Nguyễn Xuân Hương (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng)

Thờ Mẫu là một tín ngưỡng phổ biến của cư dân Việt trên mọi miền đất nước. ở Quảng Nam và Đà Nẵng, thờ Mẫu được dân gian gọi là thờ Bà. Tục thờ Bà phổ biến từ vùng núi đến vùng đồng bằng, ven biển, phong phú về đối tượng và danh xưng, như: Bà Thiên Y A Na và các hoá thân, Bà Ngũ Hành, Bà Thuỷ Long, Bà Dàng Lạch... Tục thờ Bà không những đóng vai trò quan trọng đời sống tinh thần của cư dân xứ Quảng mà còn biểu thị nét dấu ấn giao lưu văn hoá đa nguyên: Việt - Chăm - Tây Nguyên/ Môn - Khơ Me trong lịch sử.

Giới hạn phạm vi và đối tượng phản ánh trong bài viết này là tục thờ Mẫu/thờ Bà của cư dân ven biển Quảng Nam và Đà Nẵng (gọi chung là cư dân ven biển xứ Quảng), có so sánh với vài nơi khác để góp phần tìm hiểu sắc thái riêng của tục thờ này ở một địa chỉ cụ thể.

1. Thờ Thiên Y Na (Pô Inư Nagar) và các hiện thân

1.1. Thờ Thiên Y A Na - Bà Chúa Ngọc

Thiên Y A Na/ Bà Chúa Ngọc là thần Mẹ xứ sở của người Chăm, được người Việt đón nhận và thờ phụng, kể từ khi mở mang bờ cõi về phía biển và phương Nam. ở xứ Quảng, nơi thờ Bà với danh xưng "chân chính" Thiên Y A Na phổ biến ở các làng biển Đà Nẵng (thuộc phía Bắc Quảng Nam xưa). Trong cuộc sống hằng thường, Bà được gọi là Bà Chúa Ngọc hoặc Bà Chúa. Các lăng miếu thờ Bà Chúa thường xây cất trên đồi, gò hoặc nỗng cát cao. Đa số không có tiêu tượng (trừ miếu Bà Nam Thọ, Đà Nẵng có tượng nhỏ dáng Phật Bà Quan Âm). Một vài lăng phối tự hai người con của Bà là cậu Quý và cậu Tài dưới dạng ban thờ hoặc biểu tượng. Về ''lai lịch'' Bà Chúa, hầu như không ai biết. Hiện nay, Bà được suy tôn và thờ phụng như một Bà Mẹ Đất của bổn xứ (làng này).

Do chung cảm quan về đối tượng thờ tự, nên ngày vía Bà Chúa Ngọc và nghi lễ cũng tương đối thống nhất ở các làng biển: thường diễn ra trong hai ngày 24, 25 tháng Giêng hàng năm. Nghi lễ tổ chức như tế đình ở các làng quê xứ Quảng. Theo phong tục, lễ vía Bà ba năm đáo lệ tổ chức lễ "phong", tức đại lễ. Đại lễ có hát tuồng, mổ heo, vật bò đãi đàng; còn lễ "sái" (trầm trà thường niên) chỉ có hoa quả, gà, lợn, xôi, bánh. Song, dù lễ phong hay sái thì thường không thiếu một lễ thức có tính bắt buộc là lễ Dâng Mâm, hay còn gọi là Dâng Bông (hoa). Có tất cả năm mâm (ứng theo số sinh của Ngũ Hành - sinh, lão, bệnh, tử, sinh): mâm bông (ngũ quả và hoa, chủ yếu là hoa màu vàng), mâm trầu rượu, mâm gạo muối, mâm xôi chè, mâm đồ mã. Mỗi mâm thắp 9 ngọn nến tượng trưng cho vía của Bà. Ngày trước, người dâng mâm là ông Đồng tử, gọi là làm "xác" cho Bà. Đồng tử lần lượt đội từng mâm trên đầu, không cần tay giữ, lăn lộn nhiều vòng từ ngoài vào lăng. Hiện nay, nghi lễ này do ông chánh tế thực hiện một cách đơn giản: sau khi tẩy uế, xin keo, ông lần lượt thỉnh từng mâm lên bàn thờ Bà. Riêng làng Nam Thọ, việc phụng thờ và nghi lễ thông linh với Bà Chúa Ngọc lại hỗn dung các nghi lễ cổ truyền của làng với một vài nghi lễ của Phật giáo, của Đạo Tiên Thiên Thánh giáo, như: Thủ tự hàng tháng phải ăn chay vào hai ngày rằm và mùng một, và đọc hai bản kinh chầu là Sự tích Thiên Y A Na và Kinh Nhật Tụng.

