Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 3, ngày 16/04/2024, lúc 8:01 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 06 » 13 » Hồ Chí Minh - đại sứ của Việt Nam trên toàn cầu
1:03 PM
Hồ Chí Minh - đại sứ của Việt Nam trên toàn cầu
Hồ Chí Minh - đại sứ của Việt Nam trên toàn cầu
Năm 1990, vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi UNESCO - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (LHQ) công bố nghị quyết biểu thị lòng tôn kính đối với một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp tự do độc lập, "anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam… và "là một trong những lãnh tụ có ảnh hưởng nhiều nhất của các dân tộc ở thế kỷ XX”… thì những người nghiên cứu về Hồ Chí Minh đã tự thấy phải điều chỉnh tầm quan sát của mình để không chỉ thấy công lao của Người đối với dân tộc Việt Nam mà còn phải thấy "Người đã góp phần thay đổi diện mạo hành tinh chúng ta” (tuần báo Time-2000-Hoa Kỳ).

Do nhu cầu tạo ra một phương thức hành động mới để bảo vệ sự hòa hợp xã hội và gìn giữ hòa bình trong một thế giới mà sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng trong mọi khía cạnh cuộc sống con người, Đại hội đồng LHQ đã chọn năm 2010 là năm "Thúc đẩy các nền văn hóa xích lại gần nhau” và chỉ định UNESCO là cơ quan tổ chức hoạt động này. Và người được UNESCO đánh giá có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến thúc đẩy các nền văn hóa xích lại gần nhau chính là Hồ Chí Minh. Tối ngày 14/5/2010, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Hans d’Orville, Phó tổng giám đốc UNESCO đọc bản tham luận ca ngợi công lao, sự nghiệp Hồ Chí Minh đã khẳng định "Hồ Chí Minh là người tiêu biểu cho tinh thần hòa giải giữa các nền văn hóa của LHQ… Cả cuộc hành trình trong cuộc đời đã khiến Hồ Chí Minh trở thành công dân của thế giới, đồng thời là đại sứ của Việt Nam trên khắp toàn cầu… Cuộc đời hoạt động chính trị của Người trước hết là nhằm đấu tranh cho quyền lợi con người và quyền của các dân tộc…”. Nhắc lại câu nói nổi tiếng: "Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chí Minh và lời tuyên bố: "Việc thống trị, áp bức và bóc lột các dân tộc thuộc địa chính là sự chối bỏ các quyền cơ bản của con người và đi ngược lại với Hiến chương của LHQ” , bản tham luận cho rằng, công lao to lớn của Hồ Chí Minh là đã "góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội”.


 
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa (Ảnh Tư liệu)


Rời Tổ quốc qua nước Pháp để tìm đường cứu nước từ ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành không phải là một người mất nước đơn độc mà đã thực sự đại diện cho một khuynh hướng chính trị tiến bộ nhất trong phong trào đòi giải phóng của nhân dân thuộc địa - xây dựng trên một nền tảng văn hóa rất đa diện: Một nền nho học đủ tiếp nhận mọi giáo lý phương Đông; một vốn ngoại ngữ đủ sức giao tiếp với người Pháp; một khuynh hướng chính trị đã bỏ lại sau hàng loạt cuộc khởi nghĩa mang tính dân tộc của các bậc cha anh do mọi đẳng cấp cầm đầu, từ vua quan tới các sĩ phu yêu nước, thủ lĩnh nông dân, các trào lưu chính trị từ "bất bạo động” kiểu Phan Chu Trinh đến "Đông Du cầu viện” của Phan Bội Châu… (với Nguyễn Tất Thành, tất cả các trào lưu chính trị ấy tuy không thiếu lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm, nhưng vẫn chưa hội đủ các yếu tố khả dĩ đương đầu với nền thống trị vừa tinh vi toàn diện vừa rất chuyên nghiệp của thực dân, đế quốc). Theo Người, muốn đánh bại kẻ thù, tất phải nắm trong tay một bí quyết gì lớn mạnh hơn chúng. Đó là cái Nguyễn Tất Thành đã tìm thấy từ Lê-nin.

