Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 5, ngày 18/04/2024, lúc 5:56 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 20 » Lễ Hội Bạc Liêu
1:30 PM
Lễ Hội Bạc Liêu

Lễ Hội Bạc Liêu

LỄ KỲ YÊN - BẠC LIÊU

Tháng giêng vui lễ Kỳ Yên : Cứ mỗi độ xuân về, người dân Bạc Liêu lại tưng bừng tổ chức nhiều lễ hội truyền thống. Lễ hội Kỳ Yên (hay cầu an) là một trong những lễ hội được nhân dân tổ chức quy mô, long trọng nhất trong mỗi một ngôi đình làng. Mục đích của lễ hội là cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, xóm làng yên vui, dân giàu nước mạnh. Cũng như nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức tại các địa phương ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Lễ hội Kỳ Yên ở Bạc Liêu được tổ chức gồm 2 phần: lễ và hội. Trong phần lễ có các nghi thức rước sắc thần về đình; tế túc yết: dâng hương, dâng rượu, dâng trà và đọc bài văn tế cầu nguyện và cảm tạ các thần Thành Hoàng, Tiên hiền, Hậu hiền, thần Nông, thần Hổ... đã phù hộ cho dân làng có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, trong phần hội của Lễ hội Kỳ Yên có chương trình hát bội với nhiều tuồng tích xưa như: Chung Vô Diệm, Thần Nữ Ngũ Linh Kỳ, Trảm Trinh Ân, Lưu Kim Đính, Tiết Đinh San... 
Đến với Lễ hội Kỳ Yên, ngoài mục đích cầu phước, cầu tài, cầu lộc thọ, cầu hạnh phúc..., ai cũng cảm thấy xốn xang, rạo rực, cuốn hút với những trò chơi dân gian, những giai điệu trầm bổng của nghệ thuật hát bội, những cái bắt tay thắm thiết của họ hàng, anh em xa gần, bạn bè, đồng nghiệp... Người ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những vị bô lão trong bộ áo dài, khăn xếp ngồi đánh trống chầu hay những nam thanh, nữ tú hân hoan tìm về nguồn dân tộc. Không ít đôi nam nữ đã nên duyên vợ chồng sau mùa hội Kỳ Yên. 
Đi nghe hát bội ở Miếu Vạn Ban Ngũ Hành thuộc Phường 2, TX Bạc Liêu, chị Lâm Hồng Thắm (dân tộc Hoa, Phường 3, TX Bạc Liêu) phấn khởi cho biết: "Năm nào, gia đình tui cũng đến đình, miếu này để tham gia Lễ hội Kỳ Yên. Mình lớn tuổi nên chỉ thích xem hát đình, hát bội, còn mấy đứa nhỏ thì thích những trò chơi dân gian như nhảy cà ròn, ném banh, phóng tiêu… vui lắm!”. "Đi xem hát bội vui hội Kỳ Yên” đã trở thành một nét đẹp văn hoá không thể thiếu trong đời sống tinh thần trong những ngày xuân của người dân Bạc Liêu. Ngoài yếu tố tâm linh, Lễ hội Kỳ Yên còn có ý nghĩa giáo dục thế hệ con cháu ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc... 
Điều ghi nhận từ lễ hội Kỳ Yên hiện nay cho thấy, lễ hội đã được nhân dân tổ chức quy mô, linh đình, thiêng liêng nhưng gọn nhẹ, tiết kiệm hơn so với những năm trước kia. Những nghi thức hành lễ tốn kém tiền của, mang đậm yếu tố mê tín dị đoan trong nghi lễ thỉnh thần, lễ chánh tế... đã được lược bỏ. 
Tuy nhiên, bên cạnh những nét đẹp văn hoá truyền thống, tại lễ hội Kỳ Yên cũng đã xuất hiện những biến tướng tiêu cực như bói toán, xóc quẻ, cờ bạc, móc túi, chèn ép giá cả... gây phiền toái, bất bình cho du khách. Mong rằng, những hiện tượng tiêu cực trên sẽ sớm được ngăn chặn, xử lý. 
Năm 2008 là năm du lịch quốc gia, lễ hội Kỳ yên được nhiều tỉnh ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long chọn làm sự kiện văn hoá-du lịch. Đối với tỉnh Bạc Liêu, mặc dù có nhiều thế mạnh nhưng nhìn chung, tỉnh vẫn chưa tận dụng, khai thác được tiềm năng các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc để phát triển du lịch. Trong những năm tới, lễ hội Kỳ Yên có được Bạc Liêu lựa chọn để giới thiệu, quảng bá trở thành sự kiện văn hoá du lịch? Câu hỏi này dành cho những người làm công tác văn hoá - du lịch của tỉnh. (internet)

