Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 5, ngày 25/04/2024, lúc 6:10 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 19 » Lễ Hội Hà Giang
9:40 PM
Lễ Hội Hà Giang

Lễ Hội Hà Giang

LỄ CẦU MƯA CỦA NGƯỜI LÔ LÔ - HÀ GIANG

Từ Lũng Cú tới Xín Cái- Mèo Vạc (Hà Giang) là các bản làng của gần 1.200 đồng bào Lô Lô. Nơi hành lễ là khu sân rộng giữa bản. Đồ tế lễ trong hội cầu mưa phải có rượu ngô, chó, gà, một thanh kiếm (có thể bằng sắt hoặc gỗ), một bát nước, bốn chén rượu, bốn ống hương bằng tre tượng trưng cho bốn phương trời và vật không thể thiếu trong tất cả các cuộc tế lễ của đồng bào Lô Lô- đó là trống đồng. Trống của người Lô Lô có hai loại, trống đực và trống cái, trống đồng như báu vật linh thiêng của cha ông để lại.

 

Đồ tế bày trong một cái mẹt, trên giá đỡ, thầy mo bắt đầu hành lễ. Tay phải ông cầm kiếm nâng lên, hạ xuống theo nhịp khấn, tay trái ông đánh trống đồng, miệng lầm rầm cầu khấn thần Kết Dơ (hai vị đứng đầu, cai quản trời đất). Cầu thần phù hộ cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hoà, làng bản no ấm.

 

Cúng xong, dân bản quây quần uống rượu, múa hát xung quanh bàn lễ. Những làn điệu dân ca Tế Phua, Tế La, Hồ La Tế, Ta Sì Phua chan chứa tình yêu quê hương, hạnh phúc lứa đôi. Ngày hội cầu mưa, người già gặp nhau nói chuyện nhà, chuyện trồng cây, cấy lúa, chăn nuôi, chọn rể, cưới dâu. Với đám thanh niên, đây là dịp tìm người yêu qua câu hát giao duyên, bằng tiếng sáo cờ lé, sáo đôi. Các cô gái Lô Lô rực rỡ trong bộ váy áo mới, thêu hoa văn rực rỡ. Áo cổ vuông, tay áo được ghép bằng nhiều mảnh vải màu khác nhau, váy dài có thêu xanh, đỏ, vàng… trên nền vài chàm xanh. Dây lưng thêu hoa có tua rua sặc sỡ. Kết hợp với bộ trang phục truyền thống là những vòng cổ, vòng tay bằng bạc lóng lánh.

 

Lễ hội cầu mưa của đồng bào Lô Lô mang tính tín ngưỡng phồn thực khá phổ biến ở các cư dân nông nghiệp. Vào dịp tổ chức lễ hội, hầu như mọi sinh hoạt của người Lô Lô đều hướng vào việc cầu mưa. Họ tâm nguyện, cầu khấn, ước ao những hạt mưa rơi xuống tưới tắm cho cánh đồng Mèo Vạc ngày càng xanh tốt, cho dân bản được mùa, đời đời no ấm.

___________________________________

LỄ HỘI NHẢY LỬA CỦA NGƯỜI PÀ THẺN - HÀ GIANG

Nhảy lửa là một lễ hội độc đáo, mang đậm nét huyền bí, hoang sơ của dân tộc Pà Thẻn, đang sinh sống ở hai huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) và Chiêm Hoá (tỉnh Tuyên Quang) trong dịp đầu năm để mừng lúa mới, cầu chúc cho cả năm khoẻ mạnh, sung túc, mùa màng bội thu.

 

Lễ hội nhảy lửa được tổ chức khi đồng áng đã thu hoạch xong từ giáp Tết (15/12 âm lịch) cho đến hết ngày rằm tháng giêng, trên một bãi đất rộng, bằng phẳng trong làng hoặc trước sân nhà thầy cúng. Tại lễ hội này, mỗi người tham gia lế nhảy lửa đều đem củi tới góp vui.

 

Để bắt đầu lễ hội, thầy mo làm lễ cầu thần linh. Lễ vật gồm có một bát hương, đàn sắt, con gà, 10 chén rượu và tiền giấy.

 

Một đống lửa lớn được đốt lên và thầy mo bắt đầu hành lễ. Thời gian làm lễ kéo dài một, hai giờ trước khi được bắt đầu lễ hội nhảy lửa. Khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên sẽ ngồi đối diện với thầy và đó chính là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa.

