Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 29/03/2024, lúc 10:56 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » Articles » Văn hóa - Phong tục

VĂN HÓA HÁN NÔM ĐÀ NẴNG NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY

Quảng Nam và Đà Nẵng cùng chung văn hóa xứ Quảng. Nhưng từ khi chia tách tỉnh, Đà Nẵng đang cố đi tìm và xây dựng bản sắc văn hóa riêng. Ở một số khía cạnh văn hóa này, Đà Nẵng không thể tách rời Quảng Nam . Song, ở một số lĩnh vực văn hóa kia, Đà Nẵng lại khả dĩ độc lập với Quảng Nam . Trong trường hợp như vậy, có thể chú tâm nghiên cứu để hiểu sâu và tạo lập hệ thống lý luận văn hóa riêng của Đà Nẵng. Văn hóa Hán Nôm Đà Nẵng là một phần của văn hóa Đà Nẵng, tương đối độc lập, mang sắc thái riêng trong bối cảnh chung của văn hóa xứ Quảng. Chúng ta có thể nghiên cứu và khai thác văn hóa Hán Nôm Đà Nẵng để góp phần xác lập vị thế văn hóa Đà Nẵng.

Hiện tại, trên địa bàn Đà Nẵng có nhiều Viện nghiên cứu, trường Đại học, ngành học Xã hội - Nhân văn, như Viện Phát triển Bền vững vùng Trung Bộ, Viện Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng; ngành Sử học, Văn hóa học, Việt Nam học của trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, Đại học Đông Á, trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật thành phố Đà Nẵng. Đó chính là những cơ sở nghiên cứu và giảng dạy một phần văn hóa Đà Nẵng nói chung và văn hóa Hán Nôm Đà Nẵng nói riêng. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ trình bày và định hướng những vấn đề văn hóa Hán Nôm Đà Nẵng đang còn bỏ ngỏ, chưa được quan tâm nghiên cứu và khai thác.

1. Hệ thống hoành phi câu đối

Hiện tại, Đà Nẵng có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Theo khảo sát điền dã của chúng tôi ở Đà Nẵng, mỗi phường xã hầu như có trung bình 2 - 3 đình làng, 1 - 2 ngôi chùa, tối thiểu 4 - 5 nhà thờ họ và các ngôi miếu khác như miếu âm linh, miếu Bà, miếu Sơn thần, mộ táng. Các di tích này đều có bài trí nhiều hoành phi, câu đối.

Hoành phi, câu đối là một văn bản ngắn gọn, súc tích; thông báo cho mọi người biết được tên di tích và loại di tích; đồng thời khái quát đối tượng vị thần được thờ phụng trong di tích hoặc miêu tả phong cảnh hữu tình, uy nghiêm trong ngoài khuôn viên di tích. Thậm chí, có hoành phi hay câu đối giúp chúng ta xác định được niên đại kiến tạo di tích. Ví dụ bức biển gỗ đại tự ở chùa Ba (Hoa) Sơn (thuộc khối phố Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cho biết chùa được khai sơn vào đời Minh Mệnh. Ngoài ra, hoành phi, câu đối còn là tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Bản thân nhiều liễn đối, đại tự bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ. Đồng thời các bức hoành phi câu đối cũng được bài trí cân đối, hài hòa trong tổng thể di tích, tạo nên một cấu trúc hoàn chỉnh.

Trong trường hợp này, chúng ta có thể nghiên cứu hoành phi câu đối theo các nội dung hoặc định hướng: thể loại chữ khắc, cấu trúc từ pháp, cú pháp; phân loại hoành phi câu đối tả linh thần hay trường cảnh, tư tưởng Nho hay Phật hay Đạo; xác định tác giả, niên đại; khai thác giá trị nội dung… Trong quá trình dạy học, chúng ta yêu cầu sinh viên đi thực tế xuống các di tích sao chép hoành phi câu đối và tập minh giải những văn bản này.

Đặc biệt, ở Đà Nẵng có rất nhiều di tích mới được xây dựng hoặc trùng tu, do vậy có một vài hoành phi câu đối bị khắc sai theo kiểu sai nét, đồng âm dị tự hoặc để sai vị trí các bức đại tự. Chúng ta cần phải đi điền dã sưu tầm, phát hiện những trường hợp này và thông báo cho người quản lý sở tại để sớm điều chỉnh, khẳng định người địa phương mình hiểu biết như cha ông.

