Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 19/04/2024, lúc 4:51 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 21 » Cổ tích thế sự - IV
10:34 PM
Cổ tích thế sự - IV

Thiên thứ năm. Cổ tích thế sự - IV (Không có bản văn nhất định)

II - Đường lối đấu tranh của dân tộc

Qua những cổ tích, ta có thể thấy được lối nhận thức về cuộc đời, cũng như đường lối ứng xử, hành động của dân gian để tranh đấu duy trì nòi giống và bảo tồn đất đai của ông cha. 

1. Nhận thức quan.

Hiện nay, chúng tôi chưa có thể thu thập cho đầy đủ tất cả cổ tích của kho  tàng văn chương truyền khẩu. Song chúng tôi vẫn cố gắng hệ thống hóa những cổ tích mà chúng tôi đã có, để thử tìm lại phần nào nhận thức quan của người xưa.

Truyện hai vợ chồng anh thầy bói

" Xưa có anh thầy bói chưa vợ, nghe thiên hạ đồn trong làng kia có cô con gái đẹp, chưa chồng. Anh liền lần mò đến nhà, xin ở trọ một đêm, rồi dụng tâm bói toán thế nào mà lừa được cô con gái ăn phải bùa mê thuốc lú nên đâm ra mê anh và theo ngay anh về làm vợ.
" Nhưng trời sinh người con gái có sắc đẹp mà lại bị nặng tai, nghe không được rõ. Chồng đui, vợ điếc, thật đã xứng đôi!
" Một hôm hai vợ chồng đem nhau ra chợ bói, dọc đường gặp một đám rước ở đầu làng kia đi lại.
" Vợ thấy, nói với chồng:
- 'i chao cái đám ma to. Biết bao nhiêu là cờ quạt!
" Chồng mắng:
- Cờ quạt đâu mà cờ quạt! chỉ có chuông trống đánh inh ỏi.
" Vợ cãi:
- Chuông trống đâu mà chuông trống! Cờ nhan nhản như thế kia, không trông thấy lại còn nói láo.
" Chồng cãi lại:
- Thì mặc cờ với quạt của mày! Tao nghe chuông trống, thì chỉ có chuông trống thôi...
" Hai vợ chồng cứ cãi nhau rồi đến đấm đá nhau ầm ỹ cả đường. Có người đi qua đó, thấy thế vào can, rồi hỏi tại sao. Hai vợ chồng đem chuyện ra kể lại. Người kia nghe rồi, bật cười bảo rằng:
- Thôi xin cả hai bác. Câu chuyện nầy thật tại anh, tại ả, tại cả đôi bên. Bác trai thì đui nên không thấy cờ. Bác gái thì điếc nên không nghe tiếng trống. Mà thực ra cái đám ma kia có cả cờ lẫn trống, cờ bay phất phới mà trống đánh inh ỏi, người sáng mắt, sáng tai ai cũng vừa trông, vừa nghe  thấy cả... Thôi hai bác nghe tôi, hai bác đi bói đi, còn hơn đứng đây mà cãi nhau, đánh nhau, mất cả buổi chợ." (53)

Nhận xét - Có người cho rằng cổ tích nầy bắt nguồn từ truyện "Năm người mù sờ voi " trong kinh sáchPhật ở Ấn Độ:
" Có 5 anh mù muốn biết hình thù con voi nó như thế nào, người ta mới dắt 5 anh đến gần con voi và cho mỗi anh sờ một phần của voi.
" Xong, mới hỏi hình con voi thế nào? Anh được sờ chân thì nói voi có hình cái cột; anh được sờ vòi thì nói voi có hình một con đỉa lớn; anh được sờ tai thì nói voi có hình cái quạt; anh được sờ đuôi thì nói voi có hình một cái chổi, anh được sờ bụng thì nói voi có hình một cái trống.
" Cả năm anh đều nói đúng hết, nhưng đúng có một phần nhỏ tách rời của một sự vật ".

Truyện Nem công, chả phượng, râu rồng

" Xưa ở gần chốn kinh kỳ có một nhà giàu có, ăn uống xa hoa không thiếu thứ gì. Một hôm, chồng muốn thử vợ, nói rằng:
- Kể các miếng ăn, nhà ta đây không còn thèm thuồng gì nữa. Thiên hạ thường cho ở đời có ba thứ ăn ngon nhất là "nem công, chả phượng với râu rồng". Phượng với rồng thuộc cõi thần tiên, chẳng nói làm gì, chớ công thì trần gian nầy thiếu gì, thế mà ta chưa được ăn bao giờ cả. À... nầy mình ạ! Tôi thấy ở vườn cấm nhà vua có một con công to lắm. Hay ta đi bắt trộm về làm thịt, hai vợ chồng ta ăn cho biết mùi.
" Vợ nghe nói thèm nuốt nước miếng, bảo chồng mau mau làm thế nào được công ăn thì làm.
" Chồng lần mò cố đi bắt trộm được con công về cho vợ trông thấy thật.
" Nhưng đến lúc làm thịt thì đem công dấu đi một nơi, rồi lấy thịt gà giả làm nem công.
" Vợ ăn tấm tắc khen ngon, cho chồng là người sành sỏi.
Được mấy hôm, trong vườn cấm thấy mất công, liền có lời rao:
- Ai lấy trộm công của vua thì người ấy có tội. Còn ai bắt được người lấy trộm công nhà vua hay tìm thấy công đem về nạp, đàn ông được ra làm quan, đàn bà được phong tước phi (a).
" Đã được ăn nem công, vợ nghe rao, lại còn muốn làm bà phi, liền lên quan tố giác chính chồng mình đã lấy trộm công để ăn thịt.
" Quan lập tức sai lính đi bắt người chồng điệu đến. Người chồng vừa đến vừa đem công theo và thưa quan rằng:
- Con công nó bay đậu lạc vào nhà tôi. Tôi thử lòng vợ tôi, hỏi có muốn ăn nem công không. Nó thèm quá đòi ăn thật. Nhưng tôi không dám làm thịt công của vua, sợ bị tội. Tôi phải dấu công ở một nơi mà làm thịt gà thay vào. Bây giờ nó lại đi tố giác tôi, xin quan soi xét.
" Quan nghe xong, xử tội người vợ và phong chức cho người chồng." (54)

