Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 4, ngày 24/04/2024, lúc 7:24 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 19 » Lễ Hội Kon Tum
10:49 PM
Lễ Hội Kon Tum

Lễ Hội Kon Tum

LỄ HỘI CÚNG ĐẤT LÀNG NGƯỜI BA NA - GIA LAI - KON TUM

Con người từ khi sinh ra đến khi xuống mồ phải trải qua nhiều quá trình của mối quan hệ ứng xử; mối quan hệ Người - Người (cá nhân với cá nhân), mối quan hệ cá nhân với cộng đồng; mối quan hệ cá nhân, cộng đồng với đấng siêu nhiên - Giàng. Trong khi điều kiện sinh tồn của các dận tộc còn gặp rất nhiều khó khăn phải chống chọi với thiên nhiên, thú dữ, bệnh tật, đói nghèo, chết chóc... mà trình độ nhận thức khoa học của con người hạn chế. Do đó, vòng đời người cũng gắn liền với hệ thống Lễ - Hội tương ứng trong mỗi thời kỳ, tình huống cụ thể. Có Lễ Bỏ Mả (Pơ Thi), Lễ Ăn Trâu, Lễ hội mừng Nhà rông mới, Lễ cúng Đất làng...

Lễ Cúng Đất Làng là Lễ hội của người Ba Na sống ở Kon Tum và Gia Lai. Dân làng Ba Na làm lễ cúng đất làng vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch khi chuẩn bị vào vụ sản xuất hoặc khi dọn đến vùng đất mới. Trước hôm dựng làng đồng bào Ba Na làm lễ kéo dài 2 ngày. Họ khấn các thần linh phù hộ cho công việc làm ăn thuận lợi, và thông báo cho thần linh biết công việc làm ăn trong năm mới.

___________________________________

LỄ HỘI MỪNG NHÀ RÔNG MỚI - KON TUM

Lễ hội mừng nhà rông mới của dân tộc Gia Rai, Kon Tum : Trong nắng gió cao nguyên lồng lộng, đồng bào dân tộc Gia Rai ở Ya Chim, tỉnh Kon Tum náo nức tổ chức lễ hội mừng nhà rông mới. 
Từ mấy ngày trước, các già làng đã tập trung bàn bạc công việc chuẩn bị cho lễ hội. Nghi thức đầu tiên là chọn vị trí trồng cây nêu. Họ chọn một ghè rượu nhỏ và cắt tiết một con gà trống cúng báo với Giàng, xin phép mở hội. Bát tiết gà hòa rượu cúng là vật thiêng, nên phụ nữ, con trẻ không được đụng vào. Các già làng đem bát tiết ra vị trí dựng nêu. Làng dựng hai cây nêu, một để buộc trâu còn một để buộc dê, cả hai đều là con đực mầu đen. Mỗi cột nêu còn trồng một cây Pơ lang (cây hoa gạo) tượng trưng cho sự trường tồn của cộng đồng. 
Già làng A Zui, chủ lễ, cầm bát tiết gà đưa quanh cây nêu lớn năm vòng: ba vòng từ phải qua trái, hai vòng từ trái qua phải. Theo quan niệm của họ, ngược chiều kim đồng hồ là chiều lặn của mặt trời, chiều đến với ông bà tổ tiên, còn xuôi chiều kim đồng hồ là chiều vận động bất tận của mặt trời. 
Trong khi hành lễ, họ kiêng tránh để bát tiết gà bị đổ, do họ sợ rằng dân làng sẽ gặp những điều không hay. Cây nêu là một công trình nghệ thuật tổng hợp, chỉ dùng tre, gỗ kết hợp điêu khắc và hội họa, trang trí mầu đen, đỏ, trắng được lấy từ than củi, đất, đôi khi từ máu các con vật hiến sinh. Trên thân cây nêu có các hình trang trí như hình mặt trời, tay thần, cây rau dớn, hoa văn kỷ hà. Dựng xong cây nêu, trai tráng dưới sự điều khiển của già làng buộc trâu, dê vào thòng lọng. Trâu và dê là vật cúng thần nên thòng lọng cũng được làm rất công phu. Họ giết một con heo nhỏ để báo với Giàng việc này. Sau đó các cô gái làng tập trung chế biến rau rừng thành nhiều món ăn độc đáo. Cánh đàn ông thì chuẩn bị một ghè rượu thiêng. 
Lúc này tiếng chiêng cồng bắt đầu nổi lên trầm hùng cùng những vòng múa xoang của các cô gái. Bài cồng chiêng thứ nhất mang ý nghĩa mừng nhà rông mới và mời các thần linh về chứng kiến lễ ăn trâu của dân làng. Bài thứ hai mời ông bà tổ tiên, còn bài thứ ba mời bà con xa gần về dự hội. 

