Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào CN, ngày 22/12/2024, lúc 7:25 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 21 » Cổ tích thế sự - III
10:38 PM
Cổ tích thế sự - III

Thiên thứ năm. Cổ tích thế sự - III (Không có bản văn nhất định)

3) Các ông Trạng gặp thời may

Thời xưa, Trạng nguyên là bằng cấp cao nhất trong hàng khoa bảng, được dân gian kính trọng. Nhưng trong các truyện kể, dân gian hư cấu nên một loại "Trạng" xuất thân là những kẻ không học hành gì, không thi cử gì, song được may mắn một cách kỳ lạ: nói vớ vẩn gì cũng đúng, làm vớ vẩn gì cũng hay, được vua ban chức "Trạng", giàu sang, phú quí.

Truyện Trạng Ếch

" Xưa có ông quan lấy một vợ lẽ rất đẹp. Nhưng vì vợ cả ghen tuông quá lắm, ông quan phải đưa tiền bạc cho người vợ lẽ về đi lấy chồng khác.
" Người vợ lẽ đi đường, gặp một anh câu ếch, hai bên thương nhau lấy làm vợ chồng.
" Một hôm, anh câu ếch câu được một con ếch vàng rất to. Làm thịt thấy trong mình có một hòn ngọc. Cách đó ít lâu, có chiếu trong triều ban ra nói nhà vua bị đau mắt, ai có ngọc ếch đem dâng để vua nhỏ mắt, nếu khỏi vua sẽ phong làm quan. Anh câu ếch đem ngọc đến chữa khỏi, nên được vua cho làm một chức quan nhỏ.
" Năm sau, có đại hạn, vua ban chiếu ai cầu được trời mưa thì được chức trạng nguyên. Anh câu ếch quen xem chân ếch, biết trời gần mưa nên ra ứng chiếu tình nguyện đứng ra cầu đảo. Sáng làm lễ cầu đảo, thì quả nhiên chiều mưa to và mưa rất nhiều. Vua và triều đình thấy tướng anh câu ếch xấu xí không đáng làm quan trạng, nhưng trót đã ban chiếu ra, bất đắc dĩ phải giữ lời, nhưng gọi diễu là "Trạng Ếch".
" Vua thấy tài giỏi sai đi sứ sang Tàu. Anh không biết đi sứ là thế nào, song có lệnh vua thì phải tuân. Khi sang đến Tàu, gặp ba ông sứ ba nước khác cùng đến.Vua Tàu đãi tiệc chung cả bốn ông sứ. Trên bàn có bốn chiếc bánh, ba ông sứ kia chưa kịp ăn, thì Trạng Ếch đã vội xơi hết cả bốn.
" Viên quan Tàu ngồi tiếp khách, giơ ra bốn ngón tay. Ba viên sứ kia không hiểu ra sao cả. Chỉ có Trạng Ếch tưởng viên quan Tàu chê mình ăn ít, chỉ có bốn chiếc bánh thôi, nên đưa cả hai bàn tay lên, xôe ra tám ngón, ý nói: "Tám chiếc bánh, ta đây ăn cũng hết ".
" Một chốc lại thấy viên quan Tàu lùa một ngón tay vào giữa bụng. Ba viên sứ kia cũng chẳng hiểu gì cả. Chỉ có Trạng Ếch tưởng viên quan ấy chế mình ăn nứt bụng ra, liền sè bàn tay ra mà vỗ, có ý bảo: "Bánh ăn nhỏ bằng lòng bàn tay, có gì mà nứt bụng".
" Bữa yến xong, Trạng Ếch thấy viên quan Tàu kính phục mình hơn trước rất nhiều, rồi tâu lên vua Tàu. Thì thấy vua Tàu cho vời đến phong cho làm "Lưỡng quốc trạng nguyên", rồi ban cho bao nhiêu vàng bạc, gấm vóc về nước. 
" Khi về đến nước nhà, vua quan đều phải trọng vọng, không ai dám khinh nhờn gọi là "Trạng Ếch" nữa mà cung kính gọi là "Quan Trạng hai nước".   
" Nhưng cả nước vẫn không ai hiểu tại sao chỉ vì ăn bánh, giơ ngón tay, vỗ bàn tay mà khiến cho người Tàu phải tôn kính đến như thế.
" Mãi về sau mới có người Tàu diễn ra rằng: "Viên quan Tàu giơ bốn ngón tay là ra vế đối: "Tứ di lai tân" (a), mà Trạng An Nam giơ tám ngón tay là để đối lại: "Bát man tiến cống" (b)
Còn khi viên quan Tàu lùa một ngón tay vào bụng là ra vế đối: "Hung trung binh giáp" (c), mà Trạng An Nam vỗ tay, là đối lại: "Chưởng thượng kinh luân" (d)".  (44)

Chú giảị  - (a)- Bốn rợ khách đến. (b)- Tám man dâng cống. (c)- Binh giáp ở trong bụng. (d)- Kinh luân ở bàn tay.

