Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 5, ngày 25/04/2024, lúc 10:12 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 19 » Lễ Hội Bắc Giang
9:12 PM
Lễ Hội Bắc Giang

Lễ Hội Bắc Giang

LỄ HỘI XƯƠNG GIANG - BẮC GIANG

Lễ hội Xương Giang được mở ra ở đất Bắc Giang bắt đầu vào năm 1998 và được duy trì liên tục từ đó đến nay. Đây là lễ hội được xây dựng trên cơ sở chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang năm 1427 của quân dân Đại Việt chống lại và đập tan gần 10 vạn quân xâm lược Minh trong gần một tháng tại địa bàn Lạng Sơn và Bắc Giang ngày nay. Chiến thắng Chi Lăng - Xương giang chính là chiến thắng quyết định cho nền độc lập của dân tộc ta ở thế kỷ XV. Trận đánh quân Minh ở Xương Giang được sử sách coi là trận quyết chiến chiến lược của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Vì thế, lễ hội Xương Giang là lễ hội phản ánh lịch sử hào hùng chống xâm lăng của dân tộc, thông qua các hình tượng văn hoá ngay trên mảnh đất Xương Giang lịch sử.  
Theo các tài liệu lịch sử, chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang bắt đầu từ ngày 10 tháng 10 năm 1427 đến ngày mồng 3 tháng 11 năm 1427. Trong khoảng thời gian này đã diễn ra bốn trận thắng lớn của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. 
Trận thứ nhất là trận Chi Lăng ngày 10 tháng10 năm 1427. Trận này đội quân tiên phong của quân Minh do Liễu Thăng chỉ huy bị bẻ gẫy. Thái tử Liễu Thăng bị chém ở khu vực ải Chi Lăng. 
Trận thứ hai là trận Cần Trạm ( thuộc khu vực Kép, Lạng Giang ngày nay ) vào ngày 15 tháng10 năm 1427. Tại đây viên tướng giặc Bảo Định Bá Lương minh phải tự vẫn. 
Trận thứ ba là trận Hố Cát ngày 3 tháng 11 năm 1427, diễn ra trên cánh đồng Xương Giang. Cánh đồng này gồm các khu vực lớn ở các xã Tân Dĩnh, Xuân Hương, Mỹ Thái ( Lạng Giang ) và Thọ Xương Bắc Giang. 
Tại cánh đồng Xương Giang, quân Minh do hai viên tướng là Thôi Tự và Hoàng Phúc chỉ huy đã bị vây chặt trong cánh đồng này, khiến cho chúng không còn cách nào tiến lên để chiếm lại thành Xương Giang, khi ấy đã về tay nghĩa quân Lam Sơn và do nghĩa quân làm chủ. Sau hơn 10 ngày cố thủ ở đồng Xương Giang, quân Minh đã sức cùng lực kiệt, lương hết, đói mệt, không còn đủ sức chiến đấu. Lúc này nghĩa quân Lam Sơn mở cuộc tiến quân, quét một trận tan sạch hơn bảy vạn quân ở cánh đồng này kết thúc chiến cục Chi Lăng - Xương Giang, buộc quân Minh ở Đông Đô ( Hà Nội ) phải đầu hàng, xin rút quân về nước. Đất nước Đại Việt mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập tự chủ của chế độ phong kiến Việt Nam. 
Để có được chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang, nghĩa quân Lam Sơn phải chuẩn bị lực lượng, địa bàn gần 10 năm kể từ ngày khởi nghĩa. trong chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang , nghĩa quân Lam Sơn dưới sự chỉ huy của Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã huy động một lực lượng bằng 1/3 lực lượng quân minh với các đội chính binh và dân binh. Để tổ chức các trận đánh thắng lợi, nghĩa quân Lam sơn đã cho hạ thành Xương Giang. Đây là ngôi thành kiên cố và hiểm trở, khó đánh. Gần 10 tháng thành Xương Giang mới được hạ trước khi viện binh nhà Minh cho quân kéo sang tiếp viện 10 ngày. 
Các tướng lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn tham gia chiến dịch có các tướng tài như Trần Nguyên Hãn, Phạm Đình Liêu, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Lý, Lê Vân, Lê Ngân….Các tướng đó hầu hết theo Lê Lợi khởi nghĩa ngay từ những ngày đầu. 
Dù đã trải qua hơn năm thế kỷ, dư âm của chiến thắng Xương Giang vẫn còn vang dội. Sáng sớm ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch, các đoàn người từ các phường xã, giương cờ, gióng trống, xe kiệu với quần áo rực rỡ, tề chỉnh từ các ngả đường lần lượt tiến về trung tâm khai hội. Không khí cờ hoa, biểu ngữ, các đoàn quân hành tiến trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng nhạc vang lừng làm cho cả thành phố Bắc Giang khí thế hẳn lên. 
Trước ngày khai hội, Tối mồng 5 tháng giêng, thanh niên tổ chức đốt lửa trại. Họ nắm tay nhau, kết vòng tay lớn quanh đống lửa trại. Đêm hôm ấy, các làng, các thôn, phường, xã cùng rậm rịch hầu như không ngủ. Mọi người chuẩn bị cho cuộc hành rước hôm sau. Tại các đình, chùa, đền. miếu và nhà văn hoá đèn đuốc suốt đêm để tới canh năm hôm sau tề chỉnh săp hàng ngũ, chiêng trống kéo về nơi khai hội. 
Đoàn làng Kế lên đường với xa kiệu, ngựa, đưa đội quân tượng trưng đức thánh Cao Sơn, Quý Minh về với lễ hội. Đoàn này lần lượt hội đủ các đội quân hành rước của làng Tiêu, làng Kế, làng Vĩnh thành một đoàn tiến vào các phố phường. 
Đoàn rước của làng Thành, làng Vẽ cũng đưa đồ rước của đức thánh Cao Sơn - Qúy Minh tham dự. Vốn hai làng là hai lằng nằm kề bên phía cửu Bắc thành Xương Giang. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh năm xưa, họ đã về thành trên cót khiến cho quân thù bạt vía kinh hoàng tưởng quân ta có thần nhân giúp đỡ một đêm đã dựng xong thành. 
Đoàn rước của thôn Hoà Yên rầm rộ với tinh thần của tướng quân nhà nhà Lý Lều Văn Minh đánh quân giặc Chiêm. Họ mang tới hội niềm kiêu hãnh bởi cha anh xưa cũng có mặt trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. 
Đoàn rước của xã Đa Mai, phường Mĩ Độ lại tiến từ bờ nam sông Thương qua cầu Bắc Giang rồi theo quốc lộ 1A tiến vào khu khai hội. Làng Đa Mai thờ hai bà công chúa nhà Trần có công đánh giặc Nguyên thế kỷ XIII ngay tại khúc sông này nên làng đã không rước kiệu mà rước thuyền với anh linh của hai bà. Họ có một đội kỳ lân, sư tử do các bà đồn múa, rất hăng say và vui nhộn, đẹp mắt. Người Mĩ Độ thì rước tượng đức thành hoàng với long đỉnh, bát bửu, hương án…oai phong. 
Lễ dâng hương được tổ chức ở trung tâm khai hội rất long trọng. Ở đây, các lễ chào cờ, lễ đọc diễn văn, đọc " Đại cáo bình Ngô ", lễ múa ra quân được tiến hành. Giữa các lễ này đều có nhạc hiệu làm nền vang lên trầm hùng và thức giục lòng người. 
Sau khi dâng hương, các đoàn rước trở về làng mình, làm lễ Am Vị đưa xếp các đồ tế khí, kiệu, ngựa vào vị trí cũ. Riêng làng Thành và làng Vẽ thì coi như đã bắt đầu vào hội lệ của làng mình. Cờ, kiệu, ngựa…được đóng tại trước sân đình. ở khu vực đình, chùa hai làng, các trò vui được tổ chức như: Đu, đu quay, cờ bỏi, cờ tướng, hát chèo nhà chùa, dâng hương lễ phật, tế thành hoàng và có tổ chức hương ẩm tới ngày mồng 7 tháng Giêng mới dứt. 
Lễ hội Xương Giang là lễ hội mới tổ chức lại. Hình thức khai hội thay đổi theo từng năm rất phong phú. (internet

