Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 19/04/2024, lúc 5:42 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 19 » Các Lễ Hội Hòa Bình
10:15 PM
Các Lễ Hội Hòa Bình

Các Lễ Hội Hòa Bình

HỘI NÉM CÒN - HOÀ BÌNH

Ném còn là nét đẹp văn hoá thể hiện bản sắc dân tộc của cư dân miền núi phía Bắc. Mùa xuân về, cứ đến ngày mồng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm là ngày hội ném Còn của vùng Mường Hoà Bình lại diễn ra tại thị xã Hoà Bình, thu hút sự tham gia của đông đảo bà con trong vùng.

 

Tiếng trống hội vang lên, dàn cồng chiêng được các bà, các cô, các chị phối hợp hoà tấu nhịp nhàng cùng tiếng sáo, tiếng nhị réo rắt. âm hưởng của đất mường hội tụ về đây. Nụ cười cụ già, niềm vui em nhỏ, trò chơi ném còn vẫn thu hút những cô gái Mường trong bộ trang phục dân tộc cùng những chàng trai khoẻ mạnh, đang tung những quả Còn tình tứ se duyên…

 

Ném Còn xưa gọi là đánh Còn( đánh đu, đánh đáo) đây là một trò chơi đặc biệt của những vùng Mường và một số dân tộc khác. Trò chơi này được lưu truyền từ thời Hùng Vương nghĩ là từ khi còn có các quan lang và các cô Mị Nương. Còn là một trò chơi quý phái của các tiểu thư con của các lạc hầu lạc tường.

 

Còn là một trái cầu to bằng quả cam lớn được khâu bằng vải trong nhồi bông, hoặc cỏ mềm, hoặc vải vụn, bề ngoài bọc vải mềm có tua ngũ sắc trông sặc sỡ và rất đẹp. Mỗi quả còn thể hiện phong cách riêng của từng thiếu nữ tết còn. Những cô gái trầm tính thường thể hiện cá tính của mình qua quả còn màu xanh- màu của cây cỏ, núi rừng. Những cô gái có cá tính mạnh mẽ biểu hiện qua quả còn màu đỏ — màu của sức mạnh tình yêu.

 

Tổ chức ném Còn thường chọn trên một khoảng đất rộng người ta trồng một cây tre cao, trên đỉnh thường treo một lá cờ ngũ sắc phấp phới bay biểu hiện cho cuộc vui chơi ngày xuân, tiếp dưới có buộc một vòng tre đường kính ước độ hơn một gang tay có quấn giấy xanh đỏ xung quanh vòng.

 

Ngày nay người ta thường dán giấy trắng mỏng, các thiếu nữ chơi Còn đứng hai phía sân để lần lượt thi ném để Còn lọt qua vòng tre. Khán giả phân lớn là các thanh niên đứng vây quanh sân. Mỗi lần trái Còn đi trúng qua giữa vòng, khán giả hò reo khen ngợi, khích lệ. Trái Còn văng đi trái Còn đánh lại, những con mắt ngước theo và có những con tim hồi hộp khi trái còn từ từ lướt tới vòng Còn. Nhiều cô gái ném trái Còn để bói nhân duyên của mình, nếu trái Còn trúng đích thì người đó tin rằng sẽ được may mắn trong nhân duyên.

 

Sân chơi kéo dài nhiều ngày và chính nơi đây cũng là những điểm hò hẹn gửi trao những ánh mắt để tạo mối nhân duyên. Thật đúng là những ngày đầu mùa xuân cây cối sẽ nẩy lộc đơm chồi ra

_________________________________________

HỘI MỤ THỐ CỦA NGƯỜI MƯỜNG - HOÀ BÌNH

Là người con của vùng đất Mường Bi, tôi nhớ thời thơ ấu, bố, mế thường kể cho tôi nghe về áng mo "Đẻ đất, Đẻ nước” nổi tiếng, được học hát thường rang, bọ mẹng, được đắm mình vào các ngày hội của bản, của Mường. Thế nhưng trong ký ức đó, tôi không bao giờ quên không khí thành kính đầy ý nghĩa của lễ vía mụ Thố.

