Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 5, ngày 25/04/2024, lúc 8:00 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 19 » Lễ Hội Hà Nội
9:02 PM
Lễ Hội Hà Nội

Lễ Hội Hà Nội

LỄ HỘI CHẠY LỢN - HÀ NỘI

Vào ngày mồng 7 tháng 1 âm lịch hàng năm, người dân Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) lại tổ chức lễ hội chạy lợn thờ độc đáo. Theo người dân trong vùng thì lễ hội bắt nguồn từ thời vua Hùng thứ 18 và ngày nay lễ hội được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa dự án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chuẩn bị lợn bắt đầu cuộc thi

Chuyện làng kể lại rằng vào thời vua Hùng thứ 18 có hai vị tướng thống lĩnh thủy quân khi hành quân qua vùng Duyên Yết được các vị bô lão trong làng mở tiệc khao quân.

Hai vị tướng bằng lòng nhưng phải làm sao thật nhanh để binh sĩ kịp hành quân đuổi giặc. Kể từ ngày đó, cứ đến đúng ngày đãi quân năm xưa dân làng lại mở hội chạy lợn để nhớ về một truyền thống có ý nghĩa về tình quân dân khắng khích thời xa xưa. Và ý nghĩa của từ "chạy lợn" ở đây có nghĩa là mổ lợn thật nhanh và làm cỗ thật nhanh.

 

Bắt đầu bằng công đoạn cắt tiết

Những con lợn ngày hôm nay được mổ trong ngày hội phải được người dân nuôi hết sức cẩn thận trước đó. Trước ngày hội khoảng 10 ngày, lợn được cho ăn cháo gạo nếp, tắm rửa bằng nước thơm sạch sẽ mỗi ngày. Thịt lợn thì ở chỗ nào chẳng giống nhau nhưng cái cách làm thịt lợn ở lễ hội này thì rất độc đáo. Các thanh niên phải hoàn thành công việc phức tạp từ cắt tiết đến mổ trong thời gian từ 2 phút đến 3 phút. Sau đó bày mâm cỗ cúng chỉ lấy phần thủ lợn và các bộ phận khác như miếng tề vai, tề mông, quả tim, miếng mỡ chài bao quanh dạ dày phủ lên thủ lợn, một quả thận và tiết lợn đông. Và nhất là mọi việc phải đạt tiêu chuẩn Nhanh (Thời gian), Tinh (sạch sẽ, kĩ lưỡng, kích cỡ theo quy định)... và phần thân con lợn sau khi giết mổ phải gần như nguyên vẹn, những vết mổ moi để lấy ngũ tạng phải kín đáo.

Bày mâm cúng thần

Các vị bô lão trong làng đóng vai trò giám khảo, kiểm tra con lợn rất kỹ sau khi giết mổ. Con nào bị thủng ruột và mổ phanh ra lấy lục phủ ngũ tạng đều không được chấm điểm. Sau khi chấm điểm mâm cỗ sẽ được mang vào đình tế thánh, phần còn lại dành liên hoan giữa các thôn

___________________________________

HỘI PHONG CHÚA RƯỚC VUA - HÀ NỘI

Nhà vua gương mặt uy nghiêm, mình khoác long bào, đầu đội mũ ngự ngồi trên ngai vàng, xung quanh cờ lọng rợp trời, trống chiêng rộn rã, đoàn người kéo dài cả cây số rùng rùng rước kiệu vàng vào đền làm lễ... Đó là khung cảnh của lễ rước vua giả độc đáo có một không hai diễn ra ở làng Thụỵ Lôi, xã Thụỵ Lâm, Đông Anh, Hà Nội.

Tích xưa kể rằng sau nhiều lần xây thành Cổ Loa không xong, cứ ngày xây đêm lại đổ, vua Thục Phán An Dương Vương được thần Huyền Thiên Trấn Vũ giúp diệt trừ yêu tinh, từ đó thành xây lên mới vững chãi. Để tạc ghi công đức của thần, nhà vua cho xây dựng đền Sái, thờ thần Trấn Vũ và hàng năm cứ vào mùa xuân nhà vua lại đích thân xa giá về bái yết tại đền. Về sau, việc đi lại khó khăn, tốn kém tiền bạc của nhân dân nên nhà vua ban chiếu cho làng Thụỵ Lôi thực hành nghi lễ này. Từ đó xuất hiện lễ hội "Rước vua giả”, còn gọi là lễ rước vua sống của nhân dân làng Thụỵ Lôi.

 