___________________________________

LỄ HỘI LÀNG THÀNH - BẮC GIANG

LỄ HỘI LÀNG THÀNH: Làng Thành là một làng thuộc xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang ngày nay. Ngày trước, làng là xã Đông Nham, tổng Thọ Xương, huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang, Bắc Giang. Làng có tên là làng Thành vì làng nằm ở phía Tây Bắc thành Xương Giang xưa. Kề bên phía Tây làng là làng Vẽ — một làng có hội cùng ngày với làng Thành. 
Cư dân làng Thành có 18 họ trong các xóm: xóm Dinh, xóm Gianh, xóm Đình….Xưa kia làng chia làm hai giáp là giáp Đông và giáp Tuyền. Hai giáp này được tổ chức như sau: Người dân của làng Thành, bất cứ cư trú ở xóm nào nhưng phải theo tộc họ mà vào hàng giáp. Mỗi giáp lấy ba, bốn họ lớn làm gốc. Các họ ít trai đinh thì tuỳ tình hình cư trú mà hội đồng hương lão và giáp sắp xếp vào cho cân bằng hai giáp. Cả hai giáp này không có người đứng đầu hàng giáp ( giáp trưởng ) mà khi nào làng có việc thì mấy tộc trưởng của giáp họp lại bàn định rồi lo giải quyết công việc. 
Ở làng Thành, hội lệ một năm có hai kỳ gọi là xuân thu nhị kỳ. Về mùa xuân thì hội mở vào ngày mồng 6, mồng 7, mồng 8 tháng giêng âm lịch, gọi là hội xuân. Trong đó ngày mồng 7 là ngày hội chùa, còn hội đình thì cả ba ngày. Về mùa thu, lệ mở vào ngày mồng 4, mồng 5 tháng 8 âm lịch. Lệ này là lệ của đình. Mỗi năm để lo việc làng vào ngày 20 tháng chạp, làng ra đình xin keo chọn cai đám. Chọn cai đám cũng phải xin âm, dương và lễ ở đình. 
Hội làng Thành diễn ra ở đình và chùa là chính. Ngoài ra, trong làng còn một số địa điểm nữa, đó là các địa điểm liên quan đến cuộc rước kiệu thánh tuần du quanh làng. 
Đình làng Thành là ngôi đình lớn, đặt trên thửa đất kề đường làng, địa thế đình khá rộng. Đình có quy mô bề thế, 5 gian hai dãy mái cong, lợp ngói mũi có sàn, cửa bức bàn, chấn song con tiện ( nay xây gạch bao quanh ). Chùa Thành cũng là ngôi chùa cổ, nhìn ra cánh đồng rộng, thoáng. Trong chùa có nhiều công trình có giá trị nghệ thuật. 
Theo tục cổ truyền, khi làng vào hội thì cho hai giáp làm cỗ, đóng đám. Cỗ vào đám của làng chỉ có xôi, thịt lợn và muối vừng. Cỗ được bày lên mâm dâng lên thánh cung tế thần. Thành hoàng của làng Thành là đức Cao Sơn — Quý Minh. Đức Cao Minh được thờ ở đình Chung, thờ chung với làng Vẽ. Ngoài ra còn thờ vị hậu thần là Dương Quốc Công. Vị họ Dương này còn có nghè riêng trong xóm Đình gọi là nghè Miễu. 
Trong dịp hội xuân, dân đóng đám từ ngày mồng 6 tháng Giêng. Trong ngày này có tổ chức rước kiệu. Làng Thành thờ ba vị nên có ba liệu rước trong hội. Người ta tổ chức nghênh rước vị thành hoàng Quý Minh từ đình Thành ra ngã tư vào chùa Thành. Tại đây đoàn kiệu này sẽ gặp đoàn rước kiệu Dương Quốc Công đi đến đó, hai kiệu nhập vào nhau. Kiệu Quý Minh đi trước kiệu Dương Quốc Công, cả hai cùng đi tới đình Chung làm lễ Đức thánh Cả Cao Sơn. Từ đây cả hai kiệu cùng rước, lúc này kiệu Cao Sơn đi trước. 
Hành trình rước lúc này là cả ba cùng đi từ đình Chung theo đường xóm Dinh, tiến theo sườn làng đến ao Mạo, sau đó thẳng đường giữa làng ra đến quốc lộ 1A ( đường cái quan ) xuống cuối phố quán thánh rồi vòng trở về đình Thành. Cả ba kiệu đó hạ ở sân đình. Làng cho nồi hương vào đình để làm lễ an vị, chờ trong ba ngày. 
Sau cuộc rước, làng làm lễ cướp cầu. Sân cầu ở cổng đình Thành liền bên chùa Thành. Chỗ ấy gọi là đồng. Truyền tích về quả cầu ở đây là: Do ngài Dương Quốc Công rèn luyện quan sĩ nên làm ra quả cầu. Thường ngày quả cầu đó được thờ ở nghè Miễu ( xóm Đinh ). Đến ngày hội thì đem ra chơi; Khi chơi có làm lễ tế cầu. 
Sân cầu có vạch ở giữa sân, cuối sân. Người chơi chia làm hai bên. Khi cụ tiên chỉ cầu mùa gieo cầu, hai bên xông vào cướp, cướp được thì chạy qua sân đối phương rồi ôm chạy về phủ phục nộp ở cửa đình. Bên nào nộp được là bên đó thắng, năm ấy là làm ăn khá giả. 
Hội làng Thành cũng có tổ chức vật, nhưng không thờ vật mà chỉ vật giải. Làng cũng có cho đánh cờ người. Quân cờ là các chàng trai, cô gái trẻ, mặc áo tướng sỹ, có vẽ chữ 32 quân cờ. Hai bên, một bên nam, một bên nữ. Có năm cả hai bên cùng nữ. Điều kiện chọn quân cờ là những cô không quá 18 tuổi. Cô nào đẹp nhất thì vào làm tướng. Khi chơi có trống đánh và có bàn cờ nhỏ bên ngoài theo dõi. 
Ở hội làng Thành cũng tổ chức trò chơi như đập nồi, đập niêu, ném vòng cổ chai, chạy hoá trang. Chạy hoá trang ở đây xếp từng bộ không cho người tham gia biết, ai lấy phải bộ nào thì mặc bộ đó, vừa chạy vừa mặc. 
Hai giáp của làng Thành đều có đội kỳ lân sư tử. Hai đội này khi hội được đi đầu đoàn rước, vừa đi vừa múa. Khi kiệu về đình thì múa thờ ở đình. Mỗi đội kỳ lân có một phong cách riêng, nét độc đáo riêng. cả hai đều múa rất giỏi, rất nhiều động tác. Khi múa thờ ở đình, cả hai đội đều trổ hết tài nghệ của mình để biểu diễn. 
Chiều ngày mồng tám tháng giêng là ngày giã hội làng Thành. Làng tổ chức tế hoàn cung. Khi hoàn cung thì ba kiệu lại thong dong về cơ sở của mình. Đoàn rước lúc này về đình Chung theo đường ao Mạo.Tới đường rẽ lên nghè Miễu thì kiệu thánh Quý Minh dừng lại cho kiệu Dương Quốc Công về. Lúc này kiệu Cao Sơn lên đầu, kiệu Quý Minh đi thứ 2, kiệu Cao Sơn chuyển nồi hương vào đình Chung thì về thứ 3, cả ba tiến vào nhà sắc ở giữa làng. Tại đây tề tựu rồi tháo kiệu cất vào nhà sắc, hoàn thành lễ hoàn cung. 
Cúng trong ba ngày này, ở đình chùa có tổ chức hát nhà tơ, hát chèo, hát ống….Hát ống là lối hát đối đáp với nhau, ai hát thì cầm ống hát cho người bên kia nghe; ống hát làm bằng ống tre, lột da con ếch làm màng loa, hai loa nối với nhau bằng sợi chỉ truyền âm. Bên kia để ống nghe vào tai nghe được thì bỏ tai nghe làm loa hát cho bên kia đáp lại…

