Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 4, ngày 24/04/2024, lúc 11:06 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 21 » Cổ tích thế sự - II
10:41 PM
Cổ tích thế sự - II

Thiên thứ năm. Cổ tích thế sự - II (Không có bản văn nhất định)

3. Vấn đề trật tự xã hội

Xã hội ta ngày xưa từ bộ lạc đã chuyển dần sang chế độ phong kiến: trên có vua quan, duới có lý huơng, chức sắc nông thôn.

a) Vua quan .


Dân gian đã hư cấu, sáng tạo ra một nhân vật xuất chúng, Trạng Quỳnh, để đứng ra tranh đấu cho công lý xã hội, chống lại uy quyền của vua chúa quan lại.
Suốt thời gian từ hạ bán thế kỉ thứ XIX đến tiền bán thế kỉ thứ XX, ở khắp nước ta từ thành thị đến thôn quê, những câu chuyện nghịch ngợm, ranh mãnh của Trạng Quỳnh đã được mọi người ham thích, kể đi kể lại không bao giờ chán. Như thế là vì những hành dộng của Trạng Quỳnh đã phù hợp với cảm nghĩ của mọi người, và đi đúng với khát vọng của toàn dân.

Truyện Dê đực có chửa

" Dưới triều nhà Lê trung hưng, đời Chúa Trịnh Cương, nước sông Mã, tại khu vực Hàm Rồng, bỗng tự nhiên đỏ như máu trong mười ngày.
" Quần thần có người bàn rằng: Theo câu sấm của Trạng Trình, Nguyễn Bỉnh Khiêm:
" Bao giờ nước đỏ Hàm Rồng,
" Là điềm báo trước Trạng Ngông ra đời,
thì đó là điềm trời sẽ giúp cho quốc gia có nhân tài để giữ vững bờ cõi, Chúa nên tuần du vùng Hàm Rồng, biết đâu sẽ gặp được. Rồi tự nhiên, từ phủ Chúa có lệnh truyền ra mỗi địa phương phả dâng lên Chúa một con dê đực có chửa, nếu không sẽ bị tử tội.
" Chúa Trịnh Cương cho là phải.
" Khi Chúa tuần du vào Nghệ Tĩnh, đến địa đầu huyện Hoằng Hóa ngựa bỗng dừng lại và ngửa cổ hí vang. Đồng thời cũng nghe có tiếng khóc thảm thiết. Chúa ra lệnh lục soát, bắt được kẻ la khóc ấy là một đứa bé mặt mũi khôi ngô. Hỏi vì sao khóc, đứa bé kính cẩn thưa:
- Mẹ con qua đời từ lâu. Cha con không đẻ em cho con bồng ẵm, buồn vì cảnh lẻ loi, nên con khóc.
" Chúa nghe nói, cười bảo đứa bé:
- Cha là đàn ông làm sao mà sinh đẻ được?
- Thưa Chúa Thượng, dê đực mà có chửa thì sao đàn ông lại không đẻ con được?
- Đâu, dê đực có chửa ở đâu?
- Dạ, nếu không có, sao lệnh bề trên lại xử tử hình trăm họ?
" Quan Thượng Thư bộ Lễ liền đến thưa với Chúa rằng đứa bé ấy có thể là quan Trạng mai sau. Hóa ra lệnh buộc các địa phương phải dâng dê đực có chửa là một mưu mẹo của vị quan nầy đưa ra để cho người hiền tài vì muốn bênh vực nỗi oan khiên của dân gian mà phải xuất đầu lộ diện. Tất nhiên lệnh ấy được bãi bỏ ngay. Từ đó dân gian gọi đứa bé là Trạng (a)và vì nó tên là Quỳnh, nên gọi là Trạng Quỳnh." (22)

Chú giải - (a)- Trạng: do chữ "trạng nguyên" nói tắt. Trạng nguyên là người đỗ đầu ở kỳ thi đình (thi trước mặt vua) thời xưa. Từ "trạng" còn dùng để chỉ người giỏi về một môn gì, ví dụ: Trạng rượu, trạng cờ... Có khi "trạng" dùng trong nghĩa xấu, chỉ người khoe khoang, phách lối, ví dụ: "nói trạng".

Từ đó Quỳnh được Chúa trọng đãi. Thời bấy giờ có bọn quan thái giám hầu cận trong phủ Chúa, bên trong nịnh bợ kẻ trên, mặt ngoài hống hách với kẻ dưới, buôn quan bán tước, đâm thọc, sinh sự để ăn của đút lót, nhũng nhiễu dân lành. Trạng Quỳnh tìm mọi dịp để châm biếm, xỉ vả bọn hoạn quan nầy cho bỏ ghét.

Trạng Quỳnh chọi gà với quan Thái Giám

" Quan Thái Giám (a) cao cấp nhất trong phủ Chúa Trịnh có một con gà chọi rất hay, đấu trận nào thắng trận ấy, khắp nơi ai cũng biết tiếng.
" Một hôm Quỳnh bắt một con gà chọi đem thiến đi, rồi cho rao lên là mình cũng có một con gà chọi rất hay, hay hơn cả con gà của quan Thái Giám. Quan Thái Giám tỏ ý muốn đem gà mình ra chọi với gà của Quỳnh. Quỳnh khiêm tốn trả lời:
- Dạ thưa tôi không dám. Gà của tôi kém lắm, dù chỉ một hiệp thôi cũng không thể đương đầu nổi với gà của quan lớn. Thế nào cũng bị thua.
" Trạng Quỳnh càng thoái thác, quan Thái Giám càng nài ép, vì mong có dịp đi phô trương là mình đã oanh liệt thắng được Quỳnh.
" Cuối cùng Quỳnh tỏ vẻ miễn cưỡng nhận lời. Quan Thái Giám liền hẹn ngày và sai lính đi mời các quan văn võ cùng thân bằng quyến thuộc đến đông đủ để chứng kiến.
" Hôm giao đấu, quan Thái Giám huênh hoang khoe trương thành tích gà chọi của mình, còn Quỳnh ôm gà, yên lặng, tỏ vẻ lo âu, khiến quan Thái Giám càng tự đắc.
" Hai con gà chọi vừa xáp nhau, đá qua đá lại chưa hết hiệp đầu, gà của Quỳnh đã bị gà của quan Thái Giám đá rách mồng, gãy cánh, nằm dẫy xuống chết.
" Quan Thái Giám vênh mặt nhìn cử tọa, ra vẻ đắc ý lắm. Tất cả đều nhiệt liệt hoan hô con gà nòi của quan lớn đã chiến thắng vẻ vang.
" Quỳnh chạy lại ôm xác gà, rồi rống lên thảm thiết:
- Gà ơi là gà ! Thân phận mầy là thiến, sao không biết nhục, còn đua đòi, còn háo danh đến phải chết tức chết tửi như thế nầy?  Đã bị thiến, còn lộn xộn, còn vênh vanh nỗi gì? Ngu ơi là ngu!
" Quan khách cười ồ, quan Thái Giám đứng sững sờ, không biết nói năng thế nào, rồi lặng lẽ ra về không kịp chào ai cả." (23)

