Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 26/04/2024, lúc 9:57 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 22 » Cầu Long Biên - một mảnh hồn Hà Nội.
5:02 PM
Cầu Long Biên - một mảnh hồn Hà Nội.
Cây cầu trăm năm tuổi từ lâu đã thành nơi du khách đến ghi lại nhịp sống Hà Nội, nơi những đôi bạn làm quen nhau những buổi học về, và được bao lớp người tuổi ”tri thiên mệnh” giữ gìn trong cuốn phim ký ức
Vào mùa mưa, nước sông Hồng  có thể dâng cao thêm 8m. Hơn 100 năm trước, vào tháng 9-1898, toàn quyền Đông Dương làm lễ khởi công một cây cầu vắt ngang dòng sông Mẹ, người thiết kế nó cũng chính là Gustave Eiffel, tác giả của tháp Eiffel, biểu tượng nước Pháp. Cầu được đặt tên là Paul Doumer, tên toàn quyền Đông Dương lúc đó,  nhưng người Hà Nội vẫn gọi là cầu Long Biên hay cầu sông Cái.

Thay cho những công nhân Trung Quốc được tuyển trước đó, bằng sự khéo léo, tinh nhanh, năng động, chính những người thợ Việt Nam đã lắp ráp các cấu kiện kim khí, tán đinh chốt, sử dụng cần cẩu... dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư người Pháp. Cầu xây đúng vị trí mà chiếc tàu của thực dân Pháp nổ súng bắn vào Ô Quan Chưởng và Cửa Bắc mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam khi xưa.

Cầu Long Biên là bạn của mọi người dân ngoại thành mỗi sáng vào thành phố mưu sinh, học tập. 

Cầu sông Cái gồm 20 bệ trụ xây và mố, với chiều sâu 30 m và cao 13,5 m tính mức nước thấp nhất. Phía hữu ngạn có cầu vòm dài 800 m, toàn thân cầu là 2.500 m. Nét độc đáo nhất của cây cầu là đường bộ hai bên, đường sắt ở giữa lối đi bên trái.

Tháng 2-1902 khánh thành cầu, cũng là nối liền con đường Hà Nội, Hải Phòng và đặt khúc đường sắt đầu tiên của đường sắt xuyên Đông Dương. Khi ấy, Long Biên là một trong bốn cây cầu lớn nhất thế giới, nổi bật nhất ở Viễn Đông. Nhưng, cũng như đa số cơ sở hạ tầng mà thực dân Pháp xây dựng ở Việt Nam, cây cầu chủ yếu phục vụ cho mục đích khai thác, bóc lột tài nguyên và nhân công Việt Nam đưa về chính quốc.

Cầu Long Biên gắn liền với lịch sử hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, và chứng kiến sự chuyển mình đi lên của đất nước từ khi thống nhất. Nó là một phần của thủ đô Hà Nội, vì thế mọi biến cố có tầm vóc quốc gia xảy ra tại Hà Nội đều có sự chứng kiến và tham gia của cây cầu. Năm 1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình, bao người dân ngoại ô đã đi qua cây cầu Long Biên để nghe Bác hỏi ân cần ”Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. 

Kháng chiến chống Mỹ, xe tăng, súng đạn rầm rập qua cầu theo bộ đội chi viện cho miền Nam. Kỷ niệm 21 năm ngày thủ đô được giải phóng, cầu cũng chứng kiến niềm vui độc lập, tự do, hạnh phúc trên khuôn mặt hân hoan của người Hà Nội: giải phóng miền Nam.

Có nhà nghiên cứu đã thống kê, trong hơn hai triệu tấn bom đạn mà đế quốc Mỹ trút xuống đất nước Việt Nam, hơn một nửa là trút xuống cầu đường. Cầu Long Biên bị oanh tạc bằng bom và tên lửa có điều khiển. Hai lần cầu gãy xuống lòng sông nhưng nhân dân Hà Nội vẫn nối lại cho xe qua mỗi đêm, ban ngày lại dỡ ra che mắt địch. Dấu tích ngày nay là cầu đã mất đi một đoạn vảy rồng. Và dòng sông Mẹ lại chứa đựng bao nhiêu sắt thép, bom đạn.

