Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 4, ngày 15/01/2025, lúc 3:24 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » Articles » Văn hóa - Phong tục

Thành cổ trên đất Thăng Long: Thành Thăng Long, đất đế đô
Thành cổ trên đất Thăng Long: Thành Thăng Long, đất đế đô

Cho đến năm 1010, sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ đã cho dời Kinh đô ra vùng đất Tống Bình nằm trong Đại La thành, "là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời” (Chiếu dời đô). Rồi vua Lý cho đắp một thành khác nhỏ hơn, nằm trong thành Đại La, gọi là thành Thăng Long.
Thành Thăng Long được xây dựng sát về phía Tây Bắc thành Đại La, bởi mạn này địa thế cao, ít hồ, đầm, nền đất chắc, vững. Thành Thăng Long thời Lý bên trong xây bằng gạch và đá, phía ngoài đắp đất. Suốt dọc phía Bắc và phía Tây, thành dựng men theo sông Tô Lịch (nay là đường Hoàng Hoa Thám và Bưởi). Phía Nam, thành men theo sông Kim Ngưu, một nhánh của sông Tô, rồi vươn thẳng lên phía Bắc, lại rẽ sang phía Đông một đoạn mới ngoặt lên nối với thân thành phía Bắc. Thành có bốn cửa, Tường Phù mở ra phía Đông, Diệu Đức phía Tây, Quảng Phúc phía Bắc và Đại Hưng mở ra phía Nam. Đến năm Thiên Thành thứ 2 đời Lý Thái Tông, 1029, vua cho đắp thêm một thành đất phía ngoài thành Thăng Long, gọi là Phượng Thành. Bên trong thành Thăng Long quy hoạch thành hai khu vực chính. Khu trung tâm gọi là Cung Thành, là nơi ở của nhà vua. Cửa chính dẫn vào Cung Thành là Đoan Môn. Trong Cung Thành có điện Càn Nguyên, nơi vua coi chầu, điện Tập Hiền để họp với các quan văn, điện Giảng Võ để họp với các quan võ. Chính giữa là điện Cao Minh. Sau điện Càn Nguyên có hai cung Long Hoa, Long Thụy là nơi vua nghỉ ngơi, mở yến tiệc; lại có cung Thúy Hoa, cung Ngọc Bội là nơi các phi tần ở... Khu rộng lớn bao quanh cung Thành gọi là Hoàng Thành. Trong khu này có dinh thự của các quan lại, có hành cung và biệt điện để đôi khi vua đi tuần có chỗ tạm nghỉ.

Ở khu Hoàng Thành dần mọc lên nhiều chùa, tháp do các vua cho lập dựng. Có những thợ khéo tay được ở trong khu Hoàng Thành, sống từng phường riêng, chuyên làm các đồ cho triều đình dùng. Đây là những hạt nhân tạo nên các phường nghề của Thăng Long sau này. Ở khu đây có khu ngôi biệt điện Hàm Quang do vua Lý Thái Tổ cho lập dựng trên một quả núi đất bên sông Tô, rất nguy nga, lợp toàn ngói bằng bạc. Hoàng thất nhà Lý thường ngự chơi tại điện này, có thể xem bơi thuyền trên sông Tô. Phía Nam khu Hoàng Thành, có đắp đàn Nam Giao và Xã Tắc để tế trời, đất; lại còn có khu ruộng Tịch điền để tháng hai hàng năm, vua tự thân đi cày, khuyến khích dân chúng chăm việc canh nông... Cũng xin nói thêm, thành Đại La vẫn được chăm sóc. Phần thành Đại La phía Bắc, thời Lý đã nhập vào đê Cơ Xá; đến thời Trần thì nhập vào đê Quai Vạc, rất hiệu quả trong việc ngăn lũ sông Hồng.