Hội làng Thành là hội có tiếng ở vùng Bắc Giang. Hội này có cuộc rước và trò cướp cầu khá qui củ, độc đáo. Trong lễ hội, cỗ bàn cúng đơn giản không cầu kỳ, không tốn kém. Ngoài lễ hội đầu xuân, làng Thành còn có lễ hội mùa thu là hội của đình. Nói chung, lệ mùa thu bình thường không to vui bằng hội xuân. Từ khi có hội Xương Giang, hội làng Thành cũng là một trong những hội làm cho lễ hội Xương Giang có thêm sức sống. (internet)

___________________________________

LỄ HỘI TIẾT THANH MINH Ở NƠI THỜ LỀU TƯỚNG CÔNG - BẮC GIANG

LỄ HỘI TIẾT THANH MINH Ở NƠI THỜ LỀU TƯỚNG CÔNG: Ở phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang có hội lệ vào tiết thanh minh, mở ra vào ngày thanh minh ở khu vực đền thờ và lăng mộ tướng công họ Lều. Hội lệ này ngày nay do dân làng Hoà Yên, Cung Nhượng, làng Hướng và làng Thương ( cũ ) cùng nhau tổ chức. Trong đó, làng Hoà Yên có trách nhiệm chính. Trong lệ đó, dân của các làng đem lễ vật tới lăng mộ Lều tướng công làm lễ. Lễ tế ở mộ có đọc bài văn như sau: 
"Lịch sử đã ghi nhận tại nơi đất này: Đời vua Lý Thái Tông năm Càn Phù hữu đạo là niên hiệu thứ 3 của vị vua Lý Thái Tông: 1039 — 1041, cách đây 962 năm. Hồi đó có giặc Chiêm Thành mang quân xâm lấn nước ta. Chúng đi theo đường thuỷ, ngầm lén lút tiến quân vào sông Lục Đầu Giang. Vua nhà Lý sai các đình thần, tướng sỹ trong triều đi đánh giặc, dẹp mãi không yên. ở trang Thọ Châu có một chàng trai khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn, tài sức địch muôn người, quê Thọ Châu, Lạng Giang phủ, Bảo Lộc cựu, tâu sơ với nhà vua xin tình nguyện đánh dẹp giặc Chiêm Thành. Nhà vua liền ưng thuận giao cho mũ áo, kiếm lệnh, ngài thu thập tướng sỹ tập luyện để đánh giặc, đánh đâu thắng đó. Hai bên giao chiến ác liệt cả trên bộ và trên thuỷ. 
Trận đánh diễn ra tại trang Thọ Châu, trang Kính Nhượng, trang Phú Yên ( nay là làng Thương, Cung Nhượng, Hoà Yên, vì ba địa danh này đều chung đường thuỷ, đường bộ ). Quân ta do sự chỉ huy tài tình của Đô Thống đại tướng quân chỉ huy, phục kích đánh giáp lá cà với quân Chiêm. Quân Chiêm Thành chết nhiều không kể xiết. Quân giặc hoang mang, chiến thuyền bị dán chìm xuống dòng Thương Giang, bộ binh bị tiêu diệt; địch thua tan tác rút chạy theo đường thuỷ ra sông Lục Đầu Giang.Trận chiến đấu ác liệt trên dòng Thương Giang là một mốc son địa danh lịch sử. Chiến công ấy vang dội núi sông đã đưa Tổ quốc ta trở lại thái bình thịnh trị. 
- Các sắc phong có ghi, nay giao cho Hoà An xã, Lạng Giang phủ, Bảo Lộc cựu, Thọ Xương phường lưu giữ hương nhang phụng thờ. Theo tục lệ cổ truyền, hơn 900 năm đến ngày lễ thanh minh hàng năm là 4 làng, nhân dân tổ chức lễ rước ra mộ, tế lễ dâng hương hoa trước mộ đức thánh để cầu phúc cho dân được bình an thịnh vượng. Đây là một vinh dự lớn, và là trách nhiệm mà nhân dân ta phải gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo cho khu di tích lịch sử được khang trang, tôn nghiêm để hợp với ý nguyện của mọi người. 
Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, biết ơn những người có công đánh giặc giữ nước, bảo vệ giang sơn Đại Việt xưa, để cho con cháu thế hệ mai sau ghi nhớ.” 
Sau lễ tưởng niệm ở mộ tướng công Lều Văn Minh mọi người về đền, đình làm sự lệ và tổ chức trò vui. Các giáp của các làng chọn ra hai ban: Một ban xôn có xôn trưởng làm cai đám chủ trì mọi việc làng theo sự chỉ đạo của các cụ quan viên hương lão. Ban thứ hai gọi là ban tế. Ban tế có 13 người gồm một chủ tế, 2 bồi tế và hai bên đông xướng — tây xướng.
Xôn trưởng cùng các giáp trưởng có trách nhiệm vụ lo lễ vật thờ thánh và tế lễ trong cuộc rước. Lợn thịt trong ngày hội phải là lợn to từ 50 kg trở lên. Khi rước thì rước chủ lợn và một mâm xôi đầy cùng một mâm hoa quả. Mâm xôi và hoa quả do hai người đội tế đi trước kiệu, khi đi bao giờ cũng có một viên cầm trống bỏi đi trước. 
Theo lệ cổ xưa, khi các làng ra mộ Lều tướng quân, dân làng thường là anh cả bao giờ được tế trước, sau đó đến Hoà Yên, rồi đến Cung Nhượng và cuối cùng là làng Hướng. Văn tế ở mộ cũng như ở đình nhưng vào dịp thanh minh thì phải đọc cho hợp với tiết lệ này, tức là phải có câu " Hôm nay nhân tiết thanh minh …”. 
Ngày lệ thanh minh xưa các làng đều tổ chức trò vui như đu tiên, vât, cờ tướng, chọi gà, câu chai, bắt vịt, bơi sải, tổ tôm…. Vật có vật lèo, vật giải. Vật lèo theo lệ trong ba ngoài hai; vật giải thì chọn nhất nhì. 
Trò câu chai: Làm thòng lọng bằng tre mỏng manh rồi đứng ra lia vòng vào đống chai đứng, vòng vào cổ chai thì được giải, tưởng dễ nhưng lại khó vì vòng mỏng manh, liệng quanh chẳng chịu vào. 
Trò bắt vịt: được tổ chức ở ao làng. Một con vịt thả ra ao cho một người xuống ao đưổi bắt, bắt được thì lấy. Còn bơi sải bắt vịt tổ chức ở sông Hoà Yên. Làng cho thả vịt xuống sông, cho 5 người bơi đuổi. Trò này phải có những người bơi lặn giỏi mới hòng bắt được vịt, do đó cuộc đua khá lâu mà vui. 
Nhìn trên diện rộng thì hội lệ thanh minh xưa của các làng này có tất cả 4 đoàn rước từ bốn phía hợp về lăng mộ Lều tướng công, sau đó lại tản ra về đình riêng của làng. Tại các khu vực đó đều có tổ chức trò vui nên không khí cũng nhộn nhịp, vui vẻ. 
Làng Hoà Yên gọi đó là hội lệ thanh minh ba làng một thôn. Trong ngày hội lệ này các họ Hà, Nguyễn, Phương, Trần, Lê đều có cỗ hội đem ra đình thi. Cỗ này gồm có các món: giò, nem, ninh, mọc, chả, bánh dày trắng, xôi. Bánh dày của Hoà Yên làm rất to. Trong ngày này, các cụ ông ra đình ra đền đón cỗ, bốn người một mâm; Cụ Thượng là người cao tuổi nhất được miễn đóng góp việc làng. Khi về cụ lại được một xâu phiến gồm các thứ: tim, cật….Các cụ bà lễ Phật ở nhà. 
Lễ hội thanh minh ở Thọ Xương là ngày lễ mừng công nhà thánh Lều tướng quân. Về hội, ai biết chữ Hán sẽ được xem sự tích khắc trên bia đá ở mộ — lăng, và cũng có thể được biết công lao nhà thánh qua các sắc phong ở đền. Đó là vị thánh mang tên hiệu sông Nam Bình (tức tên sông Thương — thời Lý ). (internet)

