Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 5, ngày 25/04/2024, lúc 8:01 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 21 » Món Ăn Đặc Thù Miền Trung: Thanh Hóa
10:59 PM
Món Ăn Đặc Thù Miền Trung: Thanh Hóa

Món Ăn Đặc Thù Miền Trung: Thanh Hóa

 

CANH NGAO - THANH HOÁ

Về miền biển Hậu Lộc - Thanh Hóa lần nào tôi cũng được thưởng thức những món ăn phong phú từ biển, nhưng có lẽ món ăn để lại nhiều dư vị nhất vẫn là canh ngao với nhiều cách biến tấu khác nhau.

 

Biển Hậu Lộc rộng lớn, là nơi cho nhiều hải sản nhất vùng đất Thanh. Ở đây có làng Ngư Lộc là làng nổi tiếng với nghề đánh bắt ngoài biển khơi. Về đây, bạn sẽ được tận mắt thấy cảnh người dân sáng sớm đã ùa ra bãi thuyền để thu nhận kết quả sau một ngày lênh đênh biển cả. Những món hàng đầy ăm ắp và tươi ngon, đặc biệt là giá rất dễ chịu.

 

Món ăn ở biển Hậu Lộc phong phú, trong đó không thể không nhắc đến món canh ngao. Ngao được bắt từ biển khơi. Vào mùa hè, thường có ngao béo và to. Con ngao trông giống con hến nhưng có vỏ dày và to hơn, màu trắng sáng hơn. Ngao có thể xào, hoặc cũng có thể nấu canh, thậm chí có người luộc ngao lên, chan nước và lấy thịt chấm muối chanh ớt. Tôi hứng thú với món canh ngao hơn cả. Người dân nấu ngao với rau mùng tơi. Cách nấu đơn giản nhất là đem ngao đã ngâm, rửa thật sạch vào nồi, đổ nước vừa ăn và đun sôi. Khi những con ngao đã mở miệng thì cho gia vị và rau vào nấu chín lên, bắc ra ăn nóng, chan với cơm, xì xụp một loáng là xong bữa. Thú vị nhất là việc ngồi nhặt những con ngao còn nguyên vỏ trong nồi ra, rồi vớt phần thịt ngao lên ăn. Những con ngao tươi, ngọt và mềm mềm, dai dai. Tôi thích món ăn này vì nó đơn giản nhưng lại dễ ăn và cũng rất ngon, rất lạ miệng.

 

Thường thì mọi người hay biết đến món ngao nấu chua với mùng, cà chua, thì là, nhưng người Hậu Lộc lại nấu với rau mùng tơi, ăn mùa hè vừa mát lại vừa lâu chán.

_______________________________________________

NEM CHUA - THANH HOÁ

Trên mỗi chuyến xe Bắc - Nam, khi đi qua Thanh Hóa, các hành khách sẽ thấy một loại quả treo lủng liểng trước mỗi gian hàng bên đường 1A, màu xanh hấp dẫn, đó chính là nem chua đặc sản xứ Thanh.

 

Nem chua Thanh Hóa nổi tiếng xưa nay khắp một dải đất dài từ Nam ra Bắc. Người Thanh Hóa tự hào với bạn bè nơi nơi vì có một thứ quà không phải nơi nào cũng cứ học là làm được, mà nó được truyền kinh nghiệm từ đời này sang đời khác qua nhiều năm nay. Chính vì vậy, nem Thanh Hóa vẫn chưa bị mất đi hương vị vốn có từ xưa.

 

Những quả nem hay cây nem được làm từ thịt nạc lợn, trộn với một tỉ lệ bì vừa phải, bằng cách tẩm ướp và nhào nặn bí truyền, cuối cùng cho ra thành từng viên một, nhỏ vừa miệng, quấn kèm với lá đinh lăng, tiêu tẩm vừa đủ và gói vào nhiều lớp lá chuối xanh, trong vòng 4 - 5 ngày, khi thịt đã chín là ăn được. Nem chua quả tròn to gần bằng nắm tay, gói rất cẩn thận và xâu vào nhau trông rất thích mắt. Khi ăn, chấm với tương ớt là hợp lý nhất. Vị thịt của nem chua rất lạ. Vừa có cái gì đó chua chua của thịt lên men, vừa ngọt ngọt, đậm đà gia vị, vừa giòn giòn, hương thơm khó quên của thịt trộn tiêu với lá đinh lăng nữa.

