Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 4, ngày 09/10/2024, lúc 5:42 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 21 » Truyền Thuyết và Huyền Thoại Trên Vùng Đất Sông Cầu III
9:47 PM
Truyền Thuyết và Huyền Thoại Trên Vùng Đất Sông Cầu III

TRUYỀN THUYẾT VỀ  VẾT CHÂN NGUYỄN ÁNH Ở VŨNG LA


Theo truyền thuyết, Bãi Ôm ở Vũng La là nơi trú ẩn một thời gian dài của nhân vật huyền thoại: Chàng Lía trước khi trở về Bình Định lãnh đạo khởi nghĩa bị quan quân vây bắt.

 


Người dân trong vùng này cũng kể một giai thoại khá phổ biến trong dân gian về Nguyễn Ánh khi dừng quân trú lánh tại nơi này trong lúc bị quân Tây Sơn truy đuổi. Trong cảnh hoàng hôn ảm đạm, quân lương thiếu hụt, đường bôn tẩu đã đến mức cùng tận, ông mới ngước nhìn trời cao lồng lộng, biển cả mênh mông và núi non hùng vĩ bao quanh mang mang giậm non, thề biển rằng, nếu ông còn chân mạng đế vương thì xin trời đất thánh thần chứng giám cho việc hưng binh của ông. Nguyễn Ánh than xong thì giẫm mạnh bàn chân phải của ông lên tảng đá mình đang đứng khiến tảng đá lõm sâu xuống in dấu chân ông. Đến nay, trên tảng đá ở Vũng La vẫn còn lưu dấu chân ấy thành vết lõm khá rõ nét một bàn chân to lớn.


Vũng La   Ảnh:Internet

(Theo lời kể của người dân ở Vũng La)

 

 

BÀN CỜ Ở GÀNH TƯỚNG

Tại Vũng La, người dân còn lưu truyền một truyền thuyết khác về bàn cờ ở Gành Tướng. Ngày mồng Hai Tết năm ấy, có một ngư dân nghèo vác chài đi ra phía Vũng La để chài cá về cho gia đình có miếng ăn trong ba ngày Tết. Ông vác chài đi lúc chiều xẩm tối, tới đầu Gành Tướng, trong bóng tối nhá nhem của hoàng hôn, ông chợt thấy có hai ông lão râu tóc bạc phơ, tướng mạo phương phi đang ngồi đánh cờ trên bàn đá đầu mỏm, sau lưng có hai tiểu đồng đứng hầu. Thấy lạ, ông nấp vào bụi rậm quan sát, bởi vùng đất này, theo hiểu biết của ông ta, không có hai ông già như vậy ngụ cư, mà nếu là nơi khác đến, ắt phải đi ngang qua xóm chứ không có con đường nào khác để tới được mỏm núi heo hút này. Đang suy nghĩ miên man, bỗng nhiên một trong hai ông già kia, đặt con cờ xuống bàn, vuốt râu cười ha hả, nói giọng sang sảng: "Ta là thiên tướng nhà Trời, đi ngang qua đây thấy phong cảnh hữu tình nên mới dừng chân, hạ xuống đây vừa đánh cờ vừa ngắm cảnh non nước thơ mộng. Chúng ta chỉ trốn nhà Trời trong giây lát. Ngươi đã trông thấy sao thì hay vậy, không được kể lại với bất kỳ người thứ hai nào biết chuyện này. Chúng ta sẽ cho nhà ngươi sống đến trăm tuổi, con cháu đầy đàn, được hưởng phước, lộc, thọ… bằng không nghe lời ắt phải chết bất đắc kỳ tử” rồi biến mất.

 

Người đàn ông chài lưới kia hoảng sợ mang chài về, không dám xuống vịnh chài cá như những hôm trước đây. Quả  nhiên sau đó công việc làm ăn của gia đình ông ngày mỗi khấm khá, trở thành một ngư dân giàu có trong làng, mua sắm được nhiều ghe bầu chở cá, mắm, muối đi vào tận Đàng Trong bán, rồi chở gạo, vải vóc về bán lại cho các thương buôn khác trong vùng.

