Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 7, ngày 20/04/2024, lúc 8:23 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » Articles » Non nước Việt Nam

Hát lượn - nét đẹp văn hóa của người Tày
Hát lượn là một làn điệu dân ca của người Tày. Nó có hai nghĩa, nghĩa rộng, hát lượn chỉ toàn bộ kho tàng dân ca người Tày, bao gồm cả then (lượn then), hát đám cưới (lượn quan làng), phuốc pác (lượn phuốc pác) và phong sư (lượn phong sư).

Nghĩa hẹp, hát lượn chỉ là những điệu hát giao duyên chỉ riêng của người Tày. Phổ biến hơn cả là cách gọi tên hát lượn theo nghĩa hẹp, tức là bộ phận hát giao duyên đối đáp. Điều khác biệt với các liền anh, liền chị trong quan họ Bắc Ninh ngày xưa không được phép lấy nhau, còn người Tày hát lượn là để tìm hiểu tiến tới hôn nhân bền chặt... Có thể nói, mỗi một làn điệu dân ca ra đời đều có huyền tích của mình. Với điệu hát lượn của người Tày cũng không nằm ngoài quy luật đó. Theo các vị cao niên kể lại, ngày xưa cuộc sống của người Tày trong các bản làng quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà vẫn không đủ ăn, đủ mặc cuộc sống khốn khó. Một hôm, có ông lão trong bản ra bờ suối câu cá, đang ngồi trầm ngâm suy tư bên thác nước chảy bỗng có ngọn gió ào qua bụi tre. 



Ngọn gió làm cho các cây tre cọ vào nhau phát ra âm thanh kẽo kẹt nhịp nhàng hòa quyện cùng với tiếng thác nước tạo thành một khúc nhạc tuyệt diệu. Thấy thác nước, cây tre là những vật vô tri vô giác nhưng khi có gió cũng có thể ngân lên những điệu nhạc vui nhộn yêu đời. Thổn thức trong lòng, ông lão tự dưng "hới lả" vọng theo, thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhõm, quên hết nỗi u buồn. Nghĩ rằng, được thần thánh ban thưởng tiếng hát cho người Tày mình, nên ông lão bèn gọi mọi người đến truyền dạy lời hát. Để lời hát không bị đơn điệu mỗi khi cất lên, ông lão đã dạy cho dân bản cách chế tác ra các nhạc cụ đơn giản làm từ những vật liệu dễ kiếm như lấy da ếch bọc ống nứa, căng 2 sợi dây tơ tằm rồi bện mấy sợi lông đuôi ngựa làm cung để kéo cò cưa, sau này gọi là nhị 2 dây hay lấy ống nứa nhỏ dùi thành 7 lỗ để thổi tạo tiếng nước chảy, sau này gọi là sáo... và từ đó mỗi khi cất lên lời hát người dân lại dùng đàn nhị, cây sáo đệm theo tạo thành một bản hòa tấu vui nhộn giúp quên hết sầu lo, vất vả của những ngày làm nông mệt nhọc. Cũng từ đó, cứ đời này qua đời khác, năm lại qua năm, tiếng hát lượn được lưu truyền rộng rãi khắp các bản làng người Tày. Hàng năm, mỗi khi thu hoạch xong lúa, ngô cho vào đầy bồ là các bản làng đồng bào Tày lại cùng nhau tổ chức những ngày lễ hội và trong không khí ngày hội đó điệu hát lượn truyền thống không thể nào thiếu được.

Hát lượn có nhiều làn điệu, thường là thể thơ lục bát, xong cũng có thể là thơ tự do, một câu hỏi hoặc một câu trả lời ngắt đoạn tới 6-7 lần. Mỗi người cần phải có một "vốn” lượn lớn để sẵn sàng ứng xử một cách khéo léo mới mong chiếm được cảm tình người mình muốn làm quen. Người nào hát được nhiều câu lượn hay thì người đó được nhiều người yêu mến vì đó là người thông minh, hiểu biết rộng... Nếu lủng củng hoặc đặt vấn đề sai mục đích thì bị chê là ít hiểu biết, vụng về. Trong những ngày lễ hội hát lượn là dịp để trai thanh nữ tú hát đối đáp nhau rồi vương lại bao nỗi nhớ nhung. Trong lời hát họ thường mượn cỏ cây hoa lá để gửi tình gửi cảnh, diễn tả nỗi nhớ bạn lúc buồn da diết, lúc vui náo nức như tiếng vọng của núi non; mượn chim khảm khắc lẻ bạn tâm tình với người mình thương nhớ. 

Đây là cách thay cho lời chào hỏi, ước hẹn lòng mình muốn kết nên tình yêu đôi lứa bền chặt. Vì vậy mà trẻ con người Tày ngay từ lúc lên 9, lên 10 tuổi, đã được người lớn cho làm quen dần với những câu hát lượn, có thể từ lời ru của mẹ hoặc nghe liền anh, liền chị hát với nhau trong những đêm trăng thanh, gió mát. Với người Tày hát lượn trong tình yêu được dùng để thăm dò bản thân lẫn gia cảnh của đối phương. Bởi thay vì nói thật, nói thẳng với nhau thì dùng câu "lượn” rất dễ giãi bày. Nên buổi đầu gặp nhau nam nữ thường dùng "lượn” để dễ làm quen, còn khi đã yêu nhau rồi thì dùng "lượn” lại càng dễ dàng bày tỏ. Có những cuộc tình từ khi quen đến khi cưới mỗi chàng trai, cô gái phải hát tới cả ngàn câu.

Chủ đề: Non nước Việt Nam | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 (21/05/2011)
Lượt xem: 554 | Đánh giá: 0.0/0
Tổng số ý kiến: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm các ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==