___________________________________

LỄ HỘI DĨNH KẾ - BẮC GIANG

LỄ HỘI DĨNH KẾ: Dĩnh Kế là một xã lớn nằm ở phía Đông Bắc thành phố Bắc Giang gồm 12 thôn làng. Nơi đây có chợ Kế - một trong những trung tâm thương mại lớn của một vùng bao gồm thành phố Bắc Giang, huyện Lạng Giang và huyện Yên Dũng. Nói đến Dĩnh Kế là nói tới đặc sản bánh đa nổi tiếng với hương vị đặc biệt hấp dẫn của nó. Ở Dĩnh Kế còn có nghề trồng hoa và cây cảnh, một nghề bình dị mà cao sang đã góp phần làm đẹp cho đời và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ngày càng cao của người dân từ thành thị đến thôn quê. 
Vào những dịp lễ hội, có đến Dĩnh Kế chúng ta mới thấy hết được những sáng tạo tuyệt vời của người dân lao động vùng này. Đặc biệt với cụm di tích lịch sử văn hoá đã được Nhà nước xếp hạng: đền Dĩnh Kế, chùa Đống Nghiêm. Lễ hội ở đây ngày càng đông hơn, vui hơn với nhiều nội dung độc đáo mà hấp dẫn: 
" Đồn rằng hội Kế tháng Ba 
Không đi xem hội cũng già mất thân " 
Từ trung tâm thành phố Bắc Giang, ngược đường quốc lộ 31 khoảng 3 km, chúng ta tới thăm đền Dĩnh Kế ( còn gọi là Nghè Cả ). Nghè nằm ở trái đường, sát với chợ Kế. Đây là một công trình kiến trúc cổ theo kiểu thức dân tộc với kỹ thuật chạm khắc đẹp và tinh xảo, tài nghệ. Đền thờ Cao Sơn, Quý Minh đại vương - hai vị tướng của Hùng Vương phò vua giúp nước. Đền cũng là nơi đặt bia Phượng Nhỡn, Bảo Lộc, trong đó có trạng nguyên Giáp Hải ( còn gọi là trạng Kế ) - một danh nhân lịch sử, một tác giả nổi tiếng được sử sách ghi chép và nhân dân truyền tụng. 
- Giáp Hải đỗ Trạng nguyên khoa thi Mậu Tuất ( 1538 ) triều Mạc Đại Chính năm thứ 9. 
- Giáp Phong ( con trai Giáp Hải ) đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa thi Mậu Thìn ( 1568 ) năm Mạc Thuần Phúc năm thứ nhất. 
- Nguyễn Duy Năng đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa thi Giáp Tuất ( 1574 ) năm Mạc Sùng Khang năm thứ bảy. 
Hàng năm cứ đến ngày Đinh của tháng trong Xuân ( tháng 2 ) và ngày Đinh của tháng trong Thu ( tháng 8 ), những người trong hội văn, sĩ hội cùng toàn dân đêm lễ vật tạ lễ tại văn chỉ biểu hiện lòng tôn kính ngưỡng vọng các bậc hiền tài khoa bảng của quê hương. 
Cạnh đền Dĩnh Kế là chùa Đống Nghiêm ( còn gọi là chùa Kế ). Đây là một công trình kiến trúc cổ - một trung tâm thờ Phật của nhân dân trong xã. Chùa còn giữ được nhiều pho tượng đẹp, nhiều cổ vật và những tài liệu quý có giá trị lịch sử, văn hoá. Chùa có tên " Nguyên cổ tích danh lam Đống Nghiêm Tư " dựng năm Cảnh Hưng thứ 2 ( 1759 ). Ngày mùng 4 Tết là hội chùa Dĩnh Kế, đó là sinh hoạt Phật giáo lớn của tăng ni, phật tử, các tín đồ cùng khách địa phương. 
Hàng năm vào dịp rằm tháng Ba âm lịch, ngày Đại kỳ phước, đền Dĩnh Kế là nơi trung tâm diễn ra lễ hội của nhân dân các thôn trong xã. Người ta tổ chức rước long ngai, bài vị của Đức thánh Cả về Nghè Cả; tổ chức hành lễ biểu hiện lòng sùng bái của muôn dân trăm họ đối với Đức Thánh, sau đó tổ chức trò vui, biểu diễn văn nghệ. Đặc biệt ở hội Kế còn tổ chức trò chơi cờ người và kéo chữ. Trai gái trong làng được chọn vào làm quân cờ hoặc kéo chữ phải tập trước hàng tháng. Ba ngày trước khi hội mở, họ tập trung nhau lại để tổng duyệt. Người kéo chữ trước đây mặc quần áo đẹp, đầu đội khăn xếp, nón chóp dứa, đi giầy chín long, thắt lưng nhiễu điều, vác cờ ngũ sắc đi theo hiệu trống của ông tổng cờ cho đến khi thành chữ: " Thiên hạ thái bình - Trình quan đại hội ". 
Trước đây, vào dịp 20 tháng Bảy, ở Dĩnh Kế còn diễn ra lễ "thượng điền " của nhân dân toàn xã. Vào ngày này, các giáp mang lễ vật về tế ở đình làng, xã thể hiện lòng sùng bái trời đất, thánh thần đã phù giúp cho mùa màng tốt tươi, dân an vật thịnh.

Không chỉ thờ Phật, ngưỡng vọng các bậc hiền tài khoa bảng, người Dĩnh Kế còn thờ bà " Chúa chợ " - bà Nguyễn Thị Chuyên đã có công mở mang chợ Kế thành trung tâm buôn bán sầm uất vào các dịp tuần rằm hàng tháng. (internet)

