Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào CN, ngày 22/12/2024, lúc 0:52 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 21 » Cổ tích thế sự - I
10:48 PM
Cổ tích thế sự - I

Thiên thứ năm. Cổ tích thế sự - I (Không có bản văn nhất định)


Nếu cổ tích nhân tình kể lại những chuyện về tình người, những chuyện xảy ra "giữa người và người", thì cổ tích thế sự thuật lại những chuyện về việc đời, những chuyện xảy ra "giữa người với xã hội", trong phạm vi phong tục, lễ giáo phong kiến Nho, Phật, Lão...


Cổ tích thế sự là tấm gương phản ảnh một cách phong phú:

a) Đời sống của xã hội ta thời xưa, tuy đã sang chế độ phụ hệ, mà trong phong tục vẫn còn sót lại ít nhiều di tích của mẫu hệ.
b) Đường lối chống ngoại xâm, bảo tồn nòi giống, đất nước.
c) Tín ngưỡng dân gian hòa đồng với các tôn giáo ngoại lai.
d) Nhu cầu giải trí bằng các cổ tích trào phúng, tiếu lâm.

I - Đời sống xã hội ta ngày xưa

Xã hội ta từ xưa là một môi trường giao tiếp, đụng độ giữa nền văn hóa địa phương và nền văn hóa Hán tộc. Vào thời Bắc thuộc, chính quyền đô hộ bắt đầu mở trường học, phổ biến Nho giáo, làm căn bản để Hán hóa cơ cấu gia đình dân ta (từ mẫu hệ chuyển sang phụ hệ), và thiết lập một trật tự xã hội theo chế độ phong kiến (vua quan, chức sắc, lý hương). Những sự kiện nầy, dân gian đã phản ảnh bàng bạc trong các "cổ tích thế sự".   

1 . Vấn đề học vấn

Chế độ phong kiến dùng cái mồi "khoa cử công danh" để lôi cuốn lớp nho sĩ làm nòng cốt cho guồng máy cai trị và để tổ chức xã hội có trật tự cho dễ bề cai trị.
Nhưng Nho giáo chỉ phổ biến trong thiểu số sĩ phu có học và dân chúng đô thị, mà trái lại, đã gặp cả một sự chống đối ngấm ngầm trong đại đa số dân gian nông thôn. Dầu vậy, dân gian cũng có người cho con đi học, may ra thi đỗ được, thì có thể thoát ra khỏi kiếp chân lấm tay bùn, suốt đời bị ức hiếp, bóc lột.
Số người đi học rất đông mà số người thi đỗ lại quá ít. Những học sinh chưa đỗ thường vẫn tiếp tục học, không chịu làm nghề chân tay nào khác. Nhà lại không đủ ăn, vợ phải hôm sớm ngược xuôi, buôn bán tảo tần cho chồng có thì giờ đọc sách, làm văn.
Do đó dân gian đã có câu:
" Ai ơi chớ lấy học trò,
" Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm"
Dân gian đã hư cấu một cổ tích, mượn lời của nhân vật chính, từ chối không chịu đi học, vì cho rằng những điều dạy trong sách không giúp gì cho việc sinh sống hằng ngày của mình được:

Truyện lạ nhà thuyền chài

" Xưa có một nhà thuyền chài, một vợ một chồng, không rõ họ tên, cũng không biết quê quán ở đâu, đến trú ngụ ở miền biển Đông, làm nghề đánh cá. Gần sáu mươi tuổi mới sinh được một trai. Nhân hôm sinh đứa bé, có đánh lưới được một con cá mè to, nên đặt tên là Thúc Ngư, tự là Hà Bảo.
" Khi Thúc Ngư mười lăm tuổi, người cha muốn cho con bỏ nghề đánh cá mà đi học. Thúc Ngư hỏi cha:
- Đi học là thế nào ?
" Cha nói:
- Những lời nói và việc làm của thánh hiền đời xưa chép trong sách, có học mới biết mà bắt chước.
" Thúc Ngư lại hỏi:
- Trong sách có cá không ?
" Cha rằng:
- Không.
" Thúc Ngư hỏi thêm:
- Lấy lời nói và việc làm của thánh hiền mà đánh cá có được không?
" Cha nói:
- Lời nói chỉ là văn không, cá là vật thật, làm thế nào mà đánh được. Mày nói sao ngu thế ?
" Thúc Ngư nói:
- Trong sách đã không có cá, lời nói lại không thể đem đánh cá được, còn học làm gì !
" Rồi không chịu đi học. Cha mẹ yêu con không nỡ cưỡng bách.
" Sau lớn lên, Thúc Ngư làm nghề chài lưới và lấy vợ tên là Ngọa Vân xinh đẹp, giúp đỡ nhà chồng đánh được toàn cá ngon mỗi lần chất nửa thuyền đầy, gia tư nhờ thế giàu có lên dần dần. Được bốn năm, gặp ngày mồng 7 tháng 7, người cha muốn nghỉ để ăn lễ "khất xảo" (a).
" Đang khấn lạy, bỗng nước biển dâng to, chỗ nào cây nước đổ xuống là làng xóm sạch nhẳn. Ngọa Vân thấy tình thế nguy bách, vội giơ tay bắt quyết, hô to: "Biến !". Tức thì nàng hóa ra một con cá to, dài độ nghìn thước, nằm chắn chỗ nước tràn vào.
" Cả nhà vin vào râu cá trèo lên, nên được bình yên vô sự. Qua một đêm, nước rút xuống. Cả làng bị sóng cuốn hết, trừ nhà,vườn của ông chài còn nguyên.
" Ngọa Vân cầm tay Thúc Ngư khóc:
- Thiếp vốn là nữ học sĩ ở Long Cung cùng chàng gặp gỡ những hẹn trăm năm. Không ngờ gặp cơn nguy biến, thiếp phải lộ nguyên hình để bảo toàn cho gia đình chàng. Nay thiên cơ đã tiết lộ, thì đoàn tụ với nhau là sự rất khó.
" Xong Ngọa Vân nhả bọt trắng tặng Thúc Ngư để hòa với nước mặn mà uống, xuống nước không chìm, không bao giờ bị chết đuối.
" Một lát, nàng hóa rồng, theo phương Tây Bắc bay đi." (1)

Chú giải - (a) Khất xảo: khất (xin) xảo (tài khéo), đêm mồng 7 tháng 7, người ta lễ vật cúng khấn Chức Nữ xin ban cho tài khéo léo dệt gấm vóc, vải lụa.

Và dân gian còn chế diễu châm biếm lối những anh "hay chữ lỏng" bạ đâu cũng giở trò "lý sự" vớ vẩn để khoe mình là người có ăn học, có kiến thức rộng

Truyện Vì nó là như vậy đó !

