Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 29/03/2024, lúc 8:29 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » Articles » Văn hóa - Phong tục

QUỐC MẪU TÂY THIÊN TRONG ĐẠO MẪU

QUỐC MẪU TÂY THIÊN TRONG ĐẠO MẪU


EmailInPDF.

GS-TS Ngô Đức Thịnh (Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam)

 

1. Tây Thiên không phải là một dịa danh hành chính, cũng không hoàn toàn là một địa danh mang tính địa lý tự nhiên, mà có lẽ đúng hơn là một không gian gắn liền với một tục thờ Nữ thần - mà từ lâu dân gian vẫn gọi một cách thành kính là Quốc Mẫu Tây Thiên. Theo Lê Kim Thuyên, tác giả sách "Quốc Mẫu Tây Thiên Vĩnh Phúc” [1] thì không gian phân bố tục thờ này chủ yếu ở địa bàn Tây Thiên trên núi Thạch Bàn, xã Đại Đình và lan tỏa ra các huyện Bình Xuyên, Tam Dương, Lạp Thạch và thành phố Vĩnh Yên ngày nay. Địa hình các huyện trên chủ yếu thuộc vùng núi dãy Tam Đảo và trung du. Chính vì thế mà tước hiệu vị Mẫu Thần này được ghi là : Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh đại vương.

Theo thống kê trong tự điển nơi thờ cúng ghi đời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24 (1763) thì ở vùng này có 54 tổng xã có đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, trong đó phân bố như sau :

-         Huyện Tam Đảo có 14 di tích

-         Huyện Lập Thạch có 18 di tích,

-         Huyện Tam Dương có 5 di tích

-         Huyện Bình Xuyên có 4 di tích

-   Thành phố Vĩnh Yên có 7 di tích, tổng cộng là 48 di tích theo cấp xã của hệ thống hành chính ngày nay [2]. Hiện tại có  mấy di tích quan trọng nhất, là trung tâm của tục thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, đó là Đền Thượng Tây Thiên trên ngọn núi Thạch Bàn, bên cạnh có chùa Tây Thiên, đền Mẫu sinh ở Đông Lộ, thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo; đền Xóm Xím, thuộc Đông Lộ, là đền Mẫu hóa, Đền Ngò thuộc xã Sơn Đình là nơi xưa kia Mẫu luyện quân đánh giặc Thục; đền Thỏng (Thông, Lan Thông…) là đền Trình, cạnh chùa Thiên Ân. Như vậy, không gian phân bố các đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên đã tạo thành không gian thiêng, không gian văn hóa thờ Quốc mẫu. Ngoài địa bàn này ra, ở nước ta không có nơi nào có tục thờ Quốc Mẫu Tõy Thiờn như ở đây.

Điều đặc biệt ở đây là không gian thờ Quốc mẫu cũng trùng hợp với không gian thờ Phật. Có thể nói, nơi nào có đền thờ Quốc Mẫu thì cũng chính nơi đó, bên cạnh đó có chùa thờ Phật. Do vậy, mối quan hệ giữa Phật và Mẫu ở đây có mối liên hệ khăng khít, mà chúng ta sẽ có dịp trở lại vấn đề thú vị này.

2. Sự tích Tây Thiên Quốc mẫu đã được ghi trong bản ngọc phả đền Tây Thiên (Tây Thiên Quốc Mẫu ngọc phả lục), chưa rõ được lập từ thời kỳ nào, nhưng bản chữ Hán này được chép lại năm Khải Định thứ 2 (1917) [3] :

