Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào CN, ngày 22/12/2024, lúc 7:25 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 19 » Lễ Hội Lạng Sơn
9:56 PM
Lễ Hội Lạng Sơn

Lễ Hội Lạng Sơn

ĐẤU PHÁO KÌ LỪA - LẠNG SƠN

Hội đầu pháo Kỳ Lừa ở thị xã Lạng Sơn có từ thế kỷ 17, gắn với một truyền thuyết lịch sử thể hiện lòng nghĩa hiệp của viên tướng thời Hậu Lê là Thần Công Tài. Lễ hội bắt đầu từ ngày 22 tháng giêng âm lịch bằng việc rước kiệu từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ và kết thúc vào ngày 27 sau khi đã diễn ra hội cướp đầu pháo cùng nhiều trò chơi dân gian khác.

 

Hằng năm, vào dịp đầu xuân - bắt đầu từ ngày 22 đến 27 tháng giêng (âm lịch) tại thị xã Lạng Sơn lại diễn ra lễ hội Đầu pháo Kỳ Lừa với quy mô, hình thức và nội dung phong phú như múa sư tử, chơi cờ người, đặc biệt là trò chơi cướp đầu pháo và rước kiệu từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ và quay lại. Sở dĩ nội dung rước kiệu được coi là nội dung chính; quan trọng và hấp dẫn nhất, vì theo truyền thuyết sự việc trên có mối quan hệ mật thiết với nhau giữa đền Kỳ Cùng và đền Tả Phủ.

 

Theo lịch sử ghi lại đền Tả Phủ được xây dựng từ năm Chính Hòa thứ 4 (1683) để thờ viên tướng thời Hậu Lê là Thân Công Tài - chức Tả đô đốc Hán quận công, vì thế nhân dân địa phương ngày xưa quen gọi là đền Tả Phủ. Ông Thân Công Tài là người có học, có tài được Trịnh Tạc trọng dụng bổ nhiệm lên Lạng Sơn làm phó tướng nhận chức Đô đốc giúp việc cho Vi Đức Thắng, trấn giữ nơi biên thùy. Trước kia, khu Kỳ Lừa khi ông chưa khai phá mở chợ thường hay bị lũ lụt ngập úng, khi dựng chợ ông cho mua sắm lễ đưa xuống đền Kỳ Cùng để cúng thần Giao Long (thần sông nước). Từ đó, chợ Kỳ Lừa không bị ngập úng nữa, nhân dân địa phương yên tâm họp chợ và họ cho rằng ông Thân Công Tài được thần sông phù hộ để lo việc đời, nên sau khi ông mất, nhân dân lập miếu thờ ông; hằng năm tổ chức lễ hội, rước thần Giao Long lên đền Tả Phủ, nhằm mục đích cầu mong thần Giao Long luôn phù hộ cho ông Thân Công Tài và nhân dân địa phương luôn gặp những điều may mắn, có được cuộc sống yên vui tốt lành.

 

Đền Kỳ Cùng xây dựng từ bao giờ cho đến nay chưa có tài liệu nào xác định chứng minh chính xác, theo hồi ức của nhân dân thì đền có từ rất lâu và đã qua nhiều lần sửa chữa. Đền Kỳ Cùng hiện nay thờ Tuần Tranh. Tương truyền, ông Tuần Tranh là một vị quan dưới thời nhà Trần, được cử lên Lạng Sơn đánh giặc, trấn ải biên thùy. Do chủ quan, nên binh sĩ của ông hay bị ốm đau, lúc lâm trận với giặc thường hay bị thương vong, thiệt hại. Sợ quay về triều đình sẽ bị phạt nặng, bước đường cùng ông nhảy xuống sông tự vẫn và con sông này được gọi là sông "Kỳ Cùng". Khi ông Thân Công Tài lên Lạng Sơn nhậm chức, được biết chuyện ông đã viết sớ về tâu với Vua để minh oan cho ông Tuần Tranh. Trong tiềm thức của mình, nhân dân địa phương cảm phục lòng nghĩa hiệp của ông Thân Công Tài nên đã mở hội hằng năm và rước ông Tuần Tranh (đền Kỳ Cùng) lên tạ nghĩa với ông Thân Công Tài (đền Tả Phủ). Vì vậy mới có nội dung rước kiệu từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ.