" Ngày xưa, một phú ông có hai con gái, người chị lấy một nông dân, người em một sinh viên.
" Phú ông thường khoe mình có người rể  sinh viên thông thái, và chê anh rể lớn quê mùa ngu dốt. Một hôm phú ông và hai chàng rể cùng dắt nhau đi dạo ngoài đồng. Trên đường đi, gặp một con ngỗng kêu chát cả tai, phú ông hỏi hai chàng rể vì sao ngỗng lại có thể kêu to như thế?
"Anh sinh viên trả lời:
- Vì ngỗng có cổ dài.
" Anh nông dân nói:
- Vì nó là như vậy đó.
" Đi một đoạn đường nữa, gặp một bầy vịt bơi trên mặt ao, phú ông muốn biết vì sao vịt lại có thể nỗi trên nước được.
" Anh sinh viên giải thích:
- Vì vịt có lông và ít thịt.
" Anh nông dân trả lời:
- Vì nó là như vậy đó, chớ sao?
" Cuối cùng gặp một hòn đá ở bên đường bị bể đôi. Phú ông hỏi vì sao đá nầy lại bị chẻ ra làm đôi như thế?
" Anh sinh viên đáp:
- Vì bị sét đánh hay bị một phu làm đường đục .
" Anh nông dân vẫn trả lời như cũ:
- Vì nó là như vậy đó, chớ sao?
" Về nhà, phú ông không ngớt tiếng khen ngợi anh rể sinh viên học vấn thông thái và chế nhạo sự ngu đần của anh rể nông dân. Nỗi tức lên, anh rể nông dân hỏi vặn anh rể sinh viên:
- Chú nói vì nhờ cái cổ dài nên con ngỗng kêu to, vậy con ễnh ương cổ đâu có dài mà vẫn kêu to?  Chú nói con vịt nhờ có lông và ít thịt nên nổi trên nước, vậy chiếc thuyền đâu có lông có thịt gì mà vẫn nổi trên nước?  Còn việc chú nói về hòn đá bị chẻ hai thì thật là khờ dại. Cái bụng của mẹ chú là do sét đánh hay do ông già chú chẻ ra, mà chú chui ra được? Theo tôi, vì cái gì cũng là như vậy đó! Cái hiểu biết theo sách vở của chú nào có ăn nhằm gì !" (2)

Nhận xét - Dân gian không lý luận dông dài, sâu xa, chỉ nhìn thực tại trước mắt mà nói: trong sách không dạy đánh cá thì nếu có học theo sách cũng chẳng nuôi sống được!
Những lời giải thích vớ vẩn của những người tự cho là có "ăn học" không khuất phục được dân gian. Có thể chỉ một vài câu hỏi vặn lại cũng đủ làm cho những lập luận ấy sụp đổ. Đặc biệt câu hỏi vặn lại của anh rể nông dân hỏi anh rể sinh viên về "hòn đá chẻ hai", mới nghe qua thì cũng giống như mọi lời cãi cọ thông thường, song xét kỹ thì đó là một lời xỏ xiên có tính cách trào phúng, tiếu lâm. Câu nói không có gì để bắt bẻ được, nhưng  ai cũng hiểu đó là một lời mắng trả... hỗn xược. Trào phúng hay tiếu lâm vốn là một "khí giới" của kẻ yếu.
Ngày xưa, khi mới tiếp xúc với văn hóa ngoại lai, phản ứng trước tiên của dân gian là liên hệ sự đi học với bọn người xâm lược. Dân gian chưa ý thức được sự cần thiết của học vấn, cho rằng những điều trong sách không giúp gì cho sự mưu sinh của mình.
Nhưng về sau, dân gian thấy rằng có học mới khôn; khôn để khỏi bị diệt vong. Dân gian quí trọng những con người có chút ít ăn học, vì họ quan niệm mục đích của sự đi học chưa hẳn là để  "thi đỗ làm quan", (vì mấy ai được như thế) nhưng để sáng mắt ra, để  khỏi bị lừa, để biết đường tranh đấu cho giống nòi, đất nước.    

Truyện Sáng mắt ra

" Xưa có ông nhà giàu, có ba đứa con trai, đứa nào cũng ngu si dốt nát, chữ "nhất" là "một" cũng không biết.
" Đến lúc gần về già, ông gom tiền đi mua một bè cây sáng lê  (a) về cất cho ba cậu, mỗi cậu một tòa nhà nguy nga lộng lẫy.
" Một hôm có người bạn đến chơi. Ông đem đi xem cả ba tòa nhà, khoe đi khoe lại rằng đẹp, rằng toàn bằng gỗ cây sáng lê cả.
" Ông bạn lấy lẽ phải chăng, bảo rằng:
- Chẳng có gì đẹp, chẳng có gì sáng! Ông không nghe tục ngữ người ta nói: "Khôn con hơn khôn của" hay sao? Tôi xem như ba đứa con ông ngu si, dốt nát như thế, thì tuy làm gỗ sáng lê cũng chẳng được sáng đâu. Sao ông không kíp rước thầy về cho chúng nó học hành, sáng dạ nó ra, sáng mắt nó ra, chẳng bằng mười bằng trăm cái gỗ sáng lê của ông ấy sao?
" Ông kia nghe nói tỉnh ngộ, liền đón thầy về cho các con theo học." (3)

Chú giải - (a) Sáng lê là tên một thứ cây có gỗ sáng đẹp, rất quí.

Truyện Dốt học cũng thông

" Xưa có hai người bạn thân với nhau, một người hay chữ, một người dốt đặc. Hễ hai người đi chơi đâu thì người hay chữ ăn nói lưu loát, đúng lẽ đúng phép, ai nghe cũng phải kính nể; trái lại người kia, dốt đặc, nói năng chẳng ra gì, không thông lời suốt lẽ, ai nói gì cũng chịu thua.
" Người hay chữ lấy thế làm xấu hổ cho bạn mình, nên lựa lời khuyên anh ta nên đi học. Người kia không chịu đi, thoái thác rằng:
- Tôi đành phận dốt, trí tôi mờ, dạ tôi tối, học làm sao được.
" Bạn hay chữ nhất định không chịu, cứ dẫn đi tìm thầy để học. Khi đi giữa đường thấy một cái suối chảy rỉ rỉ, người hay chữ mới trỏ tay hát một câu để dạy bạn:
" Nước trong hòn đá chảy ra,
" Ban đầu nho nhỏ, dần dà lại to!
" Bạn nghe hiểu ý, từ đó lập chí học hành. Rồi không bao lâu vỡ ngu, mở trí, thông thạo việc đời và trở nên người giỏi có tiếng." (4)

Và dân gian cũng phân biệt và so sánh giá trị giữa những người trời sinh ra sẵn có tài và những người tuy không sáng dạ mà đã có chí chuyên cần học tập:

Truyện Tài với học

" Xưa có hai người ở cùng làng với nhau. Một người thì học hành sáng láng, đọc qua là thuộc ngay, văn hay chữ tốt, nhưng phải có tính chơi nhiều hơn học. Còn người kia thì chậm chạp, tối dạ hơn, nhưng rất chuyên cần, học ngày học đêm, không lúc nào chịu nghỉ ngơi.
" Hai người thường lấy việc văn chương ganh đua hơn kém mà bất bình với nhau. Chẳng bao lâu hai người đều mắc bệnh và cùng chết, hồn hóa lên trời.
" Hồn người học tối lấy làm uất ức hơn, liền làm đơn kiện với Ngọc-hoàng rằng y vốn học hành chuyên cần, còn tên kia thường chơi bời ít học, sao Trời lại phú cho tên ấy khiếu thông minh, mà không phú cho y? Xin Ngọc-hoàng soi xét cho y được nhờ bề nào chăng.
" Ngọc-hoàng liền cho gọi hồn người thông minh đến, và bảo mỗi người vịnh một vài câu thơ, theo đề: "Chúng tinh chi minh, bất như nhất nguyệt chi quang" (a) để xem tài ai hơn ai kém.
" Hồn người thông minh liền làm ra hai câu, đưa nộp trước, rằng:
" Trong vòng hơn với thiệt,
" Ngang vẻ nhỏ cùng to "  (b)
" Hồn người tối dạ cũng làm hai câu, đưa lên sau, rằng:
" Kể chi ba vạn chiếc,
" Sanh lại một vòng tròn" (c)
" Ngọc-hoàng xem lại hai câu, rồi phán rằng:
- Ta cân nhắc văn của hai ngươi, thì khó phân ai hơn ai kém. Ta không riêng cho ai. Ta cho hai người văn cùng ngang nhau, nghe được cả. Một bên là có tài tự nhiên, một bên là có học lỗi lạc. Thôi cho cả hai trở lại dương gian và từ nay phải hộp hợp cùng nhau, giúp đỡ bao bọc lấy nhau, không được lôi thôi gì nữa. Đừng có tài cậy tài, học cậy học. Có tài mà không học cũng hư, có học mà không tài cũng kém." (5)

Chú giải - (a)- Bao nhiêu sao tỏ không bằng một vầng trăng sáng.. (b)- Ý nói: hơn gì, thiệt gì, cũng là ở trong vòng bầu trời, đã cùng sáng thì cũng ngang vẻ nhau rồi. (c)- Ý nói: làm át cả trời, như mặt trăng làm át các ngôi sao ba vạn chiếc vậy.

