Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 7, ngày 20/04/2024, lúc 11:59 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 22 » Nguyễn Văn Tố trong tiến trình nghiên cứu văn hóa dân tộc đầu thế kỷ 20
4:19 PM
Nguyễn Văn Tố trong tiến trình nghiên cứu văn hóa dân tộc đầu thế kỷ 20
Nhà trí thức, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947), hiệu là Ứng Hòe, sinh tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống Nho học. Ðương thời, ông được coi là một trong bốn nhà trí thức Tây học xuất sắc lúc bấy giờ.
Trên hết và trước hết, ông là nhà sử học, có nhiều trang viết về sử học. Khi còn làm việc tại Học viện Viễn Ðông bác cổ, Nguyễn Văn Tố có điều kiện viết bài khảo cứu, tập trung giới thiệu truyền thống văn hóa dân tộc bằng tiếng Pháp trên những tạp chí uy tín như Kỷ yếu của Học viện (BEFEO), các báo Avenir du Tonkin (Tương lai của xứ Bắc Kỳ - xuất bản tại Hà Nội), Courrier d' Hai phong (Thư tín Hải Phòng - xuất bản ở Hải Phòng), đồng thời viết nhiều bài khảo cứu, bình luận, trao đổi, phản biện, trở thành tay bút chủ lực của các báo và tạp chí nổi tiếng như Nam phong, Ðông thanh, Trí tri, Tri tân... Thống kê riêng trên tạp chí Tri tân (1941-1945), chỉ với chừng bốn năm, Nguyễn Văn Tố đã có tới 114 mục bài, trung bình mỗi năm viết hơn hai chục bài, đủ thấy tính chuyên nghiệp và niềm say mê, tận tụy với nghề của nhà khoa học...

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội, rồi giữ chức Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông lên chiến khu Việt Bắc và ngày 7-10-1947, giặc Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, ông bị địch bắt và hy sinh ngay sau đó. Biết tin này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời điếu cụ Tố với niềm trân trọng và tiếc thương sâu sắc: "Nhớ cụ xưa - Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu - Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết - Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng - Phú quý công danh, cụ nào có thiết - Ðến ngày dân tộc giải phóng thành công - Thì cụ sẵn sàng ra tay giúp việc - Giữ chức Bộ trưởng thì cụ ngày ngày gần gũi nhân dân - Ðại biểu Quốc hội thì cụ luôn luôn tính bàn kiến thiết... Quân địch ào ào tấn công - Trong vùng cụ đang làm việc - Chúng tra tấn cụ cực kỳ tàn khốc, dã man - Cụ trả lời chúng bằng nụ cười oanh liệt - Chúng làm hại cụ, lịch sử Pháp muôn đời thêm một vết xấu xa - Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt - Với cụ, dân tộc mất một người chí sĩ, thế giới mất một người danh nho - Cho nên Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết lòng thương tiếc" (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, H.1995, tr 434 - 435). Và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Bọn lính dù bắt được một cụ già trông chững chạc, nói tiếng Pháp, yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược. Lúc biết không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng đã bắn chết khi ông già tìm cách chạy thoát. Ðó là cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, một nhân sĩ yêu nước tâm huyết và uy tín. Cụ Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho ta..." (Võ Nguyên Giáp - Chiến đấu trong vòng vây, NXB Quân đội nhân dân và NXB Thanh niên, H.1995, tr201). 

Trải qua 58 năm trên cõi đời, Nguyễn Văn Tố để lại nhiều công trình nghiên cứu liên ngành và chuyên sâu, bao quát nhiều lĩnh vực khoa học xã hội như sử học, văn học, văn bản học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, tôn giáo học, văn hóa học, văn hóa dân gian... Với vốn kiến thức sâu rộng và được đào tạo bài bản, ông đã khơi mở vấn đề, tiến hành khảo sát, nghiên cứu nhiều phương diện học thuật, chủ đề, đề tài còn hết sức mới mẻ như Thời tiền sử ở Bắc Kỳ (1933), Những bài thơ chưa in đời Lê, Nguồn gốc các mái cong (1934), Ngôi chùa An Nam (1941), Những vật dụng trong ngôi chùa An Nam, Vua Gia Long đối với dân Bắc Thành (1942), Tôn giáo nước Nam, Vết tích thành Ðại La (1943), Lịch sử Hồ Tây, Gốc tích thành Huế, Ðồ thờ của ta (1944), Khí giới ở các đền chùa và nghi vệ đời xưa, Phép quân điền của nước ta (1945)... Mở rộng hơn, không chỉ dịch thuật, giới thiệu các công trình nghiên cứu lịch sử, văn minh, văn hóa Tây Á - Cận Ðông, Angkor, Hy Lạp, Trung Hoa, ông còn đi sâu khảo sát đặc điểm các vùng văn hóa, tiến hành so sánh và đối sánh các vùng văn hóa với nhau qua các tiểu luận Văn hóa phương Ðông (1932), Quan hệ lịch sử giữa Nhật Bản và Việt Nam (1933), Văn hóa Ðông Dương (1943), Tục ngữ ta so với tục ngữ Tàu và tục ngữ Tây (1944)... Chỉ cần lược qua những nhan đề trên cũng đã thấy được hệ thống đề tài hết sức phong phú và những đóng góp đặc biệt quan trọng của học giả Nguyễn Văn Tố đối với ngành khoa học xã hội và chính nền văn hóa dân tộc giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.