1.2. Thờ các hiện thân của Thiên Y A Na/Bà Chúa Ngọc

Bên cạnh việc thờ Thiên Y A Na theo dạng chính danh, cư dân biển xứ Quảng còn thờ phụng một số Bà khác, như: Bà Chúa Lồi (Khuê Trung - Đà Nẵng), Bà Dàng Phi (Quá Giáng - Đà Nẵng), Bà Dàng Què, Bà Dàng Râu (Nam Thọ - Đà Nẵng), Bà Thân xứ; Bà Đa xứ (An Hải - Đà Nẵng), Bà Dàng Chào (Điện Dương - Quảng Nam), Bà Phường Chào (Đại Cường, Đại Lộc), Bà Dàng Lồi (Cẩm Thanh - Hội An), Bà Cổ Vàng/ Dàng (Cẩm Hà - Hội An), Bà Dàng Bô/Bà Bô Bô - Thu Bồn (Duy Xuyên, Duy Hải); Bà Chiêm Sơn (Duy Xuyên - Quảng Nam), Bà Chợ Được (Thăng Bình - Quảng Nam). Nhìn vào các địa danh, nơi các Bà linh hiển, thì thấy phần đông đều "cư trú" dọc sông, ven biển.

Lăng, miếu thờ các Bà hầu hết đều quay mặt ra hướng sông hoặc biển. Một số được dựng trên chính di tích tín ngưỡng của người Chăm xưa. Điều này nói lên "quốc tịch" của các Bà nơi ấy: Thần nữ Việt gốc Chăm.

Căn cứ vào ''lý lịch'', có thể xem việc thờ phụng các nữ thần đó là các dạng biến thể của Thiên Y A Na, kết quả của việc cư dân Việt đã hoá thiêng những sự vật, sự việc, nhân vật cụ thể thành các đối tượng thờ tự theo tín niệm thờ Thần Mẹ xứ sở. Về nguồn cội, các Bà đó đã hoá thân từ hai dạng sau:

1.2.1. Thác sinh từ đá, trên vết tích kiến trúc của người Chăm xưa. Đó là Bà Cổ Vàng (Hội An), và Bà Bô Bô (tên Việt là Thu Bồn ở làng Thu Bồn, Duy Xuyên, Quảng Nam). Cả hai Bà đều có căn từ đá. Linh tượng Bà Cổ Vàng/Cổ Dàng là một mảnh sa thạch màu nâu xám, xốp, hình tam giác, kích thước 60 x 45 x 12. Bên trong bức bình phong miếu Bà Cổ Dàng còn có một bệ đá bằng sa thạch cứng, màu xám, hình vuông, cạnh 69 cm, cao 10 cm, trên đặt tấm bia nhỏ, cao 40cm, rộng 20 cm, khắc chữ Chăm cổ. Bà Bô Bô/ Bà Dàng Bô /Bà Thu Bồn tương truyền cũng hoá thân từ phiến đá hình mu rùa trong một cái hang trên gò cao. Hiện lăng Bà còn có một tấm bia đá khắc chữ Chăm. Cách bài trí các ban thờ trong lăng cũng góp phần nói lên quốc tịch Chăm - Việt: cửa lăng mở hướng đông. Phần hậu tẩm/ nội điện được bài trí: trên cao nhất là bàn thờ có 2 bài vị - một của Bà Bô Bô, ghi dòng chữ Hán: "Tiền cổ Lê Triều Bô Bô phù hoá tôn thần"; một bài vị thờ chung Bà Chúa Ngọc và Bà Phiếm ái Châu đại đức phu nhân (Bà Phường Chào). Trên bàn thờ, ngoài các đồ thờ giống như bao ngôi đình, lăng, miếu khác, còn có các vật biểu trưng cho nữ thần là: áo, hài, nón; lọn tóc phụ nữ (nay đã mất), và một chiếc thuyền đua nhỏ. Bên tả là bàn hương án thờ Thành hoàng, bên hữu là hương án thờ Ngũ Hành tiên nương. Dưới nền lăng là một quan tài bằng xi măng, gọi là mộ Bà.
Về quyền năng, nếu Bà Cổ Vàng chỉ hiển linh trong phạm vi hẹp ở các làng chài Hội An, thì Bà Bô Bô/ Thu Bồn lại hiển linh và nổi tiếng khắp nơi từ nguồn xuống biển. Bà Bô Bô/Thu Bồn còn là Bà Chúa ghe đua của làng Thu Bồn và một số làng biển khác của xứ Quảng. Những chiếc ghe dùng để bơi đua trong lễ hội, gọi là "Ghe Bà Chúa". Cá biệt như làng An Hải (Đà Nẵng) có cả miếu và tượng thờ Bà Chúa Ghe. Khi cúng tế, Bà được hô mời bằng danh thần ''Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc Thượng đẳng thần''.

