Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 4, ngày 24/04/2024, lúc 1:30 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » Files » Các bài nghiên cứu khoa học

Tìm hiểu sắc phong làng Thạch Gián quận Thanh Khê tp. Đà Nẵng(lớp 07cvhh)
19/07/2011, 10:36 PM
ĐỂ XEM ĐẦY ĐỦ HÃY DOWLOADN VỀ NHÉ

TÌM HIỂU SẮC PHONG LÀNG THẠC GIÁN QUẬN THANH KHÊ

THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

LEARN ORDAINED LANG THAC GIAN THANH KHE DISTRICT

DA NANG CITY

                                                     SVTH: Phạm Văn Cường

                                                                 Nguyễn Văn Khánh

                  Lớp 07cvhh, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng

                                                  GVHD: Th.S Lương Vĩnh An

TÓM TẮT

Mười tám sắc phong Thần dưới triều Nguyễn hiện còn được lưu giữ tại làng Thạc Gián (nay là phường Thạc Gián, quận Thanh Khê Thành phố Đà Nẵng). Là bảo vật của làng, được bảo tồn khá nguyên vẹn. Sắc phong làng Thạc Gián chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng... Trong công trình này chúng tôi cũng có đưa ra một số kiến nghị cho vấn đề bảo tồn và phát huy sắc phong làng Thạc Gián.

ABSTRACT

Eighteen Spirit ordained under the Nguyen dynasty are still kept at the village Thac Gian (now Thac Gian Ward, Thanh Khe District Da Nang City). As the village's treasures, preserved quite intact. Thac Gian ordained village contains many valuable historical, cultural, religious ... In this work we also offer some recommendations for the conservation and promotion of village Thac Gian ordained.

1. Lý do chọn đề tài

Nghiên cứu về sắc phong làng Thạc Gián nhằm giúp mọi người nắm được một cách có hệ thống, toàn diện về nội dung, hình thức và giá trị… Để góp phần giữ lại những giá trị văn hóa tinh thần ẩn chứa sau những bản sắc phong, để làm "sống lại giá trị một thời như nó đã từng có”. Xuất phát từ ý nghĩa khoa học và thực tiễn đó chúng tôi chọn đề tài: "Tìm hiểu sắc phong làng Thạc Gián quận Thanh Khê thành phố Đà Nẵng”, làm đề tài nghiên cứu.

2. Lịch sử vấn đề

Nghiên cứu về sắc phong có một số công trình tiêu biểu như: Tín ngưỡng cư dân ven biển Quảng Nam Đà Nẵng của Nguyễn Xuân Hương, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2009. Tạp chí Văn hóa dân gian, số 5 (89), Viện nghiên cứu văn hóa dân gian, 2003, tác giả Nguyễn Xuân Diện có bài viết "Một số vấn đề về sắc phong”. Lê Thị Toán có bài viết "Bước đầu khảo sát các loại sắc phong ở Thừa Thiên Huế”. "Tín ngưỡng thờ thần qua nghiên cứu các sắc phong trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” của Nguyễn Xuân Hương và Trần Quang Thanh... 

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Sắc phong của Đình làng Thạc Gián

Phạm vi nghiên cứu: Tập trung làm rõ các vấn đề về Sắc phong ở làng Thạc Gián: lịch sử, các nghi thức liên quan đến sắc phong, nội dung và hình thức của các sắc phong, giá trị, thực tràng và vấn đề bảo tồn và phát huy sắc phong của làng Thạc Gián.

4. Phương pháp nghiên cứu

         Phương pháp điền dã, phỏng vấn, liên nghành, phân tích, tổng hợp và so sánh.

5. Những đóng góp của đề tài

Về mặt khoa học, làm rõ các vấn đề về lịch sử, đặc điểm nội dung và hình thức, giá trị… của mười tám Sắc phong ở làng Thạc Gián.

Về mặt thực tiễn, là nguồn tư liệu cho học sinh, sinh viên và tất cả những ai quan tâm đến vấn đề này.

