Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 7, ngày 20/04/2024, lúc 2:52 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » Articles » Văn hóa - Phong tục

Phan Quốc Anh - Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahier ở Ninh Thuận 3.2 (tiếp)

a. Hệ thống chức sắc Bàlamôn

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tôn giáo Bàlamôn hiện nay ở người Chăm không còn hội đủ những yếu tố của một tôn giáo chính thống, hệ thống giáo lý, giáo luật, hệ thống giáo chủ và tín đồ không rõ ràng [29] và người Chăm không tự gọi mình là người Chăm theo đạo Bàlamôn. Nhưng, mặc dù đã bị bản địa hóa khá mạnh, hệ thống này vẫn tồn tại, các chức sắc, tăng lữ Bàlamôn vẫn được duy trì một cách có hệ thống. Trong Bàlamôn giáo: "đẳng cấp Bàlamôn là đẳng cấp cao nhất, được sinh ra từ miệng Sanura (Manu) "Bàlamôn được coi là thần trên mặt đất”, chủ trì chăm lo việc cúng bái, thao túng đời sống tinh thần thời cổ đại và trung thế kỷ”. Hiện nay, các tăng lữ pà xế vẫn nắm giữ phần hồn của cộng đồng người Chăm Ahiêr.

Xã hội Bàlamôn vốn là xã hội phân biệt đẳng cấp, được hình thành nên để bảo vệ cho quyền lợi của đẳng cấp tu sĩ Bàlamôn. Trong xã hội Chăm Ahiêr hiện nay, tuy sự phân biệt đẳng cấp đã bị phai mờ nhưng qua nghiên cứu nghi lễ tang ma, chúng tôi thấy sự phân biệt ấy vẫn tồn tại. Đó là sự phân biệt đẳng cấp theo dòng tộc. Một dòng tộc trước đây thuộc đẳng cấp nào thì nay vẫn bị quy định nghi lễ tang ma theo hình thức của đẳng cấp đó. Đẳng cấp cao nhất vẫn là tăng lữ Bàlamôn. Cơ cấu và thiết chế xã hội Chăm trước đây đã từng bị chi phối bởi bốn tầng lớp xã hội theo giáo lý Bàlamôn. Theo lời văn bia Mỹ Sơn thì dưới đời vua Jaya Indravarman (1088) xã hội Chăm có bốn đẳng cấp theo hệ thống đẳng cấp Bàlamôn ấn Độ [30].

- Brahman           : Tầng lớp tu sĩ, tăng lữ Bàlamôn

- Ksyattriya         : Tầng lớp quý tộc, vương phái, võ sỹ.

- Vaicya             : Tầng lớp bình dân.

- Sudra                : Cùng đinh, nô lệ.

Ngày nay, trong xã hội Chăm vẫn còn phân biệt các đẳng cấp như trên nhưng tên gọi có khác.

- Đẳng cấp tu sỹ Bàlamôn:           Halơw janưng

- Đẳng cấp quý tộc:          Takai gai.

- Đẳng cấp bình dân:        Bal liwa, kulit 

- Đẳng cấp nô lệ, tôi tớ: Halun halak, halun kauh.

Trong hệ thống chức sắc Bàlamôn có hai tầng lớp, hệ thống các chức sắc tu sỹ pà xế (passeh) và các chức sắc dân gian.

Tu sĩ pà xế là những chức sắc tôn giáo Bàlamôn. Tầng lớp này có địa vị cao nhất trong xã hội, được coi là những người trí thức, họ biết chữ Chăm, lưu giữ các sách cổ Chăm qui định về các nghi thức hành lễ, hiểu biết tập tục, truyền bá và thực hiện các nghi thức tôn giáo. Về mặt xã hội, họ thuộc tầng lớp quí tộc cũ. Tu sĩ pà xế được duy trì trong xã hội Chăm theo "cha truyền con nối”. Những người không thuộc dòng dõi chức sắc thì dù có giỏi mấy cũng không được vào hàng ngũ này. Đây là một dấu ấn đậm nét của giáo lý Bàlamôn cổ đại ấn Độ còn đọng lại trong cộng đồng người Chăm Ahiêr ở Ninh Thuận. Hệ thống pà xế được sắp xếp theo 5 cấp từ thấp đến cao như sau:

Cấp thấp nhất là thầy Passeh Đung Akauk. Đây là chức sắc mới nhập môn, phải học chữ Chăm, học các giáo lý, giáo luật và bắt đầu để tóc dài, búi tó.

Cấp thứ hai là thầy Passeh Liah. Là thầy pà xế khi hội đủ điều kiện được làm lễ phong chức từ Passeh Đung Akauk lên.

Cấp thứ ba là Passeh Pahwak (Pahoăk - thầy cho ăn), được làm lễ phong chức từ Passeh Liah lên, phải là người có thâm niên, và là người duy nhất được làm "lễ cho ăn” trong tang ma.

Cấp thứ tư là thầy Passeh Tapah. Đây là những tu sĩ đã đạt đến độ thoát tục, phải qua những điều kiện rất khắt khe mới được phong chức và phải trải qua ba giai đoạn: TapahKatat, TapahKađa và TapahKađwai. Đây là chức danh phó cả sư. Khi chọn người để phong chức cả sư, trước hết phải chọn Tapahkađôi.