 

Mãi tới năm chín mươi tuổi, nhân dịp mừng lễ thượng thọ và cũng là dịp cúng lăng trong làng, ông đã vô tình kể lại cho con cháu và người trong làng nghe câu chuyện xưa, xảy ra cách đây mấy mươi năm mà ông giấu kín trong lòng, tưởng chừng đã không còn nhớ nổi. Nhưng đêm ấy, trong giấc ngủ chập chờn, hai thiên tướng xuất hiện trước mặt. Một trong hai người chỉ vào ông mà nói rằng: "nhà ngươi đã phạm lời nguyền. Số ngươi coi như đã chấm dứt”. Nói rồi hai ông lão biến mất. Tỉnh giấc, ông cho gọi tất cả con cháu lại kể câu chuyện vừa xảy ra trong giấc mơ rồi nhắm mắt ra đi. Sau đó, con cháu làm ăn ngày mỗi sa sút, rồi trở lại những ngư dân nghèo khó như xưa.

 

Ngày này, trên mỏm đá Gành Tướng vẫn còn in dấu bàn cờ, mặc dù thời gian, mưa nắng, sóng biển đánh vào đã làm cho phiến đá mòn đi khá nhiều.

 

Chính bởi cảnh sắc thơ mộng và kỳ vĩ trên một dãy vũng kéo dài liên tục ở mạn Đông thị trấn Sông Cầu, nên dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca dao ca ngợi vùng đất này:

 

Vũng Dông, Vũng Mắm, Vũng Chào

Vũng La, Vũng Sứ, Vũng nào cũng thương.

(Theo lời kể trong dân gian, có đối chiếu với ý kiến của các ông Nguyễn Định và Nguyễn Đình Chúc).

 