Cuộc xuất trình "Bản yêu sách của nhân dân An Nam” trước hội nghị Véc-xây đối với Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một cuộc trinh sát thực địa để thăm dò phản ứng của đối phương và sau khi biết rõ phải tiến hành một cuộc đấu tranh không khoan nhượng thì anh Nguyễn đã tiến hành một cách có hệ thống quá trình vừa sáng tạo lực lượng, vừa tiến công vạch mặt chúng từ nhiều hướng, nhất là thông qua những bài chính luận trên Báo Nhân đạo.

Được những tin tức về cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga cổ vũ, qua việc gia nhập đảng Xã hội Pháp vào năm 1919, anh Nguyễn đã tận dụng mọi diễn đàn và mọi mối quan hệ để tranh thủ làm rõ tình hình thuộc địa còn rất xa lạ với mọi người Pháp ở chính quốc; tham gia thành lập "Hội những người Việt Nam yêu nước” và chuẩn bị cẩn thận mọi tư liệu để biên soạn "Bản án chế độ thực dân Pháp”, chủ động tham gia "Ủy ban đấu tranh gia nhập Đệ tam quốc của Đảng Xã hội Pháp”, trở thành đảng viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp tại đại hội Tua ngày 30/12/1920, rồi chủ trì ra Báo Người cùng khổ vào tháng 4/1922, làm diễn đàn của cư dân thuộc địa ngay trên đất Pháp…

Nhân dịp đại biểu cánh tả của nông dân hơn 20 nước châu Âu và châu Á tới dự triển lãm nông nghiệp toàn Nga và tiến hành Đại hội Quốc tế Nông dân tại Mát-xcơ-va (tháng 10/1923), tại buổi họp thứ hai của Đại hội, anh Nguyễn thay mặt Đông Dương thuộc Pháp chỉ rõ "hai tầng áp bức” mà nông dân các thuộc địa phải chịu: Tầng thứ nhất với tư cách nông dân, tầng thứ hai với tư cách nông dân một nước thuộc địa và ra lời kêu gọi: "Quốc tế của các đồng chí chỉ thực sự trở thành Quốc tế khi mà không những nông dân phương Tây mà cả nông dân phương Đông, nhất là nông dân ở các nước thuộc địa là những người bị bóc lột và áp bức nhiều hơn các đồng chí đều tham gia Quốc tế”. Tại Đại hội này Nguyễn Ái Quốc thay mặt các nước châu Á được bầu vào Chủ tịch đoàn của Quốc tế Nông dân. Phóng viên Tạp chí Ngọn lửa nhỏ đã phỏng vấn Nguyễn Ái Quốc - với tư cách "thành viên Quốc tế Cộng sản đầu tiên người Đông Dương”. Và người phóng viên đã có nhận xét nổi tiếng trong bài phỏng vấn Người: "Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị… Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”...

Cuộc trường chinh 30 năm của người thanh niên Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước trải qua bao thăng trầm để đến khi trở về Tổ quốc đã "quá tuổi lên lão”. Nhưng đổi lại, con đường giải phóng dân tộc Việt Nam đã mở, tổ chức lãnh đạo đã thực sự hình thành, lực lượng từ trong nước và ngoài nước đang được động viên rộng rãi, người tìm đường đã thực sự trở thành lãnh tụ dẫn đường không chỉ được trong nước suy tôn mà nhiều nhà cách mạng thế giới đều biết tiếng...

Về đến Cao Bằng ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo cuộc chuyển hướng chiến lược từ cách mạng giai cấp sang giải phóng dân tộc, thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, phát triển các đoàn thể cứu quốc, xây dựng các đội vũ trang cách mạng làm nhiệm vụ đội quân công tác... Cuối tháng 8/1942 tìm đường sang Trung Quốc bắt liên lạc với các lực lượng cách mạng, bị bắt và tới tháng 7/1944, Hồ Chí Minh đã kịp trở về uốn nắn cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, phát triển căn cứ địa Việt Bắc thành khu giải phóng, xóa bỏ chính quyền cũ, xây dựng chính quyền dân chủ, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, quyết định Tổng khởi nghĩa…