Chú giải - (a)- Thái Giám (còn gọi là hoạn quan). Ngày xưa trong cung có nhiều tần phi và cung nữ, đàn ông, con trai nhất thiết không được vào. Để có người phục dịch các tần phi, vua chúa tuyển những người "ái nam, ái nữ" hoặc đã tự ý thiến hay tự hoạn, tức là tự ý cắt bỏ bộ phận sinh dục của mình. Những người ấy được chức Thái Giám.

Truyện Trạng Quỳnh trộm mèo của Chúa

" Chúa có nuôi một con mèo tam thể  (a), tuy đẹp thật nhưng cũng không đáng để chúa tưng tiu, phô trương quá mức. Mỗi khi ngồi bàn quốc sự với các quan đại thần, Chúa đem mèo theo, để ngay trên bàn, xem chẳng còn thế thống nào cho triều đình cả. Ai cũng thấy chướng mắt mà không ai dám nói.
" Một hôm, nhân một buổi chầu, Trạng Quỳnh lén ôm mèo của Chúa bỏ vào tay áo rộng (b) đem về nhà. Biết mèo của Chúa thường được ăn sang,Trạng Quỳnh lại cho mèo tập ăn cơm hẩm. Quỳnh để một bát cơm đầy cá thịt bên cạnh bát cơm hẩm, hễ mèo mon men lại gần bát cơm có thịt cá thì Quỳnh đánh đập túi bụi. Sau mèo quen đi, thấy bát cơm có cá thịt là không dám đến ăn.
" Có người thưa với Chúa là Quỳnh đã bắt trộm mèo. Chúa cho lính bắt Quỳnh và mèo đến, nói:
- Đúng là mèo của ta. Phải thú thật. Ta chém đầu bây giờ.
" Quỳnh ra vẻ run sợ, tâu:
- Tâu Chúa Thượng, có thể mèo của Chúa Thượng và mèo của hạ thần giống nhau. Nhưng nhìn kỹ, hãy còn có điểm khác nhau... Chúa giàu sang, mèo của Chúa quen ăn cá thịt. Còn kẻ hạ thần nghèo khó, mèo của kẻ hạ thần chỉ quen ăn cơm hẩm mà thôi. Xin Chúa công minh soi xét cho kẻ hạ thần được nhờ.
" Chúa liền sai mang hai bát cơm đặt trước mặt con mèo, một bát đầy cá thịt, một bát chỉ có cơm hẩm. Chúa ngạc nhiên đến sửng sốt khi thấy con mèo nhất định ăn cơm hẩm mà thôi. Quỳnh làm bộ đưa bát cơm có cá thịt cho mèo ngửi, nhưng mèo trông thấy Quỳnh, nhớ lại các trận đòn, hoảng hốt thụt lùi lại, kêu "ngao ngao" ầm lên.
- Tâu Chúa Thượng, sự việc rõ ràng, xin Chúa Thượng khoan hồng cho kẻ hạ thần đem mèo về... Báo hại đứa con út kẻ hạ thần hễ mất mèo là cuống cuồng lên, đòi chém hết thiên hạ!
" Chúa biết Quỳnh nói móc, nhưng đành để Quỳnh ôm mèo về. "(23)

Chú giải - (a) Mèo tam thể là mèo lông có ba màu: toàn bộ lông màu trắng, có vá màu đen và màu vàng. Ngày xưa người ta tin rằng nhà có nuôi mèo tam thể được nhiều may mắn. (b)- Áo rộng là áo ngày xưa may rất rộng, màu xanh hay mày đen, để bận ra ngoài áo dài, trong những dịp long trọng như cúng tế, vào chầu vua, v.v....

Trong lúc dân gian dói khát, cơm không có mà ăn, phải ăn khoai, ăn sắn cho qua bữa thì vua chúa thời bấy giờ cá thịt tràn trề, thế mà bữa ăn nào các ngài cũng chê đồ ăn dở "nuốt không xuống".
Trạng Quỳnh đã tìm ra phương chữa được bệnh ấy.