-
Nhận xét: Qua các cổ tích, ta có thể thấy về vấn đề học hành, dân gian ta đã quan niệm như thế nào?

Tuy có khi bất bình trước lối học theo sách vở, xa rời thực tế, họ mượn lời Thúc Ngư mà nói toẹt ra là "không cần đi học", rồi đưa ra những chuyện hài hước, tiếu lâm để chế diễu lối lý sự vớ vẩn của những hạng người muốn tỏ ra mình có "học thức"... nhưng cuối cùng dân gian vẫn khuyên chúng ta phải "đi học".
Dốt mà có chí học, mãi rồi cũng phải giỏi. Nhưng không phải ai đi học cũng đều thi đỗ ra làm quan. Mà ở thời nước ta bị ngoại bang đô hộ, ra làm quan cũng chỉ ra làm tay sai cho kẻ thống trị thôi. Dưới một chế độ ngu dân, xây dựng trên sự xảo trá lừa gạt, áp bức, thì phải học để khỏi ngu dốt, để sáng dạ, sáng mắt ra mà hiểu rõ, mà nhận xét khỏi bị sai lầm. Cho nên ở các cổ tích và nhất là ở các câu tục ngữ sẽ trình bày trong các phần dưới đây, ta thấy dân gian rất chú trọng đến hai chữ "khôn" và "biết".
Xưa nay dân ta vẫn bảo nhau: "Khôn sống, mống chết"  và hơn nữa "Khôn chết, dại chết, biết thì sống". Khôn và biết những gi? Có tài và có học phải họp sức lại để làm gì? Cổ tích không nói rõ, mà ở thời xưa cũng không thể nói rõ được, nhưng chú ý nghe lại cho kỹ, chắc chúng ta cũng phải hiểu được dân gian đã dụng ý muốn nhắn nhủ gì với chúng ta rồi.

2. Vấn đề cơ cấu gia đình

a) Đi ở rể, làm rể -

Tuy trên pháp lý, xã hột ta đã chuyển sang chế độ phụ quyền, nhưng trong phong tục cũng còn những di tích "mẫu hệ" như tục  "gửi rể " chẳng hạn. - Trung quốc, Sử Ký của Tư Mã Thiên có chép: "Năm thứ 33, Tần Thủy Hoàng đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể, và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương, lập thành Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải; rồi cho những người bị đi đày đến đấy canh giữ" (6). Như vậy từ thời xưa, ở miền Bắc, những người ở rể đã bị liệt vào cùng một hạng với những người thường trốn tránh, những tay đi buôn hay những người đi đày, là những hạng người bị xã hội phụ quyền khinh khi.
Những người ở rể  là những người như thế nào?
- thôn quê ta trước đây, vẫn còn tục "đi ở rể " hay còn gọi là đi "gửi rể ", tức là muốn cưới con gái nhà ai thì nguời con trai có khi phải ở thường xuyên tại nhà gái, luyện cho quen với nếp sống cần lao trì thủ, làm việc giúp đỡ như con cái tôi tớ trong nhà, tỉ như đi cày, tát nước, lợp nhà, chăn trâu, v.v... một thời gian đôi ba năm mới làm lễ cưới.
Phần nhiều đó là trường hợp chú rễ tương lai ở vào nước lép, nhà nghèo, tại nhà mình nhà không có việc gì để làm, mới có thể bỏ đi đến ở nhà con gái như thế. Có những chàng trai không đến ở gửi rể  tại nhà gái, vẫn ở nhà mình, nhưng thường xuyên đến nhà vợ để làm lụng, thì cũng gọi là đi làm rể. Có khi làm rể hay ở rể lâu quá mà chưa được cưới, ăn uống lại cực khổ, làm việc lại quá vất vả, cuối cùng lại bị nhà gái lại không chịu gả con cho nữa. Vấn đề nhà gái lừa gạt công lao của các anh chàng làm rể hay ở gửi rể như thế, đã gây bao nỗi uất hận đau khổ cho đám thanh niên nghèo khổ ngày xưa.

Truyện Cây tre trăm mắt

" Xưa có một người có đứa con gái đẹp lắm. Trong nhà có thuê một người ở để giúp việc. Ông chủ muốn lợi dụng nó, mới bảo rằng:
- Mầy chịu khó làm ăn với tao rồi tao gả con gái cho mầy.
" Người ở mừng lắm và gia công, gia sức làm việc cho chủ không quản nắng sương, không nài mệt nhọc sớm khuya gì cả. Nó ở đã được ba năm, trong nhà làm ăn mỗi ngày một giàu có. Ông chủ bây giờ mới nghĩ bụng rằng:
- Nhà mình giàu như thế nầy mà gả con cho đứa ở, thì chẳng là uổng cho con gái mình, mà người ta lại chê cười cho.
" Nghĩ thế rồi, bèn lật nó luôn mà đem con gái gả cho một nhà khác giàu sang nhất nhì trong làng. Hôm sắp đưa dâu, ông  chủ gọi người ở ra, lừa nó, bảo rằng:
- Bây giờ mầy chịu khó lên rừng tìm thấy cây tre trăm mắt đem về đây làm đũa ăn cưới, thì tao cho mầy lấy cô mầy ngay.
" Thằng ở thật thà, lập tức vác rựa lên rừng, suốt buổi tìm kiếm hết khu nầy đến khu khác, chẳng thấy đâu có tre đủ được trăm mắt. Nó buồn rầu ngồi khóc hu hu. Bỗng thấy một ông lão đầu tóc bạc phơ, đến hỏi rằng:
- Làm sao con khóc? Nói cho ta nghe.
" Người ở thưa đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, ông lão bảo rằng:
- Con đi chặt tre đếm đủ một trăm cái mắt, rồi đem lại đây ông bảo cho.
" Nó làm y theo lời. Khi chặt đủ một trăm cái mắt, đem lại, ông lão bảo nó đọc: "Khắc nhập! khắc nhập!" (a).
" Nó vừa đọc ba lần như thế, thì một trăm đoạn tre tự nhiên liền lại với nhau mà thành một cây tre đủ một trăm mắt.
" Nó mừng quýnh, ghé vai định vác về. Nhưng cây tre dài quá, nhắc lên vướng, không khiêng đi được. Nó lại ngồi xuống khóc hu hu.
" Ông lão lại đến hỏi vì sao khóc. Nó nói tre dài quá không sao vác về được. Ông liền bảo nó đọc ba lần: "Khắc xuất! khắc xuất!" (b). Nó vừa đọc xong thì cây tre lại tức khắc rơi ra từng đoạn. Nó lîền bó cả lại, gánh về nhà.
" Lúc vừa đến nhà thấy hai họ đang ăn uống tưng bừng, sắp đến lúc rước dâu, nó mới biết là ông chủ lừa nó đem con gả cho người khác rồi. Không nói gì cả, nó lẳng lặng đem trăm đoạn tre xếp dang dang dưới đất , rồi lẩm bẩm đọc ba lần :"Khắc nhập! khắc nhập!". Tự nhiên trăm đoạn tre kia dính liền lại thành một cây tre trăm mắt dài lắm.
" Ông chủ thấy chuyện lạ lùng chạy lại gần xem. Nó cũng đọc luôn: "Khắc nhập! khắc nhập!", thì ông chủ cũng dính liền vào cây tre không tài nào đẩy ra được. Ông thông gia thấy vậy chạy đến định gỡ cho ông chủ nhà, nó đợi cho lúc đến gần sát, liền đọc "Khắc nhập! khắc nhập!"  ông thông gia cũng dính chập luôn vô cây tre không sao lìa ra được.
" Hai họ thấy vậy không ai dám đến gần cây tre cả.
" Còn hai ông kia thì van van lạy lạy để nó thả ra cho: ông thông gia thì xin rút lui về nhà ngay và ông chủ thì xin gả con gái cho nó. Nó liền đọc "Khắc xuất! khắc xuất!", hai ông kia rời ngay cây tre ra và cây tre cũng rời ra thành trăm đoạn.
" Rồi nó lấy được cô gái, không ai dám trêu nó nữa." (7)