Sau đó họ tiến hành một thủ tục tâm linh gọi là prế prang. Già làng dùng một sợi dây dài, buộc một đầu vào gốc nêu, dây được kéo dài ra. Sau hiệu lệnh của ông, tất cả già trẻ trai gái đều cầm tay vào sợi dây. Vài phút sau đầu dây được chuyển từ cột nêu buộc trâu sang cột buộc dê. 
Các già làng giải thích rằng, dân làng quá đông, không đủ chỗ cho tất cả mọi người cùng lúc sờ vào cột nêu nên phải nối dây dài ra, vì đó là "sợi dây thông linh" để dân làng tiễn vật hiến sinh và báo với Giàng họ đã góp công sức tiền của vào việc tổ chức lễ hội và cầu mong Giàng ban phúc. Già làng 
A Zui đứng bên cây nêu buộc trâu, cao giọng khấn: "Thưa Giàng, dân làng đã làm được nhà rông mới đẹp rồi đấy. Hôm nay, làng mở hội ăn trâu mừng nhà rông mới, mời Giàng về chung vui, ban cho con người sức khỏe, cho con trâu, con bò, con heo mau lớn, thóc lúa đầy kho, ruộng rẫy đầy mỳ bắp, mọi hận thù tan biến !". 
Mỗi người được chia một miếng gan heo để bôi lên cổ để trị bệnh và tránh rủi ro. Làng mổ thêm một con heo, các gia đình cùng góp thêm rượu thịt, cùng ăn uống vui vẻ. Ðêm đầu của lễ hội, hầu như cả làng không ngủ, tập trung quanh nhà rông tâm tình và ăn uống. 
10 giờ sáng hôm sau đội cồng chiêng đánh một vòng quanh nhà rông rồi đến thăm từng nhà. Các gia đình biếu lại họ gà, rượu, bầu bí... Sau đó những người đàn ông đại diện cho các gia đình mang theo mỗi người một nắm gạo. Số gạo góp này được coi là gạo thiêng, được già làng rắc lên lưng trâu với ý nghĩa tiễn đưa vật hiến sinh về với Giàng. Trong tiếng chiêng rộn rã, mấy thanh niên khỏe mạnh, tay cầm giáo, tay cầm khiên bước ra. Họ múa điệu múa chiến trận thật khỏe khoắn quanh cột buộc trâu trong tiếng hò reo đầy phấn khích của dân làng. Ðây cũng là lúc nghi lễ đâm trâu. Sau đó dân làng cắt đuôi trâu treo lên cây nêu. Thịt trâu được thui và chia đều cho mọi gia đình. Con dê cũng được hiến tế ngay sau đó. 
Cúng xong ở nhà rông, một lần nữa sợi dây thông linh lại được giăng ra để dân làng báo với Giàng rằng mọi việc đã hoàn tất. Sang ngày thứ ba của lễ hội, đầu trâu được mang lên nhà rông. Một thanh niên cẩn thận lột da và thịt khỏi đầu trâu, riêng lưỡi và óc con vật được băm nhuyễn, trộn đều rồi gói trong lá rừng đem nướng để mang lên nhà rông làm lễ cúng Giàng, xin phép từ nay nhà rông sẽ được đưa vào sử dụng.

Lễ hội kết thúc khi xương đầu trâu được gác lên một góc cao trong nhà rông. Sau đó, các già làng ngồi lại với nhau rút kinh nghiệm về việc tổ chức lễ hội, kiểm xem có ai ở xa hay ốm đau không về được thì bàn cách giúp đỡ. Chính vì vậy, sau lễ ăn trâu mừng nhà rông mới, sức mạnh đoàn kết cộng đồng của dân tộc Gia Rai như được củng cố và có thêm một sức sống mới. Lễ hội mừng nhà rông mới là một trong nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Gia Rai, được bảo tồn qua nhiều thăng trầm của lịch sử, và phổ biến trong đời sống người dân Tây Nguyên hôm nay. (internet)

