Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 29/03/2024, lúc 12:30 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 20 » Lễ Hội Cổ Truyền ở Quảng Ngãi 1
1:24 PM
Lễ Hội Cổ Truyền ở Quảng Ngãi 1

Lễ Hội Cổ Truyền ở Quảng Ngãi

 

Các tộc người ở Quảng Ngãi có nhiều loại hình lễ hội khá phong phú và đa dạng. Mỗi loại hình lễ hội mang một hoặc nhiều mục đích, ý nghĩa. Khác với những lễ hội hiện đại, các loại hình lễ hội truyền thống luôn gắn liền với tín ngưỡng, hội tụ nhiều tinh hoa văn hóa dân tộc và đóng một vai trò khá quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, trao truyền các giá trị văn hóa của tộc người từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Chương này chỉ trình bày những lễ hội tiêu biểu của các dân tộc trong tỉnh, và trong phạm vi các lễ hội cổ truyền (1). Việc phân chia các loại hình lễ hội dưới đây chỉ mang tính tương đối, với mục đích là để tiện theo dõi các loại hình lễ hội.

Các hình thức lễ tết, như Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu..., tạm thời được xếp vào chương này (dù chúng cũng có thể được xếp vào phần phong tục, tập quán). Khi xem tất cả các loại hình lễ tết và cả lễ hội chung vào chương lễ hội là xét dưới góc độ: tất cả những hình thức sinh hoạt này đều gắn liền với sinh hoạt chung của cộng đồng, có đông đảo người tham gia, vừa có phần lễ, vừa có phần hội, hoặc có đan xen giữa lễ và hội.

 

 

I. LỄ HỘI CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI VIỆT

1. LỄ TẾT

Cũng giống như người Việt ở các vùng miền khác nhau, hàng năm người Việt ở Quảng Ngãi đều có nhiều ngày lễ tết, nhưng tiêu biểu hơn cả là Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, Tết Trung nguyên, Tết Trung thu.

 

1.1. TẾT NGUYÊN ĐÁN

Tết Nguyên đán bắt đầu một năm mới, thể hiện nhiều nét văn hoá độc đáo của dân tộc, đồng thời cũng là lễ tết quan trọng nhất, lớn nhất của người Việt ở trong nước, trong đó có Quảng Ngãi. Tết Nguyên đán là tết của từng gia đình, cũng là tết của làng xóm, cộng đồng.

 

Từ tháng Chạp mọi gia đình đều đã bắt đầu lo đón Tết, như chuẩn bị quần áo mới cho con cái, làm bánh mứt, trang hoàng nhà cửa, sắm sanh các vật dụng trong nhà, trả nợ, tảo mộ ông bà, giẫy mả... Cách đây vài chục năm về trước, ở nông thôn Quảng Ngãi, mỗi dịp Tết đến nhà nhà đều làm mứt gừng, bánh thuẫn, bánh in, đặc biệt là bánh nổ bằng nếp (bánh miếng, hoặc bánh cây); tiếng đóng bánh nổ làm rộn vang cả làng xóm. Ngoài việc lo chuyện nhà, thu xếp chuyện đồng áng, mọi người còn lo việc làng, như: dọn dẹp vệ sinh đường sá, quét dọn, sơn sửa đình làng, chùa chiền, dinh miếu... Từ sau ngày rằm tháng Chạp, nhiều nhà cúng tất niên. Đến ngày 23 tháng Chạp, các gia đình làm lễ cúng ông Táo và tiễn đưa ông Táo về trời. Vào các ngày 28, 29 Tết, nhà nhà đều làm bánh tét, mổ heo gà, trưng mâm ngũ quả, hoa, cây kiểng, đặc biệt là hoa mai (và hiện nay thường còn có thêm cây quất)... Ở nông thôn thì chủ yếu là trồng bông vạn thọ vào dịp Tết với sự cầu mong sống lâu, tuổi thọ. Ngày nay, mỗi dịp Tết đến, ngay từ khoảng 20 tháng Chạp có nhiều chợ hoa mở ra dọc các thị trấn trong tỉnh, như Châu Ổ, Sông Vệ, Mộ Đức, Đức Phổ, Chợ Chùa..., đặc biệt là chợ hoa xuân ở thành phố Quảng Ngãi. Nhiều gia đình, trong nhiều năm lại đây, còn chú trọng đến việc mua báo Tết.