Truyện Trạng Lợn

" Trạng Lợn vốn con một nhà chuyên nghề mổ heo bán. Học dốt mà lại lười biếng, nhưng vẫn tự phụ mình là "trạng", nên đòi đi thi để lấy giải "trạng nguyên". Giọc đường làm quen với hai thí sinh khác. Tối đến, cả ba vào trọ ở một quán kia, ban đêm Trạng đang ngủ say, tự nhiên quen miệng như ở nhà, thét to lên:
- Bắt lấy nó, trói lại, rồi đem chọc tiết đi !
" Hai người bạn đều giật nảy người dậy. Tên trộm đang nằm rình dưới gậm giường, tưởng bị lộ, vội vàng chui ra, van lạy mãi Trạng mới tha cho. Hành lý của hai người kia không suy suyển gì cả, nên hết lời cảm tạ Trạng và xin kết thân với nhau, hễ Trạng trọ quán nào thì hai người cùng trọ ở đấy.
" Một hôm đi vào một làng tìm chỗ trọ, tđi qua cửa đình, chợt Trạng thấy bia đề hai chữ "Hạ mã" nghĩa là đi qua trước đình phải xuống ngựa (giữ lễ phép). Trạng vốn học dốt, đọc chữ nầy ra chữ khác, đọc hai chữ "hạ mã" ra "bất yên" (vì các chữ ấy viết gần giống nhau), liền bảo hai bạn:
- Đi tìm chỗ khác trọ, chỗ nầy bất yên. Chớ trọ lại mà khốn.
" Hai người kia tưởng Trạng có tài biết trước, nên nghe theo. Quả nhiên vừa ra khỏi làng thì làng phát hỏa, nhà cửa hóa ra tro cả.
" Khoa thi ấy nhà vua bị đau nên hoãn lại. Vừa gặp Tiên ông Chử Đồng Tử hóa dạng làm thầy bói, Trạng xin theo học.
" Thầy bảo Trạng cõng thầy về nhà, thầy truyền nghề cho. Trạng muốn học quá nên ra sức cõng thầy chạy một mạch đến nơi.     " Thầy khen Trạng cõng giỏi, rồi dặn rằng đến ngày tháng đó đến kinh thành thấy người nào mặc áo xanh từ cửa đông đi ra thì xông tới cõng chạy cho nhanh, đó là cơ hội làm nên sự nghiệp, danh phận.
" Đúng ngày tháng ấy, Trạng làm y lời thầy dạy. Người được cõng ấy là em trai vua, kinh thành bị loạn, vua anh bị chết, Hoàng Đệ chạy trốn, được Trạng cứu thoát.
" Khi trở về triều, lên ngôi, phong chức gì Trạng cũng không nhận, chỉ xin vua ban cho hai chữ "trạng nguyên" , và ông bà làm nghề mổ lợn nên gọi là "Trạng Lợn".
" Công chúa bị mất trộm chuổi ngọc rất quí, vua triệu Trạng vào cung, truyền cho Trạng bói xem ai lấy. Trạng bói không ra, lo sợ, buồn rầu than thở, tự trách mình sinh chuyện muốn làm ông Trạng nên ngày nay mới rắc rối như thế nầy. Trạng lẩm bẩm một mình: "Bụng làm, dạ chịu, chớ khá than van!". Không ngờ có một tên lính hầu nghe được, chạy lại quì trước mặt Trạng mà thú tội rằng nó tên là Dạ cùng tên lính khác tên là Bụng đồng mưu ăn trộm chuổi ngọc của công chúa, nó chỉ chỗ dấu tang vật, và xin quan Trạng tha mạng cho. Trạng tâu lên vua chỉ chỗ tìm lại được chuổi ngọc của công chúa. Vua ban thưởng.
" Sau Trạng Lợn cũng được đi sứ sang Tàu, dùng những mưu mẹo, ứng đáp lanh lợi làm cho vua quan Tàu phải thán phục thiên tài dân An Nam chúng ta. (45)

