Trang chủ » Files » TÀI LIỆU HỌC TẬP |
12/05/2011, 8:28 AM | |
MỘT SỐ GỢI Ý LÀM BÀI Thể loại địa dư, địa chí trong kho tàng văn hiến Việt Nam, từ xưa vẫn không hiếm. Người ta thường gọi chung là dư địa chí. Trong quá trình biên soạn, các soạn giả người Việt thường có những quan niệm xuất nhập khác nhau, song thống nhất về mặt nội dung đề cập. Gọi là địa chí, có nghĩa là phải ghi chép về đất đai, duyên cách, phong tục tập quán xã hội của cả nước hay của từng địa phương. Theo sự phân loại trong Tứ khố toàn thư tổng mục, địa chí được xếp vào loại địa lý thuộc sử bộ, với các sách viết về đô, hội, quận, huyện, hà cừ (sông kê) biên phòng, núi sông, cổ tích... - Có thể nói rõ hơn là: Địa chí hay địa phương chí là thể loại sách ghi chép, biên soạn, giới thiệu về địa lý, lịch sử, phong tục, nhân vật, sản vật, kinh tế, văn hoá... của một địa phương (làng, xã, huyện, tỉnh, thành phố...) hay rộng hơn là của một quốc gia. Định nghĩa: - Theo Từ điển Từ Hải thì địa chí là: "Sách ghi chép rõ các mặt địa hình, khí hậu, cư dân, chính trị, sản vật, giao thông của một quốc gia, một khu vực thì gọi là địa chí".
- Ngoài cách gọi là chí, một số tác phẩm có nội dung tương tự còn được gọi là ký như cuốn (Hoan Châu phong thổ ký), là lục như cuốn (Hưng Hoá phong thổ lục, Phủ Biên tạp lục, Cao Bằng thực lục), và đôi lúc gọi là kỷ lược, địa du chí lục, địa chí khảo... Nói chung, nội dung rộng hẹp không chừng, nhưng định nghĩa của Từ điển Từ Hải dẫn trên đã đại thể thu tóm được nội hàm chung nhất của thể loại địa chí.
Định nghĩa này được xác lập trên cơ sở tổng kết sự nhận thức, phân loại và nội dung các sách địa chí trong thư tịch Trung Quốc từ Chu lễ (Chức Phương), Nguyên hoà quận huyện chí[1] đến Thái bình hoàn vũ ký[2]... Từ Tuỳ thư kinh tịch chí đến Từ khố toàn thư tổng mục.
Phân lợi: Quốc chí (cũng được gọi là Tổng chí, Đại nhất thống chí, Nhất thống chí...) là những bộ địa chí toàn quốc, thường lấy đơn vị hành chính cấp tỉnh/thành làm đơn vị khảo cứu. Điều này có nghĩa, Quốc chí là một bộ sách gồm nhiều quyển, mỗi quyển viết riêng về từng tỉnh/thành (như Đại Nam nhất thống chí). Địa phương chí: Địa phương chí (còn gọi là phương chí, địa chí, tạp lục, phong thổ ký...) viết về từng vùng đất, từng tỉnh/thành, huyện/quận, làng xã/phường.
b. Nội dung của địa chí là gì?
Qua so sánh một số sách địa chí tiêu biểu, chúng ta thấy giữa chúng có những khác nhau như vậy, nhưng nhìn chung, cấu tạo nội dung của các sách địa chí đều được xây dựng trên cơ sở phản ánh ba yếu tố cơ bản: đất đai, khí hậu, con người. Ba yếu tố này được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau theo thuyết Tam tài: thiên, địa, nhân.
Viết địa chí phải phản ánh được đầy đủ các yếu tố thiên, địa, nhân cùng mối quan hệ không chia tách giữa ba yếu tố đó, tất nhiên địa là yếu tố chủ chốt nhất. Đấy là một nét đặc trưng khu biệt dễ nhận thấy ở thể loại địa chí. c. Thể loại: Chí, ký, lục là ba thể khác nhau nhưng chí là thể chủ đạo.