Truyện Món ăn " đại phong"  của Quỳnh

" Chúa thường phàn nàn ăn cơm không biết ngon. Một hôm Trạng Quỳnh thưa với Chúa:
- Chắc Chúa Thượng bị đau bao tử hay yết hầu nên ăn không thấy ngon.
- Các ngự y đã chẩn bệnh kỹ rồi, ta không đau gì hết, mà không rõ tự sao ăn không thấy ngon. Nhà ngươi có cách gì giúp ta ăn ngon không?
" Trạng Quỳnh thưa:
- Thần có phương pháp nấu ăn gia truyền kết hợp công phu cả thảo mộc, tinh tú, âm dương, phong vũ. Nếu Chúa Thượng chẳng bệnh tật gì mà ăn không thấy ngon thì thần xin cam đoan có món ăn nầy Chúa Thượng sẽ hoàn toàn vừa ý.
" Chúa ra lệnh cho Quỳnh nấu món ăn ấy. Quỳnh lấy một hòn đá bỏ vào nồi rồi bảo đầu bếp nấu chừng nào thấy rục thì dọn lên cho Chúa xơi. Quỳnh dặn Chúa gắng đợi để ăn món ấy, đừng ăn gì trước mà mất ngon, rồi bỏ đi chơi quanh phố. Đến quá trưa, Chúa hỏi đầu bếp, đầu bếp xem trong nồi, đá vẫn cứng chưa rục, nên trả lời món ăn chưa chín. Chúa đói bụng quá coi chừng chịu không thấu, thì Quỳnh vừa trở về, đến xem nồi nấu đá, nói vẫn chưa chín rục, liền thưa với Chúa:
- Nếu Chúa Thượng thấy quá đói thì Thần xin dâng một món ăn nhỏ mọn nầy, Chúa Thượng dùng tạm, trong lúc chờ đợi.
" Quỳnh liền lấy ra một lọ, ngoài có dán giấy đề hai chữ "đại phong". Chúa mừng quýnh, khui ra ăn với rau muống luộc, có cảm giác lạ miệng, thấy ngon tuyệt trần. Chúa ban thưởng cho Quỳnh và hỏi  món ăn ấy là gì, sao lại có tên là "đại phong" ?
- Thưa Chúa Thượng "đại phong" là tên chữ Hán, nôm na có nghĩa là "gió lớn". Gió lớn thì làm sụp chùa chiền, chùa chiền bị sụp thì các pho tuợng lo lắng không yên. Mà "tượng lo", nói lái lại
" Bấy giời Chúa mới vỡ lẽ." (24)

Lọ tương thì chả quí hóa gì ? đó là món ăn của dân gian thường dùng, nhưng chẳng qua Chúa quá giàu sang, nên chưa hề ăn đến món ấy mà thôi. Chẳng có thuốc gì, chẳng có món ăn gì khác hơn là lọ tương, thế mà khi Chúa thấy "đói " thì ăn gì cũng thấy ngon.

Truyện Nghe Trạng Quỳnh hạch tội

" Một hôm trong phủ Chúa có tên lính hầu sơ ý làm bể chiếc độc bình rất quí. Chúa Trịnh tiếc rẻ quay quắt, giận dữ hỏi các quan:
- Ta thường nâng niu chiếc bình nầy như một gia bảo, nay tên lính hầu đánh bể, tội hắn có đáng chém không?
" Thấy Chúa nổi giận, các quan sợ sệt, vội vàng dạ răm rắp. Duy có Trạng Quỳnh bình tĩnh, quỳ xuống tâu rằng:
- Xin Chúa Thượng cho thần hài tội tên lính nầy, cho hắn khỏi oán than trước khi hồn về chín suối.
" Chúa chuẩn tấu. Quỳnh thét đao phủ lôi tên lính kia ra trước sân rồng, rồi cao giọng phán:
- Ngươi có ba tội đáng chết, đã biết hay chưa?
" Tội thứ nhất: Vô ý đánh bể độc bình của Chúa, ngươi chết đáng đời rồi! Nhưng chết đi, ngươi còn mang tội là sẽ làm lưu tiếng xấu lại cho Chúa, là Chúa đã xem của trọng hơn người.
" Tội thứ hai: Ngươi lãnh án tử hình, rồi đây Trung Quốc và các nước lân bang sẽ phẩm bình bản án nầy là độc ác và khinh rẻ cả Chúa tôi nước ta.
" Tội thứ ba: Sau khi miệng thế lưu truyền, lại còn sử quan (a) có bổn phận ghi rõ cùng hậu thế rằng ngày nầy, tháng nầy, năm nầy, Chúa Trịnh kết liễu một kiếp người chỉ vì một chiếc độc bình cổ.
" Với ba tội làm ô danh Chúa Thượng, thì phải đem chém đầu nó lập tức. Hỡi võ sĩ, khai đao ngay! "
" Tên lính bị tử tội kia chưa kịp mở miệng xin tha, thì Chúa Trịnh đã thét:
- Thôi, tha cho nó. Chỉ đánh mươi trượng cũng đủ." (25)

Chú giải - (a) Sử quan là một chức thời phong kiến có nhiệm vụ ghi chép một cách vô tư những hành vi, tốt hay xấu, của các vị vua. Vua và triều đình chọn người có tư cách và có công tâm đảm nhận chức ấy. Những điều sử quan ghi được bỏ trong một hộp khóa kỹ, chìa khóa sử quan giữ, vua không có quyền xem.

Cái uy quyền do phong kiến ngoại lai đã nhượng bộ trước những lý luận chặt chẽ của một thường dân nước Việt.

b) Uy quyền đế quốc xâm lược.

Quỳnh không đỗ được Trạng nguyên, nhưng chúa Trịnh vẫn trọng tài mà vời ra làm quan, và được dân gian khen xưng là Trạng.
Quỳnh thường có những sáng kiến ích quốc lợi dân nên dược Chúa tín nhiệm và trọng đãi.
Về sau Quỳnh được cử đi sứ bên Trung quốc, nhờ có tài, thông minh và lanh trí nên được vua Trung quốc sắc phong "Lưỡng quốc Trạng nguyên", gây được uy tín cho nước nhà.