Chú giải - (a)- Khắc nhập: nhập vào với nhau tức khắc. (b)- Khắc xuất: rời ra tức khắc.

Cổ tích trên đây đã dùng "ông lão có phép thiêng" như là một "yếu tố trợ lực" để thực hiện những hiện tượng mà ngày nay ta cho là hoang đường.
Nhưng những hiện tượng siêu nhiên một khi đã giúp cho người trai nghèo khó bị lợi dụng và bị lật lường một các trắng trợn và bỉ ổi kia, để trấn áp được ông chủ, và cưới được cô gái xinh đẹp cho đáng công lao ở rể của mình, thì dân gian cảm thấy hả hê, cho rằng sự việc phải được giải quyết như thế mới là hợp lý, mà quên hẳn tích cách hoang đường của câu chuyện.
Tục bắt anh chàng ở gửi rể đợi chờ đợi lâu năm như thế ngày xưa rất thịnh hành, đến nỗi vua Lê Thánh Tông phải ra luật cấm: "Khi đã có lễ xin cưới rồi, thì cấm không được để đến ba bốn năm mới cho rước dâu. Sau khi nhận lễ hỏi xong, phải chọn ngày đám cưới..." (8) Nhưng trong thực tế, để tránh không bị phạm vào luật ấy, một số nhà có con gái cho ở "gửi rể", chưa chịu cho làm lễ hỏi ngay, mà đợi đến gần ngày cho cưới, mới làm hai lễ hỏi và lễ cưới, liền nhau hay vào một lần với nhau.

b) Loạn luân.

Thời loài người mới xuất hiện, các gia đình nguyên thủy có thể đã phải bắt đầu bằng các cuộc nội hôn, nghĩa là anh em, chị em kết hôn với nhau. Nhưng từ khi xã hội đã chuyển từ mẫu hệ sang phụ hệ, thì nội hôn bị cấm đoán, coi như "loạn luân" (làm loạn luân thường đạo lý) và bị tục lệ, pháp luật trừng phạt nghiêm khắc.

Truyện ông Đùng, bà Đà

" Ngày xưa, ở làng Đậu An, huyện Tiên Lữ thuộc tỉnh Hưng Yên, có một nhà kia sinh ra một người con trai tên là Đùng và một người con gái tên là Đà, cả hai có thân hình to lớn khác thường. Cha mẹ mất sớm, đến tuổi lập gia đình không lấy được ai, vì cơ thể khổng lồ của hai người. Một hôm hai anh em bảo nhau bỏ nhà ra đi, hễ gặp ai đầu tiên thì lấy người đó làm vợ chồng.
" Rồi mỗi người đi một ngã, quanh quẩn lại gặp nhau, cho là ý trời định như thế nên kết làm vợ chồng. Một thời gian sau, làng xóm hay được, cho là đôi lứa loạn luân, phạm đến phong tục cổ truyền, nên đập chết cả đôi.
" Tương truyền rằng hồn của hai người chết cứ hiện ra khuấy rối làng xóm, gây nhiều tai vạ làm cho mọi người kinh sợ, nên dân làng phải lập đền thờ để chuộc tội.
" Mỗi năm cứ đến ngày mồng tám tháng tư âm lịch, dân làng Đậu An làm lễ rước ông Đùng, bà Đà, tượng hình bằng tre nan hai người đàn ông, đàn bà với cơ thể khổng lồ. Đám rước chia ra hai phe, một bên rước ông Đùng, một bên rước bà Đà, đi hai ngã khác nhau.
" Dân làng đi rước đều cầm đưốc, vác gậy, bắt đầu đi vào lúc xế chiều rồi vòng quanh làng cho đến khi tới gần đền thờ thì vừa tối, đôi bên gặp lại, nổi lên hò reo, xung đột nhau.
" Cuộc ẩu đả diễn ra cho đến khi hai hình thể ông Đùng, bà Đà bị đập nát và bị châm lửa đốt. Lúc ấy, đèn đuốc trong đền thờ đều tắt ngấm và tục lệ cho phép trai gái vào đền tự do đùa nghịch với nhau (a).
" Người ta tin rằng có như thế thì trong làng năm ấy mùa màng mới tươi tốt và tránh được các thiên tai." (9)

Chú giải - (a)- Có thuyết cho rằng trước đây, dưới thời Bắc thuộc, trai  trong làng bị giết hay bị giặc bắt đi, nên sinh ra nạn trai thiếu gái thừa. Sợ dân làng tuyệt giống, người ta mới bày ra tục cho phép tự do chung chạ trong lễ rước ông Đùng, bà Đà để dân số của làng được chóng tăng lên. Dân các làng xung quanh cũng đến dự đông đảo, và hội ông Đùng, bà Đà biến thành một hội mùa xuân của trai gái miền thượng du.

Ông Đùng, bà Đà vì hoàn cảnh mà anh em bất đắc dĩ phải lấy nhau, còn ở Truyện thần núi Vọng Phu đưới đây, hai anh em vì vô tình mà lấy nhau, khi biết ra thì đã quá muộn màng.

Truyện thần núi vọng phu

" Núi Vọng-phu thuộc huyện Vũ Xương, ở cửa bể của đạo Thuận Hóa (a). Tương truyền ngày xưa có hai anh em nhà kia, một trai một gái, làm nghề đốn củi ở trong rừng. Người anh chặt gỗ, lỡ tay trúng phải mặt em. Người em đau quá ngã lăn xuống đất. Người anh tưởng em chết, sợ hãi bỏ trốn đi xa. Người em được một cụ già đem về nuôi, đến khi trưởng thành, nhan sắc xinh đẹp, khác hẳn ngày xưa. Khi cụ già chết, người em gái mới đi lấy chồng, lại lấy đúng người anh mình mà không biết. Người anh cũng không biết vợ là em gái mình.
" Về sau, người anh thấy trên đầu vợ có một vết sẹo, nhân hỏi duyên do, người vợ nỏi:
- Lúc còn nhỏ thiếp theo anh vào rừng đốn gỗ, anh thiếp lỡ tay chém trúng vào giữa trán thiếp, rồi bỏ trốn mất, không biết sống chết nơi nào.
" Người anh nhận ra em gái mình nhưng đã trót kết làm vợ chồng, cho nên ngại không dám nói rõ ra, lấy cớ đi buôn xa (b), rồi đi luôn không trở về nữa. Người em không biết chồng là anh mình, ngày ngày lên sườn núi nhìn ra biển ngóng trông thuyền chồng, lâu ngày không thấy về, buồn rầu mà chết, biến thành một tượng đá. Người đời bèn gọi tượng đá ấy là Vọng-phu, lại thấy linh thiêng nên lập đền thờ phụng." (10)

Chú giải - (a)- Vùng Quảng Trị, Thừa Thiên ngày xưa. (b)- Có thuyết nói là người anh bỏ nhà đi lính (theo chúa Nguyễn).