6. Bố cục đề tài

         Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, thì phần nội dung gồm có ba chương:

Chương 1: Tổng quan về làng Thạc Gián và đình làng Thạc Gián

Chương 2: Khảo sát các sắc phong của làng Thạc Gián

         Chương 3: Giá trị và vấn đề bảo tồn, phát huy các sắc phong làng Thạc Gián

 

NỘI DUNG

Chương I: TỔNG QUAN VỀ LÀNG THẠC GIÁN VÀ ĐÌNH LÀNG

THẠC GIÁN

1.1. Tên gọi và mảnh đất làng Thạc Gián

1.1.1. Tên gọi làng Thạc Gián

   Ngày xưa, làng Thạc Gián được ông bà chúng ta gọi tên là Thạch Giản. Trong văn tự, trong thơ phú… tùy theo cách gieo vần mà có thể đọc là Thạch Gián hay Thạc Gián.

1.1.2. Về mảnh đất làng Thạc Gián

Ban đầu địa bộ làng Thạc Gián rất rộng, có nhiều khe rạch, hồ đầm, giáp biển… Ngày nay đã trở thành một vùng đồng bằng, với các khu phố phát triển, có diện tích 74 km2.

1.2. Cư dân, lịch sử hình thành và đời sống văn hóa làng Thạc Gián

1.2.1. Cư dân và lịch sử hình thành làng Thạc Gián

Làng Thạc Gián (nay là phường Thạc Gián), được hình thành theo chủ trương mỡ mang bờ cõi về phương Nam dưới thời vua Lê Thánh Tôn. Tính đến nay đã tồn tại trên 500 năm, có tất cả 25 khu dân cư với số dân 16098 người (số liệu năm 1999).

1.2.2. Đôi nét về đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người dân làng Thạc Gián

Làng Thạc Gián kinh tế chủ yếu là làm nông và làm nghề biển. Cho nên trong đình thờ cả cá Ông, bốn vị tôn thần Đại càn quốc gia Nam Hải… Ngoài các hoạt động văn hóa văn nghệ trong làng, thì dịp lễ hội đình làng hoặc hội làng, là cơ hội để thể hiện sự sáng tạo của văn hóa văn nghệ dân gian, thậm chí là văn hóa Bác học.

1.3. Mấy vấn đề cơ bản về đình làng và đình làng Thạc Gián

1.3.1. Mấy vấn đề cơ bản về đình làng

Theo bước chân của những người đi mở đất lập làng mới ở phương Nam, Ông cha ta đã mang theo truyền thống văn hóa tốt đẹp: xây đình dựng miếu cho dân cư ở miền đất mới – để cho người dân tại những nơi này có nơi để cúng tế, hội họp, để tưởng nhớ về vùng đất tổ.

1.3.2. Lịch sử hình thành đình làng Thạc Gián

Đình làng Thạc Gián đã được xây dựng từ rất sớm, thuở ban sơ ngôi đình làng được dựng lên bằng tranh tre, trải qua thời gian đã được tôn tạo bằng cột sườn gỗ, mái lợp tranh. Đến năm Khải Định Nguyên Niên (tức năm 1916), trùng tu xây dựng nên ngôi đình gạch ngói và ngôi đình làng này đã tồn tại cho đến ngày nay. Năm 2009 đình làng Thạc Gián được xếp hạng là di tích quốc gia và được trùng tu như hiện nay.

1.3.3. Những đặc điểm cơ bản của Đình làng Thạc Gián

a. Kiến trúc, Điêu khắc

* Nhà thờ

Được xây dựng bằng vôi, gạch, mái lợp ngói âm dương gồm có 3 gian, 2 chái, 2 cổ lầu, bên trong có hai hàng cột gỗ tròn, có 8 cột đỡ 2 vì kèo và xuyến trính, được ráp nối với nhau bằng mộng vững chắc. Trong chánh điện thờ có 3 hương án và 5 hậu tẩm.

* Kiến trúc ngoại vi

Sân Đình: Ngay trước Đình làng là khoản sân Đình, ngày xưa rất rộng (trên 5000m2, nay chỉ còn hơn 1000m2). Phía trước có bức bình phong to. Hai beeb là cặp Voi quỳ chầu.