Lễ hội rước vua ở làng Thụỵ Lôi được tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Để chuẩn bị cho ngày hội lớn này, n_ từ những ngày đầu năm mới dân làng đã cho sửa sang lại đường sá, những cụ có uy tín trong làng tìm chỗ dựng dinh cho vua, chúa và các quan lại; dân làng làm bánh chưng, bánh dày tiến vua cùng nhiều sản vật khác... Trước ngày diễn ra hội chính, làng cho giết trâu, bò, lợn để khao dân tại đình làng... Sáng 11 tháng Giêng là ngày hội chính, ngoài người được chọn làm vua còn có chúa và bốn vị quan đầu triều cùng tham gia lễ rước. Vua giả ngồi trên kiệu được trai tráng trong làng rước ra đình cùng các quan. Trong khi rước, thỉnh thoảng đám trai tráng khênh kiệu "chúa” lại hô vang rồi chạy để dẹp đường cho "vua”. Sau khi "vua”, "chúa” cùng bá quan yên vị, yến tiệc bắt đầu; tan tiệc trống chiêng nổi lên rộn rã, theo nghi lễ truyền thống, "chúa” lên kiệu vào yết "vua”, sau đó "vua” lên kiệu và cuộc rước bắt đầu: "vua” lên bái vọng đức Huyền Thiên ở đền Sái và thực hiện nhiều nghi lễ khác ở đình, chùa... Lễ hội diễn ra trong không khí trang nghiêm mà náo nhiệt, chiêng trống nổi liên hồi, ai nấy đều hồ hởi dõi theo đám rước, hàng vạn người nối nhau làm ngày xuân như dài mãi... Đặc biệt sau lễ rước, "vua” trở về dinh là... nhà mình, ngự trên ngai vàng, bà con làng xóm vui mừng tới dinh "vua” chúc mừng. Theo các cụ cao niên trong làng, những người được phong "vua” phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về đức độ, sức khỏe, tuổi tác (trên 70 tuổi)... Vị "vua” được chọn sẽ có uy tín rất lớn trong những việc nghi lễ của làng cho đến lễ rước tiếp theo có "vua” mới được bầu chọn. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lễ rước vua giả ở Thụy Lôi bị gián đoạn, từ năm 1984 đến nay được duy trì rất đều đặn. Xưa kia, nhà vua cắt ruộng đất cho những người được giao chuẩn bị lợn, trâu làm lễ khi đón rước vua, nay ở Thụỵ Lôi vẫn còn những cánh đồng mang tên dõng Vua, khu Trâu đô, Lợn đô...

 

Trước kia lễ hội rước vua diễn ra trong ba ngày, nay chỉ tổ chức gọn một ngày cho phù hợp với đời sống văn hóa mới. Ngày 11 tháng Giêng hàng năm, du khách khắp nơi lại đổ về Thụy Lôi để dự lễ rước vua giả độc đáo của làng và càng thêm tự hào về một nét văn hóa đặc sắc của ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Để tìm hiểu về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mời các bạn ghé thăm Website : http://1000namthanglonghanoi.vn .Website là 1 kho tư liệu quý giá viết về Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.Các bạn sẽ tìm được những tư liệu quý để phục vụ cho việc học tập của mình và cùng chung tay hướng về đại lễ của dân tộc.

___________________________________

 

HỘI LÀNG KHÊ THƯỢNG - HÀ NỘI

Khê Thượng là một ngôi làng cổ nằm ven sông Đà. Vào những ngày đầu năm làng lại mở hội thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị thánh đứng đầu trong Tứ Bất Tử Việt Nam.

Rước Thánh về làng

Hội làng được mở từ ngày mùng 3 đến mùng 7 tháng Giêng âm lịch. Từ chiều ngày mồng 2 người làng đã chuẩn bị kiệu, cờ trống, hương án bên bờ sông Đà để bái vong Ngài ở núi Nghĩa Lĩnh. Theo tục thì ngày Tết Ngài cùng vợ là Ngọc Hoa công chúa về Tết vua cha, đêm ngày mồng 2 dân làng phải chuẩn bị thuyền rước Ngài về.

 

Sang sáng mùng 3 Tết cả làng sẽ mở hội tưng bừng với nhiều trò chơi nhộn nhịp ở sân đình trong đó tục "chém may" và đấu vật đầu năm là đỉnh của ngày hội. Dân làng gọi là đấu vật thờ thánh, vừa khuyến khích tinh thần thượng võ của nhân dân vừa nhắc lại sự kiện chiến thắng của Sơn Tinh với Thuỷ Tinh nhờ sức lực và lòng dũng cảm.

 

Tục "chém may" là tục lệ độc đáo của làng diễn ra ngày mồng 7 tết. Dân làng sẽ chọn ra những chàng trai khoẻ mạnh, không tang chế và điều tiếng gì trong năm. Người được chọn phải tự tập luyện một mình các thế múa dao để biểu diễn cho thuần thục. Nếu không tốt sẽ cảm thấy có lỗi trước thánh và gia đình. Sáng mồng 7 các chàng trai cởi trần, đóng khố đỏ, chất khăn đỏ, tay trái cầm chiếc thuyền giấy cũng màu đỏ, tay phải cầm dao. Con dao bị mài sắc theo quy định cổ truyền bằng 9 lần chiều ngang của bàn tay người lớn. Các chàng trai vào lễ thánh ở trong đình bước ra tề tựu ở ngoài sân trong sự hồi hộp, náo nức của dân làng. Tại đó họ dựng một hàng cây chuối to đứng thẳng đều nhau, cách chừng vài mét đủ tầm múa lượn của các chàng trai khi chém. Tiếng trống nổi lên, các chàng trai từ từ biểu diễn các điệu múa rồi nhanh dần, nhanh dần theo nhịp trống. Đến khi tiếng trống thúc đổ dồn thì các đường dao cũng xoáy tít và các chàng trai tiến dần đến chỗ những cây chuối. Nhanh như chớp nhảy lên, người ta chỉ nhìn thấy vệt dao loang loáng và lướt ngang thân cây chuối thấy nó đổ gục mà đoạn dưới vẫn đứng nguyên như không ai động đến. Tiếng reo hò cổ vũ vang dậy, đường chém ngọt, chuối đứt ngay báo hiệu điều lành. Bởi vì tài chém như vậy các quân thuỷ quái của Thủy Tinh sẽ sợ mà từ bỏ ý định phá hoại, quấy dân làng. Người ta vui mừng, hồ bởi vào lễ tạ trong đình và ra về với niềm phấn khích của một năm mới đầy hy vọng, bởi "vạn sự khởi đầu nan" đã rất tốt đẹp. Mọi người chúc tụng nhau, cùng vui chơi nốt ngày hội với hy vọng ngày mai tốt đẹp.

