Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào CN, ngày 22/12/2024, lúc 0:51 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 19 » Lễ Hội Hải Phòng
9:41 PM
Lễ Hội Hải Phòng

Lễ Hội Hải Phòng

HỘI ĐUA THUYỀN RỒNG CÁT BÀ - HẢI PHÒNG

Người dân kể rằng thời xưa ở làng Gia Lộc, nay thuộc thị trấn Cát Hải có lệ tế thần biển vào ngày 21 tháng giêng. Cùng với các trò chơi, với lễ rước nước về đình làng, người ta đua thuyền dưới biển. Tế lễ như thế, Long Hải Đại Vương, ông thần của những người đi biển sẽ phù hộ cho trời yên biển lặng, một năm bội thu tôm cá. Ngày nay Hội được mở ngày 1/4 dương lịch, ngày mà năm 1959, Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà.

 

Thuyền rồng đua biển, đó là một chiếc thuyền thoi dài 11m, rộng 1,5m, đóng bằng thứ gỗ khô, nhẹ và bền chắc. Lòng thuyền có chỗ ngồi cho các tay đua và phía mũi có cái đầu rồng chạm bằng gỗ, sơn son thếp vàng rực rỡ. Mỗi thuyền có từ 22 đến 26 người. Mở đầu cuộc thi là tiết mục kéo co giữa các đội thuyền trên biển. Sau tiết mục kéo co là lắc thúng thuyền không mái chèo của những người ngư dân đến từ vùng biển Nam Trung bộ: Quảng Ngãi, Bình Định.Người dân chài miền Trung giật giải bằng cách đứng khom trên thuyền và lắc, chiếc thuyền thúng tròn xoe cứ dập dờn trên sóng mà tiến lên.

 

Tiếp sau cuộc đua thuyền thúng là cuộc đua thuyền rồng. Đường đua dài 1km, trên vịnh Cát Bà, dọc theo đường bờ Kè, hai đầu đánh dấu bằng những cột cờ báo hiệu. Thuyền đua sẽ vòng qua đấy ba hoặc bốn lần (tuỳ theo quy định từng năm), thuyền nào về đích trước sẽ đoạt giải. Súng lệnh nổ, mấy trăm mái chèo lần lượt khua nước, mũi thuyền, một người cầm còi hoặc thúc trống, phía sau một người cầm lái. Đây là hai người nòng cốt quyết định thắng thua của con thuyền. Đặc biệt người cầm lái phải xử lý cực kỳ chuẩn xác lúc vào cua, để cho thuyền dài hơn chục mét có thể vòng lại nhanh nhất, tiếp tục hành trình.

 

Lễ hội đua thuyền đã có từ nhiều năm ở miền Trung, miền Nam. Nhưng đua thuyền rồng, mà lại đua trên biển quả là một sự hiếm hoi, chỉ có ở Cát Bà

___________________________________

LỄ HỘI NÚI VOI - HẢI PHÒNG

Lễ hội núi voi tại Hải Phòng: Đã thành thông lệ, lễ hội truyền thống Núi Voi ở huyện An Lão, thành phố Hải Phòng mang màu sắc văn hoá của người dân miền biển diễn ra từ ngày 12 đến 14/2. Đây là dịp để du khách được tìm hiểu về vùng đất cổ có bề dày lịch sử và tham gia các hoạt động văn hoá độc đáo. Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Núi Voi đã trở thành huyền thoại với hình ảnh "Những cô gái dân quân treo mình bên vách đá, lưng chừng trời ngắm bắn máy bay rơi”. 
Nhiều hoạt động của lễ hội được tái hiện một thời hào hùng của vùng đất An Lão như: biểu diễn trống hội, diễn tích tuồng Hào khí Núi Voi, nghi lễ tế ở đền thờ nữ tướng Lê Chân… Những hoạt động văn hoá, trò vui dân gian là nội dung chủ đạo của lễ hội. Chương trình liên hoan ca múa nhạc công- nông- binh với sự tham gia của các xã trong huyện là sự tổng hoà của nhiều nét sinh hoạt văn hoá dân gian mang đậm hồn quê xứ sở. Ngoài ra, tại lễ hội Núi Voi du khách sẽ được thưởng thức các sản vật, món ăn nổi tiếng mang đậm hương vị quê hương: chè Chi Lai, khoai Tiên Hội…(Internet)