 

Hội Đầu pháo Kỳ Lừa bắt đầu từ sáng ngày 22 tháng giêng (âm lịch). Cùng với đoàn người trang phục lộng lẫy, đủ các loại cờ, võng lọng, một tốp thanh niên trai tráng y phục chỉnh tề gọi là "Đồng nam" để khiêng kiệu; một tốp thiếu niên vận đồng phục gọi là "Đồng tử" khiêng đỉnh được đội sư tử múa vây quanh, đi qua các khu dãy phố Kỳ Lừa rồi thẳng xuống đền Kỳ Cùng đón rước ông Tuần Tranh (hay Thần sông) lên kiệu. Đúng giờ ngọ bắt đầu làm lễ. Lễ xong, đoàn người rước kiệu đến đền Tả Phủ hạ kiệu làm lễ tạ ơn.

 

Bước sang ngày 23, 24 tháng giêng, lễ hội đầu pháo bắt đầu. Đầu pháo có gắn đầu kim loại, cuốn vải cẩn thận, chuẩn bị xong rước ra sau đền làm lễ cúng thần, xong đầu pháo được đem ra đốt. Khi pháo nổ, vòng kim loại hất lên không trung rơi xuống, mọi người tranh nhau cướp. Những ai tranh được đầu pháo thì đem đến trình với thần đền và Ban Tổ chức lễ hội lấy phần thưởng, phần thưởng ở đây thường là bức tranh vẽ khung cảnh hữu tình và có các chữ Phúc - Lộc - Thọ (hình đầu pháo). Người ta đem vật này về thờ tại gia đình và tin rằng trong năm sẽ làm ăn may mắn bình yên. Trong thời gian hội có các đầu pháo theo thứ tự 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9, 10 (không có số 7 vì kiêng). Cùng với phần thưởng được trao, những người thắng cuộc thường mang đầu pháo về cầu may, mỗi đầu pháo chỉ được thờ một năm. Đến mùa hội sang năm những gia đình có đầu pháo đem ra đền làm lễ tạ rồi trao lại đầu pháo cho đền.

 

27 tháng giêng là ngày kết thúc hội. Cũng vào giờ ngọ, mọi người tập trung ở đền Tả Phủ làm lễ tạm biệt ông Tuần Tranh. Sau tuần lễ, kiệu bắt đầu được rước trở lại đền Kỳ Cùng với nghi thức ban đầu.

Hòa với trò chơi cướp đầu pháo, lễ rước kiệu, ở đây còn có nhiều hình thức vui chơi như thi đấu cờ người, múa sư tử, hát giao duyên (hát sli, hát lượn)... tạo nên không khí nhộn nhịp vui tươi cho cả một vùng thị xã trong năm.