Trong một phạm vi cụ thể, Nguyễn Văn Tố còn có nhiều công trình nghiên cứu và phê bình văn học, chủ yếu được công bố trong khoảng thời gian hơn mười năm, từ thập kỷ ba mươi đến Cách mạng Tháng Tám 1945. Trước hết, ông chú trọng tới công việc sưu tập, dịch và giới thiệu các tác gia, tác phẩm Hán Nôm ra chữ Quốc ngữ: Sự tích Ôn Như hầu, Hoa tiên, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Thơ xuân đời Hồng Ðức, Thơ Hồng Ðức bổ chính, Thơ vịnh sử đời Hồng Ðức, Hạnh thục ca... Có thể khẳng định, những công trình trên giữ vai trò đi tiên phong trong việc sưu tập, khơi nguồn dịch thuật và xác lập hệ thống tư liệu, thư tịch, văn bản Hán Nôm. Ðiều quan trọng hơn, công việc của Nguyễn Văn Tố cũng chính là sự khởi đầu cho quá trình tự ý thức về khoa nghiên cứu văn học, góp phần chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho sự ra đời các bộ văn học sử và công trình nghiên cứu chuyên sâu ngay trong thời gian đó.

Vốn là nhà nghiên cứu, Nguyễn Văn Tố cũng đồng thời là nhà truyền bá, môi giới, quảng cáo văn chương, viết nhiều bài đọc sách, điểm sách, có khi mở rộng thành những cuộc trao đổi, tranh luận nối dài trong nhiều kỳ báo. Trên thực tế, Nguyễn Văn Tố đọc điểm cả các chuyên khảo văn chương, sách truyện danh nhân và đi sâu phân tích cái được và chưa được của các bộ văn học sử đương thời. Không chỉ đọc điểm, góp ý cho từng bộ sách cụ thể, Nguyễn Văn Tố còn đóng vai trò người phản biện, trao đổi, tranh luận và "đính chính" cho những sai sót trên văn đàn và các nguồn thư tịch cổ. Với lợi thế của nhà văn bản học, tư liệu học, ông lý giải và xác định nhiều vấn đề có tính giao thoa, nằm ở đường biên văn học như Có nhà Tiền Lý không, Những ông Nghè triều Lê, Tra nghĩa chữ Nho, vừa đi sâu khảo sát, phân tích văn bản như Tài liệu để đính chính những bài văn cổ nối dài suốt 90 số trên tạp chí Tri tân, kể từ giai đoạn khởi đầu cho đến kết thúc... Nói riêng với công trình sau, Nguyễn Văn Tố đã phiên dịch, khảo dị, chú thích, so sánh từ văn bản thi ca dân gian đến tác phẩm khuyết danh và hữu danh "chưa từng thấy in ra chữ Quốc ngữ" và giới thiệu rộng rãi văn phẩm của các tác giả Lê Thánh Tông (1442-1497), Trịnh Căn (1633-1709), Lê Quý Ðôn (1726-1784), Ðặng Ðức Siêu (1750-1810), Nguyễn Huy Lượng (1758-1808), Nguyễn Khuyến (1835-1909)... Ðặc biệt từ mục bài số 40-90, ông tập trung khảo sát thi phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn Du (1765-1820) trong tương quan với tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) và mở rộng khảo dị, liên hệ, so sánh câu chữ các bản Nôm, các lối phiên âm, hệ thống điển tích, các cách hiểu, các bài giảng Kiều, tập Kiều, đố Kiều, vịnh Kiều... Nhìn chung, cách khai thác, định giá tư liệu văn chương cổ của Nguyễn Văn Tố đều in đậm dấu ấn hàn lâm, bao giờ cũng có ký chú xuất xứ rõ ràng, thể hiện phong cách nghiên cứu bài bản, nghiêm túc và đến nay vẫn còn là tấm gương sáng cho các nhà khoa học noi theo.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày mất nhà văn hóa - liệt sĩ Nguyễn Văn Tố (1947-1997), các công trình Ðại Nam dật sử và Sử ta so với sử Tàu đã được tái bản. Cũng từ mười năm trước, trong công trình sưu tập tư liệu tạp chí Tri tân (1941-1945) - Phê bình văn học (1999) đã xác định Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố là một trong sáu tác gia phê bình nổi bật của tạp chí (bên cạnh Lê Thanh, Kiều Thanh Quế, Hoa Bằng, Hoàng Thiếu Sơn, Phạm Mạnh Phan) và tuyển in sáu tiểu luận (Bộ sách "Việt Nam văn học" - Quyển "Văn học đời Lý" - Phê bình văn học - Quyển "Việt Nam cổ văn học sử" - Một quyển sách về văn minh - Mấy lời kỷ niệm ông Lê Thanh). Hy vọng một sưu tập các công trình nghiên cứu, phê bình văn học - rộng hơn là tổng thành các trước tác của Nguyễn Văn Tố - sẽ được xuất bản trong thời gian không xa...

PGS, TS NGUYỄN HỮU SƠN
Chủ đề: Nhân kiệt | Lượt xem: 666 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Tổng số ý kiến: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm các ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==