Cao nhất là chức cả sư Pô xà (Po Dhia). Đây là người có quyền tối cao trong tôn giáo Bàlamôn. ở tỉnh Ninh Thuận chia làm ba khu vực tôn giáo Bàlamôn nên bao giờ cũng chỉ có ba thầy cả sư. Các vị cả sư cho biết, trước đây, tuy chia ba khu vực tôn giáo nhưng vị cả sư của khu vực tháp Pô Klongirai là lớn nhất, gọi là cả sư Gru Hun (thuộc dương), là người quyết định các lễ phong chức pà xế, ông thầy Gru Hun không được trực tiếp đi làm các chủ lễ mà chỉ ở nhà tu hạnh và chỉ đạo, là người quyết định ngày tháng, giờ giấc và quy trình làm lễ. Ông cả sư khu vực đền Po Inư Nưgar gọi là Grù Bơnghài (thuộc âm) là người do ông Gru hun phân công thực hiện các nghi lễ, trừ lễ nhập kút. Ông cả sư khu vực tháp Pô Rômê gọi là Grù Adơm, là người được làm chủ các lễ nhập kút. Nhưng ngày nay, những quy định trên đây không còn hiệu lực nữa.

Để nhập vào hàng ngũ pà xế và lên đến chức cả sư, phải thực hiện đủ các lễ tôn chức như sau:

- Lễ nhập đạo (Đung Akauk), gọi là lễ xông miệng học chữ Chăm.

- Lễ lên cấp pà xế Liah, giai đoạn học kinh kệ và học các nghi thức hành lễ.

- Lễ tôn chức tu sĩ chính thức (Pwah).

- Lễ tôn chức cả sư hoặc phó cả sư (Po Bac hoặc Po Dhia).

Hiện nay, đến các làng Chăm Ahiêr có thể nhận biết được đội ngũ chức sắc pà xế. Bởi vì họ luôn phải mang trang phục chức sắc của mình và từ thầy Passeh Pahwak trở lên đi đâu cũng mang theo cây gậy thần. Trang phục và đồ trang sức của các thầy khác nhau theo từng cấp pà xế, nhưng có những điểm chung là tóc dài búi tó, vì trong quan niệm âm - dương Chăm, tôn giáo Bàlamôn là Ahiêr thuộc dương, nhưng theo thuyết trong dương có âm, các thầy pà xế vừa là đàn bà (để tóc), lại đeo biểu tượng của đàn ông (dương). Tôn giáo Bàni là Awal thuộc âm nhưng ông thầy Char lại cạo trọc đầu và đeo biểu tượng yoni (âm). Trên đầu các chức sắc Bàni luôn đội nón bọc vải màu trắng, có vành rộng tượng trưng cho bầu trời, không bao giờ đi giầy, chỉ đi dép nhựa hoặc đi chân đất. Ngày xưa các thầy thường đi loại dép cổ làm bằng da trâu.

Tu sĩ pà xế Bàlamôn được quyền lấy vợ, sinh con nhưng phải tuân thủ theo những quy tắc rất khắt khe. Để tu hành, các thầy phải kiêng cữ rất nhiều thứ:

- Không được ăn thịt những con vật đẻ ra con.

- Không ăn thịt những con vật gắn với truyền thuyết, truyện cổ Chăm và tín ngưỡng thờ súc vật như lươn, ếch, giông, cá trê, thỏ, hoẵng. Không ăn những con vật chết yểu, chết do bị thương. Không được ăn những loại hoa quả như chuối hột, đu đủ, đậu hạt, quả sung, bí đao, rau sam, rau dền.

- Không uống các loại nước có chất lên men, khi đang hành lễ cũng chỉ được uống rượu tượng trưng.

- Không được đến dự các nghi lễ thuộc "cõi sống” như lễ sinh đẻ, lễ cưới, lễ múa (Rija).

- Khi đi tiểu tiện phải ngồi xổm (bởi các thầy thuộc âm), khi đi đại tiện phải cởi áo trùm đầu.

- Đi tắm phải xem ngày. Ngày rằm, mồng một theo âm lịch, ngày thứ hai, thứ sáu trong tuần không được ngủ với vợ. Trước khi ăn, trước khi ngủ đều phải đọc kinh.

- Khi ngủ không được quay đầu hướng nam vì người Chăm Ahiêr coi hướng nam là hướng chết nên khi có người chết phải đặt thi hài người chết quay đầu hướng nam. Ngược lại, các chức sắc Hồi giáo Bàni kiêng không quay đầu hướng bắc. Ngoài ra, các thầy pà xế còn phải kiêng cữ rất nhiều ở những lĩnh vực khác. Trong phòng ở của các thầy luôn có chiết (giỏ) đựng rất nhiều các sách viết bằng chữ Chăm cổ hướng dẫn các qui trình hành lễ, các bài văn khấn, hình vẽ các bùa, các câu thần chú và bàn tổ cúng thần. Mỗi lần hành lễ, phải làm lễ cúng hạ chiết sách. Tu sỹ pà xế mặc sắc phục riêng màu trắng, búi tóc ở đỉnh đầu. Sự phân biệt các cấp pà xế dựa vào hoa văn thổ cẩm đính trên váy và khăn.

