Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 26/04/2024, lúc 1:45 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 19 » Lễ Hội Bắc Kạn
10:23 PM
Lễ Hội Bắc Kạn

Lễ Hội Bắc Kạn

CÁC NGHI LỄ TRONG HÔN NHÂN - BẮC KẠN

 

Các nghi lễ trong hôn nhân của người Nùng Bắc Kạn: 
Hôn nhân của người Nùng phải tuân thủ theo các bước như sau: Gặp gỡ hai họ, người Nùng cho phép con cái được tự do lựa chọn chồng, vợ cho mình, sau đó phải được bố mẹ đồng ý và gặp gỡ đôi bên cho "danh chính ngôn thuận”, nếu không sẽ bị xem là tự ý, không theo khuôn phép, làng xóm sẽ chê bai và coi rẻ. Cuộc gặp này do chính cha mẹ người con trai hoặc người đại diện nhà trai đến gặp gỡ bố mẹ cô gái. Nếu thuận lợi cha mẹ chàng trai sẽ tiến hành lễ dạm hỏi.

Lễ dạm hỏi được tiến hành vào ngày chẵn theo âm lịch, nhưng cũng kiêng những ngày cấm kị. Nhà trai trình bản so mệnh hợp nhau của đôi trai, gái sau đó nhà trai xin bản lục mệnh chính thức (lá số tử vi) của cô gái. Bản lục mệnh này được viết trên giấy hồng điều. Như vậy lễ đính hôn chính thức được công nhận. Người Nùng Phàn Sình quan niệm rằng nếu trên đường đi làm lễ dạm hỏi gặp rắn là tốt nếu gặp người đàn bà gội đầu hoặc nghe thấy tiếng tu hú kêu trên đường đi là gặp điều xui xẻo. Lễ ăn hỏi được tiến hành sau lễ dạm hỏi ít nhất một vài tháng. Đó là ngày lễ trang trọng để định ngày ăn hỏi cho nhà trai đưa ra. Để nhà gái có thời gian chuẩn bị mời họ hàng xa gần, bạn tồng tới dự, nhà trai báo trước khoảng 1 tháng. Trong ngày này nhà trai, nhà gái bàn những việc hệ trọng như: Định lễ vật cưới là những gì, của hồi môn, ngày, tháng, năm cưới, ngày giờ đón cô dâu… Lễ ăn hỏi thường gồm đôi gà sống thiến, rượu, thịt lợn, gạo nếp, và bánh dày. Cùng đi với gia đình, họ hàng nhà trai là ông mối. 
Vì ăn hỏi sớm, lại không cưới ngay trong ngày tết truyền thống của người Nùng phía nhà trai phải tuân theo tục lệ sêu tết nhà gái. Tục sêu tết này là điều khẳng định sự gắn bó giữa hai gia đình, là cách làm thân giữa hai họ. Người Nùng có hai ngày tết cổ truyền là Tết Nguyên đán và Tết Rằm tháng bảy âm lịch. Nhà trai phải sêu tết đều đặn các ngày này như nhau cho đến ngày làm lễ cưới. Theo phong tục, Tết Nguyên đán vào đầu xuân nên nhà trai phải mang lễ vật là hai con gà sống thiến to và béo. Tết Rằm tháng bảy vào mùa hè phải sêu bằng vịt bầu to, béo mập, vài ống gạo nếp, hai cân thịt lợn, hai chai rượu trắng. Lễ vật phải mang đến nhà gái trước các ngày tết từ 5 đến 7 ngày. Đến lễ báo ngày cưới, nhà trai mang lễ vật gồm: thịt, gạo nếp, rượu, bánh dày trên hai chiếc mâm, bày ra để họ hàng nhà gái chứng kiến. Trước đông đủ họ nhà gái, nhà trai trao số tiền mặt đã được quy định trong lễ ăn hỏi cho nhà gái để nhà gái mua sắm thêm: Chăn màn, quần áo, hòm, giường, chậu thau, mâm đồng, bát đĩa…Chính lễ báo ngày cưới này xác định không thay đổi về ngày làm lễ cưới, giờ đón dâu. 
Trước kia, ở lễ cưới hai bên nhà trai, nhà gái ăn uống linh đình suốt ba ngày, giờ đã giảm đi nhiều.Tập quán chung của người Nùng là ngày đầu ăn cưới ở nhà gái, sang ngày thứ hai ở nhà trai nhưng nhiều nơi tiến hành giống như lễ cưới của người Tày. Đến Lễ đón dâu, đưa dâu, nhà trai sang nhà gái thành đoàn, dẫn đầu là ông mối hoặc bà mối, rồi đến chú rể và các bạn chú rể, hai chàng trai khiêng một con lợn quay vàng óng, một cậu con trai gánh xôi, một cô gái gánh tám con gà sống thiến, một con gà luộc, một dải lụa hồng và một mảnh vải đẹp, bước ra khỏi nhà kiêng kị không ai được giẫm lên bậc cửa. Dân tộc Nùng có tục chăng dây đòi tiền đón dâu. ở đầu xóm lũ trẻ chăng dây ngang lối đi đòi nhà trai cho tiền mừng mới mở đường. Đàn ông trong đoàn nhà trai được ngồi ở gian ngoài dành cho nam, các cô và các cháu bé mang sính lễ vào nhà rồi ngồi ở gian dành cho nữ. Lễ trình tổ tiên, thầy đón rể và thầy đưa rể đứng trước bàn thờ, chú rể đứng giữa. Châm hai ngọn nến lên bàn thờ. Họ hàng nội ngoại cô dâu ngồi thành hai hàng trước bàn thờ theo thứ tự trong họ tộc. Chú rể vái họ hàng nhà gái và mời trầu cau cho nữ, mời rượu cho nam theo thứ tự. Mọi người mừng lại chú rể chủ yếu bằng tiền. 