Nhận xét - Trạnh Ếch là một nhân vật tưởng tượng, còn Trạng Lợn cũng thế, nhưng về sau được dân gian "lịch sử hóa".
Có thuyết cho rằng Trạng Lợn là nhân vật có thật và Truyện Trạng Lợn có bối cảnh lịch sử hẳn hoi từ đời Thái Tông đến Thánh Tông nhà Lê. Trong truyện có những chi tiết  liên quan đến lịch sử, đại để như Nghi Dân cướp ngôi, Hoàng Đệ Tư Thành trốn loạn gặp Trạng Lợn cõng chạy, sau được đón về làm vua. Trạng Lợn là người làng Mạnh Chư, (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam Ninh).  "Chư " còn đọc là "trư ", có nghĩa là con lợn (heo), do đó gọi là Trạng Lợn. (46)
Những thành công của Trạng Ếch và Trạng Lợn đều do những ngẫu nhiên đem lại, do cuộc đời gặp toàn những cái may bất ngờ kỳ lạ không ai có thể tưởng tượng trước được. Và sự tích hai Trạng không khác gì những trò hề trên sân khấu.    
Điều cần chú ý trước hết là nên phân biệt cuộc đời của hai ông Trạng nầy với cuộc đời của Trạng Quỳnh đã trình bày trên đây. Chỉ hai tên Ếch và Lợn cũng đã mang nhiều ý nghĩa hài hước, trào lộng, khác với tên Quỳnh nghe nghiêm chính hơn. Trạng Ếch và Trạng Lợn suốt đời tôn trọng trật tự, vua quan và chỉ lo xây dựng sự nghiệp cho bản thân theo khuôn khổ phong kiến Nho giáo. Trạng Ếch thất học, còn Trạng Lợn học dốt, lười biếng mà tự phụ, nhưng cả hai đều vẫn trở thành được những ông "Trạng" có chức phận, giàu sang, phú quí. Còn Trạng Quỳnh học giỏi mà coi thường thi cử, công danh, suốt đời chuyên việc trêu ghẹo chống đối chúa Trịnh,  mạt sát bọn tham quan ô lại, đến nổi cuối cùng bị chúng ra tay hạ sát.
Dân gian kể lại chuyện của Trạng Quỳnh để khâm phục, khoái trá hả hê, vì Trạng Quỳnh đã nói, đã làm, đúng với cảm nghĩ và khát vọng của họ. Còn kể chuyện của Trạng Ếch, Trạng Lợn là để mua vui, giải trí, đồng thời để chế diễu những anh chàng ngu dốt mà gặp thời, gặp may, nên có được chức phận, giàu sang. Tuy vậy, dân gian nghĩ rằng Trời cho ai cái may thì người ấy nhờ, biết đâu là người ấy được hưởng phúc đức của ông bà nên mới gặp được như thế. Vã lại Trạng Ếch, Trạng Lợn cũng không làm điều gì tàn ác, bất nhân, bất nghĩa, cho nên cũng không có gì để bị dân gian chê ghét.
Dân gian đã hư cấu loại truyện thuộc loại mấy ông "Trạng" nầy (như Trạng Cờ, Trạng Ăn, Trạng Nói, Trạng Vật...) là để bảo với các ông "tai to mắt lớn" đương thời, rằng thực tài các ông không có gì, song chỉ nhờ những mánh khóe hay nhờ vài ngón sở trường vụn vặt, rồi gặp may, gặp thời mà các ông được ăn trên, ngồi trước mọi người đó thôi. Các ông cũng chỉ là một thứ "Trạng" như "Trạng đấm bóp, Trạng tiêm thuốc, Trạng đánh xe, Trạng quạt hầu, Trạng pha trà, Trạng kêu gái..." cho Quan Trên, mà nên danh phận, chớ cũng chẳng đáng giá gì mà lên mặt vênh vang, hoạnh họe với nhân dân. Từ "trạng" lại thường có một ý nghĩa không mấy tốt đẹp; người ta thường mắng nhau là "đồ nói trạng" hay "đồ làm trạng".

4) Các nho sĩ ngông nghênh phá phách

Vào khoảng cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, xuất hiện những truyện hài hước về hai nho sĩ thất chí mà mọi người đều biết tiếng: Ba Giai và Tú Xuất.
Truyện mang nhiều sắc thái của buổi giao thời: Trong nước loạn lạc, dân chúng đói khổ, quan lại cường hào nhũng nhiểu, áp bức, bóc lột. Triều đình Huế nhu nhược, quyền hành lần lượt lọt vào tay người Pháp. Những nhà ái quốc khắp nơi trong nước đứng lên chiêu mộ binh mã tích cực chống ngoại xâm, nhưng vẫn không thể ngăn chận được quân xâm lăng trang bị với những khí giới bội phần tân tiến hơn mình. Có những văn nhân thi sĩ nhất định không cọng tác với giặc, dùng ngòi bút hô hào nhân dân đoàn kết đấu tranh bảo vệ cho đất nước. Trong tình trạng bế tắc ấy, có một số nho sĩ có lẽ cũng cảm thấy bất mãn trước xã hội tham nhũng, thói đời đen bạc, căm thù giặc xâm lăng tàn bạo, nhưng không biết làm cách nào hơn là hủy hoại tinh thần, phóng lãng xác thịt, trêu ghẹo, phá phách... dần dần đến mức có những hành động trái với đạo lý cổ truyền.
Tiêu biểu nhất cho hạng người nầy có Ba Giai (Ông Ba tên Giai) và Tú Xuất (thầy Tú tên Xuất). Hai người thường đi đôi với nhau, bày mưu tính kế hoặc để xoay tiền, hoặc để lừa bịp, hoặc để "chơi cho ai một vố " thất điên bát đảo làm cho mọi người thời bấy phải kiêng sợ, tránh né.