Hiện nay tu sĩ pà xế ở cộng đồng Chăm Ahiêr có 37 vị. Trong đó có ba vị cả sư cai quản ba khu vực tín đồ và đảm trách các nghi lễ của ba khu vực đền tháp.

Nếu một cả sư ở khu vực nào qua đời thì ở đó chọn một phó cả sư lên thay thế, nhưng phải được sự đồng tình của cộng đồng người Chăm khu vực đó.

Trong các nghi lễ vòng đời cũng như trong các nghi lễ cúng bái, luôn có sự hiện diện của các chức sắc tăng lữ Bàlamôn và các thầy cúng, thầy pháp, các nghệ nhân kéo đàn, đánh trống, hát lễ, ông bóng, bà bóng. Những người này đều được gọi là các thầy chủ lễ, được phân công, phân nhiệm một cách rõ ràng, bài bản. Trước khi hành lễ đều phải làm lễ thức tẩy uế cúng thần linh.

Hệ thống chức sắc và các thầy chủ lễ dân gian được chia làm năm thành phần như sau:

1. Các tăng lữ pà xế, gồm 5 cấp bậc.

2. Thầy kéo đàn kanhi (kadhar) và bà bóng khu vực tôn giáo (muk pajơw)

3. Ông "thầy vỗ” trống baranưng (mưdwơn); ông thầy múa bóng (ong kaing)

4. Thầy cúng (gru yang); thầy pháp (gru tiap bhut)

5. Những thầy hát khấn, đọc thơ dân gian (ong dauh).

Trong số các thầy trên, chỉ có các tăng lữ pà xế bắt buộc phải mặc trang phục riêng theo cấp bậc chức sắc của mình và luôn phải mang gậy thần. Các thầy chủ lễ dân gian khi hành lễ đều phải mặc trang phục truyền thống, khăn quấn đầu luôn thắt nút về phía bên phải đầu.

Với những gì trình bày ở trên, chúng tôi thấy, mặc dù người Chăm Ahiêr đã từ rất lâu không tiếp xúc với đạo Bàlamôn trên thế giới, tầng lớp tu sĩ Bàlamôn đã có nhiều biến đổi nhưng về cốt lõi đẳng cấp, về sự nối truyền dòng dõi, sự tu luyện, sự kính trọng của tín đồ, về nhiệm vụ tế tự của họ vẫn có nhiều điểm tồn tại như thời kỳ Bàlamôn cổ đại: "ở thời kỳ Phạn thư, đã xuất hiện gia tộc Bàlamôn tế tự truyền đời. "Phuốc Vê đa gọi họ là "thần của nhân gian”. Họ không đơn thuần là người chỉ đạo tôn giáo, cũng là giai tầng trí thức đương thời. Họ hưởng thụ các loại đặc quyền: nhận của bố thí, được miễn sưu thuế, khi phạm tội nặng có thể được miễn tội chết, bản thân họ và vợ con và bò của họ đều được công chúng kính lễ” [31].

 

 

 

b. Giáo lý, giáo luật

Đã từ rất xa xưa, người Chăm Bàlamôn ở Ninh Thuận nói riêng và ở Việt Nam nói chung không có sự liên hệ với cộng đồng ấn Độ giáo ở trên thế giới. Vì vậy, tôn giáo Bàlamôn của người Chăm không có hệ thống giáo lý, giáo luật rõ ràng. Ngày nay, đại đa số người Chăm Bàlamôn không biết đến giáo lý, giáo luật của Bàlamôn là gì mà chỉ tồn tại trong hàng ngũ chức sắc pà xế. Cộng đồng người Chăm Ahiêr có tôn giáo với nội dung đã bị biến thành một kiểu tôn giáo địa phương, với tên gọi tôn giáo gốc là Bàlamôn cũng đã bị bản địa hóa. Nhưng dù sao, tôn giáo của người Chăm Ahiêr vẫn bắt nguồn từ gốc ấn Độ và chịu ảnh hưởng giáo lý, giáo luật, kinh kệ của Bàlamôn giáo. Đó là những bộ kinh Veda được Hindu giáo kế thừa và bổ sung qua bộ kinh Upanishad (áo nghĩa thư) như Rigvêđa (độc tung Vê đa), Samavada (ca vịnh Vê đa), Yajurvada (tế tự Vê đa) và Athrvamda (gồm bùa chú và khấn trừ tà ma) và một số kinh luật khác được các tăng lữ pà xế Chăm Bàlamôn từ xa xưa phiên dịch ra tiếng Chăm, ghi lại bằng chữ Chăm trong các thư tịch cổ, được truyền lại từ đời này qua đời khác và được thay đổi trong quá trình vận dụng vào sao phù hợp với thực tiễn tín ngưỡng và đời sống xã hội Chăm qua các thời kỳ. Vì vậy, hệ thống giáo lý, giáo luật Bàlamôn hiện nay ở người Chăm rất lỏng lẻo, thiếu căn cứ và thiếu tính thống nhất giữa các vùng, bị pha trộn với tín ngưỡng bản địa.