 

Những động tác lắc lư của các chàng trai mạnh dần. Họ bắt đầu bật lên và nhảy ra gần đống lửa. Trong phút xuất thần, họ bỗng thăng hoa mạnh mẽ, phi thường và biến ảo.

 

Trong khi thanh niên nhảy lửa, thầy mo vẫn tiếp tục làm lễ với tiếng nhạc đều đều huyền bí lẫn với lời khấn lầm rầm. Đồng bào Pà Thẻn cho rằng, thời gian nhảy trên lửa của họ tuỳ theo sức mạnh được thần linh ban cho. Khi hết sức mạnh, họ tự bị đẩy ra khỏi đống lửa, trở về ngồi lễ và lại lắc lư trong tiếng nhạc, chờ thần linh ban sức mạnh cho đợt nhảy mới.

 

Cứ sau 20 phút nhập thần, lại có một đợt nhảy như vậy. Vũ điệu cùng lửa càng về sau càng trở nên sôi động. Người xem ngày càng bị cuốn hút vào từng bước nhảy của các nghệ nhân và dường như chính bản thân họ cũng bị cuốn vào không khí linh thiêng này.

 

Ở đợt nhảy cuối cùng, chính thầy mo, linh hồn của buổi lễ, cũng thăng hoa, tung lên những bước nhảy mạnh mẽ, oai phong. Chiếc áo khoác đỏ và chiếc mũ sặc sỡ hoà cùng những hoa lửa rực rỡ tạo thành một khung cảnh vừa hoành tráng vừa mê hoặc.

 

Ngày nay, tại các bản làng của người Pà Thẻn, lễ hội nhảy lửa vẫn tổ chức thường xuyên vào dịp Tết với nét nguyên sơ. Đây cũng là một trong những tâm điểm của khách du lịch khi muốn khám phá văn hóa độc đáo của dân tộc Pà Thẻn nói riêng cũng như các dân tộc miền núi phía Bắc nói chung.