 

Đầu xuân mời bạn đến với làng Khê Thượng hòa mình vào lễ tục náo nhiệt có từ thuở khai sơ, nơi 18 thời vua Hùng dựng xây nên đất Việt lớn mạnh ngày nay.

___________________________________

HỘI GIÓNG - HÀ NỘI

Hàng năm cứ đến ngày 9/4 âm lịch (ngày ông Gióng thắng giặc Ân), người dân bốn phương từ mọi ngả xa gần lại đổ về để xem lễ, dự hội tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội).

 

Đây là mảnh đất đã sinh ra một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam - "Phù Đổng thiên vương”. Người xã Phù Đổng vẫn truyền nhau câu ca dao: "Ai ơi mùng Chín tháng Tư/ Không đi hội Gióng cũng hư mất đời…”

 

Hội Gióng thực sự là một lễ hội "độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Nó là một "hội trận”, vừa thể hiện tinh thần chống giặc ngoại xâm của người Việt cổ, vừa thể hiện mong ước "Quốc thái dân an” của nhân dân.

 

Lễ hội Gióng được cử hành trong một không gian rộng lớn dài khoảng 3km gồm đền Thượng, đền Mẫu (thờ mẹ Gióng) và chùa Kiến Sơ…

 

Hội bắt đầu từ ngày mồng 6/4 đến 12/4 (âm lịch). Trong những ngày 6-8/4 dân làng tổ chức lễ rước cờ tới đền Mẫu, rước cơm chay lên đền Thượng.

Ngày chính hội (9/4) có lễ rước kiệu võng từ đền Mẫu lên đền Thượng và tổ chức hội trận (diễn lại trận phá giặc Ân).

 

Ngày mồng 10 làm lễ duyệt quân tạ ơn Gióng. Ngày 11 lễ rửa khí giới. Ngày 12 lễ rước cờ báo tin thắng trận với trời đất. Cuối cùng là lễ khao quân, đến đêm có hát chèo mừng thắng trận.

 

 

Để biểu đạt những ý tưởng và triết lý dân gian, Hội Gióng có dàn vai diễn hết sức phong phú và độc đáo. Ví dụ, các ông "Hiệu” là hệ thống tướng lĩnh của ông Gióng; "Phù Giá”, đội quân chính quy của ông Gióng; các "Ông Hổ”, đội quân tổng hợp; "Làng áo đen”, đội dân binh; "Cô Tướng”, tượng trưng các đạo quân xâm lược…

 

Hội Gióng là một kịch trường dân gian rộng lớn với hàng trăm vai diễn tiến hành theo một kịch bản đã được chuẩn hóa từ xa xưa để lại. Bên cạnh đó, các đạo cụ, y phục, mỗi một chương mục, một vai diễn đều chứa đựng những ý nghĩa hết sức sâu sắc.

 

Sự hấp dẫn của Hội Gióng trước hết phải kể đến ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, truyền thống võ công, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc.

 

Trong lời khai mạc Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (năm 1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: "Đảng ta vĩ đại thật. Một thí dụ: Trong lịch sử ta có ghi chuyện vị anh hùng dân tộc là Thánh Gióng đã dùng gốc tre đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong những ngày đầu kháng chiến, Đảng ta đã lãnh đạo hàng nghìn hàng vạn anh hùng noi gương Thánh Gióng dùng gậy tầm vông đánh thực dân Pháp…”

 

Ông Hoàng Đức Cường - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phù Đổng, kiêm Trưởng Ban quản lý khu di tích Đền Gióng cho biết xã đang chuẩn bị Hội Gióng năm 2010. Hội Gióng năm tới sẽ được tổ chức lớn hơn mọi năm, vì là năm chính hội. Đây cũng là dịp để Phù Đổng chào mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

 

Trước ngày 31/8, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan sẽ hoàn thiện hồ sơ "Lễ hội Gióng" trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

___________________________________

Hội đền Đồng Nhân tưởng niệm Hai Bà Trưng

Nằm cách đường Nguyễn Công Trứ chừng 500m, thuộc phường Đồng Nhân, đền Hai Bà Trưng là một ngôi đền có kiến trúc theo lối xưa. 

Trước cửa đền là một cây đa lớn cành lá xum xuê tạo cho ngôi đền một vẻ linh tú, nghiêm trang. Đây chính là nơi thờ hai vị nữ vương duy nhất của Việt Nam là Trưng Trắc và Trưng Nhị.

Sau ba năm kiên cường chống quân xâm lược phương Bắc (40-43), cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, nhưng đã để lại cho dân tộc tấm gương trung trinh của nhị vị nữ anh hùng, làm rạng ngời ý chí và bản lĩnh của phụ nữ Việt Nam. 

Tưởng nhớ sự nghiệp vẻ vang của Hai Bà cùng các tướng lĩnh, nhân dân đã lập đền thờ ở nhiều nơi, nhưng nổi tiếng hơn cả, phải kể đến ba ngôi đền: đền Hát Môn (Hà Tây), đền Hạ Lôi (Vĩnh Phúc) và đền Đồng Nhân (Hà Nội).

