Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 7, ngày 21/12/2024, lúc 9:46 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 22 » Khu mộ cổ Đống Thếch thành hoang tích.
5:07 PM
Khu mộ cổ Đống Thếch thành hoang tích.
Sau khi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997, khu mộ cổ (mường ma) Đống Thếch, nơi ghi dấu nhiều nét văn hóa đặc sắc về tập tục mai táng của người Việt cổ ở Kim Bôi, Hòa Bình, đang "ngủ quên” ngay trước sự bất lực của chính quyền địa phương.

Khu mộ cổ 400 năm tuổi 

Tương truyền, khu mộ cổ này có niên đại hơn 400 năm. Hầu hết, các phiến đá được khắc chữ Hán cổ, ghi lại thân thế, công danh, gia tộc của người nằm dưới mồ - dòng họ Đinh Công, một trong những dòng họ lớn của Mường Động xưa. Dân bản xứ lưu truyền câu "Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” để chỉ những vùng Mường sầm uất giàu có khi xưa. Mường Động là một trong bốn xứ ấy. 

Một bản dịch từ những dòng chữ khắc trên đá ghi lại công trạng của Quận công Đinh Công Kỷ, người có công giúp vua Lê xây dựng triều chính, có nội dung như sau: "Ông Đinh Công Kỷ, tước Uy Lộc hầu, thổ tù kiêm cai quản vùng Mường Động. Sinh năm 1592, mất giờ sửu, ngày 13/10/1647. Khi chết được ban tước Chưởng vệ đề đốc Uy quận công. Đến ngày 22/2/1650 được đưa về huyệt trên núi bằng 15 xe tang, 7 con voi, 5 con ngựa...".

Một góc mường ma Đống Thếch.

Theo tài liệu để lại, người có công dựng nên xứ Mường Động là ông Đinh Văn Cương, người vùng Ngọc Lặc, Thanh Hoá. Do có công lớn, ông đã được vua Lê, chúa Trịnh phong tước, đổi thành họ Đinh Công, cho cai quản xứ Mường Động, một trong những vùng biên viễn, phên dậu phía tây bảo vệ kinh thành Thăng Long. Nổi bật nhất trong dòng họ Đinh là ông Đinh Công Kỷ, một vị tướng giỏi của vua Lê, được phong tước quận công. Để con cháu đời sau không quên công đức, dòng họ này đã xây dựng nghĩa địa mộ đá rộng lớn như một khu rừng, những mong tên tuổi các vị sẽ trường tồn cùng tuế nguyệt. 

Mường ma Đống Thếch bị bỏ hoang

Bốn xứ Mường nổi tiếng ở Hòa Bình đều có nghĩa địa dành riêng cho quan lang, thổ tù (những người có chức tước ngày xưa), nhưng chỉ khu mường ma Đống Thếch của tổng huyện Mường Động xưa còn tồn tại đến ngày nay. Dòng họ Đinh Công một thời lừng lẫy về quyền lực đã chọn vùng đất hình miệng rồng này làm khu an táng để đời đời nối nghiệp ăn nên làm ra, giàu có, làm quan. 

Trước 1945, Đống Thếch vẫn được coi là xứ sở của người chết, cọp beo và các vị thần linh. Khi đó vẫn còn hàng nghìn ngôi mộ, rừng đá dày đặc, cao sừng sững, bị bao phủ bởi rừng cây cổ thụ, vô cùng âm u, lạnh lẽo. Truyền rằng khu mộ cổ như một mê trận kỳ bí, người lạ lạc vào sẽ chẳng tìm được lối ra, thành xương trắng giữa rừng. Đó là câu chuyện được thêu dệt nên để làm cho Đống Thếch càng bí ẩn, linh thiêng. 

Đến năm 1946, quân giải phóngđến nơi này để luyện quân. Từ đó, người dân mới bớt sợ, cũng theo chân bộ đội vào rừng mộ. Những năm 80 của thế kỷ trước, dân Mường Bi mất mùa kéo xuống đào mộ tìm đồ cải táng (quan lang xưa khi chết thường chôn theo rất nhiều của cải), nhiều người tìm được thạp đồng, trống đồng, bát đĩa thời nhà Thanh và trở nên giàu có. Những kẻ săn lùng đồ cổ đã đến đây, chẳng mấy chốc rừng đá rộng lớn đã tan hoang. 

Mường ma Đống Thêch được công nhận là di tích lịch sử khảo cổ cấp quốc gia.