Cầu Long Biên bắc ngang bãi giữa. Những cư dân của làng Trung Hà trên bãi kể, những năm chiến tranh, bãi giữa có 6 ụ pháo cao xạ bảo vệ cầu và nhà máy điện Yên Phụ. Trên nóc cầu còn lại nhiều thanh sắt, dấu tích những điểm trực chiến của bộ đội. Hứng chịu bao bom đạn mà cầu vẫn tồn tại như minh chứng cho sự anh dũng, trí tuệ của người Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ.

Hoà bình, thống nhất đất nước, Long Biên là cây cầu cho xe cộ và người đi bộ vào ra nội thành. Mỗi ngày có hơn 3.000  chuyến tàu xe, hơn 15.000 lượt người qua lại. Vài trụ cầu lại có ngọn đèn điện đỏ. Mặt cầu được sửa chữa nhỏ thường xuyên.

Nhìn sông Hồng mới thấy cái táo bạo của thiếu nữ xưa khi mơ ”bắc cầu dải yếm”. Gió sông Hồng cũng không đủ để các cô gái phải ”về nhà dối mẹ” khi bị rơi nón xuống sông. Những ngày 2/9, đám trẻ con ngoại thành đầu trần chân đất, dắt nhau đi bộ qua cầu sang thăm Lăng Bác. Ai cũng háo hức quên đi bàn chân mỏi, để tối về trong những buổi sinh hoạt lại say sưa hát ”đêm qua em mơ gặp Bác Hồ...”.

Cầu Chương Dương và Thăng Long được xây dựng, ô tô, xe máy không đi qua cầu Long Biên nữa. Cầu không phải tải nặng mỗi ngày nhưng đã mòn mỏi lắm. Thời gian dội màu bàng bạc lên sắt thép. Mặt bê tông gồ ghề nứt nẻ. Mỗi chuyến tàu qua, cầu lại run lên.

Cầu vẫn là bạn của mọi người dân ngoại thành. Mỗi sáng, từng đoàn xe thồ than, rau xanh, cây cảnh... vào nội thành. Công nhân, viên chức qua đây để đến cơ quan, nhà máy. Các bạn học sinh, sinh viên đến trường. Ngược đường là những người đi chợ hoa quả Long Biên. Gió sông thổi qua cầu, thổi đi những giọt mồ hôi mặn mòi vất vả. Buổi tối, từng tốp học sinh đợi nhau về. Họ cười nói ríu rít. Những xe than, sọt thồ rỗng không lại thanh thản qua cầu. Từ sáng đến tối, cầu luôn nhộn nhịp như thế. Đèn cao áp mắc sáng trên cầu.

Để rồi sáng sáng, các cụ trong nội thành qua cầu, đi bộ xuống bãi giữa tập thể dục, tận hưởng không khí trong lành nguyên sơ của bãi ngô mùa phun râu, hay dầu bạc hà chập chờn trong gió sớm. Người từ bãi lên cầu bán bí đỏ, cà chua, khoai, lạc, đỗ... Vài bà cụ Gia Lâm cắp thúng hoa thiên lý xanh ngọt ngào qua cầu đi rao trong phố cổ...

Cầu Long Biên... Bao du khách đến ghi lại nhịp sống trên cây cầu cổ. Bao đôi bạn quen nhau mỗi buổi học về, bao lớp người tuổi ”tri thiên mệnh” giữ hình ảnh cầu trong cuốn phim ký ức. Cứ như vậy, hiền lành và chở che, hơn thế kỷ trung thành nối nhịp sống đôi bờ, cầu Long Biên vẫn góp sức vào cuộc sống của người dân Hà Nội hôm nay.
                                                                                                                    Nguồn: VOV News
Chủ đề: Vốn Xưa | Lượt xem: 811 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Tổng số ý kiến: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm các ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==