Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 26/04/2024, lúc 9:07 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » Files » TÀI LIỆU HỌC TẬP

Nhạc cụ, vũ điệu Chăm - nhóm 6 (học phần văn hóa Chăm)
15/05/2011, 7:58 AM

MỞ ĐẦU

 

Ở bất cứ tộc người nào trên thế giới,lễ hội dân gian truyền thống cũng đều là một thành tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc ấy.Lễ hội dân gian là hoạt động phản ánh tương đối đầy đủ điều kiện sinh hoạt vật chất,đạo đức xã hội,đời sống tín ngưỡng,vũ trụ quan,thế giới quan,nhân sinh quan...của chính dân tộc đó.
Người Chăm trải qua những thăng trầm lịch sử vẫn bảo toàn được bản sắc văn hóa dân tộc mình,một phần trọng yếu là do vẫn gìn giữ được ngôn ngữ,chữ viết,sắc phục và đặc biệt là các lễ hội truyền thống trong đó có âm nhạc-một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên lễ hội


NỘI DUNG

 

1.Giới thiệu về một số nhạc cụ của người Chăm

Người Chăm là một tộc người có nền âm nhạc rất phong phú và đa dạng. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử nền âm nhạc của tộc người Chăm cũng phát triển một cách đặc biệt, vừa mở rộng phạm vi ảnh hưởng sang các vùng, các tộc người xung quanh, vừa học hỏi, tiếp nhận nền âm nhạc của các tộc người khác. Chính điều này đã tạo nên một kho tàng âm nhạc dân gian Chăm vô cùng độc đáo và giàu bản sắc.

Trong nền âm nhạc Chăm, nhạc cụ truyền thống đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng Chăm. Hầu hết các lễ hội, lễ nghi, tín ngưỡng tôn giáo của tộc người Chăm đều không thể thiếu nhạc cụ truyền thống.

Hệ thống nhạc cụ truyền thống Chăm được chia làm 2 loại:

Một là, các nhạc cụ đã thất truyền như đàn champi, kaping, đàn rabap…các nhạc cụ này chỉ còn được ghi nhận qua các văn bản cổ của người Chăm và trong các ký ức người già.

Hai là, nhạc cụ hiện đang tồn tại như đàn kanhi, kèn xaranai, trống baranưng, trống ginơng… những nhạc cụ này hiện được người Chăm sử dụng rất phổ biến trong các sinh hoạt văn hóa của mình.

Dựa trên các tiêu chí về về hình dáng, nguyên tắc phát âm, cấu trúc, tính năng âm nhạc… mà người Chăm đã có sự phân loại theo hệ thống cụ thể như sau:

- Nhóm gõ: bao gồm những nhạc cụ có màng rung và nhạc cụ tự thân vang:    
Ginơng: trống đôi 2 mặt, Baranưng: trống 1 mặt, Hagar praung: trống lớn 2 mặt, Hagar xit: trống nhỏ 2 mặt, Ceng đap (sar): chiêng bằng, Ceng tathuw: chiêng có núm, Grong: lục lạc, Chụm chọe        

- Nhóm hơi: Kèn xaranai, Axơng: tù và, Waw: sáo, Kadait: tù và sừng trâu    

- Nhóm dây: Đàn kanhi: làm bằng mai rùa, Đàn champi, Đàn kaping, Rabap: đàn bầu.

* Trong hệ thống nhạc cụ trên, có 3 loại nhạc cụ được cộng đồng Chăm thường được sử dụng và xem như chủ đạo là:

-Kèn Xaranai:.

Thân kèn dài 20-21cm làm bằng gỗ quý hoặc sừng rỗng ruột.Kèn có 7 lỗ ở trên và 1 lỗ ở dưới. Loa kèn dài 10-11cm làm bằng ngà voi,sừng trâu hoặc gỗ quý.Loa kèn tròn,bầu ở phần giữa và loe ở đầu loa.           