Chú giải - (a)- Phi: vợ thứ của vua.

Truyện Mèo vẫn hoàn mèo

" Xưa có một ông nuôi một con mèo, nghĩ rằng con mèo mình khôn ngoan, tài giỏi  không ai có được, mới đặt tên cho nó là "Trời".
" Một hôm có người đến chơi, nghe lạ tai, hỏi ông ấy rằng:
- Sao ông lại dám gọi nó là "Trời" ?
" Ông ta đáp:
- Con mèo của tôi quí hóa có một. Gọi nó là con mèo không được. Phải gọi là con "Trời" mới xứng đáng, vì không ai hơn được Trời.
" Nguời kia nói:
- Thế mây không che được Trời là gì ?
" Ông ta bảo:
- Thì tôi gọi nó là con "Mây".
" Ông ta lại bảo:
- Thế  nhưng gió lại đuổi được mây.
- Thì tôi gọi nó là con "Gió"
- Thế nhưng thành lại cản được gió.
- Thì tôi gọi nó là con "Thành".
- Thế nhưng chuột lại khoét được thành.
- Thì tôi gọi là con "Chuột".
- Thế nhưng mèo lại bắt được chuột.
Ông chủ nhà suy nghĩ một lát rồi nói:
- Thì tôi cứ gọi nó là con "Mèo" như trước vậy.
Người kia vỗ tay, cười xòa:
- Thế có phải là "Mèo lại hoàn mèo" không ?" (55)

Nhận xét - Cổ tích tthứ nhất cho thấy "nhận thức" không nên phiến diện, phải xem xét vấn đề dưới đủ mọi khía cạnh, thì mới khỏi sai lầm, như đám rước kia, phải nghe, rồi còn phải thấy nữa, mới ý thức được cụ thể đám rước ấy là như thế nào. Vì bảo thủ trong cái "nhìn phiến diện" như thế mà cả hai vợ chồng sinh ra bất hòa, rồi hành hung với nhau.
Cổ tích thứ hai cho thấy "nhận thức" cũng không nên chủ quan, phải bỏ định kiến riêng tư của mình đi, mà chỉ căn cứ vào thực tại để phán đoán; như thực tại là thịt gà, ăn vào ai cũng biết ngay, nhưng vì người vợ có định kiến trước đó là thịt công, nên đưa vào miệng tự nhiên cảm thấy ngon một cách tuyệt vời.
Cổ tích thứ ba cho thấy vì không ý thức được tính chất tương đối giữa các sự vật, nên người chủ nhà kia gọi "con mèo" của mình là "con Trời", là đỉnh cao trí tuệ của muôn loài, nhưng cuối cùng, sau khi đối chiếu với các sự vật khác, thì thấy "mèo vẫn hoàn mèo", như vậy cứ gọi nó là "mèo" đi cho đúng với danh vị của nó.
Như thế, qua ba cổ tích trên đây, ông cha chúng ta đã gián tiếp chỉ cho ta thấy rằng nhận thức phải toàn diện, phải khách quan, phải gọi cho đúng danh vị trong tính chất tương đối của sự vật thì mới khỏi bị sai lầm.

2. Lập trường tranh đấu của dân tộc.

Trong suốt bao nhiêu thế kỉ bị lệ thuộc ngoại bang, dân gian ta luôn luôn tranh đấu giành độc lập tự do cho quốc gia dân tộc.
Nhưng ở thời nào, ở quốc gia nào, cũng không khỏi có những thành tử thủ phận cam lòng sống trong vòng nô lệ để mong được được yên thân.