 

Cứ đến ngày 30 Tết (hay 29 Tết nếu tháng Chạp thiếu), các gia đình làm lễ cúng rước ông bà, cúng Thổ công, cúng ngoài sân... Mấy chục năm về trước, nhà nào cũng dựng một cây nêu bằng tre trước nhà (mùng bảy Tết làm lễ hạ nêu, tức vào dịp Lễ Khai hạ). Ở các dinh miếu, đình, đền vào ngày 30 Tết cũng làm lễ dựng nêu (hiện nay ở Lý Sơn tục này vẫn còn giữ). Một vài nơi, ngoài cây nêu chính dựng trước sân còn có cây nêu nhỏ dựng ngoài ngõ, và cắm lá đùng đình với ý nghĩa trừ tà, xua ma quỷ.

 

Vào đêm Giao thừa, cả nhà cúng mừng tuổi ông bà. Ngày trước mỗi nhà đều đốt pháo (nổ) vào lúc Giao thừa, để "tống cựu, nghinh tân", "khai phương, khai tịch", nhưng từ năm 1995 Nhà nước đã cấm đốt pháo. Giờ đây mỗi năm, vào lúc Giao thừa, trong tỉnh chỉ có một đến hai điểm có bắn pháo hoa (thường là một điểm ở thành phố, còn một điểm khác thì mỗi năm có thay đổi). Sau khoảnh khắc Giao thừa, nhiều nơi còn giữ tục không ai được ra khỏi nhà, cũng không được quét nhà; còn giữ tục xông nhà, tục chọn hướng xuất hành.

 

Sáng sớm ngày mùng một Tết, nhiều người vào chùa hoặc đình, đền lễ Phật, lễ Thánh, hoặc vào nghĩa trang thắp hương cho liệt sĩ và những người quá cố khác. Sau đó mọi người về nhà thờ tộc họ, nhà thờ tiền hiền để làm lễ mừng tuổi ông bà, tiên tổ. Sau các lễ thức này mọi người đi chúc Tết lẫn nhau. Thường là mọi người đều đi chúc Tết theo thứ bậc trong gia đình tộc họ, lẫn thứ bậc ngoài xã hội, như đến nhà nội rồi đến nhà ngoại; đến chúc Tết thầy (Mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy - có thể là thầy dạy chữ, thầy dạy nghề, cả thầy thuốc..), rồi mới đến chúc Tết sui gia, ông mai, bà mối, bạn bè, đồng nghiệp... Mấy năm lại đây, Uỷ ban nhân dân các cấp còn tổ chức cho cán bộ lãnh đạo các ngành và nhân dân cứ vào sáng sớm mùng Một Tết lại tập trung trước sân trụ sở Ủy ban nhân dân làm lễ chào cờ và nghe Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thay mặt lãnh đạo địa phương chúc Tết.

 

Hiện nay vào dịp Tết, nhất là vào ngày mùng Một, để tránh những điều xúi quẩy có thể xảy ra trong năm, nhiều người còn giữ các điều kiêng kỵ, như không được làm đổ, bể một cái gì, kiêng quét nhà, kiêng chửi mắng, đánh đập con cái; kiêng nói những câu có từ chết chóc, hoặc xúi quẩy; kiêng khóc lóc, rên rỉ; kiêng cho vay; kiêng gặp "đàn bà" trong lúc xuất hành; kiêng "những người không hợp tuổi", hoặc thường xuyên đau ốm, hay gặp rủi ro, có tang... xông nhà, xông đất đầu năm, vv.

 

Vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều người cũng còn giữ tục khai xuân, như khai bút đầu năm, mở hàng đầu năm (giới buôn bán), làm lễ xuống nghề (những người làm ngư nghiệp), làm lễ động thổ (những người làm nông nghiệp), "lì xì" cho con cháu... Các hình thức vui chơi, giải trí trong dịp Tết cũng được nhiều nơi tổ chức, như diễn văn nghệ, đua thuyền (2), thi lắc thúng, chơi bài chòi (trên 9 chòi), bài chòi chiếu...(3), các hội vui xuân, gồm thả vòng, thả bóng vào rổ, vào chai, bầu cua... Trẻ em ở thành phố, thị trấn nhiều nơi còn có đu quay, phi ngựa, chạy xe điện... Cách đây chừng vài chục năm về trước, vào dịp Tết ở những làng quê còn có diễn xướng sắc bùa (4), hát bội, dồi bòng (ở Lý Sơn), chơi lô tô, chơi tứ sắc, đánh bạc, xóc đĩa..., nhưng nay các hình thức sinh hoạt này còn rất thưa thớt. Ở các cơ sở tín ngưỡng, như đình làng, dinh miếu, chùa chiền, nhà thờ tộc họ, trong ba ngày Tết liên tục diễn ra lễ tế tạ ơn thần linh, Phật, các bậc tiền hiền, hậu hiền... Ở Lý Sơn, người dân địa phương vẫn còn giữ tục rước sắc thần, các lăng miếu không được dùng trống lớn, chỉ khi nào làng làm xong lễ động thổ, thì các dinh miếu, nhà thờ tộc họ mới được dùng trống lớn (5).