Thời nước Việt Nam kiến hiệu Văn Lang Hùng đô trị quốc, thuộc đạo Sơn Tây, Đoan Hùng phủ, Tam Dương động, Đông Lộ trang, trong trang nội có một trưởng ông tính Lăng, danh húy, tuổi gần 40, Thái tuổi ngoại 40. Thái bà tính Đào, danh Liễu tuổi ngoại 40. Trưởng ông con người khí trượng, khôi ngô, thể hiện người anh hùng khoáng đạt, thuộc dòng dõi Hùng Vương. Trong một ngày ông bà nằm mộng là hành du đăng vu Tam Đảo sơn, đến chùa Tây Thiên hành hương cầu đảo, mật khẩu ở trong chùa, cầu mộng đến khoảng ngoài canh ba bà Đào Thị chợt thấy trong người bàng hoàng, thấy có mây ngũ sắc trong chùa hiện lên một giải như phượng bay lượn trong mây đồng thời thấy một số quần tiên 7, 8 người đều mặc mũ áo, người thì ca hát, người thì nhảy múa, người thì gảy đàn, người thì ngâm thơ. Bà Đào Thị tỉnh lại mới biết đây là mộng lành (cát mộng), từ đấy trở đi chuyển động tâm thần mang thai đến 14 tháng, năm Giáp Thân tháng 5 ngày mồng 10 sinh hạ nữ tử. Người con gái nhan sắc, mặt mày sáng sủa huy hoàng, thể hiện con người tuấn tú, nết na, long nhan, phượng cảnh dòng dõi Lạc Hồng. Tuổi 5, 6 đã thông minh, hiểu âm, biết luật, đặt tên là Tiêu (các thập phương biết húy thường kiêng, gọi chuối rằm vì Tiêu là tên húy). Trưởng ông và Thị bà rất yêu quý, chăm sóc cho ăn học, thể hiện con người nữ tắc, nữ công. Lúc đó mới 11-12 tuổi lại xuất hiện tài năng võ nghệ, binh thư thao lược, thực là người con gái anh hùng hào kiệt. Đến 20 tuổi đã là một anh hùng dũng mãnh, thao lược. Tiếng đồn ở trong trang cũng như xung quanh huyện thấy quả là một phụ nữ tài ba có nhiều phù phép thần thông biến hóa, lúc thì là tiên, lúc là thánh, thực là bậc quần thoa hào kiệt bậc nhất trượng phu.

Thời bấy giờ giặc phương Bắc xâm lăng. Trong nhân dân lấy làm dao động hết sức lo sợ. Có chiếu Hùng Vương loan báo trong thiên hạ kêu gọi ai có tài ra giúp nước trị loạn.

Lệnh nàng nghe thấy chiếu chỉ đứng ra phan bổ, kêu gọi các tráng đinh trong vùng, tức Động lộ trang 50 người, Sơn Đình 100 người, Quan Nội 150 người, Quan Ngoại  150 người, Quyết Trung 70 người.

Cập chư bàng huyện tráng đinh tất cả 3000 người tướng sỹ về tại Phong Châu - Việt Trì xin được vào yết kiến Hùng Vương (Nhập triều bệ kiến). Hùng Vương thấy Nàng là một anh hùng hào kiệt có tài năng, láy làm vui mừng bèn gia tăng tinh binh 10 vạn, hùng mã (kỵ binh) 3000. ủy lệnh cho nàng thống chế thủy bộ quân sự, vào tháng 2 ngày 29 cáo binh tiên thảo. Nàng phụng mệnh hành trình từ kinh thành tiến quân chia thành 3 đạo :

Một đạo binh ba vạn hùng mã, một đạo 1000 từ Phong Châu tiến đến Hưng Hóa, một đạo từ Phổ Châu ngưu giang địa diện. Các đội quân cùng giáp chiến với quân giặc là một đạo hùng binh năm vạn quân tướng, ngựa 1000 kỵ binh. Từ Đà Giang tiến thẳng đến Mã Giang cùng quân giặc chiến đấu, lại đem thêm một đạo kỵ binh 4 vạn, 1000 thuyền tiến thẳng tới Tuần Giáo cùng quân giặc hội chiến. Tất cả các đạo hợp chiến ở Quỳnh Nhai địa. Trên một vạn quân giặc đại bại, còn lại bỏ chạy không dám trở lại.