Sau đó Trung quốc gửi sứ sang nước ta, Quỳnh lại có dịp trổ tài để giữ thể diện cho quốc gia:

Truyện Mời sứ Trung quốc qua cổng chào

" Khi sứ thần Trung quốc sang nước ta, Quỳnh sai cất cổng chào, trên có đề bốn chữ : "An Nam quốc môn". Sứ Trung quốc nhất định không chịu đi qua dưới các chữ ấy, buộc phải xóa bỏ đi. Quỳnh cho như thế là làm nhục quốc thể, và tuyên bố sẽ có cách dàn xếp.
" Quỳnh ngầm sai vũ nữ xinh đẹp múa hát tại các quán ăn phía ngoài kinh thành, Quỳnh trá hình làm người bán quán, khi phái đoàn Trung quốc đến ăn nhậu, Quỳnh chọc giận, xua đuổi bọn vũ nữ đi nơi khác. Quan Chánh Sứ can thiệp, Quỳnh càng chọc giận, quan Chánh Sứ ức quá đuổi bắt Quỳnh.
" Khi túm được Quỳnh thì cả phái đoàn đã chui qua dưới các chữ "An Nam quốc môn" lúc nào không hay. Bấy giờ quan quân của ta ùa ra, kèn trống đón rước, rối rít cảm ơn quan Chánh Sứ đã vui lòng đi qua cổng. Lỡ bước rồi, quan Chánh Sứ đành xí xóa yêu sách cũ của mình." (26)

Truyện Thách xem ngựa và chọi trâu

" Sau vụ "cổng chào" trên đây, sứ Trung quốc dâng lên Chúa Trịnh hai con ngựa cái vóc dáng giống hệt nhau và thách cả nước Nam ai có thể đoán biết con ngựa nào là ngựa mẹ, con ngựa nào là ngựa con?
" Trạng Quỳnh bật cười, cho rằng lời thách thức quá dễ. Quỳnh liên sai lính mang cỏ cho ngựa ăn. Xem hai con ngựa ăn cỏ, Quỳnh biết ngay con nào là mẹ, con nào là con. Vì Quỳnh đã quan sát rằng ở loài ngựa, ngựa mẹ lúc nào cũng tha cỏ cho ngựa con  trước khi ăn.
" Cuộc thách đố xem ngựa bị thua, phái bộ Trung quốc sai người về nước đem một con trâu to lớn và chọi giỏi nhất ở Trung quốc, sang thách chọi với trâu nước ta. Hôm ra đấu trường, thấy trâu của Trung quốc, Chúa nghĩ là trâu ta bé nhỏ hơn, thế nào cũng sẽ bị thua. Nhưng Quỳnh vẫn thản nhiên tâu:
- Thần nhất định sẽ thắng cuộc chọi trâu nầy.
" Đôi bên vạch lằn mức, giao hẹn trâu nào đang lúc giao đấu mà chạy thối lui khỏi lằn mức là thua cuộc.
" Tâu xong, Quỳnh ra lệnh dẫn trâu của ta ra. Mọi người hoảng sợ, ngạc nhiên, vì đó chỉ là một con trâu nghé tí teo. Không ai hiểu nổi được con nghé ấy làm sao có thể chọi lại một con trâu to lớn gấp ba, gấp bốn nó được?
" Số là con trâu nghé đã bị bỏ đói hai hôm rồi, vừa dẫn ra đấu trường, thấy con trâu Trung quốc to lớn, nó liền nhào đến, không phải để chọi, mà để... tìm bú vú, tưởng lầm đó là trâu mẹ. Bị trâu nghé chun vào nách nhột quá, trâu Trung quốc chịu không nổi, cong đuôi bỏ chạy, trâu nghé vội rượt theo, kêu la ầm ĩ.
" Trâu Trung quốc đã thối lui, vượt qua lằn mức  giao hẹn, nên bị thua cuộc." (27)

Cuối cùng, mặc dầu có công trạng, nhưng Quỳnh đã khinh miệt, mạt sát Chúa Trịnh và quan lại thời bấy giờ quá độ, nên bị Chúa ra lệnh hạ sát.
Trước khi bị bức tử, Trạng Quỳnh cũng làm thế nào cho kẻ giết mình phải chết theo:

Truyện Quỳnh và Chúa cùng chết một lúc

" Quỳnh trêu chọc, hỗn láo với Chúa Trịnh nhiều lần, các nịnh thần lại dèm pha thêm vào, nên Chúa quyết định hạ sát Quỳnh. Chúa hỏi Quỳnh:
- Khanh tài giỏi, thông thiên văn địa lý, tướng số cổ kim, vậy khanh có biết hậu vận khanh đến bao giờ thi... chết?
" Quỳnh hiểu ngay ý Chúa,liền trả lời:
- Tâu Chúa Thượng, xưa nay Chúa và tôi trung cùng chết một lần.
" Về nhà Quỳnh dặn vợ con rằng:
- Số ta đã đến, dù biết trước cũng không tránh được. Nếu ta chết rồi thì cấm không được khóc, hoặc gây chấn động. Thi thể ta cứ đặt trên võng, lấy kim chống hai mắt, hai tay cứ để kẹp sách, giống hệt như ta thường nằm võng đọc sách. Đợi khi nào nghe tin Chúa chết, hãy làm lễ mai táng cho ta, và đám táng của ta phải đưa trước đám ma của Chúa. Khi khâm liệm thi thể phải đặt nằm úp mặt...
" Quả nhiên ít hôm sau, Chúa phao vu Quỳnh làm loạn, sai lính mang thuốc độc đến tận nhà ép buộc Quỳnh phải uống. Quỳnh biết trước, chậm rãi bưng thuốc độc uống cạn, lát sau tắt thở. Toán lính về phủ Chúa báo tin.
" Vốn tính đa nghi, Chúa sai một quan thân tín đến nhà Quỳnh dò xem động tĩnh thế nào. Vừa bước vào nhà thấy mọi người chào hỏi vui vẻ, nhìn sang mé tây thấy rõ ràng Trạng Quỳnh đang nằm trên võng, tay cầm sách, mắt mở to, ông quan tức tốc trở về thuật rõ mọi chi tiết.
" Chúa suy nghĩ, ngờ vực viên Thái y lãnh phận sự pha thuốc độc đã pha thuốc... bổ cho Quỳnh uống, liền truyền đem chất thuốc pha lại cho Chúa xem.
" Đinh ninh thuốc không độc, Chúa le lưỡi nếm thử. Không dè thuốc pha quá mạnh, chỉ nếm một chút thôi mà Chúa đã sùi bọt mép, dãy dụa giây lát rồi chết.
" Vợ con của Quỳnh nghe tin, liền cử hành tang lễ đúng theo lời Quỳnh đã căn dặn, thành thử đám ma Trạng đi trước đám ma của Chúa." (28)