TRUYỀN THUYẾT VỀ HÒN BỒ Ở VŨNG LẮM
Vũng Lắm                                                                                                       Ảnh: Dương Thanh Xuân
Vũng Lắm còn có tên gọi khác là Vũng Lấm. Theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chép là Lâm Úc, còn tên dân gian thường gọi là Ao Xóm Lưới. Có lẽ do diện tích mặt nước của vũng này tương đối hẹp nên dân địa phương quen gọi là ao, chứ thực ra đây không phải ao hồ nước ngọt mà là một vũng ăn thông ra biển Đông thuộc thôn Tân Thạnh, xã Xuân Thọ 2. Vũng nằm ở phía Nam Gành Đỏ và ba bên đều được bao bọc bỡi dãy đồi thấp, chỉ có lùm bụi, không có cây tán lá rộng nên không thể che phủ được đồi đất sỏi này. Do vậy hàng năm, mưa làm xói mòn lớp đất đỏ trên mặt, kéo trôi xuống vũng thành bãi bùn. Khi thuỷ triều rút, bãi phơi lộ ra màu đen xỉn chứ không như các vũng khác có bãi cát vàng mịn, đến mùa mưa đường đi trên đồi dẫn ra vịnh nhầy nhớt. Có lẽ do hiện tượng thiên nhiên này nên người dân địa phương gọi là Vũng Lấm thì có vẻ "hợp lý” hơn.
Tuy môi trường nước trong vũng không được như ý, nhưng về mặt quân sự, Vũng Lắm có một vị trí quân sự quan trọng, là một quân cảng và thương cảng được xếp hàng thứ hai sau vịnh Xuân Đài trong thời kỳ thuỷ binh và tàu buôn của Đại Việt còn thô sơ.
Căn cứ vào các tài liệu địa chí và chính sử của triều Nguyễn, thì cửa Vũng Lắm kéo dài từ mũi hòn Đồn sang Tân Thạnh rộng 318 trượng[1]; khi thuỷ triều lên mực nước sâu 1 trượng 5 thước, tàu bè cập bến Phú Vĩnh rất dễ dàng.
Theo nhà sử học Robert Hopkins Miller dẫn từ Bulletin des Amis du Vieux Hue. (số 1-1937), thì Vũng Lắm là nơi các sứ bộ ngoại giao Hoa Kỳ đầu tiên sang Việt Nam năm 1832 để đặt quan hệ thương mại giữa hai nước Việt-Mỹ, tàu Peacook của họ đã neo đậu tại vũng này: "Mùa Đông, tháng 11 năm Minh Mạng 13 (tháng 12 năm 1832) Tổng Thống Hoa Kỳ… có phái các công dân là ông Nghĩa-Đức-Môn La-Bách (có kèm Hán tự), thuyền trưởng Đức-Giai Tâm-Gia (có kèm Hán tự), cùng đoàn tùy tùng, đến xứ sở chúng ta. Thuyền của họ thả neo ở Vũng Lắm, hải cảng của tỉnh Phú Yên. Chính phủ chúng ta đã ra lệnh cho Viên ngoại lang Nguyễn Tri Phương và Tư vụ Lý Văn Phức đi cùng các quan lại của tỉnh nói trên lên tàu và mở tiệc chào mừng trên tàu. Được hỏi về mục đích của chuyến hải hành của họ, những ngoại nhân này đã trả lời rằng ý định của họ là nhằm thiết lập các quan hệ thương mại tốt đẹp…”
Từ Vũng Lắm nhìn ra, Phú Vĩnh giống như con rồng xoay đầu ra biển. Đứng ở Vũng Lắm nhìn ra biển Đông thì phía Bắc có hòn Mù U, phía Nam có hòn Đen, cù lao Ông Xá và những cụm núi liên kết nhau tạo thành các Vũng Sứ, Vũng Me… là những thắng cảnh đẹp của thiên nhiên ban tặng cho Sông Cầu. Câu ca dao:
Ngó ra Vũng Lắm Sông Cầu
Cù lao Ông Xá đứng hầu ngoài khơi
không chỉ có chức năng mô tả vị trí, cảnh sắc nên thơ tuyệt đẹp ở đây, mà trong thâm sâu còn nhắc lại dấu tích xa xưa.
Trong Vũng Lắm có một loại hải sản đặc biệt nổi tiếng ngon đó là ruốc. Ruốc ở Vũng Lắm làm mắm thơm ngon khắp vùng, không nơi nào sánh kịp.
Những dấu tích xưa của Phú Vĩnh ngày nay còn nhìn thấy được là những bờ thành, những ngôi mộ cổ của người Minh Hương, Triều Châu, Phúc Kiến và những nền đá để đặt súng thần công. Cũng tại mỏm đá Phú Vĩnh này có một trường tập bắn bia nằm ngay sát hòn Bồ của quân đội triều Nguyễn thời Tự Đức để bảo vệ cho vùng Vũng Lắm - Sông Cầu.
Trong Vũng Lắm có hòn Bồ. Theo lời kể của nhân dân trong vùng, thời kháng chiến chống Pháp, dưới triều nhà Nguyễn, trên địa bàn huyện Sông Cầu ở mạn đất liền hay bán đảo giáp với biển có nhiều vị trí đặt những chiếc bồ, nhưng chỉ có một tên gọi duy nhất hòn Bồ là đầu mỏm Phú Vĩnh. Bồ là một loại dụng cụ để chứa lúa, bắp, khoai; đan bằng tre và cuộn tròn lại. Ở tại mỗi điểm quan trọng (canh giữ, báo hiệu tàu địch xuất hiện), các binh sĩ trồng một tháp tre cao khoảng 4 – 5 mét. Những lúc bình yên thì bồ để dưới đất, nhưng khi phát hiện thấy tàu chiến của giặc Pháp xuất hiện ngoài khơi xa thì lập tức những chiếc bồ được kéo lên bằng chiếc ròng rọc, để báo hiệu cho ngư dân hay thôn dân trong đất liền biết mà chạy đi lánh nạn. Sự báo hiệu này tỏ ra rất hiệu quả, vì không thể gõ mõ đánh kẻng ở một khoảng cách quá xa để người dân có thể nghe được.
------------------------------------
[1]  1 Trượng = 4,24 m
HOÀNG TỬ CỦA LONG VƯƠNG


