Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 5, ngày 25/04/2024, lúc 10:14 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » Files » Các bài nghiên cứu khoa học

Lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa
09/05/2011, 12:18 PM

Để xem đầy đủ nội dung bài này các bạn hãy Dowloadn về nhé

I. MỞ ĐẦU

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

Lý Sơn là huyện đảo nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 18 hải lý, được bao bọc bởi biển Đông. Nhắc đến Lý Sơn chúng ta không chỉ biết đến là hòn đảo với những ngọn núi cao hùng vĩ giữa biển mênh mông, tỏa sắc màu ấm ngọc của vách đá, xanh tươi của cỏ cây tạo ra những thắng cảnh thiên nhiên kì mỹ, hùng vĩ, mang tính thần tiên trong huyền thoại. Hay, những bãi cát trắng mịn dài, liền kề với các thắng cảnh thiên nhiên tạo thành những bãi tắm tuyệt đẹp. Cùng với nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, như là những viên ngọc quý hiếm, lắng đọng trong dòng chảy thời gian của nền văn hóa Sa Huỳnh – Chămpa xa xưa và chủ yếu của nền văn hóa Việt gắn liền với quá trình dựng Đảo và giữ Đảo, khai thác và bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa.

         Không những thế Lý Sơn còn có một hệ thống văn hóa phi vật thể truyền thống đặc hữu của địa phương phong phú và đa sắc không thể có hoặc hiếm có ở nơi khác được lưu giữ trong phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng…Trong đó lễ hội đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Lý Sơn như : Lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội đua thuyền, lễ hội Dồi Bòng,…

 Lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa là một nét văn hóa đặc sắc cư dân huyện đảo Lý Sơn, được đánh giá là lễ hội mang đậm tính nhân văn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân huyện đảo, vừa tri ân những người có công trong việc gìn giữ  biên cương tổ quốc, vừa yên lòng những người còn sống. Thể hiện tính nhân văn cao cả và đạo lý "uống nước nhớ nguồn”, trong lịch sử gìn giữ và xây dựng đất nước của ông cha ta.

Cho tới nay việc sưu tầm và nghiên cứu về lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn một cách thấu đáo, có hệ thống và khoa học vẫn chưa được đề cập tới trong một công trình nào. Chính vì vậy chúng tôi chọn lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn làm đối tượng nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ những giá trị văn hóa, tính độc đáo của nó trong kho tàng lễ hội cổ truyền dân tộc là rất cần thiết.

Nghiên cứu các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng về lễ hội dân gian ở một địa phương cụ thể như ở đảo Lý Sơn sẽ góp phần vào việc xây dựng bức tranh toàn cảnh về văn hóa tín ngưỡng và lễ hội dân gian ở Việt Nam, để giúp chúng ta hiểu rõ hơn tâm thức của người xưa.

Mặt khác trong xu thế phát triển văn hóa du lịch, lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn có điều kiện trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa hấp dẫn khách tham quan. Góp phần phát triển nền kinh tế trên huyện đảo cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.

          Hơn nữa, quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ nước ta từ nhiều thế kỉ nay. Quần đảo là một địa chỉ có tiềm năng lớn về mọi mặt: kinh tế, quân sự… Tuy nhiên những diễn biến thời sự gần đây nhiều nước đang tìm cách xâm lấn chiếm đoạt, bất chấp lẽ phải và luật pháp quốc tế, chà đạp lịch sử, gây sự phẫn uất đối  với nhân dân ta trong và ngoài nước.

Với những lý do trên, chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài: "Lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa”. Để có cơ hội hệ thống hóa, tổng hợp các tài liệu, tìm hiểu thấu đáo về vai trò, ý nghĩa của lễ hội, nhằm giới thiệu đến mọi người biết được lễ hội dân gian truyền thống độc đáo đã tồn tại hàng trăm năm qua của cư dân huyện đảo Lý Sơn. Qua đó, chúng tôi cũng tỏ lòng tri ân với các bậc tiền nhân đã hy sinh vì độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, kêu gọi sự nhận thức của mỗi thành viên trong đại gia đình Việt, hãy chung tay góp sức trong cuộc đấu tranh chính nghĩa, chống mọi thế lực thù địch bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Đất nước Việt Nam.

2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ

            Quần đảo Hoàng Sa nói chung và lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa nói riêng là đề tài được nhiều người quan tâm và nghiên cứu. Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi đã tìm hiểu một số đề tài liên quan.

            * Trước năm 1975

            Thời chúa Trịnh - Nguyễn đã thấy xuất hiện những thư tịch cổ Việt Nam đề cập chung chung đến Hoàng Sa, vào thế kỉ XVII tập bản đồ Toản tập Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư hay Toản tập An Nam Lộ của Đỗ Bá Công Đạo, có vẽ và ghi chú về "bãi cát vàng” tức Hoàng Sa. Đáng chú ý là Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn bên cạnh những chứng cứ, chứng minh sự xác lập và bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa của nước ta, tác giả còn mô tả chi tiết về các hoạt động của đội Hoàng Sa, Bắc Hải, có đoạn ông viết:" trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất lấy người An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng…”[6,tr.64].