Khi đưa dâu theo phong tục chiếc ô che đầu luôn là thứ che chở cho cô dâu khỏi sự quấy nhiêu của tà ma. Tới cửa nhà trai, người bên nhà trai làm lễ tẩy trần cho cô dâu. ông chú hay bác rể dùng cành lá bưởi vẩy vài giọt nước vào chân cô dâu. Cô dâu đến bàn thờ tổ tiên lễ và họ hàng bên nhà chồng cùng ngồi hai bên theo thứ tự giống như ở nhà gái. Cô dâu lễ họ hàng và mỗi người trong họ hàng đều mừng tiền cho cô dâu. Ba ngày sau hôm cưới, đôi vợ chồng trẻ về thăm bố mẹ vợ gọi là lễ lại mặt. Lễ vật mang theo gồm đôi gà sống thiến, thịt lợn, rượu, một ít xôi, chè, thuốc lá. Chàng rể ở lại nhà vợ một ngày và đi thăm khắp họ hàng nhà vợ để nhận mặt. Khi đôi vợ chồng trẻ trở lại nhà trai thì nhà gái sẽ chia một nửa số lễ vật trên để nhà trai đem về chia cho họ hàng. 
Ngày nay nhiều thủ tục rườm rà trong hôn lễ của người Nùng đã được rút gọn, trai gái có thời gian tìm hiểu và đến với nhau bằng tình yêu. Hầu hết các đôi trai gái khi kết hôn đều đủ tuổi kết hôn, các nghi lễ được rút gọn, việc cưới xin đã từng bước theo lối sống mới, không cầu kì, tốn kém./.(internet)

 

 