Truyện Ba Giai, Tú Xuất đánh bạc

" Ba Giai và Tú Xuất bàn tính đi đến các sòng bạc để tìm cách xoay tiền. Hai người đến nhà Tuần Khẳng là cháu của Tú Xuất để sắp đặt kế hoạch: Tú Xuất giả làm quan Hàn, Tuần Khẳng giả làm tên hầu, còn Ba Giai đem theo sáu tên du côn để hộ vệ.
" Rồi cả bọn kéo nhau đến sòng bạc xóc dĩa (a) của Tư Khiễng để đánh.
" Quan Hàn đánh có tên hầu ngồi bên để sai biểu. Quan đánh rất phong lưu, từ tốn, thua được gì cũng vui. Lúc đầu quan được nhiều, về sau lại thua dần.
" Tên hầu cứ xía vào bàn thế nầy thế nọ, làm quan bối rối càng thua thêm. Tức mình quan hàn liền đánh tên hầu té nhào xuống, quan nhảy theo, một tay xách túi bạc, một tay túm lấy tóc nó dúi xuống, đạp lấy đạp để. Tên hầu ngã ra đất, quay lông lốc. Sòng bạc lúc ấy thấy quan Hàn đánh tên hầu, cũng trở nên hỗn độn.
" Tuy trông thấy tên hầu bị đánh đau, mà chẳng ai dám vào can vì sợ oai quan Hàn.
" Đánh xong, quan Hàn liền bước ra đàng sau đi tiểu, vừa đi vừa ngoái cổ lại mắng:
- Hễ ông đi "giải đen" vào mà còn thua nữa thì mầy cứ nhừ đòn.
" Tên hầu bị đánh rách cả túi áo, tụt cả khăn, mặt mũi có vẻ tức bực lắm. Trở về chỗ cũ ngồi, hầm hầm nói:
- Đã hay đánh, thì đây hại cho mà biết tay. Làm cho thua sạch túi, cho trắng mắt ra. Mẹ kiếp, ở thì ở, không ở thì xéo, tình nghĩa đếch gì mà cầu.
" Rồi quay vào hỏi cái:
- Ông đã xóc chưa?
- Phải chờ quan vào mới xóc chứ.
- Không hề gì, ông cứ đưa bát dĩa đây cho tôi.
" Vừa nói, tên hầu vừa cầm bát dĩa mở ra, xếp lại bốn đồng tiền, một đồng sấp, ba đồng ngửa, (tức là lẻ), rồi nói cùng mọi người rằng:
- Ta cứ để "sấp một" như thế nầy, đậy lại đừng xóc nữa. Hễ ông ấy vào thì bảo là xóc rồi. Cả làng cứ mặt lẻ mà đánh... Hắn muốn chết thì cho chết luôn!
" Quan Hàn trở vào, ngồi xuống nói:
- Nào xem có đến hồi đỏ không? Cái thằng trời đánh nầy (chỉ tên hầu) liệu có còn ám được mãi không? Nào làng đánh đi. Được thua vài ván nữa rồi về kẻo muộn.
" Tất cả mọi người đánh dồn về mặt lẻ.
" Nhà cái dúi tiền cho đàn em đánh một ít vào mặt chẳn cho quan Hàn khỏi nghi ngờ. Quan hỏi nhà cái:
- Vừa rồi sấp mấy, hở bác ?
- Dạ, thưa ngài, sấp một, sấp một, sấp ba, rồi sấp ba. Bốn tiếng lẻ rồi, ngài ạ !