Chuôi kèn dài 6cm làm bằng bạc hoặc đồng thau dạng lá,uốn theo hình ống từ bé đến lớn.Phần lớn đút vào thân kèn,phần nhỏ có gắn dăm (lưỡi gà) làm bằng lá nón hay lá buông

-Trống Pa ra nưng:    
Trống chỉ có một mặt làm bằng da hoẵng hoặc da dê,không dùng dùi mà vỗ bằng các ngón của hai bàn tay.Thân trống cao 9cm,dày 2cm,có hình chậu hơi lượn cong,làm bằng gỗ lom hoặc gỗ cốc.

 -Trống Ghì nằng:

Là loại nhạc cụ đầy uy lực và sinh khí trong bộ nhạc của tộc người Chăm,chỉ được sử dụng theo nguyên tắc có đôi,đặt tựa vào nhau theo hình chữ nhân.Trống hình trụ,hơi bầu ở giữa thân.Chiều dài thân trống từ 75-80cm,làm bằng cây gỗ lim xanh đục rỗng ruột.Thành trống dày từ 2-3cm.Mặt lớn bịt bằng da trâu,đường kính 28cm,bao giờ cũng đặt nghiêng tiếp đất ở vành trống (mặt âm) và dùng dùi gõ (dương).Mặt nhỏ bịt bằng da hoẵng hoặc da dê,đường kính 24cm (mặt dương) được vỗ bằng bàn tay trái (âm)

Theo quan niệm người Chăm về 3 loại nhạc cụ: kèn Saranai, trống Basanưng, Ginăng là tượng trưng cho con người và một vũ trụ thu nhỏ (trời, đất) hoàn chỉnh. Do vậy khi biểu diễn 3 nhạc cụ này không được tách rời nhau mà luôn hòa quyện vào nhau, trong đó kèn Saranai là nhạc cụ chủ đạo. Ba nhạc cụ này đã tạo nên linh hồn cho lễ hội Chăm.

Kèn Saranai, cấu tạo của loại kèn này là tượng trưng cho cái đầu của con người, gồm 7 lỗ (7 nốt) tượng trưng cho thị giác, khứu giác, thính giác và vị giác. Kèn Saranai được nghệ nhân thổi bằng miệng, tiếng nhạc véo von, thánh thót gần với tiếng người, tiếng chim.

Trống Baraưng biểu tượng cho thân mình của con người. Khi sử dụng loại nhạc cụ này nghệ nhân đặt trống trước ngực. Ngoài ra, trống Baraưng còn có tính chất biểu tượng cho vũ trụ, sự vật hiện tượng liên quan đến đời sống tâm linh triết lý của con người, cụ thể như sau: Trống Baraưng cấu tạo có 12 tek (khóa) ngoài chức năng để căng mặt trống ra, nó còn biểu tượng cho 12 con giáp trong năm, và cũng là tháng trong năm. Trên mặt trống có một hình tròn biểu tượng cho trái đất hình tròn, trong hình tròn đó được chia thành hai màu: Màu đỏ tượng trưng cho Dương, màu xanh tượng trưng cho Âm. Như chúng ta đã biết, trong đời sống tâm linh của người Chăm, thuyết Âm - Dương chi phối rất lớn, mọi sự vật đều có Âm - Dương (Naow - Nay), trong Dương có Âm, và ngược lại. Xung quanh vòng tròn giữa trống có những hoa văn (Hla) như là lá sen đó là biểu tượng cho bốn phương tám hướng.

Đối với trống Ginăng, tính biểu tượng cho loại nhạc cụ này là đôi chân của con người. Trống luôn luôn dùng một cặp (1 đực, 1 cái) do hai nghệ nhân sử dụng, khi đánh họ ngồi đối diện nhau, hai chân chống đỡ lấy trống, trống được đặt chéo nhau theo hình chữ X, đầu cao đầu thấp. Như đã đề cập ở trên, trong thuyết Âm - Dương của người Chăm là trong Dương có Âm, trong Âm có Dương. Trong một cái trống Ginăng, mặt dùng dùi để đánh là Dương, và mặt dùng tay để vỗ là mặt Âm.