___________________________________________

LỄ HỘI LỒNG TỒNG - LẠNG SƠN

Lễ hội Lồng Tồng Lạng Sơn: Lễ hội được tổ chức vào ngày 4 tháng giêng âm lịch hàng năm, một trong những lễ hội lớn nhất vùng với nghi lễ tín ngưỡng cầu thành hoàng và thần nông. Qua khảo sát sơ bộ của ngành văn hoá - thông tin Lạng Sơn, toàn tỉnh có khoảng hơn 200 lễ hội Lồng Tồng với quy mô tổ chức theo một thôn, bản, một xã, một khu vực hay vài xã. Chẳng hạn, huyện Tràng Định có những lễ hội nổi tiếng là Thổng Bủng Kham ở xã Đại Đồng, Thổng Nà Mòn ở xã Chi Lăng, huyện Bắc Sơn có hội Long Đống,... 
Dù bất cứ ở đâu lễ hội này có cùng đặc điểm cơ bản về nghi lễ cúng thần nông, các trò dân gian và hát các làn điệu sli, lượn,... Mở đầu cho phần hội là nghi lễ cúng thần nông, khởi thủy từ tín ngưỡng coi thần nông là vị thần cai quản ruộng vườn, đất đai, có thể hô gió, gọi mưa cho mùa màng, cây cối tươi tốt, cho cuộc sống dân bản một năm mới bình an, vụ mùa bội thu. Từ đó, bà con các dân tộc có tục cúng thần Nông vào đâu xuân năm mới để cầu thần phù hộ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Mở đầu hội, Pú Mo làm lễ cúng thần linh, thành hoàng ở ngoài đình làng hoặc miếu, thần nông được cúng ở khu ruộng rộng hoặc trên một ngọn đồi cao. Đồ lễ cúng, bao gồm: gà thiến luộc, các loại bánh trái, hoa quả, rượu trắng. Sau lễ cúng, mọi người cùng ăn cỗ, uống rượu tại lễ hội. Tiếp theo, nghi lễ cầu cúng là các trò chơi dân gian như đánh đu, bắn nỏ, tung còn. Thậm chí, dân làng còn mời đội múa sư tử ở làng bên về tham gia lễ hội với quan niệm ngày Tết có sư tử đến chúc mừng là dịp may mắn cho gia đình, báo hiệu một năm mới làm ăn phát đạt, sức khoẻ dồi dào. (internet)

___________________________________________

LỄ HỘI BỦNG KHAM - LẠNG SƠN

Lễ hội Bủng Kham Lạng Sơn: Thường được tổ chức vào mùng 4 tháng giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội được hình thành bởi quan niệm Bủng Kham (thôn Nà Phái, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định). Tương truyền, Bủng Kham là nơi vui chơi giải trí của thần tiên. Người dân địa phương và du khách thập phương thường đến đây thắp hương cầu mong được các nàng tiên phù hộ làm ăn phát đạt, cuộc sống bình yên, gia đình ấm no hành phúc. Thậm chí, nhiều gia đình khó nuôi con đã đem bát tự của con đến ký thác vào mỏm đá để mong thần tiên nuôi dưỡng. 
Lễ hội Bủng Kham được tổ chức tại hai khu vực gần nhau, bên gò đá phía tây Bùng Kham và miếng đất thoai thoải trước mặt là nơi tổ chức hành lễ và hát dân ca. Nơi thờ các thiên thần chia làm 3 bậc. Bậc trên cùng là nơi để ba bàn thờ và đồ tế thiên thần, bậc thứ hai đựng mâm lễ của 24 thôn, bậc thứ 3 phần bên trái là lán của thầy mo, phần bên phải là nơi 5 già làng và các đoàn đến làm lễ. Sau khi dâng rượu trà, thầy mo khấn xin phép mở hội bằng cách thả xuống đất đồng xu hoặc hai mẩu gỗ để xin âm dương. Sau khi các chàng trai, cô gái đại diện cho 24 thôn xã lần lượt bưng lễ đến và hát giới thiệu về mâm cỗ của làng mình, thầy mo sẽ tiến hành khấn. Nội dung của bài khấn xoay quanh mong muốn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi phát đạt, làng bản yên vui, mọi nhà đều ấm no hạnh phúc. Tiếp đến, các cụ già đến thắp hương ở 3 bàn thờ thần tiên: thần nông, thần hoàng trùng (Vua sâu bọ) và nàng tiên cá với nội dung như thầy mo đã khấn. 
Trọng tâm của lễ hội Bùng Kham là trò gieo lộc và thụ lộc rất độc đáo. Trò chơi diễn ra vào buổi chiều, biểu tượng của thần lộc ở đây là bỏng thóc nếp. Đến giờ đã định, thầy mo đóng vai thần nông sẽ đem thúng lộc ra chòi, từ trên cao, cầm từng nắm bỏng xung tay vãi đều trong tiếng trống thanh la, não bạt giục liên hồi cùng tiếng reo hò náo nhiệt của người dân tham gia lễ hội. Lộc vãi xuống, bà con và du khách trẩy hội thi nhau nhặt vì họ cho rằng ai nhặt được nhiều lộc thánh thì năm đó làm ăn sẽ phát đạt, gia đình ấm no, hạnh phúc. Chiều tối, mọi người tập trung tại nơi hành lễ để thắp hương và làm thủ tục cuối cùng, kết thúc lễ hội, mọi người ra về trong tâm trạng hân hoan, sảng khoái và mong đến mùa hội năm sau. (internet)