Nhận xét - Cổ tích "Đá Vọng Phu" vốn hình thành rất sớm, không biết rõ vào thời nào. Có lẽ lúc đầu chỉ là do dân gian thấy có một hòn đá cheo leo trên sườn núi, trông giống như một người đàn bà đứng ngóng nhìn ra tận chân trời, nên tưởng tượng đó là một người vợ đang đứng trông chờ người chồng đi xa chưa thấy về, và cho rằng vì đứng trông chờ quá lâu ngày nên buồn rầu mà chết và biến thành một tượng đá.
Rồi nhân gặp thời xã hội loạn lạc chiến tranh, trai tráng trong nước phải đi lính, vợ con ở nhà trông chờ mòn mõi, thảm cảnh ấy khiến cho dân gian lại hư cấu thêm cho câu chuyện được hợp với tình trạng xã hội đương thời, hòn đá vọng phu kia lại là trở thành một chinh phụ đang ngóng chờ người chồng đi lính phương xa.     - nhiều nơi trong nước ta từ lâu đã có những hòn "đá Vọng Phu" như thế: - Lạng Sơn, Thanh Hóa miền Bắc... rồi đến về sau, đến thời chúa Nguyễn, người Việt di cư vào nam lại mang cả nàng Tô Thị vọng phu miền Bắc vào huyện Vũ Xương, đạo Thuận Hoá và vào tận một hòn núi ven biển vùng Bình Định ngày nay. Chúng tôi chưa biết rõ được vì sao khi vào đến miền Nam, câu chuyện người đàn bà vọng phu lại biến thành một câu chuyện "nội hôn" giữa hai anh em ruột thịt ?
Cổ tích nầy đã phản ảnh thân phận người đàn bà dưới chế độ phụ quyền phong kiến, sống chết với "sự chờ mong tuyệt vọng" giữa một tình trạng xã hội loạn lạc chiến tranh, mà thời gian không thể nào lay chuyển nổi. Cổ tích đã diễn thành một tấn tuồng nội hôn ngang trái mà trong đó cái bi, cái buồn của người vợ chờ mong mõi mòn, hòa với  cái hùng, cái hy sinh can cường của người anh, người chồng, dứt khoát ra đi để cho em gái khỏi bị điếm nhục vì tội loạn luân.

Thật ra, nếu lần lại cho đến thời loài người mới xuất hiện trên mặt đất nầy, thì lúc đầu không thể tránh được giai đoạn anh chị em phải lấy nhau. Về sau, dần dần, kinh ngiệm cho thấy rằng con cái sinh ra ở chế độ nội hôn đều không bình thường, nên người xưa dứt khoát cấm "nội hôn" để cho giòng giống được cường tráng và đông đúc hơn lên:

Truyện Mèo (11) về hai chị em lấy nhau

" Ngày xưa ở một trận đại hồng thủy, hai chị em nhà kia được Chữ Làu (Trời)  cho tránh nạn trong một chiếc trống lớn nổi trên mặt nước nên được an toàn tính mệnh. Khi nước đã rút hết, hai chị em chui ra khỏi trống, thấy thiên hạ không ai còn sống cả.Về sau người em trai lớn lên, ngỏ ý muốn lấy chị. Người chị từ chối, bảo Trời cấm chị em không được lấy nhau.
" Người em nài ép chị viện cớ trên mặt đất không còn có một người đàn bà nào khác nữa. Hai chị em bèn hỏi ý Chữ Làu bằng cách lăn hai cái thớt cối xay từ trên núi xuống: hai thớt dính liền với nhau. Cho đó là ý Trời, hai chị em liền kết thành vợ chồng.     " Con họ đẻ ra không đầu, không tay, không chân mà tròn như một quả trứng. Nghĩ rằng có lẽ đứa bé ở trong ấy, nên cắt ra, cũng không thấy, song mỗi miếng cắt ra rơi xuống thành một con người. Thấy vậy, họ mới cắt ra thật nhiều miếng nhỏ, thành vô số con. Mặt đất nhờ đó mà có loài người trở lại như xưa." (12)

Truyện Mường về hai anh em lấy nhau

" Ngày xưa, hoàng tử Lang Đa Cần cho một người biết bay, lên trời  hỏi Nàng Sáng (Áng sáng) con gái của thần Sao (Ngôi sao) làm vợ.
" Hôm rước dâu Đa Cần không biết bay nên đám cưới không thành. Đa Cần lại hỏi con gái thần Nước, nhưng cô nầy lại biến mất không tìm được.
" Cuối cùng Đa Cần phải lấy em gái của mình là Nường Kịt. Nường Kịt đẻ ra nhiều con nhưng không đứa nào sống được. Hai bà tiên Đam Cha Cuvà Đam Cha Lang hiện xuống nói cho biết là anh em lấy nhau sinh con không tốt, đã trót kết hôn thì phải cắt tóc mà rời nhau thì mới được yên vui.
" Lang Đa Cần nghe theo, bỏ em gái, lấy vợ khác ngoài dòng họ, sinh được chín người con trai, người con cả nối nghiệp cha, tám người em phân thành bốn họ lớn: Đinh, Quách, Bạch, Hoàng, là tổ tiên của các Lang xứ Mường ngày nay." (13)

Xin mở tại đây một dấu ngoặc: Trong hai cổ tích của người Mèo và của người Mường trên đây, có vài hiện tượng mà ngày nay, lại được coi như có tính cách "hiện đại" (?):
- Ngày xưa dân Mường cho rằng anh em lấy nhau, sinh con không nuôi được, ngày nay khoa học cũng xác nhận rằng con cái do nội hôn sinh ra thường không được lành mạnh, trong hôn nhân nên tìm người ngoài dòng họ thì tốt hơn.
- Ngày xưa cổ tích Mèo kể lại tổ tiên họ lúc đầu sinh ra một đứa con tròn như quả trứng, đem cắt ra thành nhiều miếng nhỏ, mỗi miếng biến thành một đứa con. Không biết điều ấy có thể làm cho ta liên tưởng đến việc khoa học ngày nay đã có thể cắt một phôi thai (embryon) thành ra nhiều phôi thai nhỏ, gọi là "clones". (Lúc bắt đầu thụ thai, tinh trùng đàn ông nhập và noãn trùng đàn bà, trong ba tháng đầu gọi là phôi thai, từ ba tháng trở đi thì gọi là bào thai). Báo Express (Paris 1993) trong bài "L'éthique et les clones" (Đạo đức học và các phôi) có đặt vấn đề là việc cắt chia một phôi thai của loài người để tạo thành nhiều đứa con khác giống y với nhau như thế (clonage) có trái với đạo lý không? (14)