___________________________________

LỄ THỔI TAI

Lễ thổi tai: thì lại bao hàm nhiều ý nghĩa bởi kết quả của hôn nhân là những đứa con của gia đình - thành viên mới của cộng đồng. Đi kèm với nó là những lễ thức tương ứng. Từ lễ cầu đẻ thuận, lễ đặt tên, đặc biệt là lễ thổi tai; chưa làm lễ thổi tai thì chưa được coi là thành viên chính thức của cộng đồng. Khi đứa trẻ được khoảng 3-4 tuổi, gia đình và cộng đồng tổ chức lễ thổi tai. Tùy theo điều kiện kinh tế mà gia đình tổ chức ở quy mô to, nhỏ khác nhau, điều kiện đó không quan trọng. Điều cốt yếu và có ý nghĩa nhân văn nhất là trong cuộc lễ, già làng, cha mẹ và mọi người nói vào tai (thổi) đứa trẻ luồng sinh khí - những điều tốt đẹp nhất, mang ý nghĩa của sự định hướng, chỉ bảo, dặn dò, cầu mong đứa trẻ lớn lên trở thành người con ngoan của gia đình và xã hội. Và cũng từ đây, đứa trẻ được công nhận là một thành viên chính thức của cộng đồng. (internet)

___________________________________

LỄ CÚNG ĐAU ỐM - KON TUM

Lễ cúng đau ốm: Trong hoàn cảnh sống hiện tại của người dân ở Tây Nguyên nói chung và ở Kon Tum nói riêng còn rất nhiều khó khăn về điều kiện vật chất, sinh hoạt, môi trường, khí hậu khắc nghiệt…; hơn nữa, kiến thức về y học rất hạn chế, người ta không biết được nguyên nhân hoặc loại bệnh mắc phải. Họ cho rằng người đau ốm là do ma rừng, ma suối bắt hồn; do đó, chỉ có cách làm lễ cúng cầu mong được trợ giúp. Khi đó, thầy cúng được mời tới và tiến hành nghi lễ. Lễ vật dùng cho tất cả nghi lễ này là rượu và gà. Qua nghi lễ, ý nguyện là cầu mong Jàng trả lại hồn cho người ốm để chóng khỏi bệnh, nếu cúng không khỏi thì người ta cúng tiếp và dùng lễ vật lớn hơn như heo, bò, trâu…(internet)

 

___________________________________

Kon Tum: Phục dựng 18 lễ hội truyền thống

(Cinet) - Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum cho biết đến nay toàn tỉnh đã bảo tồn và phục dựng 18 lễ hội truyền thống.

Trong đó phải kể đến những lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn trên cơ sở nguyên gốc, nguyên bản do già làng và người dân tự thực hiện, như lễ hội mừng thu hoạch lúa đại trà của tộc người Ja Rai (nhóm A Ráp); lễ hội mừng năm mới của người Xê Đăng (Sơ Đrá); lễ hội cầu an của người Ba Na (Rơ Ngao); lễ cưới cổ truyền của người Giẻ-Triêng… góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa phi vật thể của vùng đất cực Bắc Tây Nguyên.

Bên cạnh đó tỉnh Kon Tum còn khảo sát, thống kê được 57 di tích văn hóa (trong đó có 17 di tích được xếp hạng quản lý), khai quật 14.000 hiện vật khảo cổ; phát hiện và lưu giữ 1.800 bộ cồng chiêng quý; đặc biệt, 530/730 làng (gần 73%) đồng bào các dân tộc bản địa lâu đời trên địa bàn là Xê Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Mâm đã xây được nhà rông truyền thống./.

___________________________________

Đồng bào Brâu (Kon Tum) tổ chức lễ hội đâm trâu mừng làng mới

Đồng bào Brâu (Kon Tum) tổ chức lễ hội đâm trâu mừng làng mới

Ngày 19/4/2011, đồng bào dân tộc Brâu (Kon Tum) về tham gia vận hành Làng Văn hoá - du lịch các Dân tộc Việt Nam đã tổ chức lễ về làng mới bằng lễ hội đâm trâu.

Lễ mừng làng mới kéo dài 4 ngày, bắt đầu là Lễ động thổ. Bà con dựng cây nêu cúng thần và cắt tiết gà, sau đó thức suốt đêm đánh cồng chiêng đốt lửa, múa hát dân ca, dân vũ, dân nhạc…. Ba ngày tiếp theo sẽ là những ngày hội của người Brâu với nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc. Ngày thứ 5 sẽ là ngày kiêng làng "nội bất xuất, ngoại bất nhập” vì người Brâu cho rằng nếu người ngoài vào làng thì sẽ mang xui xẻo vào, ngược lại, người trong làng đi ra sẽ mang may mắn của làng đi mất.