__________________________________________

HÁT LƯỢN - BẮC KẠN

Hát Lượn — một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc ở Bắc Kạn: Lượn có 3 thể khác nhau là lượn Cọi, lượn Slương, lượn Nàng ới. Trên địa bàn cư trú của người Tày Bắc Kạn, lượn Cọi phổ biến hơn cả, đậm dần từ vùng giữa sang phía Tây, nhạt dần từ phía Đông lên Đông Bắc. Lượn Slương thịnh hành ở mạn Đông, Đông Nam và lan đến vùng Trung, Trung Nam. Lượn Nàng ới chủ yếu phát triển ở vùng Bằng Khẩu — Ngân Sơn. 
Các bài hát lượn thường phản ánh về lịch sử của các tộc người, có phần thuộc truyền thuyết xa xưa, có phần thuộc về thế giới thần linh, lại có cả phần phản ánh về cuộc sống lao động sản xuất, chỉ ra những nét sinh hoạt xã hội cúng như là các lễ hội dân gian. Đây là thể loại hát giao duyên phổ biến nhất của dân tộc Tày — Nùng, gồm hai phía hát đối nhau: một bên nam-một bên nữ, hoặc một bên chủ — một bên khách diễn ra ngay trong nhà, thu hút già trẻ, trai gái đến thưởng thức. 
Trong dân ca dân gian của dân tộc Tày tỉnh Bắc Kạn, có hai loại lượn giao duyên chính, đó là lượn Cọi và lượn SLương. Nội dung của lượn Cọi và lượn SLương gần giống nhau, đề tài phản ánh chủ yếu là hình ảnh con người, ca ngợi con người với tình yêu nam nữ, ca ngợi thiên nhiên và cảnh vật, cuộc sống lao động sản xuất, hay hát về 4 mùa trong năm. Cũng có khi hát các bài lượn mượn cốt của một số truyện cổ tích. Hình thức diễn xướng là sự đối đáp giữa chủ và khách. Cả hai loại đều mang tính công khai, hội lượn ở trong nhà, bất kể ngày đêm. 
Hai loại lượn này đều vận dụng thể thất ngôn nhưng thanh điệu và vần bằng, trắc khác nhau. Ở lượn Cọi thì từ thứ 5 câu sau vần với từ cuối của câu trước, nhờ đó các cung lượn cứ kéo dài thành bài bản. Còn lượn SLương laị sử dụng lối thơ 4 câu, các từ cuối câu1,2,4 đều vần bằng với nhau. Về giọng ngâm cũng khác hẳn, một đằng thì vút cao hạ nhẹ (lượn Cọi), một đằng thì trầm lắng ưu tư (lượn SLương). Cả hai loại lượn này đều phục vụ việc xướng hát giao duyên, như một nhịp cầu mắc nối để hai bên trai gái tìm hiểu nhau từ lúc xa lạ ban đầu, rồi có thể nên bạn, nên duyên sau này. Đôi khi gia đình chủ động tổ chức các đôi trai gái hát cho vui cửa, vui nhà, để gia đình làng bản thưởng thức. Hiếm khi họ hát ngoài đường, ngoài chợ. Lượn Cọi và lượn SLương đã từng được đồng bào Tày sáng tạo, lưu truyền, hát và thưởng thức, tồn tại với cuộc sống sinh hoạt của họ. (internet)

 