Đền Đồng Nhân được khởi dựng vào năm 1142 đời Lý Anh Tông, sau sự kiện huyền kỳ về pho tượng Hai Bà bằng đá trôi theo dòng sông Hồng dạt vào bờ và tỏa sáng tại bãi Đồng Nhân đêm 6/2. Từ đó thành lệ cứ vào dịp này hàng năm dân làng tổ chức lễ hội. 

Đến năm 1819, bãi sông lở, đền chuyển về Sở Võ (giảng võ đường thời Lê) tại thôn Hương Viên, nay là phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Hội đền Đồng Nhân kéo dài trong bốn ngày từ ngày mồng 3 - 6/2. Lễ hội bắt đầu bằng lễ mở cửa đền ngày mồng 3. Sáng ngày mồng 4 dân làng đã bắt đầu tế (là lễ nhập tịch). Đến ngày mồng 5 là ngày chính hội. Trong ngày này có lễ tắm tượng, tế nữ quan và tổ chức múa đèn, ngày mồng 6 tế lễ chay. Theo tục cũ mọi việc dâng cúng trong hậu cung đều do các lão bà thực hiện.

Sau tế lễ, đến múa đèn. Tốp múa đèn gồm từ 10 đến 12 cô gái độ tuổi thanh xuân đẹp đẽ và tầm vóc như nhau đã được tập luyện chu đáo. Tất cả các nữ vũ công này đều mặc áo dài đen, quần hồng, thắt lưng đỏ, đầu chít khăn lụa màu. Mỗi người cầm trên hai tay hai đèn làm bằng đài gỗ, dán giấy màu xung quanh và thắp nến cháy sáng ở giữa. 

Tốp múa này sắp thành hàng trước hương án và múa uyển chuyển, lúc lên lúc xuống, lúc đan xen, lúc tách hàng theo tiếng trống cơm bập bùng nhịp nhàng của hai cô gái đánh bồng (do nam giới cải trang) làm nhịp cho điệu múa. Ngày mồng 6 rã hội có lễ dâng hương và đóng cửa đền./.

(Hanoi Portal/Vietnam+)

___________________________________

HỘI ĐỀN AN DƯƠNG VƯƠNG - HÀ NỘI

Hội đền An Dương Vương :Đền thờ An Dương Vương toạ lạc trên mảnh đất thuộc làng Cổ Loa, huyện Đông Anh Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 17 km nằm trên quốc lộ Hà Nội đi Phúc Yên. 
Đền nằm trong vị trí khu Thành Cổ, bao gồm một cụm các di tích: Đình Ngự Triều Di Quy, tương truyền đây là nơi ngự triều của vua Thục; Am Bà Chúa - nơi thờ công chúa Mỵ Châu, con gái vua Thục. Trong am vẫn còn pho tượng đá cụt đầu, dấu tích của nỗi lòng oan khiên hận tình nợ nước của nàng công chúa vì nhẹ dạ mà mắc mưu kẻ địch để nỗi nước mất nhà tan. 
Từ Am Bà Chúa sang thăm đền Thượng, còn gọi là Đền Vua Chủ. Đây chính là nơi thờ An Dương Vương. Trong đền có thờ đôi ngựa Hồng và trống đồng vua Thục. Trước đền có giếng Ngọc, nơi Trọng Thuỷ tự tử vì hối hận. Trong cụm di tích này còn có một miếu nhỏ thờ thần Kim Quy. 
Hội đền Cổ Loa cử hành hằng năm vào ngày mồng 6 tháng Giêng và kéo dài trong khoảng 10 ngày. Trong ngày lễ hội có sự tham dự của dân 12 xóm trong vùng Cổ Loa. Lễ hội mở đầu bằng đám rước Văn Chỉ và kiệu Thành hoàng các xóm sáng mồng 6 tháng Giêng sang đền thờ Vua chủ. Đền Thượng sẽ là nơi cử hành tế lễ, sân đền có cắm cờ ngũ sắc và bày các khí tự: đôi ngựa hồng, ngựa bạch hai bên tả hữu, chính giữa là hương án có bày đồ lễ, hộp kính đựng hia vàng và các đồ ngũ sự cùng với các khí giới của nhà vua. 
Tuy nhiên tượng nhà vua và chiếc mũ bình thiên vẫn để trong gian thờ. Khi đám rước tới, các tiên chỉ sẽ sắp xếp theo chánh hội tế và cử hành nghi thức tế cổ truyền. Lễ tế thường kéo dài từ lúc quá Ngọ sang Mùi mới xong (12 giờ - 1 giờ). Sau khi đội tế của làng Cổ Loa tế xong lần lượt sẽ đến các đội tế khác (nếu có). Cuối cùng là dân làng và du khách vào lễ cầu nguyện nhà vua phù hộ cho thịnh vượng bình yên. 
Sau buổi tế, dân làng tổ chức rước kiệu thần của 12 xóm và kiệu long đình của nhà vua cùng cung tên, kiếm nỏ, phường bát âm, cờ quạt đi một vòng quanh giếng Trọng Thuỷ về đình Ngự Triều (tới cửa điếm làng Cổ Loa thì kiệu làng nào về làng ấy, chỉ có kiệu làng Cổ Loa được rước về đình Ngự Triều). Đám rước xong cũng là lúc dân làng tham dự hội với những trò vui cổ truyền: đánh đu, đáo, đĩa, các cụ thì chơi tổ tôm, cờ bỏi... Hội cứ thế kéo dài cho tới 16 tháng Giêng mới làm lễ tạ trời đất và đóng đám. (Internet)