 

 

 

Một lễ nghi chỉ được tổ chức cho người già lúc ốm đau bệnh tật. Gia đình sợ vía của người già đi xa mất, mọi người tổ chức làm vía cho người già để cầu mong sức khoẻ. Trở về với Mường Bi hôm nay, một lần nữa tôi được hoà mình vào nghi lễ trang trọng này.

 

Bao giờ cũng vậy, trước khi tổ chức lễ vía mụ Thố, mỗi một gia đình người Mường thường nhờ ông Mo chọn ngày lành tháng tốt để làm vía. Ngày lành tháng tốt đến người con dâu cả trong gia đình đội nón chống gậy cầm ớp khọ đi xin gạo, xin vải của hàng xóm. Số gia đình người con dâu vào xin gạo tương ứng với thứ tự ngày hôm đó. Nếu là ngày mùng 3 cô đi xin gạo vào 3 nhà, ngày mùng 5 sẽ vào 5 nhà. Lúc này, người con dâu không khác gì ăn xin, song dù ít nhiều không quan trọng, điều quan trọng hơn cả là sự đùm bọc thương yêu nhau của xóm giềng đối với người già.

 

Cùng lúc đó, người con trai trưởng trong gia đình là chồng cô đi vào rừng tìm cây si mọc ở nơi cao ráo đem về. Trong nghi lễ này không thể thiếu cành si bởi trong đời sống tâm linh của đồng bào Mường hình tượng cây si được tôn vinh như một vị thần có sức sống kỳ diệu. Và theo quan niệm của đồng bào, cây si truyền sức sống mạnh mẽ kỳ diệu cho những người cao tuổi để họ luôn có sức khoẻ không gặp ốm đau bệnh tật sống lâu trăm tuổi.

 

Đối với người Mường, bữa ăn thường ngày rất đơn giản, đạm bạc, nhưng bất kỳ ngày lễ, Tết hay nhà có công có việc, mâm cỗ được chuẩn bị khá tỉ mỉ. Khi những tia nắng cuối ngày khuất dần sau núi cũng là lúc gia đình tổ chức lễ Mụ Thố. Ngay trong lễ mụ Thố, điều nhận thấy đó là công việc bếp núc cỗ bàn hầu hết do người đàn ông đảm nhận. Đây cũng là thói quen lâu đời của người Mường. Còn người phụ nữ chỉ đảm nhận tiệc chay trong buổi lễ. Đồ xôi, gói bánh, từ hái rau hay ở vóng trong phụ giúp.

 

Nhận được lời mời họ hàng thân thích, anh em hàng xóm mang theo một gói cơm hoặc một bát gạo, một chai rượu đến với ý nghĩa để góp lễ mời vía người ốm ăn gọi là làm "cấp”.

 

Cỗ cúng trong ngày lễ mụ Thố thường được sắp đặt 5 mâm. Trên các mâm cúng đều có xôi, rượu, vải, tiền đặt lễ, đồ chay. Thế nhưng trong 5 mâm thờ đó, mỗi mâm thời vị thần khác nhau. Mâm đầu tiên có một cái vai lợn đùi trước, một lá thịt đầu thăm, đĩa muối và bát nước canh. Mâm này dâng lên tổ tiên ông mo. Mâm thứ 2 thờ ông hộ gốc kéo si, bà hộ lộc kéo sang. Hai vị này ngự ở cửa liền đến Nam Chu nơi đình chân vua Pán quán vua trời. Mâm thứ 3 thờ ông Kem cầm sổ trạng, mâm thứ tư thờ vua Pua sang nàng mụ thêm già. Hai vị này ngự tại vòm si hoa, cành si thơm, bờm si ngọt. Mâm thứ năm thờ hai Pua sang nàng mụ, vị này cũng ngự tại vòm si hoa, cành si thơm, bờm si ngọt. Mâm cỗ đặt thứ tự từ ngoài vào trong ở vị trí trang trọng nhất trên sàn. Bên cạnh các mâm cúng là 1 cái rá đựng cành si và các vật dụng làm lễ khác như cuốc, nón, quần áo.