__________________________________________

CHỢ TÌNH DƯƠNG XUÂN - BẮC KẠN

Chợ tình Xuân Dương, huyện Na Rỳ (Bắc Kạn): Đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào dịp cuối tháng ba âm lịch, đồng bào các dân tộc vùng cao huyện Na Rỳ tỉnh Bắc Kạn lại náo nức mong chờ một ngày hội lớn của quê hương mình-ngày hội chợ tình Xuân Dương. Phiên chợ đặc biệt chỉ diễn ra vào một ngày duy nhất trong năm: ngày 25 tháng 03 âm lịch. 
Từ sáng sớm tinh sương, trên khắp mọi nẻo đường của núi rừng đã thấp thoáng bóng người tìm đến hội. Đồng bào các dân tộc từ các bản làng lặn lội tới đây không phải để mong chờ sẽ bán hay mua được thứ hàng hóa cần thiết cho mình nhưng ai cũng náo nức trong lòng. Có lẽ là bởi ai ai khi đến với chợ tình Xuân Dương đều đã hiểu được ý nghĩa sâu sắc của phiên chợ duy nhất trong năm này. Nét đặc biệt mang tính truyền thống từ xa xưa của phiên chợ tình ở Xuân Dương là chợ họp không có người mua, người bán. Những người đến đây chỉ để tìm lại bóng dáng người xưa, trao đổi tâm tình. 
Chơi quay tại chợ Xuân Dương.Truyền thống đặc biệt đó của chợ tình Xuân Dương được bắt nguồn từ một câu chuyện xa xưa của đồng bào dân tộc nơi đây. Truyện kể rằng, ngày xưa, tại vùng đất họp chợ bây giờ, có đôi vợ chồng nghèo thương yêu nhau nhất mực. Một ngày nọ, hai vợ chồng cùng làm đồng, chồng cuốc cuối ruộng, vợ phát cỏ nơi đầu ruộng. Một viên quan đi qua thấy người phụ nữ đẹp đã cho quân bắt nàng mang đi. Người vợ chống cự, kêu cứu thảm thiết nhưng do thửa ruộng quá dài, người chồng không nghe thấy. Nhiều năm sau, người vợ tìm về gặp lại chồng cũ. Lúc ấy, mỗi người đã có một gia đình riêng của mình, không thể tính đến chuyện hàn gắn, họ chỉ còn biết ôm nhau khóc. Dân làng biết chuyện ai nấy đều cảm động. Và từ đó, không ai hẹn trước nhưng cứ vào ngày 25/03 âm lịch hàng năm, những đôi trai gái lỡ duyên lại tìm đến Nà Lỳ(ruộng dài) để gặp lại nhau, ôn lại chuyện xưa. Để rồi sau ngày duy nhất trong năm ấy, họ lại mỗi người mỗi ngả, trở về với cuộc sống riêng của mình, hẹn ngày này sang năm tái ngộ. Tháng tiếp tháng, năm qua năm, nơi đây đã hình thành nên một phiên chợ đặc biệt như thế… 
Năm tháng trôi qua, bên bếp lửa nhà sàn, các thế hệ đồng bào dân tộc vùng cao Na Rỳ đã tiếp truyền lại cho nhau câu chuyện tình nghĩa vợ chồng đầy cảm động. Và đó cũng là ngọn lửa âm ỉ cháy giúp lưu giữ đến muôn đời nét văn hóa truyền thống quý báu của đồng bào dân tộc vùng cao Na Rỳ. 
Ngày nay, hoạt động giao thông đã thuận lợi, Chợ tình Xuân Dương không chỉ đón đồng bào dân tộc nơi đây tìm đến với hội chợ để chia sẻ tâm tình mà hội chợ còn thu hút được sự quan tâm của du khách từ khắp các địa phương trong cả nước. Họ đến đây với mong muốn tìm hiểu truyền thống của lễ hội, chứng kiến các sinh hoạt trong ngày hội mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây. 
Người đến với ngày hội chợ tình Xuân Dương sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sắc của người vùng cao như cơm lam, thắng cố, mèn mén, thịt treo, bánh dầy ngô…, được chiêm ngưỡng nét đẹp từ các bộ trang phục của đồng bào dân tộc: Những chiếc áo chàm của người Tày, Nùng, những bộ váy áo thêu tay sặc sỡ sắc màu của người H’Mông nổi bật giữa núi rừng…Chợ còn nhộn nhịp với những sinh hoạt văn hóa đậm chất dân gian như : Múa khèn, tung còn, hát sli, hát lượn, các trò chơi đẩy gậy, kéo co… 
Chợ tình Xuân Dương, ngày hội văn hóa lớn của đồng bào dân tộc vùng cao Na Rỳ, Bắc Kạn đang ngày càng được chính quyền tỉnh Bắc Kạn quan tâm. Năm 2009, chợ tình Xuân Dương đã vinh dự được UBND tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thống nhất chọn là nơi diễn ra buổi Lễ công bố "Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam” nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. 
Chợ tình Xuân Dương-nét văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc huyện Na Rỳ tỉnh Bắc Kạn còn làm say lòng biết bao thế hệ đồng bào nơi đây và thu hút sự viếng thăm của nhiều du khách trên khắp mọi miền đất nước mỗi lần "đến hẹn lại lên” ngày 25 tháng 03 âm lịch. (internet)

 