Tóm lại, nhạc cụ truyền thống của người Chăm rất phong phú và đa dạng, đặc biệt là bộ ba nhạc cụ (Saranai, Baraưng, Ginăng) là những nhạc cụ có vai trò hết sức quan trọng cấu thành nên âm nhạc truyền thống Chăm. Các nhạc cụ truyên thống của người Chăm không chỉ có giá trị về mặt âm nhạc học, mà còn có giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần, có quan hệ mật thiết với đời sống con người và thế giới xung quanh, và nó không thể thiếu được trong lễ nghi tín ngưỡng dân gian của người Chăm. Đó là sự quan hệ, gắn bó hết sức hữu cơ

2. Quá trình hình thành những điệu múa dân gian Chăm

Người Chăm có tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, những ngọn núi dòng song, cửa biển, cây cổ thụ…đều được họ xem là có linh hồn, có khả năng phù hộ độ trì hoặc có thể đe doạ cuộc sống của con người. Với trình độ tư duy đơn giản, trình độ khoa học chưa phát triển, người Chăm chưa lý giải được các hiện tượng tự nhiên như mây mưa, sấm chớp mà tất cả đều cho là quyền năng của thượng đế sinh ra. Vì vậy, để được may mắn, bình an, được mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà, tôm cá đầy khoang, con đàn cháu đống…thì họ tôn thờ các vị thần linh như thần núi (Patau Cơk), thần sông (Patau Ia), thần biển (Pô Riyak), thần mây, thần mưa, sấm chớp…họ phải làm lễ thờ cúng thần linh. Và múa chính là tiếng nói của họ đến với thần linh, tất cả những mong muốn của họ được gửi đến thần linh qua những điệu múa.

Trong sinh hoạt đời sống hàng ngày, người Chăm đã tạo ra những điệu múa mô phỏng những hình ảnh rất gần gũi với đời sống sinh hoạt hàng ngày của mình như đi biển, đi lấy nước, chống thú dữ…từ những điệu múa mô phỏng đời sống sinh hoạt đó, họ đã dùng để phục vụ cho những nghi lễ - lễ hội và phục vụ cho chính cuộc sống bản thân mình.

Chính từ tín ngưỡng dân gian và cuộc sống hàng ngày của mình mà người Chăm đã sáng tạo ra các điệu múa tương ứng với những vị thần. Theo tống kê thì người Chăm có tất cả 80 điệu múa và tương ứng với từng điệu múa là 80 vị thần của họ.

Giới thiệu về một số loại vũ điệu chăm

Vũ điệu múa Chăm thường bắt nguồn từ những động tác lao động, sinh hoạt thường ngày và đều phản ánh những ước vọng của con người trước thần linh, thiên nhiên và cuộc sống cộng đồng. Những điệu múa thể hiện sự cầu mong cho mưa thuận gió hoà, con cháu khoẻ mạnh, yên ổn làm ăn và thờ phụng tổ tiên, nhưng cũng có những điệu múa thể hiện ý chí quật cường sẵn sàng đương đầu mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống (múa roi).

Múa Chăm gồm có ba loại:

 Múa tôn giáo cũng diễn ra vào dịp lễ tết, nhưng trang trọng hơn, do các cô gái đồng trinh đội lễ vật múa ở đền, bày tỏ lòng tôn kính với các vị thần linh. Cho đến nay "múa bóng” được coi là mang đậm tính tôn giáo. Dàn nhạc đệm cho múa bóng là hai cái trống paranưng và một chiếc kèn saranai, còn vũ điệu khi múa phô diễn hết vẻ đẹp của con người.

Múa Cung đình hay còn gọi là múa tiên nữ Apsara, điệu múa này ngày xưa chỉ vua chúa mới được thưởng thức. Theo truyền thuyết Apsara là nữ thần của các cung nữ phục vụ các vị thần. Nhiều điêu khắc trên các hệ thống tháp Chăm hiện còn lưu giữ dọc vùng đất Nam Trung bộ đều có những hình tượng mô phỏng vũ nữ Apsara với những đường nét căng tròn, mềm mại, uyển chuyển.

