Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào CN, ngày 22/12/2024, lúc 7:19 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 21 » Kẹo Cu Đơ Hà Tĩnh
10:51 PM
Kẹo Cu Đơ Hà Tĩnh

  Kẹo Cu Đơ Hà Tĩnh

Nếu như ở Thanh Hóa có bánh gai, ở Quảng Ngãi có kẹo gương thì ở Hà Tĩnh có kẹo cu đơ. Một đặc sản khiến bao người con của quê hương "Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh", hay khách thập phương đã từng một lần được nếm thử thì khó có thể quên.

Kẹo cu đơ lúc đầu có tên là cu hai. Sau này khi phong trào Tây học nở rộ, từ "hai" được các ông nghè nơi đây chuyển sang tiếng Pháp là "Deux" cho nó "trí thức". Từ đó, "cu deux" được đọc chệch thành cu đơ.

 

Công đoạn làm cu đơ nghe qua thì dễ nhưng hóa ra lại khó làm. Để có được miếng kẹo cu đơ thơm ngon thì người làm bánh phải tuân thủ những quy trình nghiêm ngặt

 

Trước tiên, chọn mật là phải mật mía nguyên chất, thật trong vàng óng và phải lấy mật mía ở vùng đồi chứ không mua ở vùng sông. Đồ đựng mật phải là chum sành trơn bóng để chất liệu của mật không bị biến chất. Rồi lạc (đậu phộng) phải là loại hạt nhỏ, không bị lép, thối, không bị sâu mọt, không bị trầy vỏ lụa ngoài. Và cuối cùng, bánh tráng phải nhỏ hơn bánh thường, các nếp quăn đều, khi nướng không được để bánh thủng và phải chín đều.

 

Có đủ mật, đậu phộng, bánh tráng thượng phẩm chưa hẳn đã nấu được kẹo ngon vì kỹ thuật nấu mới là bước quan trọng. Theo quy trình thì khi mật sôi sục mới cho gừng, lạc vào khuấy đều tay, liên tục theo chiều kim đồng hồ nếu không lạc sẽ bị trầy vỏ hoặc chìm xuống đáy nồi và bị cháy, kẹo sẽ bị đắng.

 

Khi bắt đầu ngửi thấy mùi thơm, người ta dùng đũa nhỏ một giọt mật vào bát nước lã. Giọt mật khi rơi xuống nước tròn vo, không bẹp, không tan loãng là múc ra cho vào bánh tráng. Đây là điểm cốt lõi trong kỹ thuật nấu bởi nếu sớm quá kẹo sẽ dẻo, kết dính yếu, mật non, lạc chưa chín, nếu muộn quá mật cháy, lạc cháy, bánh sẽ bị đắng. Cuối cùng, người ta nhỏ vào một ít mạch nha cho kẹo có mùi thơm rồi úp lên một chiếc bánh tráng nữa là được.

 

Một miếng cu đơ thơm ngon khi ăn phải hội đủ các vị ngọt ngào của đường mía hòa quyện với chút thơm nồng cay cay của gừng tươi, pha một chút chua nhẹ của chanh cùng với bánh tráng vừng được nướng đúng độ tạo nên hỗn hợp bánh thật giòn tan và ngọt ngào.

 

Hiện nay ở Hà Tĩnh có rất nhiều điểm làm cu đơ nhưng nổi danh nhất vẫn là cu đơ Thư Viện của Cầu Phủ, dù giá cao hơn những điểm khác nhưng vẫn đông người mua. Bởi vậy mới có thương hiệu: "Cu đơ Cầu Phủ không nhủ cũng mua".

 

Mỗi lần tôi về thăm quê được nhâm nhi kẹo cu đơ với bát nước chè xanh mới thấy tuyệt vời, đúng như các cụ ngày xưa vẫn ngâm nga:

 

"Chè xanh thêm chút gừng cay

Cu đơ Hà Tĩnh làm say lòng người".

THANH TÂM (Hà Tĩnh)

 

 

Bài 2:

 

Kẹo Cu Đơ



Mỗi buổi chiều tàn, khi những đụn khói bắt đầu len qua những nóc nhà tranh thì ở phía tây cầu Phủ, người đi đường như bị níu kéo bởi mùi thơm của mật mía, đường, mạch nha, gừng hòa quyện vào nhau. Đó là những nguyên liệu làm nên kẹo cu đơ, một loại kẹo đặc sản của tỉnh Hà Tĩnh mà người xưa đã từng ngâm nga:

"Chè xanh thêm chút gừng cay,
cu đơ Hà Tĩnh làm say lòng người".