Nhà Hồi Hương: Nhà Hồi Hương có ba bộ cửa đi trông về hướng Nam và một cửa mạch ở hướng Tây để xuống Nhà Trù.

Nhà Trù: Đây chính là gian nhà dùng làm bếp của Đình làng. Nhà Trù được xây kế tiếp về phía bên hữu của Nhà Hồi Hương.

Giếng làng: Được xây dựng bên cạnh Nhà Trù.

Phần Mộ Đức Tiền Hiền  trên gò đất cao rộng gần 800 m2, nằm ở sân sau của Đình làng.

b. Việc thờ tự

+ Thượng Đẳng Thần: thờ các vị thần như: Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Tôn Thần, Cao Cát Quảng Độ Tôn Thần, Bạch Mã, Thiên Y A Na, Bắc Quân Phủ Chưởng Phủ Sự.

+ Trung Đẳng Thần: thờ Tướng quân Tùng Giang Văn Trung, cá Ông và quan Công…

+ Thờ Đức Tiền Hiền và Hậu Hiền của làng: một Đức tiền Hiền và hai Đức Hậu Hiền.

c. Lễ hội

Từ ngày đình làng được trùng tu lại vào năm Khải Định Nguyên Niên, những hội hè còn được duy trì như: đại hội, hội vui chơi ngày Tết Nguyên Đán, hội Thi, Đọc Khánh Chúc…

Chương II: KHẢO SÁT SẮC PHONG CỦA LÀNG THẠC GIÁN

2.1. Sắc phong, phân biệt sắc phong với sắc thư, chiếu, thị và tiêu chí để phong phong sắc

2.1.1. Sắc phong và phân biệt sắc phong với sắc thư, chiếu, thị

Sắc phong là những sắc lệnh, tờ chiếu của triều đình phong cấp, khen ngợi, tặng thưởng cho những người có công hoặc phong phẩm trật cho thần linh. Khác với sắc phong chủ yếu nghiêng về ban thưởng, phong tặng, thì sắc thư, chiếu, thị tuy có vinh dự thật như được bổ làm quan, nhưng phần lớn nó thường mang tính nhiệm vụ, trọng trách hơn.

2.1.2. Tiêu chí để phong sắc thần

Sắc phong thần linh được chia thành ba loại là thượng đẳng thần, trung đẳng thần và hạ đẳng thần hoặc Thiên thần và Nhân thần.

2.2. Khảo tả các sắc phong ở làng Thạc Gián

2.2.1. Lịch sử của các sắc phong làng Thạc Gián

Tại làng Thạc Gián hiện nay còn lưu giữ và thờ 18 sắc phong thần, gồm có: Ba sắc phong triều vua Minh Mạng, Tám sắc phong Triều vua Tự Đức, Hai sắc phong Triều vua Đồng Khánh, Hai sắc phong Triều vua Duy Tân, Ba sắc phong Triều vua Bảo Đại

2.2.2. Các loại sắc phong của làng Thạc Gián

a. Nghi thức liên quan đến sắc phong làng Thạc Gián

Có nhiều nghi thức liên quan đến sắc phong như: rước sắc, sao sắc, hóa sắc, phơi sắc…

b. Hình thức sắc phong của làng Thạc Gián

Mười tám sắc phong ở làng Thạc Gián, dưới năm triều vua nhà Nguyễn về cơ bản do cùng một vương triều nhà Nguyễn nên sự thay đổi về các hình hoa văn trên các sắc phong là không lớn, chỉ khác nhau về ấn triện, hình hoa văn mây.

c. Nội dung các sắc phong của làng Thạc Gián

* Ba Sắc phong thời vua Minh Mạng

Sắc phong thứ nhất là phong Thượng Đẳng Thần: Ngài Bắc Quân Đô Đốc Phủ Chưởng Phủ Sự. Sắc phong thứ hai là phong tước vị cho Trung Đẳng Thần: Ngài Tùng Giang Văn Trung.. Sắc phong thứ ba là phong tước vị cho Thành Hoàng của làng: Thành Hoàng xã Thạc Gián. Cả ba Sắc phong đều được ban vào 17/10/1826.