Truyện Trâu nhà và trâu rừng

" Một hôm có người cày ruộng thả trâu lên ăn trên núi. Bỗng có một đàn trâu rừng, bò tót đến dỗ dành trâu nhà rằng:
- Chúng tôi xem anh, mình cũng to, sức cũng mạnh, đôi sừng sắc nhọn như thế, mà anh lại chịu để cho thằng bé cỏn con kia nó xỏ giây vào mũi, nó bắc ách lên vai, nó đem đi cày, đi bừa, mưa nắng cũng phải chịu, đói khát không dám kêu, vất vả cả đời không lúc nào được thư nhàn, sung sướng... Sao anh không xem chúng tôi đây, ăn ở với nhau từng đàn, từng lũ trên rừng xanh núi rậm, muốn ăn thì ăn, muốn chơi thì chơi, chẳng ai kiềm thúc, mà cũng chẳng sợ ai. Bây giờ thằng bé nó đã thả anh lên đây, anh nên theo về trên núi với chúng tôi cho có bầu, có bạn. Tội gì mà để cho nó ràng buộc mãi cái thân như thế. Lấy tình đồng loại, chúng tôi  mới bảo phải chăng cho anh nghe: Theo chúng tôi thì khôn; không theo chúng tôi thì chết.
" Trâu nhà đáp rằng:
- Các anh nói vậy cũng phải. Song tôi lại nghĩ thế nầy: Tôi ở với người, khi ăn, khi uống có một thằng chăn, lúc ngủ, lúc nằm có một nhà rộng. Kể cũng là thanh nhàn, phong lưu chớ. Còn như một ngày một buổi cày bừa cũng là công báo, nghĩa đền có chi mà khó nhọc, có chi là khổ sở! Người nuôi, kẻ chăn ăn ở với mình như thế, mà bây giờ mình bỏ đi, thì chẳng cũng ra tuồng vong ân bạc nghĩa hay sao! Còn các anh ở trên rừng xanh, núi rậm, tuy không ai cai quản, tuy không bận bịu gì, kể ra thì đáng vui thật. Song các anh phải dày sương, dãi gió, nay đây, mai đó, ăn không chắc bữa, uống không chắc nơi, thật là bấp bênh thất thường lắm. Ấy là tôi không nói, khi gặp con hổ con beo nó rình, nó muốn xơi thịt, hay ngay thằng bé cỏn con kia, nó bổ lưới thả chó vào nó vây, thì phỏng lúc ấy các anh đi đường nào cho khỏi, tránh lối nào cho kịp? Thôi tôi xin cảm ơn các anh, tôi mặc tôi, các anh mặc các anh, tôi chẳng theo các anh để rồi cũng chết.
" Nói đoạn, mỗi bên đi về một đường, không chuyện trò với nhau nữa, nhưng bên nào cũng không khỏi có điều nghĩ ngợi." (56)

Nhận xét  -  Nguyễn Văn Ngọc, soạn giả Truyện cổ nước Nam (Hà Nội 1932), khi ghi lại ngụ ngôn trên đây, đã phụ chú rằng: "Bài ngụ ngôn nầy thật trái ngược hẳn với bài "Con lang và con chó" (Le loup et le chien của Pháp). Một đàng thì trâu rừng rủ trâu nhà, một đàng thì chó nhà rủ chó rừng; một đàng thì đành ở vậy làm tôi tớ, một đàng thì đành đói khát mà được tự do. Ý tứ ngụ ngôn như thế, không biết tinh thần người có giống thế chăng?" (57)
Chắc ngụ ngôn "Trâu nhà và trâu rừng " nầy xuất hiện vào thời nước nhà bị ngoại bang thống trị, dân gian không thể nào bộc lộ rõ ràng ý nghĩ của mình, mà phải mượn một chuyện ngụ ngôn với những lời xa xôi, gián tiếp. Ôn Như tiên sinh cũng ở trong hoàn cảnh như thế, (1932 là năm nước ta còn bị Pháp đô hộ), tất nhiên tiên sinh cũng chỉ úp mở được một câu: "Ý tứ ngụ ngôn như thế, không biết tinh thần người có giống thế chăng?"  mà thôi.
Giữa hai con đường: "đành lòng làm tôi tớ để được no ấm" và "đành lòng chịu đói khát để được tự do", tác giả dân gian đã kết thúc theo một câu: "Mỗi bên đi về một đường, không chuyện trò với nhau nữa, nhưng bên nào cũng không khỏi có điều nghĩ ngợi".
Bảo rằng "bên nào cũng không khỏi có điều nghĩ ngợi", có thể hiểu là bên nào cũng có cái đúng cái sai, cần soát xét lại. Câu nói lơ lửng ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Dân gian chỉ nêu lên một hiện trạng có hai khuynh hướng trái ngược nhau như thế, để chúng ta tự mình chọn lựa lấy. Những lời đối đáp giữa trâu rừng và trâu nhà đạt tình, đạt lý, tranh luận với nhau mà vẫn nhã nhặn, từ tốn.
Truyện cổ tích rất đặc biệt và hiếm có nầy đã xuất hiện trong giai đoạn vô cùng đau thương của xã hội ta dưới thời bị đô hộ. 
Ngày nay, khác với người xưa, chúng ta được tự do trong việc lựa chọn giữa hai con đường, với điều kiện phân biệt được phải trái, chính tà cho đứt khoát.

Truyện Đẽo cây giữa đường (I)

