giàng bốn mùa bồng bềnh trong mây, hấp dẫn du khách bởi khí hậu, vị ngọt của chè tuyết cổ thụ, của mật ong tinh khiết và tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi cùng lời hát trao tình của các chàng trai, cô gái Mông réo rắt gọi mời...

___________________________________________

NẾP TÚ LỆ YÊN BÁI

Tôi còn nhớ một truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa, có một tộc người Thái được tiên hiện lên cho một coóng thóc quý và dặn rằng phải tìm được mảnh đất phù hợp thì thóc quý mới mọc và cho nhiều gạo dẻo thơm. Người Thái hành trình đi khắp vùng Tây Bắc, đến nơi nào thấy đất tốt cũng gieo trồng thử nhưng hạt thóc không nảy mầm. Không nản chí, người Thái vẫn tiếp tục đi. Đến chân đèo Khau Phạ, họ xuống suối Mường Lùng uống nước, thấy dòng nước mát trong và ngọt lịm, đất trong thung lũng tươi tốt lạ lùng. Gieo hạt giống xuống thấy nảy mầm xanh tốt và cho gạo dẻo thơm. Thế là người Thái dừng lại, cất nhà dựng bản và trồng lúa nếp từ thuở ấy..

Một cảm giác linh thiêng khi đặt chân lên đất Tú Lệ. Sáng sớm, khi núi rừng còn ngà ngà một màu trắng đục của sương mù thì khắp các nương lúa nếp, màu áo chàm đen của bà con đi gặt đã thấp thoáng. Hương thơm vương vít khắp không gian, đậu vào từng nhánh cây ngọn cỏ, khiến người khách xa thấy lòng xốn xang. Thưởng thức món xôi nếp ở đây quả là một ấn tượng không thể quên. Chỉ cần mua 2000 đồng tiền xôi thì cũng đủ no cả ngày. Đặc biệt là mùi thơm, dù đã ăn xôi nếp rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ tôi cảm nhận thứ gạo này khoe đầy đủ mùi thơm như ở trên chính quê hương của nó. Vị ngọt ngào, vừa đủ ngậy mà không quá béo, vừa đủ độ mềm dẻo mà không quá ướt hay quá khô để người thưởng thức khó tính nhất cũng phải tấm tắc.
Gạo nếp Tú Lệ chẳng cần phải thêm đỗ, thêm dừa cho đậm đà mùi vị. Chỉ xôi gạo không thôi mới thấy hết sự mộc mạc của núi rừng, sự tinh túy của trời đất. Ngoài thổi xôi, gạo nếp Tú Lệ dùng để gói bánh chưng, giã bánh dày hay chế biến các món bánh khác cũng đặc biệt thơm ngon. Sẽ thú vị hơn khi trong mỗi mâm cỗ ngày lễ tết hay trong mỗi túi quà quê biếu người đi xa, có thêm hương vị của nếp Tú Lệ - đặc sản của một vùng quê hương Yên Bái.

___________________________________________

CAM VĂN CHẤN YÊN BÁI

Cam Văn Chấn: Trên khắp các sườn đồi của huyện Văn Chấn (Yên Bái) toàn bộ được bao phủ bởi những vườn cam sai trĩu quả như chào đón mùa xuân. Do địa hình đồi núi nên cây cam cũng được trồng theo tầng như trồng rừng: trên cao nhất của sườn đồi là trồng cam chanh; xuống dưới là cam sành và dưới thấp nhất là cam sen hoặc quýt.
Tại huyện Văn Chấn cam được trồng nhiều nhất tại nông trường với diện tích cam khá lớn (khoảng 200ha), trong đó có 150 ha đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Trong khi rất nhiều vùng trồng cam trong cả nước thu hoạch cam vào dịp tết Nguyên Đán để bán với giá cao thì người trồng cam tại huyện Văn Chấn lại "ung dung” chờ đến hết tết mới tiến hành thu hoạch cam. Một người nông dân trồng cam ở đây cho biết: cam thu hoạch rộ nhất là khoảng rằm tháng riêng. Mặc dù không phải là cam tết nhưng giá cam cũng không kém vì nhu cầu chơi xuân, lễ hội truyền thống của dân tộc ta. Ở huyện có nhiều hộ gia đình có tới mấy ha trồng cam, hàng năm họ thu nhập vài trăm triệu đồng vào dịp xuân mới. Còn hầu hết các hộ trồng ít cũng phải có khoảng tới vài nghìn mét vuông đất trồng cam cho thu nhập vài chục triệu. Ở Văn Chấn phong trào trồng cam giống như một nghề truyền thống vậy.
Tuy nhiên, thực tế cam Văn Chấn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến và chất lượng chưa thể so sánh với các loại cam nổi tiếng như: cam Hà Giang hay cam Vinh. Chính vì thế, huyện chủ trương đưa những loại cam có năng suất cao và chất lượng tốt về trồng để cải thiện vườn cam của Văn Chấn. Kết quả có hai loại cam được đánh giá là hợp với đất này là cam Valencia và cam đường Canh. Từ đó huyện mở rộng diện tích trồng hai loại cam trên, đến nay được khoảng 70 ha. Theo đó, huyện có chủ trương khuyến khích nhân dân trong vùng mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng trồng cam để tiến tới phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước

________________________________________________

QUẾ VĂN YÊN

Quế Văn Yên: Đến Văn Yên (Yên Bái) đi đâu cũng gặp quế - một loài cây đã gắn bó với đời sống thường ngày của người dân. Không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế cho mỗi gia đình mà cây quế không thể thiếu trong đời sống văn hoá của cộng đồng người Dao Văn Yên.
Ở xã Đại Sơn, ông Hoàng Văn An là một trong những đại biểu người dân tộc thiểu số tiêu biểu có công trong kháng chiến được gặp Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch năm 1962. Năm 1970 khi xã phát động trồng "Đồi quế nhớ ơn Bác Hồ" ông cũng trồng được 8 cây trong vườn nhà và đến năm 2000 ông đã bóc bán được 70 triệu đồng để mua công trái xây dựng Tổ quốc.
Người dân xã Viễn sơn thường nói đến ông Bàn Văn Quan như người sinh ra cây quế bởi ông là người đầu tiên trong xã đem quế về trồng trong vườn nhà. 75 tuổi - cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ông Quan vẫn lên rừng quế mỗi ngày. Cây quế đã gắn bó với ông gần cả đời người. Năm lên 9 tuổi, ông đã mang cây quế từ bản Đá Trắng về trồng chỉ vì ông thấy người dân bản Đá Trắng trồng quế bán được nhiều tiền, gia đình họ không nghèo đói. Từ trong vườn nhà, quế của ông vượt lên đồi, quế phủ xanh những mảnh nương bạc mầu. Quế giúp gia đình ông, họ hàng ông rồi cả người dân trong xã ông được no ấm. Và một tập quán mới của người Dao đã hình thành, cứ đến mùa xuân cả bản lại cùng nhau tạo ra những nương quế mới.

Quả thực, cây quế ở Văn Yên đã đóng góp đáng kể giúp người dân vượt qua đói nghèo với rất nhiều hộ gia đình có thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng /năm. Đặc biệt hơn cây quế đã trở thành món quà quý của cha mẹ dành giụm cho con khi dựng vợ, gả chồng. Quế được xem như của hồi môn, như là vốn liếng của cha mẹ giúp con tạo lập cuộc sống gia đình. Cây quế giúp người dân có nhà xây, giúp con em họ được học hành.
Hiện nay cây quế không chỉ có ở Viễn Sơn, Đại Sơn mà quế đã được phát triển ở 27 xã, thị trấn của huyện Văn Yên với 14.800ha. Cùng với một số loại cây kinh tế khác, quế đã và đang khẳng định vị trí của mình trong đời sống xã hội của người dân nơi đây. Đó niềm tự hào của người Dao Văn Yên.
Huyện Văn Yên đã khảo sát được 90 cây quế đủ tiêu chuẩn giữ lại làm giống ở 3 xã Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm.
Huyện còn chủ trương đưa 12,5ha quế cây có đường kính 30cm trở lên và có chiều cao 15m trở lên tại 4 xã Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, để bảo tồn nguồn giống và làm tiền đề phục vụ du lịch.
Đến nay cả 27 xã, thị trấn trong huyện đã có trên 15.000ha quế. Quế trở thành cây cho thu nhập cao, tăng độ che phủ rừng, nhiều hộ đã làm giàu từ cây quế. Ngoài thu hoạch quế vỏ, thân quế đã bóc vỏ có "vanh" từ 35cm trở lên dùng chế biến gỗ nhân tạo, còn loại nhỏ bán làm cây chống dùng trong xây dựng. Là cây công nghiệp chủ lực nhưng vụ quế này người dân không mặn mà với việc thu hoạch. Nguyên nhân do giá quế thấp, trong khi công làm sạch thực bì, công làm cỏ, công bóc vỏ tăng cao, một số cây trồng trên đất dốc khác đang có giá trị trước mắt, nên cây quế bị "xuống hạng" ít nhà chú ý.
Để mở rộng diện tích trồng quế và bảo đảm nguồn giống tốt, huyện Văn Yên đang xây dựng thương hiệu quế Văn Yên, quy hoạch lại vùng trồng quế tập trung vào các xã vùng cao; thống nhất quản lý các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh quế trên địa bàn. Trước mắt, các xã đã kiên trì thuyết phục đồng bào không phá quế trồng sắn (giá bán củ sắn tươi 120.000 đồng/tạ), ưu tiên phát triển giao thông nông thôn vùng cao để đồng bào thuận lợi trong vận chuyển sản phẩm quế đi tiêu thụ.

Chủ đề: Ẩm Thực | Lượt xem: 938 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==