_________________________

LỄ NGHINH ÔNG BẠC LIÊU

Lễ hội nghinh Ông Bạc Liêu : Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động tưng bừng, thiết thực như tổ chức cho hàng trăm tàu tuyền đánh bắt hải sản đồng loạt diễu hành ra biển; Lễ thỉnh Lăng Ông Nam Hải; Thả tôm giống ra biển, Hội chợ thương mại thủy hải sản, cùng nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian, giao lưu ẩm thực thu hút hàng ngàn ngư dân và nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. 
Nghinh Ông là lễ hội đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt, thưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng của bà con vùng biển. Lễ hội năm nay, ngoài giỗ tổ truyền thống của ngư dân còn là dịp để Bạc Liêu quảng bá hình ảnh, giới thiệu phong tục, tập quán của ngư dân miền biển đến người dân trong và ngoài nước, khách du lịch phương xa. 
Ngoài các hoạt động truyền thống như ôn lại truyền thuyết "Cá ông" và việc hình thành lễ hội, cúng bái các vị thần, lễ hội còn diễn ra các hoạt động mới, lạ như trưng bày sách, tranh, ảnh, hiện vật có liên quan đến nghề cá thu hút nhiều người tham quan. 
Vùng ven biển Cà Mau nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có 3 mặt giáp biển: Đông giáp biển Đông, Nam giáp vùng biển Malaixia, Tây-Nam giáp vịnh Thái Lan. Từ năm 1991, vùng này có tên gọi Đặc khu kinh tế bán đảo Cà Mau, còn gọi là vùng Nam sông Hậu. Đây là vùng đất vừa có nét chung của đồng bằng sông Cửu Long lại vừa mang những nét riêng của một vùng bán đảo. 
Vị trí địa lý ấy khiến vùng ven biển Cà Mau mang đậm tính chất biển đảo, có đặc điểm tự nhiên không đồng nhất với những vùng đất cùng khu vực. Biển, rừng, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt tạo ra những thử thách cho các thế hệ cư dân nơi đây, buộc họ luôn phải tìm chỗ dựa tinh thần để vượt qua những khắc nghiệt của cuộc sống. Đó chính là cơ sở để các lễ hội, các tín ngưỡng về ngư nghiệp hội tụ và phát triển vừa phong phú, vừa phức tạp. 
Đặc điểm xã hội nhân văn của vùng đất này cũng có sự tương đồng và dị biệt. Đây là vùng đất có lưu dân từ các vùng miền khác hội tụ về, mang theo và tạo nên sự đa dạng văn hóa, thể hiện qua hệ thống tri thức dân gian, phong tục tập quán, các hình thức tín ngưỡng, văn nghệ dân gian, trong đó có kho tàng lễ hội, đặc biệt là lễ hội Nghinh (1) Ông. 