Nhận xét - Tóm lại, theo truyền thuyết, Trạng Quỳnh là người đã có nhiều sáng kiến ích quốc lợi dân, đã tranh đấu với sứ Trung quốc để bảo vệ thể diện quốc gia, đã chế diễu, trêu ghẹo, chống đối tất cả những ai đã ức hiếp, bóc lột dân lành, từ Chúa Trịnh đến quan lại, các quan chấm thi, cho đến những người có trách nhiệm các đền thờ đã nhân danh thần thánh mà lấy tiền của dân gian để cho vay đặt nợ... 
Nhưng về sau, các thành phần vua chúa, quan lại không thể chịu đựng được những chỉ trích, chế diễu làm tổn thương đến uy tín của chúng, nên chúng hạ sát Quỳnh. Trước khi chết, Trạng Quỳnh, đại diện cho nền văn hóa dân tộc, đã làm cho Chúa Trịnh, đại diện cho văn hóa ngoại lai, phải chết theo.
Trạng Quỳnh đã góp phần vào công việc bảo tồn bản sắc nguyên thủy của dân tộc bằng các ngăn chận những hà lạm, quá trớn của mọi quyền hành chịu ảnh hưởng văn hóa ngoại lai, giữ cho xã hội Việt Nam khỏi bị đồng hóa với ngoại bang.

Về lai lịch, có tác giả xác nhận Trạng Quỳnh là một nhân vật có thật, ngưòi làng Yên Vực, họ Nguyễn, thông minh, tính ngang tàng, dự thi Cống Sinh (cũng như cử nhân ở triều Nguyễn) đỗ thủ khoa, nhưng về sau khi thi Đình, làm xong bài thi còn dư giấy, Quỳnh viết thêm mấy câu thơ để bông đùa:
" Văn chương phú lục đã xong rồi,
" Thừa giấy làm gì chẳng vẽ voi.
" Vẽ xuống vẽ lên nhằng nhịt đấy,
" Thằng nào cười tớ nó ăn bòi !
Nên dù bài thi làm rất hay mà Quỳnh vẫn bị đánh hỏng.
Quỳnh có đến làm rể nhà họ Đoàn nhưng vì Quỳnh không đối được câu "Da trắng vỗ bì bạch " của Đoàn Thị Điểm nên xấu hổ tự ý rút lui. (29)
Hiện nay, chúng tôi chưa có thể kiểm chứng lại khẳng định nầy. Có thể đây là chỉ là một hiện tượng "lịch sử hóa" như trường hợp Truyện Tấm Cám trước đây.
Điều mà chúng tôi đã biết một cách chắc chắn là ở các nước xung quanh ta có những truyện giống như truyện Trạng Quỳnh. Có thể nói truyện Trạng Quỳnh nằm trong một hệ  (cycle) các tác phẩm mà dân gian các nước lân cận chúng ta đã dùng chế diễu, chọc ghẹo để chống đối chính quyền áp bức, hay chống đối những nhà tu hành lợi dụng mê tín để bóc lột tín đồ... 
Các tác phẩm ấy đã xuất hiện ở vùng bán đảo Đông Dương trong hậu bán thế kỉ thứ XIX trước đây: - Ai Lao có Truyện Xiêng Miêng (30), ở Thái Lan có Truyện Si Thanon Chay (31), ở Cao Miên có Truyện Thmenh Chey (32).
Trong các tác phẩm nầy có một số mẩu chuyện giống với Truyện Trạng Quỳnh của chúng ta:
- Truyện Xiêng Miêng của Lào.

Một hôm nhà vua phàn nàn ăn không biết ngon, Xiêng Miêng nói y có cách giúp vua được, xin vua đợi y đi lấy thuốc về uống đã, rồi hãy dùng cơm. Song Xiêng Miêng đi quá lâu không thấy về, vua đợi không được liền truyền đem cơm lên, và lần đầu tiên, vì thấy đói, nhà vua ăn một bữa cơm chưa bao giờ thấy ngon lành đến như thế! Khi Xiêng Miêng trở lại, vua hỏi thuốc đâu, y trả lời thuốc ấy nhà vua đã dùng rồi. Đó là "đói ", vì đói là thuốc hay nhất để chữa bệnh ăn không biết ngon. (33) Đại khái cũng giống như chuyện "Món ăn đại phong" của Trạng Quỳnh.
Lần khác, vì bị Xiêng Miêng trêu ghẹo mãi, vua muốn chọc lại Xiêng Miêng. Vua ra lệnh các quan đem theo mỗi người một số trứng gà, nhưng dấu không cho Xiêng Miêng biết, để đến khi vua ngự ra sông chơi, thì sẽ ra lệnh cho các quan nhảy xuống nước, bơi lội, mọi người phải giả làm một con gà mái kêu "cục tác", vỗ cánh... lặn xuống nước để đẻ trứng, rồi trồi lên, đem trứng đến dâng cho vua; tính rằng như thế, Xiêng Miêng không có đem trứng theo sẽ bị bẽ mặt. Nhưng Xiêng Miêng lanh trí, y không kêu "cục tác", mà y gáy "ó o " như gà trống, rồi vỗ cánh, nghểnh đầu, bơi theo các quan "gà mái", nhảy chồm lên lưng đòi "đập mái ". Các quan hoảng sợ, có vị suýt bị chết chìm, kéo nhau lên kiện với vua. Vua hỏi, Xiêng Miêng đáp nhờ có y nên các quan mới có trứng mà dâng cho vua, chớ chỉ có gà mái, không có gà trống đập mái thì làm sao mà đẻ trứng được, thật ra phần y cũng có hai trứng dính trong người (!) mà y không thể nào dâng cho vua được (34). Vua nghe xong bật cười. Câu chuyện nầy cũng giống chuyện "Dê đực có chửa" của Trạng Quỳnh.
Truyện Si Thanon Chay của Thái là một dị bản của Truyện Xiêng Miêng ở Lào (35), nên cũng có các mẩu chuyện vừa kể trên, giống với truyện Trạng Quỳnh của chúng ta.
- Truyện Thmenh Chey của Cao Miên có việc Thmenh Chey dùng trâu nghé chống với trâu chọi, (36) giống như trong chuyện "Sứ Tàu thách chọi trâu" của Trạng Quỳnh. Và có lần vua Cao Miên, vì tức giận gì Thmenh Chey, nên sai tất cả đàn bà trong cung đến vườn của y để "đại tiện" ở đấy. Nhưng Thmenh Chey xem bà nào lúc ấy "tiểu tiện" thì lấy gậy đánh túi bụi. Các bà hoảng sợ chạy về tâu với vua. Vua sai lính bắt Thmenh Chey đến hỏi nguyên do, y tâu rằng vì lệnh của vua chỉ truyền "đại tiện" mà thôi, chớ không thấy truyền cho "tiểu tiện", vì vậy bà nào vừa "đại tiện" lại vừa "tiểu tiện" là làm trái với lệnh của vua, cho nên y phải trừng trị. Vua không biết nói thế nào nữa, nên đành chịu vậy (37). - Truyện Trạng Quỳnh của chúng ta cũng có chuyện y như thế, chỉ khác là những người Chúa sai đi "đại tiện" không phải là đàn bà trong phủ mà là quân lính, và sau đó Quỳnh liền lợi dụng số phân ấy để trồng cải. Khi cải lớn lên, xanh tốt, Quỳnh đem biếu Chúa, Chúa ăn, khen ngon, hỏi làm sao mà khéo trồng được như thế, Quỳnh trả lời đó là nhờ ơn Chúa cho lính ra vườn của Quỳnh bón phân kỳ vừa rồi. Chúa tức giận vô cùng, nhưng không thể nào bắt bẻ gì được (38).
Có thể đó là một trong những lý do khiến cho về sau Chúa Trịnh ra lệnh hạ sát Quỳnh.