___________________________________

LỄ HỘI ĐỀN CHÚA XÃ CỔ NHUẾ - HÀ NỘI

Lễ hội đền Chúa xã Cổ Nhuế: Thôn Viên, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (Hà Nội) có chùa Anh Linh và đền Chúa là hai di tích kiến trúc văn hóa nghệ thuật gắn liền với sự kiện lịch sử đời Trần chống giặc Nguyên Mông, đồng thời gắn với quá trình chiêu dân, lập ấp thành làng Việt Cổ ở xã Cổ Nhuế với công lao sự nghiệp của công chúa Túc Trinh. 
Anh Linh Tự do công chúa Túc Trinh bỏ tiền bạc ra xây dựng, ngày đêm chăm lo Phật đạo, giáo hóa chúng sinh, dạy dân cày cấy, lập làng Kẻ Noi (nay là xã Cổ Nhuế). Để tưởng nhớ công ơn của Bà, nhân dân xã Cổ Nhuế thờ Bà làm Hậu phật tại chùa Anh Linh và Thiên Phúc.

Các đền, miếu trong thôn thờ Bà, lấy tên là Tối Linh Từ và tôn Bà làm Thần Chủ.

Tương truyền, sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất (năm Mậu Ngọ 1258), để phát triển sản xuất làm cho dân ấm no, quốc gia hưng thịnh, Vua Trần đã xuống chiếu cho các vương hầu, công chúa chiêu tập dân phiêu tán để khai khẩn đất hoang, mở rộng vùng ven kinh thành Thăng Long. Theo chiếu chỉ, công chúa Túc Trinh, con gái Vua Trần Thánh Tông (1240 -1290), đã rời cung điện ra vùng phía tây bắc kinh thành Thăng Long. Công chúa bỏ tiền bạc phát chẩn, cấp vốn cho dân nghèo dựng nhà, vỡ đất cấy trồng làm ăn sinh sống, thành làng, thành xóm. Sau khi lập làng Cổ Nhuế Viên, công chúa Túc Trinh đến làng An Nội, xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm để làm tiếp việc ân đức. 
Sau này, ngày giỗ công chúa Túc Trinh được tổ chức ở cả hai làng An Hội và Cổ Nhuế. Đêm 30/7 âm lịch hàng năm, làm lễ mở cửa đền. Vào giờ Tý ngày mồng 1/8 âm lịch hàng năm, làm lễ mộc dục và cúng thức. Lễ mộc dục do một vị bô lão trong làng đảm nhiệm, trang phục chỉnh tề, đầu đội khăn xếp, quần trùng, áo dài, chân đi hài vân sảo, tất cả đều màu đỏ. Vị bô lão thay mặt cho cả dân làng làm việc ân đức với Chúa nên hết sức tuân thủ các điều kiêng kỵ: ăn chay một tháng, không ngủ chung với phụ nữ... Nước làm lễ mộc dục phải là nước mưa tinh khiết nấu với ngũ vị hương. Người nấu nước ngũ vị là đàn bà và cũng phải tuân thủ các điều kiêng cữ như vị bô lão. Trước khi làm lễ, vị bô lão rửa tay gọi là quán tẩy, vẩy nước hoa vào người, xoa lên mặt, đầu và hai tay, gọi là tẩy uế. 
Sau khi mộc dục cho Chúa Bà, các đồ mã cũ đem đốt, dâng đồ mới. Y phục cũ của Chúa Bà được người ta tranh nhau lấy phần đem về để ở bàn thờ tổ tiên với ý nghĩa: có phép mầu nhiệm của Chúa Bà, gia đình sẽ làm ăn hưng thịnh, tránh mọi điều xấu hoặc se thành sợi buộc vào cổ tay, chân hay đeo ở cổ cho trẻ con đi đêm không sợ ma quỷ, đêm ngủ không giật mình. Các bà già cũng lấy một miếng vải áo của Chúa Bà khâu ở vạt áo hoặc buộc vào tràng hạt để cầu mong sau này chết được Chúa Bà giúp sức chầu về cảnh tây phương cực lạc. 
Lễ mộc dục xong là đến lễ cúng thức, ông chủ tế đọc chúc văn, nội dung ca ngợi công đức của công chúa Túc Trinh đối với dân làng Cổ Nhuế từ xưa tới nay, cầu xin hồng ân của trời đất, phật, thánh, Chúa Bà ban phúc lành cho quốc thái, dân an. 
Sáng ngày mùng 1/8 âm lịch, cúng phật tại chùa Anh Linh, sau đó về đền Chúa làm lễ khai quang, yên vị xin Chúa cúng giỗ. Ngày giỗ Chúa gọi là cúng đối kỵ, có dâng lục cúng: hương, hoa, trà, quả, đăng, thực. Lễ cúng thực gồm có: Cơm tẻ nấu bằng gạo lật, muối vừng, trám đen muối, giá luộc, tương, canh đậu xanh; sau nghi lễ cúng thực dâng chè kho, chè lam và kẹo lạc. 
Trong ngày giỗ Chúa, dân hai làng Cổ Nhuế và An Nội phải tuân thủ theo lệ: Không rước tượng Chúa đi viễn du, không đốt pháo từ ngày 25/7 - 2/8 âm lịch. Ngày giỗ Chúa toàn dân làm cỗ chay, ăn chay. Những sản vật trong từng nhà sản xuất được đem dâng lễ tại đền như: mít, dừa, lựu, chuối, na, cam, mía, khoai luộc... Ngoài ra, các gia đình, ngõ xóm nằm trên trục đường xã Cổ Nhuế - Chèm đều sắm hoa quả, vàng, hương, đèn nến, oản, phẩm, đặt lên một chiếc bàn con kê ngoài rìa đường, dâng lên đức Chúa Bà, cầu xin Chúa ban phúc cho gia đình, làng xóm khỏe mạnh, làm ăn hưng thịnh, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Đêm ngày giỗ Chúa, tại đền có tổ chức hát chèo, diễn tuồng, múa lân, múa rồng, đọc và bình thơ rất sôi nổi. (Internet)