Hệ thống kinh luật thể hiện bằng văn bản chữ Chăm và được các thầy pà xế sử dụng hiện nay không còn nhiều, chủ yếu là các kinh tụng trong lễ nghi cúng tế:

- Kinh tụng lễ rửa tội trừ tà (Pakblih), được dùng trong lễ rửa tội cho các tu sĩ.

- Kinh tấn phong chức sắc thầy cả sư pô xà (Gal pak tangun).

- Kinh dựng và nhập kut (mưtayang).

- Kinh tụng nằm thiếp và tấn phong (Gal pak Pakaup)

- Kinh hiến tế trên tháp và cầu đảo (Băk kap).

- Kinh tống ôn thôn xóm (Băk kap play).

- Kinh trong nghi lễ cúng đền tháp, lễ chặn nguồn nước (Băk kaphay danak).

Ngoài những bộ kinh chính nói trên, các chức sắc pà xế còn lưu giữ những bài tang ca, các truyện thơ (Ariya), sách lịch (Sakawi) để phục vụ cúng lễ. Các bộ kinh luật trên được chép tay trên lá buông hoặc các loại vật liệu để ghi chép khác như giấy vỏ bao xi măng. Những bộ kinh này ít được truyền bá rộng trong cộng đồng mà chủ yếu cha truyền con nối trong tầng lớp tu sỹ và được giữ gìn rất cẩn thận vì đó là vật rất linh thiêng, được treo trên các chiết sách trong nhà, mỗi lần hạ chiết phải làm nghi thức cúng lễ.

Từ lâu, trong các bộ kinh nói trên, hai bộ kinh "cầu đảo” và "tống ôn” trong làng ít khi dùng đến. Kinh hiến tế trên đền tháp được sử dụng định kỳ hàng năm vào dịp lễ hội Katê. Kinh được dùng thường xuyên nhất là kinh rửa tội, trừ tà.

Tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng tôn giáo Bàlamôn đều có chung một điểm là tín ngưỡng đa thần. Hệ thống thần linh trong nhận thức của người Chăm hôm nay là hệ thống thần linh được sùng bái trong dân gian và cả hệ thống thần linh của Bàlamôn giáo.

 

 

 

c. Hệ thống thần linh

Tôn giáo Bàlamôn vốn là tín ngưỡng đa thần. Điều này phù hợp với tín ngưỡng đa thần của các cư dân nông nghiệp lúa nước ở Đông Nam á. Vì vậy, trong quá trình bản địa hóa, các thần linh của Bàlamôn giáo đã hoà trộn với các thần linh của các cư dân nông nghiệp lúa nước. Trong quan niệm của người Chăm, thần linh ngự ở khắp mọi nơi với số lượng hằng hà sa số. Bởi vậy nên trong dân gian Chăm mới có câu: Bwơl Karang, Yang pabblwak. Có nghĩa là: dân thì thưa, thần lại thừa.

Tuy nhiên, hệ thống thần linh của người Chăm Ahiêr không hẳn là một hệ thống của tôn giáo Bàlamôn mà đã được bồi đắp chồng chất đời này qua đời khác và đã nhào trộn với các thần linh của tín ngưỡng bản địa. Đền tháp theo tôn giáo ấn Độ là để thờ các đấng thần linh của Bàlamôn giáo, nhưng người Chăm đã biến thành đền thờ các nhân thần, có tên tuổi cụ thể như Pô Rômê, Pô Klong Girai, Pô Klong Chan, Pô Tăm, Pô Sah Inư v.v…

Đấng tạo hóa theo quan niệm của người Chăm là nữ thần Yang Po (Po Inư Nưgar - thường được viết là Po Nagar - theo từ điển của E. Aymonier [32]) và thần cha (Po - Yang Amư). Đây là thần mẹ xứ sở, vị nữ thần thuộc âm để đối xứng với Po - Yang Amư - thần cha, thuộc dương. Người Chăm có câu: Mưng ngauk Po debita, pak ala anưk adam. Có nghĩa là: Tạo hóa ngự trên trời, loài người ngự dưới đất [33].