Lễ mừng làng mới được tổ chức với ý nghĩa cầu mong cho dân làng làm ăn phát đạt, mùa sau được mùa hơn mùa trước, không có dịch bệnh, dân tộc Brâu phát triển đông đúc hơn. Theo quan niệm của người Brâu, các vị thần sáng tạo ra vũ trụ và con người. Trong tín ngưỡng của người Brâu có thần núi, thần sông, thần cây, thần đá. Cây cúng thần có tên là Soóc roóc là cây nêu cao trên một mét đầu ngọn chẻ ra đan thành hình chiếc hom giỏ ngửa lên trời. Một cái thang nhỏ lên tới hom giỏ ở đó đặt ống gạo, gan lợn, trứng gà, lông gà, cánh gà, chân gà.

Dân làng chọn một con trâu khỏe mạnh đưa đi tắm rửa sạch sẽ và cho ăn uống no nê rồi đem buộc bằng dây mây vào một Cột Gưng trang trí thật bắt mắt, cao khoảng 5m. Cột Gưng là một cây gỗ quí to lớn cao thẳng dựng lên sân tổ chức lễ hội đâm trâu, cột chia làm ba phần. Phần từ đất lên làm thành giàn cho già làng bước lên cúng tế. Phần thân cột được chạm trổ công phu các hình ảnh hoa văn, các màu sắc rực rỡ buộc các chùm tua ngũ sắc chuốt sợi từ thân nứa. Phần trên cùng là biểu tượng chim hoặc cá, dưới treo chùm ống nứa già gọi là toơng nơơng nhờ gió phát ra âm thanh.

Người chủ trì đọc lời khấn cầu xin hay tạ ơn thần linh và mời thần linh xuống ăn thịt trâu, uống rượu cần. Chủ trì khấn xong thì các đội cồng chiêng bắt đầu diễn tấu. Cả làng nhảy múa, ca hát, uống rượu…Nghi lễ đâm trâu là phần quan trọng bậc nhất của lễ hội...

Lễ hội đâm trâu là lễ hội tế thần linh hoặc những người đã có công chủ trì thành lập buôn làng, ăn mừng chiến thắng, ăn mừng mùa màng bội thu hay ăn mừng các sự kiện quan trọng khác. Đây là một trong những lễ hội truyền thống của các Dân tộc Tây nguyên ở Việt Nam.

___________________________________

 

Kon Tum: Tổ chức lễ hội dân gian và nghệ thuật cồng chiêng


Trong hai ngày 5 và 6.9.2008, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum sẽ diễn ra "Lễ hội dân gian và nghệ thuật cồng chiêng các dân tộc tỉnh Kon Tum 2008”. Đây sẽ được coi là lễ hội dân gian và nghệ thuật cồng chiêng quy mô và hoành tráng nhất từ trước đến nay.

Tính đến thời điểm này đã có 14 đội trong các huyện, thị trên địa bàn đăng ký, với hơn 200 nghệ nhân đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia. Theo dự kiến của Ban tổ chức, lễ hội năm nay sẽ thu hút được nhiều tác phẩm văn hoá "bản địa” đặc sắc, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển loại hình sinh hoạt văn hoá độc đáo này.

Không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc Kon Tum trong không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên đã có sức thu hút và lan tỏa rộng lớn trên phạm vi toàn thế giới, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.  Vì vậy  "Lễ hội dân gian và nghệ thuật cồng chiêng các dân tộc tỉnh Kon Tum 2008" được tổ chức sắp tới đây một lần nữa khẳng định sức sống của Cồng chiêng trong tộc người Tây Nguyên.

