Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 4, ngày 09/10/2024, lúc 5:47 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 21 » Chuyện về cái bánh tráng (bánh đa)
0:07 AM
Chuyện về cái bánh tráng (bánh đa)

Chuyện về cái bánh tráng (bánh đa)

 

(Toquoc)- Bánh tráng thì có gì mà phải nói. Ở đâu trên đất nước ta chả có bánh tràng. Đúng vậy. Nhưng có chuyện để nói đấy, nói về cái bánh tráng của quê tôi - Thanh Hóa.

Cứ đến mùa nghỉ mát ở Sầm Sơn, gần như bà du khách nào, trước ngày giã biệt cũng ra chợ Sầm Sơn mua hàng chục cái bánh đã nướng về ăn ngay và hàng chục cái bánh sống về làm quà hoặc để ăn dần. Tôi có bà thông gia quê tận Tuy Hòa - Phú Yên sau khi được biết hình dạng và hương vị của bánh tráng Thanh Hóa, thì năm nào ra thăm con cháu, lúc trở về cũng không quên mua hàng mấy chục cái chưa nướng đem về để đãi họ hàng bè bạn bữa nhậu có bánh tráng Thanh Hóa. Mặc dù ở Phú Yên cũng không thiếu gì. Chỉ bởi bánh tráng Thanh Hóa hình dạng đẹp và có mùi thơm, vị bùi hơn hẳn.

 

Nhưng tại Thanh Hóa thì cũng chỉ các địa phương vùng biển hoặc cận kề vùng biển là có bánh tráng ngon nôi tiếng mà thôi. Có thể kể Ngư Lộc (Hậu Lộc), chợ Môi, chợ Đình, chợ Ghép (Quảng Xương), chợ Kho, chợ Còng, Nghi Sơn (Tĩnh Gia). Bánh tráng ở thành phố Thanh Hóa cũng khá ngon, nhưng mỏng hơn và ít vừng hơn.

 

Thông thường là bánh tráng có vừng, vừng vàng. Có khi thấy bánh tráng vừng đen. Nhưng vừng đen không thơm bằng vừng vàng. Mùa đông có gấc chín, người ta làm một ít bánh tráng gấc màu đỏ đẹp, ấm và thơm béo. Xưa kia có giống lúa thông, gạo đỏ. Gạo đỏ làm bánh tráng thơm bùi hơn gạo trắng. Nhưng vì giống lúa này năng suất thấp, nên người ta bỏ trồng từ lâu rồi. Gạo xát trắng quá thì mất hết cám nên làm bánh tráng cũng không thơm ngon; bởi trong cám chứa nhiều sinh tố B1.

 

Không có thứ bánh nào có nhiều công năng như bánh tráng. Bánh mì nguồn gốc từ châu Âu, cũng không sánh được. Bánh tráng được ăn kèm với rất nhiều món trong các bữa ăn và tiệc tùng. Thậm chí, mít dai (còn gọi là mít mật) mà ăn kèm với bánh tráng cũng thật ngon. Ai chưa ăn như thế, xin cứ một lần ăn thử thì chắc là sẽ thích. Cũng không có thứ bánh nào như bánh tráng, nó đem lại cho bữa ăn, bữa nhậu hương thơm, vị bùi của gạo của vừng đã đành còn cho âm thanh dòn tan vui rộn mỗi lần bẻ bánh.

 

Và còn điều thú vị này nữa: chỉ có bánh tráng Thanh Hóa sau khi nướng mới có hình dạng lòng máng. Bánh tráng ở các địa phương khác nướng xong thì cứ phẳng bè ra giống cái đệm, cái mẹt, kích cỡ lại quá lớn, nom không đẹp mắt. Chính vì có hình dạng lòng máng như thế mà âm thanh dòn vang còn được tăng lên lúc bẻ bánh. Hình dạng lòng máng của cái bánh tráng Thanh Hóa là do kỹ thuật nướng. Ấy là người ta vừa quạt vừa uốn bẻ cái bánh bằng động tác nhanh và khéo léo. Cho nên cái bánh nướng xong thì có hình dạng đẹp như vậy.

 

Bánh tráng Thanh Hóa là thế, nhưng không hiểu vì sao cho tới nay chỉ được tiêu dùng nội địa. Trong khi bánh tráng của một số nơi ở miền Trung như Phú Yên và miền Nam như Củ Chi đã xuất khẩu được, đặc biệt là những nước có đông người Việt sinh sống. Tôi đã thấy những du khách nước ngoài, nhất là các du khách Âu Mỹ cụm nhau ăn bánh tráng với một số món ăn Việt, rất vui nhộn, tại Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), tại Nha Trang và Mũi Né.

Thái Thi

Chủ đề: Ẩm Thực | Lượt xem: 884 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==