Lệnh Nương bèn thu hồi binh về triều, khải hoàn. Triều đình lấy làm vui mừng bèn ra lệnh mở tiệc.

Tây chinh đại thắng, gia quan tước cho quân sỹ. Lệnh phong vi Tam Đảo sơn trụ Quốc mẫu Đại vương vào tháng 2 ngày 28, cả huyện làm lễ mừng chiến thắng. Lập công mừng thắng lợi. Tiếp theo là về Động mổ trâu, bò, dê (tam sinh) làm lễ bái tạ gia đường, tổ chức mời các bô lão, anh hùng hào kiệt trong huyện mở yến tiệc đại thắng Tây chinh.

Lúc này ông bà sinh ra quốc mẫu tuổi đã ngoại 80, cả 2 ông bà mất không bệnh tật gì, Lệnh nương cho hành lễ an táng cha mẹ vào ngày 12 tháng giêng. Công chua lúc nhàn rỗi nên ngoạn cảnh sơn thủy.

Truyền trong tổng nội lập đền thờ Quan Nội, xã lập vi tả cung. Quan Đình, Nhân Lý lập hữu cung, Quyết Trung xã lập vi hạ cung.

Tây Thiên lập miếu sư, chợt thấy mây ngũ sắc từ trên trời buông xuống trong khoảng khắc có một Thiên sứ. Sứ giả nhà trời xuất hiện trong đám mây truyền rằng : Vâng mệnh Thượng đế triệu công chúa cùng quan sứ giả thăng thiên, chỉ còn lại một giải tại Tây thiên. Như vậy là người mộc dục xong là hóa, tháng 2 ngày 15.

Trong trang nội thấy sự việc của người quả là một bậc tiên thánh bèn tâu về triều, Hùng Vương bèn truyền với quan chức thực sự là một người nữ anh hùng có công và gia tăng sắc phong vị Tam Đảo sơn trụ Quốc mẫu Đại vương dệ nhất thượng đẳng phúc thần.

Hàng năm về mùa xuân, mùa thu tứ thời quốc tế vạn cổ huyết thực cùng cả nước ghi nhớ đó là công ơn thịnh vậy.

Truyền lập miếu thờ hương hỏa lưu truyền của Đại Việt. Từ Đinh, Lê, Lý, Trần khai sáng đất nước Đại định thiên hạ nhất nhất tuân theo. Tuy phong lịch đại bách thần phong như các triều .

Bản ngọc phả này cũng trùng với những truyền thuyết lưu truyền ở xã Đại Đình, nơi có đền thờ Mẫu sinh và Mẫu hóa.

Trong dân gian cũng như trong các sách vở viết về Tây Thiên quốc Mẫu người ta còn truyền tụng truyền thuyết gắn cô gái Lăng thị Tiêu với Vua Hùng thứ 7 là Hùng Chiêu Vương (Lang Liêu). Có thể tóm tắt dị bản của truyền thuyết như sau :

Cô gái Lăng Thị Tiêu sinh ra trong một gia đình hiếm con, lớn lên thành cô gái xinh đẹp, giỏi giang, hiền thục, được bố mẹ rất yêu chiều. Đời Hùng Vương thứ 7 là Lang Liêu lên nối ngôi cha. Một lần vua Hùng Chieu Vương (Lang Liêu) đi cầu Tiên, Phật ở núi Tam Đảo, đã gặp người con gái xinh đẹp, nết na, ăn nói giỏi giang liền đem lòng yêu quý và đưa về triều ở Phong Châu, lập làm Chính Phi. Nàng đã hết lòng yêu quý Hùng Chiêu Vương và đem tài của mình ra thi thố, giúp chồng trị quốc, ứng xử trong ngoài chu tất với các Lạc hầu, Lạc tướng, khiến quốc gia Văn Lang trở nên thịnh trị suôt hơn 200 năm. Một lần, Văn Lang bị giặc Nhà Thục đe dọa, đem quân vây hãm kinh thành, Nguyên phi Lăng Thị Tiêu đã chiêu mộ binh sỹ kéo về Phong Châu đánh tan quân Thục, giải cứu triều đình. Khi Nàng mất (hóa) về trời, được các triều vua sắc phong là Tây Thiên Quốc mẫu.