Lễ hội Nghinh Ông vùng ven biển Cà Mau là điểm dừng trong dòng chảy liên tục của văn hóa dân gian ven biển từ Bắc xuống Nam, vừa kế thừa những di sản văn hóa lâu đời của dân tộc Việt, vừa sáng tạo bổ sung thêm những nét đặc trưng phong phú, sinh động của văn hóa bản địa. Đó là nền văn hóa nông nghiệp và vùng văn hóa ven biển, đánh dấu mốc khởi đầu của kinh tế biển, nền kinh tế mũi nhọn vốn được xem là đòn bẩy để vực dậy nội lực phát triển của vùng ven biển Cà Mau. 
Bước đầu, qua đối chiếu, so sánh với lễ hội Nghinh Ông tại một số địa điểm ven biển miền Trung và Tây Nam Bộ, ngoài những nội dung mang tính đồng nhất có thể khái quát một vài điểm được xem là khác biệt. 
Về thời gian: Hàng năm, lễ hội Nghinh Ông vùng ven biển Cà Mau tổ chức bắt đầu từ 14-2 đến 16-2 âm lịch trong khi hầu hết các lễ Nghinh Ông ở miền Trung và các tỉnh giáp biển của miền Tây Nam Bộ đều tổ chức từ tháng 6 âm lịch trở đi. Chẳng hạn lễ hội Nghinh Ông ở xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM, tại Thắng Tam, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức vào rằm tháng 8; tại Vàm Láng, Gò Công Đông; tại Vĩnh Luông, tỉnh Vĩnh Long tổ chức vào ngày 16-6. Qua đối chiếu, việc tổ chức vào ngày rằm thì tỉnh nào cũng giống nhau, vì ngư dân chỉ ra khơi đánh bắt thủy sản vào những đêm trời không có trăng. Ngày rằm hàng tháng, đánh bắt sản lượng không cao, ngư dân thường vào bờ, đó là thời điểm hợp lý để tổ chức lễ hội. Nguyên nhân tạo điểm khác biệt về thời điểm trên là do đặc điểm vùng ven biển Cà Mau từ tháng 5 trở đi, thời tiết khó khăn, biển động thường xuyên, đi biển rất nguy hiểm. Còn vào tháng 2-3 thì trời yên, biển lặng, lại vào mùa xuân tiết trời êm dịu, đặc biệt là thời điểm thu hoạch được mùa hải sản lớn nhất trong năm. Chính từ sự thuận lợi về điều kiện không gian, thời gian, tự nhiên, xã hội nên các ngư dân đã chọn cúng Ông vào ngày 14 đến 16-2 âm lịch hàng năm. 
Về địa điểm: Thường Lăng Ông phải ở cửa biển, bờ biển, vàm sông (2). Ngư dân có tâm lý trước khi ra khơi phải cúng tế xin phép và cầu Ông phù hộ may mắn nên lăng, miếu luôn ở gần con đường lưu thông của tàu bè. Tuy nhiên, do tính chất bồi lắng mạnh của vùng ven biển Cà Mau, hàng năm trung bình từ 80-150m đất, khiến biển đã lùi xa hàng vài chục cây số nên một số Lăng Ông bị bỏ hoang phế, cùng với nó là các tri thức dân gian, kỹ thuật về ngư nghiệp vùng ven biển và các làng nghề ngư nghiệp một thời trù phú cũng mất đi. Hệ tín ngưỡng cũng chuyển dần từ tín ngưỡng thờ cá Ông sang tín ngưỡng thờ Mẫu 