2. Hệ thống văn bia

Văn bia là di sản quý báu của dân tộc, là sử liệu đá lưu dấu tiền nhân và vĩnh truyền hậu thế. Ví như hệ thống bi văn ở Văn Miếu Hà Nội đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới (ngày 9.3.2010). Việc công bố được từ nguyên địa danh Mân Quang[3] cũng nhờ vào tấm bia mộ tiền hiền của họ Lê ở Mân Quang (Hòa Quý). Hay một nhóm nghiên cứu ở Huế gần đây gây sự chú ý trên báo chí về những tấm bia mới "phát hiện” ở Đà Nẵng. Hoặc khi đoàn du lịch tham quan Ngũ Hành Sơn, hướng dẫn viên luôn luôn giới thiệu về tấm bia Phổ Đà ở động Hoa Nghiêm như một nghiệp vụ bắt buộc. Việc nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển làng nghề truyền thống Đá mỹ nghệ Non Nước phải dựa vào tư liệu của một văn bia ở xã Đại Hòa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Tấm bia Phổ Đà sơn linh trung Phật cho chúng ta biết bao nhiêu tư liệu về danh xưng Ngũ Hành Sơn và các danh xưng làng xã, người nước ngoài ở đất Quảng, hôn nhân người Việt với người nước ngoài, việc quyên góp xây dựng di tích, Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn[4]

Đất Quảng là một vùng đất học và có nhiều mỏ đá thiên phú gắn liền với danh sơn thắng động, nên có điều kiện thuận lợi cho sự hình thành văn bia nơi đây. Rải rác khắp địa bàn thành phố Đà Nẵng, nơi nào cũng có văn bia. Trong đó Non Nước - Ngũ Hành Sơn là nơi còn lưu giữ nhiều văn bia nhất. Đặc biệt, Đà Nẵng có một số văn bia cổ rất giá trị như Phổ Đà sơn linh trung PhậtThái Bình tự thạch biLập thạch bi Thủ Long tự và những tấm bia đề khắc thơ văn xướng họa đặc sắc của các bậc đại thần danh sĩ như Cao Xuân Dục, Nguyễn Thuật, Nguyễn Văn Mại, Phạm Phú Lâm… Văn bia Đà Nẵng ngoài sự phong phú về nội dung và thể loại còn có sự đa dạng về thể loại văn tự[5] như 2 tấm bia viết về 2 cha cố hiện đặt tại nhà thờ Phú Thượng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) gồm chữ Hán-Nôm và chữ Ý (?), tấm bia mộ chí của Hàn lâm viện Thị độc Nguyễn Văn Mẫn (nghĩa địa Xuân Thiều, sát QL 1A, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) gồm chữ Hán-Nôm, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ.

Thế nhưng qua gần một tháng đi in rập văn bia tại thành phố Đà Nẵng với Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (7/2010), chúng tôi thấy văn bia Đà Nẵng đang rơi vào thực trạng bị xâm hại nghiêm trọng với nhiều lý do khác nhau[6]. Do vậy, chúng ta cần có kế hoạch sớm sưu tầm, nghiên cứu và khai thác hệ thống văn bia Đà Nẵng để làm "đòn kê” cho văn hóa Đà Nẵng trước khi nó bị mai một. Cụ thể tổ chức và hướng dẫn sinh viên đi in rập thác bản văn bia để cho sinh viên ngành Sử học, Văn hóa học và Việt Nam học tiếp cận các học phần Hán Nôm, bảo tàng, bảo tồn di tích biết về thao tác in rập văn bia. Tiến hành nghiên cứu văn bia Đà Nẵng theo các hướng: phân loại văn bia theo địa bàn phân bố, trục thời gian - niên đại xuất hiện văn bia, kích cỡ, chất liệu văn bia, v.v..; khảo sát đặc điểm văn bản học và nghệ thuật trang trí của văn bia; nghiên cứu giá trị nội dung của bài văn bia; khai thác giá trị nội dung và hình thức nghệ thuật của văn bia làm sử liệu để vận dụng vào các lĩnh vực nghiên cứu khác; đồng thời đề xuất biện pháp bảo tồn hiệu quả hệ thống văn bia, vì nó cũng như sắc phong là một loại "độc bản” - mất là hết!