Múa dân gian, còn gọi là múa cộng đồng, thường diễn ra vào các ngày lễ đầu năm, đầu mùa. Những điệu múa đặc trưng là đoá pụ (có nghĩa là đội nước, khi múa, những cô gái đội một cái bình trên đầu- đội đầu là một hình thức vận chuyển phổ biến của người Chăm), múa quạt, múa khăn, múa trống paranưng, múa roi, múa chèo thuyền. Múa chèo thuyền được coi là điệu múa lâu đời nhất của người Chăm, thể hiện sinh hoạt lao động vùng biển của con người. Múa dân gian Chăm tuy có nhiều điệu múa khác nhau nhưng nhìn chung có 4 điệu múa chính có mặt xuyên suốt trong nghệ thuật múa. Bốn điệu múa (4 động tác) được người Chăm sử dụng phổ biến là Biyên, Kmân, Mrai, Chron. Sau này những điệu múa trên đã được nâng cao và hình thành nên những điệu múa như Patra, Chaligia. Và cho đến ngày nay là điệu Biyên, điệu Chaligia, điệu Patra, điệu Chron chính là 4 điệu múa được sử dụng nhiều nhất trong múa Chăm. Mỗi điệu múa này có những nét riêng thể hiện đặc trưng theo tên gọi của mình. 

Theo truyền thuyết của người Chăm, ngày xưa dưới trần gian đầy rẫy ma quỉ, thú dữ… hoành hành cuộc sống con người. Thiên hoàng Pô Kuk sai con gái là Pô Ina Nưgar xuống trần gian để xây dựng xứ sở Chăm và cho sự sinh tồn của của người Chăm. Bà đã bốc 4 vì tinh tú và cho nở ra 4 con thượng cầm là chim công (Biyên), điểu cầm (Kmân), gà lôi (Mrai), và gà tây (Chron) để cùng các nàng tiên cưỡi xuống trần gian. Khi xuống đây bà đã chỉ cho người Chăm biết trồng dâu nuôi tằm, trồng lúa, dệt vải, dạy nhân dân chống lại thú dữ…tạo nên cảnh quốc thái dân an cho người Chăm. Khi nhìn những con chim bay lượn rất đẹp, người Chăm đã bắt chước các động tác của chim để sáng tạo 4 động tác mang tên 4 loài chim này. 

Qua truyền thuyết trên cho thấy, bốn điệu múa được biết đến là Biyên, Chron, Kmân, Mrai. Nhiều người cho rằng đây là 4 điệu múa cơ bản và có mặt trong hầu hết các lễ nghi - lễ hội Chăm. Tuy nhiên qua xác minh và tìm hiểu thì chúng tôi thấy có 4 điệu múa được xem là cơ bản, phổ biến và có mặt trong hầu hết lễ nghi - lễ hội Chăm. Đó là 4 điệu múa: Biyên (điệu múa công), Patra (điệu hoàng tử), Chron (điệu gà tây), Chaligia (điệu quý phái). Đấy là bốn động tác dành riêng cho nữ.

* Ragăm Biyên (Điệu múa công)

+ Tay: hai tay gần như ở giữa. Khi guộn xoè hai bàn tay đứng, lòng bàn tay ngửa về phía trước, từ từ chuyển giống như đuôi công xoè. Đây là động tác điển hình cho toàn bộ động tác múa dân gian Chăm, trong đó nó biểu hiện quy luật, đặc điểm, tính chất, phong cách của múa Chăm. 

Trên cơ sở động tác múa Biyên đã nảy sinh nhiều điệu, động tác múa quạt khác nhau. Mặc dù có sự khác nhau nhưng người xem vẫn bắt gặp quán xuyến và được bộc lộ rất rõ nét. Động tác múa Biyên được xem là có giá trị đặc sắc trong kho tàng nghệ thuật múa dân gian Chăm.

* Sự vận động các động tác múa Biyên: 

+ Hai tay cầm quạt xoè căng ra.

+ Hai tay duỗi thẳng để cách hông 10 phân.

+ Tay cầm quạt từ từ nâng lên theo điệu nhạc

+ Bật nhanh xuống và chuyển hướng

+ Động tác đưa tay ra phái trước (gần như là động tác xẩy thóc) 

Đối với người Chăm múa luôn gắn liền với nhạc. Khi âm nhạc vang lên thì ở đó có những người múa. Trong múa Biyên có điệu nhạc tương ứng là nhạc trống Biyên. 
 Ragăm Patra (Điệu múa hoàng tử)

Đây là điệu múa để diễ tả hình ảnh của vị hoàng tử trẻ người Chăm gọi là Pô Patra. Động tác múa trong điệu này được biểu diễn như sau:
Tay: hai tay về một bên, một tay ngang vai, một tay ngang đầu. Khi guộn hai tay cùng chiều. 