" Xưa có một người thợ mộc bỏ ra trăm quan tiền về mua gỗ để làm cái nghề đẽo cày mà bán.
" Cửa hàng anh ta mở bên đường, ai đi ngang qua cũng ghé lại coi. Có người nói:
- Phải đẽo cho cao, cho to, thì mới dễ cày.
" Anh cho là phải, đẽo cày vừa to vừa cao. Một người khác lại nói:
- Có đẽo nhỏ hơn, thấp hơn thì mới dễ cày.
" Anh cũng cho là phải, lại đẽo cày vừa nhỏ vừa thấp. Sau lại có người nói thêm:
- Nay ở trên ngàn, hiện có người đang phá hoang bao nhiêu đồng ruộng và cày tinh bằng voi cả. Nếu đẽo cày cho thật cao, thật to gấp đôi gấp ba thế nầy, để voi cày được, bày ra bán thì chắc chắn là bán được nhiều lắm, mà rồi được lãi vô vàn.
" Người thợ mộc nghe nói liền đẽo ngay một lúc bao nhiêu cày to gấp năm gấp bảy thứ cày thường bày ra bán.
" Nhưng bao nhiêu ngày tháng, chẳng thấy ai mua cho một cái nào. Thành ra bao nhiêu gỗ bỏ hỏng hết và bao nhiêu vốn liếng đi đời nhà ma.
" Người thợ mộc bây giờ mới biết dễ nghe người là dại. Nhưng đã quá muộn rồi, không sao chữa được nữa." (58)                                                      

Cũng có một truyện "Đẽo cày giữa đường" nữa, nhưng trước những lời bàn qua bàn lại của kẻ qua đường, người mộc đã ứng xử một cách khác hơn.

Truyện Đẽo cày giữa đường (II)

" Xưa có người thợ, một hôm đem gỗ ra đường để đẽo cày. Thoạt vừa đem gỗ ra đã có người đi qua hỏi:
- Bác làm cái gì đấy?
" Người thợ không ngoảnh ra nhìn, đáp:
- Tôi đẽo cái cày.
" Một chốc, mới đẽo được ít nhát, có người đi qua hỏi:
- Bác làm cái gì đấy?.
" Người thợ không ngửng đầu lên, đáp:
- Tôi đẽo cái chày.
" Chốc nữa, đẽo được một phần ba, có người đi qua hỏi:
- Bác làm cái gì đấy?
" Người thợ, đầu vẫn cúi, đáp:
- Tôi đẽo chiếc đũa.
" Chốc nữa, đẽo được nửa chừng, có người đi qua hỏi:
- Bác làm cái gì đấy?
Người thợ không ngừng tay đáp:
- Tôi đẽo cái chìa vôi.  (a)
" Lại chốc nữa, đẽo được ba phần, có người đi qua hỏi:
- Bác làm cái gì đấy?
" Người thợ hơi phát khùng, vừa làm vừa đáp:
- Tôi đẽo cái tăm xỉa răng.
" Lại chốc nữa, đẽo đã gần xong, có chị đàn bà đi qua cũng lon ton lại hỏi:
- Bác làm cái gì đấy?
" Người thợ vừa nhìn, vừa nhoẻn miệng đáp:
- Tôi đẽo cái "vừa đo".
Từ đó tịt, kẻ qua người lại không thấy ai hỏi han gì nữa, mà người thợ cũng ngồi yên, làm chu tất xong cái cày." (59)          

Chú giải - (a)- Chìa vôi: que dùng lấy vôi trong bình ra để ăn trầu.