" Nhà cái hô to:
- Xin làng cất tay. Chẳn, lẻ cái cân đây nầy. (b)
" Vừa nói, nhà cái vừa quay nhìn quan Hàn:
- Xin ngài đánh cho để cái mở bát.
- Hãy khoan. Thế nhà cái nhất định đánh cân cả hai mặt à? Tôi định "đi giải xui" rồi, sẽ mở một tiếng thật to, được thua cho nó bỏ công. Xin bác nhượng cho tôi làm cái ván nầy.
" Nhà cái nghe nói, trong lòng mừng thầm, song làm bộ xuýt xoa nói:
- Tiếng bạc nầy thật ngon quá... Nhưng quan Hàn đã thích thì... đây, tôi xin nhường ngài làm cái. Cất tay! để cái cân nầy! Bán...  Chẳn thừa... ba ngàn!
" Mọi người dốc túi còn bao nhiêu tiền quẳng hết xuống mặt lẻ, quan Hàn thua to thấy trước mắt.
" Có người thương hại tên hầu, bảo nhỏ nó lẩn tránh đi kẻo khi quan Hàn bị thua, nó sẽ bị đòn lớn.
" Tên hầu liền nghe theo và rẽ đám người lẵng lặng chuồn ra ngoài.
" Sau khi thấy tên hầu (Tuần Khẳng) rút lui rồi, quan Hàn (Tú Xuất) mới cất tiếng nói lớn rằng:
- Thưa các quan viên làng chơi. Vì tiếng bạc nầy rất quan trọng, được thua có bạc vạn, nên trước khi mở bát, tôi phải có mấy lời nói trước, xin ai nấy lắng tai nghe cho. Sau khi mở bát, dầu "lẻ" hay "chẳn", làng được hay tôi được, xin mọi người được hay thua đâu đúng nguyên đấy, tôi lần lượt "giam" (c) từ chiếu trong giam ra chiếu ngoài. Hễ giam xong tiền người nào, thì người đó mới được thò tay xuống lấy. Muốn cho chu đáo chắc chắn, tôi xin mời sáu ông võ sĩ đàng kia đến giúp giữ trật tự. người nào lộn xộn thì xin các ông cứ việc.
" Sáu tên du côn liền nhảy ngay vào giữa chiếu bạc, kẻ rút búa, người rút dao, giơ lên thị uy, khiến mọi người đều xanh mặt.
" Mở bát ra, quan Hàn hô to:
- Sấp... haaaiii...
" Số là tên hầu (Tuần Khẳng) khi trình cho làng thấy bốn đồng tiền, có một đồng sấp (tức là lẻ), thì sau đó đã kín đáo luồn một ngón tay vào bát lật sấp thêm một đồng nữa, rồi xoay bát lại cho đích xác hơn. Khi đã thấy rõ trong bát có hai đồng sấp rồi (tức là chẳn), Tuần Khẳng mới ám hiệu cho Tú Xuất (quan Hàn) biết.
" Sau tiếng bạc ấy, Tú Xuất, Ba Giai vố được hơn vạn bạc, và từ ngày đó sòng bạc Tư Khiểng đóng cửa, các con bạc lớn nhỏ đều sạch túi." (47)