Không có gì khó khăn lắm khi chúng ta đi tìm khởi nguồn của tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên ở tục thờ núi, mà thường biểu tượng của nó là thờ đá thiêng. Các dấu tích về tín thờ hòn đá dựng - Lập Thạch, một thứ văn hóa Cự thạch nguyên thủy, rồi tục thờ Tam Triệt Thạch, gọi là Đá ba roi. Tương truyền, một thày phù thủy dùng phù phép quất roi vào hòn đá, khiến nó phải "mở miệng” ra ngậm láy các phép thuật của thày Phù thủy vì không muôn truyền cho ai, sau đó quất roi tiếp để đá ngậm miệng lại. Cũng như vậy tục thờ ba hòn đá trắng - Bạch Thạch ở Tam Dương, dấu tích hóa của ba vị đại vương : Cả Nhạc, hai Nhạc, Ba Nhạc thời Triệu Đà…

Trước khi được nhân thần hóa, nữ tính hóa, thần núi Tam Đảo đã được gọi với cái tên Thanh Sơn Đại Vương (Đại Vương thần núi xanh), được chép trong sách Việt Điện U linh. Thời Trần Nhân Tông (1279-1293) đã có tục cầu đảo - cầu mưa ở núi Tam Đảo. thời Lê Nhân Tông (1451) cũng đã lặp lại tục cầu đảo này. Cũng từ thời Lê trở đi, triều đình phong cho thần núi Tam Đảo là Trụ Quốc Mẫu. Như vậy, từ vị thần đá, thần rừng lưỡng tính, một nhiên thần, từ thời Lê trở đi vị thần núi Tam Đảo đã vừa được nhân hóa, vừa nữ tính hóa. Chính truyền thuyết dân gian nêu trên là dấu vết của quá trình chuyển hóa này.

Trong không gian của đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, hai ngọn núi ở tả hữu trục sông Hồng là Tam Đảo và Ba Vì ở thời lập quốc Văn Lang - Âu Lạc cũng như sau này kinh đô rời về Thăng Long, có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của dân chúng và triều đình. Trước nhất, về phương diện địa lý, đó là hai ngọn núi cao nhất nằm sát ngay đồng bằng Châu Thổ, ngày trời quang mây tạnh, không chỉ đứng ở Phong Châu mà cả Thăng Long - Hà Nội nữa đều nhìn thấy. Theo quan điểm sơn thủy, dù ở Phong Châu hay Thăng Long - Hà Nội thì đó là hai ngọn núi trấn giữ bên tả và hữu, "tả Thanh Long hữu Bạch Hổ”, trở thành hai ngọn núi bảo trợ cho kinh thành. Vì vậy, nhanh chóng vị thàn núi Tam Đảo và núi Ba Vì sớm gia nhập vào hàng thượng đẳng thần trong hệ thống điện thần Việt. Việc từ thời Nhà Trần đến nhà Lê sau này đều có nghi lễ cầu đảo - cầu mưa trên hai ngọn núi này là những chỉ báo.