Truyện trầu cau

" Thời thượng cổ, có một vị quan lang (con vua) sức vóc cao lớn, nhà vua ban cho tên Cao, cho nên lấy Cao làm họ. Cao sinh hạ được hai người con trai, con cả tên là Tân, con thứ tên là Lang. Hai anh em giống nhau như đúc, trông không thể phân biệt nổi.     " Đến năm 17, 18 tuổi, cha mẹ đều từ trần, hai anh em đến theo học với đạo sĩ Lưu Huyền. Nhà họ Lưu có người con gái tên là Liên, tuổi cũng độ 17, 18. Hai anh em thấy nàng đều rất vừa ý, muốn kết làm vợ chồng. Nàng chưa biết người nào là anh, mới bày ra một bát cháo và một đôi đũa, cho hai anh em cùng ăn. Người em nhường cho người anh ăn trước. Nàng nói với cha mẹ xin làm vợ người anh.
" Khi về ở với nhau, người anh thường lạt lẽo với em. Người em tự lấy làm tủi hổ, cho rằng anh lấy vợ rồi quên mình, bèn cáo biệt bỏ về quê nhà. Đi tới giữa rừng, gặp một giòng suối sâu không có thuyền để qua, đau đớn khóc lóc mà chết, hóa thành một cây mọc ở bờ suối. Người anh ở nhà không thấy em bèn đi tìm. Tới chỗ đó, gieo mình chết ở bên gốc cây, hóa thành phiến đá nằm ôm gốc cây. Người vợ đi tìm chồng, tới chỗ nầy cũng gieo mình ôm phiến đá mà chết, hóa thành một cây leo cuốn quanh thân cây và phiến đá, lá có mùi thơm cay. Cha mẹ nàng họ Lưu đi tìm con tới đây, đau xót vô cùng, bèn lập miếu thờ.
" Người trong vùng hương hỏa thờ cúng, ca tụng tình anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa. Khoảng tháng bảy tháng tám, khi nóng chưa tan, vua Hùng Vương đi tuần thú, nhân dừng chân nghỉ mát ở trước miếu, thấy cây lá xum xuê, giây leo chằng chịt, hái bỏ vào miệng nhai, nhổ bọt lên phiến đá, thấy có sắc đỏ, vị thơm,vua bèn sai đốt đá lấy vôi mà ăn cùng quả và lá giây leo, thấy mùi vị thơm ngon, môi đỏ má hồng, biết là vật quý, bèn lấy mang về. Đó chính là cây cau (a), cây trầu-không và vôi vậy. Về sau, người nước ta, phàm cưới vợ gả chồng hay vào dịp tết lớn, tết nhỏ cũng đều lấy trầu cau làm đầu. Nguồn gốc cây cau là như thế đó." (15)

Chú giải - (a)- Có người cho rằng: gọi là cây "cau" là do họ của chàng Lang là "Cao" mà đọc trại ra.

Nhận xét - Lang vốn đã yêu Liên từ trước, nhưng nay Liên trở thành chị dâu của mình, hoàn cảnh hóa nên khó xử: Trong khi cùng sống chung dưới một mái nhà, làm sao ngăn chận được  mối tình ngang trái kia khỏi bị bùng nổ ra? Bỏ nhà ra đi là giải pháp hay nhất. Nhưng rồi dân gian hư cấu cho hoang đường thêm, thăng hoa tình thương giữa anh em, tình yêu giữa vợ chồng, tạo thành cổ tích bất hủ nầy, và đem gán với tục ăn trầu, vì ngày xưa trầu cau được dùng làm sính lễ trong việc cưới hỏi vợ chồng.
Hiện nay chưa ai biết đích xác tục nhai trầu của dân ta bắt đầu từ đời nào. Theo cổ tích nầy thì từ khi vua Hùng Vương đi tuần thú khám phá ra lá trầu, trái cau. Nhưng trong truyền thuyết về họ Hồng Bàng thì thời ấy "chưa có trầu cau, việc cưới hỏi lấy nắm đất làm đầu ".
TheoVăn hiến thông khảo (tác giả khuyết danh), năm Thuần Hóa thứ nhất (năm 990) vua Tống sai sứ thần là Tống Cảo sang nước ta để tuyên phong cho Lê Hoàn, về nước thuật lại rằng: "Lê Hoàn cầm cương ngựa, cùng sứ giả cùng đi, rồi lấy trầu mời ở trên mình ngựa, đây là phong tục mời khách rất quý ". Sách Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi người đời Tống, thế kỉ XII, chép: "Từ Phúc Kiến, miền dưới Tứ Xuyên và các miền Tây tỉnh Quảng Đông, đều có tục ăn trầu... Viên sứ thần Giao Chỉ cũng ăn trầu. Hỏi vì cớ gì mà thích ăn trầu như vậy, thì họ đáp rằng trừ được lam chướng, hạ khí, tiêu thực, ăn lâu đã quen, nếu không ăn thì không chịu được, miệng lưỡi chua và hôi lắm ". (16)
Như vậy, tục ăn trầu đã có ở xứ ta từ trước năm 990, đời Lê Hoàn, địa bàn lưu hành rộng lớn bao trùm cả Phúc Kiến, miền dưới Tứ Xuyên, miền Tây Quảng Đông, và ăn trầu có hai công dụng rõ rệt là để tiếp khách và để tiêu thực, trừ chướng khí, đồng thời làm cho miệng lưỡi khỏi bị hôi.
Đối với dân Việt ta thời xưa, miếng trầu là đầu câu chuyện. Nguyễn Khuyến trong bài Khách đến chơi nhà đã có câu:
" Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
" Bác đến chơi đây, ta với ta. "
Mời trầu để tỏ tình quí mến hay để ướm thử lòng nhau:
" Gặp nhau ăn một miếng trầu,
" Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào. "
Lấy vợ, nạp cheo, phải có trầu lễ yết thần và biếu khắp quan viên. Miếng trầu cheo có đủ giá trị luật lệ như một giấy giá thú:
" Ba đồng một mớ trầu cay,
" Sao anh chẳng dạm những ngày còn không ? "

c) Một vợ hai chồng.

Dân Ca Tu ở vùng Tây Nam tỉnh Quảng Nam và tỉnh Thừa Thiên, thuộc cao nguyên Trung Việt, có một cổ tích về lai lịch của trầu cau, song cốt chuyện liên quan đến vấn đề hai người chồng tranh giành một người vợ.

Truyện trầu cau của Ca Tu

" Ngày xưa có một bà già gả con gái cho Rắn, sinh được một con, rồi người con gái bị răng của rắn cắm vào người mà chết. Áo quan trôi theo dòng suối lọt vào đó của một người tên là Na. Na cứu sống lại và lấy làm vợ, sinh được một đứa con, rồi làm đám cưới.
" Hôm đám cưới có Rắn đến dự, thấy cô dâu là vợ cũ của mình bèn cùng đánh nhau với Na. Cô gái lấy thuốc rừng ném cho hai người bị thương để khỏi đánh nhau nữa, không dè trúng thuốc, Rắn hóa thành cây cau, Na hóa thành hòn đá.
" Cô gái thương quá, đứng lên hòn đá, ôm cây cau rồi hóa thành cây trầu, rể bám vào đá, leo quấn lấy thân cau. Hai đúa con của Rắn và của Na trúng thuốc, hóa ra cối  và chày, người làng đến xem trúng thuốc, hóa ra cây chay.
" Về sau, có một người đàn bà đi xúc tép qua đấy lấy lá trầu nhai với cau rồi nhổ trên hòn đá, đá hóa màu đỏ. Người làng bắt chước nhai trầu, cau, chay với vôi thì thấy môi đỏ, người đẹp ra. Vợ của vua biết được cho người đến đào cau, trầu, đá đem về, nhưng đào bao nhiêu thì thấy mọc lại thêm bấy nhiêu, không thể hết được." (17)

Dân ta cũng có một truyền thuyết khác về chuyện chồng cũ, chồng mới, đưa đến một kết thúc vừa cao đẹp, vừa bi thảm.