Vật hiến sinh: Gồm heo quay và heo sống, giết thịt, để cả con cùng hương hoa, trà, rượu. Có nơi cúng gà vịt và những vật phẩm mà dân tự sản xuất ra. Do quan niệm cá Ông ăn cá nên khi cúng Ông không cúng chay mà cúng mặn (3). Một nghi thức đặc biệt quan trọng là khi cúng phải làm thủ tục chia phần hiến tế. Ông chủ tế lật bụng vật hiến sinh lên, dùng dao huơ dọc, ngang trên thân con vật, biểu thị là đang phân chia vật phẩm hiến tế cho các thần linh, thực hiện 3 lần để chia cho đủ, nếu không thì linh thần quở trách suốt năm, làm ăn không khấm khá. Thủ tục này được thực hiện rất cẩn trọng với tâm tưởng "ăn đồng, chia đủ”, thật công bằng. 
Lễ diễu hành Nghinh Ông: Ngư dân cho rằng hướng Tây - Nam là hướng Thần Nam Hải đang ngự trị - hướng Phúc. Theo những nghiên cứu về khí tượng thủy văn thì hướng Tây của biển Đông là lục địa, tại vùng biển Cà Mau hướng Đông thuộc hướng của những cơn bão hình thành và đổ bộ vào bờ - hướng Họa. Dân gian cho rằng hướng Tây - Nam là hướng trời yên biển lặng. Với quan niệm cầu mong hạnh phúc, bình yên nên các đoàn diễu hành lễ Nghinh Ông vùng bán đảo Cà Mau thường đi về hướng Tây - Nam. Đây là điểm khác biệt quan trọng về quan niệm hướng Phúc và hướng Họa, từ đó nó làm chuyển hướng hành trình diễu hành so với các đoàn Nghinh Ông vùng ven biển miền Trung. 

Các điều kiêng cữ: Trong ngôn ngữ, kiêng không được gọi cá Voi là con cá mà phải gọi là Ân ngư, là Ông cá. Cá Ông chết gọi là Ông lụy, xương cá Ông gọi là Ngọc cốt, khi hành lễ phải xưng Ông là Đại Càn Nam Hải Đại Tướng Quân, khi cúng tế phải gọi Cung nghinh, thỉnh Ông... 
Trong hành vi, chánh tế phải là đàn ông lớn tuổi, kiêng đàn bà con gái ngồi trên mòi tàu đánh cá, mỏ neo tàu, hoặc bước ngang chân qua ụ tàu; kiêng phụ nữ đang "dơ mình” bước vào chánh điện thờ Ông; kiêng việc nam nữ giao phối trên tàu lúc neo đậu cũng như ra khơi, không được tự ý xê dịch bàn thờ trên tàu; kiêng cho súc vật như kỳ đà, mèo, rùa xuống tàu sợ chậm, sợ xúi quẩy, không may mắn.... 
Các điều húy kỵ, kiêng cữ trong tục thờ cá Ông vùng ven biển Cà Mau đã tạo ra một ranh giới giữa tục và thiêng, giữa thực và ảo, giữa thiện và ác. Nó trở thành nếp sống cộng đồng của ngư dân, là phương thức điều chỉnh hành vi, lối sống, thái độ ứng xử với môi sinh tự nhiên, với biển và vạn vật một cách hài hòa, tốt đẹp nhất. Phải thấy rằng, trong quá trình tha hương vào khẩn hoang vùng đất mới Cà Mau, lưu dân đã mang theo những giá trị truyền thống của dân tộc về vùng đất cực Nam này. Ngư dân vùng biển Cà Mau sớm có ý thức về bản thân, về cộng đồng và góp phần xây dựng đạo đức, lối sống trong làng xã theo những chuẩn mực tiến bộ, mang tính nhân bản, xã hội được điều khiển bởi ý thức cộng đồng chứ không phải là "luật rừng”, mạnh được yếu thua. 
Trong lễ hội Nghinh Ông, việc lưu giữ những "qui điều, qui vạn” và bổ sung, cải cách qui điều, qui vạn rất được quan tâm. Tồn tại gần một thế kỷ, các qui điều vốn là những định chế rất đơn giản như: Sùng kính cá Ông như thế nào? "Tạ lễ, tạ thâm ân của cá Ông”... ngày nay đã trở thành một bản "hương ước”, vừa có tính định chế vừa có tính giáo dục. Qui điều đặt ra thái độ ứng xử của vạn viên với nhau "khi thấy tín hiệu của ngư phủ bị nạn, hoặc ngư thuyền, ngư cụ bạn gặp sự cố trên biển, các tàu bạn phải cứu giúp kéo vào bờ. Nếu không thực hiện thì bị khai trừ vĩnh viễn ra khỏi vạn” 