Thời nhà Nguyễn từ triều Gia Long, có bộ chính sử Đại Nam Thực Lục Tiền Biên và bộ chí Đại Nam Nhất Thống Chí, Hoàng Việt Dư Địa Chí…đã đề cập đến việc dựng bia chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa là bằng chứng hùng hồn khẳng định chủ quyền của nước ta, trong đó đáng chú ý nhất là Đại Nam Nhất Thống Chí do triều Nguyễn biên soạn là bộ sách địa lí viết bằng chữ Hán. Nội dung sách là địa chí từng tỉnh trong cả nước, trong đó quyển Quảng Nam bao gồm cả Quảng Ngãi ngày nay, đã khái quát được vùng đất này.

            Sau đó là hàng loạt các công trình liên quan đến Hoàng Sa nối tiếp ra đời: Quốc Triều Chính Biên Tác Yếu của Quốc Sử Quảng triều Nguyễn, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú, Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đề Thủ của Đỗ Bá…vv.

            Nhìn chung, các công trình trên chỉ mang tính chất biên sử, sơ tả về việc xác định chủ quyền của nước ta trên quần đảo Hoàng Sa và sự hình thành của Đội thủy quân Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, mà chưa có chi tiết nào miêu thuật về lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

            * Sau năm 1975

            Các công trình nghiên cứu biển miền Trung nói chung và biển Quảng Ngãi nói riêng ngày càng nhiều hơn và đã được công bố rộng rãi.

            Cuốn Hương Ước Quảng Ngãi của Vũ Ngọc Khánh, Quảng Ngãi trong không gian văn hóa Chăm của Đoàn Ngọc Khôi, Vài nét về lễ hội dân gian Quảng Ngãi Quảng Ngãi truyền thống và hiện đại của Phan Ngọc Liên, Quảng Ngãi nghìn năm văn vật của Lương Ninh, Quảng Ngãi - đất nước con người văn hóa của Sở văn hóa thông tin Quảng Ngãi, Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Tây Nam Bộ của nhiều tác giả…vv.

            Các công trình trên, đều có chung đặc điểm nói về vùng đất Quảng Ngãi, nhưng cũng mang tính chất khái quát ở nhiều mặt: lịch sử, vùng đất và con người. Lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được đề cập nhưng vẫn chỉ ở tầm sơ khảo, chưa đi sâu vào một cách chi tiết.

Trong những năm gần đây Hoàng Sa ngày càng được chú trọng hơn, và ngày càng có nhiều công trình lớn đã được công bố:

            Cuốn Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam của Nguyễn Nhã (chủ biên). Nội dung của công trình là tập hợp một số bài nghiên cứu, bài báo và những tư liệu mới của các nhà sử học và các nhà nghiên cứu, chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo này, xét về mặt lịch sử và luật pháp quốc tế. Cuốn sách cũng đề cập tới bối cảnh của cuộc tranh chấp hiện nay đối với hai quần đảo này nói riêng và Biển Đông nói chung, cũng như những ý kiến về một giải pháp phù hợp với luật pháp quốc tế [18].

            Tiêu biểu là công trình Quảng Ngãi một số vấn đề lịch sử văn hóa của Nguyễn Đăng Vũ, nội dung sách chia làm 3 phần: con người, lịch sử, văn hóa. Trong đó tác giả cũng dành một số trang nói về quần đảo Hoàng Sa như "Người dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa 170 năm trước”[28, tr.66-69], hay trong phần hiện tượng văn hóa dân gian tác giả có bài "Lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa”[28, tr.110-127]…vv. Tác giả Nguyễn Đăng Vũ  đã phân tích và đi sâu nghiên cứu nhiều chi tiết đặc sắc của Lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa, từ đó đưa ra những nhận định về giá trị to lớn của lễ hội này.

            Công trình Văn hoá dân gian vùng biển Nam Trung bộ của TS.Nguyễn Xuân Hương với nội dung công trình phát họa bức tranh vùng biển Nam Trung Bộ cũng như khảo cứu những hiện tượng văn hóa tiêu biểu nơi đây. Trong phần khảo tả những hiện tượng văn hóa tiêu biểu của vùng Nam Trung Bộ, tác giả cũng đã miêu tả về lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa với tiêu đề "Tục khao lề thế/tế lính Hoàng Sa”[6, tr.64-70]. So với các công trình khác, thì lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa được tác giả quan tâm hơn, nhưng đề tài bao quát một phạm vi lớn cho vùng biển Nam Trung Bộ, nên lễ hội này cũng chưa đi sâu phân tích các yếu tố trong lễ hội trên.

Một số cuốn tài liệu khác như: Lý Sơn đảo du lịch lý tưởng của PGS.TS Lê Trọng chủ biên; Nghiên cứu bảo tồn và định hướng phát triển văn hóa vật thể ở huyện đảo Lý Sơn (Sở văn hóa tỉnh Quảng  Ngãi)…vv, viết về Lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa, bước đầu đã làm nổi bật những đặc trưng của lễ hội, đồng thời đưa ra những định hướng nhằm giữ gìn và bảo tồn giá trị văn hóa của lễ hội.