Truyện Ba vợ chồng ông Táo

" Ngày xưa có hai vợ chồng chú tiều nghèo khó, lấy nhau đã lâu mà không có con. Người vợ rất thương chồng mà người chồng lại cờ bạc rượu chè và thường đánh đập, hành hạ vợ. Người vợ cắn răng chịu đựng, người chồng càng làm tới, rồi một hôm vác cây đánh đuổi vợ, nên vợ mới bỏ trốn đi luôn.Vào rừng, gặp một túp lều tranh của một người thợ săn, người vợ xin ở đậu lại. Sau khi nghe kể sự tình, người thợ săn bằng lòng cho ở. Được ít lâu hai người lấy nhau, và người thợ săn hết lòng thương mến vợ.
" Chú tiều, sau khi vợ bỏ đi, đâm ra hối hận, mới quyết đi tìm vợ về. Vào rừng gặp túp lều tranh, trong lúc người thợ săn đi vắng, chỉ có người vợ cũ ở nhà.Chú tiều khóc lóc năn nỉ vợ trở về với mình. Người vợ cũng khóc, tỏ ý vẫn còn thương chồng.
" Hai người đang nói chuyện, bỗng thấy bóng người thợ săn về, người vợ hoảng sợ, bảo chồng cũ trốn vào đống rơm trước nhà. Người thợ săn vào đến cửa gọi vợ:
- Bữa nay tôi săn được thỏ, vậy mình lấy lửa đốt rơm trước nhà để thui ăn.
" Người vợ rụt rè không chịu làm theo, người thợ săn xách thỏ ra lấy rơm đốt, lửa cháy bắt qua đống rơm trước nhà. Chú tiều bị chết cháy. Người vợ thấy mình vì thương chồng cũ mà hóa ra giết chồng, đau lòng quá, nhảy vào đống lửa đang cháy chết theo. Người thợ săn thấy vợ chết tưởng mình đã làm điều gì trái nghĩa với vợ nên cũng nhảy vào lửa mà chết.
" Trời cảm vì tình yêu của ba người, cho cả ba hóa ra bộ ba Ông Táo dụm đầu vào nhau trong bếp lửa."(18).

Nhận xét - Trong cổ tích của dân Ca Tu, chồng cũ và chồng mới xung đột nhau quá dữ dội đến nổi người vợ phải ném thuốc rừng ra để cho hai bên dấn dịu, không dè lại làm cho cả hai hóa ra cây cau, hòn đá. Quá thương xót, cô ta cũng hóa theo thành giây trầu.     Còn ở truyền thuyết Ba vợ chồng ba ông Táo, cả ba vì quá thương cảm nhau nên cũng lần lượt tự thiêu. Trời thương tình, cho ba người sống lại sống chung với nhau và phong cho cả ba làm Thần Bếp. Như vậy, cảnh một vợ hai chồng mà người trần gian ngày nay lên án, thì ngày xưa Trời lại đứng ra tác thành? Điều nầy có thể đưa đến giả thiết: Cổ tích nầy đã xuất hiện vào thời rất xa xưa, thời mà tục "đa phu" được dân gian ta chấp nhận.

Hoàn cảnh một vợ, hai chồng nầy thật là gay cấn, khó xử. Đôi khi cũng do lòng người đàn bà rắc rối gây nên, như trong Truyện Khun Chang và Khun Phen, một cổ tích của Thái Lan. Khun Chang và Khun Phen là hai bạn thân. Khun Chang lại yêu Wan Th'ong vợ của Khun Phen, mà Wan Th'ong lại vừa yêu chồng, vừa yêu Khun Chang. Khun Phen và Khun Chang xung đột nhau, việc đưa đến Vua phán xét. Vua truyền Wan Thong được chọn một người làm chồng mà thôi, thì khỏi tội chết. Wan Th'ong vẫn muốn lấy cả hai, Vua không cho, nên nàng cam lòng chịu xử tử. (19)

Cũng là một trường hợp chồng cũ, chồng mới, mà trong một cổ tích khác của dân ta, câu chuyện lại được dàn xếp rất êm đẹp hơn:

Truyện nghĩa cũ, tình nay

" Xưa có hai vợ chồng nhà kia, chẳng may chạy giặc mỗi người lạc mỗi ngã. Người vợ chạy trốn lên rừng, nhịn đói, nhịn khát, khốn khổ đã mấy hôm. May gặp được anh kiếm củi đem về nuôi mới khỏi chết. Rồi lâu ngày không biết nương tựa vào đâu, đành phải ở lại với anh kiếm củi làm vợ chồng vậy.
" Mấy năm sau, giặc giã yên, người chồng đi tìm mãi mới gặp. Vợ thấy, nghĩ bụng rằng:
- Bây giờ ta không về với chồng thì ta là bất nghĩa, mà ta về với chồng thì vẫn bị tiếng bất trinh.
" Trong lòng lưỡng lự không biết nên xử trí thế nào cho phải, nàng mới hát một câu để thử xem đôi bên nghĩa cũ, tình nay xử  với nhau như thế nào?
" Câu hát rằng:
" Muốn tắm mát lên ngọn sông Đào,
" Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh.
" Đôi tay em vít cả đôi cành,
" Quả chín thì hái, quả xanh không lẽ đừng.
" Ba bốn năm nay ăn ở trên rừng,
" Chim kêu, vượn hú, nửa mừng, nửa lo
" Em trót sa chân, lỡ bước xuống đò !"
" Người kiếm củi nghe hát, nói với người chồng cũ rằng:
- Thôi. Bây giờ bác đã tìm được bác gái, thì bác đem bác ấy về. Tôi bằng lòng.
" Người chồng cũ đem tiền bạc ra để tạ ơn người kia, nhưng người kia nhất định không chịu nhận.     Rồi hai vợ chồng đem nhau về." (20)

Nhận xét - Trong cổ tích của dân Ca Tu và truyền thuyết Ba vợ chồng Ông Táo, các nhân vật đều phải chết hết, thì mới có thể giải quyết được vấn đề khó khăn giữa chồng cũ và chồng mới.
Trái lại, ở cổ tích vừa kể đây, câu chuyện lại được kết thúc một cách ổn thỏa: người chồng mới bằng lòng để cho vợ về lại với chồng cũ. Như vậy là nhờ người vợ đã dùng mấy câu hò câu hát nói xa nói gần, bày tỏ được những tâm tình phức tạp của mình, làm cho người chồng mới thông cảm được, nên mọi việc được dàn xếp êm đẹp. Những "câu hò, câu hát" quả đã giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tình cảm của dân gian nông thôn ta ngày xưa.   

d)  Một chồng nhiều vợ .

Thời phong kiến Nho giáo, pháp luật và phong tục không những không cấm đoán, mà trái lại còn dung túng và tán trợ việc lấy nhiều vợ. Theo luật ngày xưa, vợ mà không sinh đẻ, thì phạm vào một trong "thất xuất" (Không con; dâm đãng và lười biếng; bất hiếu với cha mẹ chồng; lắm điều; trộm cắp; ghen tuông; có ác tật) thì phải bị chồng bỏ.
Có nhiều người, vợ không sinh đẻ, song không bỏ vợ, mà lại lấy thêm vợ lẽ, mong có được con để nối đòng. Dân gian nông thôn vì nghèo khó, nên ít có cảnh một chồng nhiều vợ. Chỉ những nhà quí tộc, quan lại, phú thương, chức sắc hương thôn...mới nghĩ đến chuyện lấy vợ hai, vợ ba.
Tình trạng ấy thường đưa đến cảnh xích mích bất hòa trong gia đạo, mà vợ cả cũng như vợ hai, đều chỉ là những nạn nhân đáng thương của chế độ phụ hệ đa thê mà thôi.