LẠC VÀO CÙ LAO ÔNG XÁ

Cù lao Ông Xá   Ảnh: Internet
Phía bên ngoài Vũng Lắm, nằm trong biển Đông là cù lao Ông Xá, cách chân núi Gành Đỏ chừng vài trăm mét. Cù lao này có hình dạng giống hệt một con cá sấu khổng lồ nằm bất động, đuôi hướng về phía Bắc Gành Đỏ, đầu nhô lên cao, hướng ra biển Đông. Phần lưng từ đuôi lên gần đầu, có đoạn ễnh cong xuống, đoạn nhô lên cao như thể cá sấu vừa ăn con mồi no nê. Chung quanh hòn cù lao này có những rạng những gành, đá ngầm nhô lởm chởm. Ở mạn Nam hòn cù lao có một số gộp nhỏ ghe có thể vào neo đậu được.
Trong cuộc chiến tranh chấp quyền bính giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh xảy ra ác liệt trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông thì Vũng Lắm lại là địa điểm tập kết quân để đánh vòng từ mạn Đông-Nam ra phía Bắc, nên Vũng Lắm cũng là nơi tranh chấp vị trí chiến lược để quyết định sự thắng lợi của các bên.
Thời kỳ Cần Vương, Văn Thân lãnh đạo kháng chiến chống Pháp thì vịnh Xuân Đài đã xảy ra trận giao tranh quyết liệt giữa lực lượng kháng chiến do Bùi Giảng lãnh đạo chỉ huy với quân Pháp do Thiếu tá Chevreux Tirant và Trần Bá Lộc chỉ huy. Trận chiến kéo dài một ngày đêm, quân Bùi Giảng bị thất bại phải rút chạy vào Vũng Lắm cố thủ. Theo dã sử thì thời kỳ này có một Hoa kiều tên Ngô Kiêm Ký đã mua vũ khí từ Trung Hoa đưa vào Vũng Lắm tham gia phong trào Cần Vương đánh Pháp, nhưng ông đã bị bắt và bị xử tử cùng với lãnh tụ Lê Thành Phương vào năm 1887.
Vũng Lắm không chỉ có bấy nhiêu sự kiện lịch sử cùng các truyền thuyết khác nhau, mà tại đây còn là địa điểm đặt cơ quan đầu não của Pháp để cai trị xứ Phú Yên. Đó là vào năm 1887, Toà Công Sứ Pháp được chỉ định đặt tại Vũng Lắm, mãi đến 1889 mới dời ra Sông Cầu.
Huyền thoại về bờ ngăn cá vượt:
Thuở xa xưa, từ núi Gành Đỏ ra mỏm đuôi của hòn cù lao Ông Xá có một dãi đất tựa như một cái bờ chắn ngang mặt vũng. Lúc bấy giờ có một con cá nược khổng lồ từ biển khơi lạc vào đấy, bị cản trở đường đi, cá nược tức giận đập đuôi quẫy nước, nước văng bắn lên cao, sóng réo ầm ầm, bờ chắn bị sụt lở gần hết, chỉ còn lại ở hai mỏm núi, người ta gọi đấy là bờ ngăn cá vượt. Rồi từ đó cá quay ra biển Đông, không bao giờ trở lại vũng này nữa.
Dị bản: Hoàng tử của Long Vương lạc vào cù lao Ông Xá
Ngày xưa, Vũng Lắm là một hồ nước mặn bị núi vây bọc bốn bên. Một đêm kia, trời đang yên, gió đang lặng thì đến giờ Tý bỗng dưng sóng dậy ầm ầm. Những cột nước cao hơn ba trượng đổ ập vào xé toạc ngọn núi phía đông ngăn cách giữa biển và đầm, sau đó thì trời lặng sóng yên như không có chuyện gì xảy ra trước đó. Sáng ra, dân chúng men ra mé vũng ngoài coi thì thấy chiếc mai con rùa biển to bằng bốn cái nong. Dân chúng làm lạ, lên đền cầu khấn được bà cốt báo rằng: Long Vương có đứa con trai út bị lạc vào đầm không ra được nên sai Hà Bá thống lĩnh thiên binh tới phá rặng núi chắn ngang vũng để cứu hoàng tử ra. Hoàng tử chính là con rùa thỉnh thoảng dân trong vũng thấy nổi lên.
(Theo lời kể trong dân gian, có đối chiếu với "Địa danh Phú Yên” của Nguyễn Đình Chúc).
CHUYỆN CAO BIỀN CHÉM NGỰA
Ở GÀNH CÂY SUNG
Gành Cây Sung                                                                                                   Ảnh: Đào Minh Hiệp
Cách Vũng Lắm không xa, về phía Nam, địa giới giữa hai thôn Mỹ Hải thuộc Xuân Thọ 1 và Dân Phước thuộc thị trấn Sông Cầu có một ghềnh đá nhô ra biển, dân trong vùng gọi là ghềnh Cây Sung. Tại ghềnh Cây Sung có một truyền thuyết về chuyện Cao Biền chém ngựa và dấu chân Cao Biền.