Chí: Theo Đề yếu tổng tự (của Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu) thì: "các loại Thời linh, Địa chí, Chức quan, Chính thư, Mục lục, đều tham khảo các chí".
Chí: có mấy nghĩa như sau: ghi chép (ký); văn ghi việc (ký sự chi văn dã).
Ký: nghĩa là ghi chép (ký lục); cũng có nghĩa là kinh tịch. Tất cả các sách ghi chép về sự vật gọi là ký, như Lễ ký, Sử ký... Sách địa chí Trung Quốc hoặc địa chí Việt Nam, Nhật Bản, khi tác giả gọi là ký, như Hoan Châu phong thổ ký hay Hi Ta Chi đô ký đều được hiểu đấy là những ghi chép về đất đai, phong tục ở Hoan Châu và ở Hi ta Chi.
Lục: Nghĩa là ghi chép, thu lượm. Các sách Thực lục, Ngữ lục, Ngôn hành lục đều có trong ý nghĩa ấy.
Thể loại địa chí, như chúng ta thấy, có một lịch sử hình thành, phát triển và tồn tại rất lâu đời. Với những đặc điểm riêng về nội dung, về thể tài, thể loại, địa chí là loại sách có giá trị thực tiễn cao cũng như mang tính khách quan, khoa học cao. Tìm hiểu, nghiên cứu loại sách này không những phục vụ cho công tác biên soạn địa chí ngày nay mà còn là vấn đề cần thiết đối với việc nghiên cứu lịch sử địa lý học. Sự hình thành thể loại địa chí a. Trung quốc: Ở Trung Quốc, từ thời chiến quốc đến Tần, Hán đã có Sơn hải kinh đồ và các đồ thư (chức cống đồ, ngoại quốc đồ ký...) là những tài liệu phản ánh trình độ hiểu biết khá cao về địa lý và kỹ thuật vẽ bản đồ của người Trung Quốc trên dưới 2000 năm trước.
Trong quan niệm phổ biến ở Trung Quốc và ở Việt Nam trước đây, Vũ cống được xem là khởi thuỷ của sách địa chí. Vũ cống là tên một thiên trong sách Kinh thư. Song sự thực, tác phẩm khởi thuỷ của loại địa chí là cuốn Sơn hải kinh. Vì trong Sơn hải kinh có kể nhiều chuyện mang chất quái đản nên Tứ khố toàn thư tổng mục đã liệt Sơn hải kinh vào mục tiểu thuyết dị văn chứ không để ở loại địa lý. Về sau nhờ khảo chứng học, người ta đã chứng minh Sơn hải kinh ra đời trước Vũ cống.
Tác giả và thời đại hoàn thành sách Sơn hải kinh tuy chưa rõ, nhưng Sơn hải kinh có 18 thiên thì 4 thiên là tác phẩm đầu đời Tây Hán (năm 206 trước công nguyên - năm 23 sau công nguyên). Còn 14 thiên là tác phẩm thuộc thời Chiến Quốc (năm 403 trước công nguyên - năm 221 trước công nguyên). Nghĩa là Sơn hải kinh có trước Vũ cống khoảng 100 - 200 năm.
Điều thú vị bất ngờ là, tác giả cuốn Dị vật chí sớm nhất hiện được biết là người Việt Nam, ông tên là Dương Phù sống ở thời Đông Hán. Trong sách Tuỳ thư kinh tịch chí ghi rằng: "Dị vật chí, 1 quyển. Dương Phù làm chức Nghị lang thời Hậu Hán soạn". Lại ghi: "Giao Châu dị vật chí, 1 quyển, Dương Phù soạn".
Thời Chương đế (năm 76 - 83) Nam Hải thuộc Giao Chỉ (tức nước ta). Các thứ sử tranh nhau đòi (dân Giao Chỉ) nộp của quí. Dương Phù bèn nhặt nhạnh các vật thần dị, chỉ là thứ lạ để châm biếm họ và soạn cuốn Nam duệ dị vật chí, sau làm thái thú Lâm Hải, lại soạn cuốn Lâm Hải thuỷ thổ ký.