Chú giải - (a)- Xóc dĩa: lối đánh bạc rất phổ biến thời xưa. Một người làm cái, bỏ 4 đồng tiền vào dĩa, úp một cái bát lên trên, rồi xóc. Trước mặt trải những chiếc chiếu có một đường vạch chia đòi, một bên là "lẻ", một bên là "chẳn", con bạc muốn đánh bên nào thì quẳng tiền vào bên ấy. Mở bát ra hễ một đồng sấp hay ba đồng sấp là "lẻ"; còn hai đồng sấp, hay bốn đồng sấp là "chẳn". (b)- "Chẳn lẻ cái cân": danh từ xóc dĩa, khi số tiền đặt ở hai bên so le, thừa ra quá nhiều, nhà cái liệu nếu mở bát mà bên đặt tiền nhiều trúng, sợ không đủ tiền chung, thì bán cái, nghĩa là nhà con ai có tiền thì ra hứng làm cái mở bát ván ấy. (c)- Giam: chung tiền.

Truyện Tú Xuất chơi khăm trả miếng

" Thấy cô bán hàng áo quần ở dưới phố thường có tính rất chua ngoa với mình nên Tú Xuất muốn trả miếng cô ấy một vố cho biết tay.
" Một hôm, Tú Xuất ăn mặc chỉnh tề, đầu chít khăn chữ nhất, chân đi giày hạ, mình choàng áo dài thâm, nhưng lại không vận quần.
" Rồi bảo đàn em đem võng lại, đợi trời bắt đầu tối nhá nhem, võng đến hàng cô ả để Tú Xuất vào mua đồ.
" Nhờ áo dài phủ ra ngoài, nên không ai biết là Tú Xuất không vận quần.
" Tú Xuất lựa một cái quần đắt tiền nhất, mặc vào, dạo qua dạo lại xem hàng một vài vòng, rồi chậm rải ra về, không trả tiền, mà cũng không nói gì với cô bán hàng.
" Cô ả chạy theo níu lại:
- Ô hay, cái ông nầy mua quần rồi bỏ đi không thấy trả tiền.
" Tú Xuất quắc mắng:
- Con bé này hay chữa! Ai mua hàng gì của mầy mà đòi trả tiền?
" Cô ả cũng không vừa, túm ngay Tú Xuất lại, tru tréo lên, rồi cho người nhà mời ông xã trưởng lại xử.
" Khi xã trưởng đến, hai bên đôi chối mãi, người bảo mua quần mà không trả tiền, người bảo chỉ xem hàng chứ không mua gì cả.
" Tú Xuất hỏi cô ả:
- Nếu bảo tôi mua quần thì mua cái quần nào, tôi đem dấu ở đâu?
- Ông mua cái quần nầy, xong thì ông lại mặc ngay vào người đông đó.
" Tú Xuất hỏi lại:
- Đừng nói bá vơ, cái quần nầy là của tôi, chớ không phải của cô. Cô nói sai thì chịu tội gì?
" Theo lới yêu cầu của Tú Xuất, xã trưởng cho người kéo quần của Tú Xuất xuống, thì thấy quả y chỉ vận có một cái quần mà thôi.
" Tú Xuất nói:
- Mặt mũi tôi thế nầy, khăn áo như thế kia, võng cán như thế nọ, mà tôi ở truồng đi dạo phố, xin hỏi trên có ông xã trưởng, dưới có bàng quan các ngài đây, nghe có lọt lỗ tai không. Con bé nầy quen thói chua ngoa lâu rồi, nay sinh sự thì phải bị sự sinh.

" Cô bán hàng bị phạt vạ, Tú Xuất nghêng ngang ra về với cái quần mới trắng tinh. (48)

Truyện Tú Xuất và Cô Hai đi cầu tự

" Trong một chuyến đò dọc đi đêm, Tú Xuất tình cờ được nằm gần cô Hai, vợ bé của quan tri huyện vừa lên chùa cầu tự về.
" Tú Xuất lớn tiếng hỏi chủ đò:
- Bác lái ơi, tôi có mấy lạng bạc ròng, tối ngủ sợ bị mất cắp, bác có thể giữ cho tôi được không?
" Người lái đò, vừa là chủ đò, trả lời:
- Đò chúng tôi xưa nay chở toàn những người đàng hoàng lương thiện, việc trộm cắp trên đò chưa hề xảy ra bao giờ. Xin ông cứ giữ lấy trong người, không sao đâu.
" Đến độ nửa đêm, mọi người đều ngủ cả, Tú Xuất nói nhỏ với cô Hai rằng:
- Cô là vợ bé quan huyện, mà quan già yếu rồi, làm sao có con được. Nay tôi có mấy lạng bạc, kính biếu cô làm vốn, rồi cô cho tôi ngủ với cô đêm nay, có ai biết đâu. May ra cô đi cầu tự về có thai thì cô sẽ được quan huyện chiều chuộng hơn, nào cô có mất mát gì đâu.
" Cô Hai nghe nói mùi tai nên nhận lời ngay. Đến canh ba, hai bên đều thỏa nguyện cả, Tú Xuất bỗng la lên:
- Bác lái ơi, sao mà mấy lạng bạc tôi biến đi dâu mất rồi, Bác có đèn đuốc gì cho tôi mượn soi tìm đi.
" Cô Hai nghe sợ quá, liền lấy mấy lạng bạc dúi trả lại cho Tú Xuất. Tú Xuất liền gọi lại chủ đò:
- Xin lỗi Bác lái, tìm thấy rồi, nó rớt vào dưới khoang đây. Khỏi phiền Bác nữa. (49)