 

Trong đời sống tinh thần của đồng bào Mường, thầy Mo có vai trò hết sức quan trọng. Ông là nhân vật có quyền năng thông quan với thế giới thần linh. Vì thế một trong những người không thể thiếu trong lễ mụ Thố là ông Mo. Khi các mâm cỗ đã sắp đặt đầy đủ, thay mặt cho gia đình, thầy mo khăn áo chỉnh tề thắp hương rồi khấn. Phải năm trời không thuận, đất không lành, người già ốm lắm đau nhiều, hôm nay họ hàng con cháu có lòng đức, lòng đạo, lòng thảo, lòng nhân, soạn lên mâm vía lễ mụ thố, cầu mong giữ vía cho người già mạnh khoẻ trở lại, sống xa già lâu cùng con cháu họ hàng”. Sau khi trình bày lý do xong, ông mo tiếp tục khấn để mời mụ thố về. Dân gian tương truyền, nhà mụ trú ở gốc cây si trên trời cao nên thầy mo phải lên trời đi tìm mụ về. Dâng đủ 10 "thông” cơm chay, 10 "thông” cơm rượu. Con cháu ngồi dưới vái lạy mời các thần và mụ thố. Sau đó, thầy Mo gieo quẻ âm dương. Khi công việc thuận lợi, bà mụ xuống chứng giám, ông Mo thay mặt bà mụ đội nón tay cầm mảnh vải viết lên sổ trạng xin được thêm số, thêm phận cho người già đang đau ốm.

 

Viết sổ trạng xong, người nhà một sợi dây được buộc vào cành si để tiến hành nghi lễ kéo si, đây là nghi lễ quan trọng nhất trong buổi lễ này. Trước khi kéo, ông Mo tiếp tục khấn. Con cháu ở đâu hãy lại đây! Cầm dây kéo cây si dậy. Cho hồn người mạnh mẽ trở lại, để người sống lâu nghìn năm trăm tuổi. Buổi nào cây si đổ, người mới đổ. Chỗ nào cây si héo người mới héo. Con cháu hỡi, con cháu hà, ta cùng kéo cây si dậy! Để cây si mãi chắc gốc bân cành. Để người sống lâu ngàn năm. Để người sống lâu trăm tuổi. Dậy dậy si hỡi! Dậy dậy si hà. Lúc này con cháu cùng xúm vào cùng kéo, mỗi nhịp kéo mọi người lại đồng thanh " hò....hơ” cho đến khi cây si dựng vưng chắc mới thội.

 

Cây si được dựng lên vững chắc, ai nấy trong gia đình cảm thấy trong lòng thư thái. Người già trong nhà thì cảm thấy yên lòng, yên dạ, tinh thần sảng khoái như được tăng hêm sinh lực. Làm lễ xong ông Mo tuyên bố kéo si đã lành, xanh lá gốc, lá ngọn con cháu hãy cùng mời ông bà uống rượu, ăn uống no say. Con cháu bê mâm cơm vía đến cho người già ăn gọi là ăn lấy vía.

 

Trong không khí hân hoan của bà con và gia đình làm lễ, ông Mo cho phép mọi người ăn cơm, uống rượu cần để hưởng phúc, hưởng lộc của thần linh. Không ồn ào, náo nhiệt như những lễ hội khác, lễ vía mụ Thố gần gũi với đời sống tâm linh của người Mường. Ngày nay, nghi lễ này vẫn được tổ chức ở khắp các bản mường khi gia đình nào có người già yếu.

 

Được đắm mình vào lễ mụ, tôi càng hiểu thêm tâm hồn và lẽ sống của đồng bào Mường. Nghi lễ này còn thể hiện sự gắn kết hoà đồng giữa thiên nhiên và con người. Con người vun đắp cho cuộc sống, thiên nhiên thêm tươi, thêm đẹp. Thiên nhiên tạo ra môi trường sống trong lành cho con người.