___________________________________

LỄ HỘI LÀNG VẼ - BẮC GIANG

LỄ HỘI LÀNG VẼ: Làng Vẽ ngày xưa là xã Nam Xương, tổng Thọ Xương, huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Nay thuộc xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang. Ban đầu làng Vẽ có hai thôn là: Thôn Tiền và thôn Hậu, bây giờ có thêm thôn Mới. Làng có các dòng họ: Dương, Nguyễn, Hoàng, Chính, trong đó họ Dương là lớn hơn cả. Trai đinh các họ này được tổ chức trong ba giáp: Giáp bắc, giáp nam và giáp tây. Giáp bắc có họ Chính, giáp nam chủ yếu là họ Hoàng, giáp tây là giáp của họ Dương. 
Trong địa phận xã Nam Xương cũ, từ xưa đã lưu lại bốn ngôi đình và một ngôi chùa: đình Cò; đình Cả, đình Hậu, đình Kẹm, đình Diệc và chùa Vẽ, (còn gọi là chùa Huyền Khuê). Giữa làng Vẽ và làng Thành xưa thuộc xã Đông Nham, có một ngôi đình chung (cũng gọi là đình Chung). Trước cửa đình Chung còn có đình Chợ của ba làng Đông Nham, Nam Xương và Liên Xương. Đình này nay đã mất. 
Đình làng Vẽ nhiều như vậy nên làng Vẽ thờ tới 6 vị thành hoàng. Các vị thành hoàng đó được thờ ở từng đình như sau: 
* Đình cả thờ thánh Cao Sơn - Quý Minh là các bộ tướng của Vua Hùng đời thứ 18. 
* Đình Hậu thờ 2 đức Quốc Công Tứ Vệ 
* Đình Kẹm thờ thánh Thắng Dũng Tôn thần. 
* Đình Diệc thờ vị Quảng Hưng Tôn thần. 
Còn ngôi đình chung của hai làng thi thờ đức thánh Cao sơn. 
Việc phụng thờ các thánh này được qui định như sau: 
+ Giáp bắc thờ hai vị: Quốc Công và Tứ Vệ. 
+ Giáp nam thờ vị Quảng Hưng tôn thần. 
+ Giáp tây thờ vị Thắng Dũng tôn thần. 
Riêng thánh Cao Sơn - Quý Minh ở đình Vẽ và đình Chung thì thờ chung của cả ba giáp. 
Ở làng Vẽ hàng năm có hai hội lệ chính, đó là: 
- Hội đình mở vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. 
- Hội chùa mở vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch. 
Hai ngày đó là ngày chính hội. Trước đó một ngày và sau đó một ngày thì gọi là vào hội và giã hội, như thế mỗi hội đều có ba ngày. 
Hội đình, hội chùa đều lấy đình Cả, chùa Vẽ làm khu trung tâm. Khu này có không gian rộng và thoáng. Đình chùa Vẽ là hai di tích lớn về quy mô đẹp và kiểu dáng kiến trúc; Các đồ thờ, tượng phật…trong hai công trình này đều có giá trị nghệ thuật, nổi tiếng trong vùng, ai biết tiếng cũng muốn đến chiêm ngưỡng. 
Ngày hội chùa mồng 7 tháng Giêng: dân làng cho mở cửa chùa từ ngày mồng 6, trước sân chùa có dựng phướn và cắm cờ hội lớn, cờ thần. Các cụ bà ra chùa tụng kinh, lễ hật và đón khách thập phương đến dự. Ngày mồng 7 cũng vậy, trong chùa, bên đình Cả người đông như nêm. Các già làm cơm nhà chùa, chủ yếu là sôi oản lễ phật. Tiếng tụng kinh, tiếng mõ xen trong tiếng chuông râm ran khắp khu chùa. Ở làng Vẽ các vãi đón nhau bằng lối hát kể hạnh. Lối hát này có các bài mời khách, mời trầu, mời nước, hỏi thăm nhau, ca ngợi nhau, tiễn nhau…tuỳ theo hoàn cảnh đối đáp. Lối hát này ai thuộc, ai biết hát thì tham gia rất vui vẻ. 
Hội chùa, dân làng cũng cho mở hội. Cây đu dựng ở trước đình, chùa từ trong Tết, để qua Giêng, hết hội chùa mới hạ. Hội còn có hát trò, hát chèo nhà chùa do các nơi tự đến góp vui. ở các khoảng đất trống bên đình chùa, cũng có một số trò như chạy hoá trang, múa xin tiền, múa nón, múa kiếm, đạp niêu, cướp cờ…. 
Hội đình làng Vẽ mở vào ngày 10 tháng 3 âm lịch: hội này xưa kia mở mang hàng năm. Trong những năm gần đây, định lệ 3 năm thì mở một lần. Mỗi khi mở, hội làng tổ chức rước sách. Năm nào không tổ chức rước kiệu thì dân coi như năm đó không có hội mà chỉ là việc làng. 
Trước ngày hội, dân cho rước cầu hậu cung lên hương án thờ cầu để chuẩn bị vào hội. Lại họp các giáp chọn quan viên vào ban tế và các đô tuỳ rước kiệu thánh ở đình Cả. Tối hôm mồng 8 có tế lễ và hát nhà tơ ở đình Cả. Hát nhà tơ thường đón các nơi về biểu diễn cho vui; dân làng, các cụ ít khi cầm chầu như các nơi khác, nhưng không vì thế mà được phạm uý. 