Po Inư Nưgar được người Chăm coi là vị nữ thần sáng tạo ra tất cả vũ trụ và sự sống của muôn loài, là gốc rễ của kho tàng thần thoại Chăm. Thần Po Inư Nưgar còn có tên là thánh mẫu Po Inư Nưgar Taha. ở vùng Phan Rang, bà còn có tên là chúa của đàn bà (Stri Rat Jư nhi). Bà được sinh ra từ mây và bọt biển. Bà có 97 chồng, chồng chính là thần Cha: Pô Yang Amư. Bà sinh ra 38 cô gái. Trong đó các nữ thần là con của bà đang được thờ phượng ở các làng Chăm Ninh Thuận như: Po Inư Nưgar Muram (đền thờ bà Po Inư Nưgar Muram ở làng Hữu Đức là một địa điểm hành lễ trong lễ hội Katê); đền thờ bà Po Inư Nưgar Hamukut ở làng Bĩnh Nghĩa và nhiều đền thờ Bà ở các vùng Chăm khác. Hầu hết ở các làng Chăm đều có đền, miếu thờ mẫu Po, được coi như thành hoàng làng. Đền thờ Po lớn nhất chính là Tháp Bà (Po Nagar) ở Nha Trang. Trong các lễ thức dân gian gắn với văn hóa biển và văn hóa nông nghiệp còn có các vị thần như Po Hanim Pơr, Po Tang Ahauk (thần thủy sư đô đốc) v.v… Thần hủy diệt: Po Sapalai, thần sáng tạo Po Sapạiơng. Thần Po Nư bi Ali trong truyện kể Um mưrup, hung thần Po Sơnggi trong tráng ca Deva Mưno, thần Po Kuk trong truyện Atmuhekat (sự tích con gà gáy sáng) [34]. Hệ thống thần linh của người Chăm có thể phân thành những thần tự nhiên và nhân thần.

Thần trời, thần cha: Yang Po, Yang Amư (Yang Po là thần trời. Yang Amư là thần cha), đây là hai vị thần tối cao thuộc dương, luôn đi cặp với nhau và luôn được thỉnh mời đầu tiên trong các lễ tục Chăm. Ngoài ra, những vị thần được thờ phụng trong tín ngưỡng người Chăm Ahiêr gồm: thần mặt trời: Po Aditiak; thần lửa: Po Yang patah apui; thần tứ phương: Po Yang Akieng; thần bầu trời: Po Ligik; thần biển: Po Yang Atơw Tathik; thần núi: Po Yang atơw Chơk; thổ thần: Po Bhum; thần nước: Po Patah ia; thần gò mối: Po Yang Angin; thần mưa: Po Yang Chan; thần gió: Po Yang Angin; thần tháp: Yang Bimong Kalan; thần Po Nưbi, Po Bihanuk: thần hộ mệnh bên tả bên hữu v.v…

Những vị nhân thần hiện nay được thờ phụng ở người Chăm là những nhân vật có thật trong lịch sử, là những người có công trị vì đất nước, có công khai phá đất đai, trị thuỷ nhập điền. Hầu hết các nhân vật này đã được khoác lên một chiếc áo thần thoại, truyền thuyết để linh hóa. Đây là một hiện tượng phổ biến trong lịch sử văn hóa Chăm và ở nhiều dân tộc khác. Những đền tháp được xây dựng mô phỏng theo hình núi Mêru ở ấn Độ để thờ các thần Bàlamôn đã được người Chăm biến thành lăng mộ thờ các vị vua - thần. Việc xây dựng các tháp Chăm, chắc chắn là có nguồn gốc từ Bàlamôn giáo: "Các vua chúa Chăm Pa, Chân Lạp dưới ảnh hưởng sùng bái tự nhiên của ấn Độ giáo. Họ cho rằng đền dạng núi là trục chính của vũ trụ”. Biểu tượng thờ Shiva với bệ linga - yoni bằng đá thường được gắn hình mặt các vị vua (Mukhalinga) và thờ trong các đền tháp. Các vị vua - thần này xuất hiện muộn hơn và gắn với tôn giáo Bàlamôn như Po Klaung Girai (thế kỷ XII), Po Rame (thế kỷ XVI), Po Bin Thuơr (Chế Bồng Nga?) và các nhân vật như Po Sah Inư, Po Tang Ahauk, Po Harim Mưh, Nai Tangya Bia Atapah, Po Nai, Po Tăm, Po Nit… Các nhân vật lịch sử này đã được "thần linh hóa”, được thờ ở các tháp và các đền miếu Chăm. Xung quanh những nhân vật này và những nơi thờ tự họ đều được thêu dệt nên những truyền thuyết mang tính thần thoại. Có thể nêu một vài ví dụ như: Truyền thuyết về Po Klaung Chan, một vị tướng của vua Po Klaung Giirai, hiện còn đền thờ ở làng Bầu Trúc, hay như khu mộ kút của Po KlaungHalơw ở làng Hữu Đức, vị vua Chăm thế kỷ XVI v.v… Ngoài ra, còn có các nhân thần xuất phát từ những người trong thích tộc của vua như các hoàng hậu, các hoàng tử, công chúa và các tướng lĩnh.

Trong tục thờ tổ tiên, người Chăm có các thần: thần tổ tiên: Po Prauh hay còn gọi là Po prauk Po Patra; thần ông, bà: Po Muk, Po Likei.

Tôn giáo Bàlamôn có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội của người Chăm. Tôn giáo người Chăm cũng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng chủng họ (Caslus) của ấn Độ trong "Nguyên nhân ca” của kinh Veda [35], xã hội người Chăm xưa cũng chia làm bốn đẳng cấp chính như ấn Độ giáo. Đứng đầu các đẳng cấp trên là tu sĩ. Người Chăm hiện nay còn phân biệt các tầng lớp, các đẳng cấp khác nhau. Tiêu biểu cho đạo Bàlamôn của người Chăm là tầng lớp tăng lữ gọi là pà xế (passeh), đối với tín đồ, đó là một loại trí thức trong xã hội.

