Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 19/04/2024, lúc 4:05 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 19 » Độc đáo lễ hội năm làng Mọc xưa
10:40 PM
Độc đáo lễ hội năm làng Mọc xưa

Độc đáo lễ hội năm làng Mọc xưa


Nằm bên bờ Nam sông Tô là những làng Mọc cổ thuộc đất xã Nhân Mục xưa, gồm năm làng Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân và Phùng Quang (Phùng Khoang). Xưa dân làng Mọc chọn năm nào phong đăng hòa cốc, dân khang, vật thịnh sẽ  mở hội. 

Hội năm làng được tổ chức rất trọng thể với nhiều nghi thức, trò diễn hấp dẫn. Các già làng cho rằng lễ hội năm làng được tổ chức nhằm rước các Thánh du xuân và thưởng lãm cảnh quan năm làng; năm làng vẫn giữ qui ước, lệ như xưa là đến kỳ Đại hội Năm làng Mọc sẽ vẫn cùng nhau tổ chức Lễ hội và rước sách tế Thần cầu cho quốc thái dân an...

Chuẩn bị lễ hội


Lễ hội năm làng được tổ chức chính vào ngày 11/2, nhưng thực ra chương trình lễ hội đã bắt đầu từ trước đó khá xa, rục rịch từ tháng chạp người ta đã sắm sửa, chỉnh trang lại đình chùa, miếu mạo.

Từ cuối tháng chạp, các làng đã chuẩn bị những đồ lễ phục vụ cho Tết Nguyên đán và hội sắp tới. Đến cuối tháng giêng, tất cả những chủ ruộng ngô trên khắp cánh đồng và sông Tô trước cửa đình đã được thông báo trước để không trồng ngô từ đầu vụ, khu đó để dựng rạp làm hàng quán bán hàng trong dịp hội về.  Thậm chí, sông Tô Lịch vào ngày hội cũng là những hàng quán được mở ra dưới lòng sông. 

Xung quanh khu vực đình - trung tâm tổ chức lễ hội năm làng, người ta dựng các lều quán san sát từng gian một. Chỗ này tổ tôm điếm, chỗ kia đánh cờ người, nơi biểu diễn tuồng chèo, nơi đấu vật, đấu roi, nơi biểu diễn xiếc, quanh ao đình có chuẩn bị các trò đi cầu treo, đáo đĩa, bắt vịt dưới ao, bên kia ruộng sâu chơi bịt mắt bắt dê... Khu vực trước cửa đình phía tay phải người ta dựng một bàn cờ rộng tới vài trăm mét vuông bằng sàn tre nứa để chơi cờ người. Các sòng bạc như thò lò, sóc đĩa, tôm cá, bài Tây mang tính chất thua được mở ra rất nhiều; ngày đêm mọi người qua lại vẫn đông đúc. Hội kéo dài chừng hơn nửa tháng mới thôi.

Các nghi lễ chính

Lễ hội chính thức từ mùng 10 đến 12/02 âm lịch. Trong suốt thời gian làng vào đám, mỗi tối dân làng ở đây có cụ từ và ban tổ chức điều hành hội dâng trầu cau, rượu và hương hoa cúng thần. 

Ngày 11/2 là ngày rước chính hội. Đám rước bao gồm nghi trượng đủ bộ, kiệu Thánh, kiệu Long Đình, đội múa sinh tiền, trống bản, Rồng, Sư tử, quan viên chức sắc...của năm làng tập trung về trung tâm hội vào sáng 11/2. 

Đình làng Giáp Nhất đã trang hoàng cờ hoa, đèn nến rực rỡ, khói hương nghi ngút tạo thêm sức truyền cảm linh thiêng.