Nhận xét - Ngày xưa ở nước ta, "học trò" là những tên nghịch ngợm, quấy phá nhất, nên dân gian thường nói "nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò". Có anh học trò đã trêu chọc đến các quan lớn, mà vẫn chỉ bị la rầy qua loa thôi. Mọi người trong nước dều có thái độ khoan hồng, nể nang giới "nho sĩ " (học trò). Vì dưới chế độ phong kiến Nho giáo, thì trong số các anh học trò ấy phải có người sau nầy đậu trạng nguyên, tiến sĩ, ra làm quan, làm vẻ vang cho làng, cho huyện, cho tỉnh nhà. Chưa kể có người sẽ trở thành nhân tài kinh bang tế thế, cứu nước giúp dân.
Cũng có những "nho sĩ " ăn nói ngông cuồng, chống báng, trêu ghẹo, coi trời bằng vung. Nhưng dân gian lại không khinh dễ, chê trách, mà còn lấy làm thích thú, hả dạ hả hơi, khi thấy các cậu học trò ấy châm chọc quấy phá bọn địa chủ, phú gia, chức sắc, quan lại.
Lúc bắt đầu trêu ghẹo, chế diễu thói đời, hẳn Ba Giai, Tú Xuất đã được dân gian mặc nhiên dung túng, tán trợ. Nhưng về sau, khi hai ông đã trổ tài sở khanh, bịp bợm, xoay tiền, cờ gian bạc lận ra, thì mọi người đều kiêng né, coi như là những hung thần. Đến mức, người thời ấy đã có câu:
" Hễ ai mà nói dối ai,
" Thì mồng một Tết, Ba Giai đến nhà."
Tuy vậy, những chuyện về Ba Giai, Tú Xuất ngày xưa đã được lưu truyền trong dân gian ở Bắc Việt rất nhiều. Dân gian thấy có chống đối, có chọc ghẹo, có mưu mẹo lừa bịp tài tình, thì cười theo để giải trí, mua vui.
Còn các nạn nhân phần nhiều là những kẻ mua bán có tiền, cũng lừa dối, ăn gian, xảo quyệt không kém, là những cô gái con nhà phú hộ, chức sắc bóc lột dân nghèo, là những chủ sòng bạc, những con bạc chuyên cướp giựt lẫn nhau, là cô vợ bé ỡm ờ của các quan giàu sang phú quí ...
Những trò quỉ quái mà Ba Giai, Tú Xuất dở ra với chúng, cũng chỉ là những thủ đoạn của những phường "mạt cưa, mướp đắng" với nhau mà thôi. Dân gian cười với tư cách là những khán giả đang xem một màn có mấy tên hề trêu chọc, phá phách nhau trên sân khấu, để giải trí, mua vui.
Ba Giai, Tú Xuất là những nhân vật phản diện trong hàng "nho sĩ " ngày xưa, là những đứa con rơi của nền văn hóa Nho giáo ngoại lai, là những nạn nhân của xã hội hỗn loạn, đồi trụy, đang đi trên đường phân hóa và bế tắc, .

5) Cường hào, địa chủ.

Nếu Trạng Quỳnh có một ưu thế đặc biệt để châm biếm, chỉ trích "vô tội vạ" vua quan ở thị thành, thì trái lại ở nông thôn, người dân dù có muốn chỉ trích, phản đối lý hương cũng phải dè dặt hơn.
Họ phải dùng thể ngụ ngôn, mượn chuyện các thú vật mà ám chỉ xã hội loài người, như thế :
- trước là để mua vui và thỏa mãn óc tò mò của trẻ em,
- sau là dùng các câu chuyện bịa đặt ấy, để ngụ ý nói lên những ý kiến, những lời răn dạy, khen, chê, như ở ngụ ngôn tố cáo hành động tham nhũng bất lương của một hương hào dưới đây.

Truyện Chèo bẻo và ác-là

" Ngày xưa, cứ chiếu theo sổ bạ làng chim, thì ác-là ở trên, là một bậc hương hào oai quyền hách dịch, mà chèo-bẻo chỉ là một tên cùng đinh ở mãi dưới chót, không có địa vị gì cả.
" Có một lần, ác-là cắt chèo-bẻo đi phu đắp đường. Rồi nhân lúc chèo-bẻo đi vắng, ác-là lén đến nhà nó, thấy có mấy cái trứng liền ăn hết.
"Lúc chèo-bẻo đi đắp đường về, thấy mất trứng, kêu hót ầm ỹ. Sáo bay qua hỏi:
- Cái gì mà kêu thế?
" Chèo-bẻo nói:
- Tao phải đi phu, đứa nào nó vào, nó ăn mất trứng của tao.
" Sáo nói:
- Hôm nọ bác đi xa rồi, thì tôi chỉ thấy ác-là nó vào trong tổ bác mãi nó mới ra.
" Chèo-bẻo nghĩ bụng:
- À ra ác-là độc ác thật! Nó cắt mình đi phu, rồi thừa dịp mình vắng nhà, nó ăn trứng của mình đi. Thôi từ giờ mình phải cẩn thận không chịu để mắc lừa nó nữa.
" Nói đoạn, chèo-bẻo xin ra khỏi làng và dời tổ đi nơi khác. Từ đó về sau, chèo-bẻo cứ tìm làm tổ ở những nơi cây cao, và không mấy khi lìa tổ đi đâu xa nữa.
" Rồi hễ thấy ác-là bay qua gần tổ thì chèo-bẻo lũ lượt kéo nhau ra, vừa đánh vừa nheo nhéo ầm cả trời.
" Tục ngữ có câu: "Nheo nhéo như chèo-bẻo vặt lông". (50)

Đối với địa chủ, dân gian ít dè dặt hơn là đối với cường hào, và thường hư cấu những chuyện trào phúng, đem các địa chủ ra làm trò cười để trực tiếp chế diễu, hay "chưởi xéo" cho hả hơi.