Tâm thức dân gian theo xu hướng nhân thần hóa tự nhiên đã coi núi Tam Đảo là núi Mẹ và Ba Vì là núi Cha. Dân gian có câu :

Tam Đảo núi Mẹ

Tản Viên núi Cha

Cùng Tổ Nghĩa Lĩnh là ba trường thành

Hay:        Núi thờ cha Tản Viên

Núi thờ mẹ Tây Thiên

Đều hướng về Ngũ Lĩnh (Nghĩa Lĩnh)

Thờ núi Tổ linh thiêng

Việc thờ thần núi Tam Đảo đã diễn ra quá trình tích hợp văn hóa lâu dài. Vốn là việc thờ thần tự nhiên, núi sông, mang lưỡng tính, thần núi Tam Đảo được nhân thần hóa, nữ tính hóa, thành vị nữ thần, đối sánh với núi Tản Viên là nam thần, phù hợp với tâm thức dân gian. Quá trình nhân thần hóa này có lẽ diễn ra từ thời Lê, thế kỷ XV, với việc phong thần "Trụ Mẫu Quốc”. Việc thờ thần núi Tam Đảo là nữ thần nó có cơ sở tự nhiên và văn hóa của nó. Thứ nhất, đây là ngọn núi phía tây, mà phương tây là biểu tượng của âm tính, tương truyền là ngọn núi có quần Tiên trên trời xuống ngao du, đàn hát, là nơi tu tiên của các đạo sỹ, theo kiểu : Ai người tu tiên đắc đạo, Lên Tây Thiên Tam Đảo mà tu. Chính truyền thuyết vua Hùng Chiêu Vương thứ 7 đi tuần du ở Tam Đảo để cầu Phật và cầu tiên, cungc không năm ngoài quan niệm đó. Đây cũng là nơi du nhập Phật giáo từ sớm, dấu tích các ngôi chùa cổ, nhất là Chùa đồng, có niên đại Lý-Trần. Cũng trong tâm thức dân gian, tương truyền Tản Viên thần chính là người con trai trong số 50 người con thuộc dòng Rồng, theo Cha xuống biển, còn Lăng Thị Tiêu là dòng Tiên, theo mẹ lên núi.

Trong hệ thống các huyền thoại thời kỳ lập quốc, vùng địa - văn hóa - lịch sử Tam Đảo - Ba Vì - Nghĩa Lĩnh được coi là vùng đất thiêng, là "ba trường thành” của quốc gia Văn Lang - Âu Lạc, do vậy, sau này khi hệ thống huyền thoại về cỗi nguồn dân tộc hình thành thì ba ngọn núi này cũng sớm được tích hợp vào hệ thống huyền thoại thời lập quốc Hùng Vương, Chính huyền thoại Hùng Chiêu Vương (Lang Liêu) gặp nàng Lăng Thị Tiêu là người tiên, lấy làm vợ và là người có công giúp vua đánh quân Thục xâm lược, giống như phía bên kia, Sơn Tinh Tản Viên, kết duyên với con gái vua Hùng và trở thành vị tướng phò vua diệt Thục. Chính xu hướng tích hợp tín ngưỡng - văn hóa thờ thần núi (Tản Viên, Tam Đảo, Nghĩa Lĩnh) vào hệ thống huyền thoại Hùng Vương dựng nước là tác nhân quan trọng cho việc nhân thần hóa việc thờ thần núi ở Bắc Bộ, mà trước tiên là hai ngọn núi thiêng Tam Đảo (Núi mẹ) và Ba Vì (Núi Cha). Việc xây dựng biểu tượng núi thiêng bảo trợ cho quốc gia và kinh thành Thăng Long còn được củng cố và hiện thực hóa bằng việc phong thần của các triều đại, Lý, Trần, Lê…và việc tổ chức các nghi lễ thờ cúng mang tính quốc gia đối với hai vị thần núi này. Đây chính là lần thứ nhất "tăng quyền” cho việc thờ phụng thần núi, không chỉ gắn nó với việc thờ nhân thần mà còn gắn với lịch sử giai đoạn đầu tiên lập quốc và củng cố quốc gia phong kiến tự chủ của dân tộc Việt.