Năm 1997, Đống Thếch được công nhận là di tích lịch sử khảo cổ cấp quốc gia. Khi được khoanh vùng bảo vệ thì rừng mộ đá rộng lớn chỉ còn 9 ngôi mộ và hiện chủ yếu phục vụ cho nghiên cứu khoa học, khảo cổ. Bảo tàng Hòa Bình là đơn vị trực tiếp triển khai dự án trùng tu, bảo vệ di tích. Với tổng kinh phí đầu tư 600 triệu đồng, dự án chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là sửa sang, nâng cấp đường từ quốc lộ 12B vào khu di tích, xây tường bao, nhà bảo vệ; giai đoạn sau là xây dựng nhà sàn mô phỏng những sinh hoạt văn hóa của người Mường ở khu B. Thế nhưng dự án chưa triển khai xong thì đã hết tiền, nên mọi thứ vẫn dở dang. Chỉ có hệ thống tường bao là hoàn chỉnh song tường bao quá thấp, lại không có hàng rào bảo vệ. Do đó, trẻ chăn trâu vẫn thường trèo tường vào vẽ bậy lên những mộ đá (trong quan niệm của người Mường, cột đá là vật linh thiêng, là sợi dây nối cõi trời và cõi đất, không được làm mái che vì linh hồn sẽ không siêu thoát). Con đường mòn heo hút dẫn vào khu di tích vẫn lởm chởm đất đá, ngày mưa đất đỏ lầy lội… 

Mới đây, theo lời người dân, trận bão số 5 năm 2007 đã làm đổ 21 m tường bao của khu A (khu trung tâm) nhưng đến nay vẫn chưa được xây lại. Ngay trong khuôn viên rộng 3 ha của khu di tích, người dân vẫn tự ý canh tác, trồng mía, đỗ tương, ngô, sắn… Lý giải thực trạng này, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Đồng, ông Bùi Đức Òm, cho biết: "Do xã không có đủ kinh phí chi trả cho hoạt động trông nom, bảo vệ di tích nên đành phải để cho người dân canh tác, coi đó là hình thức trả công, nếu không sẽ vừa lãng phí đất vừa lo khu di tích sẽ bị cỏ dại che lấp”. 

Lúng túng phương án bảo tồn

Ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng ban quản lý di tích, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Khó khăn nhất vẫn là vấn đề kinh phí. Hằng năm, ngân sách từ các chương trình mục tiêu quốc gia rót xuống nhỏ giọt, địa phương lại có tới 38 di tích cấp quốc gia, trong đó phân nửa đang trong tình trạng xuống cấp. Vì thế, việc đầu tư cần phải quay vòng, di tích nào được rót tiền rồi thì nhường cho di tích khác. Hơn thế, Đống Thếch chỉ là di tích khảo cổ, chủ yếu phục vụ cho các đoàn nghiên cứu văn hóa Hòa Bình, rất khó thu hút khách du lịch”.

Uỷ ban nhân dân xã Vĩnh Đồng đã tính đến việc giao khu di tích cho dòng họ Đinh trông nom nhưng lại gặp phải sức ép từ phía nhân dân. Vĩnh Đồng vốn là "thủ phủ Mường Động” khi xưa, còn Đống Thếch là thánh địa bất khả xâm phạm của dòng họ Đinh Công. Dòng họ Đinh xưa nhiều đời có người làm quan lang, thổ tù cai quản xứ Mường Động, có công nhiều trong việc khai hoang lập bản, lập mường, nhưng ký ức một thời quan lang dòng họ Đinh ức hiếp, bóc lột dân bản vẫn còn nặng nề. Vì vậy, phương án giao di tích cho con cháu họ Đinh trông nom cũng đành bỏ ngỏ để đợi… thuyết phục nhân dân.

Tuy nhiên, khả năng phát triển du lịch của khu di tích rừng mộ đá Đống Thếch là rất lớn, bởi nơi đây còn có lễ hội Mường Động tổ chức vào ngày 8/1 hằng năm, Bảo tàng Hòa Bình đang có phương án nâng cấp thành lễ hội cấp tỉnh, tổ chức ngay trong khu di tích để quảng bá. Hơn thế, nơi đây còn nằm trong quần thể khu du lịch Kim Bôi. Nếu tổ chức tốt, khu mộ cổ Đống Thếch sẽ trở thành điểm đến nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử, khoa học trên cánh cung du lịch phía Đông của tỉnh Hòa Bình, thu hút hàng nghìn du khách từ suối nước khoáng Kim Bôi (cách đó 3 km) tới thăm. Có như vậy, mường ma mới không còn "ngủ quên”.
                                                                                                                              Nguồn: Dân Trí, Quân Đội Nhân Dân
Chủ đề: Vốn Xưa | Lượt xem: 855 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Tổng số ý kiến: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm các ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==