Truyện Dê đi kiếm ăn với cọp

" Xưa có con cọp ở trong bụi rậm một mình lấy làm buồn bực lắm. Một hôm cọp thơ thẩn dạo chơi trên rừng, gặp một con beo cái, hai bên kết làm vợ chồng sinh được ba con nhỏ.
" Nơi rừng cọp ở bắt đầu không có mồi đủ ăn, nên vợ chồng cọp dẫn ba con đi tìm nơi khác có nhiều thú hơn để săn bắt.
" Giữa đường gặp một con dê hỏi đi dâu, cọp đáp:
- Chúng tao đi kiếm ăn.
" Dê xin đi theo để làm tay sai khiến. Cọp bằng lòng cho dê nhập bọn. Đi được một đoạn, vừa ra khỏi khu rừng, cọp thấy xa xa có một con hươu, liền bảo dê:
- Mày phải làm sao bắt con hươu đó lại đây cho tao. Hình như mầy có họ hàng gì với nó thì phải.
" Dê nói:
- Thân tôi bé nhỏ, một mình bắt sao được hươu. Phải nhờ có oai hùm của ông giúp vào thì mới xong.
- Ừ, mầy đi theo tao. Hễ khi nào tao đòi hươu đến thì mầy phải ra chận đường, chớ cho nó chạy thoát.
" Xong rồi, cọp bèn thét lớn tiếng đòi hươu đến, hươu sợ, hươu chạy, nhưng dê ra chận lại. Hươu thấy dê mới nói rằng:
- Tôi với chú, ta cùng một họ, một làng với nhau, sao chú lại nỡ ra chận đường để  cho tôi phải chết vì chú thế nầy?
- Không, bác nghĩ lầm rồi. Tôi đến đây là để cứu bác. Bác cứ đứng lại đây nói chuyện, can chi đâu mà ngại.
" Hươu còn đang tần ngần chưa biết bụng dê thực giả thế nào, mới đứng lại. Thì cọp đâu thình lình đã lẻn gần tới sau lưng, nhanh như chớp.
- Chú hại tôi! Chú giết tôi! Đừng giữ tôi thì tôi chạy thoát rồi. Bây giờ chú tính sao cho tôi đây?
" Dê uốn lưỡi nói:
- Tôi tưởng ông ấy còn ở xa, ai ngờ ông ta có phép gì mà đã tới đây mau như thế. Bác sợ ông ấy thì tôi cũng sợ ông ấy lắm. Bác chết đã đành, mà cái thân tôi biết đã thoát được nanh vuốt của ông ấy không!
" Nói xong, dê lánh sang một bên để cọp nhảy đến vồ lấy hươu mà cấu, mà cắn rất dữ dội.
" Lúc ngoắc ngoải sắp chết, hươu còn ráng quay đầu lại nhìn dê, thực thà bảo:
- Chú dê ơi, tôi đành chết ở đây vậy, còn chú muốn tránh khỏi thì hãy mau mau chạy đi.
" Lúc hươu chết thật rồi, cọp mới xả hươu ra, chia làm ba phần và bảo dê:
- Đây, tao một phần, bà ấy và các cô, các cậu một phần, còn một phần cho mầy.
" Nói xong, cọp và vợ con của cọp ngồi nghiến ngấu chỉ trong nháy mắt bao nhiêu thịt đều hết sạch. Còn dê cứ ngồi nhấm nháp, lai nhai mãi và chỉ ăn được một tí thôi. Cọp thấy vậy mới bảo dê rằng:
- Sao mầy ăn lâu thế? Hay tại mầy bé nhỏ nên ăn ít? Hay tại mầy không thích món thịt hươu? Để tao bảo nầy: Bây giờ cái phần của mầy đem ra đây, tao chia ra ba, tao ăn hai phần, còn mầy ăn một phần thôi, mà như thế cũng không chắc gì là mầy có thể ăn hết được.
" Dê tiếc lắm mà không dám cãi. Cọp lại ăn một lúc hết hai phần, còn dê có mỗi một phần mà gặm nhá mãi chưa xong. Cọp thấy vậy, lại bảo:
- Thằng nầy không biết ăn thịt hươu rồi. Cái phần của mầy vẫn còn nguyên vẹn. Thôi bây giờ bà ấy với các cô, các cậu chưa được thêm phần nào, hãy còn thèm, mầy phải đưa đây một ít để người ta ăn đỡ.
" Chia xong, dê năn nỉ với cọp:
- Thôi, tôi còn ít nầy, ông để thong thả cho tôi nuốt vậy. Răng tôi yếu, tôi phải nhằn từng tí một cho dễ tiêu. Xin ông đừng chia nữa nhé.
" Cọp giơ vuốt, nhe nanh bảo:
- Cái thằng nầy, mầy ăn mãi không hết, người ta thấy, người ta ăn hộ cho làm phúc, lại còn lếu láo gì!  Còn chút ít đó, mầy đưa đây, để tao cùng ăn cho nó chóng hết đi, kẻo ngứa mắt tao lắm.
" Dê van lạy nói:
- Thôi còn chút đây, xin ông để cho tôi ăn, ông đừng xơi nữa. Xin ông khoan tâm nghĩ lại: tôi cũng có công khó nhọc vào đấy mới được chút thịt nầy, bây giờ mà ông xơi hết thì tôi đói mất.
" Cọp nghe nói, gầm lên:
- À cái thằng nầy dở lý sự, công với  cốc gì mầy!  Nhọc với mệt đâu đến mầy! Mầy không đưa tao ăn nốt chỗ ấy, thì tao ăn thịt luôn cả mầy bây giờ.
" Dê run cầm cập, vội vàng còn bao nhiêu thịt đưa ngay cả cho cọp, rồi vừa lùi vừa nói rằng:
- Vâng, thì mời ông xơi nốt. Tôi xin ông tôi về.
" Rồi dê cắm đầu lủi thủi bỏ đi, không dám nghĩ đến thịt người đồng hương nữa. (60)

Theo hầu hạ kẻ cường bạo kiếm ăn không phải là một chuyện dễ dàng, yên thân.
Chúng sẽ bắt buộc ta phải phản lại đồng loại của ta, như dê kia đã hại hươu trong câu chuyện vừa rồi.
Kinh nghiệm rút ra từ ngụ ngôn nầy thật rõ ràng: Không bao giờ thể thỏa hiệp với bạo quyền vô nhân đạo một cách an toàn được.

Không thể thỏa hiệp với bạo quyền, tất phải tranh đấu. Nhưng đấu tranh bao giờ cũng gay go, không thể thành công ngay được.