Tiếng pháo hiệu nổi lên cũng là lúc các chân kiệu vào vai bắt đầu cuộc rước. Đi đầu là năm lá cờ ngũ hành do năm người rước theo ý nghĩa tượng trưng cho năm hành kim-mộc-thủy-hỏa-thổ. Kế đến là đội múa cờ có 4 người vác bốn cây cờ múa thay đổi nhau. Tiếp theo là trống, chiêng mỗi thứ lại có hai người khiêng và một người chấp hiệu tay cầm chịch để đánh, cứ một tiếng trống lại điểm một tiếng chiêng. Tiếp theo là đội sư tử có sáu người, vừa để dẹp đường, vừa để biểu diễn những trò vui khỏe tượng trưng cho tinh thần thượng võ của dân tộc. Một người múa côn, một cầm đầu, một cầm đuôi sư tử. Có thêm hai người ngồi trên xe đánh trống lạo bạt được tết lá dừa và cài hoa giấy cho đẹp.

Rồi đến ngựa hồng, ngựa bạch do một nhóm thiếu niên chừng 13, 14 tuổi vừa kéo, vừa đẩy. Voi cũng do người kéo người đẩy đi theo. Qua chỗ voi ngựa là đến phường đánh bồng, có bốn người múa đều là nam, trong đó có hai người mặc giả gái biểu diễn. Đi cùng phường bồng có hai người, một đánh trống khẩu, một thanh la. Tiếp đến là hương án do bốn người khiêng, khi mỏi có thêm bốn người khác thay đổi. Trên hương án bày biện cây vàng, cây bạc làm bằng tre nứa dán giấy màu, ở giữa có mâm ngũ quả, đèn nến. Đội phật tử có độ hai mươi người, là những phụ nữ có tuổi, chít khăn, mặc áo dài nâu, quần thâm, tay cầm phướn, tay lần tràng hạt. Dẫn đầu đoàn này là vị sư trưởng chùa làng đầu đội mũ hoa sen (mũ Thất phật), khoác áo cà sa, tay lần tràng hạt. Có một vị cầm lọng vàng che cho vị sư trưởng. Đội mang bát bảo đầu đội khăn chụp, mặc áo sa lam, tay bưng nghi trượng, biển dấu đề "tĩnh túc” nghĩa là yên lặng, cung kính và biển đề "hồi tỵ” nghĩa là tránh đi. Có thể ví đám rước như là biểu tượng cho sự hành quân nên có biển đề chỉ dẫn, còn các nghi trượng khác đều là khí giới để hành quân.

Phường đồng văn có một trống khẩu, một thanh la và bốn trống bản, đánh trống phụ họa theo tiếng trống khẩu, thanh la... Tuy nhiên cũng có làng, trong phường đồng văn còn có hai người múa sinh tiền đi trước, vừa đi vừa múa, mặc y phục rực rỡ. Sau đến Long đình do bốn người khiêng và bốn người đi kèm để thay đổi, hai người đi hai bên cầm lọng vàng che rất tôn nghiêm. Trong Long đình có đặt bát hương, ngũ quả và hai con hạc thờ nhỏ. Sau Long đình là đội quân cờ, dẫn đầu là ông Tổng cờ và bà Tổng cờ. Mỗi người được che hai lọng xanh; tiếp đến là Tướng ông, Tướng bà, mỗi người được một lọng xanh che. Tướng và sỹ được mặc áo gấm tỏ rõ là hàng tôn quý, còn lại mặc theo quy định chung. Quân cờ cả thảy có 32 người, 16 nam, 16 nữ. 

Đội Lộ bộ (có nơi gọi là lỗ bộ) gồm 8 người vác, đi liền là đội tế có chừng 15 đến 20 người, đội mũ tế, áo thụng, đi hia. Phường bát âm do 08 người biểu diễn với các nhạc cụ như đàn, sáo, nhị, kèn, cảnh... thường cử theo các điệu lưu thuỷ, ngũ đối, hành vân... trong lúc đi rước. Sau phường bát âm là một người vác cờ thần; cờ làm bằng lụa màu thêu chỉ kim tuyến. Tiếp đến là biển thần có lọng vàng che theo sát, đây là những biểu hiệu sự uy tín, linh thiêng của thành hoàng làng mình. Tiếp theo có ba người cầm kiếm quất (kiếm thần) đi trước kiệu, mình mặc áo gấm. Những người được kén chọn mang kiếm phải là con nhà gia thế trong làng, một người đứng giữa đi giật lùi theo chân kiệu, hai người đứng hai bên đi ngang, rất cầu kỳ. 