3. Hệ thống văn khắc

Văn khắc hay minh văn là văn bản được "khắc” trên các chất liệu như gỗ, đá (xi măng), đồng, vàng. Hệ thống văn khắc chủ yếu bao gồm các văn bản hoành phi câu đối, văn bia, văn chuông (khánh)… Trong phần trên, chúng tôi đã trình bày về hoành phi câu đối và văn bia; trong phần này, chỉ trình bày về thể loại văn chuông.

Hiện tại, Đà Nẵng có rất nhiều chùa chiền. Mỗi chùa thường đều có một quả chuông, thậm chí có chùa có đến hai chuông, có thể là đại hồng chung hoặc tiểu hồng chung. Trên hồng chung thường khắc chữ Hán-Nôm và chữ Phạn, một số chuông mới đúc sau này có khắc thêm chữ Quốc ngữ. Nhìn chung, văn tự trên các chuông cho biết tên chùa, trọng lượng, niên đại đúc chuông, vị tăng chứng minh, danh sách những người công đức và bài kệ thỉnh chuông. Một số chuông cổ có giá trị hiện còn trên địa bàn Đà Nẵng như chuông chùa Long Sơn (Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) từ thời Cảnh Hưng, chuông chùa Tam Thai - Non Nước (Ngũ Hành Sơn) từ thời Minh Mạng… Chuông chùa Phước Mỹ (cạnh đình làng Mỹ Khê, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) là một chuông mới đúc, chỉ khắc chữ Quốc ngữ, ít có giá trị về mặt sử liệu nhưng rất có giá trị về mặt mỹ thuật.

Đối với hệ thống văn chuông (khánh) Đà Nẵng, có thể triển khai cho sinh viên hoặc người nghiên cứu các đề tài kiểu "Nghiên cứu văn chuông quận X thành phố Đà Nẵng” với các nội dung: phân loại văn chuông theo địa bàn phân bố, niên đại đúc chuông, kích cỡ, hoa văn trang trí[7]; giá treo chuông; lai lịch quả chuông (như chuông chùa Nam Hải ở làng Kim Liên vốn mượn từ chùa Tỉnh hội, chuông chùa Hương Đàm ở làng Xuân Dương do một vị chùa tư gia trước khi qua đời hiến tặng); giá trị sử liệu của văn bản trên quả chuông (khánh)…

4. Hệ thống sắc phong

Ở Đà Nẵng, chủ yếu có hệ thống văn bản sắc phong thần. Nhìn chung một số di tích ở Đà Nẵng còn giữ được nhiều sắc phong. Theo tư liệu điền dã của chúng tôi, đình Nam Thọ (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) có 35 sắc phong, đình Mân Quang (phường Thọ Quang) có 3 sắc phong, đình Hòa Mỹ (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) có 9 sắc phong, đình Phước Lý (phường Hòa Minh) có 12 sắc phong, đình Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam) có khoảng 8 sắc phong, đình Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) có 25 sắc phong… Các tộc họ có sắc phong như tộc Lê Phước (Lê Đức) ở Mân Quang, tộc Nguyễn ở Đà Sơn… Số lượng sắc phong trên địa bàn Đà Nẵng như vậy cũng thuộc loại tương đối, có thể nghiên cứu thành một chuyên đề hoàn chỉnh.

Chúng ta có thể nghiên cứu sắc phong Đà Nẵng theo các nội dung sau: phân loại đối tượng (vị thần) được sắc phong; phân chia niên đại phong sắc; khai thác nội dung sắc phong vào lĩnh vực nghiên cứu văn bản hành chính, lịch sử, văn hóa[8]. Dùng sắc phong để nghiên cứu lịch sử hình thành cư dân, mở mang bờ cõi và công lao của vị thần đối với địa phương. Thông qua sắc phong, chúng ta nghiên cứu về tín ngưỡng của nhân dân sở tại như hoạt động rước sắc trong các dịp lễ hội. Đồng thời, chúng ta có thể nghiên cứu địa danh làng xã của Đà Nẵng trước đây qua những tờ sắc phong. Hoặc nghiên cứu sắc phong dưới góc độ nghệ thuật.