CINET

 

___________________________________

Lễ hội Ka Doong của người Jẻ – Kon Tum

Khi những cơn gió rừng ào ạt đổ về cợt ghẹo đung đưa những vạt cúc quỳ vàng rực màu nắng, ấy là khi việc thu hoạch mùa màng của người Tây Nguyên đã hoàn tất. Mọi nhà, mọi buôn, bon, kon, plei đều chuẩn bị cho mùa nghỉ ngơi.Một vòng đời của người Tây Nguyên có biết bao nhiêu lễ hội. Mỗi dân tộc lại có riêng những lễ thức của mình.Bắt đầu từ lễ thổi tai cho đứa trẻ mới ra đời. Rồi lễ cắt việc khi con trai tới tuổi thành niên, trao vòng đính hôn cho nữhng gái trai yêu nhau, bó củi dành cho đám cưới….Nhiều hơn cả là những lễ hội diễn ra theo nông lịch. Như cầu mưa, dọn cỏ, phát rẫy,xuống giống, lúa lên chòi, ăn trâu mừng lúa mới….lễ hội ka Doong của hai nhóm tộc người Jẻ và Triêng ở Kon Tum cũng nằm trong hệ thống những lễ hội đó. lễ thường bắt đầu từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 âm lịch, khi mà lúa trên rẫy đã làm xong cỏ đượt đầu.

le_hoi_cong_chieng

 

Người Jẻ, Triêng chuẩn bị cho lễ hội Ka Doong từ vài ba tháng trước đó. từ việc khẩn trương gieo trỉa cho kịp mùa vụ, đến làm rượu cần, dệt mau cho xong tấm váy kalay, khố Sơlaisúk, hay tấm dồ kalelai đẹp để chồng con và bản thân có trang phục mới tham gia ngày hội. Cả việc lựa chọn sẵn những cây đẹp, có trái ngon chuẩn bị mang đi trồng.Đến ngày đã định, già làng sai đánh chiêng tụ tập bà con về nhà Rông. Buổi sáng đầu tiên của lễ hội Ka Doong, sau khi làm lễ khấn khứa các vị thần linh, già làng đại diện cho toàn thể các thành viên trong làng trồng một cây gì đó thuộc loại cây ăn trái ( như cam, chuối, đu đủ…), với ý nghĩa giữ gìn và gây dựng một môi trường sống xanh tươi, sinh sôi, phát triển.Sau đó, tất cả mọi gia đình đều cử người đại diện của nhà mình trồng một cây gì đó mà mình thích, đã chuẩn bị sẵn.

Công việc trồng cây đã xong, già làng phân công việc tiến hành lễ hội. đàn ông tụ tập nhau đi săn kiếm con thịt. Đàn bà giã gạo nấu cơm canh, bằng lương thực và hoa màu của vụ trước còn lại sau khi gieo hạt.Trong lễ hội này, các con vật dùng cho việc hiến sinh phải được săn bắt từ trong rừng đưa về. Không được giết gia súc nuôi trong nhà. Luật lệ này mang ý nghĩa sâu xa rằng : con người phải tự tạo, tự kiếm tìm lấy miếng ăn, không được lãng phí.Đồng thời phải bảo vệ môi trường xanh mà các yang đã ban cho.

Buổi tối ngày lễ, đống lửa trước nhà Rông được đốt lên, những ghè rượu ngọt nhất được mang tới cột xung quanh. Những con thịt săn về, sau khi làm lễ dâng cho các yang , phần chia cho các bếp , phần nướng chung cùng ăn tập thể tại nhà Rông.Mùi thịt nướng thơm phức lan khắp làng trong gió đêm. Trong tiếng chiêng trầm bổng ngân nga như mời gọi trẻ già, trai gái với những bộ váy áo thổ cẩm đẹp nhất, nắm tay nhau bước vào vòng múa xoang. Nữ váy ống dài đến đến gót chân, nam đóng khố, choàng tấm dồ chéo ngang qua ngực. Không chỉ múa, người ta còn hát đố , hát đối đáp nam nữ. Những người già thổi đinh tút đi vòng quanh đống lửa, tiếng thủ thỉ như kể lể câu chuyện ngàn xưa. Trai gái ưng nhau rồi thì rủ bạn ra bờ suối hay lên chòi rẫy nhà mình tình tự.Bao nhiêu ché rượu hết vơi lại đầy, cho đến khi nhạt đi lại được thay ché khác. Cứ thế cho đến khi nào những hạt giống gìn giữ từ mùa trước trong gùi,từ sau khi gieo trỉa, được đem ra ăn hết, các ché rượu đã cạn, hội mới tan.

Ka Doong là một lễ hội độc đáo, mang đầy tính nhân văn, tính cộng đồng một cách sâu sắc. Hội đã được duy trì từ hàng trăm năm nay trong bà con người Jẻ, Triêng, cho đến ngày nay vẫn không lạc hậu so với tinh thần của cuộc sống hiện tại.

Linh Nga Niê Kdăm

Chủ đề: Lễ hội miền Trung | Lượt xem: 948 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==