Ragăm Chron (Điệu múa gà tây)

Đây là điệu múa được mô phỏng theo hình ảnh của con gà tây. Điệu múa này được biểu diễn như sau:
Tay: tay cao, tay thấp ở hai bên. Khi guộn, đưa hai tay gặp nhau ở giữa gần thắt lưng, đâm thẳng mũi ở hai bàn xuôi hướng đất.

Nhạc trong điệu múa Chron: cũng được gọi theo tên tương ứng của múa đó là nhạc điệu Chron.

Ragăm Chaligia (Điệu quý phái)

Điệu múa quý phái được biểu diễn như sau:

Tay: một tay ở giữa, hai tay thấp, hai tay guộn cùng một lúc rồi chỉ mũi bàn tay xuống hướng đất.

Âm nhạc trong điệu Chaligia còn gọi là điệu Chalitai:

Dù múa với đạo cụ nào cũng sử dụng 4 động tác chủ yếu này, có thể thêm bớt chút ít về giác độ, nhưng vẫn giữ 4 động tác cơ bản mà trở thành quy định.

3.Mối quan hệ giữa nhạc cụ truyền thống của tộc người Chăm với nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Mã Lai – Đa Đảo ở Tây Nguyên

Các dân tộc Mã Lai – Đa Đảo trong quá trình sống đã có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa lẫn nhau kể cả văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần. Tuy nhiên trong số các dân tộc nói trên, tộc người Chăm có trình độ cao hơn về nhiều mặt từ cách thức xã hội, nghệ thuật, chữ viết… Do đó, văn hóa Chăm có sự ảnh hưởng mạnh mẽ sang các vùng, các tộc người xung quanh và lẽ dĩ nhiên, trong đó có thể có sự ảnh hưởng qua lại của các nhạc cụ truyền thống giữa các tộc người           .

Hệ thống nhạc cụ của người Chăm khá đa dạng. Tuy nhiên, trải qua quá trình sử dụng thì đã có một số ít nhạc cụ đã thất truyền và chỉ còn tồn tại ở các tộc người như Raglai, Êđê, Giarai, Churu…Trong các loại nhạc cụ hơi của các tộc người Raglai, Êđê… đáng chú ý là loại kèn bầu mà người Raglai gọi là rơkle, loại lớn hơn gọi là kuwach, còn người Êđê gọi là đinh năm, người Churu gọi là rơkel. Rơkle được cấu tạo từ 6 ống nứa nhỏ, có lưỡi gà, được gắn vào quả bầu khô và hàn kín bằng sáp mật ong. Rơkle cho 6 âm thanh tương ứng với các âm như: đô, rê, mi, son, la, si. Kèn của người Raglai, Giarai, Êđê…giống nhau ở chỗ có 6 ống: 4 ống hàng trên đảm nhiệm phần giái điệu, 2 ống ở phần dưới đảm nhiệm phần bè, đệm. Ngoài ra, còn phải kể đến tawao (Raglai), tawao còn thấy ở người Êđê với tên là đinh buôt chôc (ống khóc) hoặc đinh buôc mu-ing (ống hát), người Giarai gọi là vô-ông, người Chăm gọi là wao, người Churu gọi là kwao. Đó là chiếc sáo dọc có 4 lỗ, tiếng tawao trong sáng, mượt mà, bay bổng rất thuận lợi cho việc diễn tả tình cảm con người.

Một nhạc cụ hơi khác là kèn awach (tên gọi theo của người Raglai), người Chăm gọi là kadait. Awach là loại nhạc cụ được làm bằng sừng trâu, bò hay dê rừng. Sừng được cắt thủng hai đầu, đầu nhọn được dùi bằng lỗ nhỏ thông với phần rỗng của sừng để làm lỗ thổi, đầu lớn dùng sáp mật ong để đắp thành cái bầu nhỏ, có tác động cộng hưởng. Tiếng awach rất trầm, có độ vang xa. Awach không tham gia vào diễn tấu với các nhạc cụ khác mà chủ yếu vào công việc kêu gọi, ra hiệu lệnh hoặc gây không khí huyên náo.