Điều đáng lưu ý đối với sắc phong Đà Nẵng là chúng ta hết sức cẩn trọng, cần thẩm định tính chân ngụy của văn bản sắc phong. Ví dụ có 6 tộc tiền hiền cùng vào khai canh ở một nơi, có công đóng góp như nhau, nhưng chỉ có một tộc có sắc phong tiền hiền. Hoặc toàn bộ mấy chục sắc phong còn nguyên vẹn y như mới của một đình làng nọ cũng là điều hết sức lưu tâm.

5. Hệ thống hương ước, tộc ước

Hương ước hay lệ làng, điều lệ, điều ước, khoán ước là những quy định do dân làng đặt ra có giá trị "pháp lý” trong một làng cụ thể nào đó. Tộc ước cũng như hương ước nhưng có tính thực thi trong phạm vi một dòng tộc. Theo nhóm Lê Trí Viễn, hương ước thường do những nhà Nho có chức vị ở trong làng soạn và được quan địa phương chuẩn duyệt. Bên cạnh quốc pháp (luật nước) vẽ nên bức tranh chung toàn cảnh của đất nước thì hương ước "là những bức tranh riêng của từng đơn vị cơ sở của xã hội”. Hương ước "còn chứa đựng những tàn dư của phong tục tập quán cổ của người Việt thời xa xưa (ví như phong tục tôn trọng những bậc lớn tuổi, tôn trọng phụ nữ…) nên nó là một nguồn tư liệu quý, không những cho các nhà sử học, mà còn cho các nhà xã hội học và dân tộc học nữa.”[9]. Do vậy, hương ước, tộc ước Đà Nẵng cũng là một nguồn tư liệu Hán Nôm vô cùng quan trọng cho việc nghiên cứu văn hóa Đà Nẵng. Nó là tư liệu để tham khảo xây dựng quy chế đời sống văn hóa cơ sở ở Đà Nẵng hiện nay. Song, theo thiển kiến của chúng tôi, Đà Nẵng hiện tại dường như có rất ít văn bản hương ước, chỉ mới thấy có một văn bản hương ước của một làng được nghiên cứu và giới thiệu trong công trình Văn hóa xứ Quảng - một góc nhìn[10].

Hệ thống hương ước, tộc ước Đà Nẵng cần phải được sớm triển khai điền dã, sưu tầm, nghiên cứu và khai thác. Có thể thực hiện bằng các đề tài nghiên cứu: "Nếp sinh hoạt của người Đà Nẵng xưa qua hương ước”, "Tìm hiểu tập tục ma chay/cưới xin cổ truyền ở Đà Nẵng”, "Nghiên cứu giáo dục/khuyến học Đà Nẵng xưa qua hương ước và tộc ước”, v.v.. Những đề tài này cần tiến hành theo các hướng: khảo sát văn bản học, nghiên cứu giá trị nội dung, đánh giá và khai thác những điểm ưu việt, tích cực của hương ước và tộc ước nhằm ứng dụng vào cuộc sống, xây dựng nền nếp gia phong hương tục.