Trong quan niệm của cộng đồng cư dân xứ Quảng nói chung, dân biển nói riêng, thì Bà Bô Bô/Thu Bồn có quan hệ ruột thịt với Bà Phường Chào/ Dàng Chào- nữ thần bảo trợ cho cư dân vùng núi Đại Lộc (Quảng Nam). Dàng Chào vốn là một cô gái đẹp nhưng bị tật nguyền bẩm sinh, và lìa trần khi rất trẻ. Cô thường hiển lộng phá phách làng xóm, đốt chợ, đốt nhà. Nhưng khi được phong Thần Nữ thì lại trở thành phúc thần ban phước cho người hiền lương, giáng hoạ cho kẻ xấu(1). Cũng ở vùng Đại Lộc còn lưu truyền chi tiết: Bà Phường Chào có bốn người con canh giữ mộ phần, trong đó có hai người, một tên là Quý, một tên là Tài, trùng với tên của "Nhị vị công tử ''- con Bà Thiên Y A Na.

Và Bà Dàng Chào Đại Lộc cũng chính là Bà Chợ Được của làng Phúc ấm thuộc vùng biển Thăng Bình, Quảng Nam(2). Dân vùng này cho rằng chợ Được là một hành cung mới của Bà Dàng Chào, khi một ngày nọ, Bà vân du qua đây. Tại đây, Bà lập chợ cho dân làng buôn bán và chữa bệnh cho kẻ đau ốm. Để ghi nhớ công lao của Bà, dân Phúc ấm gọi chợ do Bà lập là Chợ Bà, sau gọi là Chợ Được; lập lăng thờ gọi là Lăng Bà Chợ Được, với biểu tượng là một ngai Bà và một cây bút bằng gỗ màu đen, dài khoảng 20 cm. Tương truyền, mỗi khi có người đến xin thuốc thì Bà giáng bút cho ông đồng để ông ta kê đơn.

1.2.2. ''Chuyển giới''- Mẫu hoá tượng Nam Thần: Theo cách này có: Bà Dàng Lồi (Cẩm Thanh, Hội An), Bà Chúa Lồi, Chúa Ngọc (Khuê Trung - Đà Nẵng), Bà Dàng Phi (Hoà Vang - Đà Nẵng). Tượng Bà Dàng Lồi Cẩm Thanh vốn là tượng thần Tài Lộc của người Chăm; tượng Bà Khuê Trung cũng vốn là tượng thần Phương Hướng của người Chăm... Mặc dù nét nam tính của các thần hiển rõ nhưng cư dân sở tại cứ cho đấy là Bà. Cũng cùng phương thức hoá Mẫu này còn có Bà Dàng Râu của làng biển Nam Thọ (Đà Nẵng). Miếu thờ Bà không có cốt tượng, nhưng huyền thoại trong dân làng cho biết, Bà vốn là đàn ông, sau khi chết nhập đồng ''nói'' là Bà.

2. Thờ cúng Bà Ngũ Hành

Ở xứ Quảng, năm yếu tố bản thể làm nên vũ trụ hiện hữu cũng được Mẫu hoá với danh xưng tổng hợp là Bà Ngũ Hành hoặc Ngũ Hành nương nương. Nơi thờ tự gọi là miếu hoặc lăng, hoặc dinh Bà Ngũ Hành. Xưa kia, các làng vạn đều có miếu Bà Ngũ Hành, nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay không còn nhiều. Các ngôi miếu hiện tồn thường ở vùng sông biển, như: miếu Ngũ Hành Nam Ô (Đà Nẵng), Cẩm Nam (Hội An), Tĩnh Thuỷ (Tam Kỳ), Tân Hiệp (Cù Lao Chàm). Trừ miếu Ngũ Hành Cẩm Nam có tượng năm Bà với năm sắc áo tượng trưng cho màu của năm hành, còn các miếu khác không có tượng, chỉ thờ chữ Hán "Ngũ Hành" hoặc bài vị viết bằng chữ Hán: "Ngũ Hành cổ nương thần nữ". Nơi không còn miếu thì thường phối thờ trong miếu Bà Chúa Ngọc, dưới hình thức thờ bài vị, với các thần hiệu: Kim đức Thánh phi, Mộc đức Thánh phi, Thuỷ đức Thánh phi, Hoả đức Thánh phi, Thổ đức Thánh phi, gọi nôm Bà Kim, Bà Mộc, Bà Thuỷ, Bà Hoả, Bà Thổ. Cư dân biển quan niệm nghề biển có quan hệ mật thiết với bà Ngũ Hành, nhất là Bà Kim, Bà Mộc, Bà Thuỷ, vì các Bà này trực tiếp tác động đến con người, phương tiện, ngư cụ và sản phẩm của nghề biển.