 

Ngày nay, sự phát triển của những cách ăn khác nhau cũng đem đến cho người ta nhiều sự sáng tạo mới. Nem chua hình dài ở Thanh Hóa thường được các hàng ăn mua về và rán lên bằng nhiều hình thức, là món ăn rất khoái khẩu của dân ăn nhậu và của các cô cậu học sinh, sinh viên, vừa rẻ lại vừa dễ ăn. Nhất là ăn nem chua rán hoặc nướng vào mùa đông thì còn gì bằng! Ở Hà Nội, Ninh Bình, và hầu hết các tỉnh Bắc, Bắc Trung bộ đều rất ưa chuộng món quà này của quê hương Thanh Hóa. Tuy nhiên, nem chua ở Thanh Hóa có nhiều chỗ làm, nhiều nơi bán những ngon nhất, uy tín nhất vẫn là những xưởng nem chua ở cầu Hạc, cầu Sâng và đường Trường Thi nằm trong thành phố.

_______________________________________________

MẮM TÉP HÀ YÊN THANH HOÁ

Mắm tép Hà Yên là một đặc sản quý và độc đáo ở vùng chiêm trũng xứ Thanh, nổi tiếng nhất là hai làng Ðình Trung và Yên Xá thuộc xã Hà Yên, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Từ xa xưa đã có câu Giò nạc Yên Xá, nước mắm Ðình Trung.
Làng Ðình Trung là một làng Việt cổ, nằm ven sông Hoạt, chuyên làm nghề mắm tép. Công việc làm mắm tép đòi hỏi phải theo mùa, khi tép ngon, béo. Hằng năm cứ đến vụ cày bừa đông (tháng 11 và 12 âm lịch) cả làng ra đồng đánh tép. Dụng cụ đánh bắt tép có nhiều loại, nhưng phổ biến nhất vẫn là cái riu - một dụng cụ đan bằng tre, nứa hình con tôm cong ngược, được đẩy trong nước đánh rất tiện. Chỗ nào nhiều rong rẻ và rong trơn thì mới nhiều tép ngon.
Dân làng Ðình Trung chỉ chọn loại tép riu làm nguyên liệu chế biến nước mắm, còn tép gạo tuy to và nạc hơn nhưng khi làm mắm không ngon. Tép riu đánh về nhặt sạch rong rêu và cá tạp, để cho thật ráo nước. Cứ mười bát tép là bốn bát muối, hai bát gạo rang giã nhỏ (thính) trộn đều, cho vào chum, chĩnh hoặc vại tùy theo số lượng tép, đổ nước vừa xăm xắp, rồi đậy kín. Mắm tép để càng lâu càng ngon, nhưng nhanh nhất cũng phải sáu tháng trở lên.
Khi nấu nước mắm, người ta cho mắm tép vào một túi vải, rồi vắt kiệt lấy nước cốt cho vào nồi nấu lên, khi đun vừa lửa, nếu muốn mắm đặc thì đun lâu hơn. Nước mắm thơm ngon cũng là một bí quyết, trong khi nấu những người dân ở đây còn cho đậu xanh rang vàng, giã nhỏ đun sôi một lúc. Khi nấu giữ độ lửa sao cho khi rót ra, mắm có ánh vàng, sóng sánh như mật ong.

Trước đây nước mắm tép Ðình Trung được tiến vua. Xưa kia mỗi lần làm nước mắm tiến vua thì các chức sắc trong làng phải cử người đến tận khe Gia Giã, làng Cổ Ðam (vùng Bỉm Sơn bây giờ) để đánh riêng một loại tép quý, loại tép riu nhỏ, có mầu trong xanh, muối lên mầu đỏ trông thật ngon mắt. Khi nấu nước mắm cũng phải chọn người nấu giỏi nhất vùng. Ðồ dùng để muối tép gọi là ton (giỏ) hình tròn to và đều nhau, để vào trong vại hoặc chum. Miệng của ton vừa bằng ngang miệng vại, chum, rồi mới cho tép trộn thính, muối được đổ chung quanh ton. Trong thời gian muối, nước cốt của mắm ngấm sang cái ton, đến khi mắm đủ độ chín thì dùng gáo bằng nứa, múc nước cốt đã ngấm đó, rồi theo bí quyết riêng nấu nước mắm.