_________________________________________

LỄ HỘI TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ NGƯỜI MƯỜNG - HOÀ BÌNH

Lễ hội trong đời sống của người Mường Hòa Bình: Hòa Bình là tỉnh cửa ngõ vùng Tây Bắc giáp với Thủ đô Hà Nội, nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử của nền văn hóa Hòa Bình được nhiều nhà khảo cổ phát hiện. 
Khi nhắc đến văn hóa Hòa Bình, không thể không nhắc tới văn hóa của người Mường. 
Trong cộng đồng bảy dân tộc gồm Mường, Dao, Thái, Tày, Mông, Kinh và Hoa đang sinh sống trên mảnh đất Hòa Bình thì người Mường chiếm tới 63,3% và được gắn liền với những địa danh nổi tiếng là Bi, Vang, Thàng, Động, cùng áng sử thi "Đẻ đất, đẻ nước.” 
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, người Mường Hòa Bình có những đặc trưng riêng về ngôn ngữ, trang phục, phong tục, tập quán... tạo nên vẻ đẹp phong phú và đặc sắc trong bức tranh văn hóa Hòa Bình. 
Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều nét văn hóa truyền thống của người Mường Hòa Bình vẫn được lưu giữ và phát huy, trong đó, lễ hội được đánh giá là một nét văn hóa đặc trưng trong đời sống sinh hoạt có từ xa xưa của người Mường, bao gồm các mặt như tinh thần, vật chất, tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa nghệ thuật.... 
Bà Bùi Thị Chiển, Giám đốc sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, người Mường Hòa Bình cũng giống như nhiều dân tộc khác, việc tổ chức lễ hội là một hoạt động sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa giáo dục truyền thống, là nhu cầu của một làng, một mường. Có mường thì tổ chức lễ hội mỗi năm một lần, có mường hai, ba năm tổ chức một lần tùy theo điều kiện. 
Thường vào mùa xuân, ở các vùng Mường trong tỉnh Hòa Bình bắt đầu tổ chức lễ hội, không chỉ để vui chơi mà còn là dịp để bà con thỉnh cầu ước nguyện với trời đất, thần thánh, tổ tiên cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. 
Qua các lễ hội người ta gửi gắm hy vọng vào một mùa bội thu, một năm mới ấm no, hạnh phúc, bình yên cho cả bản mường. 
Nét đặc trưng ở các lễ hội dân gian của người dân tộc Mường thường thể hiện sự kết nối của cộng đồng, tinh thần đoàn kết, gắn bó của một bản Mường, một vùng Mường. 
Trong lễ hội, phần lễ thường được tổ chức rất trang trọng và linh thiêng. Theo quan niệm của người Mường, họ thường thờ cúng những vị thần, thánh, có thể là thần Đất, thần Nước, tổ tiên hoặc người có công lao dựng làng, dựng mường… 
Là sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh sâu sắc, các nghi lễ thể hiện sự sống hòa mình cùng thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên của một cộng đồng Mường. 
Ngày nay, những sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh vẫn còn rất phổ biến và giữ đựơc nguyên những nét đặc trưng vốn có từ xa xưa. Ví như mâm cỗ cúng trong các lễ hội, hầu hết tất cả đều là thứ được săn bắn từ rừng về, bắt được từ suối lên hay do người dân tự trồng cấy. Nó vừa có tính chất từ thiên nhiên vừa chứa đựng tấm lòng của người dân đối với các vị thần linh. 
Mỗi nghi lễ lại kèm theo một sinh hoạt văn hóa như đánh cồng chiêng, cúng Mo, thổi kèn, múa quạt và những hoạt động vui chơi, giải trí như đánh mảng, ném còn, bắn nỏ, chơi đu, thi hát đối, thường đang, bọ mẹng… 
Những hình thức nghệ thuật này từ chỗ để truyền đạt cho thần linh niềm mơ ước, sự biết ơn của dân làng đã trở thành những hoạt động để đáp ứng đời sống tinh thần hàng ngày của người dân. 
Để bảo tồn và phát huy được bản sắc truyền thống của dân tộc Mường Hòa Bình, Bà Hoàng Thị Chiển cho biết thêm: "Phải chắt lọc làm sao để việc tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, phù hợp với từng vùng, từng mường. Việc phục dựng, khơi dậy các lễ hội truyền thống phải được thực hiện, cơ quan chức năng phải nghiên cứu đồng thời chính quyền địa phương các cấp cũng phải quan tâm để tổ chức lễ hội cho đúng ý nghĩa và quy mô của nó." 
Lễ hội dân gian truyền thống của người Mường dù ở mỗi vùng khác nhau nhưng đều có một nét chung là phản ánh nét đẹp của cộng đồng dân tộc hướng về cội nguồn và thể hiện quan niệm sống, ý nghĩa tâm linh của họ. 
Do đó, việc phục dựng và phát huy những lễ hội dân gian truyền thống là việc làm cần thiết, góp phần gìn giữ và phát huy những nét văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mường, đồng thời thúc đẩy tiềm năng du lịch để giới thiệu cho du khách biết về hình ảnh con người và vùng đất Hòa Bình./. (Internet)