Biểu tượng Quốc Mẫu Tây Thiên không chỉ được "tăng quyền” do quá trình hội nhập vào hệ thống huyền thoại hình thành quốc gia dân tộc mà còn được "tăng quyền” hơn nữa do quá trình hội nhập tôn giáo tín ngưỡng. Đó chính là quá trình hội nhập việc thờ nữ thần núi với Phật giáo và Đạo giáo dân gian (Mẫu Tam phủ, Tứ phủ).

3. Xem xét từ khía cạnh tín ngưỡng thờ Mẫu thì việc thờ Mẫu Tây Thiên đã trải qua các nấc thang khác nhau, từ thờ nữ thần núi đến Mẫu thần và Mẫu Tam phủ. Ở giai đoạn sớm, việc thờ một vị thần núi, thậm chí dưới dạng nữ tính nữa thì cũng là hiện tượng phổ biến ở khắp mọi nơi của tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Cũng có thể, các bộ lạc sinh sống thời tiền sử ở đâylà các bộ lạc theo mẫu hệ, nên thần núi của họ cũng là nữ thần, thì cũng là điều thường tình.

Tuy nhiên, như nói ở trên, núi Tam Đảo cũng như núi Ba Vì không phải là các ngọn núi bình thường như các ngọn núi khác, mà vị trí địa lý của nó lại nằm ở trung tâm của quốc gia cổ đại Văn Lang - Âu Lạc, mà trong tâm thức dân gian nó cùng với núi tổ Nghĩa Lĩnh, trở thành "ba trường thành” của quốc gia cổ đại này. Do vậy, các vị thần núi này sớm được nhân thần hóa và tham gia vào thần điện của vương quốc và núi Tam Đảo hiện thân là vị tiên đã kết hôn với Vua Hùng và trở thành "Quốc Mẫu”, tức là một thứ bậc cao hơn nhiều so với các vị nữ thần bình thường. Vị trí "Tam Đảo Trụ Quốc Mẫu” và được triều đình từ thời Lê thờ phụng như một thượng đẳng tối linh thần.

Tuy nhiên, như đã thấy hiện nay, quá trình biến đổi từ nữ thần đến Mẫu thần không chỉ dừng lại ở đó, mà trong lịch sử, không rõ bắt đầu từ lúc nào đã diễn ra quá trình hội nhập giữa thờ Mẫu thần Tam Đảo với hệ thống Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ đã hình thành và phát triển từ vùng hạ lưu sông Hồng từ thế kỷ XVI-XVII ngược dòng trở lên trung du và vùng núi. Sự gặp gỡ và hội nhập giữa hai hình thức thờ Mẫu này, một đằng từ miền núi xuống, một đằng từ vùng đồng bằng ven biển dội lên đã tạo cho việc thờ Mẫu ở đây mang tính đặc thù cao, đó là thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, chỉ tồn tại ở Vĩnh Phúc, tạo thành một vùng thờ Mẫu độc đáo này.

Sự hội nhập này thể hiện trước nhất là ở điện thần. Trong các ngôi đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên ta thấy có sự gá lắp ở những mức độ khác nhau giữa thờ Mẫu tam phủ và thờ Quốc Mẫu Tam Đảo. Vị thần chủ trong các ngôi dền này đều là Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu được đặt ở vị trí trung tâm và cao nhất của điện thần Đạo Mẫu Tam phủ. Ở ngôi đền Thỏng, trên ban thờ cao nhất đặt trên sàn gỗ là tượng Quốc Mẫu Tây Thiên, còn các tượng phối thờ ở tầng trệt là tượng Mẫu Thoải, Mẫu Thượng ngàn ở hai bên, phía tường sau tầng trệt là thờ Ngũ Dinh (Ngũ hổ), hai bên là thờ Cô và Cậu đều là các vị thánh của điện thần Tứ phủ. Còn ở các đền Mẫu Hóa, Mẫu Sinh ở xã Đông Lộ (Tam Đảo) thì tượng Quốc Mẫu đặt ở vị trí trên cùng, còn phía đươi là điện thần Đạo Mẫu Tam phủ, như Tam tòa Thánh Mẫu, các Chầu, các Quan lớn, Các Ông Hoàng, các Cô và Cậu…