* Tám Sắc phong triều vua Tự Đức

Các Sắc phong ở thời kỳ vua Tự Đức được ban theo nhiều năm khác nhau. Sắc phong, thứ nhất 15/12/1849. Đây là Sắc Phong Bốn Vị Tôn Thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải. Sắc phong thứ hai 19/10/1850 là Sắc phong nâng bậc vị của Ngài Tùng Giang Văn Trung vốn đã được Sắc phong cho làng Thạc Gián vào năm Minh Mạng. Sắc phong thứ ba và thứ tư đều cùng ngày với sắc phong thứ hai, Sắc phong thêm thần hiệu Ngài Bắc Quân Đô Đốc Phủ Chưởng Phủ Sự. Sắc phong thứ tư có nội dung giống như Sắc phong đầu tiên mà vua Tự Đức. Sắc phong thứ năm 12/12/1852 là Sắc phong vị thần Cao Cát Quảng Độ. Sắc phong thứ sáu là sắc phong vị thần Bạch Mã. Sắc phong thứ bảy 25/12/1880 nhân năm Tự Đức thứ 31 là năm mừng "Ngũ Tuần Đại Khánh” làng Thạc Gián cũng được sắc phong lại một lần nữa cho các vị đã được phong sắc lần trước đó là các Ngài: Cao Cát Quảng Độ, Bạch Mã, Bắc Quân Đô Đốc Phủ Chưởng Phủ Sự, Tùng Giang Văn Trung, Thành Hoàng xã Thạc Gián. Sắc phong thứ tám 25/12/1880 lại bốn vị thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải.

* Hai Sắc phong triều vua Đồng Khánh

   Sắc phong thứ nhất 19/8/1887, Bốn Vị Tôn Thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải. Sắc phong thứ hai cũng được ban vào thời điểm trên có nội dung Sắc phong cho các Ngài: Cao Cát Quảng Độ, Bạch Mã, Bắc Quân Đô đốc, Tùng Giang Văn Trung, Thành Hoàng xã Thạc Gián… đều là các vị thần được sắc phong vào các lần trước.

* Hai Sắc phong triều vua Duy Tân

         Cả hai sắc phong đều được ban cùng ngày 24/9/1909 tiếp tục ban sắc cho các vị thần đã được ban sắc trước đó: Cao Cát Quảng Độ, Bạch Mã, Thành Hoàng xã Thạc Gián, bốn vị Thượng Đẳng Thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải.

         * Ba Sắc phong triều vua Bảo Đại

Cả ba Sắc phong ban vào một thời điểm 30/4/1935. Sắc phong thứ nhất là ban sắc chi vị thần Tiền hiền Huỳnh Văn Phước; Thứ hai, là sắc ban cho vị thần Hậu hiền đệ nhất lang Nguyễn Kim Bảng; Thứ ba là sắc cho vị thần Hậu hiền đệ nhị lang Nguyễn Kim Châu.

         è Các Sắc phong ở làng Thạc Gián bao gồm các vị nhân thần, thiên thần và các vị thần Tiền hiền và Hậu hiền của làng Thạc Gián. Ở các vị thần được sắc phong  nhiều lần thường thì lần sau các thần hiệu thường được thêm một mỹ từ nữa.

Chương III. GIÁ TRỊ VÀ VẤN ĐỀ BẢO TỒN, PHÁT HUY CÁC

 SẮC PHONG LÀNG THẠC GIÁN

3.1. Giá trị cơ bản của các sắc phong làng Thạc Gián

3.1.1. Sắc phong mang dấu ấn lịch sử

Nghiên cứu một cách đầy đủ và có hệ thống về sắc phong làng Thạc Gián sẽ giúp cho chúng ta hiểu thêm nhiều vấn đề về lịch sử như niên đại, triều đại, nguồn gốc nhân vật, sự kiện lịch sử, địa danh học lịch sử, phong tục tập quán, đời sống tâm linh, tín ngưỡng dân gian…

3.1.2. Sắc phong một biểu hiện của văn hóa cộng đồng

Sắc phong thần ở làng Thạc Gián là tài sản chung của cả làng, nên được cả cộng đồng làng xã, qua các thế hệ, bảo vệ, tôn thờ. Theo tập tục của làng thì cứ đến những ngày hội làng hoặc các ngày lễ khác của làng được tổ chức ở đình, thì sắc phong nằm trong phần lễ nghi, tế tự. Đó chính là sợi dây tâm linh góp phần cố kết cộng đồng làng Thạc Gián lại với nhau.