            Ngoài ra còn một số bài viết, phóng sự… liên quan đến đề tài đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiêu biểu trên Tạp chí xưa và nay số 306 tháng 4 năm 2008 có bài viết: "Hoàng Sa - Trường Sa”[33, tr.20-21]; hay bài viết về lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa: "Một lễ hội thấm đẫm tình cảm yêu nước”[33, tr.21-23]; hoặc một số bài báo Tuổi trẻ với nhiều bài phóng sự, những tư liệu viết về Hoàng Sa và đảo Lý Sơn…vv.

            Như vậy, cho đến nay đã có nhiều công trình bài báo đề cập đến Hoàng Sa nói chung và lễ hội Khao lề thế nói riêng. Tuy nhiên, các công trình chỉ dừng ở việc miêu thuật hay khảo tả lễ hội và các di tích liên quan của lễ hội mà chưa đi sâu một cách chi tiết và có hệ thống. Ghi nhận đóng góp của tác giả đi trước, tiếp thu những cái hay, những cái đã làm được và những cái còn thiếu trong các công trình nghiên cứu trước đó nhằm hoàn thiện công trình nghiên cứu này, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu lễ hội một cách chi tiết và cụ thể, qua đó cũng làm rõ những nét văn hóa đặc trưng truyền thống và những nét mới, sáng tạo của lễ hội khao lề ngày nay so với ông cha ta.

3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

3.1. Đối tượng nghiên cứu:

Với đề tài này đối tượng mà chúng tôi hướng tới đó là tìm hiểu về lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa

            3.2. Phạm vi nghiên cứu:

            Phạm vi mà đề tài tập trung nghiên cứu là ở hai làng An Vĩnh và An Hải thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để thực hiện nghiên cứu đề tài này, chúng tôi đã sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau, trong đó có cả phương pháp nghiên cứu chung của ngành khoa học xã hội và những phương pháp nghiên cứu đặc thù của chuyên ngành văn hóa học như: khảo sát thực địa, điều tra hồi cố, quan sát trực tiếp, phỏng vấn sâu, xử lí tài liệu thu thập được trong quá trình nghiên cứu...vv.

Trước hết, chúng tôi đã sử dụng phương pháp tổng hợp tài liệu, tìm hiểu các công trình đã nghiên cứu trước đó về lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa, lấy đó làm định hướng cho các bước nghiên cứu tiếp theo.

Sau đó, từ ngày 18-22/12/2010, chúng tôi tiến hành đi thực tế điền dã trực tiếp tại huyện đảo Lý Sơn, nơi diễn ra lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm. Tại đây, chúng tôi đã phỏng vấn đại diện của các cơ quan chức năng như phòng văn hóa, đại diện bảo tàng đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, các cụ cao niên tại hai xã An Vĩnh và An Hải. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành thu thập tài liệu văn bản, ghi âm các cuộc phỏng vấn, chụp ảnh các di tích, hiện vật liên quan đến hải đội Hoàng Sa và lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa như di tích, văn bia, hoành phi, câu đối...vv. Đây là nguồn tài liệu quan trọng và chủ yếu phục vụ cho quá trình nghiên cứu của chúng tôi.

Bằng các phương pháp phân tích, xử lý tài liệu thu thập được, kết hợp các phương pháp liên nghành như sử học, địa lý học...vv, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tái hiện lại một cách sinh động và đầy đủ nhất về lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa, đồng thời nêu bật văn hoá truyền thống cũng như sự biến đổi của lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa trong đời sống xã hội của nhân dân huyện đảo Lý Sơn trước đây và ngày nay.

5. GIÁ TRỊ CỦA CÔNG TRÌNH

* Ý nghĩa thực tiễn

            Đề tài không chỉ nhằm tri ân những người đã quên mình để gìn giữ biên cương tổ quốc từ hàng năm trước, mà còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ với mong muốn cho lớp con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ và bảo vệ độc lập chủ quyền  biển đảo Việt Nam

* Ý nghĩa khoa học

            Đề tài giúp độc giả có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa, cũng như hiểu hơn về những nét đặc sắc trong văn hóa mà chính những con người nơi đây đã  dày công xây dựng nên.

            Góp phần quảng bá văn hóa du lịch, định hướng  bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng.

Đây cũng là tài liệu hữu ích, phục vụ trong giảng dạy, học tập, cho khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là các ngành thuộc văn hóa học, cũng như ai quan tâm đến đề tài.

6. BỐ CỤC ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

Bố cục của đề tài này ngoài các phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo,  phụ lục thì phần nội dung chúng tôi chia làm 3 chương:

Chương 1: Vùng đất, con người và văn hóa Lý Sơn

Chương 2: Lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa

Chương 3: Ý nghĩa, hướng bảo tồn và phát huy lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa

Chủ đề: Các bài nghiên cứu khoa học | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86
Lượt xem: 587 | Tải về: 15 | Rating: 0.0/0
Tổng số ý kiến: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm các ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==