Trước các ngôi đền thờ quốc Mẫu Tây Thiên này, người ta có thể hầu đồng, ăn mặc, nghi lễ giống như hầu đồng của Đạo Mẫu Tam phủ. Tôi có hỏi các bà đồng ở đây là khi Lên đồng thì Quốc mẫu có giáng đồng không thì họ trả lời là có, với tư cách là Mẫu đệ nhất thượng thiên. Như vậy, ở đây có sự đồng nhất giữa Mẫu thượng Thiên của đạo Mẫu Tam phủ, mà Bà Liễu Hạnh Thánh mẫu là hiện thân với Quốc Mẫu Tây Thiên. Sự hội nhập này khiến cho một lần nữa Quốc Mẫu Tây Thiên được "tăng quyền” và mở rộng phạm vi, nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện nay.

Hiện tại các ngôi đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên đều diễn ra nghi lễ Lên đồng, có khi mỗi đền có tới 3-4 ban có thể cùng lúc hầu thánh. Những ông đồng, bà đồng này là người địa phương Vĩnh Phúc, nhưng có không ít các ông đồng, bà đồng từ các nơi khác tới, nhất là từ các đô thị lớn, như Hà Nội, Hải Phòng, thậm chí cả từ thành phố Hồ Chí Minh. Ngày kỵ Quốc mẫu vào mùa xuân, tháng 2, 3 âm lịch, giống như các điện phủ thờ Mẫu khác.

4. Không chỉ có hiện tượng Mẫu thần Tây Thiên bị Mẫu Tam phủ, Tư phủ hóa như vừa nêu, mà trong lịch sử cũng như hiện nay đã và đang diễn ra quá trình hội nhập Phật-Mẫu, tạo nên một bản sắc văn hóa rất độc đáo của Tây Thiên.

Theo nhiều nhà nghiên cứu và thực tế cũng chứng tỏ Tây Thiên là nơi Phật giáo du nhập và phát triển từ rất sớm. Ngay trong khu danh thắng Tây Thiên với chiều dài 11 km, chiều ngang khoảng 1 km đã có tới 8 ngôi chùa, trong đó có Chùa Đồng cổ ở chân núi Thạch Bàn, nơi các nhà nghiên cứu tìm thấy các di tích khảo cổ thuộc thời Lý Trần. Có thể nói ở đây chùa thờ Phật và đền thờ Quốc Mẫu luôn luôn cặp đôi với nhau, nói cách khác, nơi nào có đền Mẫu thì có chùa và ngược lại.

Các nhà nghiên cứu địa phương cho rằng, các ngôi chùa ở Tây Thiên không chỉ là chùa làng, mà chắc rằng trong lịch sử, nơi đây đã từng là một trong các trung tâm Phật giáo lớn của nước ta. Ngay cái tên Tây Thiên đã gợi nên ý niệm về cõi Phật, giống như Tây Trúc ở Ấn Độ. Ngày nay, ngoài các ngôi chùa cổ, Phật giáo Việt Nam đã xây dựng Thiền Viện Tây Thiên, một trung tâm tu hành, nghiên cứu và giảng dạy Đạo Phật của nước ta.

Chính sự du nhập, kết hợp Mẫu - Phật, Phật - Mẫu không chỉ nâng tầm của việc thờ Mẫu Tây Thiên mà còn quảng bá rộng hơn cho Phật giáo. Điều này đáp ứng tâm thức và ước nguyện của nhân dân. Người ta hướng về với Phật là hướng về cái thiện, tu nhân tích đức để hưởng phúc kiếp sau, còn đến với Mẫu - Mẹ với ước vọng Mẫu mang lại sức khỏe, may mắn và tài, lộc cho đời sống hiện tại. Việc tỉnh Vĩnh Phúc bảo tồn và nâng cấp Lễ Hội Tây Thiên hiện nay với ý tưởng "Về với Phật, đến với Mẫu” là thể hiện và đáp ứng tâm thức ấy.