Truyện Kiến, ong chọi với cóc

" Xưa có một người giàu, trong nhà nuôi đủ các thú vật, không thiếu giống gì. Bên phòng đông thì có những tổ của bao nhiêu thứ kiến. Bên phòng tây thì một tổ ong, quan quân rất đông. Còn ở phòng giữa thì độc chỉ có một chú cóc.
" Cóc vốn là con đại gian, đại ác. Hễ thấy kiến đi kiếm mồi, bò ra từng nào là nuốt hết từng ấy. Thấy ong bay ra con nào là đớp mất con ấy.
" Kiến lấy thế làm giận, liền hội họp lại để bàn cách đối phó.
"Trong giống kiến có một con eo lưng nói trước tiên:
- Giặc đến nhà đàn bà phải đánh. Các bác nghĩ sao? Các bác cứ đem quân ra cự với nó, chúng tôi dù yếu ớt, cũng dốc lòng xin theo.
" Lại có con kiến dài cẳng nói rằng:
- Con cóc là cậu ông Trời. Tôi tưởng đánh nó khó lòng được. Chi bằng ta chịu lui và cầu hòa với nó là hơn.
" Kiến càng vừa dứt lời, thì một con kiến lửa nộ khí xung thiên, mắng lại rằng:
- Anh nói lui là thế nào, hòa là làm sao? Nói như anh là chịu để cho nó đến giết hết nòi giống chúng ta đi hay sao? Làm sao mà nhát gan quá như vậy? Tôi xin với làng kiến: Lập tức giờ ngọ hôm nay, dân ta phải hội lại cho đủ ba muôn, chia thành đội ngũ chỉnh tề, rồi ta cùng xông vào bắt cóc về làm thịt khao quân cho bỏ ghét.
" Kiến eo lưng nghe nói bằng lòng lắm, bảo kiến lửa rằng:
- Bác nói phải đó. Thà rằng chết hết thì thôi, chớ đời nào ta lại chịu thua loài cóc nhái.
" Kiến lửa được anh em đồng tình liền đốc thúc suất mấy muôn binh ròng, tướng mạnh, rần rộ kéo thẳng vào phòng giữa.     " Đến nơi thấy cóc còn đang yên giấc, kiến lửa lấy làm đắc sách, tưởng nhân lúc xuất kỳ bất ý, thì có thể bắt được cóc dễ như chơi.
" Nào ngờ cóc tỉnh dậy, thấy chúng kiến kéo đến, lấy làm mừng, giả vờ lẳng lặng để kiến bò đến gần thì đớp luôn một lúc hết tới hơn hai muôn con. Còn lại chưa đầy một muôn tán lạc mau mau chạy hết.
" Kiến lửa thất trận, tiu ngỉu lui về chịu tội với làng kiến.
" Kiến eo lưng thấy thua trận, còn đang lo nghĩ, bỗng có kiến đen xin dâng kế:
- Bên cạnh chúng ta có nước ong rất cường thịnh, quân binh tinh nhuệ. Hay để cho tôi qua nước ấy cầu cứu, họa may họ chịu giúp thì thế nào cóc cũng bị thua.
" Chúa ong vốn đã thù ghét cóc hay đớp ăn dân của mình, nên nhận lời kiến yêu cầu, xuất một đoàn quân ong đi tiên phong, có kiến đi hậu tập, kéo nhau xông tận vào phòng giữa để tấn công cóc.
" Nhưng cóc đã không sợ kiến, cóc cũng cóc sợ ong. Lúc ong mon men vào, cóc cứ tỉa dần, tỉa hồi, hết toán nầy, đến toán khác. Quân ong hao tổn đến ba bốn nghìn quân, lấy làm khiếp sợ bèn tháo lui về. Ong lui trước, kiến lui sau.
" Hai bên bảo nhau, đành không làm gì nổi cóc, con cóc vốn là cậu ông Trời, Trời còn phải sợ nó huống chi là loài ong, loài kiến.
" Lúc về đến tổ, kiến eo lưng truyền cho hết các giống kiến từ giờ không được làm gì khiêu khích đến ông Cóc nữa. Và đâu đó phải đào hào cho sâu, đắp thành cho cao, cắm chông, cắm cừ cho chắc mà canh gác cẩn mật để giữ lấy thế thủ vậy.
" Khôn ngoan là khi biết không đủ sức chống lại được với người, thì phải tính kế mà phòng thủ lấy thân. (61)

Tính kế "phòng thủ" đi liền với sách lược "dục hoãn cầu mưu" của người xưa. Nhưng rồi cũng đến lúc phải hy sinh quyết liệt chiến đấu để dân tộc khỏi bị diệt vong và đất nước khỏi bị ngoại bang thôn tính.

Truyện Châu chấu đá voi

" Xưa có một năm, đang giữa lúc cỏ tươi lúa chín, có một con voi từ đâu trên rừng lạc xuống, sừng sững đứng giữa cánh đồng mà quạt tai, mà giơ ngà, mà uốn vòi, mà vẫy đuôi, mãi không đi.
" Bao nhiêu những cầm thú khác, từ con trâu, con bò, cho đến các giống chim chóc, con nào cũng sợ oai voi, cứ phải ẩn núp các nơi, không dám ra đồng tự do ăn cỏ, ăn thóc như trước nữa.
" Lúc bấy giờ có một con châu chấu nhảy nhót dưới đám cỏ, chỉ sợ chân voi dẫm phải, mới họp bao nhiêu châu chấu lại mà bàn rằng:
- Anh voi bây giờ chướng quá. Nếu anh cứ đứng đây mãi, thì bao nhiêu loài trâu, bò, hươu, nai, chim chóc đến không có miếng mà ăn. Mà cả bọn ta nữa, tính mệnh rồi cũng đến nguy với cái anh bốn cẳng to bằng bốn cái cột nhà ấy. Như chúng ta đây, mình nhỏ, sức yếu thật. Nếu ta lấy sức một chọi một với anh thì tất ta thua. Nhưng nếu bây giờ tất cả bao nhiêu anh em ta cùng ùa vào một lúc, lấy càng ta chém, lấy chân ta đá vào ngay đôi mắt thì liệu anh ta còn đứng vững được nữa không?
" Đàn châu chấu nghe nói cho là có lý, rồi rủ nhau cùng xông cả vào một lượt, nào đấm, nào đá, nào chém, nào bổ, con bên lỗ tai, con bên má, con ở dưới đuôi, con ở đôi con mắt, con ở đầu vòi.     "Đang lúc bất ngờ, bị tấn công, voi ta hoảng lên, sợ quá, vội bỏ chạy thẳng một mạch lên rừng, không dám nghênh ngang đứng đấy nữa.
" Châu chấu, trâu, bò, hươu, nai, chim chóc mới lại được xuống đồng, được thong thả mà ăn cỏ, ăn lúa.
" Châu chấu bé như thế mà châu chấu đánh nổi voi, vì châu chấu đã đông lại biết đoàn kết, tổ chức. Do câu chuyện nầy mà có câu tục ngữ rằng: "Châu chấu đá voi". (62)

Không phải dân ta chỉ đấu tranh chống ngoại xâm, mà còn phải đấu tranh chống cường quyền áp bức ở các địa phương nữa.