Thông qua lễ hội Nghinh Ông, ý thức trân trọng và tôn tạo di tích văn hóa, lịch sử được người dân tự giác thực hiện. Từ trước đến nay việc bảo tồn và trùng tu di tích lăng cá Ông đều do nhân dân tự nguyện đóng góp, xây dựng, mở mang kiến trúc di tích như một biểu tượng tiêu biểu của vùng ven biển Cà Mau. Ngoài tính tự nguyện tự giác thì trách nhiệm này cũng được ghi cụ thể trong "qui điều, qui vạn” thông qua hiến tế và quyên góp tự nguyện, bình đẳng và công khai. 
Việc thờ cúng cá Ông vùng ven biển Cà Mau cũng đồng nghĩa là việc thờ cúng Thành hoàng, tổ nghiệp, thể hiện thái độ cư xử với quá khứ của cộng đồng ngư phủ. Song song đó là việc thờ cúng ông bà tổ tiên. Người ngư phủ đặc biệt nghiêm túc trước ông bà tổ tiên, trước "tiền hiền khai khẩn”, "hậu hiền khai cơ” và "hậu công lao”, những người có cống hiến to lớn cho sự tồn tại và phát triển của ngành kinh tế biển nói chung và từng vạn viên nói riêng. 
Tổ chức gia đình: Gia đình ngư dân biển rất bình quyền, bền vững và giữ được các giá trị gia đình truyền thống. Người đàn ông là lao động chính, là trụ cột gia đình, gánh vác những công việc nặng nhọc như ra khơi đánh bắt, sơ chế hải sản, bảo quản tài sản ngư lưới cụ. Người phụ nữ giữ vai trò nội trợ, giáo dục con cái, ổn định tổ chức gia đình, chịu trách nhiệm chính trong việc phụng dưỡng cha mẹ, thờ cúng tổ tiên, đồng thời sắp xếp tổ chức việc chế biến hậu kỳ các sản phẩm hải sản như: Phơi, ướp, tẩm vị, chế biến bảo quản và tiêu thụ sản phẩm thu được. 
Lăng Ông có vai trò rất quan trọng trong các sinh hoạt cộng đồng của vạn dân. Đi biển là một nghề khó khăn, nguy hiểm, rất cần sự đoàn kết, sức mạnh tập thể một cách đồng bộ và hợp lý. Do tính chất nghề nghiệp đã tạo nên một tâm lý cộng đồng là tôn trọng tình làng nghĩa xóm, hào hiệp, nhân ái, vị tha, độ lượng. Chính các cuộc lễ hội cũng đã tác động vào quần chúng một trạng thái tâm lý đặc biệt. Mỗi sự kiện của làng vạn, cả vạn đều biết. Chuyện may, cả hội cùng mừng vui chúc tụng, chuyện buồn cả vạn đều chia sẻ động viên. Chính lễ hội Nghinh Ông là biểu tượng tối cao của tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong làng vạn. 
Lễ hội Nghinh Ông là ngày hội lớn của cư dân vùng biển. Những nội dung chính của hoạt động giao lưu là thăm hỏi, trao đổi, bàn bạc, phổ biến kinh nghiệm nghề nghiệp, kinh nghiệm đối nhân xử thế, kinh nghiệm về ngư nghiệp, về thời tiết, về y thuật, cứu nạn trên biển, kinh nghiệm về nghề lái tàu, nghề đóng tàu, nghề đi lưới...; các kỹ thuật sản xuất ngư lưới cụ phục vụ từng loại hình khai thác đánh bắt; kinh nghiệm, phương pháp chế biến, bảo quản sản phẩm từ biển; biểu dương những thành tích, những gương mặt tiêu biểu của vạn trong một năm như: Đánh bắt giỏi, bội thu, giới thiệu cách làm mới trong kinh doanh nghề biển, giới thiệu việc cải cách các phương tiện cơ sở vật chất để đánh bắt xa bờ. Ngoài ra lễ hội còn là nơi tiếp thị, maketing cho những dịch vụ biển một cách hợp lý và có tổ chức. Diện mạo của lễ hội Nghinh Ông phản ánh trạng thái tâm lý cộng đồng. Nếu bội thu, thắng lợi thì lễ cúng Ông, việc vui chơi, tiệc tùng, không khí hội rất hồ hởi, thoải mái, khách mời đông đảo. Nếu mất mùa, rủi ro, gặp thiên tai thì phần hội thu nhỏ, phần lễ lớn.