5. Hiện tượng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên còn thể hiện sự tích hợp văn hóa liên tộc người. Hiện tại, trên địa bàn các nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, đặc biệt ở các ngôi đền Mẫu Hóa, Mẫu Sinh đều là làng của người Sán Dìu. Họ không chỉ là chủ nhân thờ phụng Mẫu ở các ngôi đền chính này, mà còn tích cực tham gia các lễ hội hàng năm vào các dịp ngày đản và ngày kỵ Quốc Mẫu. Khi chúng tôi hỏi các cụ người Sán Dìu thì họ đều khẳng định Quốc Mẫu Tây Thiên chính là vị Mẫu thần của dân tộc họ và họ tham gia lễ hội với tư cách là chủ nhân văn hóa.

Như chúng ta biết, người Sán Dìu (Sơn Nhân) là tộc người thiểu số ở nam Trung Quốc di cư vào nước ta khoảng trên dưới 300 năm nay. Có thể giải thích hiện tượng này từ cơ sở tương đồng văn hóa. Rất có thể ngay từ quê hương xưa, họ đã từng tôn thờ vị nữ thần núi, khi đến Việt Nam, họ đã sớm hòa nhập vào việc tôn thờ Quốc Mẫu Tây Thiên và coi đó như là văn hóa tín ngưỡng của chính mình. Sự hội nhập văn hóa này khiến cho mối quan hệ giữa người Việt và người Sán Dìu trong vùng càng trở nên gắn bó và đoàn kết hơn. Đó cũng là nét độc đáo của truyền thống văn hóa của nhân dân vùng Tây Thiên Vĩnh Phúc.

Tục thờ Mẫu ở Tây Thiên đã là yếu tố cốt lõi tạo nên một không gian văn hóa tâm linh với vẻ đẹp thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, ở đó các di tích kiến trúc thờ cúng đã có tuổi lâu đời, ít nhất cũng từ thời Lý, Trần, mà tiêu biểu là ngôi chùa đồng. Cũng cần nói thêm rằng, các kiến trúc đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên đều đi liền và gắn kết với các ngôi chùa cổ kính, tạo nên thế liên kết Phật - Mẫu, Mẫu - Phật rất độc đáo. Đó còn là không gian lưu truyền các huyền thoại, truyền thuyết về Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, dù đó là cô gái có công giúp Vua Hùng diệt giặc hay chính là nguyên phi của vua Hùng Chiêu Vương. Từ các huyền thoại, truyền thuyết và các di tích đền, chùa như vậy chính là không gian thiêng diễn ra các nghi lễ, phong tục và lễ hội hàng năm, nơi thu hút các doàn hành hương từ muôn nơi đỏ về với tâm thức "Về với Phật, đến với Mẫu”. Về với Phật là về với thế giới vĩnh hằng, nơi Tây Thiên cực lạc, còn đến với Mẫu là đến với ước vọng cầu mong Mẫu mang lại cho ta sức khỏe, tài, lộc của thế giới trần thế hiện tồn.



[1] Lê Kim Thuyên, Lê Kim Bá Yên, Quốc Mẫu Tây Thiên Vĩnh Phúc, Nxb. Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Vĩnh Phúc, 2008

[2] Lê Kim Thuyên, sdd. Tr. 87-91

[3] Bản Ngọc phả này được Ông Nguyễn Quang Quỳnh dịch và được công bố trong sách "Danh thắng Tây Thiên”, Nxb. Văn hóa thông tin, H., 2003

Chủ đề: Văn hóa - Phong tục | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 (15/08/2011)
Lượt xem: 1261 | Đánh giá: 0.0/0
Tổng số ý kiến: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm các ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==