Một vài nơi, do những rủi ro xảy ra trong cuộc sống, như hoả hoạn, chết nước, nên đã thờ riêng Bà mà người ta cho rằng vừa là tác nhân gây tai hoạ, vừa phò trợ để tránh đi tai hoạ đó. Thường thì Bà Hoả và Bà Thuỷ được tách ra khỏi hệ thống Ngũ Hành để thờ riêng, như: miếu Bà Hoả của làng biển Phú Lộc và làng biển Nam Ô (Đà Nẵng); miếu Bà Thuỷ của Khuê Trung- Đà Nẵng, của Tĩnh Thuỷ, Tam Thanh- Quảng Nam, của Hà My, Điện Dương- Quảng Nam. Các ngôi miếu nhìn chung nhỏ bé. Riêng nơi thờ Bà Thuỷ ở Tĩnh Thuỷ, Tam Thanh - Quảng Nam có dáng dấp và chức năng của ngôi đình, với tên gọi "Đình Vạn".

3. Và các nữ thần của riêng nghề biển


Bên cạnh sự tín ngưỡng các Bà/ Mẫu chung của quê hương, cư dân ven biển xứ Quảng còn có riêng một lớp nữ thần chủ về nghề biển, gồm: Bà Thuỷ Long, Bà Dàng Lạch, Bà Hà Bá, Bà Ma Nha. Có thể xem đây là biểu hiện sinh động của tín ngưỡng thờ Nữ thần nước/ Mẫu Thuỷ.

- Bà Thuỷ Long: còn được gọi là Bà Thuỷ Tề, Bà Thuỷ hoặc Bà Thuỷ Long Hà Bá. Dân biển xứ Quảng quan niệm nữ thần này vừa thiện vừa ác. Với tư cách là Thuỷ Long Thần nữ, Bà hỗ trợ ngư dân làm ăn, hộ mạng khi gặp sóng gió. Nhưng khi là Bà Hà Bá thì lại dìm người chết đuối, và không thả vong người chết lên nếu người thân chưa làm lễ cúng Bà, gọi là lễ"vớt vong''. Và chừng nào vong hồn người chết chưa được thả lên, thì còn có người khác bị dìm tiếp; lần này là do chính hồn người chết trước bắt người khác thế mạng cho mình (để vong mình sớm được Bà cho lên siêu thoát). Qua đây, chúng tôi ngờ rằng, cái mặt trái/ ác của Bà Thuỷ Long - Hà Bá và bà Ma Da chỉ là một. Chẳng qua Hà Bá là cách nói chữ, nói trại của dân Quảng, hay là sự đánh đồng để chỉ một loài ma nước, thường gọi là Bà Ma Nha, mà có thể là do ảnh hưởng từ tín ngưỡng ma Rừng, ma Nước, Ma Lai của đồng bào Tây Nguyên. Phải chăng thế mà cơ sở thờ tự Bà này rất hiếm hoi, mặc dù có sắc phong.

- Bà Dàng Lạch: còn gọi là Dàng Lạch Chúa nước nương nương, được hầu hết các vạn làng biển, nhất là những nơi gần cửa biển cúng cáo nhằm cầu mong Bà hỗ trợ mỗi khi ra vào cửa/lạch. Rất có thể bà Dàng Lạch là hình tượng tiếp nối, chuyển hoá từ tín ngưỡng thờ Nữ thần biển cửa Cờn/ lạch Cờn - Tứ vị Thánh Nương, với tước hiệu Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh Nương, mà cư dân Thanh - Nghệ đã mang vào vùng Thuận- Quảng.