___________________________________

LỄ HỘI CHỌI TRÂU - HẢI PHÒNG

Lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng: Nơi có lễ hội truyền thống "độc nhất vô nhị" tại Việt Nam. Đó là Lễ hội chọi trâu được tổ chức hàng năm tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng..."Dù ai buôn đâu bán đâu, Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về, Dù ai buôn bán trăm nghề, Mồng chín tháng tám thì về chọi trâu" 
Không biết từ bao giờ, câu ca mộc mạc trên đã trở thành tiếng gọi của quê hương, nhắc nhở người Đồ Sơn nhớ về nơi "chôn rau cắt rốn". Nơi có lễ hội truyền thống "độc nhất vô nhị" tại Việt Nam. Đó là Lễ hội chọi trâu được tổ chức hàng năm tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. 
Lễ hội chọi trâu có từ bao giờ và bắt đầu từ đâu thì không ai biết, nhưng những truyền thuyết về lễ hội này thì có rất nhiều, mỗi truyền thuyết đều gắn với một sự tích kỳ bí khác nhau nhưng tất cả đều khẳng định: Hội chọi trâu là mỹ tục hào hùng mang đậm tính thượng võ, tính táo bạo và lòng quả cảm rất độc đáo của người Đồ Sơn. 
Để có những ngày hội náo nức, người dân Đồ Sơn phải chuẩn bị rất công phu trong khoảng 8 tháng trời. Theo người dân Đồ Sơn thì điều quan trọng bậc nhất là việc tìm và nuôi dưỡng trâu. Thông thường, sau Tết Nguyên đán, các sới chọi đều cử người có nhiều kinh nghiệm đi khắp nơi để mua trâu, có khi họ phải lặn lội hàng tháng trời vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, thậm chí lên tận Tuyên Quang, Bắc Cạn... mới tìm được con trâu vừa ý. 
Qua nhiều năm lặn lội tìm mua trâu, người Đồ Sơn nhận thấy rằng, những con trâu mua được ở chợ Gồi (Nam Định), Thủy Nguyên (Hải Phòng), Thanh Hà (Hải Dương) thường "giật" giải nhiều hơn. Bởi thế, cứ sau Tết âm lịch hằng năm, người Đồ Sơn lại đổ xô đến những địa phương trên lùng mua trâu. 
Một chủ trâu có nhiều năm kinh nghiệm cho biết: "Chọn trâu là một công việc cầu kỳ và tỷ mỉ, trâu đủ tiêu chuẩn phải là những con trâu đực khỏe mạnh, có khả năng chống chịu được đòn của đối phương (nghĩa là phải gan lỳ). Thông thường, những chú trâu da đồng, lông móc, một khoang bốn khoáy, hàm đen, tóc tráp (lông trên đầu cứng, dày để tránh nắng)... là trâu gan. Trâu phải có ức rộng, cổ tròn dài và hơi thu nhỏ về phía đầu, lưng càng dày, càng phẳng càng tốt. Háng trâu phải rộng nhưng thu nhỏ về phía hậu càng nhọn càng quý. Sừng trâu phải đen như mun, đầu sừng vênh lên như hai cánh cung, giữa hai sừng có túm tóc hình chóp trên đỉnh đầu là khoáy tròn. Mắt trâu phải đen, tròng đỏ. Mặt trâu giống mặt ngựa là trâu chọi hay...". 
Việc chọn mua trâu đã khó khăn, việc chăm sóc, huấn luyện trâu càng khó khăn gấp bội. Những người được giao nhiệm vụ chăm sóc huấn luyện trâu thường là những người có nhiều kinh nghiệm. Trâu chọi được nuôi ở chuồng riêng, tách biệt và kín đáo. Điều đặc biệt là không được để cho trâu chọi trông thấy trâu nhà cốt để trâu chọi khôi phục bản năng hoang dã, đơn độc của nó. Trường huấn luyện trâu thường là những bãi đất rộng, có nhiều người đứng xung quanh gõ chiêng trống và hò hét. 