Tiếp đến là kiệu Thánh còn gọi là kiệu Bát cống, thêm hai cái tàn, có tám người hộ vệ thay đổi lúc mệt nhọc, đi liền có hai quạt vả che kiệu do bốn người mang; lại có hai quạt giấy, loại quạt đại vẽ rồng phượng che kiệu do hai người vác hai bên kiệu. Trên kiệu có đặt ngai và thần vị của đức Thành hoàng làng. Kiệu thánh có một người cầm trống khẩu, chính là người được chọn làm khởi chỉ, có 4 người đi sau gọi là đi phù giá. Rồi đến những quan viên, chức sắc hoặc có phẩm hàm trong làng cùng các bô lão được đi hầu sau kiệu mặc áo thụng gọi là đi hộ giá, người có phẩm hàm mặc áo Bố tử thêu hoa văn theo cấp bậc để phân biệt, được che lọng xanh và có người nhà theo hầu.

Đội múa rồng thì đi vòng từ trên vòng xuống, xuôi ngược từ dưới lên. Lại thêm phường chèo hoá trang như đóng tuồng đi đón đường. Những người này tự do đi lại, lên xuống nhưng chỉ múa không hát. Đội Rồng có chừng 8 người và phường chèo có 6 người tham gia. Đội Thể sát của làng có 8 người, chít khăn lượt, mình mặc áo dài the, thắt lưng nhiễu điều, quần trắng, đi giày vải; tay cầm cờ đuôi nheo hoặc tay thước; người thì cầm hiệu làm bằng sừng trâu hoặc vỏ ốc biển rất to, thỉnh thoảng lại rúc lên một hồi. Những người cầm cờ hiệu đi điều khiển chung cho đội hình rước và giữ trật tự đảm bảo đám rước không bị gián đoạn. Còn một người cầm loa bằng đồng theo đoàn rước để chỉ huy đội hình.

Đoàn rước của làng đăng cai Giáp Nhất ra tới ao Nghè thì dừng lại chờ các làng anh em rước đến cho đủ, rồi cùng hoà nhập bốn đoàn thành một theo thứ tự Giáp Nhất, Cự Lộc, Chính Kinh, Quan Nhân, Phùng Khoang, tiến về trung tâm lễ hội tại đình làng Giáp Nhất.

Đoàn rước về đến đình Giáp Nhất thì nghỉ ngơi trầu nước để chuẩn bị vào Tế lễ. Đến giờ hành lễ - Tế hội đồng do quan viên chức sắc của năm làng đã họp và phân vai, sau ba hồi ba tiếng trống báo hiệu thì bắt đầu các nghi thức tế lễ.

Đến chiều 11/2 các làng làm lễ tạ, các ngai Thánh cùng Thần vị được cụ từ và một số giai kiệu, chức sắc vào làm lễ rồi đưa ra kiệu để rước Thánh trở về làng của mình gọi là rước Thánh hồi cung.

Ngoài phần lễ là đến phần hội, với những trò chơi dân gian thú vị.

Đặc sắc nhất vẫn là tổ chức đánh cờ người bên bờ sông Tô Lịch, ngay cạnh lại có nhà Khảo cờ. Bên kia bờ ao đình người ta còn chơi trò đi cầu treo, bắt vịt dưới ao, rồi trò đập niêu, đánh đáo đĩa, khu thì quây lại chơi trò tổ tôm điếm; lại thêm các trò bịt mắt bắt dê, chọi gà, đánh đu, đấu kiếm, đấu quyền, đấu roi, đánh vật./.

 

(Hanoi Portal/Vietnam+)

Chủ đề: Lễ hội miền Bắc | Lượt xem: 890 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==