Sáng mồng 10 tháng 3, các giáp tổ chức rước kiệu từ các đình lên đình Cả, hội họp tề tựu tại đó để phù giá kiệu thánh đình Cả. Cả làng có 6 vị thành hoàng, nhưng chỉ hành rước 5 kiệu. Trong đó, giáp bắc rước hai kiệu: kiệu Quốc Công và kiệu thánh Tứ Vệ, giáp tây rước kiệu thánh Anh Dũng, giáp nam rước kiệu thánh Quảng Hưng. Các đô tuỳ 3 giáp được chọn kiểu rước kiệu thánh đình Cả. Rước thánh đình Cả chỉ rước một thánh; còn một thánh thì ngự tại đình. Đoàn rước 5 kiệu tiến hành rất uy nghi, rầm rộ và long trọng. Các vị thành hoàng tuần du địa vực chỉ là tượng trưng, do vậy các kiệu chỉ rước nồi hương và sắc.
Đường rước ngày 10 tháng 3 ở làng Vẽ bắt đầu từ đình Cả, mỗi đoàn đi cách nhau chừng 20m - 30 m, tiến lên phía Bắc để đến đình Hậu, sau đó đi về phía tây đến đình Kẹm, lại từ đình Kẹm rước về phía Nam, nơi có đình Diệc, qua đình Diệc lại trở về đình Cả, dừng kiệu tại đó để tổ chức tế lễ. Tới chiều, làng tổ chức tế lễ xong thì các giáp cho rước hoàn cung. ở đình hàng giáp, các giáp tổ chức tế lễ thờ thần theo ghi thức của giáp mình. 
Hội làng Vẽ có tục lệ cướp cầu thần, tục này có từ lâu đời. Cầu được thờ ở đình là loại cầu lớn, bằng gỗ, có đường kính 40 - 50 cm, sơn đỏ. Sau khi tế lễ xong thì làng tổ chức cướp cầu. Sân cầu ở phía trước đình làng, chia làm hai bên, cuối sân hai bên có vạch chuẩn, giữa sân dân trải một chiếc chiếu hoa, giữa có chữ "thọ". Tham gia cướp cầu thần là các giai đinh hàng giáp chia làm bên Đông và bên Đoài. Cai đám bưng quả cầu ra đặt ở giữa chiếu, trên hình chữ thọ. Khi bắt đầu chơi, cai đám hô lớn: Cầu cho mùa màng tươi tốt, dân khang vật thịnh. Rồi phất cờ chéo ra lệnh bắt đầu. Hai bên xô vào nhau giành quả cầu khỏi chiếc chiếu rồi tranh cầu, đẩy cầu bằng tay về vạch giới hạn của đối phương, nếu bên nào bị cầu chạm vạch là bên đó thua, cứ như thế từ trận này qua trận khác. Mỗi trận, mỗi bên có 10 giai đinh khoẻ đóng khố cởi trần tham gia. Giai đinh các giáp tham dự nếu thắng thì cho rằng năm đó sẽ làm ăn khấm khá, mùa màng bội thu. 
Trò cướp cờ tổ chức sau khi cướp cầu. Cờ được cắm ở giữa sân, mỗi bên 10 người, có một ông tổng cờ chỉ huy. Khi tổng cờ ra lệnh bắt đầu thì hai bên vào cướp cờ. Người cướp được chạy về phía mình, bên kia đuổi theo. Bên cướp được cờ phải bố trí người chạy cản bảo vệ người cầm cờ, nếu bị người bên kia đuổi kịp đập tay vào người thì cuộc cướp cờ lại bắt đầu lại từ đầu. Cứ như thế, hết hiệp này sang hiệp khác, trò chơi đã rèn luyện sự tinh nhanh và khoẻ mạnh cho mỗi thành viên. 
Cùng với trò chạy cướp cờ lại là trò chạy hoá trang. ở sân chơi có đích và vạch xuất phát cách nhau chừng 30 - 50 m. Nơi xuất phát có một đầy lớn, trong để hơn chục bộ quần áo lẫn lộn cả của đàn bà lẫn đàn ông....Mỗi lần chơi có hai người vào sân. Khi quan đám ra hiệu bắt đầu thì mặc chiếc khố cởi trần, khi mặc nhầm quần áo chạy về đích trông rất ngộ. Ai mặc đúng trang phục, về đích trước là được giải. 
Xưa kia làng Vẽ có ruộng chùa, ruộng đình gọi là ruộng hậu, ruộng hàng phe, hàng giáp. Số ruộng này làng giao cho giáp cấy cày lấy sản phẩm để làm cỗ hội. Cỗ hội làng Vẽ không cầu kỳ mà chủ yếu là thịt lợn, xôi, chè, oản, trầu cau, rượu, nước; Tục lệ quy định ăn cỗ đình thì cứ tính xuất đinh, mỗi đinh một xuất. Đinh nam tính từ ẵm ngửa trở lên đến tận cụ thượng. Ở làng Vẽ, được chia làm ba hạng đinh: Hạng các cụ thượng tuổi từ 70 trở lên, hạng các cụ 70 trở xuống đến 60 tuổi gọi là cụ anh, hạng thứ ba là các cụ từ 60 trở xuống đến 50 tuổi gọi là cụ em, còn lại là các giai đinh hàng giáp. Trong việc làng, các cụ thượng được mời ngồi chiếu trên gần khu vực thánh cung, cỗ bàn cụ thượng được ưu tiên hơn đó là phần đầu gà má lợn. 
Hội ở làng Vẽ mở ra trùng ngày với làng Thành. Hai làng này cùng nằm trên một thửa đất bên phía Tây Bắc thành Xương Giang xưa, bởi thế hội của hai làng được mở ra thì khí thế mạnh, tiếng vang lớn và người đi hội rất đông. (internet)

