Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 5, ngày 02/05/2024, lúc 3:49 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » Articles » Non nước Việt Nam

Tết cơm mới của đồng bào Pacô
Ở vùng cao A Lưới, thời điểm cuối Thu là lúc thu hoạch lúa, kết thúc việc nương rẫy. Đây cũng là lúc đồng bào Pacô, tiến hành lễ hội hết sức quan trọng của một năm: lễ Aza. Đó là Tết cơm mới của đồng bào Pacô.

Lễ Aza đánh dấu thời điểm kết thúc của một năm làm việc và mở ra một năm làm việc mới. Aza của tất cả các làng ở A Lưới thường được tổ chức trong tháng 10 Âm lịch, song thời gian tiến hành của mỗi làng có khác nhau, vì ngày tổ chức do làng quyết định. Ông Quỳnh Hồ, Trưởng làng Te Đụt, xã Hồng Trung, huyện A Lưới cho biết: "Sau khi mọi nhà đều tuốt lúa xong thì chúng tôi cúng Aza. Đó là cúng các Giàng đã phù hộ cho gia đình, làng xóm. Từ đời ông, cha đều tổ chức Aza, nên đến nay chúng tôi tiếp nối. Cứ đến tháng 10 là chúng tôi tổ chức, làng quy định thế. Qua lễ Aza, để thể hiện sự đoàn kết của các gia đình trong làng mình”. Trong số các lễ hội của đồng bào Pacô, lớn nhất là lễ hội Ariêu Pi-ing và thứ nhì là Aza. Do vậy, mỗi khi làng tổ chức, con em trong làng dù làm ăn xa cũng quay về để cùng đón lễ Aza với gia đình, làng xóm. Khác với lễ hội Ariêu Pi-ing (tổ chức cúng tập thể), Aza chú trọng đến từng gia đình, dòng họ riêng trong nghi lễ.



Anh Hồ Văn Ngoan, Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao huyện A Lưới cho biết: "Trước ngày tổ chức Aza, người Pacô lên nương hoặc ra những mảnh ruộng của mình để tuốt những gốc rạ còn lại. Đó là sự tri ân cây lúa đã mang lại cái bụng no cho dân làng với những chén cơm trắng và mùa màng bội thu”. Từ tối ngày mồng 5 đến sáng ngày 6 tháng 10 Âm lịch, người làng Te Đụt chuẩn bị những lễ vật để cúng Aza. Nào là cơm trắng, xôi, bánh aquat, nào dê, heo, gà, vịt… Ngoài những thứ đó, lễ vật linh thiêng và không thể thiếu để thực hiện một nghi lễ trong quá trình tổ chức Aza là tânghọt – một loại hoa làm từ tre, và những tấm dzèng. Nhà nào cũng muốn mang những lễ vật quý nhất để dâng cúng thần linh.

Sau khi các gia đình đã chuẩn bị xong, thanh niên trai tráng của làng thừa lệnh trưởng làng đánh lên những tiếng kẻng báo hiệu thời khắc Aza đã đến. Anh Hồ Văn Ngoan nói rằng: "Ngày xưa, người ta dùng mõ tre hoặc trống da dê để đánh báo hiệu, bởi khi đó người trong làng còn ít và ở quanh nhà trưởng làng. Nhưng nay, người làng đông hơn và đến ở những nơi xa hơn, vì vậy phải dùng kẻng mới báo hiệu được”. Sau tiếng kẻng ngân vang, nhà nhà trong làng thắp hương, đốt đèn và bắt đầu cúng thần linh. Các thần linh được cúng trong lễ Aza bao gồm: Giàng Tro (giống như thần Nông của người Kinh) đại diện cho cây trồng; Giàng Pơnanh - thần Chăn nuôi, đại diện cho gia súc; Giàng Panuôn – thần Buôn bán; Giàng Sưtarinh – thần Đất, đại diện đất đai và thời tiết. Mỗi gia đình, dòng họ có Giàng riêng của mình cũng được cúng trong dịp này.

Tại lễ Aza, những tấm dzèng được treo tạo thành một gian hành lễ. Mỗi gia đình có cách treo các tấm dzèng khác nhau. Lễ vật được bày la liệt. Bánh aquat – được đặt trên bàn lễ rất trang trọng. Ở từng lễ vật, những cành hoa tre – tânghọt màu trắng được cắm lên trên. Trong khi tạ ơn các Giàng, tên Giàng và những lời tri ân năm cũ, cầu mong năm mới được mọi người xướng lên liên tục 3 lần, đến khi nào tất cả các Giàng đều được cúng thì thôi. Ông Cu Đanh, làng Te Đụt, xã Hồng Trung nói: "Chúng tôi làm lễ Aza một năm một lần để cầu mong nương rẫy xanh tươi, mùa màng bội thu, nhà cửa bình an, mọi người trong nhà khoẻ mạnh. Mong sao sang năm mới có nhiều điều phát đạt, no ấm, con cái học hành tiến bộ hơn...”.

Sau khi tổ chức cúng Giàng trong nhà xong, mỗi gia đình lấy một phần lễ vật mang đến nhà sinh hoạt cộng đồng để góp lễ chung vui với mọi người trong làng. Đồng thời, tổ chức cúng Giàng chung của làng. Đó là những vị thần bảo hộ cho làng và những người thành lập làng. Điều này tương tự đồng bào Kinh tổ chức lễ Thu tế để tưởng nhớ thành hoàng làng.

Tổ chức cúng Giàng chung của làng xong, trưởng làng đánh chiêng báo hiệu sự mừng vui của làng cho mùa mới, năm mới bắt đầu. Tiếng chiêng được hoà âm bởi tiếng trống da dê của một thanh niên khác. Điều này thể hiện sự chuyển giao đất trời và sự tiếp nối qua thời gian đối với các truyền thống của làng. Nam thanh nữ tú trong làng bắt đầu đi vòng quanh nơi cúng Giàng của làng và múa điệu Pơchiêngcoon, điệu múa đầu tiên trong lễ Aza của đồng bào Pacô. Và, để tái hiện công việc nương rẫy của một mùa đã qua, các cô gái trong làng lại múa điệu tuốt lúa. Điệu múa đó cũng thể hiện mong muốn mùa rẫy mới được bội thu hơn.

Một mùa lúa đã qua và một mùa mới bắt đầu. Đó cũng là năm mới với đồng bào Pacô. Aza không có sự hoành tráng và đông đảo người dân ở các làng khác tham gia như Arieu Pi-ing, nhưng ở đó, đồng bào Pa cô có niềm tin về sự no ấm mà mùa lúa mới, mùa rẫy mới sẽ mang lại. Lê Văn Nhơn, một thanh niên làng Te Đụt nói: "Aza thể hiện sự tiếp nối truyền thống ông cha đã truyền lại, nên chúng em sẽ giữ gìn nó cho hôm nay và cho cả đời sau…”.

Chủ đề: Non nước Việt Nam | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 (21/05/2011)
Lượt xem: 500 | Đánh giá: 0.0/0
Tổng số ý kiến: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm các ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==