Truyện Lý trưởng khướu

" Xưa có một người lý trưởng làm việc đã hơn mười năm. Người ông, da thì đen, miệng thì nhọn, cái tính thì khắt khe mà lại bướng bỉnh, hay cãi. Thường trong làng txóm, ai có điều gì khốn khổ là ông liền lên quan kêu hộ, coi việc của người hơn việc của mình.
" Phải một năm trời làm đại hạn, cây cỏ khô héo, hoa quả chết sạch, đến mùa sưu thuế, dân gian khốn khó, không biết làm thế nào lo cho đủ tiền nạp.
" Lý trưởng khướu thấy tình cảnh dân như vậy, lấy làm thương xót, mới làm một lá đơn lên kêu quan hộ dân.
" Đơn rằng:
" Trời làm đại hạn rã rời,
" Việc dân thì nặng, Quan thời thương cho.
" Ngoài đồng cỗi lúa mất mùa,                       
" Về nhà bông đỗ đã khô đi rồi.                       
" Dân thì kẻ ngược, người xuôi,                       
" Kẻ tán, người lạc, ai người làm chi.
" Trời làm tai nạn còn gì,
" Xin Quan nghĩ lại bớt đi ít nhiều.
" Quan xem đơn vỗ bàn mắng rằng:
- Ta chưa hề thấy thằng lý trưởng nào xấc láo như thằng nầy. Con mắt thì tráo trưng, cái chân thì chân chì, da thì đen sì, miệng thì nhọn hoắc, việc thì khe khắc, đã không chịu làm, lại được cái già hàm, dám lên đây kêu ca những gì ! Lính đâu, nọc nó ra đẹt cho nó ba chục roi.
" Người lý trưởng nói:
- Quan đánh, tôi xin chịu. Tôi chẳng sợ chi. Bổn phận tôi làm lý trưởng, tôi phải hết lòng kêu giúp cho dân. Quan không soi xét, nghĩ đến tình cảnh của dân, thì tôi cũng tôi liều mạng tôi cho rồi...
" Nói đoạn người lý trưởng cắn lưỡi tự vận. Ông quan phải bồi mạng cho người lý trưởng và phải cấp tiền tống táng.
" Về sau, trên mộ người lý trưởng tự nhiên có một cây gì mọc lên rất cao, và có một con khướu thường ngày cứ chót vót trên cây mà hót. Thiên hạ cho con khướu ấy là hiện thân của người lý trưởng, và khi nào nghe nó hót thì người ta bảo nhau ca một câu rằng:
" Cây cao gió đánh lá lay,
" Thương thân con khướu kêu ngày, kêu đêm." (63)

Nhận xét -  Những kinh nghiệm ứng xử, tranh đấu rút ra từ các cổ tích trên đây, chỉ là một phần trong đường lối, quốc sách xưa nay của dân tộc Việt Nam. Tưởng có thể tóm tắt lại các kinh nghiệm ấy như sau:
Giữa hai con đường "đành ở vậy làm tôi tớ" và "đành đói khát mà được tự do" (như trâu nhà và trâu rừng kia), chúng ta đừng cả nghe lời dụ dỗ, tuyên truyền nhồi sọ, mà phải giữ vững lập trường (như anh thợ đẽo cày thứ hai kia), để chọn lựa cho đúng. Kinh nghiệm (của dê kia) cho thấy không thể nào theo bọn tàn bạo (cọp) để mưu sinh được, vì chúng sẽ bắt ta phải làm tay sai để giết hại đồng bào. Nếu chưa đủ sức chống trả (như ong, kiến kia) thì phải tính kế phòng thủ, dục hoãn cầu mưu, đợi thời cơ thuận tiện để vùng lên tấn công. Mặc dầu ta nhó bé (như châu chấu) và quân thù bội phần lớn mạnh hơn ta (như voi), nhưng từ xưa, ông cha ta đã bao nhiêu lần thực hiện được cái thế "châu chấu đá voi" như thế rồi. Gương anh dũng của các bậc anh hùng cứu quốc, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung... và tại hạ tầng cơ sở, gương của người anh hùng vô danh, đã tận lực đấu tranh, sẵn sàng hy sinh tính mệnh (như lý trưởng khướu) chống cường quyền áp bức, để bảo vệ quyền lợi cho nhân dân... còn sáng ngời trên những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Những ngụ ngôn trên đây, ông bà chúng ta đã dày công hư cấu mỗi chuyện thành một lớp tuồng nhỏ gọn gàng, dùng hành động của các thú vật mà diễn tả tâm lý con người, dùng hoàn cảnh và các phản ứng của trâu, dê, hươu, ong, kiến, châu chấu, chim khướu... mà chỉ rõ lập trường, đường lối đấu tranh của dân tộc cho hậu sinh nhận thức. Lời lẽ đối đáp giản dị mà đạt tình, đạt lý, nhã nhặn, ôn hòa. Có thể xem đó là những tác phẩm có giá trị văn chương, đồng thời cũng là những "bài học", những kinh nghiệm về ứng xử, về sách lược đường lối quốc gia dân tộc. Tuy còn rời rạc, chưa hệ thống hóa đầy đủ được, nhưng quả thật vô cùng quan trọng và quí giá.