Trong bộ dây, có 1 nhạc cụ đáng chú ý là đàn goong rel (theo tiếng Giarai). Tùy từng vùng, từng tộc người có tên gọi khác nhau. Người Raglai gọi là chapi hoặc chaping, người Chăm gọi là champi. Ngoài ra còn có k’ny, loại nhạc cụ dây kéo của Giarai, Êđê tuy nhiên, k’ny không có bầu cộng hưởng như đàn kanhi của người Chăm. Khi chơi đàn để khuếch đại âm thanh, người ta dùng 1 sợi dây, 1 đầu dây buộc vào dây đàn, đầu kia buộc vào 1 mảnh mo măng tre có hình tròn. Nghệ nhân phải ngậm toàn bộ mảnh tròn này vào miệng sao cho 1 mặt của nó sát vào hàng răng cửa và giữ cho dây tơ căng. Ở loại nhạc cụ này, người nhạc công thay đổi khẩu hình của mình làm biến dạng âm sắc của cây đàn. Âm lượng của k’ny rất nhỏ, âm thanh được phát ra nghe rất độc đáo, gần giống giọng của con người.           

Riêng bộ gõ của các tộc người Nam Đảo có rất nhiều nhạc cụ khác nhau. Cụ thể như hơgơr praung (tiếng gọi của người Raglai, Êđê), người Raglai gọi là sagar, người Chăm gọi là hagơr praung, người Churu gọi là sơgơr. Hagơr praung là lọai nhạc cụ có ống lớn thuộc loại nhạc cụ không định âm có âm thanh trầm, vang xa. Hầu hết các tộc người Nam Đảo dùng trống xưa kia đều tin rằng, tiếng trống mạnh mẽ, linh thiêng. Vì thế, nhiều nơi trống được cất giữ cận thận, chỉ đưa ra đánh vào các ngày hội và lễ.
Một loại nhạc cụ màng rung đáng chú ý khác là hơgơr tăk m’lia (hơgơr păk) là danh từ của tộc người Giarai để chỉ một loại trống nhỏ thường dành cho cá nhân sử dụng. Loại trống này không phổ biến ở các dân tộc Tây Nguyên. Đây là loại nhạc cụ giống hagơr xit của người Chăm. Hơgơr tăk m’lia có âm thanh 1 bên trầm có màu âm đục, 1 bên cao có màu âm vang thanh thoát hơn. Hai mặt có âm thanh khác nhau nên để diễn tả những tình cảm lắng đọng, sâu sắc.    

Nói đến cồng – chiêng (theo cách gọi của người Việt) hoặc ching – ceng (người Raglai), knah – ching (người Êđê), hoặc ceng đap – ceng tathuw (người Chăm) có nghĩa là chỉ hai loại: cồng có núm và chiêng bằng không có núm. Tuy nhiên, cũng với hai loại nhạc cụ này người Chăm có cách gọi ngược lại, nếu như cồng có núm được gọi là ching hay knah thì người Chăm gọi là sar. Còn chiêng gọi là che.

Cồng và chiêng là hai loại nhạc cụ rất đặc thù ở Việt Nam và Đông Nam Á. Vùng Tây Nguyên được xem là một trong những trung tâm cồng chiêng của Đông Nam Á. Hầu hết các tộc người cư trú trên địa bàn Tây Nguyên đều có dàn cồng chiêng của riêng mình. Có tộc người có đến 2-3 dàn chiêng cho các nghi lễ khác nhau. Người Êđê có chiêng knah, gồm 6 chiêng không có núm, 3 chiêng có núm và 1 hơgơr. Người Raglai có 1 dàn chiêng aráp, người Giarai, Chăm H’roi… có dàn chiêng trum. Âm thanh của cồng – chiêng trầm, vang vọng. Ching – cheng được sử dụng rộng rãi trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên, đặc biệt âm thanh của nó là ngôn ngữ giao tiếp với thế giới siêu nhiên.