4. Những sinh hoạt tín ngưỡng - văn hoá

4.1. Sinh hoạt tín ngưỡng - văn hoá liên quan đến Thiên Y A Na và các hiện thân

Hiện nay, hầu hết các ngôi miếu, lăng thờ Bà có liên quan đến tín lý thờ Thiên Y A Na thường tiến hành cúng tế thành kính thường niên, theo nghi lễ tế thần truyền thống, vào dịp Xuân kì. Một khuôn mẫu chung trong sinh hoạt tín ngưỡng - văn hoá của các làng thờ Thiên Y A Na và các hoá thân của Bà là Tế lễ và Ca xướng (hát bội). Riêng vùng sông biển, nơi có các "hoá thân" của Thiên Y A Na, lễ lệ và lễ hội diễn ra khá sinh động, mang rõ nét đặc trưng Thần Mẫu của dân sông biển. Tiêu biểu là lễ hội Bà Thu Bồn, tức Bà Bô Bô (hai ngày 11 và 12 tháng 2 âm lịch) và Bà Chợ Được (ngày 11 tháng giêng hàng năm). Nét độc đáo trong sinh hoạt văn hoá lễ hội Bà Thu Bồn là "Trên bờ hát bội, dưới thuyền bơi đua.", còn trong lễ hội Bà Chợ Được là lễ rước Cộ Bà, lễ Tống ôn, ngoài ra còn có múa lân, đua ghe, hát bội. Các nghi thức tế lễ cũng giống như các lễ cúng các Nữ thần khác. Riêng vật phẩm dâng cúng trong lễ Bà Thu Bồn thì bắt buộc phải có một con trâu đực non, làm sạch lông, và đặt nguyên cả con lên giá tre, trong tư thế quỳ. Tiết trâu được dùng để xoa lên mình trâu, làm cho toàn thân là một màu đỏ.

Lễ hội Bà Thu Bồn, Bà Chợ Được là lễ lệ mang ý nghĩa phụng tự, nhưng đã trở thành một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng cộng động, có sức lan toả rộng rãi, tạo nên một cảm nhận chung về lòng biết ơn đối với công đức của các Bà.

4.2. Một số nghi lễ liên quan đến các bà Thuỷ

Nhìn chung, các nghi lễ liên quan đến các Bà Thuỷ chủ về nghề biển khá phong phú, nhưng không thể hiện độc lập mà thường được lồng ghép trong các lễ cầu an và cầu ngư, như: Lễ Nghinh Bà Thuỷ, Lễ cúng Vũng...

Lễ Nghinh Bà Thuỷ nhằm "nghinh Bà nhập điện Ông" trong ngày tế thần Nam Hải/ cá voi để cầu ngư, cầu an. Đoàn đi nghinh do ông chánh tế dẫn đầu, xuất phát từ lăng (cá voi, hoặc lăng cô hồn) tiến ra sông, biển. Tại địa điểm đã định, một chiếc ghe chở riêng ông chánh tế đi lấy nước. Bình nước được xem là tượng trưng cho Bà Thuỷ.

Lễ cúng Vũng: vũng/ vịnh là những nơi neo đậu của ghe thuyền tránh gió bão. Hàng năm, sau lễ cầu ngư ít ngày, tại một nơi đã định ở cửa, vũng, vịnh, nhiều làng biển tổ chức lễ cúng các vị thần, bà Thuỷ, và Cô Bác, cũng nhằm cầu an và được mùa. Bàn cúng bà Thuỷ được để sát mép nước, còn gọi là cúng sơ nước(3).

5. Một vài nhận xét 

Thờ Mẫu của cư dân ven biển xứ Quảng cũng/đã nằm trong dòng tư duy lô gích của tiến trình lịch sử tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Đó là từ nền tảng thờ Nữ thần và Mẫu thần đã hình thành và phát triển thành Mẫu Tam phủ, Tứ phủ(4). Điều cốt lõi là đã cùng dòng tư duy thống nhất, còn hình thức biểu đạt thì ở các vùng miền không giống nhau, do phụ thuộc vào bối cảnh môi sinh. Nhưng chính thế mà đã tạo nên những sắc thái riêng của việc thờ Mẫu trên các vùng miền.

Ở Bắc bộ, vùng cội nguồn của cư dân Việt, một bộ phận Nữ Thần và Mẫu Thần, qua sự xâm nhập và tác động của Đạo giáo đã được ''nâng cấp, lên khuôn'' thành Đạo Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ, với điện thờ là một hệ thống có cấu trúc tầng bậc, mà ở đó, các thành tố trong hệ thống quan hệ và quy định lẫn nhau để tạo thành một chỉnh thể nhất quán về điện thần: "Một điện thần với hàng mấy chục vị đã dần quy về một vị thần cao nhất là Thánh Mẫu"(5). Gắn bó chặt chẽ với Điện Thần Mẫu là nghi lễ hầu bóng, lên đồng, múa hát chầu hầu Thánh Mẫu, đã được xem là một thứ "Đạo giáo đặc thù của Việt Nam". Đạo Mẫu, với những đặc trưng ấy, cũng có ở một số nơi thuộc miền Trung và miền Nam, nhưng không thấy ở các làng quê ven biển, trong đó có xứ Quảng. Điều này có nghĩa: tục thờ Bà/ Mẫu của cư dân ven biển xứ Quảng không thuộc hệ thống của Đạo Mẫu chính thống, mà chỉ gồm hai cấp là thờ Nữ thần và Mẫu thần. Hai dạng Thần Nữ này là kết quả hoà kết tín ngưỡng giữa cư dân Việt với cư dân Chăm và cư dân Tây Nguyên (Môn- Khơ me). Trong đó, Thần Mẫu Thiên y A Na/ Bà chúa Ngọc có vai trò quan trọng, chi phối đời sống cộng đồng trên mọi phương diện. Và các hoá thân của Bà (Bà Bô Bô, Bà Dàng Chào/ Phường Chào, Bà Dàng Lồi...) là các Mẫu thần cụ thể chia nhau cai quản các vùng, liên quan đến đất và nước (biển), những yếu tố thiêng liêng, gắn bó mật thiết với đời sống con người. Điều này còn phản ánh một thực tế là: các lưu dân Việt vào xứ Quảng, đã chủ động tiếp biến hình tượng Thần Mẹ xứ sở của người Chăm dưới dạng thờ các Mẫu Thần bổn xứ nhằm cầu bình an trên vùng đất "khác Việt". Tại đây, hoạt động thờ Thần Mẹ/ Mẫu Thần vẫn được tiếp tục theo tín niệm ba ngôi Tam phủ. Song, hoạt động ấy luôn hồi hướng về vị Thần Mẹ khởi nguyên, mang đậm dấu ấn của Bà Mẹ Xứ Sở Chăm Pa. Đó cũng là nguyên do khiến các làng quê xứ Quảng mọc lên rất nhiều miếu thờ Bà Chúa Ngọc, với một vài nghi lễ pha phách nghi thức của người Chăm, như lễ dâng Bông, dâng Mâm (đã từng diễn ra trước đây).