Huyền thoại kẹo cu đơ

Ngày xưa, ở một làng thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, một gia đình nọ có hai đứa con trai khôi ngô tuấn tú nhưng nhà lại rất nghèo. Họ làm quần quật suốt ngày mà cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm. Một hôm cậu con trai cả về thưa với cha mẹ là sẽ cưới vợ. Hai ông bà lo lắng không biết lấy đâu ra đồ sính lễ. Nhà lại không có rượu, không có heo, không có nếp lấy gì mà đãi bà con chòm xóm. Trong lúc bế tắc, người cha mới đánh liều nấu mật mía sôi lên rồi đổ lạc (đậu phộng) vào. Khi đem ra đãi, ai ăn cũng thấy ngon. Được mọi người ưa thích, ông tiếp tục nấu và đem đi bán ở những làng lân cận. Từ đó, kiểu nấu mật mía với lạc lan rộng khắp huyện Hương Sơn.

Ban đầu nó có tên là kẹo lạc (vì chỉ có mật mía và lạc) nhưng người ta thấy như vậy là bất công cho người sáng chế nên gọi là kẹo "cu Hai” (một người cha có hai thằng con trai). Khi phong trào Tây học nở rộ, những ông nghè ở đây mới đổi từ "Hai" thành "Deux" (tiếng Pháp có nghĩa là hai, số 2) cho "trí thức". Còn "cu" chỉ có người Việt Nam mới dùng, là tên gọi thân mật dành cho con trai (cu Tý, cu Tèo). Các cụ vắt óc suy nghĩ cũng không biết đổi từ "cu” như thế nào, đành kết hợp cách gọi Việt - Pháp là "cu deux" (cu đơ). Xung quanh cái tên gọi dân dã này cũng có nhiều cách giải thích. Đó là vào thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, khi những người lính Pháp vô tình ăn trúng kẹo "cu Hai”, ghiền quá mới cho người truy tìm. Khi biết tên gọi của nó, họ mới đổi từ "Hai" thành "Deux" cho phổ thông, để người Pháp tiện gọi. Còn "cu" thì chịu, không biết đổi cách nào đành kết hợp đầu Việt, đuôi Pháp là "cu Deux" (cu đơ).

Những bậc cao niên xưa của vùng đất Hà Tĩnh có một thói quen rất tao nhã. Đêm đêm bên ấm nước chè xanh cùng dăm ba miếng cu đơ, các cụ ngồi "tức nguyệt, ngắm hoa, chờ sao rụng". Cu đơ ngày xưa chỉ có lạc với mật mía, khi nguội, nó cứng như đá, mà kẹo thì không ghi "chống chỉ định: để xa tầm tay những người răng yếu". Thế là sau một đêm "tức nguyệt", các cụ nhà ta răng còn, răng mất. Đó là giai thoại vui mà các bậc cha chú thường kể cho con cháu nghe để so sánh với miếng kẹo cu đơ ngày nay.



Nhà nhà nấu kẹo cu đơ

Không phải là nơi xuất xứ, nhưng phường Đại Nài (thị xã Hà Tĩnh) là nơi giữ được cái tinh túy của kẹo cu đơ. Phường này nằm gần cầu Phủ nên đã hình thành một thương hiệu: "Cu đơ cầu Phủ". Chỉ có 154 hộ dân nhưng mỗi hộ dân là một lò nấu kẹo nên người ta gọi phường này là "Làng cu đơ". Đây là làng duy nhất của tỉnh Hà Tĩnh được cấp giấy chứng nhận hành nghề thông qua "Chương trình phát triển doanh nghiệp cho phụ nữ trong lĩnh vực chế biến thực phẩm ở miền Trung Việt Nam giai đoạn II". Vì thế ở làng này đã có một thư viện lớn trưng bày kẹo cu đơ qua các thời kỳ.

Gia đình bà Sáng có lò kẹo cu đơ khá nổi tiếng. Bà năm nay đã gần 70 tuổi. Bà nấu kẹo cu đơ đã mấy chục năm nay. Con cái bà đã thành đạt, bà bảo là "nhờ vào những nồi kẹo cu đơ, chứ làm nông nghiệp, lấy đâu ra tiền cho chúng học hành". Cái quán nhỏ của bà lúc nào cũng đầy khách. Vào buổi trưa, khi xung quanh đã chìm trong giấc ngủ, bà lại ngồi xắt từng lát gừng mỏng. Bà giải thích rằng, ban đầu người ta dùng gừng như một liều thuốc để chống sôi bụng. Nhưng bây giờ không có gừng thì không phải là kẹo cu đơ.