Hệ thống nhạc cụ người Chăm rất đa dạng và phức tạp. Trong đó, có một số nhạc cụ có tên gọi, cấu tạo và chức năng tương tự như các nhạc cụ của các tộc người cùng ngữ hệ Nam Đảo ở Tây Nguyên. Đó là đàn bầu rabáp, kèn sừng kadait, sáo waw, trống hagơr, ceng – ching… nhưng đồng thời người Chăm cũng có những nhạc cụ rất độc đáo như kèn xaranai, trống ginơng, baranưng và đàn kanhi.Các tộc người thuộc ngữ hệ Mã Lai – Đa Đảo có sự tương đồng rất lớn trong văn hóa nghệ thuật qua một số loại hình nhạc cụ truyền thống. Sự tương đồng này trước tiên do những mối quan hệ gần gũi về nguồn gốc văn hoá Mã Lai – Đa Đảo, tiếp đến là do môi trường sống ngày xưa của các tộc người này khá gẫn gũi và giống nhau. Đặc biệt là quá trình sống, sinh hoạt và giao lưa tiếp biến văn hoá chính là yếu tố đặc biệt tạo nên sự tương đồng này.

Ngày nay, để tìm hiểu về hệ thống nhạc cụ Chăm không thể không tìm hiểu qua nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Mã Lai – Đa Đảo ở Tây Nguyên để có những so sánh, đối chiếu và trong tương lai cũng có thể phục hồi lại một số nhạc cụ đã thất truyền của người Chăm. Đây cũng là sự góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc.

Như vậy, nhạc cụ truyền thống của người Chăm và các tộc người Mã Lai – Đa Đảo ở Tây Nguyên có mối quan hệ rất gần gũi nhau khôngchỉ về cấu trúc, hình dáng, chức năng mà cả âm thanh, thang điệu. Tuy nhiên, mỗi tộc người lại có những nhạc cụ đặc trưng của riêng mình. Điều này cho thấy được yếu tố thống nhất trong đa dạng về các loại nhạc cụ truyền thống của tộc người Chăm với các tộc người Mã Lai – Đa Đảo ở Tây Nguyên.

 

KẾT LUẬN

 

Di sản văn hóa vật chất từ đền tháp, đồ tế tự như áo quần, võng lộng, kiệu khiêng đến thức ăn truyền thống và nhạc cụ… tồn tại trong lễ hội Chăm không chỉ là biểu hiện dưới dạng vật chất đơn thuần mà nó là biểu tượng tâm linh mang ý nghĩa tổng hòa. Sự tổng hòa ấy là sự gắn kết với nhau, quan hệ nhiều với nhau trong một không gian linh thiêng. Đó là mối quan hệ giữa con người với cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan di tích; mối quan hệ giữa con người với tâm linh; mối quan hệ giữa con người với các biểu tượng (vật thờ, tượng thờ) và mối quan hệ giữa con người với nhau… Toàn bộ những mối quan hệ đó chuyển hóa bổ sung lẫn nhau, để rồi chắt lọc, cô đúc, tinh chất lại thành những dạng thức vật chất trong lễ hội Chăm.

Âm nhạc của người Chăm nó chung không những là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc mà nó còn làm phong phú thêm nên văn hóa Việt. Nhưng phong tục, ước vọng, mong muốn sống chan hòa với tự nhiên đã đượcngười Chăm thể hiện trong những nhạc cụ, những điệu múa.

 Với ý nghĩa đó âm nhạc của người Chăm trở thành nơi bảo tồn văn hóa vật chất của người Chăm khá đồ sộ, là bảo tàng dân gian sống động đáp ứng đời sống tinh thần của người Chăm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

DANH SÁCH NHÓM 6

1.      Nguyễn Thanh Tùng

2.      Nguyễn Thị Thu Huyền

3.      Nguyễn Hải Yến

4.      Trương Văn Thạnh

5.      Phạm Văn Tuân

6.      Đinh Thị Vượng

7.      Ôn Minh Hiền Vi

8.      Lê Thị Tuyết

9.      Trần Văn Vịnh

10.  Hoàng Đình Truyền

11.  Phan Ngọc Trung

Chủ đề: TÀI LIỆU HỌC TẬP | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86
Lượt xem: 854 | Tải về: 27 | Rating: 0.0/0
Tổng số ý kiến: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm các ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==