Nhà Trần vẫn giữ nguyên thành Thăng Long như quy hoạch từ thời Lý, chỉ cho đắp cao và dày thêm thành đất phía ngoài. Trong khu cung Thành có dựng thêm Cung Thanh Từ để Thượng Hoàng ở, và Cung Quang Triều để nhà vua ở. Còn khu Hoàng Thành đã thêm nhiều dân chúng vào sinh sống, đông đúc hơn hẳn thời trước, tổ chức thành 61 phường. Sách Long Thành dật sự ghi chép một số chuyện về Long Thành đời Trần. Có chuyện năm Trùng Hưng thứ năm, 1289, sau khi đại thắng giặc Nguyên Mông, thấy thành nhiều chỗ đã bị giặc phá toang, vua Trần Nhân Tông muốn cho sửa gấp. Nhưng Hưng Đạo Vương đã khuyên vua: chúng chỉ thành thành..., nghĩa là, ý chí của nhân dân mới là tòa thành kiên cố nhất. Vua Nhân Tông nghe theo, lui việc sửa thành lại, tiến hành các việc khoan sức dân, miễn tô, thuế... để dân giàu, nước mạnh thêm đã. Đến thời Hậu Lê, đánh đuổi giặc Minh xong, Lê Thái Tổ đóng đô ở Thăng Long, nhưng đổi gọi là Đông Kinh, hệ thống thành trì vẫn theo quy mô cũ. Năm 1430, vua cho dựng điện Kính Thiên ngay nơi chính điện của các vua Lý xưa, trên núi Nùng. Núi Nùng là một gò đất rộng vồng lên trên một bãi đất bằng phẳng, vuông vắn. Sách Địa kiểm ký viết rằng, trong ruột núi Nùng có cái lỗ thông mãi xuống đất sau là nơi phát tiết khí đất, nên xưa gọi là Long Đỗ (rốn rồng). Đời Lê Thánh Tông, những năm Quang Thuận (1460 - 1469), vua cho theo nếp cũ từ thời Lý, Trần, đắp Phượng Thành rộng thêm ra 8 dặm. Những năm Hồng Đức (1470 - 1497), vua cho đắp thêm và sửa nhiều đoạn thành bao bên ngoài. Còn trong khu Cung Thành thì cho xây thêm nhiều cung điện lớn, như điện Thị Kiều, điện Chí Kính, điện Vạn Thọ... Về cuối đời, vua Lê Thánh Tông cho xây trước điện Vạn Thọ đài Thừa Lộ cao 12 trượng, trên đài có hình một tiên cô đứng, tay cầm bát ngọc để đón những hạt móc (hơi nước ban đêm đọng lại) làm nước pha thuốc uống cho vua. Thành Thăng Long vẫn để bốn cửa như cũ, nhưng đổi tên gọi, Tường Phù đổi là Đông Hoa, Quảng Phúc đổi là Cửa Bắc, Đại Hưng đổi là Cửa Nam và Diệu Đức đổi thành Bảo Khánh. Tới thời Lê Tương Dực (1509 - 1515) vua cho đắp thành rộng thêm về phía Bắc, bao cả đền Trấn Võ vào trong, những đoạn thành Thăng Long ngang qua sông Tô Lịch đều xây cống đá to lớn, thuyền bè qua lại dễ dàng...

Nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, chiếm cứ Thăng Long từ 1527 - 1593, có sửa chữa nhiều đoạn thành, mở nhiều đường đi lại. Mấy vạn người dân bốn trấn Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc và Hải Dương bị điều tới đắp thêm các luỹ đất bên ngoài thành, từ Nhật Chiêu (tức Nhật Tân), Tây Hồ, thẳng xuống khu Chợ Dừa, sang khu Cầu Dền, kéo tới bờ đê sông Hồng, cao hơn thành Đại La cũ đến vài trượng, rộng hơn đến 20 trượng. Năm 1593, Trịnh Tùng đánh đuổi được nhà Mạc, đưa vua Lê về Thăng Long, rồi lệnh cho san phá các lũy đất mà nhà Mạc cho đắp. Sau lại cho đào ngòi sâu men sát theo bên ngoài thành Thăng Long cũ, trên bờ ngoài trồng tre thành luỹ dày kín. Đến năm Cảnh Hưng 46 đời Lê Hiển Tông, 1785, vua cho điều dân các huyện ở gần Kinh đô tới, đắp thành đất chung quanh Hoàng Thành, chu vi tới 7765 tầm, mở đến 21 cửa ô, như Ô Trúc Bạch, Ô Yên Hoa, Ô Yên Phụ, Ô Cầu Giấy, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền... vậy mà, thành đất đắp xong được mấy tháng, quân Tây Sơn kéo ra Thăng Long lần thứ nhất đã san phá đi rất nhiều. Đến năm 1788, quân Tây Sơn ra Bắc lần thứ hai, thấy thành Thăng Long cũ, bị hư hại nhiều, đã cho dùng gạch, đá xây dựng lại như thành xưa, và gọi là Bắc Thành.

Và rồi, tới triều Nguyễn, năm Gia Long thứ nhất, 1802, vua cho đặt tổng trấn Bắc Thành quản cả 11 trấn ở miền Bắc, cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn. Thăng Long làm lỵ sở của trấn Bắc Thành. Đã không có vua ở, nên không được gọi là Hoàng Thành nữa... Vậy là Đại La Thành, rồi thành Thăng Long nữa, đi vào ký ức huy hoàng của dân tộc Việt Nam từ buổi ấy.

Anh Chi                                                                                       
Nguồn: nguoidaibieu.com.vn
Chủ đề: Văn hóa - Phong tục | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 (16/05/2011)
Lượt xem: 798 | Đánh giá: 0.0/0
Tổng số ý kiến: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm các ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==