_________________________________________
LỄ HỘI KHAI HẠ - HOÀ BÌNH

Lễ hội khai hạ ở Mường Bi, Hòa Bình: 
Khai hạ, lễ hội dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ, là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào Mường Bi, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Lễ hội thể hiện ước mơ mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 
Lễ hội khai hạ khởi đầu cho năm mới với hai phần lễ và hội. Theo quy định của Lang Mường Bi, sau nghi lễ này người dân mới được vào rừng lấy măng, củi, săn bắn... nên còn được gọi là lễ xuống đồng và mở cửa rừng. 
Đối tượng thờ cúng trong lễ hội là thành hoàng Quốc Mẫu Hoàng Bà, Đức Thánh Tản - người đứng đầu trong Tứ Bất Tử và các vị thần Ai Lý, Ai Lo - những người đã có công đào mương Lò. 

Theo truyền thuyết dân gian vùng Mường Bi thì Quốc Mẫu Hoàng Bà chính là thân mẫu của Thánh Tản. Hoàng Bà vi hành từ núi Tản, sông Đà đến vùng Mường Bi thăm dân gian được nhân dân vùng Mường Bi đón tiếp tử tế, chu đáo. Cảm kích trước tấm lòng ấy, bà đã chỉ dạy cho người dân nơi này cách làm ruộng hai vụ, chăm sóc lúa tốt bời bời, dạy bảo dân làng các ăn ở... Sau đó, bà ra bờ suối xóm Lồ bay về trời. 
Cũng theo truyền thuyết, Tản Viên Sơn Thánh là con rể cùng Hùng Vương thứ 18 đã cùng hai em họ là Cao Sơn Đại Vương và Qúy Minh Đại Vương hợp sức thiên hạ giúp vua Hùng chống giặc ngoại xâm. Sau chiến thắng vua ban thưởng công lao cho Tản Viên Sơn Thánh là Nhạc Phủ kiêm Thượng Đẳng Thần; Cao Sơn Đại Vương là Tả Kiên Thần; Qúy Minh Đại Vương là Hữu Kiên Thần. 
Theo sự tích, ở vùng Ba Vì (Sơn Tây), vùng sông Tích Giang và các vùng Mường cổ đều thờ Thánh Tản Viên (người Mường Hòa Bình gọi là Thánh Đản). Các triều đại phong kiến Việt Nam phong mỹ đều gọi là "Thượng Đẳng Thần". Cũng như đồng bào Mường ở các vùng khác, đồng bào Mường ở vùng Mường Bi (Tân Lạc) đã thờ vong hồn Quốc Mẫu Hoàng Bà và Tam vị Tản Viên Sơn Thánh. 
Thông thường, xã được chọn đăng cai sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị một con trâu tơ dành vào việc tế thần và sẽ được xả thịt để tiếp đãi toàn bộ những người dân trong vùng đến dự hội. 
Đồ tế gồm có thịt trâu, xôi trắng và đặc biệt là một con hoẵng săn được trong thời gian chuẩn bị lễ hội (đôi khi được thay bằng bò). Thầy tế xướng lên những lời văn khấn cổ, cầu cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, nhân dân an thái. 
Tiếp theo là lễ rước kiệu Thánh từ đền ra bãi hội và rước trở về đền. Đám rước được tổ chức long trọng với cờ quạt, đồ nghi trượng cùng các vị cao niên, các vị thầy tế và toàn thể người dân trong vùng. 
Một đặc điểm độc đáo của lễ hội Khai hạ Mường Bi là tục tu sửa mương Lò. Đây là con mương đảm nhiệm việc tưới tiêu cho toàn vùng, có vai trò hết sức quan trọng với nền nông nghiệp. Theo quy định, mỗi gia đình trong vùng đều cử một người tham gia vào công việc chung như: nạo vét lòng mương, lưu thông dòng chảy. 