___________________________________

LỄ HỘI LÀNG VĨNH NINH - BẮC GIANG

LỄ HỘI LÀNG VĨNH NINH: Vĩnh Ninh xưa thuộc xã Dĩnh Kế, tổng dinh Dĩnh Kế, huyện phượng Nhỡn, tỉnh Bắc Giang, nay thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang. 
Đình Vĩnh Ninh thờ đức thánh Quý Minh đại vương. Đình nằm kề bên quốc lộ 1A, đoạn đầu phía thành phố Bắc Giang đi Lục Nam.Đình Vĩnh Ninh nay không còn được như xưa nữa, chỉ còn lại 3 toà chính là: Đại đình, hậu cung thờ thánh và một dãy tả vu dùng làm nơi sinh hoạt chung cho dân thôn. Bên cạnh đình là nơi thờ phật. 
Kiến trúc các hạng mục công trình ở đình Vĩnh Ninh đơn giản song cũng gồm 4 mái, 4 đao cong, nóc có rồng chầu mặt nguyệt. Kết cấu gỗ, khung mai, cột chắc khoẻ mà không trang trí cầu kỳ. Tuy nhiên, không vì thế mà đình Vĩnh Ninh bớt đi vẻ linh thiêng vốn có của nó. Từ xa xưa, người ta đã có thể nhận ra công trình kiến trúc quy mô này bởi công trình cao to, hai cột đồng trụ có nghê chầu sinh động, cột nhỏ hai bên đắp hình trái dành thanh thoát. (internet)