Khi huấn luyện, người ta còn phủ cờ đỏ lên đầu trâu, mình trâu để cho trâu quen dần với không khí của ngày hội. Người huấn luyện còn dạy cho trâu có những miếng đánh hay, đòn hiểm và độc đáo. Sau khi huấn luyện, trâu nào được chọn làm trâu chọi sẽ được gọi một cách tôn kính là "ông trâu". Trâu nào đoạt giải nhất, được tôn lên thành "cụ trâu". 
Ở Đồ Sơn, phường nào cũng có người mê trâu chọi, có kinh nghiệm tìm mua trâu, chăm sóc, huấn luyện trâu chọi, những người này được coi là nghệ nhân. Trong ngày lễ hội, tên của họ được nhắc đến với tư cách là chủ của "ông trâu"… 
Mở đầu hội chọi trâu là lễ tế thần Điểm Tước (vị thuỷ thần, và cũng là Thành hoàng làng của cả vùng Đồ Sơn). Lễ tế thần ngày hội chọi trâu là lễ lớn nhất trong năm của người Đồ Sơn. Thời gian gần đây, những thủ tục của phần lễ ngày càng bị xem nhẹ, đơn giản hóa. Tuy nhiên, phần hội chọi trâu luôn có sức hấp dẫn lạ kỳ thu hút đông đảo du khách bốn phương đến cổ vũ. 
Vào hội, ai cũng náo nức, hồi hộp, chờ đợi… Từ hai phía của sới chọi, "ông trâu" được dẫn ra có người che lọng và múa cờ hai bên. Khi hai "ông trâu" cách nhau 20m, người dắt nhanh chóng rút "sẹo" cho trâu rồi khẩn trương thoát ra ngoài sới chọi. Hai trâu lao vào nhau với tốc độ khủng khiếp, hai đôi sừng đập vào nhau kêu chan chát... Cứ thế, hai trâu chọi nhau quyết liệt giữa tiếng hò reo vang dậy của hàng ngàn khán giả. 
Kết thúc hội chọi trâu là một cuộc rước giải trâu nhất về đình làm lễ tế thần. Cuộc rước này phải có tất cả mọi người dân Đồ Sơn (cả chủ trâu thua cuộc) biểu thị sự đoàn kết, vô tư, cùng đồng lòng mừng ngày vui chung. Trâu nhất hàng tổng được phần thưởng là một lá cờ vóc hồng thêu hai chữ "Thượng Đẳng" bằng kim tuyến, một bát hương bằng đá xanh đem theo đám rước trở về. 
Theo tập tục của địa phương, các trâu tham gia chọi, dù thắng, dù thua, đều phải giết thịt, dân Đồ Sơn lấy một bát tiết cùng một ít lông của trâu (mao huyết) để cúng thần, sau đó đổ xuống ao để tiễn thần... Du khách đến dự lễ hội có thể mua thịt trâu về ăn để cầu may và chúc phúc… 
Với những nét văn hóa truyền thống độc đáo vốn có, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách bốn phương đến với Hải Phòng. Năm 2000, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Nhà nước công nhận là một trong 15 lễ hội lớn của cả nước. (internet)