Lễ hội Nghinh Ông vùng bán đảo Cà Mau là kết tinh của văn minh sông nước, biển đảo nơi đây, nó hiện diện với tư cách nhằm thỏa mãn toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần cho cộng đồng ngư dân. Với một vùng đất mới khai phá thì đây là một món quà của thiên nhiên ban tặng, ghi một dấu ấn văn hóa quan trọng. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa từ lễ hội Nghinh Ông đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường, giữ gìn các làng nghề truyền thống, các tri thức dân gian về ngư nghiệp, góp phần tạo động lực phát triển ngành thủy sản và xây dựng các đặc khu kinh tế biển đảo của vùng bán đảo Cà Mau trong hiện tại và tương lai. (internet)

_________________________

LỄ HỘI QUAN ÂM NAM HẢI

Lễ hội Quan Âm Nam Hải ở Bạc Liêu: Trong ba ngày (22 đến 24.3 â.l) tại phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu Lễ hội vía bà Nam Hải đã diễn ra rất long trọng, thu hút hàng chục ngàn lượt khách. 
Thánh tượng Bồ Tát Quán Thế Âm được xây dựng từ năm 1973 và hoàn thành vào đầu năm 1975. Tượng cao 11m, đứng sừng sững, trang nghiêm bên bờ biển Đông (thuộc phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu), mặt hướng ra biển. Quán Âm Phật Đài được lập nên đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân vùng biển Bạc Liêu. 
Năm 2004, Quán Âm Phật Đài được xây dựng lại trên diện tích 25.000m2, với nhiều hạng mục, kinh phí đầu tư trên 5 tỷ đồng. Quán Âm Phật Đài kỳ vĩ và hoành tráng, mang vẻ đẹp thuần túy của dân tộc Việt. Tượng Quan Âm với nét mềm mại của tà áo vờn bay, khuôn mặt thánh thiện, hiền hòa. Ngoài tượng Quan Âm còn có các tượng: điện Địa Tạng, 32 tượng hóa thân của Bồ Tát, tượng Tiêu Diện đại sĩ và núi Phổ Đà... Các nghệ nhân đã nghiên cứu công hạnh của Bồ Tát qua những giai thoại lịch sử gắn kết nhân gian tạo ra những đường nét sống động. 
Lễ hội Quán Âm Nam Hải năm nay được tổ chức trang trọng và diễn ra trong ba ngày với nghiều nghi lễ truyền thống như: Lễ cầu quốc thái dân an, Phật tử dâng hương cầu an, tế Anh hùng tử sĩ, thỉnh thánh, thuyết pháp... đêm đến có chương trình văn nghệ, hát bội...

Quán Âm Phật Đài là lễ hội mang màu sắc văn hóa Phật giáo, là một trong những lễ hội văn hóa tâm linh nổi bật ở Bạc Liêu. Ngoài việc đến với lễ hội, du khách có thể du ngoạn, chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên rất đặc thù ở vùng đất Bạc Liêu. (internet)