Trong tiếng chiêng rộn rã, thúc giục của các giáp, mỗi người đều hăng say làm việc cho tới khi con mương được tu sửa xong. Mọi người nghỉ tay, cùng dùng cơm và thịt tế được chia, say sưa với men rượu cần, chuẩn bị cho phần hội. 
Phần hội với những trò chơi dân gian (bắn nỏ, kéo co, đánh cù, đánh mảng...), văn nghệ dân gian (thi xắc bùa, hát đối...) và ẩm thực dân tộc độc đáo. 
Trên bãi đất rộng, các chàng trai, cô gái và thậm chí là trẻ em cùng vào tham gia thi bắn nỏ. Những cánh nỏ giương căng bật dây tanh tách, những mũi tên lao vun vút, những tràng pháo tay vang lên rộn rã và tiếng cồng báo hiệu thắng cuộc như tái hiện lại tinh thần thượng võ, bảo vệ quê hương của miền đất này. 
Bên kia bãi là hội thi ném còn và hát trao duyên khởi đầu cho những tình yêu đôi lứa. Phía xa là hội đánh cù sôi động với những con quay to bằng quả bưởi non... Trong giai điệu xắc bùa ngân nga, các cuộc thi và trò chơi dân gian được diễn ra rất sôi động. 
Thông qua nghi lễ này, người dân bày tỏ lòng kính trọng tới các vị thần, cầu một năm mưa thuận gióa hoà, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, quê hương giàu đẹp. Đây cũng là dịp gặp gỡ, giao lưu thắt chặt tình đoàn kết, tinh thần cộng đồng, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc. 
Hoà Bình có 36 lễ hội văn hoá dân gian nhưng hiện chỉ còn một nửa số đó được tổ chức trong đó có lễ hội Khai Hạ Mường Bi. 
Không gian tổ chức lễ hội chủ yếu là tại đình chùa tuy nhiên toàn tỉnh chỉ còn không quá đến 20 ngôi lại trong tình trạng xuống cấp, nhiều ngôi chỉ còn lại nền móng cũ. Vì vậy, những lễ hội diễn ra ở đền, miếu, phủ của làng đang mất dần. 
Bên cạnh đó, nghệ nhân đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức lễ hội nay đều đã cao tuổi, sức yếu, vấn đề đào tạo lớp kế cận về cách cúng tế, hát xướng hay biểu diễn nghệ thuật dân gian lại chưa được coi trọng. 
Nhiều bài văn tế được truyền khẩu từ đời này sang đời khác đang dần mai một, thậm chí vay mượn từ nơi khác. Thời gian diễn ra lễ hội chủ yếu dành cho phần hội, còn phần lễ rất ít. Trước kia, lễ vật dâng cúng luôn tải chứa một nội dung tín ngưỡng rõ ràng gắn liền với nhân vật phụng thờ. Nhưng do mai một, nên ý nghĩa sâu xa của vật dâng cúng cũng không còn được nhiều người biết đến 
Hoà Bình cũng đã đưa ra một số giải pháp để hoạt động lễ hội văn hoá dân gian đi vào nề nếp và thực sự là sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh là: kiểm tra, giám sát ngăn chặn hành vi vi phạm quy chế tổ chức lễ hội; xoá bỏ việc tổ chức phô trương, ganh đua giữa các làng xóm gây lãng phí; tổ chức cho các nghệ nhân truyền dạy lại những vấn đề liên quan đến lễ hội; khuyến khích tổ chức trò chơi dân gian cho mọi lứa tuổi... (Internet)

Nguồn: saigontoserco

Chủ đề: Lễ hội miền Bắc | Lượt xem: 823 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==