___________________________________________

LỄ HỘI NÀNG HAI - LẠNG SƠN

Lễ hội Nàng Hai Lạng Sơn: Thường được tổ chức vào ngày 4 tháng 2 âm lịch hàng năm ở bản Nà Cạo, xã Chí Minh để cầu khấn các nàng tiên phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, cầu cho mùa màng tươi tốt bội thu, cuộc sống yên vui. Có nhiều truyền thuyết về lễ hội Nàng Hai, nhưng truyền thuyết sau đây được đánh giá là tiêu biểu hơn cả. 
Chuyện kể rằng: "Xưa kia vùng núi Nà Cạo hạn hán, ngô lúa mất mùa, cây cối khô cằn, bà con dân bản rủ nhau làm lễ cầu trời giúp cho nhân dân thoát khỏi đại hạn. Trước tình hình đó, trời cho 7 nàng tiên ở mặt trăng làm phép cho mưa thuận gió hòa, dạy dân làng cách xẻ ruộng trồng lúa nước, trồng bông lấy sợi dệt vải, trồng dâu nuôi tằm kéo tơ dệt lụa,... Ngoài ra, các nàng tiên còn dạy các chàng trai, cô gái hát các lời lượn tâm giao. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 7 nàng tiên chia tay về mặt trăng, dân làng lưu luyến tiễn đưa. Vì thế, đến ngày 4 tháng 2 âm lịch hàng năm, dân làng tổ chức đón nàng Tiên (còn gọi là Nàng Hai - nàng Tiên Trăng), ngày 18 tháng 3 âm lịch làm lễ tiễn nàng về trời". 
Lễ đón Nàng Hai được tổ chức ở miếu thờ thổ công ở làng Nà Cạo. Trong 6 cô gái được tuyển chọn đóng vai các nàng tiên, có 2 người làm mẹ Nhất, mẹ Nhì, 4 người còn lại chuyên hát những lời lượn. Ngoài ra, dân làng cũng chọn 4 chàng trai gọi là Hai Pò để hát đối với 4 Nàng Hai tại nhà sàn ở cạnh làng, đây cũng là nơi để các bà Nhất, bà Nhì đến thắp hương hàng ngày và là nơi bà Then đến dạy các Nàng Hai hát lượn. Lễ tiễn Nàng Hai được tổ chức trang trọng với nghi lễ thành kính, các gia đình trong làng đều soạn mâm lễ gồm xôi cẩm đen, gà luộc, các loại bánh nhuộm đủ màu sắc được gắn kết tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng và các sao. Bà Then cùng với bà Nhất, bà Nhì và các Nàng Hai đi chấm cỗ, những mâm nào thiếu lễ các Nàng Hai sẽ hát lời tạ, giải hạn với trời. Sau đó, các Nàng Hai vừa đi, vừa vãi những nắm hạt bông, nắm thóc, phát cành dâu,... và cùng ra bến sông hát lời thả thuyền trên sông. Kết thúc, bà Then làm lễ trả hồn cho các Nàng Hai về trời, gọi hồn cho các bà, các chị đóng vai Nàng Hai trở về. Toàn bộ diễn biến lễ hội được gắn liền với giai điệu mượt mà của các bài hát lượn. 
Lễ hội Nàng Hai thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng đến dự. Họ đến để nghe những lời hát lượn ngọt ngào, thả hồn theo lời lượn về cõi thần tiên và lượn qua 4 mùa xuân, hạ, thu, đông,... (internet)