_________________________

LỄ GIỖ TỖ CỔ NHẠC BẠC LIÊU

Lễ giỗ tổ cổ nhạc Bạc Liêu: Lễ giỗ Tổ cổ nhạc được tổ chức hàng năm tại thị xã Bạc Liêu vào ngày 12 tháng 8 âm lịch. 
Hàng năm cứ đến tháng 8 âm lịch, các anh chị em trong làng ca nhạc cổ Bạc Liêu chuẩn bị sẵn sàng cho ngày giỗ Tổ. Địa điểm hành lễ lúc trước đặt tại nhà nhạc sĩ Lê Văn Chột ở xóm Rạch Ông Bổn, năm 1950 dời về nhà nhạc sĩ Trần Tấn Hưng tọa lạc tại số 225 đường Minh Mạng - Bạc Liêu (nay là số 165 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5 thị xã Bạc Liêu), đến năm 1982 ông Trần Tấn Hưng từ trần, lễ giỗ Tổ được dời đến một vài nơi khác và hiện nay được tổ chức hàng năm tại Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu. 
Lễ giỗ Tổ ngày nay được tổ chức đơn giản hơn nhiều so với những thập niên giữa thế kỷ XX trở về trước. Ngày xưa, mỗi năm cứ cách ngày 12 tháng 8 vài hôm thì có một cuộc họp của những nhạc sĩ lão thành để thảo luận về việc tổ chức lễ giỗ Tổ. Nội dung của cuộc họp là sự thống nhất về chương trình hành lễ, các bản nhạc tế lễ, hương đăng trà quả, đồ ăn thức uống; quy định về số tiền đóng góp của các thành viên; cử ra thư ký, thủ quỹ và thành lập các ban: tế lễ, tiếp tân, hậu cần... 
Chiều ngày mùng 10 tháng 8 người thủ quỹ sau khi nhận niên phí của các thành viên giao tiền lại cho ban hậu cần, sáng ngày 11 ban này cử người đi chợ để mua sắm các thứ cần dùng, đêm hôm đó họ bắt đầu nấu nướng và kể như phải thức cả đêm để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ban tế lễ cũng có mặt để chỉ đạo trang trí bàn thờ Tổ, sắp xếp nơi hành lễ, chuẩn bị nơi tiếp khách... 
Sáng ngày 12 tháng 8 ban tiếp tân đã có mặt thật sớm, chuẩn bị trà nước sắp đặt bàn ghế, phụ giúp ban tế lễ để dâng cúng hoa quả rượu trà do khách mang tới. Ban tiếp tân còn phụ trách cả việc bưng mâm để tế lễ. 
Trên bàn thờ Tổ không có ảnh tượng mà chỉ có một bài vị ghi bốn chữ Cổ Nhạc Tổ Sư bằng chữ Hán. Phía trước là một bát hương to, hai bên có bày chân đèn với cặp nến thắp sáng, trên bàn thờ bày ngũ quả và hương hoa, hai bên bàn thờ treo các loại nhạc khí như: đàn kìm, đàn sến, đàn gáo, đàn cò, đàn tranh, đàn độc huyền, đàn lục huyền... các loại kèn sáo và cạnh đó là một bộ trống cổ; phía trước bàn thờ là một cái bàn thấp để dọn cúng thức ăn, giữa bàn thường là một con heo quay đỏ chói, phía trước là một khoảng trống lớn có trải đệm hoặc chiếu để tế lễ. 
Đến 10 giờ bắt đầu hành lễ. Người dự lễ đa số là các nghệ nhân, nghệ sĩ địa phương và một số ít những người hâm mộ. Mọi người đứng thành hình chữ U lớn trước bàn thờ, người chủ tế và các người bồi tế với trang phục áo dài khăn đóng màu xanh, tuần tự bước ra trong tiếng chuông trống liên hồi, bắt đầu thực hiện các nghi thức như: dâng hương, dâng hoa, dâng ngũ quả, dâng bánh, dâng giấy tiền, dâng rượu... sau cùng là đọc văn tế - nội dung của bài văn tế tuyên dương công đức Tổ và cầu cho quốc thái dân an. Sau khi tế lễ, mọi người lui về vị trí của mình và cùng ngồi xuống. Tiếng nhị cầm (đàn cò) lại lảnh lót vang lên, các loại đàn sáo hòa theo mở đầu một bản nhạc lớn; giữa khói hương nghi ngút một người (đã được chỉ định trước) bước ra quỳ trước bàn thờ Tổ lạy ba lạy, xong lại cất tiếng ca để hòa với điệu đàn; bản mở đầu này thường là Lưu thủy trường - bản thứ nhất của 20 bản Tổ; buổi lễ tiếp tục bằng sự hòa tấu một số bản (đã định trước) trong 19 bản Tổ còn lại là: Phú lục, Bình bán, Xuân tình, Tây thi, Cổ bản, Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc, Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung, Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang nam, Phụng cầu. Chấm dứt phần lễ hiến Tổ bằng một hồi trống dài, mọi người đứng dậy nghiêm trang bái Tổ. 
Sau khi cúng tế, các món ăn lại được dọn ra, cũng bày trí theo hình chữ U, những người tham dự vừa ăn vừa uống vừa hòa tấu tiếp tục. Giai đoạn này những người tấu nhạc thực hiện các nhạc bản canh tân, thường mở đầu bằng các nhạc bản do Nhạc Khị sáng tác như: Ngự giá đăng lâu, Minh hoàng thưởng nguyệt, Phò mã giao duyên hoặc Ái tử kê. Sau đó tiếp tục hòa tấu một số trong các nhạc bản sau đây: 