 

Nhìn một cách tổng thể về lễ hội truyền thống của người Việt trong cả nước nói chung, người Việt ở Quảng Ngãi nói riêng, thì Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất, phong phú về nội dung lẫn hình thức, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn. Theo chu kỳ vận hành của vũ trụ, Tết Nguyên đán thể hiện sự hòa điệu giữa đất trời và con người, là thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới (nguyên có nghĩa là khởi đầu; đán có nghĩa là ban mai). Tết Nguyên đán cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm nghỉ ngơi, sum họp, vui vầy, hóa giải những bất đồng, thêm đoàn kết, gắn bó; là dịp tưởng nhớ và tri ân tổ tiên theo đạo lý "uống nước nhớ nguồn", vốn là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam; là dịp thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, dưỡng dục...

 

1.2. TẾT ĐOAN NGỌ

Còn gọi là Tết mùng Năm tháng Năm. Đây là ngày Tết gắn liền với sự tích Khuất Nguyên trầm mình ở sông Mịch La (Trung Quốc), và sự tích này chính thức du nhập vào Việt Nam từ thời nhà Trần (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Ở Quảng Ngãi vào ngày Tết Đoan ngọ, nhiều gia đình mua sắm các loại hoa quả để cúng ông bà, tổ tiên vào lúc giữa trưa (giờ Ngọ), đặc biệt là nhiều gia đình còn làm bánh ít lá gai. Tục đi hái các loại lá cây phơi khô làm thuốc, hoặc làm nước uống cho cả năm cũng còn ở nhiều nơi trong tỉnh. Các chùa chiền, dinh miếu, đình làng cũng lo việc cúng tế. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, thực chất Tết Đoan ngọ là lễ khấn cầu cho con người, súc vật, mùa màng tránh được dịch bệnh, bởi chính vào tháng Năm, vào tiết hạ chí, là lúc thời tiết xấu, nắng nóng nên dễ sinh ra dịch bệnh (vì thế mới đi hái thuốc để tích trữ trong nhà).

 

1.3. TẾT TRUNG NGUYÊN

Còn gọi là Tết Rằm tháng Bảy, là lễ tết mà theo đạo Phật là lễ Vu lan, là ngày xá tội vong nhân, là ngy báo hiếu. Vào rằm tháng Bảy, các gia đình làm các thứ lễ vật cúng gia tiên, cúng ngoài sân, cầu mong cho vong linh người quá cố được siêu thoát. Ở các chùa, tăng ni, phật tử làm lễ lớn ở chùa như chay đàn niệm Phật, phát chẩn, nhiều chùa còn tổ chức đêm diễn văn nghệ với nội dung chính là tri ân công lao của cha mẹ (đặc biệt là mẹ, vì đây là mùa báo hiếu, gắn liền với truyền thuyết Kiền Mục Liên), tổ chức sinh hoạt lửa trại và các trò chơi dân gian...

 

1.4. TẾT TRUNG THU

Là Tết Rằm tháng Tám, tết dành cho trẻ em. Trẻ em ở khắp nơi trong tỉnh luôn háo hức trông chờ vào đêm Trung thu để rước đèn đi chơi, để múa lân khắp làng xóm, để được nhận quà bánh của người lớn, đặc biệt là bánh Trung thu. Hàng năm, vào dịp này bánh Trung thu được bày bán hàng tháng trời ở chợ thành phố, dọc đường Lê Trung Đình, đường Quang Trung… Nhiều nơi trong tỉnh còn tổ chức văn nghệ cho thiếu nhi, tổ chức cho các cháu ăn uống, vui chơi. Hiện nay, cứ vào trước, trong Tết Trung thu, trong tỉnh có hàng ngàn đội lân từ lớn đến bé nhảy múa khắp các phố phường, làng xóm, nhất là ở thành phố Quảng Ngãi, tạo nên một không khí hết sức náo nhiệt, thu hút hàng vạn người ở trung tâm thành phố và các địa phương khác đến xem và cổ vũ.