___________________________________

HỘI ĐỀN CỔ LOA - HÀ NỘI

Hội Đền Cổ Loa: Ðền thờ Cổ Loa còn gọi là đền Chủ hay đền vua An Dương Vương, tọa lạc tại xã Cổ Loa, huyện đông Anh, ngoại thành Hà Nộị 
Muốn trẩy hội Cổ Loa, các bạn nên đi tàu hỏa từ ga Hà Nội đến đông Anh, xuống ga đông Kiều thì đến nơị Nếu đi bằng xe hơi thì phải qua Gia Lâm, ca6`u đuống rẽ sang tay trái đến 15km, sau đó rẽ sang tay phải đi vào một km nữa thì đến Cổ Loạ 
Ở đây còn đi tích cái thành cổ gọi là Loa thành đắp từ thời An Dương Vương (207-208 trước Công Nguyên. Thành đắp theo hình trôn óc nên mới gọi là thành Ốc hay Loa thành. 
Thành Cổ Loa có ba lớp, xây bằng đất. Vòng trong cùng hình chữ nhật dài 500m, rộng 350m, ở đây có hình Cổ Loa, chùa và đền cùng mộ Mỵ Châụ Vòng thứ ba hình trái xoan, chu vi 10 km, là tuyến phòng ngự chính của Loa thành. 
Trước khi vào thành Cổ phải đi qua cây cầu gạch bắc qua con suối nhỏ. Tục truyền nơi đây thuở xa xưa, thần Kim Quy (Rùa Vàng) hiện ra và dâng lên nhà vua cái móng chân rùa để dùng làm cái lẩy của nỏ thần. 
Sau hai vòng ngoài, mỗi thành cách nhau chừng 200m, mới đến cổng than`h tro cùng dẫn vào dinh Cổ Loạ Bên trái đình là mộ và đền Mỵ Châu nấp dưới cây đa cổ thụ đình Cổ Loa cất theo lối cổ trong đơn sơ, giản dị nhưng rất trang nghiêm. Trong hậu cung có bài vị vua An Dương Vương làm bằng gỗ bạch đàn. Trước bài vị có tượng An Dương Vương bằng đồng cao gần bằng người thật, đội mũ bình thiên. Còn đền Mỵ Châu cũng có hậu cung và tượng Mỵ Châu bằng đá, tục truyền, đó là thân thể nàng sau khi chết đã biến dạng trông giống như thiếu phụ đã cụt mất đầu 
Hàng năm, hội đền Cổ Loa được mở vào sáng mồng 6 tháng giêng âm lịch. đám rước có phường bát âm đi đầu, theo sau là 12 thôn và các trai làng, khiêng giá văn tế, kiệu long đình, cờ quạt ra đến đền thờ. Sân đền thật rộng rãi có treo cờ xí trang nghiêm để chuẩn bị cuộc tế thần long trọng 
Ngoài cửa đền, hai bên là ngựa hồng, ngựa bạch, yên cương thêu thuà sặc sỡ. Hai bên đường dẫn vào đền có các giá gỗ cắm cờ quạt, các kiệu của 12 thôn nối tiếp nhaụ 
Trước đền có đặt bàn hương án lớn trên có để các đồ ngũ sự và đôi hoa vàng. Trước hương án lớn là hương bán nhỏ hơn, bày những khí giới của vua Thục An Dương Vương như cung, kiếm và mũi tên đồng. Tiếp đó là hàng chiếu Cạp điều trải dài để cho hội đồng kỳ mục 12 thôn làm lễ tế thần. 
Lễ tế được tiến hành trong tiếng nhạc của phường bát âm, trước là các chức sắc, sau đó là dân làng thay phiên nhau cầu nguyện nhà vui phò hộ cho bà con làm ăn được thịnh phượng, an hưởng cảnh thái bình. 
Buổi lễ tế thần kéo dài đến giờ ngọ thì xong. 
Sau đó, dân làng tổ chức đám rước có đủ 12 thôn tham dự đông đảọ đi đầu là cờ quạt rồi đến long đình, các tự khí, lộ bộ, bát bửu, phường bát âm. Sau cùng là các chức sắt các thôn ăn mặc quần áo thụng, đi hia, đội mũ hẳn hoi, bưng theo tự khí của nhà vua gồm cung, kiếm, nỏ ... 
Đám rước đi rất chậm qua giếng Trọng Thủy và tiến về cổng làng thì giải tán. 
Sau đám rước là các trò vui chơi được tổ chức, kéo dài cho đến rằm tháng giêng mới mãn.
Nhiều trò chơi như đánh vật, đánh đu, hát chèo, đánh cờ người, kéo co, chọi gà, leo dây trong khi các cụ ông, cụ bà thì đi lễ chùa niệm Phật 
Ngoài đền thờ vua Thục An Dương Vương ở Cổ Loa, còn có đền thờ Vua Thục ở chân núi Mộ Dạ, thuộc xã Hương Aí, huyện đông Thành, tỉnh Nghệ An, tục gọi là đềng Cuông và ở xã đông Cao, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam định, cũng có đền thờ Mỵ Châụ 
Những ngày hội đền Cổ Loa lịch sử là những ngày để nhân dân trong vùng họp mặt ôn lại những truyền thống đánh giặc giữ nước của tổ tiên. (Internet)