___________________________________

HỘI ĐẢ CẦU LƯƠNG PHONG - BẮC GIANG

HỘI ĐẢ CẦU LƯƠNG PHONG: Thắng - Gió là hai tên Nôm nhưng lại được gọi chung làm một để chỉ một vùng đất của huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Thắng có Đức Thắng, Danh Thắng, Thường Thắng. Còn Gió chính là chỉ vùng đất Lương Phong. 
Lương Phong là tên chữ có nghĩa là gió lành. Còn Gió là tên nôm, cái tên của người Việt cổ đặt cho một vùng đất hội đủ các yếu tố cần thiết cho cư dân nông nghiệp: mưa - gió - sấm - chớp. 
Ngày trước Lương Phong là một xã của tổng Đông Lỗ, huyện Việt Yên, phủ Bắc Hà. Xã Lương Phong cũ nhỏ gồm các thôn xóm: xóm Chấp, xóm Cấm, xóm Giữa, xóm Chùa, xóm Đông, xóm Diệc, xóm Thuốc, xóm Khánh ( xóm Chấp cũng gọi là xóm Chớp, xóm Đông còn gọi là Gió Đông ). Nơi đây có chợ nên cũng gọi là chợ Gió. Trong xã có đình gọi là đình Câu, có chùa gọi là chùa Khánh, có lăng gọi là lăng đá họ Trần, có giếng gọi là giếng điếm Thuỷ Thần và có các ghè gọi là ghè các xóm. 
Lương Phong là làng cổ, cư dân làm nghề ruộng trồng lúa nước là chính. Cùng với nghề làm ruộng họ còn có nghề phụ đan lát các đồ mây tre gia dụng. Họ ở bên nhau đã nhiều đời với các dòng họ: Trần, Nguyễn, Đặng…. 
Sau một năm làm ăn vất vả, sau những ngày bận rộn vui Tết đón xuân, người dân Lương Phong lại tổ chức hội lệ vào ngày mồng chín tháng Giêng âm lịch. Hội Lương Phong tổ chức rất to ở đình Câu, chùa Khánh, các nghè, lăng họ Trần và đền Giếng Thuỷ Thần. Đó là một không gian hội khá rộng, trải khắp địa bàn xã Lương Phong cũ. 
Trong không gian lễ hội đó, các công trình kiến trúc tín ngưỡng là trung tâm lễ hội của từng khu vực, nhưng khu vực chính vẫn là đình Câu. 
Đình Câu là ngôi đình có quy mô lớn, nằm ở trên đỉnh đồi Đình, giữa làng Chớp. Ngôi đình này được xây dựng lớn vào thời Lê Trung Hưng ( thế kỷ XIII ) do sự hưng công của gia đình viên quan thời Lê, tước quận công Trần Đình Ngọc cùng với sự công đức của bà con làng xã. Đình Câu làm xong có tiếng là ngôi đình to đẹp. Trước đình có bia đá, voi đá xếp hàng, uy nghi hùng dũng. 
Đình Câu làm trên đỉnh đồi nên có địa thế rất rộng, phía trước đình là một khu đất phẳng, thoáng, xuôi ra đến tận cánh đồng phía Nam của làng. Bởi thế mỗi khi có sự lệ tổ chức ở đình, nơi ấy cũng là bãi hội. 
Đình làng là nơi thờ 5 vị thành hoàng, đó là: 
- Đức vương Linh Cao Sơn đại vương. 
- Đức vương Quế Minh đại vương. 
- Đức vương Diên Bình công chúa. 
- Đức vương Khổng Đại tướng quân. 
- Đức vương trợ linh Quốc Thần đại vương. 
Các vị thượng hoàng này trong thời phong kiến đã được phong tặng 18 đạo sắc. Để việc phụng thờ và tổ chức các tiết lệ cho tốt, trong đình lại có sổ sự lệ, tế văn…để thực hành các nghi lễ. 
Chuẩn bị vào hội , dân xã cho người của hai giáp Đông - Đoài dọn dẹp bãi hội, định chỗ đả cầu, bốc cầu, làm sới vật, cắm cờ dựng phướn….Cai đám và các vị Câu đương được bầu ra lo việc cho dân. Các vị này trong ngày mồng 6 tháng Giêng phải đem lễ vật xôi, gà ra đình tế lễ rồi rước cầu lớn, cầu bé đặt thờ dưới nồi hương ở đình để chuẩn bị vào hội. 
Hội đình Câu được mọi nơi biết đến bởi trong ngày hội có tổ chức rước sách và bốc cầu, đả cầu, cũng vì thế mà người ta gọi hội này là hội đả cầu. 
Vào ngày mồng tám tháng giêng, dân cho đóng kiệu ở đình rồi tổ chức các tổ vào hội. 
Sáng ngày mồng chín, dân làng tổ chức rước sắc từ nghè lên đình. ở Lương Phong xưa có lệ: Mỗi năm giáo sắc cho từng thôn, từng xóm lưu giữ ở nghè thôn, mỗi thôn giữ một năm: khi thôn đương cai tổ chức rước sắc lên đình thì các thôn khác đều tham gia. Sau đó dân làng lại về nhà thờ họ Trần ở thôn Chấp rước nồi hương thờ Trần quận công lên đình thờ. lễ rước này cũng có kiệu và đồ nghi trượng long trọng như rước sắc. nồi hương này đặt ở bên phải đình, sau đó dân thôn tổ chức tế lễ, chèo hát nghiêm trang, vui vẻ. Trong ngày này họ Trần cũng cử người đại diện lên đình cùng với cụ từ và ban tổ chức trông nom việc đèn hương tế lễ. Những thành viên khác trong gia tộc cũng tham gia như những người trong làng xã. Sáng hôm sau, mồng 10 tháng giêng dân làng tổ chức bốc cầu. 
Cầu bốc là loại cầu nhỏ, bằng gỗ, có đường kính khoảng 40 cm khi chơi cầu chia làm hai phe: Phe bên Đông và phe bên Đoài. Cai đám bưng cầu ra giữa sân để gieo cầu, trước khi gieo cầu ông nói vài câu mong mùa màng tươi tốt. Quả cầu gieo xuống khỏi tay cai đám thì hai bên xông vào tranh cầu đem cầu bỏ vào lỗ cầu bên kia, nếu bỏ được thì thắng. Chơi bốc cầu chỉ dùng tay tranh cầu chứ không có dụng cụ. 
Đả cầu cũng gọi là cầu phết, hay đánh phết. Cầu phết to hơn cầu bốc, cầu cũng đẽo bằng gỗ, tròn có đường kính khoảng 60 cm. khi ông đám gieo cầu, chia bên mỗi người có một cái phết bằng tre để đá cầu. Phết cầu là dùng chiếc cù nèo khèo cầu. Đầu cù nèo là đoạn củ tre cong để đẩy, khèo cầu về hết sân đối phương, nếu đẩy được là thắng. 
Chỉ huy cuộc chơi, mỗi bên có ba người, một người cầm cờ sai là chỉ huy chính, một người cầm cồng và một người cầm lệnh; hai người cầm cồng, cầm lệnh đứng bên ngoài gõ động viên, thôi thúc cuộc chơi. 
Sau cuộc đả cầu thì hội vật bắt đầu. Sới vật mở ra có giải, ai tham gia đều được cả. Luật chơi ở đây là qua vật lèo rồi sẽ vào vật giải. Đô nào " túc ki địa” hoặc " lấm lưng trắng bụng” là thua. 
Xong hội vật lại tế lễ, rồi hạ lễ để kết thúc hội lệ. Bánh dày của 8 giáp được hạ xuống để thi, lấy giải. Cỗ nào nhất thì dân xã mang biếu nhà thờ họ Trần. Cụ nào cao tuổi nhất làng được biếu một miếng bánh dầy. Các cụ khác cùng tham gia thì ngả cỗ ra ăn và chia phần cho con cháu. Cỗ bánh dày to nhất đoạt giải nhất làng thưởng bằng trầu cau. 
Cỗ dân mang về nhà thờ họ Trần thì họ chia cho con cháu trong gia tộc. Phần còn lại thì nhà ông trưởng họ được hưởng cả. Ngoài hội đầu xuân ở Lương Phong còn có sự lệ ngày 10 tháng 9 và ngày 2 tháng 10 âm lịch. 
Hội lệ mồng 10 tháng 9 cũng tế lễ, rước sách, nhưng cuộc rước này đến đình tế xong lại tổ chức rước nghênh thần. Sau đó quan viên mới cúng tế. Các tên hiệu thánh của tám làng trong xã đều được đọc lên ở văn tế. Trong lễ rước nghênh thần có kéo ngựa, ( có hai con bằng gỗ, một con sơn đỏ, một con sơn trắng gọi là ngựa hồng, ngựa bạch ). Sau khi tế lễ có ca hát. Hôm sau rước về cũng rước sắc về thôn được giữ để thờ ở nghè thôn ấy. Nồi hương nhà thờ họ Trần cũng được rước về an vị. 
Lệ ngày mồng 2 tháng 10 âm lịch có tổ chức rước sách long trọng từ miếu thần và từ nghè ( là nơi thờ vọng năm vị thành hoàng ) về điếm thổ thần cúng tế. Ngày nay, nồi hương nhà thờ họ Trần quận công cũng được rước ra đó thờ dưới ban thờ thánh. Sau khi tổ chức hát chèo, hết lệ thì dân thôn lại rước trả các thử về như cũ. 
Xã Lương Phong ngày nay bao gồm ba xã cũ là xã Sơn Quả, Thiện Mĩ và Lương Phong. Tuy hợp ba xã cũ thành một xã mới nhưng các nơi cứ gọi chung cho cả ba xã là vùng Gió- Lương Phong. Đó cũng là vùng đất đẹp và có những phong tục đẹp. (internet)

Chủ đề: Lễ hội miền Bắc | Lượt xem: 779 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==