__________________________________________

ÂM ĐIỆU SÁO H'MÔNG

Mượt mà âm điệu sáo H’Mông: Những chàng trai H’mông khi sinh ra đã được nghe tiếng sáo, lớn lên cùng tiếng sáo. Sáo là người bạn trên đường đi nương rẫy, là tiếng nói của con tim tìm đến với người thương. 
Sáo H’Mông có khả năng diễn tả ngôn ngữ của người H’Mông, thay họ nói lên tình cảm trong lòng. Sáo H’Mông cổ truyền làm bằng ống nứa dày hoặc trúc, dài khoảng 20cm và có đường kính khoảng 0,7cm. Trên 1 đầu ống có lưỡi gà đồng, còn trên thân ống có từ 2 đến 4 lỗ bấm nằm cùng hàng. Lưỡi gà đồng còn được gọi là "lam”, hình tam giác cân được khía ra trên 1 miếng đồng mỏng hình chữ nhật. 
Người ta cài miếng đồng này vào thân sáo và dùng sáp ép lại cho khỏi xê dịch. Người diễn ngậm cả đầu ống có lưỡi gà vào 1 bên miệng để thổi. Ở phía dưới có một lỗ bấm nằm giữa lỗ bấm đầu và lỗ bấm thứ hai phía trên. 
Ngày nay, loại sáo H’Mông cải tiến có thân ống to hơn, đường kính khoảng 2 cm và dài đến 45cm. Sáo được khoét tổng cộng 9 lỗ bấm, người thổi chỉ cần áp phần thân ống có lưỡi gà vào miệng rồi dùng đôi môi bịt quanh lưỡi gà để thổi. khi những lỗ bấm được bịt hoặc mở chúng sẽ phát ra âm thanh cao thấp khác nhau, tạo được những nét đặc trưng riêng của tiếng sáo H’Mông. 
Âm sắc của sáo H’Mông trong trẻo, mượt mà, tuy nhiên còn có cả âm rè. Nếu người thổi không tạo ra được âm sắc cổ truyền của người H’Mông thì đồng bào H’Mông không công nhận đó là tiếng sáo của người mình vì nó không nói được tiếng H’Mông. 
Sau những giờ phút lao động, tiếng sáo trong trẻo lượn trên khắp triền núi như xua tan đi mệt mỏi. Trong những phiên chợ ngày xuân, hay những đêm trăng sáng, tiếng sáo lại trở thành phương tiện giao duyên hữu hiệu của các chàng trai đối với các cô gái trong bản làng. (internet)

 