 

___________________________________

LỄ HỘI QUANG TRUNG - HÀ NỘI

Lễ Hội Quang Trung: Hàng năm cứ vào ngày mồng Năm Tết Nguyên đán, khi những cành đào xuân vẫn khoe sắc thắm thì người Hà Nội đã nô nức đổ về phía Tây Nam thành phố (gò Đống Đa- thuộc quận Đống Đa) dự hội chiến thắng Đống Đa. 
Cách đây hơn hai thế kỷ, gò Đống Đa là chiến trường chính, nơi chứng kiến trận đánh hoả công oanh liệt của quân dân Đại Việt với hàng chục vạn quân Thanh. Xác thù chồng chất thành gò, gắn với tên đất, gò thành di tích lịch sử vẻ vang. Tới giữa thế kỷ XIX, khi người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và triều đại của ông cũng không còn nữa, nhớ ơn người đã dẹp giặc giữ yên bờ cõi, nhân dân hai làng Nam Đồng và Thịnh Quang cùng đứng ra xây một ngôi chùa trước gò gọi là chùa Đồng Quang. Từ đó hàng năm chùa mở lễ giỗ trận vào ngày 5 Tết (ngày chiến thắng Đống Đa và cũng là ngày đại quân của hoàng đế Quang Trung toàn thắng giặc Thanh trên đất Thăng Long) . 
Sau giải phóng thủ đô 1954, chính quyền thành phố đã lấy gò Đống Đa làm nơi tổ chức kỷ niệm chiến thắng Đống Đa oanh liệt. Qua đắp đổi của thời gian và tâm linh, tâm thức con người, nghi lễ được hoàn chỉnh dần, trở thành một ngày hội lớn có lễ kỷ niệm và hội với nhiều trò vui, tích diễn. Đặc biệt là tiết mục rước rồng lửa do các chàng trai mặc quần áo võ sinh thời cổ rước đi quanh sân lớn, cùng một đám võ sinh múa côn quyền vừa là khoe tài vừa là tái hiện lại hình ảnh cuộc chiến đấu anh dũng khi xưa. Lịch sử đã đi qua, nhưng hình ảnh vua Quang Trung áo bào sạm đen khói súng cùng đoàn quân bách chiến bách thắng tiến vào thành Thăng Long mãi mãi vẫn là hình ảnh kỳ vĩ trong lòng các thế hệ người Hà Nội. 
Cũng vào ngày này, tại chùa Đồng Quang đối diện với gò Đống Đa khói hương nghi ngút, tín đồ tấp nập vào ra, tiếng mõ hoà tiếng kinh cầu hồn cho anh linh những người con của dân tộc đã tử trận ở đây được siêu thoát. Đồng thời cũng làm lễ cháo thí cho cô hồn những kẻ chiến bại của quân xâm lược Mãn Thanh, coi như đó là một hành động nhân nghĩa của truyền thống đạo lý Việt Nam. (Internet)

___________________________________

LỄ HỘI THÁNH GIÓNG - HÀ NỘI

Lễ hội Thánh Gióng: Lễ hội Thánh Gióng hay còn gọi là hội làng Phù Đổng (tên nôm là làng Gióng). Đây là một trong những hội lễ lớn nhất ở đồng bằng Bắc bộ, một diễn trường lịch sử - văn hoá, diễn lại sự tích Thánh Gióng đánh thắng giặc ân. Từ Hà Nội muốn đi tới làng Phù Đổng phải qua Gia Lâm, theo quốc lộ 1 về hướng Bắc Ninh thẳng tới cầu Đuống. Qua cầu rẽ phải dọc theo đê khoảng 7 km thì tới. Đứng trên bờ đê đã có thể trông thấy đền Thượng - một ngôi đền khá đồ sộ, kiến trúc theo lối xưa. Đây chính là nơi thờ Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương. 
Ngọc phả trong đến còn ghi lại tiểu sử của cậu bé Gióng được sinh ra do một lần người mẹ nghèo làng Gióng ra đồng thấy một vết chân to lớn lạ thường, bà ướm thử vào chân mình, về nhà mẹ mang thai sinh ra Gióng. Cậu bé trong ba năm không nói không cười ấy khi biết nạn nước lâm nguy đã yêu cầu nhà vua rèn ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt cho mình rồi vươn vai đứng dậy thành người khổng lồ ăn hết bẩy nong cơm, ba nong cà, sau đó nhảy lên ngựa sắt, mặc áo giáp sắt dùng gậy sắt, tre quê nhà làm vũ khí dẹp giặc. Giặc tan, Gióng cho ngựa chạy lên núi Sóc. Tại đây Gióng cởi bỏ áo giáp cả người và ngựa cùng bay lên trời. 