___________________________________

LỄ HỘI GẦU TÀO - HÀ GIANG

Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông Hà Giang : Dân tộc Mông là một trong 22 dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất cực Bắc Hà Giang với tổng số dân là 202.094 người; chiếm 30,8% dân số toàn tỉnh và 25% tổng số người Mông trong cả nước. 
Sống rải rác trên các triển núi cao giữa thiên nhiên, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào Mông có một đời sống tinh thần, tâm linh phong phú, đa dạng. Lịch sử dân tộc và điều kiện sống đã sản sinh ra nền văn hoá truyền thống Mông mang đậm dấu ấn miền núi cao vừa khắc nghiệt vừa trữ tình. 
Ngoài lễ tết thông thường và các nghi lễ trong đời sống, người Mông đặc biệt thích "Hội Gầu Tào". Đây là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng bên cạnh phần lễ, phần hội còn bộc lộ rõ bản sắc văn hoá dân tộc qua các sinh hoạt cộng đồng. Tham dự ngày hội văn hoá các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ 5, đoàn nghệ thuật dân gian tỉnh Hà Giang xin giới thiệu với quý vị và các bạn trích đoạn lễ hội "Gầu Tào" - Là lễ hội tiêu biểu nhất của người Mông, với mục đích là cúng tạ trời đất đã ban cho thôn bản, dòng họ, gia đình, sức khoẻ. Lễ hội được tổ chức vào mùa xuân hay những dịp nông nhàn do một gia đình hay một làng chủ trì và được tổ chức trên một bãi đất rộng quanh làng, hay một nương ngô đã thu hoạch xong. Trước ngày hội Trưởng bản thông báo cho các hộ gia đình trong bản biết và thông báo cho các hộ gia đình các dân tộc khác cùng sống trong khu vực đến tham gia ngày hội với dân bản. 
Từ sáng sớm người dân trong bản đều mặc bộ trang phục truyền thống mới nhất của mình, người con gái mang ô, người con trai mang khèn đến tập trung ở khu vực diễn ra lễ hội cùng biểu diễn thi tài. 
Hội Gầu Tào gồm hai phần chính: phần lễ và phần hội. 
Phần lễ được bắt đầu bằng lễ dựng cây nêu: 
+ Lễ dựng cây nêu: Thông báo nơi mở hội bằng một cây thẳng cao vút ngọn nhằm thể hiện sức sống trường tồn của làng bản người Mông trên mảnh đất cao nguyên đá. 
Dịch: Hôm nay là ngày lành tháng tốt, được sự tín nhiệm của bà con dân bản tôi xin chọn địa điểm này để cắm cây nêu mở hội tại trên quả đồi này để xin phép các vị thần tổ chức mở hội Gầu Tào tại đây, cũng là thông báo cho dân bản làng xa, làng gần cùng biết đến tham sự và cũng là dịp để người người, nhà nhà đến cầu may, cầu phúc cho gia đình làng bản mình lộc nhiều phúc lớn. 
Khi cây nêu đã dựng xong: bản làng có một mâm lễ đặc dưới cây nêu để cúng thần linh và tổ tiên, trời đất. 
+ Mâm lễ (một thủ lợn, một đĩa xôi, một chai rượu, bốn cái bát con, bốn cái chén, bốn cái thìa): đây là lễ vật dâng cầu vận may, sức mạnh thể hiện ở chỗ con vật bốn chân ứng với bốn vị thần trời, đất, sông, núi. 
Vào lễ, gia chủ đặt dưới chân cây nêu mâm lễ và khấn tạ trời đất đã cho gia đình được toại nguyện. 
+ Các bài cúng: 
Bài 1. Hôm nay là ngày lành tháng tốt, tôi đại diện dân làng ở khu vực thị xã Hà Giang xin khẩn cầu với trời đất, thần sông, thần núi nhờ sự che trở của các thần linh đã giúp gia đình làng bản chúng tôi nhà nhà, làng làng sức khoẻ rồi rào, làm ăn, làm mặc khấm khá, con cái khoẻ mạnh, học hành giỏi giang. Nên nay có mâm lễ này để dâng lên các vị thần linh, mời các vị thần linh về ngự tại đây để nhận các lễ vật do dân làng dâng hiến. 
Bài 2. (Mời các vong hồn) hôm nay gia đình, làng bản có mở hội gầu tào tại đây nên mời các vong hồn bốn phương về nhận lễ vật của lễ và che trở cho lễ hội diễn ra suôn xẻ gặp điều may mắn. 
Bài 3. Hôm nay tại lễ hội này, dân làng xin dâng hiến các vị thần một con vật bốn chân, cơm xôi, rượu ngô và tiền vàng, tiền bạc mời các vị đến nhận rồi phù hộ cho dân làng nhà nào cũng con cái khoẻ mạnh, học giỏi, làm ăn khấm khá và gặt hái nhiều kết quả mới. 
Phần hội 
Sau khi phần lễ kết thúc ông già làng tuyên bố: Hôm nay làng ta tổ chức lễ hội Gầu Tào, các vị thần, ông bà tổ tiên đã về đây chứng giám cho chúng ta rồi, chúng ta hãy vui lên, các chàng trai, cô gái Mông hãy cùng nhau trổ tài, thi sức để xem ai là người bắn nỏ, cưỡi ngựa giỏi nhất, ai là người múa khèn hay nhất của bản ta bà con ơi... 
Bắt đầu phần hội - Phần này được tổ chức với nhiều trò chơi bổ ích, lý thú. Đó là những trò chơi dân gian, như đánh yến, đấu võ, bắn nỏ... còn những trò vui mang tính nghệ thuật như múa khèn, thổi sáo, thi hát đối đáp... Hội thi là nơi để thanh niên nam nữ trổ tài và cũng chính là nơi họ gặp gỡ, tâm sự và tìm hạnh phúc cho mình. Là một lễ hội lớn, một sinh hoạt văn hoá đặc sắc với đủ loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian, hội Gầu Tào thực sự hẫp dẫn. Từ dụng ý ban đầu là lễ tạ ơn chúc tụng con đàn cháu đống, mang màu sắc tôn giáo, Gầu Tào trở thành lễ hội trổ tài và giao duyên của nam nữ thanh niên Mông. 
Lễ hội Gầu Tào còn là một phương tiện để củng cố phát triển mối quan hệ giữa các cá nhân, giữa các gia đình hay các cộng đồng làng bản để thắt chặt tình đoàn kết. Lễ hội góp phần làm cho diện mạo của đời sống văn hoá Mông thêm sinh động, đa dạng và là nguồn lực thúc đẩy tinh thần dân tộc Mông nói riêng và tinh thần nhân dân các dân tộc vùng cao nói chung./.(internet)

Chủ đề: Lễ hội miền Bắc | Lượt xem: 775 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==