___________________________________

LỄ HỘI VẬT CẦU KIM SƠN - HẢI PHÒNG

Lễ hội vật cầu Kim Sơn - xã Tân Trào (huyện Kiến Thụy) 
Tương truyền, vật cầu vốn là môn thể thao do tướng Phạm Ngũ Lão (đời Trần) đặt ra để rèn luyện quân sỹ. Sau khi chiến thắng quân Nguyên trở về, tướng quân Phạm Ngũ Lão cùng quân sĩ đã dùng củ chuối hột làm quả cầu và ch­ơi trò vât cầu để rèn luyện quân sĩ. Và từ đó, dân làng lấy trò chơi này để đưa vào trò chơi đầu năm để đón xuân mới, lâu ngày trở thành lễ hội vật cầu truyền thống của Kim Sơn. Lễ hôi vật cầu thường tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng tại sân đình. 
Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch của năm trước, các cụ già làng cùng với các chức sắc trong làng họp bàn chuẩn bị cho công tác tổ chức lễ hội. 
Ngay từ sáng ngày 30 tết, 3 giáp và nhân dân trong làng đã nô nức chuẩn bị làm cổng chào. Cổng chào được làm bằng tre quấn rơm và viết câu đối 'Kiến như đại tân, anh hùng trần lực, vật ngã giai xuân' (tạm dịch: Ngày gặp gỡ lớn, toàn sức vật cầu, quyết giành phần thắng). Tối 30 tết cả làng ra đình làng để tế thành hoàng làng. 
Trong làng có 24 dòng họ và được chia làm 3 giáp: Giáp Đượng, giáp Nam và giáp Bắc, mỗi giáp 8 dòng họ. Mỗi giáp phải chọn cho giáp mình 6 người trong đó có 1 ông làm tổng cờ mặc võ phục đầu chít khăn, chân quấn xà cạp, tay cầm cờ đuôi nheo chỉ huy giành giật cầu và 5 đô vật. Đô vât phải là những thanh niên khoẻ mạnh và chưa lập gia đình. Mỗi một giáp phải dựng 1 cổng chào biểu tượng cho giáp của mình (giáp áo đỏ, giáp áo vàng, giáp áo xanh) 
Quả cầu được làm bằng củ chuối hột nặng 20 kg, củ chuối hột phải già và lâu năm và phải do ông trưởng làng đi tìm, đào mang về đảm bảo tươi, nhẵn, trơn, cỡ bằng cái thúng khảo (đường kính 30 - 40cm).Quả cầu được bọc giấy hồng điều có gắn hình tứ linh: Long, Ly, Qui, Phượng. Sau khi trang trí xong thì được đặt trên mâm bồng trong kiệu để ở án thờ trong đình làng . 
Sới vật cầu trên sân đình có hình con nhạn bằng cát đen. Lỗ cầu cái đào ở giữa sân chính rốn con nhạn có đường kính khoảng 1 mét, sâu chừng 0,7m, ba góc sân có 3 lỗ cầu quân nhỏ hơn. 
Chiều ngày 5 tết âm lịch, nhân dân và Ban tổ chức lễ hội tổ chức tế Thành hoàng và tế quả cầu. Sáng mùng 6 tết, từ 7 giờ, các già làng đã tổ chức làm lễ rước cầu từ trong đình ra ngoài sân đình và ban lộc cho các giai vật cầu. Đúng giờ Thìn (10 giờ sáng) người ta rước kiệu ra đình. Đoàn rước cầu gồm: kiệu rước ảnh Bác Hồ, đoàn cờ hội, bát âm, bát biểu, quả cầu biểu tượng, quả cầu vật, đoàn tế nam, tế nữ, tổ múa cờ, múa rồng, tổ trọng tài, sau đó mới là đoàn giai vật cầu. 

Quả cầu được đặt vào lỗ cái. Sau tiếng 'cắc' trống vang lên; cuộc vật bắt đầu. Vào cuộc, giai cầu nhảy xuống lỗ cầu cái tung lên, quả cầu tròn nhẵn lại rắn nặng khó bấu khiến các đội tranh giành đến là hào hứng. Có lúc cầu được cả 30 chục cánh tay dâng lên cao, khi lại lăn lông lốc kéo cả 15 giai cầu đổ xuống. Cả chục chàng trai lăn xả vào quả cầu tranh giành, mong đưa về được sân nhà. Nắng xuân hanh vàng. Mưa xuân lất phất. Quả cầu trơn đẫm nước, đẫm nhựa và tắm bùn. Còn các chàng trai thì nhễ nhại mồ hôi, cơ bắp nổi lên cuồn cuộn. Tất cả chìm trong tiếng trống thúc, tiếng người hò reo không ngớt... 
Thi vật gồm 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút. Khi giáp nào thắng cuộc (đưa được nhiều số lần quả cầu về sân mình nhất), tiếng hò reo lại vang dậy như sấm. Kết hội, quả cầu được ném xuống hồ bán nguyệt trước cửa đình. Người dự hội thường ào xuống tranh giành lấy một miếng về ăn lấy 'phước' của thần làng. (internet)