6. Hệ thống địa bạ

Dưới thời Nguyễn, hầu hết các làng xã thuộc địa bàn Đà Nẵng (hiện nay) đều có một quyển địa bạ hay còn gọi địa bộ, châu bộ. Địa bạ ghi đầy đủ các thông tin, số liệu về diện tích tự nhiên, các loại thổ nhưỡng, phần đất của từng hộ. Do vậy địa bạ là một trong những sử liệu quan trọng, chân xác để nghiên cứu về tình hình địa lý kinh tế - xã hội trong lịch sử. Ví dụ thông qua địa bạ làng Mân Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), chúng ta biết được có khoảng bao nhiêu hộ khẩu, diện tích đất thổ cư, đất canh tác, đất mặt nước, đất phần mộ, v.v..;  biết được địa điểm hiện tại (như khu chung cư Vũng Thùng) ở thời điểm chép địa bạ là khu đất như thế nào, thuộc về quyền sở hữu của những ai. Có người lại dựa vào địa bạ của các đời để phục khuyết gia phả của của dòng họ mình. Đồng thời địa bạ cũng là tư liệu đáng tin cậy nhằm góp phần nghiên cứu địa danh, nhân danh, chữ Nôm. Với tình hình đô thị hóa, quy hoạch phân lô ở Đà Nẵng diễn ra nhanh chóng như hiện nay, địa bạ là tư liệu hết sức cần thiết cho những ai "tò mò” muốn tìm hiểu về một xứ đất hay một địa điểm cụ thể trong quá khứ với nhiều mục đích khác nhau. Địa bạ Đà Nẵng cũng là một tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu biển đảo Việt Nam trong bối cảnh tranh chấp giữa các quốc gia vùng biển Đông hiện nay.

Đối với địa bạ ở Đà Nẵng, hầu như chưa mấy ai quan tâm nghiên cứu vì tư liệu của nó "khô” chăng? Do vậy, cơ quan chức năng của Đà Nẵng cần phải tiến hành sao chụp địa bạ ở các trung tâm lưu trữ, tư nhân và tổ chức biên dịch làm tư liệu phục vụ cho các lĩnh vực nghiên cứu khác. Có thể triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học dựa trên tư liệu địa bạ như "Tình hình thay đổi diện tích đất nông nghiệp của Đà Nẵng dưới triều Nguyễn”, "Nghiên cứu địa danh Đà Nẵng qua tư liệu địa bạ”, "Quá trình đô thị hóa của nhượng địa Đà Nẵng”…

7. Hệ thống gia phả

Nhóm Lê Trí Viễn định nghĩa "gia phả (phổ) hoặc tộc phảtông phả là lịch sử của một họ ghi theo thứ tự từng đời (phả: ghi chép). Vì thế, trong tiếng Hán, người ta còn gọi là Phả đệ (đệ: thứ lớp), hoặc Phả điệp (điệp cũng có nghĩa gần như Phả: ghi chép), Phả hệ (hệ: hệ thống đầu đuôi, thứ tự) Phả lục (lục: biên chép, sao lại), hoặc Phả chí (chí: ghi chép)”. Về nội dung của một gia phả, nhóm tác giả này đúc kết thành 4 điểm: Thứ nhất, mục đích và ý nghĩa của gia phả thường được viết trong bài tựa ở phần đầu quyển gia phả, giáo dục cho con cháu hiểu về nguồn gốc của dòng họ mình, biết được "tổ công tông đức thiên niên thịnh” để mà phấn đấu "tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh”, nhớ được ngày kỵ chạp và vị trí mộ phần để chăm sóc. Thứ hai, gia phả truy tìm cội nguồn của dòng tộc xuất phát từ đâu. Thứ ba, phần chính của gia phả liệt kê thế thứ từng phái, chi, thậm chí có một số gia phả ghi chi tiết tiểu sử từng người theo lối biên niên. Thứ tư, cá biệt có gia phả kèm theo "bài ca gia phả” bằng chữ Nôm để con cháu dễ dàng ghi nhớ. Gia phả cũng là một trong những tư liệu quý báu để nghiên cứu xã hội cổ truyền Việt Nam[11].

Ở Đà Nẵng, các gia đình, dòng tộc còn lưu giữ rất nhiều gia phả. Trong đó có nhiều gia phả rất có giá trị. Như gia phả của tộc Phan ở Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) xác định được ông thủy tổ Phan Công Thiên vào khai cơ trên vùng đất Đà Nẵng từ thời sự kiện Huyền Trân công chúa. Gia phả của dòng tộc này như những trang sử ghi dấu về quá trình mở mang bờ cõi của nước Đại Việt trên đất Đà Nẵng từ thuở ban đầu, được nhiều nhà nghiên cứu dẫn dụng. Hay gia phả của tộc Nguyễn cũng ở Đà Sơn được ghi chép rất cẩn thận bởi các cụ đồ Nho, cho biết là một dòng họ đến đây cũng từ lâu đời, ông thủy tổ là người có học vấn. Gia phả này còn sao chép lại cả sắc phong tiền hiền và thơ văn của một số người trong gia tộc.