 

Ngoài các lễ Tết trên, còn có Tết Thanh minh, Tết Hạ nguyên... cũng được nhiều gia đình tổ chức. Vào những ngày này, các gia đình thường tổ chức cúng tế gia tiên, cúng ngoài sân, cúng tế ở các dinh miếu, nghĩa tự, đình chùa...

 

2. CÁC LỄ HỘI TIÊU BIỂU KHÁC

Hiện nay, tại các làng quê người Việt ở Quảng Ngãi còn giữ nhiều loại hình lễ hội cổ truyền, đặc biệt là ở các vùng ven biển. Tiêu biểu có: lễ hội thờ cúng Cá Ông, lễ hội cầu ngư, lễ hội thờ cúng nữ thần, lễ hội đua thuyền, lễ hội đình làng...

 

2.1. LỄ HỘI CÚNG CÁ ÔNG

 

Hầu hết các làng xã dọc theo ven biển Quảng Ngãi đều có lăng (hoặc miếu) thờ Cá Ông. Ở những vạn chài có đông đảo cư dân làm nghề đánh cá thì thường mỗi vạn có một lăng Ông. Lăng Ông là nơi thờ Cá Ông, tức cá voi, được ngư dân gọi bằng nhiều danh xưng như Nam Hải Cự tộc Ngọc lân thượng đẳng thần, Nam Hải Đại tướng quân, Đức Ngư Ông, Ông Lộng, Ông Sanh... Trong mỗi lăng Ông còn thờ các thủy thần khác, các vị tiền hiền, hậu hiền, những người chết sông, chết biển...

Hàng năm, ngư dân tổ chức lễ hội tế Cá Ông 2 lần vào mùa xuân và mùa thu, gọi là "xuân thu nhị kỳ". Kỳ xuân vào tháng Giêng hoặc tháng Hai, kỳ thu vào tháng Bảy hoặc tháng Tám âm lịch. Thông thường vào dịp tế thu, ngư dân làm lễ tế lớn hơn kỳ xuân, vì đây là dịp họ đền ơn Đức Ngư Ông đã phù hộ cho họ sau một mùa lênh đênh trên biển, có đông đảo các thành viên trong làng, vạn và các vạn chài lân cận cùng tham gia.

 

Trình thức một lễ hội cúng Cá Ông thông thường ở ven biển Quảng Ngãi (được miêu tả chủ yếu qua lễ hội lăng vạn Đông Yên, lăng Cù Lao và lăng Thạch Bi) bao gồm các nghi lễ: lễ túc yết, lễ nghinh Ông, chánh lễ, các trò diễn.

 

Lễ túc yết (hay gọi tắt là lễ yết) là lễ hiến cáo, tiến hành vào chiều tối ngày chánh tế, bao gồm các bước từ sơ hiến, á hiến đến chung hiến. Thường là lễ cúng chay, nhằm cầu siêu tế độ cho những người bị rủi ro chết trên sông biển, cung thỉnh thần Nam Hải và các vị thủy thần, thành hoàng, thổ thần, các vị tiền hiền, hậu hiền, tiền vãng, hậu vãng về dự lễ.

 

Lễ nghinh Ông thường diễn ra vào khoảng 3 - 4 giờ sáng của ngày chánh tế, là lễ rước thần Nam Hải và các vị thần về dự lễ hội. Đoàn thuyền nghinh Ông thường có 3 chiếc được trang trí cờ hoa rực rỡ, có bày hương án, bài vị, lễ vật... Những người tham gia lễ nghinh Ông có chánh tế, các bồi tế, tư văn, hành nghi, học trò gia lễ, các thầy chùa, ban nhạc lễ. Có nơi còn có đội chèo bả trạo và đội gươm theo hầu (như ở vạn Cù Lao - Mỹ Tân, Bình Chánh, và vạn Đông Yên, Bình Dương, Bình Sơn). Đoàn thuyền nghinh Ông thường ra cách bờ chừng 2 - 3km rồi thực hành các nghi lễ thỉnh Ông và các vị thần. Sau khi thực hành nghi lễ, đoàn thuyền rước vong Ông về chánh điện để làm lễ chánh tế.