Bên cạnh đó, một tín ngưỡng có xuất xứ từ vùng Thanh - Nghệ vẫn in dấu ấn trong đời sống tâm linh của dân biển xứ Quảng - tín ngưỡng Tứ vị Thánh Nương. Hiện trong các lễ cúng kiếng của các làng ven biển, Bà Đại Càn vẫn được hô mời. Điều này không những có giá trị xác định nguồn cội dân cư, mà còn nói lên tâm thức thờ Thần Mẹ sông biển "quê mình" vẫn được tiếp nối (và có thể đã hoà đồng với Bà Mẹ xứ Biển Chăm Pa), đồng thời cũng cho thấy, tục thờ Nữ Thần của xứ Quảng có nét gần gũi với vùng Thanh - Nghệ, vốn là vùng quê gốc của người Quảng.

Nguyên lí Mẹ kết hợp với triết lý Âm Dương, Ngũ Hành và lối tư duy lưỡng phân lưỡng hợp của người Việt truyền thống đã ản hưởng đến sự thờ cúng Ngũ Hành của dân biển xứ Quảng. Mối cảm quan về tính cụ thể mà thống nhất của Bà Trời - Mẹ cai quản vùng bao quát nhất, và sự cụ thể hoá, linh thiêng hoá những thuộc tính của Bà, là cơ sở cho việc duy trì tục thờ cúng các Bà Mẹ kiến tạo nên vũ trụ và vạn vật - Bà Ngũ Hành. Nguồn tư liệu trên sách vở cho thấy, tín ngưỡng thờ Bà Ngũ Hành phổ biến ở vùng Trung và Nam Bộ, mà trước tiên là vùng Thuận - Quảng(6)..

Bên cạnh những điểm trên, thì việc thờ Nữ thần và Mẫu thần của dân biển xứ Quảng còn có những nét đáng lưu ý:

Trước hết là cách biểu tượng hoá đối tượng thờ phụng: cũng là thờ Bà Chúa Ngọc/ Thiên Y A Na, nhưng xứ Quảng không "cấp" và lưu truyền một huyền tích nào về Bà như một số nơi khác. Bà tồn tại trong đời sống tâm linh của các làng ven biển với tư cách hiển nhiên của Thần Mẹ bổn xứ. Mặt nữa, do không thuộc khuôn khổ Đạo Mẫu chính thống nên cách thờ phụng Thiên Y A Na ở đây không có điện thần và nghi lễ như ở Huế hoặc ở Bắc Bộ. Nói rõ hơn: vì chưa là thành tố của Tam phủ, Tứ phủ nên Điện Mẫu ở xứ Quảng ''tường minh'', đơn giản trong bài trí, phối thờ và khiêm tốn về số lượng thần linh: 1/Về bài trí: thường thờ một Mẫu, với tư cách là Thần Mẹ. Việc phối thờ cũng đậm tính chất Mẫu (Thiên Y A Na kết hợp với Ngũ Hành) mà không theo kiểu tứ giáo: Mẫu, Phật (Phật Bà Quan Âm, Phật Thích ca), Quan Thánh, và các đối tượng khác là Thổ thần, Thổ địa, Âm hồn, như một vài dinh Bà Quảng Ngãi(7). 2/ Hệ thống thần linh được phối tự trong các lăng Bà xứ Quảng có xu thế hồi quy hướng về ''độc Mẫu''/nhất Thần Mẫu, do đó không tích hợp đông đảo thần linh theo thứ bậc như các điện thờ Mẫu ở Huế: Tứ phủ công đồng-> Tứ phủ chầu Bà-> Ngũ vị Tôn Ông-> Tứ phủ Quan Hoàng-> Tứ phủ Thánh Cô-> Tứ phủ Thánh Cậu(8); hoặc như hệ thống thang thứ bậc phổ biến ở miền Bắc: Ngọc Hoàng-> Thánh Mẫu-> Quan-> Chầu-> Ông Hoàng-> Cô-> Cậu-> Ngũ Hổ-> Lốt, có tính chất đa thần với khoảng 60 vị thánh(9). Hệ thống các bậc thần linh trong các lăng miếu Bà ở xứ Quảng thường theo kiểu: Mẫu-> Tả ban, Hữu ban (phối tự các loại thần)-> Cậu (Quý, Tài), hoặc Tiền hiền, Hậu hiền. Ngoài cách sắp xếp này, một vài lăng có thể có thêm thần linh khác, nhưng phần lớn chỉ còn vang bóng trên bài vị và trong văn tế. Có thể tư tưởng thờ Mẫu theo kiểu thờ ''nhất Thần'' ấy đã tạo cơ sở hoá thiêng từng Nữ Thần thành Mẫu Thần, mà Bà Dàng Bô/ Thu Bồn, Bà Chợ Được, Bà Dàng Chào, Bà Thuỷ Long, Bà Thuỷ, Bà Hoả, chính là kết quả của sự ''nâng cấp, lên khuôn'' đó. Có lẽ thế mà phổ biến ở vùng ven biển xứ Quảng, mỗi lăng miếu thường chỉ thờ một Mẫu.

Và cũng qua xu hướng thờ phụng đó, có thể rút ra một đặc điểm trong tư tưởng cư dân ven biển xứ Quảng là, đậm tín niệm thờ Mẫu theo kiểu hệ thống ''Thần Mẫu ba ngôi làm một''. ở đây, sự tích hợp và phân thân theo tín niệm 'Tam vị nhất thể'' được tập trung trong hình mẫu Thiên Y A Na. Một tập hợp các Bà: Dàng Lồi, Dàng Lạch, Dàng Bô, Chúa ghe kèm vật phẩm dâng cúng, vật thờ (ghe đua) và tục đua ghe, đã chỉ ra đây là các nữ thần bảo hộ dân sông biển nhưng có căn cốt và cách thức thờ theo mẫu hình Thần Mẫu Thiên Y A Na.

Xu hướng thiêng hoá các vật thể trong lòng đất, tức các vật thờ của cư dân thổ trước thành Nữ Thần, Mẫu Thần cũng là một sắc thái riêng của thờ Mẫu ở xứ Quảng. Phiến đá, tượng Nam Thần ''mọc lên'' từ đất nơi nào thì trở thành "Bà Chúa xứ"/ Mẫu Địa của nơi ấy. Dạng thờ phụng theo con đường hoá thân dân dã này diễn ra khác với các dạng hoá thân của Bà chúa Liễu ở miền Bắc và Bà chúa Xứ ở Miền Nam. Việc hoá Mẫu các di vật lồi lên từ mặt đất như còn chịu ảnh hưởng từ tục thờ đá, thờ thần của cư dân Trường Sơn - Tây Nguyên- cư dân Môn Khơ Me. Sự ảnh hưởng không chỉ biểu hiện qua ngôn ngữ là từ tố "Dàng" trong các danh xưng: Dàng Lồi, Dàng Lạch, Dàng Bô, mà có thể cả qua việc bắt chước lưu giữ một số đồ thờ coi như vật ký thác của Mẫu Thần, giống như cư dân vùng Trường Sơn - Tây Nguyên thường có vật ký thác của các Thần Yang/ Giàng/ Dàng để thờ ở nhà Rông hoặc các miếu thờ trong rừng(10). Qua đây nhận thấy các yếu tố đa nguyên: Việt, Chăm, Tây Nguyên đã tích hợp và hoà trộn, làm nên biểu tượng của Bà Thần Mẹ Việt. Đây cũng là một đặc điểm của tín ngưỡng thờ Mẫu ở cư dân ven biển xứ Quảng.