Theo các tư liệu ghi lại thì: Cao Biền là một tên tướng đời Đường (Trung Hoa). Năm Hàm Thông thứ 6 (865 SCN) Cao Biền phụng chỉ vua Đường Ý Tông mang quân sang thôn tính nước Nam Chiếu. Thắng trận, ông được vua phong làm Tiết độ sứ quận Giao Châu (nước Việt Nam ngày xưa). Tương truyền Cao Biền rất giỏi về địa lý, phép thuật có thể hô phong vũ hoán, điều khiển âm binh, hay cắt, giấy, lá cây làm hình nhân người lính rồi thổi hơi vào đó làm cho những chiếc lá hình người kia biến thành người lính thật. Ông còn có biệt tài bắn một phát tên trúng hai con chim nên thời đó vang tiếng là "xạ lạc song điêu”… Rất nhiều chuyện kể về Cao Biền và tài nghệ của ông ta, trong đó có biệt tài tầm long điểm huyệt, trấn yếm các long mạch phát vượng vương tướng khanh hầu của nước Nam ta.v.v. Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là chuyện hoang đường, bởi vì trải qua suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, những danh tướng Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ đã phá tan quân Nam Hán, quân Nguyên, làm cho Thoát Hoan, Sầm Nghi Đống, Tôn Sĩ  Nghị… đã phải hồn xiêu phách lạc, hoặc chạy trốn về Tàu hoặc phải treo cổ tự vẫn.
Tuy vậy, trong sách Đại Việt sử ký toàn thư và Danh nhân từ điển đều chép Cao Biền là vị tướng tài giỏi của nhà Đường. Sau khi bình định nước Nam Chiếu được vua phong Tiết độ sứ quận Giao Châu. Ông cai trị Giao Châu 13 năm, cho xây đắp La Thành và khai thông con kênh Thiên Uy.
Chuyện Cao Biền chém ngựa và dấu chân Cao Biền tại ghềnh Cây Sung được người dân địa phương kể lại như sau:
Sau khi bình định được phần đất Nam Chiếu, nhà vua phong Cao Biền làm Tiết Độ Sứ quận Giao Châu (Giao Chỉ). Trong khi ông cỡi diều bay liệng trên cao điều quân khiển tướng dưới đất (trên vùng đất Phú Yên), chẳng may diều bị trúng tên độc của quân Nam từ dưới đất bắn lên làm gãy cánh. Cao biền cố sức dùng pháp thuật điều khiển con diều bay lên tầng không, nhưng đã quá muộn: thuốc độc thấm nhanh vào toàn thân con diều làm nó chao mấy vòng và rơi xuống đất. Binh lính dưới quyền không điều khiển được nữa, bị bại trận chạy tán loạn. Cao Biền biến chiếc lá thành con ngựa rồi dẫn tàn quân chạy đến gành Cây Sung thì dừng, bước xuống tảng đá, uất hận dậm chân kêu trời. Vốn là người có phù phép và sức mạnh vô hình nên lúc dậm chân lên phiến đá làm lõm xuống, để lại dấu chân khổng lồ. Kêu trời, dậm chân xong, Cao Biền lên ngựa, ra roi. Nhưng lạ lùng thay, con ngựa ông ta cỡi không chịu cất vó cho dù Cao Biền cố ra roi, giật cương, la hét vang động cả rừng núi. Tức giận, Cao Biền liền rút kiếm chém đứt 4 chân con chiến mã. Máu từ chân ngựa vọt ra thành vòi vạch ngang vào vách đá của gành Cây Sung rồi ngã gục (trên vách đá gành Cây Sung có một tầng đá đỏ, có tên là gành Đỏ, đó là vết máu của con ngựa của Cao Biền thấm vào).
Ngựa chết, Cao Biền thất thểu chạy bộ về phía biển và đã kiệt sức, gục chết trên bãi cát xã An Hải. Lâu ngày cát lấp lên dần thành ngôi mộ. Và hàng năm trên khu mộ Cao Biền mèo tụ tập về đông vô số, ấy là âm binh thuở xưa tụ tập về cúng giỗ ông ta (!?).
(Theo lời kể trong dân gian, có đối chiếu với "Địa danh Phú Yên” của Nguyễn Đình Chúc và tư liệu của Nguyễn Định).
Chủ đề: Truyện kể dân gian | Lượt xem: 682 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==