Rõ ràng là suốt chiều dài lịch sử, người Chăm tự nguyện tiếp nhận các tôn giáo lớn của ấn Độ. Những tôn giáo này có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống chính trị, văn hóa, cho đến ngày nay nó vẫn giữ được dấu ấn đậm nét của văn hóa các tôn giáo ấn Độ.

Từ hơn nửa thiên niên kỷ nay, đồng bào Chăm đã là một thành phần dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đặc biệt từ sau năm 1975, với chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và tôn giáo, đồng bào Chăm được duy trì tự do tín ngưỡng, các lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo được khôi phục. Đó là những hoạt động thiết thực góp phần vào việc bảo lưu, gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc Chăm - một nền văn hóa đặc thù còn mang trên mình những màu sắc văn hóa ảnh hưởng từ những tôn giáo ấn Độ - cũng là góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng.

 

3. Lễ vật trong các nghi lễ

Với tín ngưỡng dân gian và chịu ảnh hưởng của Bàlamôn giáo trong việc tế tự, lễ vật sử dụng trong nghi lễ vòng đời của người Chăm rất phong phú, đa dạng gồm các loại vật nuôi, cây trồng có từ những sản vật của địa phương. Những lễ vật tế tự của người Chăm khá phức tạp. Mỗi loại lễ vật với chất liệu, số lượng và cách bài trí đều mang những ý nghĩa nhất định, trong đó có những ý nghĩa có thể phân tích, giải mã được, nhưng cũng có nhiều hiện tượng chưa đủ tư liệu và căn cứ để giải mã. Bởi vì, nghi lễ Chăm là sự hỗn dung của nhiều lớp văn hóa, trong đó, dấu ấn Bàlamôn giáo vẫn còn đậm, Bàlamôn giáo vốn lại là: "một tôn giáo có rất nhiều hình thức tế tự phức tạp” [36]. Chúng tôi xin liệt kê những lễ vật chính để thuận tiện cho việc trình bày các nghi lễ ở phần sau. Có thể chia ra các loại: lễ vật hiến tế, đồ dâng cúng, thức ăn, uống trong lễ.

- Hiến tế người và súc vật là một trong những đặc điểm của thời kỳ Veda ở ấn Độ. Bàlamôn giáo cổ đại có tục "nhân tế”: "Trong văn hiến Vê đa đã nhiều lần đề cập đến một thực tế lấy người làm vật hy sinh. Việc khai quật khảo cổ những năm gần đây cũng đã chứng minh sự tồn tại của nghi thức tế tự này” [37]. Sau này, "nhân tế” đã được thay bằng "mã tế” và những súc vật khác để tế. Hình thức "nhân tế” sau này còn được thay bằng "Ssalih” (hình nhân thế mạng). Trong các lễ Rija của người Chăm, chúng ta cũng thấy có những vật hiến tế là các hình nhân được nặn bằng bột gạo. Cho đến nay tục hiến tế súc vật vẫn tồn tại trong nghi lễ Chăm, thường dùng các con vật sau để hiến tế:

+ Trâu (Kubaw): Truyền thuyết Núi đá trắng là câu chuyện thần thoại nổi tiếng của người Chăm về tục "hiến tế” [38]. Hiện nay có nhiều dị bản khác nhau nhưng đều có chung một điểm là: xa xưa, người Chăm có tục hiến tế người sống, và cũng chính truyền thuyết này kể về việc cho đổi vật hiến tế từ người sang súc vật, từ chỗ tế người sống (con gái đồng trinh) sang tế trâu trắng. Lễ tế trâu trắng của người Chăm diễn ra bảy năm một lần, ngày nay là nghi lễ do hai dân tộc Việt và Chăm cùng phối hợp thực hiện (hai làng này cùng sử dụng nguồn nước của đập sông Giăng). Nếu gia đình hay dòng tộc nào có chuyện chẳng lành, ốm đau bệnh tật triền miên, làm ăn thất bát, hoặc có điều gì đó cần cậy đến thần linh thì dùng trâu đen để làm lễ hiến tế. Các thầy pà xế cho biết, trâu trắng là loại trâu quý hiếm, đắt tiền và chỉ dùng trong lễ tế ở núi Đá Trắng, còn cúng ở tộc họ, chỉ cúng bằng trâu đen. Các tộc người ở Tây Nguyên thường cúng tế thần linh bằng trâu đen (lễ đâm trâu), đây là một sự dị biệt mà chúng tôi chưa có điều kiện đi sâu tìm hiểu, giải mã.

+ Dê (Pabaiy - Pape): Con vật hiến tế thường thấy trong một số nghi lễ là con dê. Trong lễ hội Rija, ông thầy Char (thầy chức sắc Bàni) làm nghi thức cắt cổ dê, kèm theo đó là một câu chuyện thần thoại về tục hiến tế dê [39]. Theo cả sư Hán Bằng, nửa con dê được tính từ ngực trở lên là phần "dương”, được để trên mâm cao. Nửa con dê còn lại là nửa "âm”, người ta để ở mâm thấp.