Truyện Bà địa chủ và người đi cày

" Xưa có một bà chủ, một hôm bảo người nhà đem trâu ra ruộng cày và dặn nó rằng:

- Khi nào nghe tiếng cóc kêu thì hãy về nhé.
" Người kia cày suốt buổi, đã mệt nhọc chán chê, lại bụng đói như cào, mà đợi mãi chẳng thấy tiếng cóc kêu đâu cả.
" Người ấy mới buồn bực, cất tiếng hát rằng:
" Cóc kia sao chẳng thấy kêu
" Để ta cày mãi đến khi nao mới được về.
" Bà chủ mãi không thấy thằng người nhà về, nghĩ bụng rằng:
- Tại chưa nghe thấy tiếng cóc kêu, nên nó không dám  về.
" Rồi bà ra đứng núp dưới bụi cây, giả làm cóc kêu to lên cho nó nghe tiếng.
" Khi người đi cày nghe tiếng, tưởng rằng cóc kêu thật, lấy làm giận lắm, vừa tháo bắp cày vừa lẩm bẩm rằng:
- Cóc gì mà cóc ! Cả buổi đi đâu, đến giờ mới kêu cóc. Cho mầy biết tay tao !
" Rồi nhân cái bắp cày cầm tay, nó phang luôn vào bụi định đập cho chết con cóc.
" Ngờ đâu nó thấy bà chủ từ trong bụi chui ra, vừa run vừa la lên:
- Chớ đánh! chớ đánh! Tao đây! Tao đây! Không phải cóc đâu.
" Thằng người ở thấy vậy bật cười.
" Cả bao nhiêu người làm đồng gần đấy cũng đều chê cười cả bà chủ lẫn đứa ở.
" Bởi truyện nầy, mới có câu người ta thường hát rằng:
"  Cày thời cứ buổi mà về
"  Đừng nghe tiếng cóc, kẻ chê người cười." (51)

Truyện Giả nợ tîền kiếp

" Xưa có một người chết xuống âm phủ, Diêm vương tra sổ sách thấy người ấy còn mắc nhiều công nợ chưa trả hết cho chủ đất, nên truyền anh ta phải đầu thai làm con trâu để kéo cày trả nợ.
" Anh ta liền thưa với Diêm vương rằng:
- Tôi sợ làm một kiếp trâu cũng chưa đủ để trả hết nợ cho chủ đất nổi. Thành ra phải đầu thai làm trâu bò lần thứ hai, thứ ba nữa, tội nghiệp cho thân tôi lắm. Xin Diêm Vương rộng lượng xét cho tôi đầu thai làm thứ gì mà có thể trả xong nợ  trong một kiếp mà thôi.
" Diêm Vương mới hỏi:
- Vậy mầy muốn xin đầu thai làm thứ gì để trả cho hết nợ của mầy trong một kiếp?
" Anh liền thưa:
- Dạ, tôi xin Diêm Vương cho tôi đầu thai làm cha của ông chủ đất.
" Diêm Vương nghe nói cả giận, thét:
- À thằng nầy hỗn láo thật, quỉ sứ đâu đem nó ra bỏ vào vạc dầu cho nó biết thân.
" Anh ta thưa:
- Xin Diêm Vương bớt giận, cho tôi được trình bày. Làm cha của ông chủ đất cực lắm, phải lo lắng cho con cái suốt cả đời mà chưa xong. Nhưng tôi sẽ cố gắng cho vay đặt nợ, thu đoạt lúa gạo, tiền bạc của các tá điền, và khi tom góp đủ số mà tôi đã mắc rồi, thì Diêm Vương sẽ bắt tôi chết đi, để hết gia tài lại cho con, thế là nợ tiền kiếp của tôi sẽ trả xong. Chớ làm trâu kéo cày thì tính nghìn đời, nghìn kiếp cũng chưa trả hết được nợ.
" Diêm Vương ngẫm nghĩ một lúc, rồi gật gù nói:
- Tên nầy tính cũng giỏi đó. Mà rồi cũng đáng kiếp cho mầy, khi nào con cái mầy bóp hầu nặn họng người ta quá đáng thì người ta sẽ gọi cha chúng nó ra mà chửi ." (52)

Võ Thu Tịnh

Nguồn: Trang Nhà Võ Thu Tịnh

 

Chủ đề: Truyện kể dân gian | Lượt xem: 796 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==