___________________________________________

LỄ HỘI ĐÌNH PÁC MÒNG - LẠNG SƠN

Lễ hội Đình Pác Mòng Lạng Sơn: Tương truyền ngôi đình này thờ vọng vua Đinh Tiên Hoàng và các tướng lĩnh đã từng lên đánh giặc phương Bắc và dẹp loạn biên giới thời xưa. Nhiều đời sau, dân trong vùng cám ơn công lao của triều vua Đinh đã cùng nhau góp tiền của công sức, lập đình thờ vọng. Lễ hội tổ chức vào ngày 5 tháng giêng âm lịch hàng năm với mục đích cầu các thần linh phù hộ cho một năm mới gió thuận, mưa hòa, cuộc sống bình an, hạnh phúc. (internet)

 

Bài Đọc Thêm:

Lạng Sơn: Trẩy hội xuân Pác Mòng

Theo khảo sát của Sở Văn hoá- Thông tin tỉnh Lạng Sơn, trong dịp xuân có tới trên 260 lễ hội dân gian với quy mô lớn nhỏ được tổ chức liền kề nhau giữa các bản làng...

"Áo em thêu chỉ biếc hồng/ Mùa xuân ngày hội lồng tồng áo hoa”. Hội Pác Mòng được coi là một lễ hội lớn thu hút nhiều người đến dự và là khởi nguồn cho mạch nguồn của các lễ hội.

Hội Pác Mòng được tổ chức vào ngày mùng 5 Tết hàng năm tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn. Hội Pác Mòng gắn liền với nét đặc sắc văn hoá của lễ hội Lồng Tồng (hội xuống đồng) - lễ hội của người Tày, Nùng khởi đầu mùa gieo trồng mới.

Từ sáng sớm tinh sương, người dân ở các bản làng Cao Kiệt, Xiên Cù, Bản Quách, Khuôn Nhà, Pác Cáp, Khuôn Nghiền đều sắm lễ vật là lợn quay, xôi nhà.

Lễ vật đặt ở giữa các khoảnh ruộng và mọi người đều thể hiện những sản vật độc đáo của một năm lao động vất vả của gia đình để cúng tế trời đất rồi mời mọi người thưởng thức...

Ngay từ chiều 1/2 (mùng 4 Tết) nhiều người, nhất là các trai làng, gái bản từ Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng), Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) đã về dự. Đêm đến, sau khi đến thắp hương tại ngôi đình vua Đinh Tiên Hoàng ở giữa làng, nam thanh, nữ tú tham dự các hoạt động múa sư tử, đánh sảng và hát Sli, Lượn.

Trên những ngọn đồi đầy hoa mua, hoa sim từng tốp trai gái hẹn hò và cất tiếng hát làm rộn ràng bước chân các du khách gần xa...

Nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên - dân tộc Nùng, người đã nhiều năm sưu tầm những làn điệu hát Sli, Lượn cổ tâm sự: "Người dân tộc thiểu số ở Pác Mòng vẫn giữ được nét văn hoá khá đặc sắc. Điển hình là những bài mang âm hưởng của lễ hội Lồng Tồng.

Đây là hội cầu mùa quen thuộc của đồng bào các dân tộc nơi đây. Bà con Tày - Nùng ở các xã ngoại vi thành phố Lạng Sơn đều yêu thích các hoạt động lễ hội này. Tuy nhiên hội Lồng Tồng ở Lạng Sơn có tiết mục múa sư tử là điểm dị biệt...”.

Đi hội Pác Mòng gặp người thân, hái được nhiều lộc thì được coi cả năm may mắn.