Đối với trường hợp Đà Nẵng nói riêng và phương Nam nói chung, cùng với văn bia mộ tiền hiền, gia phả là một trong những tư liệu Hán Nôm cực kì quan trọng để nghiên cứu về lịch sử khai hoang mở cõi, hình thành cư dân ở vùng đất mới. Hiện nay, gia phả ở Đà Nẵng chưa được chú ý nghiên cứu và khai thác hiệu quả, có lẽ do tính tế nhị của nó. Hầu như chỉ mới bộ gia phả của tộc Phan Đà Sơn được biên dịch và giới thiệu trọn vẹn. Do vậy cần có kế hoạch sao chụp và nghiên cứu gia phả ở Đà Nẵng mang tầm hệ thống và quy mô của cơ quan chức năng. Trước mắt, những người giảng dạy có thể sử dụng một vài văn bản gia phả ở Đà Nẵng cho sinh viên ngành Văn hóa học, Việt Nam học làm quen và minh giải; hoặc các nhà nghiên cứu lấy gia phả mà bản thân sao chụp được làm tư liệu nghiên cứu cho lĩnh vực của mình, gặp gia phả nào có giá trị thì xin phép gia tộc đó để biên dịch và giới thiệu cho mọi người cùng tham khảo.

8. Hệ thống tư liệu Hán Nôm khác

 Ngoài những di sản Hán Nôm mang tính cộng đồng như trên, ở Đà Nẵng còn rất nhiều tư liệu Hán Nôm khác mang tính cá nhân đang lưu giữ trong các tư gia[12]. Hệ thống tư liệu đó chủ yếu là thư tịch Hán Nôm gồm nhiều loại khác nhau[13]. Trong nhà các thầy đồ ngày xưa thế nào cũng có bộ Tứ thư Ngũ kinh gối đầu giường để dùi mài thi cử hoặc "bán chữ mua cơm” và những bộ sách về y học, bói toán, văn cúng… Tất nhiên đây chỉ là tư liệu Hán Nôm phổ biến, số lượng in ấn lớn, lưu trữ ở nhiều nơi, nên dễ tìm. Song, ở Đà Nẵng vẫn có một số gia đình, cá nhân lưu giữ những thư tịch Hán Nôm quý hiếm, gần như độc bản, không có lưu trữ ở các địa chỉ khác. Như một gia đình ở vùng Ngũ Hành Sơn ngoài lưu giữ những bộ Tứ thư Ngũ kinh, sách y học, bói toán nói trên, còn lưu giữ bộ Thi vận tập thành (sách in ở Trung Quốc), quyển Lịch triều yếu chính bản chép tay rất đẹp, không có trong thư mục Di sản Hán Nôm Việt Nam của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Nội dung quyển sách này có nhiều phần liên quan đến Quảng Nam và Đà Nẵng. Theo di huấn, nếu con cháu trong nhà không thể lưu giữ được nữa thì mang ra đốt ở mộ người chủ cũ của những bộ sách đó. Thật đáng tiếc! Cơ quan chức năng của thành phố đã biết và có kế hoạch bảo tồn? Hay gia đình ông Nguyễn Đình Phùng ở làng Phước Lý (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) còn lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm cổ rất giá trị. Ngoài ra, quyển chép tay Ngũ Hành Sơn lục cũng rất hiếm, không có trong thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Bộ sách này do các vị chức sắc, đại thần triều Nguyễn biên soạn, gồm 3 phần: Khảo cứu về địa lý tự nhiên, sưu tập thơ văn đề vịnh, quá trình lịch sử các vị khai sơn trụ trì ở Ngũ Hành Sơn. Nhiều văn bia trên thực địa của danh thắng Non Nước hiện không còn nhưng lại có thể tra thấy trong quyển sách này.