Tính lưỡng diện của các Nữ Thần và Mẫu Thần cũng là một đặc điểm riêng của tục thờ Mẫu ở vùng biển xứ Quảng. Quá trình linh thiêng hoá đá thần và tượng thần không phải bằng việc "cấp cho" các huyền tích của Phật, Tiên, hay những oan khuất của người con gái, mà có lẽ xuất phát từ sự sợ hãi bị trừng phạt do đã xúc phạm những vật thiêng từ lòng đất. Từ đó dẫn đến mô típ hoá thiêng các Bà theo một diễn trình: Mọc/lồi từ đất lên/ không ai thờ cúng/ không gian Bà ngự trở thành "cái cấm" để hoang, không ai dám đi ngang qua đó/ Bà phá phách làng xóm rồi "đạp đồng ngang" (phụ đồng thẳng vào một người dân trong làng) xưng danh tính/ Dân làng sợ lập miếu thờ/ Từ dữ, ác chuyển sang hiền và bảo trợ cho cuộc sống của dân làng. Từ đó, được suy tôn là ''Thần Nữ Linh ứng''. Với các nhân vật cụ thể như Bà Bô Bô, Bà Dàng Chào, Bà Chợ Được, tuy đều có thần tích ''nữ nhân'' nhưng điểm xuất phát để thờ tự cũng từ giáng hoạ chuyển sang ban phước.

Sinh hoạt tín ngưỡng - văn hoá của thờ Mẫu ở xứ Quảng cũng có nét khác biệt với một số nơi khác, như: không có phần hội liên quan đến Bà Đại Càn như ở vùng gốc của Bà là Đền Cờn với tục Chạy ói, rước gỗ thần, lễ tế Trầu, lễ rước thuyền Ngự du xuân(11) , cũng không có ngày riêng tổ chức lễ tế với các lễ vật như cá sống, lễ tam sanh (heo, bò, dê), đua trải, biểu diễn hát múa bông... như một số làng ở Thừa Thiên - Huế(12). Nhưng xứ Quảng cũng có hội linh đình cho những ''phân thân'' của Thiên Y A Na: lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội Bà Chợ Được. Lễ hội Bà Thu Bồn cũng có nét giống lễ hội Đền Cờn (như lễ tế trâu hiến sinh), hay lễ tế Bà Đại Càn ở một số làng Thừa Thiên - Huế (như đua thuyền). Với Bà Chúa Ngọc/ Thiên Y A Na (và cả Bà Ngũ Hành) thì rất coi trọng phần Lễ mà không đặt nặng phần Hội. Điều này cũng hợp với lô gích của thực tế bởi cư dân ven biển đã chấp nhận một mẫu hình có sẵn, linh thiêng, huyền ảo, cho dù vô nhân ảnh (vì vậy không có lễ tắm tượng/ Mộc dục trong lễ tế). Khuôn thức Hội chung, phổ biến cho các nơi có thờ Thiên Y A Na và Ngũ Hành là Đua ghe và Hát Bộ. Một sự đơn điệu nhưng hợp lý, bởi đó vẫn là biểu hiện của dòng tâm thức chung ở các con dân Việt: cầu mong sự hộ trì của Mẹ cho cuộc sống an lành và phồn thịnh.

  __________________________________________________ ______________________________
(1). Sở Văn hoá và Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng, Văn nghệ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng, tập 2, Xb Sở Văn hoá và Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng, 1986, tr.100-104.

(2). Thần tích Bà Phường Chào do Ban quý tế làng Phúc ấm và làng Đại Cường cung cấp cho tác giả, năm 2001.

(3). Nguyễn Xuân Hương, "Một số nghi lễ cổ truyền liên quan đến nghề biển của cư dân ven biển xứ Quảng”, Tạp chí Văn hoá dân gian, 2004, số 3, tr.50-54.

(4). Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Đạo Mẫu ở Việt Nam, tập 1, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2002, tr.23.

(5). Ngô Đức Thịnh (chủ biên), sđd, tập 1, tr.20.

(6). Trần Đại Vinh, Tín ngưỡng dân gian Huế, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1995, tr.101. 

(7). Nguyễn Đăng Vũ, Văn hoá dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi, Luận án Tiến sĩ lịch sử, Viện Nghiên cứu Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội, 2003, tr.63

(8). Nguyễn Hữu Thông (chủ biên), Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung, Nxb Thuận Hoá, Huế, 2001, tr.43.

(9). Ngô Đức Thịnh, Nhận thức về Đạo Mẫu và một số hình thức Shaman của các dân tộc nước ta, Thông báo khoa học số 3, Viện Nghiên cứu Văn hoá hoá nghệ thuật, 2001, tr.56-63.

(10). Huỳnh Đình Kết, Tục thờ thần ở Huế, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 1998, tr.150 - 151.

(11). Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Văn hoá dân gian làng ven biển, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 2000, tr.352 - 356.

(12). Tôn Thất Bình, Huế lễ hội dân gian, Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế, 1997, tr. 204 - 208