Truyện vợ hai, vợ cả

" Ngày xưa có một người lấy hai vợ. Vợ cả đẹp mà hiền lành. Vợ hai đã xấu lại chua ngoa, độc ác. Ban đầu hai người vợ cùng ở chung một nhà. Nhưng về sau, hai người ngày nào cũng cãi nhau, đánh nhau, chồng không sao chịu được, cho mỗi người ở riêng một nhà, nhưng không cách xa nhau mấy.
" Có một thời gian người chồng đi buôn bè (a)vắng, vợ cả nghe vợ hai ở bên nhà nghêu ngao hát rằng:
" Chồng chung, chồng chạ !
" Ai khéo hầu hạ,
" Thì được chồng riêng.
" Chi mà sợ, chi mà kiêng !
" Vợ cả biết nó muốn gây sự với mình, cứ làm thinh không nói năng gì. Nhưng trong bụng không thể không giận được. Hôm sau về nhà, kể chuyện cho mẹ, cho em nghe. Mẹ khuyên rằng:
- Một sự nhịn là chín sự lành. Thôi con hãy cứ nhịn nó đi, đừng đối đáp làm chi. Đợi chồng con về sẽ hay.
" Người em gái cũng nhủ rằng:
- Cần chi phải để tâm. Chị không nghe người ta nói:
" Dù anh năm bảy nàng hầu,
" Em đây cũng cứ ngồi đầu chính thê !
" Người vợ cả nghe mẹ, nghe em gái nói, yên lòng về, không một lời gì nặng nhẹ với vợ hai cả. Nhưng vợ hai thấy vợ cả nhịn bao nhiêu lại càng làm già bấy nhiêu, rồi lập tâm làm cho mất tăm mất tích vợ cả đi. Một đêm, nó thuê mấy tên côn đồ giết chết vợ cả, đem đi chôn một nơi, rồi sẵn có thây chết trôi bên sông, lôi vào nhà, phóng lửa đốt cháy nhà vợ cả lẫn nhà nó luôn. (b)
" Tháng sau, chồng đi buôn về, nghe chuyện tưởng thật, không nghi ngờ gì, lấy tiền dựng lại nhà ở nơi đất cũ và lo buôn bán làm ăn như trước. Một hôm, người chồng đang ngồi dưới hiên trông ra, người vợ hai đang giặt áo ngoài cầu ao, bỗng có con xanh xanh bay đến, đậu trên cành cây giữa sân, hót to lên:
" Giặt áo chồng tao,
" Thì giặt cho sạch.
" Giặt mà không sạch,
" Tao rạch mặt ra !
" Người vợ hai nghe nói, sợ tái người. Còn người chồng nghe chim hót chỉ lấy làm lạ thôi, không nghĩ ngợi gì khác. Khi người vợ hai giặt áo xong, sắp đem phơi, thì nghe chim hót rõ ràng rằng:
" Phơi áo chồng tao,
" Thì phơi trên sào.
" Đừng phơi hàng rào,
" Tao cào mặt ra !
" Người chồng nghe phảng phất như tiếng vợ cả xưa, bèn chạy đến gốc cây, rũ tay áo nói rằng:
" Xanh xanh kia hỡi xanh xanh !
" Có phải vợ anh, chui vào tay áo !
" Quả nhiên con xanh xanh bay vào tay áo thật, rồi một chốc biến đâu mất, không thấy nữa. (c) Người chồng bấy giờ mới sinh ra nghi ngờ, đem vợ hai ra tra khảo. Vợ hai không dám dấu diếm, phải thú thật, rồi sợ quá đến đêm nhảy xuống ao tự tử." (21)

Chú giải - (a) Buôn bè: buôn bán bằng cách đốn hay mua gỗ trên rừng kết lại thành bè thả nổi trên sông để di chuyển đến bán ở các trại cưa hay các thị trấn. -(b) Việc thuê người giết vợ cả, rồi đem thây người chết trôi bỏ vào nhà phóng lửa đốt, giống chuyện Hoạn Thư trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, vì ghen nên sai người bắt cóc Thúy Kiều rồi lấy một thây vô chủ bỏ vào nhà đốt cho phi tang. -(c) Đoạn chim hót "đừng phơi áo trên hàng rào" nầy giống một đoạn trong truyện Tấm Cám.

Nhận xét -  Ngày xưa lấy vợ lấy chồng là cốt để có con nối dõi tông đường. Nếu người vợ không sinh được, thì bị phạm vào "thất xuất", còn người chồng bị tuyệt tự. Vào trường hợp ấy, các bà vợ ngày xưa thường đi cưới vợ hai cho chồng, để về sau có con thừa kế lo việc hương khói cúng giỗ, và mình cũng khỏi bị chồng bỏ, vẫn giữ được "ngôi đầu chính thê".
Trong cổ tích nầy, cô em gái cũng từng có lời khuyên người vợ cả như thế:
" Dầu anh năm bảy nàng hầu,
" Em đây cũng vẫn ngôi đầu chính thê !
Đa thê là một cái nạn khủng khiếp đối với phụ nữ ta ngày xưa. Bên nhà chồng, vì lý do phải có con để nối dõi tông đường mà cưới vợ lẽ, còn bên nhà các vợ lẽ, vì tình cảnh nghèo khó nên cha mẹ ép con gái lấy lẽ người giàu sang để trông mong dựa quyền thế làm ăn  hay để khỏi bị kẻ khác ức hiếp. Đi làm lẽ, tiếng rằng lấy chồng, mà thật ra không khác gì bị đưa đi làm tôi đòi.
Cổ tích trên đây đã phản ảnh được thảm cảnh của chế độ đa thê thời xưa, đồng thời cũng bày tỏ được tâm lý của mỗi nhân vật đúng với thực tại : Nguời vợ cả nghe theo lời mẹ và em gái khuyên nên cố gắng tỏ ra mình là một người vợ hiền đức. Còn người vợ hai, bị ép lấy lẽ, trong lòng đã uất hận, lấy chồng mà bị cảnh hẩm hiu, nên khi được chồng thương yêu thì dễ sinh ra lộng thế và bạo hành để  "trả thù cuộc đời".
Nhưng cả hai, vợ cả cũng như vợ lẽ, đều là những người đàn bà "đồng hội đồng thuyền", đau khổ mỗi người một cách không ai kém ai.
Cổ tích nầy có những tình tiết giống với việc Hoạn Thư bắt cóc Thúy Kiều trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, và việc Tấm hóa thành chim bảo Cám đừng phơi áo chồng trên hàng rào trong Truyện Tấm Cám.
Nhưng dân gian vẫn thấy thích thú, vì những tình tiết "ước lệ" ấy nhắc cho họ nhớ lại những cảnh huống, những sự việc trong những truyện mà họ được nghe kể trước đây rồi. Và họ đã từng rung cảm, không bao nhiêu lần, trước những những hình ảnh "ước lệ" rất quen thuộc nầy. Cho nên giờ đây, họ càng hội ý, cảm nhận và xúc động một cách dễ dàng và thấm thía hơn.

Tóm lại, các cổ tích về hôn nhân là những di tích của chế độ mẫu hệ thời xa xưa, như tục gửi rể, làm rể, nội hôn, anh chị em lấy nhau, một vợ hai chồng,... Phần nhiều là những thảm kịch, hậu quả chiến bại của mẫu hệ trước phụ quyền phong kiến. Dân gian đã "lịch sử hóa", hoặc tô lên các thảm kịch ấy một màu sắc hoang đường, để cho câu chuyện được tăng phần kỳ thú.

Võ Thu Tịnh

Nguồn: Trang nhà Võ Thu Tịnh

Chủ đề: Truyện kể dân gian | Lượt xem: 838 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==