Nguyễn Duy Chiến

___________________________________________

LỄ HỘI NÁ NHÈM - LẠNG SƠN

Lễ hội Ná Nhèm (lễ hội mặt nhọ) Lạng Sơn: Lễ hội Ná Nhèm là nghi thức, nghi lễ thờ cúng thành hoàng làng gắn liền với sự tích đánh giặc, giữ làng của người Tày (Trấn Yên). Trong lễ hội, các thành viên bôi nhọ lên mặt thể hiện hình dạng của bọn Sấc Tài Ngàn khi còn sống, người tham dự lễ hội phải bôi nhọ mặt. Bởi họ tin rằng: làm như thế sẽ đánh lạc hướng những hồn ma giặc và không con ma nào biết ai đã diễn lại sự thất bại của chúng trước dân làng mà về bắt, gây tai họa và dịch bệnh. Lễ hội này được những người theo Cửa đình Làng Mỏ tổ chức vào ngày 15 tháng giêng âm lịch. (internet)

___________________________________________

LỄ HỘI CHÙA TAM THANH - LẠNG SƠN

Lễ hội chùa Tam Thanh Lạng Sơn: Chùa Tam Thanh nằm trong động Tam Thanh - di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của Xứ Lạng. Theo như các nhà nghiên cứu khoa học, di tích này nguyên là nơi thờ tự của Đạo giáo. Tên gọi Tam Thanh tức Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh, là 3 cung thanh cao nhất được coi là 3 nơi tiên cảnh, mỗi cung do một vị thần cai quản. Sau này, do ảnh hưởng nhiều yếu tố, Đạo giáo mờ nhạt trong tâm thức nhân dân địa phương. Người dân địa phương đã đưa các yếu tố thờ tự của Phật giáo vào di tích này để thờ tự. 
Theo thông lệ hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng riêng, người dân Lạng Sơn lại mở hội chùa Tam Thanh. Vào buổi sáng, các cụ già tập hợp trước Tam bảo tụng kinh, gõ mõ, cầu đức Phật phù hộ cho dân chúng một năm mới bình an, mạnh khỏe,... Lúc này, các đội sư tử lên chùa múa lễ, mọi người dân đi theo sau thắp hương lễ Phật, thánh, Mẫu trong chùa. Quy trình tế lễ gồm các tuần hương, hoa, trà, tửu, đọc chúc văn, hóa vàng,... trình tự tế giống như tế ở các đình đền chùa khác. Về phần hội, bao gồm: những hoạt động phong phú như đấu cờ người, thi múa võ, ném còn,... và các làn điệu sli, then, lượn, quan họ, chèo hòa theo cùng tiếng đàn then, đàn nhị,... tạo nên không khí ngày hội sôi động, hào hứng. 
Ngoài ra, chùa Tam Thanh còn gắn liền với danh thắng tượng đá nàng Tô Thị đã đi vào ca dao của dân tộc. Tượng đá nàng Tô Thị đứng chếch trên sườn núi trước mặt chùa như một biểu tượng của lòng chung thủy sắt son của người phụ nữ. (internet)

Bài Đọc Thêm:

Nô nức Lễ hội chùa Tam Thanh (Lạng Sơn)

Đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào dịp 15 tháng Giêng, nhân dân và du khách thập phương lại đổ về khu danh thắng Nhị-Tam Thanh (TP Lạng Sơn) trảy hội. Năm nay, với nhiều nét mới trong tổ chức phần lễ và phần hội, Lễ hội chùa Tam Thanh, Tam Giáo được "nâng tầm”, góp phần quảng bá tiềm năng thế mạnh du lịch của địa phương và các nét đẹp văn hoá dân tộc Xứ Lạng.

Lễ hội chùa Tam Thanh, Tam Giáo hướng tới việc đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và khách thập phương, đồng thời duy trì phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tôn vinh công lao to lớn của danh nhân Ngô Thì Sỹ đối với mảnh đất Xứ Lạng. Các nghi thức diễn ra trong lễ hội: rước kiệu, dâng hương, tế lễ, tụng kinh phật, đặc biệt phần rước kiệu Ngô Thì Sỹ từ chùa Tam Giáo sang chùa Tam Thanh, rồi từ chùa Tam Thanh sang lễ hội Lồng tồng (Khòn Lèng), được xây dựng kịch bản riêng... nhằm đảm bảo trang trọng, phản ánh đúng bản sắc văn hoá.