- Nhạc bản do người Bạc Liêu sáng tác: Dạ cổ hoài lang, Thu phong (Bá điểu), Liêu giang, Ngũ quan, Ngự giá, Vạn thọ, Hòa duyên, Huỳnh ba, Mẫu đơn, Nhật nguyệt, Lưỡng long, Tam quan nguyệt, Vọng cổ, Hứng trung thinh, Minh hoàng thưởng nguyệt, Tùng lâm dạ lãm... 
- Nhạc bản cải tiến từ nhạc cổ Trung bộ: Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ Quảng, Liên huờn, Bình bản (Bình nguyên), Tây mai, Kim tiền Huế, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã... 
- Nhạc bản cải tiến từ nhạc cổ Trung Quốc: Uyên ương hội vũ, Khốc hoàng thiên, Tân xái phỉ, Ngũ điểm, Bài tạ, Mạnh Lệ Quân, Xang xừ liếu, Lạc âm thiều, Tô Vũ mục dương, Quý phi túy tửu... 
- Nhạc bản được cải tiến từ dân ca: Lý con sáo, Lý thập tình, Lý ngựa ô, Lý giao duyên, Ngựa ô nam... 
Khoảng 3 giờ chiều, buổi lễ chấm dứt. Kèn trống nổi lên, mọi người hướng về linh vị Tổ bái ba bái, sau đó cùng nhau dọn dẹp và tuần tự ra về. Ban tế lễ và những nhạc sĩ lớn tuổi ở lại để dự một cuộc họp thường niên. Cuộc họp này gồm 2 phần: Phần thứ nhất là giải quyết những vấn đề trong nội bộ, nhất là tương trợ các gia đình nhạc sĩ, ca sĩ nghèo; phần thứ hai là những đề nghị, những ý kiến chung cho ngành cổ nhạc Nam bộ. Thường là cuộc họp kết thúc trong sự thống nhất vui vẻ.

Nói tóm lại Lễ giỗ Tổ cổ nhạc ngày 12 tháng 8 âm lịch được tổ chức hàng năm tại Bạc Liêu là một lễ hội nhỏ còn mang đậm tính địa phương nhưng có một ưu điểm lớn - đã cung cấp những tài liệu quý báu, những tài liệu khó tìm được trên sách báo về cổ nhạc cho những người làm công tác văn hóa và nhất là cho những nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. (internet)

Nguồn: saigontoserco

Chủ đề: Lễ hội miền Nam | Lượt xem: 869 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==