Trước kia, kẹo cu đơ chỉ đơn thuần chỉ là mật mía và lạc thì giờ nguyên liệu vô cùng phong phú. Người làng này đã biết kết hợp một cách hoàn hảo giữa mật mía, đường, mạch nha, gừng, lạc và bánh tráng. Chính những thứ gần gũi đó đã tạo nên một hương vị độc đáo cho kẹo cu đơ. Theo bà Sáng, có một số làng chỉ nấu đường hoặc mật, còn lạc thì rang lên. Nhưng như thế thì không ngon. Lạc không cần rang mà phải phơi cho thật giòn. Theo quy trình, mật mía, đường, mạch nha trộn chung nấu trước, khi sôi mới đổ lạc vào. Đây là lúc khó khăn nhất vì cần phải khuấy đều liền tay, nếu không sẽ bị cháy dưới đáy nồi. Sau cùng mới bỏ gừng vào. Vào mùa nắng phải nấu đến 1 tiếng đồng hồ, gọi là nấu già, còn mùa mưa thì nấu non, chỉ cần 45 phút. Lò cu đơ của bà đã được nhân rộng ở một số địa phương như Huế, Đà Nẵng.

Làng Đại Nài phất lên nhờ có thêm nghề tay trái, nghề nấu kẹo cu đơ. Dì Quế năm nay 53 tuổi. Dì mới nấu kẹo cu đơ được 4 năm, một ngày dì phải nấu tới 3 nồi. Mía, lạc, gừng đều tự trồng. Còn mạch nha và bánh tráng thì phải mua. Với nguyên liệu sẵn có như thế, số tiền lời dì kiếm được rất khá. Thấy dì kiếm tiền nhanh và đơn giản, anh em của dì trả bớt ruộng đất để đầu tư vào lò cu đơ. Và bây giờ, gia đình dì ai cũng được cấp giấy chứng nhận.

Còn gia đình dì Sương thì có truyền thống làm cu đơ đã mấy đời. Trước đây, các cụ cũng chỉ nấu đơn giản với hai loại nguyên liệu. Nhưng giờ con cháu đã biết kết hợp nhiều loại để có miếng kẹo ngon nhất nên lò cu đơ của dì đã được người trong tỉnh truyền tai nhau. Mỗi dịp cưới hỏi hay liên hoan, mọi người đều đến lò cu đơ của dì để đặt hàng. Những người đi xuất khẩu lao động hay đi du học cũng đến đây để mua, mang sang nước bạn làm quà.

"Làng cu đơ" trải dài từ bến xe Hà Tĩnh cho tới cầu Phủ. Những chuyến xe khách Bắc - Nam mỗi lần qua đây đều dừng lại để khách mua quà. Vào buổi sáng, ở làng này nhộn nhịp bán hàng cho khách vào Nam, ra Bắc. Thế nhưng vào buổi chiều thì khá im ắng. Vì thế, mỗi buổi chiều tàn, khi những đụn khói bắt đầu len qua những nóc nhà tranh thì ở phía tây cầu Phủ, người đi đường như bị níu kéo bởi mùi thơm của mật mía, đường, mạch nha, gừng hòa quyện vào nhau. Mùi dẻo quẹo của mật mía nguyên chất, mùi cay cay của gừng, mùi ngọt lịm của mạch nha khiến cho mọi người chỉ cần ngửi đã "say".

Người Hà Tĩnh xem kẹo cu đơ như như linh hồn của quê hương. Những gia đình có con đi làm ăn xa, cứ mỗi lần có người cùng quê vào thăm, nhất định họ phải gửi theo vài bịch kẹo. Nếu như lâu lâu không có ai về, họ sẽ gửi qua đường bưu điện. Ông Hùng, có 5 người con đều đi làm ăn ở trong Nam, cứ vài tháng ông lại gửi kẹo cu đơ cho các con. Ông bảo rằng, chúng nó đi gần 5 năm mà chưa về thăm quê, cứ sợ chúng quên. Ông phải gửi để nhắc nhở con cái.

Ban đầu nhìn thấy miếng cu đơ sần sùi, chẳng bắt mắt tí nào, ai cũng ngại ăn. Nhưng ai có "dũng cảm" nếm một lần sẽ không bao giờ quên. Lúc miếng kẹo hòa tan trong miệng, ta không thể phân biệt được có bao nhiêu thứ cấu thành. Tất cả là một cảm giác ngọt lịm trên đầu lưỡi, vị cay cay của gừng và chất bùi bùi của hạt lạc đọng lại mãi trong cảm giác. Kẹo cu đơ mang đậm dấu ấn của con người Hà Tĩnh, bên ngoài thì sần sùi chất phác, tên gọi thì dân dã, đơn sơ nghe đến nực cười nhưng bên trong là cả một nội lực tiềm tàng. Có phải đó là thứ để mà "Ai đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh!".

Theo Bảo Thiên (Thanh Niên)

Chủ đề: Ẩm Thực | Lượt xem: 780 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==