Đà Nẵng trước hết cần có kế hoạch sưu tầm sâu rộng trong dân gian để xin-mua hoặc sao chép những tư liệu Hán Nôm quý hiếm này. Sau đó tổ chức biên dịch, nghiên cứu, khai thác và ứng dụng vào việc biên soạn và giảng dạy địa phương chí Đà Nẵng, tránh giấu tài liệu như đã từng làm đối với quyển Hòa Vang địa chí. Bản thân chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu và công bố Ngũ Hành Sơn lục trên tạp chí chuyên ngành Hán Nôm trong thời gian sớm nhất. Công việc này cần phải được thực hiện khẩn trương trước khi những tài liệu đó bị hủy hoại hoặc bị bọn buôn sách cổ săn lùng mang đi nơi khác hay một ai đó giữ cất làm của riêng.

Tóm lại, di sản văn hóa Hán Nôm Đà Nẵng hiện đang còn không phải là ít, có lẽ số lượng lớn hơn nhiều so với kết quả công bố của một đề tài cấp thành phố đã thực hiện cách đây vài năm, có rất nhiều giá trị về mọi mặt của xã hội cổ truyền và hiện đang trong tình trạng ngày càng bị mai một. Di sản văn hóa Hán Nôm Đà Nẵng là tư liệu quan trọng góp phần nghiên cứu và khẳng định bản sắc văn hóa Đà Nẵng. Chúng ta cần có ý thức giữ gìn và có kế hoạch bảo tồn hiệu quả đối với hệ thống tư liệu Hán Nôm này. Trước mắt, cần khẩn trương tiến hành nghiên cứu và sử dụng kết quả nghiên cứu vào quá trình giảng dạy nhằm lưu truyền vốn quý báu của cha ông cho muôn đời sau.




[1] Thuật ngữ văn hóa Hán Nôm được giới nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm xây dựng từ những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI.

[2] In trong Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, số 9+10/2010.

[3] Xem thêm Nguyễn Hoàng Thân, Thử đề xuất một giả thuyết về danh xưng "Mân Quang” // Tạp chí Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, số 3+4/2010.

[4] Xem thêm Nguyễn Hoàng Thân, Phổ Đà sơn linh trung Phật - một tấm bia quý của đất Quảng // Tạp chí Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, số 7+8/2010.

[5] Ở đây, chúng tôi không kể đến những tấm bia chữ Chăm hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng và những tấm bia chữ Quốc ngữ sau 1945 trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay.

[6] Xem thêm Nguyễn Hoàng Thân, "Bia đá cũng tàn”, Báo Đà Nẵng cuối tuần, ngày 22-08-2010.

[7] Khi đọc một số công trình nghiên cứu, luận văn, chúng tôi thấy rất nhiều người nhầm lẫn cho rằng linh vật làm quai chuông là con rồng. Thực ra đó chính là con Bồ Lao. Nhân tiện xin nói thêm, có vị tiến sĩ văn hóa giảng cho học trò con dơi thường được trang trí trong các kiến trúc di tích là do con dơi khi bay giống chữ "Phúc” của tiếng Hán.

[8] Tránh phiên âm, ngắt câu lộn xộn văn bản sắc phong như một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ ở Đà Nẵng về văn hóa biển đã mắc phải.

[9] Lê Trí Viễn (chủ biên), Cơ sở ngữ văn Hán Nôm, tập IV, Nxb Giáo dục, 1984, tr.65

[10] Chúng tôi chưa rõ cơ quan chức năng của thành phố đã tiến hành điền dã, sưu tầm, nghiên cứu và khai thác hương ước Đà Nẵng như thế nào, số lượng, phân bố và tình trạng văn bản của các bản hương ước ra sao.

[11] Lê Trí Viễn (chủ biên), Cơ sở ngữ văn Hán Nôm, tập IV, Nxb Giáo dục, 1984, tr.148-149.

[12] Không kể các thư tịch Hán Nôm về Đà Nẵng hiện đang lưu trữ tại các thư viện và cơ quan nghiên cứu.

[13] Ở đây còn một số loại tư liệu Hán Nôm mà chúng tôi chưa nêu ra như công văn, đơn từ, chúc thư, hôn ước, khế ước, thần tích…

Ths. Nguyễn Hoàng Thân

Chủ đề: Văn hóa - Phong tục | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 (02/10/2011)
Lượt xem: 1394 | Đánh giá: 0.0/0
Tổng số ý kiến: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm các ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==