Cũng qua những tài liệu mới phát hiện này, ta có thể xác định Giao Châu dị vật chí (hoặc Nam duệ dị vật chí) là cuốn sách địa lý (địa chí) đầu tiên của nước ta và có lẽ cũng là tác phẩm đầu tiên trong lịch sử trước thuật Việt Nam. Như đã nói, từ khi Dương Phù viết Giao Châu dị vật chí, trong nhiều sử sách, người Việt có khá nhiều tác phẩm ghi chép có sử dụng cách thức ghi chép của thể địa chí song chưa thấy một công trình nào dành riêng cho thể loại này còn đến ngày nay. Có lẽ do bị chiến tranh, do các cuộc xâm lược mang tính huỷ diệt của các triều đại Trung Quốc đối với nước ta trong ý đồ xoá sạch ý thức tự tôn dân tộc chăng? Những cuốn địa chí ra tiêu biểu của thời kỳ đầu của địa chí Việt Nam như: An nam chí lược của Lê Tắc, Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Đây là cuốn địa chí cổ hiện còn giữ được của nước ta, có thể thức như lối viết giống với Vũ cống và nên còn có tên gọi An Nam Vũ cống, hoặc Lê triều cống pháp. Sau đó là hàng loạt tác phẩm lớn như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Hoàng Việt dư địa chí của Lê Quang Định, Đại Nam nhất thống chí và Đồng Khánh dư địa chí của Quốc sử quán triều Nguyễn… Hầu hết các sách "dư địa chí" ấy đều ghi chép về cương vực, duyên cách, hình thế, khí hậu, giao thông, phong tục, thổ sản, thắng cảnh… của từng khu, từng tỉnh, rồi tập hợp lại cho thấy toàn bộ cảnh quan và sinh hoạt xã hội của đất nước. Có một số nhà học giả uyên bác hơn còn đi sâu vào tình hình địa chí của các nước cổ nay đã gia nhập bản đồ Việt Nam, như các nước Chiêm Thành, Lâm Ấp, cùng các nước lân bang… như các sách của Phan Huy Chú, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu… Đó là những bộ sách biên soạn theo phương pháp của bộ môn địa lý cổ ngày xưa, nội dung có phần tương đồng, nhưng không giống phương pháp biên soạn địa lý của Phương Tây (Géographie) sau này được phổ biến ở các trường tân học. Cũng theo phương hướng này, các nhà trí thức ở nước ta còn ghi chép về địa lý, địa dư ở các địa phương cấp (tỉnh, thành), nhỏ hơn là các huyện, xã thậm chí làng. Loại sách này rất được chú ý mà phần nhiều lại là những sách viết về phong tục, về dã sử ở các địa phương, nó tiêu biểu cho khuynh hướng ghi chép về "đặc sản địa phương” của nhân dân ta hơn cả. Vai trò: - Người xưa nói, đọc địa chí để vua có thể ở tại triều mà hiểu rõ được địa dư, cương thổ, sản vật… tại mọi nơi trong vương quốc do mình cai quản. - Địa chí giúp nhà cầm quyền hiểu được đặc điểm, tình hình, truyền thống, dân cư, thổ nhưỡng… của từng địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn địa phương do mình cai quản. - Thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí thống nhất về cương vực, lãnh thổ, truyền thống chống ngoại xâm, truyền thống văn hoá… … (Sinh viên tự liên hệ, khuyến khích liên hệ địa phương mình qua các công trình địa chí cổ)./.
[1] Nguyên hoà quận huyện chí do Lý Cát Phủ thời Đường soạn. [2] Thái bình hoàn vũ ký, do Nhạc Sử thời Tống soạn, mở đầu cho thể Phương chí về sau. | |
Lượt xem: 1034 | Tải về: 119 | Rating: 0.0/0 |
Tổng số ý kiến: 0 | |