_______________________________________________

LƯƠN BUNG CỦ CHUỐI THANH HOÁ

Từ lúc còn nhỏ, hễ gần đến Tết Trung thu tôi đã nghe cả nhà bàn tán món lươn bung củ chuối. Lươn đánh bẫy ở ao trước nhà, củ chuối đào ngoài vườn. Những con lươn to bằng ngón chân cái, da vàng ươm, óng mượt, phải trông quen mới thấy đẹp, hấp dẫn. Ông nội tôi bảo: "Rằm tháng tám, ta làm món lươn bung với củ chuối". Củ chuối phải là chuối hột mới ngon. Chọn đào củ chuối hột non, cây cao trên dưới một mét, gốc to phình. Củ thái nhỏ miếng, ngâm nước lã khoảng một giờ cho ra hết vị chát.
Dùng tro bếp tuốt nhớt trên mình lươn, lấy lá chuối khô tuốt thêm lần nữa cho thật sạch, mổ bụng, bỏ ruột, vứt đuôi, rồi dần cho mềm, chặt ra từng khúc ngắn độ đốt ngón tay. Củ chuối ngâm vớt ra bóp mẻ cùng với lươn, thêm gia vị, vỏ quýt, mắm tôm, hành, ớt, đợi một lúc cho ngấm rồi bắc lên bếp đun. Nếu thấy ít nước thì khi lươn, chuối sôi, cho thêm một ít nước sôi. Đun nhỏ lửa vừa đủ nước sôi sình sịch. Không trộn, đảo để lươn không bị nát. Vì nấu món này cần thời gian lâu để củ chuối và lươn mềm nhừ nên người Thanh Hóa gọi là "bung", đậy kín vung. Chất tanh béo của lươn vàng hòa với chất chát hơi hơi của củ chuối hột, cộng thêm chất chua của mẻ, thơm, cay của vỏ quýt, ớt, chất ngọt của mắm tôm... tạo thành thứ hương vị đặc biệt bốc lên ngào ngạt. Lúc này mới tra thêm mắm muối cho vừa miệng và bỏ vào một ít lá lốt thái nhỏ. Quê tôi có câu:

... Cá rô quyện với nồi rang
Còn như củ chuối, lươn vàng quyện nhau...


Chỉ dịp rằm tháng tám, quê tôi mới nấu món lươn vàng củ chuối hột, trước hết vì tháng tám mưa nhiều, củ chuối non mềm, ít nhựa, lươn mát nước kiếm được nhiều mồi nên béo. Củ chuối hột non, đào lên dùng ngay, để lâu bị khô và tích nhựa. Lươn to vàng mới ngon, lươn đen, nhỏ kém ngon. Món này không cúng Tết Trung thu, chỉ để ăn. Buổi tối, trải chiếu ngoài sân, ăn cỗ tết trông trăng rằm. Các cụ thời xưa cẩn thận đánh mâm đồng sáng quắc như gương để soi mặt trăng, nhìn cho rõ. Bên mâm cỗ, kẻ nhắm nhót, người đưa cay, đợi trăng lên cao để xem trăng tỏ hay mờ, trăng tròn hay náu mà tính chuyện làm ăn. Do đó, Tết Trung thu là lễ tết quan hệ tới mùa màng nhà nông. Cỗ cúng thông thường có thịt, cá, xôi, bánh trái. Còn món nhắm rượu để ngồi lâu khề khà không gì bằng củ chuối bung lươn.
Còn món lươn, dược học ngày nay đã công nhận nó là một vị thuốc bổ. Theo kinh nghiệm cổ truyền, lươn có tác dụng bổ âm mạnh. Các cụ xưa giải thích vì lươn kiếm ăn dưới bùn nước, ở trong hang hốc. Lươn nấu củ chuối để trung hòa cái âm tính vốn rất mạnh của nó với dương tính chuối củ thành một món ăn, thích hợp với mọi người. Các cụ còn nói: lươn thích trăng sáng; những đêm sáng trăng, lươn hay rong chơi đây đó, nên Tết Trung thu cần lươn giúp cho trăng to, vì "tỏ trăng rằm thì được lúa chiêm".
Ngày nay quê tôi, tuy chưa phổ biến cũng đã du nhập món "lẩu lươn": lươn, rất nhiều lươn om với chuối xanh bổ dọc hoặc cà... Nhưng dầu sao, bao người vẫn không hề quên hương vị đặc biệt của nồi lươn vàng bung củ chuối hột. Mỗi khi đến tiết trung thu, tôi lại nhắc câu ví hát dân gian thuở xưa của mẹ tôi dạy:

Đương cơn binh địa ba đào
Ai đem củ chuối mà ngào với lươn!

 

_______________________________________________

BÁNH ĐÚC THANH HOÁ

Bánh đúc là thứ quà dân dã, rất quen thuộc với mọi người từ làng quê đến thành thị. Nhưng riêng bánh đúc sốt thì chỉ có ở thành phố Thanh Hoá, đặc sản của làng Bào Giang, làng Cốc thuộc phường Lam Sơn.
Gọi là bánh đúc sốt bởi vì món này phải ăn nóng. Nguyên liệu gồm bột tẻ, nước vôi trong, rau cải giã tươi, lọc bỏ hết bã, lấy nước, muối. Cả mấy thành phần trên hoà trộn với nhau. Và một nguyên liệu quan trọng nữa là đậu xanh nấu chín, đánh cho nát tơi, lúc nào ăn thì mới xúc đậu rải đều lên bát bánh.

Khi nấu bánh chỉ đun lửa riu riu, vừa nấu vừa dùng đũa cả cỡ lớn đánh không ngơi tay. Nồi bánh nhấc xuống được ủ kín giữa ổ rơm hoặc giữa bì gai, đay quấn chung quanh trong chiếc thúng cái. Có khách ăn, bánh múc ra khói toả trùm miệng bát, nóng hôi hổi, màu bánh lại xanh như ngọc thạch do màu nước rau cải tạo nên. Đặc biệt là hương vị bánh đúc sốt thì vô cùng hấp dẫn. Thoảng nhẹ một mùi thơm ngầy ngậy béo; ấy chính là sự hoà hợp của mùi bột gạo, vôi và rau cải (cải bẹ). Đã thế lại thêm hương vị thơm bùi của đậu xanh nữa.

_______________________________________________

CÁ MÈ SÔNG MỰC THANH HOÁ

Xứ Thanh có nhiều đặc sản như nem chua, chả tôm, bánh gai Tứ Trụ, chè lam Phủ Quảng… Nhưng nếu không kể đến cá mè sông Mực quả là thiếu sót. Sông Mực nằm trong vùng sông hồ mênh mông thuộc Vườn Quốc gia Bến Én, huyện Như Thanh, Thanh Hóa. Do đặc thù sinh thái phong phú, nguồn thức ăn cho cá mè dư dôi nên cá mè béo mẫm, ngầy ngậy, to con, có con nặng đến vài ba yến.

Các món ăn cá mè được chế biến cũng rất đa dạng như: nấu lẩu, nấu om, rán… nhưng tuyệt vời nhất lại có chút hoang dã là thưởng thức cá mè luộc chín kèm theo các gia vị: khế chua, rau thơm, ớt, chuối xanh, lộc sung, giá sống…
Các thứ trên đem cuốn lại bằng bánh đa nem. Cái béo ngầy ngậy của thịt cá mè luộc hoà hợp với vị chát của lộc sung, chuối xanh, vị chua của khế, vị ngọt của giá sông, hương dịu của rau thơm. Cuốn xong, đem chấm với bát nước mắm đặc sản xứ Thanh có đủ gia vị: tỏi, ớt, chanh, đường thì ngon tuyệt, dậy mùi, ăn một lại muốn ăn hai. Người ta dùng bánh đa nem cuốn-cá mè với các loại rau ghém kể trên rồi chấm vào bát nước mắm đặc sản của xứ Thanh có đủ gia vị ớt, chanh, tỏi, đường.

Nguồn: Saigontoserco

Chủ đề: Ẩm Thực | Lượt xem: 659 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==