__________________________________________

HÁT THEN - BẮC KẠN

Hát then, Đàn tính - Di sản nghệ thuật truyền thống độc đáo: Là một di sản nghệ thuật truyền thống độc đáo của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lạng Sơn….và một số ít ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, then được lưu giữ, phát triển thành một không gian văn hóa hát then – đàn tính hết sức đồ sộ về khối lượng, phong phú về thể loại, đa dạng về hình thức biểu diễn. Cùng với sự phát triển của các tộc người trong quá khứ và hiện tại, then mang dấu ấn nền văn minh nhân loại. 
Hát then, đàn Tính - "đặc sản văn hóa dân gian” vùng cao phía Bắc. Trải qua thời gian, điệu hát Then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu là linh hồn trong đời sống văn hóa của bà con nơi đây. Nhưng để điệu hát Then phát triển đến ngày hôm nay, một phần lớn nhờ công của những con người đã gìn giữ, thổi hồn vào điệu hát Then độc đáo này. Theo quan niệm dân gian, Then có nghĩa là Thiên, Thiên tức là "trời”, được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Chính vì thế, trong đời sống của người Tày cổ, nó được dùng trong những sự kiện trọng đại hay lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn…Đồng bào Tày quan niệm, những điệu then giúp gửi lời cầu khấn đến nhà trời. 
Bắc Kạn cũng là một trong những nơi nghệ thuật hát then, đàn tính được bảo tồn và phát triển. Ở mỗi vùng làn điệu Then lại có những nét độc đáo riêng: Then Lạng Sơn dìu dặt tha thiết, Then Tuyên Quang dồn dập như thúc quân ra trận, Then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng một, Then Bắc Kạn như chuyện kể thầm thì... 
Trong hầu hết các trình văn hóa, nghệ thuật quần chúng Bắc Kạn, tiếng đàn tính, câu hát then là một trong những tiết mục không thể thiếu. Nhưng nói đến việc bảo tồn hát then, đàn tính ở Bắc Kạn thì đầu tiên phải kể đến các nghệ nhân, như ông Lưu Đình Bạo một nghệ nhân cao tuổi xã Dương Quang, thị xã Bắc Kạn, người đang giữa một kho tàng Then cổ. Việc lưu truyền loại hình Then bản địa, ông Bạo hiện đã truyền lại cho 2 người con trai trong gia đình những bài Then cổ truyền thống và đặc sắc nhất, trong gia đình ông đã 8 đời theo nghề hát. Hầu hết những bài Then phổ biến mà ông vẫn thường sử dụng chính là sản phẩm mà được truyền lại từ thế hệ đi trước. 
Cán bộ ngành văn hoá ở tỉnh Bắc Kạn đều biết đến ông Ma Văn Vịnh - người thôn Phiêng Giường, xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, người có công gìn giữ nhiều bài then Tày cổ. Hiện nay, kho tư liệu then của ông đã có hơn 100 bài. Trong đó có những bài quý hiếm của lễ Lẩu then (lễ cấp sắc của nhà then), then Đệ cộ. Ông đã sưu tầm được 36 kiểu hát then, một số bài có thể hát theo nhiều kiểu. Người già tìm đến Câu lạc bộ then bản Tinh để nói chuyện với ông, lũ trẻ trong thôn, bản tìm đến ông để học đánh đàn tính và hát then. Ông Vịnh còn là một nghệ nhân làm đàn nổi tiếng. Trong hai năm gần đây, ông đã làm trên 200 cây đàn tính, sản phẩm làm ra không đủ bán. 
Nhằm lữu giữ và phát huy nghệ thuật của hát Then, đàn Tính, Sở VH - TT và DL Bắc Kạn đã tổ chức mời các nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy loại hình nghệ thuật này cho thế hệ trẻ. Các cấp, ngành và nhân dân Bắc Kạn tiếp tục duy trì nghệ thuật này không chỉ trên sân khấu mà còn diễn trong ngày lễ tết, tổ chức cầu an, cầu may, chúc thọ… Đồng thời, tỉnh còn gắn hát Then - đàn Tính với làm du lịch, vừa góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giúp đồng bào có công ăn việc làm cải thiện cuộc sống, vừa tăng thêm phần hấp dẫn đối với du khách khi đến với Bắc Kạn. (internet)

 

__________________________________________

TẾT ĐẮP NỌI - BẮC KẠN

Tết đắp nọi - Bắc Kạn: Vào ngày 30 tháng Giêng hàng năm, đồng bào Tày ở Bắc Kạn tổ chức Tết đắp nọi (đắp nọi nghĩa là ăn Tết lại). 
Theo phong tục truyền thống xưa, người Tày thường đi chơi hết tháng Giêng, từ nhà này đến nhà khác, bản này đến bản khác. Sau đó quay lại nhà mình "ăn Tết lại” để đánh dấu kết thúc tháng ăn Tết, kết thúc cuộc vui, bắt đầu vào một mùa lao động mới. 
Tất bật chuẩn bị ngày Tết đắp nọi của gia đình mình, anh Nông Văn Hóa, ở thôn Nà Lừu, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể cho biết: "Những ngày này các gia đình người Tày thường nấu rượu, gói bánh chưng, mổ gà, đồ xôi... làm mâm cỗ cúng tổ tiên, sau đó làm bánh trôi, bánh khúc (gọi là pẻng khúa, loại bánh làm bằng bột nếp trộn với lá rau khúc hái ở ruộng cạn rồi cho vào chảo mỡ rang lên). Ngoài ra còn làm thêm bánh rán, bánh lá ngải." 
Hiện nay, hầu hết các gia đình người Tày ở tỉnh Bắc Kạn đều tổ chức Tết này. Nhưng trước đó, các gia đình đã bước vào sản xuất từ mùng 4, mùng 5 Tết. Riêng các lễ hội tổ chức đến mùng 10 tháng Giêng. 
Tết đắp nọi được tổ chức là dịp gặp gỡ giao lưu của các gia đình, dòng họ đồng thời có ý nghĩa nhắc nhở mọi người cùng phấn đấu lao động, sản xuất cần cù trong vụ mùa mới, con cháu chăm học tập, lao động. (internet)

 

Nguồn: saigontoserco

Chủ đề: Lễ hội miền Bắc | Lượt xem: 894 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==