Lễ hội chùa Tam Thanh, Tam Giáo diễn ra trong hai ngày 15 và 16 tháng Giêng với nhiều nghi lễ đặc sắc: rước kiệu, thỉnh chuông-đánh trống khai hội, dâng hương, tế lễ trong chùa tại Cung Thánh Mẫu, tụng kinh Phật tại Cung Tam Bảo. Cùng với đó là các trò chơi dân gian, chương trình văn hoá văn nghệ: múa sư tử, hát dân ca... Đặc biệt năm nay, trong thời gian diễn ra lễ hội chùa Tam Thanh, Tam Giáo, nhân dân và du khách còn được tham dự Lễ hội văn hoá dân gian và ẩm thực Xứ Lạng tại Thành nhà Mạc, giới thiệu các món ăn truyền thống, các làn điệu then, sli, lượn, hát giao duyên của các dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn.

Với việc nâng cấp quy mô tổ chức và nhiều nét mới trong cả phần lễ và phần hội, Lễ hội chùa Tam Thanh, Tam Giáo dự kiến sẽ thu hút hàng ngàn lượt nhân dân và du khách tham dự. Chị Nguyễn Thu Thuỷ, một du khách đến từ Hà Nội cho hay: Năm nay, lên Lạng Sơn đúng vào dịp sát Rằm tháng Giêng, qua nghe giới thiệu, chị quyết định lưu lại để dự hội chùa Tam Thanh và thưởng thức các nét văn hoá đặc sắc của Xứ Lạng. Nối tiếp Lễ hội chùa Tam Thanh, Tam Giáo, trên địa bàn phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn trong ngày 16 tháng Giêng cũng diễn ra Lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) Khòn Lèng với nghi lễ tế thần nông, múa trầu, hát mời Nàng Tô Thị, dâng hương, động thổ xuống vườn đầu năm cùng các trò chơi dân gian, thi mâm cỗ đẹp... tạo nên một chuỗi lễ hội đặc sắc tại điểm di tích Nhị Tam Thanh-Thành nhà Mạc lâu nay nổi tiếng là những thắng cảnh bậc nhất của Lạng Sơn. (Nguồn: Báo Lạng Sơn)

___________________________________________

LỄ HỘI ĐỀN BẮC LỆ - LẠNG SƠN

Lễ hội đền Bắc Lệ Lạng Sơn: Lễ hội đền Bắc Lệ là tín ngưỡng thờ Mẫu điển hình, được tổ chức trong vòng 3 ngày từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 9 âm lịch hàng năm. Lễ hội gồm có các phần lễ chính như lễ tắm ngai, lễ chính tiệc, lễ rước. Lễ tắm ngai diễn ra trước lễ rước. Trong đó, người dân lấy nước suối đền Bắc Lệ về lau tượng Mẫu đệ nhất Thượng ngàn và ngai đức vua cha Ngọc Hoàng. Lễ chính tiệc bao giờ cũng có cỗ tam sinh làm vật hiến tế (lợn, gà, cá), ngoài ra còn có nhiều đồ lễ khác như voi, ngựa, thuyền, mũ, hình nhân,... bằng giấy. Cỗ tam sinh cho ban Công đồng, ban Ngũ vị tôn ông, cỗ chay (có khi cả mặn) ban cho Mẫu,... Sau đó, lễ rước Mẫu đi xem hội trong tiếng chiêng, trống rộn ràng. Đoàn rước đến đền Đèo Kẻng (một di tích liên quan đến đền Bắc Lệ) làm lễ đại tế. Tế xong người dân quay về đền Bắc Lệ làm lễ đại tế. 
Trong ý thức của người dân địa phương, lễ hội đền Bắc Lệ là cái tết lớn trong năm. Trước đây, trong 3 ngày diễn ra lễ hội, nhà đền tổ chức ăn uống tại đền. Đến nay, người dân chỉ tổ chức vào buổi chiều ngày 20, mọi người cùng tập trung dùng đại tiệc với quan niệm "một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần". Qua hàng trăm năm, đền Bắc Lệ trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương, điểm đến của người dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc với niềm tin chân thành, trong sáng vào Tiên Thánh, vào Mẫu - người Mẹ linh thiêng của dân tộc. (internet)