___________________________________

HÁT ĐÚM HẢI PHÒNG

Hát Đúm: Loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo ở Hải phòng: Từ rất lâu, mỗi người dân Việt Nam nói chung, người dân TP.Hải Phòng nói riêng đều biết về Lễ hội truyền thống hát đúm ngày xuân của các xã Phả Lễ, Phục Lễ và Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng). Đây là lễ hội có truyền thống từ xa xưa và được duy trì đến tận hôm nay trong niềm đam mê không chỉ của các nghệ nhân có tuổi, mà cả ở các cháu thanh, thiếu niên. 
Theo truyền thống, ngày bắt đầu của hội hát đúm đồng thời cũng là ngày những cô gái của Tổng Phục bỏ chiếc khăn mỏ quạ bịt mặt trong suốt cả năm. Vì thế, hội hát đúm ngày xuân cũng còn là ngày hội mở mặt. Trong những ngày này, các chàng trai, cô gái Tổng Phục (trước đây, ba xã Phục Lễ, Phả Lễ và Lập Lễ thuộc Tổng Phục) thường tập trung để hát đúm tại đình Phục Lễ, một trong những ngôi đình lớn. 
Hát đúm cũng có thể diễn ra ở trên đường đi, ngoài cánh đồng khi các tốp trai thanh, gái lịch trong những bộ quần áo truyền thống ngày hội gặp nhau. Họ nắm tay nhau say sưa hát đối những làn điệu giao duyên thể hiện khát vọng về tình yêu đôi lứa thông qua nhiều câu hát ví von mang đậm chất dân gian của vùng quê. 
Bao giờ cũng vậy, vào những ngày xuân, sinh hoạt hát đúm đã thu hút sự chú ý của đông đảo nhân dân Phả Lễ và các xã lân cận cũng như những người yêu thích nghệ thuật hát đúm ở TP.Hải Phòng. Từ nhiều ngày trước đó, các chàng trai, cô gái đã tập hợp để cùng nhau luyện tập những làn điệu truyền thống vớI nhiều bài bản khác nhau.
Bài bản của hát đúm rất phong phú. Đầu tiên, khi mới gặp nhau là những câu hát chào, những câu hát mừng. Tiếp sau đó có thể là hát hỏi, hát đố, hát họa, hát huê tình, hát cưới... và cuối cùng là hát ra về. 
Vào mùa xuân, hát đúm như trỗi dậy một sức sống mới vốn tiềm ẩn từ lâu trong tâm trí và tấm lòng của những người con quê hương hát đúm. Các chàng trai, cô gái (mà trong đó có cả các cụ đã ở tuổi 80 như cụ Duệ (xã Phục Lễ), cụ Kháu (xã Phả Lễ)... vẫn duyên dáng, say sưa trong những làn điệu hát đúm ngày xuân. Hát đúm cũng như một số hình thái sinh hoạt văn hóa dân gian khác đã phải trải qua những bước thăng trầm. Vậy mà, sức sống lâu bền, mãnh liệt của nó vẫn còn đến ngày hôm nay. 
Trong góc tiếp cận về phương diện âm nhạc học thuần túy, hát đúm không phức tạp và ở cấp độ cao như hát quan họ Bắc Ninh. Thậm chí, các làn điệu âm nhạc mới chỉ ở cấp độ đầu trong tương quan của các hình thái sinh hoạt âm nhạc dân gian Việt Nam. Nhưng nếu nhìn nhận hát đúm trong cách tiếp cận tổng thể một hiện tượng văn hóa dân gian lại là vấn đề không đơn giản, đòi hỏi nhiều trí tuệ của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Hát đúm sinh ra từ chính nhu cầu của người dân lao động, được bao thế hệ nghệ nhân sáng tạo không ngừng qua năm tháng, và đến hôm nay vẫn là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được nhiều người yêu thích nhất ở miền quê này.
Về quê hương hát đúm, chúng ta gặp cảnh nô nức đi nghe hát đúm của già trẻ, gái trai nơi đây. Khi nghe hát, nếu trên gương mặt người già dường như bừng lên, ánh lên những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ cùng những canh hát đúm say sưa, đằm thắm, mà không ít cặp hát sau đó đã nên vợ, nên chồng. Nếu như các anh chị trung niên đến đây không chỉ thưởng thức những làn điệu dân gian vốn là tài sản vô giá của cha ông để lại, mà còn tâm chí hướng về trách nhiệm bảo tồn cho thế hệ mai sau loại hình văn hóa độc đáo này, thì trên gương mặt của những cô bé, cậu bé là sự đắm chìm trong những làn điệu dân ca, gợi cho chúng ta cảm giác hình như dòng máu đang chảy trong huyết quản của chúng ngoài nhu cầu tiếp nhận ô-xy trong không khí, còn có cả nhu cầu tiếp nhận những âm hưởng dân ca vốn đã vang vọng từ bao đời. 
Kỳ diệu thay sức sống của văn hóa dân gian. Nó không chỉ làm giàu thêm thế giới tâm cảm của con người, mà còn làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn. Và đó cũng chính là cơ sở cho niềm tin về sức sống trong tương lai của loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian hát đúm độc đáo này ở huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng. (internet)

Nguồn: saigontoserco

Chủ đề: Lễ hội miền Bắc | Lượt xem: 879 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==