- Bàn tổ cúng (ssanai): Lễ vật trên các bàn tổ cúng của các ông thầy phổ biến là trầu, cau, rượu và trứng, khay đồng nước, khay lửa trầm hương, nến sáp ong v.v...

Tộc người Chăm cũng như các dân tộc khác trên thế giới, đều dùng những sản vật nông nghiệp của địa phương mình làm lễ vật. Mỗi loại lễ vật từ chất liệu, hình dáng, công dụng, số lượng, cách bài trí đều được thiêng hóa, trở thành những biểu tượng mang những ý nghĩa nhất định. Việc tìm hiểu, giải mã chúng là rất khó khăn. Chúng tôi mạnh dạn đưa ra những nhận xét ban đầu về những lễ vật trong nghi lễ Chăm, là một giả thuyết của chúng tôi, được tập hợp qua những tư liệu phỏng vấn các vị chức sắc pà xế, các thầy cúng và một số nghệ nhân Chăm.

+ Trầu, cau là những lễ vật phổ biến của các dân tộc ở Đông Nam á. Người Chăm quan niệm quả cau là biểu tượng dương, lá trầu là biểu tượng âm (thể hiện rõ trong lễ cưới, khi cô dâu chú rể dâng trầu cau cho nhau): Trầu lá (hala) têm với cau khô, và vôi. Nhưng tuỳ theo ý nghĩa của từng nghi lễ mà cách têm trầu cau, cách bài trí và số lượng trầu cau khác nhau. Quan sát các nghi lễ, chúng tôi thấy có ba cách têm trầu khác nhau: 1/ Loại trầu têm tròn hala tapu, là loại trầu têm cuốn tròn để cúng tế. Trầu têm tròn lại có hai loại: loại dùng trong các nghi lễ cúng thần linh, trầu được để nguyên cả lá, gấp đôi lại, têm cau, vôi và mép lá trầu được cuốn vào trong thành hình tròn; 2/ Loại trầu têm dùng để yểm bùa, cũng têm như trầu cúng thần linh nhưng mép lá trầu phải quay ra ngoài; 3/ Còn loại trầu dẹt để dùng trong nghi lễ cưới xin (hala dam tara - trầu lứa đôi - lá trầu phải được xé làm đôi têm với cau, vôi theo hình dẹt).

+ Khay lửa trầm hương là vật không thể thiếu ở các nghi lễ của người Chăm. Trong lịch sử, vùng Khánh Hoà, Ninh Thuận được gọi là "xứ trầm hương” - một trong những đặc sản quý giá của vùng rừng núi Kauthara và Panduranga. Tất cả những đồ cúng tế, trước khi mời thần linh đều phải được xông lên khói trầm hương. Khi xông trầm, các thầy đều làm bùa phép, đọc lời khấn tẩy uế và mời các vị thần. Các vị chức sắc cho biết, đây là nghi thức bắt buộc, những đồ cúng tế cần phải xông lên khói trầm hương thì mới được tẩy uế cho thanh tịnh. Những tôn giáo có nguồn gốc ấn Độ đều có lễ thức xông hương khói, thể hiện sự "sái tịnh” thanh khiết, linh thiêng trong các nghi lễ. Ngoài ra, khói trầm hương cùng với lời khấn trầm trầm tạo nên một không gian thiêng. Trong lễ nhập kút, giữa đêm khuya ngoài nghĩa địa hoang vắng, tiếng tang ca đưa linh nỉ non ai oán hoà trong tiếng đàn kanhi não nề, lời khấn rì rầm trong khói trầm hương nghi ngút tạo cho mọi người cảm giác như đang rơi vào một không gian thiêng của thần linh, nơi gặp gỡ giữa cõi sống và cõi chết.

+ Các loại nước: nước trầm hương (ia gihlơw - gihăn); nước thánh (ia agal); nước nhĩ (ia nak ia nơr - một loại nước dùng trong lễ dựng nhà kút); nước biển (ia tathik, dùng trong lễ dựng nhà kút).

+ Rượu: Trong nghi lễ Chăm, lúc nào cũng phải có rượu (lăk) dùng để cúng như rượu cần (tapai), rượu gạo. Nhiều dân tộc trên thế giới đều dùng rượu để cúng, nhưng đối với các chức sắc Bàlamôn, có thể việc dâng cúng bằng rượu có nguồn gốc từ kinh Veda, Hoàng Tâm Xuyên có viết: "Trong kinh Veda có mục cúng tế Tuđàla Mani, dùng rượu Xôma để dâng cúng thần hoặc tổ tiên và gọi là "Xôma tế” [40].

+ Trứng gà (bauh mưnuk): Số lượng trứng bày trên bàn tổ khác nhau tùy theo các nghi lễ khác nhau, thông thường là ba quả. Người Chăm cũng như nhiều dân tộc trên thế giới dùng trứng để cúng và quan niệm rằng trứng là nơi tụ hồn của thần linh. Người Việt có tục cúng trứng cho hổ. Hổ trong tín ngưỡng người Việt là thần linh cai quản mặt đất, cúng trứng cho hổ để thần linh cai quản mặt đất bảo vệ những linh hồn yếu đuối khỏi bị quỷ dữ hành hạ.