Câu chuyện là cả một chủ đề bất tuyệt về chủ nghĩa anh hùng của tuổi trẻ Việt Nam: tuổi nhỏ mà trí lớn, bình thường mà phi thường, nước gặp nạn sẵn sàng ra cứu nước, tan giặc rồi lại trở về là một người dân vô danh. 
Kiến trúc đền cho biết đền được dựng từ thế kỷ XI thời Lý. Hằng năm cứ đến ngày 9 tháng 4 âm lịch (ngày ông Gióng thắng giặc Ân), dân tứ xứ lại đổ về từ mọi ngả xa gần để xem lễ, dự hội làng. Lễ hội làng Gióng được cử hành trên một diễn trường rộng lớn dài khoảng 3 km gồm đền Thượng, đền Mẫu (thờ mẹ Gióng) và chùa Kiến Sơ. 
Hội bắt đầu từ ngày mồng 6 tháng 4. Trong những ngày này dân làng tổ chức lễ rước cờ tới đền Mẫu, rước cơm chay (cơm cà - thức ăn mà Gióng thích) lên đền Thượng. Ngày chính hội (9-4) có lễ rước kiệu võng từ đền Mẫu lên đền Thượng và tổ chức hội trận (diễn lại trận phá giặc Ân). Ngày mồng 10 làm lễ duyệt quân tạ ơn Gióng. Ngày 11 lễ rửa khí giới. Ngày 12 lễ rước cờ báo tin thắng trận với trời đất... Cuối cùng là lễ khao quân, đến đêm có hát chèo. Ngoài lễ hội chính tại làng Phù Đổng còn có một số nơi khác cũng tổ chức hội Gióng: Hội đền Sóc (xã Xuân Đỉnh huyện Từ Liêm), hội Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), hội Phù Gióng; hội Gióng Bộ Đầu... 
Trong các lễ hội Hà Nội có lẽ hội Gióng làng Phù Đổng là một lễ hội được tổ chức quy mô và hoành tráng nhất. Đây là cơ hội để người tham dự được chứng kiến các nghi thức của một hệ thống lễ với các thao tác thuần thục, uy nghi, mang tính nghệ thuật và biểu tượng cao. Cũng tại đây, mỗi người đều có dịp cảm nhận mối quan hệ nhiều chiều giữa làng và nước, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa quá khứ và hiện tại, giữa thực và ảo, giữa thiêng liêng và trần tục, tất cả đều được gìn giữ như một tài sản văn hoá để lưu truyền mãi về sau. (Internet)

 

___________________________________

LỄ HỘI TRIỀU KHÚC - HÀ NỘI

Lễ hội Triều Khúc: Nằm tại km số 8, trên đoạn đường Hà Nội - Hoà Bình, làng Triều Khúc còn có tên gọi là Kẻ Đơ, nay thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. 
Kẻ Đơ xưa vốn đã là một vùng quê nổi tiếng với nghề làm nón quai thao, vì thế, làng còn được gọi là làng Đơ Thao. Ngoài quai thao, làng còn nổi tiếng bởi nghề thêu may những đồ thờ như: lọng, tàn, trướng, y môn, tán tía. 
Tương truyền, nghề này do một người họ Vũ truyền dạy lại. Do có nghề thủ công nên từ xưa dân làng Triều Khúc đã sống tương đối phong lưu. Để nhớ ơn người đã đem lại cuộc sống ấm no cho mình, dân làng đã thờ ông tổ nghề tại đình Lớn cùng với vị Thành hoàng là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (770 -798). Hằng năm, làng tổ chức lễ hội tại đình Lớn để ghi nhớ công ơn tổ nghề và thao diễn lại trận đánh oanh liệt của vị Đại vương mà dân làng vẫn tôn kính phụng thờ. 
Lễ hội Triều Khúc được tổ chức trong ba ngày từ 9 đến 12 tháng Giêng. Mở đầu là lễ rước long bào - triều phục của Hoàng đế Phùng Hưng từ đình Sắc về đình Lớn (Triều Khúc có hai đình) để bắt đầu cuộc tế gọi là lễ "hoàn cung”. Khi cuộc tế lễ trong đình bắt đầu thì ngoài sân đình các trò vui cũng được tổ chức, một trong những trò vui được nhiều người ưa thích nhất là trò "đĩ đánh bồng”. Đây là một điệu múa cổ do hai chàng trai đóng giả gái biểu diễn, trong bộ quần áo mớ ba mớ bẩy, cộng với hoá trang má phấn môi son, răng đen hạt huyền, mắt lá răm, khăn mỏ quạ, hai "cô gái” vừa nhún nhảy vừa vỗ trống Bồng đeo trước bụng một cách nhí nhảnh, nom rất vui mắt và cũng gây cười. Tiết mục này thường thu hút người dự hội nhiều nhất và cũng là tiết muc sinh động và độc đáo nhất trong lễ hội Triều Khúc. 
Ngoài ra, trong hội làng Triều Khúc còn có nhiều trò vui khác như múa lân hí cầu, đấu vật, hát Chèo Tàu. Sới vật Triều Khúc cũng là một trong những sới nổi tiếng, thu hút khá đông các đô vật nơi khác về tham dự: Bắc Ninh, Gia Lâm, Mai động... Múa rồng trong hội Triều Khúc cũng có nhiều nét độc đáo, kỹ thuật điêu luyện. Tương truyền đây là điệu múa có từ thời Bố Cái Đại Vương. Do múa hay, múa đẹp như vậy nên hằng năm đội múa rồng Triều Khúc thường được mời về tham dự và múa rồng ở hội Đống Đa. 
Ngày 12 là ngày rã hội. Trong ngày này có lễ rã đám, và kết thúc bằng điệu múa cờ (còn gọi là chạy cờ). Điệu múa phản ánh sự tích Phùng Hưng kén chọn người tài để bổ sung quân ngũ trước lúc lên đường quyết chiến với quân xâm lược. (Internet)

Nguồn: saigontoserco

Chủ đề: Lễ hội miền Bắc | Lượt xem: 875 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==