 

Chánh tế là buổi lễ thường diễn ra vào khoảng 5 - 6 giờ sáng. Lễ vật hiến tế trong lễ chánh tế thường phải là tam sanh, trong đó có 1 - 2 con heo sống (đã cạo sạch lông nhưng chưa xẻ thịt) đặt quay đầu về chánh điện. Thành viên ban tế tự giống như các thành viên tham gia lễ nghinh Ông. Lễ chánh tế cũng diễn ra các bước: sơ hiến, á hiến, chung hiến như lễ yết, nhưng lễ chánh tế còn có múa gươm, có hát bả trạo. Đội gươm múa hầu thần theo các bước hiến tế, còn đội bả trạo múa sau khi các bước hiến tế đã kết thúc, vừa có ý nghĩa hầu thần vừa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho nhân dân trong làng, trong vạn (6).

 

Trước năm 1945, vào dịp tổ chức lễ hội tế Cá Ông, trong làng, vạn còn tổ chức các hình thức vui chơi như đua thuyền, lắc thúng, kéo co, hát bội, hát đối đáp, đua cà kheo, đấu vật…, nhưng ngày nay các trò diễn này đã thiếu vắng, thi thoảng mới có một số trò diễn như đua thuyền, lắc thúng, hát bội...

 

Ngoài các hình thức phổ biến vào các dịp lễ xuân thu nhị kỳ, còn có các nghi lễ liên quan đến việc cúng tế Cá Ông, tuy không thường xuyên nhưng cũng hết sức thiêng liêng của cư dân vùng sông nước, như lễ tang Cá Ông và lễ Thượng ngọc cốt.

 

Cá voi chết ngư dân gọi là Ông bị "lụy", hoặc "đi tu". Khi xác cá voi trôi dạt vào bờ biển của làng, vạn nào thì phải lo làm lễ tang cho Ông. Họ rất vui mừng khi được Ông "lụy" vào bờ biển của làng mình, vì cho rằng đó là phúc lớn của làng, nên lễ tang cho Cá Ông được tiến hành hết sức thiêng liêng và trang trọng. Người trông thấy Ông luỵ đầu tiên sẽ làm trưởng nam, chịu tang Ông trong 3 năm, như đối với cha mẹ mình. Sau khi làm lễ tế Ông tại lăng, dân làng làm lễ tế Ông tại bờ biển - nơi Ông lụy. Lễ tang Cá Ông cũng diễn ra các bước như lễ tang người chết. Có nơi cũng có đội bả trạo hát chèo hầu nhằm kể công ơn Cá Ông đã cứu mạng những ngư dân không may gặp nạn trên biển do phong ba, bão tố. Ngoài ban tế tự và nhân dân trong làng, vạn còn có đại diện các vạn chài khác đến tham gia lễ tang và phúng điếu.

 

Sau 3 năm, kể từ lúc làm lễ tang Cá Ông, ngư dân làm lễ Thượng ngọc cốt. Lễ Thượng ngọc cốt là lễ rước cốt Ông đưa vào trong lăng thờ. Họ rửa sạch từng bộ phận của xương Cá Ông bằng nước, rượu, nước ngũ vị trước khi đưa vào trong điện thờ. Có những nơi có cả nghĩa địa cá voi như ở Thạch Bi, Lệ Thủy...

 

Hiện nay, nhiều nơi trong tỉnh hàng năm còn tổ chức lễ hội cúng Cá Ông, nhưng tiêu biểu nhất là lễ hội cúng Cá Ông của các vạn chài: Cù Lao - Mỹ Tân, Đông Yên (Bình Sơn), Thạch Bi (Sa Huỳnh, Đức Phổ), lăng Chánh, lăng Thứ, lăng Tân... (Lý Sơn), lăng Cổ Luỹ Nam (Nghĩa Phú, Tư Nghĩa). Nhiều lăng Cá Ông ở Quảng Ngãi hiện còn giữ khá nguyên vẻ đẹp kiến trúc cổ cách đây vài trăm năm trước, như lăng Cồn (Lý Sơn), lăng Đông Yên, lăng Mỹ Huệ, lăng Cù Lao, lăng Thanh Thủy (Bình Sơn), lăng An Chuẩn (Mộ Đức). Lăng Ông lớn nhất là lăng Thạch Bi - Sa Huỳnh (Đức Phổ, được tôn tạo năm 2002). Lăng còn giữ được sắc phong thần (từ Minh Mạng đến Khải Định) là lăng Thanh Thủy (6 đạo), lăng An Chuẩn (4 đạo), lăng Cổ Luỹ Nam (1 đạo) (7)...

Chủ đề: Lễ hội miền Trung | Lượt xem: 959 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==