Theo Jacques Népote, những nhân vật nầy (Trạng Quỳnh, Si Thanon Chay, Thmenh Chey) đã đóng vai trò điều hoà giữavăn hóa nguyên thủy của các dân tộc bản xứ ở bán đảo Đông Dương với thể chế, học thuyết, tín ngưỡng từ Trung Hoa, hay từ Ấn Độ du nhập vào. Họ đã hạn chế các ảnh hưởng ngoại lai để thích nghi hóa với môi trường địa phương, duy trì được thế quân bình ổn định giữa hai dòng quyền lực chính thống: văn hóa bản sắc địa phương và văn hóa ngoại lai. (39)
Lichtenstein J. giả thiết rằng các truyện kiểu Si Thanon Chay, có thể bắt nguồn từ Dhananjayapandita Jataka của Ấn Độ, kể lại tiền kiếp của Phật Thích-Ca, khi còn là Bồ Tát, làm Cố vấn cho vua nước Dvaravati. Bồ Tát rất thông minh, tài giỏi, khôn ngoan và đã nhiều lần cứu khổn phò nguy cho quốc vương nước Dvaravati. Có thể khi Jataka nầy du nhập vào vùng Thái, Lào thì dân gian địa phương đã trích lại từng sự việc, đem biến đổi đi để xây dựng các Truyện kiểu  Si Thanon Chay, Thmenh Chey, rồi theo luân lưu văn hóa, các truyện ấy du nhập dần dần vào các nước lân cận để phát sinh các dị bản Xiêng Miêng hay Trạng Quỳnh. (40).    
Đặc điểm của các tác phẩm nầy là tính cách trào lộng cho vui tai, chửi đời cho hả hê, khoái trá. Độc giả càng cười trước những lố lăng, những tật xấu của người đời bao nhiêu, thì lại càng thấy công phẩn trước những bất công và những bộ mặt tiêu cực, sa đọa của những thể chế nhân quần, xã hội bấy nhiêu!

c) Các nhân vật phản diện trong dân gian.

Ngày xưa, ở xã hội nông thôn, trong những hạng người tiêu biểu nhất, có các nhà sư, các thầy phù thủy, các thầy đồ, các lý hương chức sắc, các vị khoa bảng, các nho sinh... là những hạng người đã được đào tạo từ văn hóa phong kiến Nho, Phật, Lão mà ra.
Và ở mỗi hạng người nầy, bao giờ cũng có những nhân vật chính diện và những nhân vật phản diện.
Những nhân vật chính diện thì đạo đức, mô phạm, đúng đắn được nhân dân hâm mộ, kính phục, còn những nhân vật phản diện, tuy mang danh là nhà sư, thầy đồ, thầy cúng, ông lý trưởng, ông Trạng Ếch, Trạng Lợn, ông Ba Giai, ông Tú Xuất... mà kỳ thật bản chất bên trong dâm ô, bất lương lừa gạt, phá phách, bị nhân dân khinh dễ và ghét sợ.

1) Thần thánh cho vay đặt nợ.

Có một lão thầy bói từng trãi, thấy Trạng Quỳnh hay chống đối việc bói toán dị đoan, nên xúi Quỳnh đến vay tiền đền Sòng của bà Chúa Liễu Hạnh, dụng ý muốn dùng tay thần thánh mà làm hại ông Trạng ngông nghênh nầy.
Tục truyền bà Chúa Liễu Hạnh là công chúa trên thiên đình, vì lỡ tay đánh rơi chén ngọc, phải xuống trần gian làm con gái họ Lê ở làng Vân cát, tỉnh Nam Định.
Lớn lên bà lấy chồng, sinh hai con trai, rồi thác về trời. Còn lưu luyến cõi nhân gian ngày tháng cũ, bà lại rời chốn tiên cung, trở lại dương thế trêu ghẹo thiên hạ. Bà Chúa Liễu rất hung dữ, dân gian sợ hãi khôn cùng. Khi bà đi qua thăm Thanh Hóa, ghé Sòng Sơn, thấy nơi thủy tú sơn kỳ, bà báo mộng cho dân làng lập đền thờ phụng. Bà thường hiện hình cô gái mỹ miều, trêu chọc thư sinh, ai cợt nhã đều bị bẻ cổ.
Về sau, Vua Lê phong sắc, bà mới thôi quấy phá.       