___________________________________________

LỄ HỘI CHÙA TIÊN - LẠNG SƠN

Lễ hội Chùa Tiên Lạng Sơn: Lễ hội Chùa Tiên xuất phát từ tín ngưỡng thờ đá và thờ nguồn nước của cư dân nông nghiệp. Đây là một trong những mô típ hình thành lễ hội rất phổ biến ở Việt Nam. Trong dịp đầu năm mới, lễ hội Chùa Tiên là ngày hội văn hóa truyền thống đặc sắc được tổ chức đông vui, nhộn nhịp và điển hình nhất ở Lạng Sơn.
Có nhiều truyền thuyết liên quan đến nguồn gốc của lễ hội Chùa Tiên, song phổ biển nhất là truyền thuyết Giếng Tiên. Chuyện kể rằng: "Ngày xưa, vào năm trời hạn hán đến nỗi sông Kỳ Cùng cũng cạn nước, đất đai nứt nẻ, cỏ cây héo khô, ruộng đồng xơ xác, dân làng Phia Luông không có nước dùng. Bữa nọ, một bầy trẻ chăn trâu trong làng gặp một cụ già ăn mặc xềnh xoàng, dáng thiểu não đến gặp chúng xin ăn, lũ trẻ vui vẻ chia phần cơm của chúng cho ông cụ và thành thực nói rằng: chúng cháu chỉ có cơm cho cụ ăn nhưng chẳng biết lấy gì mời cụ uống vì lâu nay làng đã không có nước. Cảm kích trước tấm lòng hiếu thảo của lũ trẻ, vừa nhận cơm xong, cụ già liền lấy gót chân giẫm xuống tảng đá, lập tức một dòng nước ngọt trong vắt phun lên. Từ đó, dân làng Phia Luông có đủ nước dùng. Sau này, người dân địa phương cho rằng: cụ già đó chính là ông Tiên đã ra tay cứu giúp làng qua cơn hoạn nạn, nên gọi nguồn nước đó là Giếng Tiên. Say này, người dân địa phương đã lập miếu thờ Tiên ngay cạnh giếng bên sườn đồi Đèo Giang - Văn Vỉ. 
Lễ hội được diễn ra trong ngày 18 tháng giêng. Phần lễ, bao gồm: các lễ hội thờ Phật, với nghi thức khai hội và phần nghi lễ tế. Điều đặc biệt ở lễ hội Chùa Tiên, các đồ lễ vật đặt lên các bàn thờ không được dâng lợn quay - vật lễ thường được dâng cúng ở các lễ hội khác. 
Hội Chùa Tiên ngày nay mang tính chất là ngày hội cầu tài, cầu lộc, du xuân vãn cảnh. Chính vì vậy, lễ hội đã vượt khỏi khuôn khổ lễ hội làng. Nhiều du khách ở các vùng lân cận và các tỉnh miền xuôi nô nức đến trẩy hội. Không chỉ thế, Chùa Tiên còn là danh lam thắng cảnh vào bậc nhất của thành phố Lạng Sơn. 
Trong cuộc sống hiện đại đầy những lo toan, bộn bề, trở về không khí lễ hội, du khách như bỏ lại đằng sau những tháng ngày mệt mỏi, cùng hoà mình vào không khí tưng bừng của lễ hội, sôi nổi, tham gia vào những trò chơi dân gian giản dị và thú vị hay trở lại những quan niệm tâm linh thời xưa. Tất cả những cảm giác đó như mãi là lời mời gọi du khách đến với Lạng Sơn để cùng tham dự một lễ hội truyền thống đầy chất huyền thoại. (internet)

Nguồn: saigontoserco

Chủ đề: Lễ hội miền Bắc | Lượt xem: 1120 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==