Ngoài ra còn có những lễ vật khác như hạt nổ (là loại gạo nếp được rang lên như bắp rang); cát lồi: ia mu (một loại đất sét trắng, có tác dụng rửa sạch, có bọt như xà phòng, thường được dùng trong các lễ thức tẩy uế) và rất nhiều loại nến làm từ sáp ong. Có những cây nến cao hàng mét, đường kính khoảng 8cm.

+ Gà (mưnuk) cũng là một con vật thường thấy trong mâm lễ dâng cúng thần linh. Người Chăm có câu "Ngày vào cúng gà, ngày ra cúng ngạnh (dê)”. Thường thì những ngày đầu của lễ, lễ vật dâng cúng là thịt gà luộc để nguyên con. Nếu là những nghi lễ tôn giáo ở trên tháp thì con gà luộc được để ngửa (cúng thần trời - dương). Nếu cúng tại làng, dòng tộc hay trong gia đình thì gà để úp (cúng thần đất - âm).

+ Heo (pabuei). Trong khi người Chăm Bàni kiêng thịt heo thì người Chăm Ahiêr lại dùng thịt heo để cúng và ăn uống trong các nghi lễ. Ngoài ra còn có các con vật khác được dùng để cúng: Thỏ rừng (tapai), con vít biển (đuk), con vịt (ada), cá biển (ikan).

+ Bánh trái dùng làm lễ vật trong nghi lễ của người Chăm rất phong phú. Nhiều nhất là bánh tét pei nung. Bánh được xếp trên mâm theo hình tròn nhỏ dần theo hình tháp trụ, ở bên dưới là bánh tét hình vuông. Nếu người được cúng là nữ thì xếp 9 lớp bánh, nếu người được cúng là nam thì xếp 7 lớp. Người Chăm cũng có quan niệm "nam thất nữ cửu” như người Việt và một số dân tộc khác, vì vậy, trong các nghi lễ của người Chăm, những lễ thức nào dùng cho nam giới đều dùng con số 7, cho nữ dùng con số 9. Đặc biệt, ở giữa tháp bánh hình trụ có một quả dừa tròn, một đòn bánh tròn dài được cắm thẳng đứng. Đây có thể là biểu tượng phồn thực linga - yoni, theo tín ngưỡng thờ thần Shiva [41].

Các loại bánh và chè trong lễ tục Chăm được gọi là đồ cúng chay: Bánh tét (pei nung daung); bánh ít (pei dalik); bánh tráng (pei cơm); bánh đúc (kadaur); xôi (diep); bánh ngọt (ahar); hạt nổ (hạt gạo nếp rang - kamang); quả dừa (bauh liu); mía cây (tabuv); trái chanh (krwơc); gạo rang (apiơng); các loại chuối (patei), tùy theo ý nghĩa của từng nghi lễ mà những nải chuối được để úp hay để ngửa.

- Công cụ làm lễ: Gậy thần (gai mong) của các chức sắc Bàlamôn. Có hai loại gậy khác nhau và hàng loạt những hình bùa vẽ trên giấy, có những hình ông thầy trực tiếp vẽ trên đất cát, trên chiếu, gối, và các vật khi cúng tế. Việc sử dụng rất nhiều ma thuật bùa chú trong các nghi lễ Chăm, theo chúng tôi có nguồn gốc tế tự vạn năng rất phức tạp và huyền bí đã được ghi trong kinh điển Veda.

Có hàng chục loại mâm lễ, trong đó đáng chú ý là mâm trầu (thong hala) ba tầng, biểu tượng cho quan niệm ba tầng vũ trụ của người Chăm. Tuỳ theo từng lễ tục mà bài trí các thong hala khác nhau. Có rất nhiều loại mâm cổ bồng, mâm bàn tổ chính, mâm bàn tổ phụ, mâm cao, mâm thấp, mâm to, mâm nhỏ. Vào trong một lễ hội Chăm, có hàng trăm chiếc mâm lễ được bày biện ra, nhưng tất cả phải tuân thủ theo một quy định bài trí chặt chẽ và nhất quán.

Người Chăm dùng rất nhiều những ca, khay bằng đồng để đựng nước cúng và những lễ vật. Cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới, những công cụ bằng đồng được coi là linh thiêng. Trên bàn thờ của người Việt và của nhiều dân tộc khác đều sử dụng rất nhiều đồ đồng. Theo PGS. TS. Trần Lâm Biền, khi đào được những công cụ bằng đồng từ trong lòng đất của thời đại đồ đồng, con người không hiểu từ đâu mà có, không tin là do con người làm ra và cho rằng đó là của thần linh. Từ đó, đồ đồng được coi là chất liệu linh thiêng và được dùng để đựng đồ cúng tế thần linh. Ngoài ra còn các loại khay, mâm hình vuông, hình tròn được làm bằng gỗ hoặc mây, các ché, bình, tô, bát, ống nhổ v.v...

Tất cả những lễ vật trên đều được sử dụng trong các nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr.

Chủ đề: Văn hóa - Phong tục | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 (15/08/2011)
Lượt xem: 1008 | Đánh giá: 0.0/0
Tổng số ý kiến: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm các ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==