Truyện Trạng Quỳnh vay tiền bà Chúa Liễu Hạnh

" Vì bà Chúa Liễu quá linh thiêng, dân gian kéo nhau đến đền Sòng cầu xin ơn phước, tiền dâng lễ ngày một nhiều, dư dả để cho vay.
" Trạng Quỳnh, theo lời xúc sử của một lão thầy bói, đến dền Sòng khấn rằng:
- Nếu bà Chúa muốn cho vay lấy nửa lời thì gieo quẻ có đồng tiền sấp, đồng tiền ngửa; nếu bà Chúa không lấy lời thì hai đồng cùng sấp; nếu cho vay không kỳ hạn ngày trả thì cả hai đồng đều ngửa.
" Dường như bà Chúa linh ứng thật, nên Quỳnh vừa tung tiền xuống dĩa, hai đồng tiền cứ quay tít, quay mãi, không thể phân biệt sấp hay ngửa. Quỳnh liến thoắng reo lên:
- A ! Tiền múa Chúa mừng ! Điềm nầy bà Chúa có lẽ thương kẻ nghèo, muốn tặng luôn đấy.
" Rồi Quỳnh thản nhiên vét tiền bỏ túi. Mọi người chứng kiến đều đinh ninh Quỳnh sẽ bị bẻ cổ, không ngờ Quỳnh vẫn sống nhởn nhơ.
" Mấy tháng sau, Quỳnh lại đến xin keo để làm rẽ ruộng bà Chúa. Quỳnh khấn sẽ chia hai, Chúa lấy ngọn, Quỳnh lấy gốc. Quẻ keo cho biết Chúa đồng ý.
" Quỳnh về trồng khoai, đến mùa gánh giây khoai đem chất đầy đền Sòng, riêng củ khoai dành lấy phần mình. Kể như bà Chúa bị gạt !
" Lần thứ hai, Quỳnh lại xin làm rẽ. Quẻ keo lần nầy cho biết bà Chúa muốn phần gốc. Quỳnh ra về, cùng người nhà làm lúa, đến mùa Quỳnh đem từng gốc rạ đến đền Sòng cho bà Chúa, còn lúa thì gánh về nhà mình. Kể như bà Chúa lại bị gạt !
" Lần thứ ba, Quỳnh vẫn không sợ oai bà Chúa, đến xin làm rẽ như thường. Lần nầy quẻ keo cho biết bà Chúa đòi lấy cả ngọn lẫn gốc.
" Quỳnh về trồng bắp có trái mọc ra ở giữa thân cây. Đến mùa, Quỳnh hái bắp đem về nhà, còn chở gốc lẫn ngọn, thêm cả râu bắp, bẹ bắp đến đền Sòng chia cho bà Chúa. Kể như bà Chúa bị gạt lần thứ ba. Nhưng lần sau, Quỳnh đến xin keo, hai đồng tiền nhất định bị văng ra khỏi dĩa, bà Chúa không muốn làm ăn với kẻ ương gàn, gạt gẫm.
" Tuy vậy, Quỳnh vẫn chưa buông tha. Một hôm vợ bảo ra chợ mua bò, nhân đi qua đền Sòng, Quỳnh lại ghé vào, khấn rằng:
- Xin bà Chúa phù hộ cho kẻ nghèo nầy mua được giá rẻ, cam đoan sẽ dâng bà Chúa một con bò.
" Có lẽ bà Chúa lại thương tình Quỳnh nghèo khó nên đã ngấm ngầm giúp cho Quỳnh mua được bò với giá thật hời. Lúc trở về, Quỳnh dắt vào đền một con bò mẹ và một con bò nghé, khấn:
- Đội ơn bà Chúa, Quỳnh xin dâng bà con bò mẹ, gọi là có chút lòng thành !
" Từ kẻ giữ đền cho đến mọi người có mặt đều ngạc nhiên vì sao lần nầy Quỳnh lại cung kính như thế.
" Không ngờ khi Quỳnh dắt bò nghé đi, thì bò nghé nhớ mẹ kêu inh ỏi. Bò mẹ đang bị cột ở góc bàn thờ lập tức nhảy cỡn lên, vùng vẫy kéo đổ hết nhan đèn, cùng chè, xôi, chuối, bánh bày cúng trên bàn. Ông từ sợ hãi, mở giây trói, tức thì bò mẹ vùng chạy theo bò nghé về nhà Quỳnh. Ông từ và nhóm người thường xuyên đến lễ bái ở đền Sòng toan bắt vạ Quỳnh, nhưng nghĩ tới nghĩ lui, bà Chúa mà còn chịu thua, sức mấy mà họ dám đương đầu với ông Trạng ngông nầy." (41)