3.1.3. Sắc phong và biểu hiện của tín ngưỡng thờ thần

Những Sắc phong ở làng Thạc Gián cho thấy làng Thạc Gián thờ khá nhiều vị thần, và chúng ta biết rõ được chức vị và công ơn của các vị thần đó. Cụ thể ở làng Thạc Gián thờ: Bắc Quân Đô Đốc Phủ Chưởng Phủ Sự, Tùng Giang Văn Trung giữ chức Phi vận tướng quân, Bốn Vị Tôn Thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, Bạch Mã… Trong các dịp lễ hội, tế tự, hội thi của làng thì việc cúng tế các Ngài là một việc quan trọng hàng đầu. Dân làng bên cạnh thờ các vị trong đình thì nhiều gia đình còn có bài vị của các Ngài tại gia đình mình.

3.1.4. Sắc phong mang giá trị nghệ thuật cao

Sắc phong ở làng Thạc Gián có trang trí hoa văn đường viền, những chấm tròn rải rác điểm xuyết trong mây cuộn trên toàn mặt sắc, chúng được in trên một mặt. Đặc biệt là hình rồng chủ đạo trên nền Sắc phong, mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật của thời Nguyễn…

3.2. Giải pháp bảo tồn và phát huy các sắc phong của làng Thạc Gián

3.2.1. Thực trạng

Mười tám Sắc phong ở làng Thạc Gián đến nay vẫn còn được người dân phường Thạc Gián lưu giữ khá nguyên vẹn. Bên cạnh nhưng biện pháp bảo tồn hiệu quả như: in sao, ghi đĩa, … thì đã có nhiều Sắc phong đã bắt đầu có những biểu hiện xuống cấp như phai màu, giấy bị rách, mục. Phương pháp bảo quản Sắc phong của làng Thạc Gián cũng rất thô sơ là giao cho một ông Thủ Sắc cất giữ. Nên việc mai một bản gốc vốn là điều không tránh khỏi.

3.2.2. Bảo tồn và phát huy sắc phong của làng Thạc Gián

- Các sắc phong làng Thạc Gián đã được phiên dịch và in sao, số hóa hình ảnh, bảo quản bằng các CD-Rom tư liệu.

- Làng Thạc Gián nên tính đến việc bồi giấy các bản gốc sắc phong, bởi đây được xem là phương pháp bảo quản có tính lâu dài nhất, khoa học nhất hiện nay.

- Việc bảo quản đúng khoa học hơn, ý thức cao hơn… của người giữ Sắc phong là rất cần thiết. Cần phải quan tâm đến vấn đề an ninh của sắc phong.

- Mặt khác, phải làm sao để sắc phong đến được với mọi người, để tất cả mọi người hiểu được giá trị của sắc phong, và đưa sắc phong trở lại "sống” trong môi trường mà nó được sản sinh ra.

KẾT LUẬN

Sắc phong không chỉ có giá trị về mặt nội dung, mà còn nổi tiếng về mặt nghệ thuật. Việc nghiên cứu một cách đầy đủ và có hệ thống về sắc phong ở làng Thạc Gián sẽ giúp cho chúng ta hiểu thêm nhiều vấn đề như niên đại, triều đại, nguồn gốc nhân vật, sự kiện lịch sử, địa danh học lịch sử, phong tục tập quán, đời sống tâm linh, thư pháp, nghệ thuật hội họa,... Vì vậy, sắc phong xứng đáng được xếp vào hàng các di sản văn hóa của dân tộc, cần được mỗi người dân Việt Nam chung sức xây dựng và bảo vệ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


 

 

 

 

 

 

 

 

Chủ đề: Các bài nghiên cứu khoa học | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86
Lượt xem: 1046 | Tải về: 8 | Rating: 0.0/0
Tổng số ý kiến: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm các ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==