Sau cùng, chúng tôi không thể không nói đến một ngụ ngôn xa xưa mà thời nay lại có tính cách rất hiện đại.

Truyện Con công và làng chim

" Một hôm làng chim hội họp cùng nhau định bầu cử lý trưởng để làm việc trong làng.
" Đủ mặt: nào anh cu, anh cò, nào anh sáo, anh sếu, nào anh quạ, anh vạc, nào anh hạc, anh công, cả đến anh ngỗng, anh vịt... không thiếu một anh nào.
" Nhiều anh cất tiếng xin làng cử anh cò làm lý trưởng. Anh cò nghe nói, vội vàng từ chối:
- Các anh coi tôi: khăn trắng, áo trắng, thật không xứng đáng chút nào. Đây có anh diệc, cổ dài, vai rộng, tôi xin nhường.
" Diệc nghe cò nói cũng mau miệng chối từ:
-  Các anh đã biết : Mình tôi lẳng khẳng, tính tôi ương ương. Tôi nói chẳng ai nghe, sợ sau sinh ra lắm chuyện. Đây có anh công, trong nhà giàu có, quần xanh áo tía, thật đáng làm anh, làng ta nên thuận tình bầu anh ấy ra làm việc.
" Công nghe nói đến mình, lấy làm hả dạ, chạy ra giữa đám, giương cánh xòe đuôi, múa may ưỡn ẹo, rồi thưa với làng:
- Làng đã bảo đến, biết tránh làm sao. Vậy những ông nào thuận tình tôi, xin ký kết vào giấy.
" Không ngờ bao nhiêu loài chim đồng thanh nói to lên rằng:
- Cái đuôi anh xòe, chúng tôi chịu là đẹp thật. Nhưng cái đầu anh bé nhỏ, trông nó loắt choắt làm sao, anh làm đàn anh chúng tôi không được. Làng bảo thì bảo, chớ chúng tôi không thuận.
" Công thấy thế, chữa thẹn nói rằng:
- Việc làng đã thuận, kẻ nói thì có người nghe. Không ngờ người nghe thì  ít, kẻ chê thì nhiều. Thật tôi lấy làm xấu hổ cho tôi và cả làng chim tôi nữa.
" Làng chim nhao nhao không ai thèm nghe công, liền giải tán tức thì. Công cụp đuôi, thu cánh, lùi vào một xó,vừa lùi vừa kêu: "xấu hổ! xấu hổ!" và rồi từ ngày ấy đến nay vẫn còn giữ hai tiếng "xấu hổ" mãi." (64)

Mượn cớ giải thích vì sao tiếng kêu của con công là "xấu hổ" (công "tố hộ"), dân gian dựng lên chuyện dân làng chim chê đầu của công quá nhỏ (ý nói  "không có đầu óc") nên dù công có bộ lông đẹp đẽ, giàu sang, và được người đề cử; mà dân làng chim vẫn không bầu công làm lý trưởng.
Đoạn tả anh công được đề cử ra trình diện, ưỡn ẹo, xòe đuôi thật sống động, gợi cho ta điệu bộ lố lăng của những người háo danh, thích khoe khoang. Công đã nói khéo léo chữa thẹn, tự nhận mình cảm thấy "xấu hổ. Dân gian đã mượn lời nhún nhường bất đắc dĩ của công, để mắng khéo rằng: Thật là xấu hổ thay cho bọn người vô loại mà lại ra "ứng cử " tranh chức vụ trong làng, để được ăn trên, ngồi trước và để được ức hiếp, bóc lột dân lành. 

Nhận xét -Việc "đi bầu người đại diện cho dân để đứng ra cai trị" không phải là một việc mới lạ đối với dân ta. Ngày xưa, mặc dù sống dưới chế độ quân chủ,  mà ở cấp xóm làng, toàn dân lại đi bầu cử lý trưởng một cách "dân chủ".
Theo những văn kiện còn lưu lại, thì từ đời Hồng Đức (cuối t.k. XV) đã có một đạo luật nói đến việc bầu cử lý trưởng. Toàn thể dân làng cũng bầu "Hội đồng kỳ mục" và "hương ước". Lý trưởng và các hương chức làm gì cũng phải được Hội đồng kỳ mục chấp thuận. Dân gian thường bảo nhau: "Phép vua thua lệ làng", mà "lệ làng" tức là "hương ước" cũng do dân bầu ra.
Dân gian đã dùng mấy ngụ ngôn trên, để răn dạy ta phải bầu cử thế nào cho đúng với khát vọng của nhân dân, và nếu dùng danh từ ngày nay, thì bầu cử thế nào cho đúng với "tinh thần dân chủ".

Võ Thu Tịnh

Nguồn:  Trang nhà Võ Thu Tịnh

Chủ đề: Truyện kể dân gian | Lượt xem: 868 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==