2) Các nhà tu hành, mô phạm, chức sắc hủ hóa

Truyện nhà sư, lý trưởng và thầy đồ mê gái

" Ngày xưa có một người đàn bà mới lấy chồng, chưa có con, trẻ, đẹp, trong làng nhiều người để ý gạ gẫm đã lâu, trong số đó có một nhà sư, một lý trưởng và một thầy đồ.
" Chị chàng đem việc ấy mách với chồng và cả hai sắp đặt với nhau để đưa cả ba vào tròng.
" Hôm sau, gặp nhà sư đi ngang qua nhà để gạ gẫm, chị làm bộ ưng thuận, hẹn đến canh hai thì đến nhà mình. Rồi chị cũng hẹn với lý trưởng và thầy đồ vào khoảng canh hai như thế.
" Tối hôm ấy, nhà sư đến trước, chị ta đón tiếp niềm nở. Sư chưa kịp giở trò trống gì thì nghe có tiếng gõ cửa. Sư cuống lên, chị ta liền bảo:
- Thôi sẵn có cái rọ đây, sư vào nằm trong ấy, tôi rút lên xà nhà, hễ ai hỏi thì tôi bảo là cái chuông nhà chùa mới gửi. Nếu họ có gõ thì sư kêu lên boong boong là được.
" Sư đành phải nghe theo. Lý trưởng vào, chưa kịp giở trò gì thì lại có tiếng gõ cửa. Thầy lý sợ lắm. Chị ta bảo:
- Hay là thầy chịu khó chui tạm xuống gầm giường, giả làm con chó vậy. Ai có khua, thầy cứ kêu gâu gâu đôi ba tiếng thì không việc gì đâu.
" Lý trưởng bí đường cũng phải nghe theo. Cuối cùng thầy đồ đến, cũng chưa kịp làm gì thì anh chồng về gõ cửa. Thầy đồ cuống lên, run như cầy sấy. Chị vợ liền ấn thầy đồ vào cái hòm khóa chuông và nói:
- Thầy chịu khó chui vào đống áo váy của tôi mà nấp tạm.
" Người  chồng vào nhà, thấy chị vợ nháy mắt, biết mưu đã thành, liền bảo vợ:
- Mai có người mời ăn cỗ, ta phải xem lại quần áo ra sao.
" Dứt lời, liền chạy lại mở hòm, thấy bùng nhùng ở trong đống váy áo, liền hét to:
- Mèo hay chuột mà chui vào ở đống quần áo thế nầy. Đưa tao con dao, tao cho một nhát cho nó chết đi.
" Thầy đồ sợ quá đội cả váy áo đứng dậy van xin. Người chồng trói  lại một chỗ, rồi  giả vờ nhìn xuống gầm giường. Lý trưởng vội sủa: "Gâu, gâu". Người chồng hỏi:
- Chó ở đâu thế?
- Chó mới mua đấy.
" Chồng bảo:
- Con chó nầy hỏng, cắn cả người nhà. Đưa tao cái thước để đập cho nó một trận.
" Liền quơ tay thước phang luôn mấy cái. Lúc đầu lý trưởng còn kêu "Gâu, gâu", sau đau quá phải thò mặt ra van xin. Anh chồng đem trói lại.  Đoạn nhìn lên xà nhà, hỏi:
- Cái gì lủng lẳng thế kia?
- Cái chuông nhà chùa mới gửi.
- Có kêu không? Để ta đánh thử xem thế nào.
" Bèn lấy tay thước đánh, nhà sư vội kêu: "boong, boong", nhưng anh chồng vẫn đánh luôn tay, nhà sư cuống lên, kêu: "Nam mô boong... Nam mô boong" líu cả lưỡi. Sau cùng đau quá, van xin tha tội.
" Anh chồng liền trói cả ba đem ra đình làng ngả vạ." (42)

Truyện Thầy phù thủy sợ ma

" Xưa có một người làm nghề phù thủy, một hôm ngồi ăn cơm với vợ, vợ hỏi đùa rằng:
- Mình có sợ ma quỉ không?
- Mầy hỏi lạ ! Tao đây làm nghề trừ ma, trừ quỉ. Ma quỉ nó sợ tao thì có, chớ đời nào tao lại sợ nó bao giờ ?
" Một hôm thầy phù thủy đi đám đêm về  khuya, người vợ rình nấp một bên đường và đem theo một hòn than cháy đỏ hồng.  Thầy đang xách một đẫy đầy thủ, xôi, oản, chuối về qua tới bụi cây, thì nguời vợ cầm hòn than dơ cao lên dần dần.
" Thầy phù thủy đã sợ, nhưng còn tin phép mầu của mình, bằng bỏ đẫy xuống, vừa bắt quyết, vừa đọc câu thần chú:
- Yểm ! Thiên lý thu lai, vạn lý thu lai ! (a)
" Vợ thấy vậy cố nhịn cười, cầm hòn than hoa đi hoa lại mấy cái, rồi tung lên cao, lập loè như ma trơi.(b). Bây giờ thầy mất hết hồn vía, cuống cuồng, rớt cả khăn, bỏ cả đẫy, vừa ù té chạy, vừa nói như kêu lên câu thần chú như khi nãy.
" Người vợ thủng thỉnh lại lấy cái đẫy đem vô nhà mà thầy phù thủy không biết. Sáng hôm sau, đến bữa ăn, người vợ đem những đồ trong đẫy ra dọn. Thầy phù thủy nhìn kỹ, lẩm bẩm một mình:
- Thủ... giống thủ! Xôi... giống xôi !
" Người vợ bật cười:
- Thì thủ chẳng giống thủ, xôi chẳng giống xôi thì giống cái gì? Hay giống cái con ma trơi tối hôm qua?
" Thầy biết mình mắc mưu vợ, ngồi cắm đầu xuống, không dám ngẩng lên nữa." (43)

Chú giải - (a) Yểm, nghìn dặm thu lại! muôn dặm thu lại ! (b)- Ma trơi còn gọi là ma đưốc. Những chất lân trong xương các hài cốt ở nghĩa địa bốc lên cháy thành những đuốc nhỏ theo gió lập lòe, người không biết cho đó là ma hiện lên.

Nhận xét - Thật ra dân gian luôn luôn tôn trọng các nhà sư có đạo hạnh, các thầy đồ mô phạm, các ông lý trưởng bênh vực quyền lợi của nhân dân, các thầy phù thủy cao tay ấn trừ tà diệt quỉ, nhưng không chấp nhận những tuồng giả trá hư hèn.
Hai cổ tích trên đây bố trí gọn gàng, hấp dẫn. Các câu chuyện hài hước mua vui nầy, đồng thời đã đánh được một đòn trực tiếp vào những kẻ giả đạo đức, đại diện cho văn hóa ngoại lai. Về lối đối đáp, lý thú nhất là ở đoạn kết của vở kịch "phù thủy sợ ma", tác giả dân gian sắp đặt thế nào cho cuối cùng người chồng thốt ra câu "thủ giống... thủ", để người vợ vin vào đấy mà bắt qua câu nói kháy: "Hay giống cái con ma trơi tối hôm qua". Nói mỉa, nói kháy là cái sở trường của những chuyện tiếu lâm, trào lộng.

Võ Thu Tịnh

Nguồn: Trang nhà Võ Thu Tịnh

Chủ đề: Truyện kể dân gian | Lượt xem: 829 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==