Với nhãn quan chiến lược của nhà cách mạng lão thành, có sự cộng tác của một Bộ tham mưu được đào tạo bài bản, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã nổ ra vào lúc kẻ thù cũ (thực dân Pháp) đã bị phát xít hạ gục, kẻ thù mới (Nhật) bị bẻ gãy tới những lực lượng cuối cùng, sự diễn biến khởi nghĩa toàn dân đã đạt tới trình độ nghệ thuật so với các cuộc cách mạng trong thời hiện đại: Chính quyền cả nước trong 58 tỉnh đã giành được trong vòng 10 ngày (từ 19/8 tới 28/8) hầu như không gặp sự phản kháng nào đáng kể của các thế lực đối lập, trong khi quân Nhật ở Đông Dương vẫn còn hơn 10 vạn, chưa được lệnh hạ vũ khí.

Tính chất nhân dân của cuộc Tổng khởi nghĩa đã được nhà nghiên cứu Stein Tonnesson tường thuật tỉ mỉ trong một tác phẩm xuất bản năm 1991 tại Luân Đôn về "Cuộc cách mạng Việt Nam 1945” có đoạn viết: "Trong 58 tỉnh của Việt Nam, không dưới 28 tỉnh chủ yếu ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, ở đây người dân nổi dậy đầu tiên trong phạm vi các làng, huyện rồi sau đó là thị xã, ở 7 tỉnh khác, cuộc nổi dậy bắt đầu từ thị xã rồi sau đó mới lan tới các làng, huyện” (1).

So với những cuộc cách mạng trong thời hiện đại ở thế giới, hiếm có cuộc cách mạng nào diễn ra thuận lợi, ít đổ máu như Cách mạng Tháng Tám. Ở đó, tiếng tăm về cuộc đời hoạt động của lãnh tụ đã có sức quy tụ lực lượng, cho đến nhà vua cũng sẵn sàng thoái vị. Cũng do sự chèo chống đầy kinh nghiệm của Hồ Chí Minh mà tất cả các âm mưu xâm lược và tái chiếm Việt Nam của mọi thế lực đế quốc, phản động đều lần lượt thất bại, hoặc bằng ngoại giao mềm dẻo, hoặc bằng kháng chiến kiên cường để nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đứng vững và phát triển.

Và cũng như lời khẳng định của Stein Tonnesson: "... Nước Việt Nam tuyên bố độc lập vào năm 1945 là giai đoạn đầu tiên mở đầu cho làn sóng xóa bỏ chế độ thuộc địa ở Á châu, tiếp theo là Phi châu” (2), do kích thích dây chuyền của Cách mạng Tháng Tám Việt Nam và In-đô-nê-xi-a (17/8), Nê-pan giành độc lập cuối 1945, Phi-líp-pin vào năm 1946, Mi-an-ma và Ấn Độ vào năm 1947, Triều Tiên, Xri Lan-ca vào năm 1948. Sau khi thực dân Pháp bị thất bại phải rút khỏi Việt Nam vào năm 1954 thì ở châu Á, Pa-ki-xtan giành độc lập năm 1956, Ma-lai-xi-a năm 1957. Ở châu Phi, An-giê-ri tuyên bố độc lập cuối năm 1954, kháng chiến chống Pháp thắng lợi năm 1962, Ma-rốc giành độc lập năm 1956, Tuy-ni-di 1957, Ghi-nê 1958, Gha-na 1959, các nước Ma-li, Ga-bông, Mô-ri-ta-ni, Xê-nê-gan, Ma-đa-ga-xca đều vào năm 1960, U-gan-đa 1962, Kê-ni-a 1963. Các nước còn lại lần lượt đứng dậy cho đến những năm 90 của thế kỷ XX chỉ còn 3 nước chậm nhất là Na-mi-bi-a (1990), Ê-ti-ô-pi-a (1991), Ê-ti-tơ-ri-a (1993).

Kỷ niệm 121 năm ngày sinh (19/5/1890-19/5/2011) và 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2011), chúng ta càng tự hào về sự đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ với cách mạng Việt Nam mà cả với cách mạng thế giới vì sự bình đẳng và tiến bộ của con người.

Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ (QĐND)

Chủ đề: Sự thật và chân lí không thể dảo ngược | Lượt xem: 703 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Tổng số ý kiến: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm các ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==