Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 7, ngày 20/04/2024, lúc 11:04 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 20 » Lễ hội Quảng Ngãi 2
1:25 PM
Lễ hội Quảng Ngãi 2

2.2. LỄ HỘI CẦU NGƯ

Lễ hội cầu ngư thực chất cũng là lễ hội gắn liền với lễ hội cúng Cá Ông. Cư dân ven biển làm lễ cầu ngư vào dịp đầu năm mới với ý nghĩa cầu mong cho mùa màng bội thu, yên bình trong cả năm lênh đênh trên biển cả. Đây là lễ thức có khi chỉ riêng của cá nhân, gia đình, và có khi là của cả cộng đồng. Có nơi gọi lễ cầu ngư là lễ ra nghề, hay lễ xuống nghề.

 

Tiêu biểu cho lễ cầu ngư của cư dân ven biển Quảng Ngãi là lễ cầu ngư Sa Huỳnh, mà nay có một tên gọi mới là "Lễ ra quân đánh bắt thủy sản Sa Huỳnh", hoặc có năm gọi là "Lễ ra quân nghề cá". Tên gọi này ít nhiều mang dáng vẻ "hành chính", bởi cốt lõi của nó là lễ cầu ngư, nhưng đã có sự tham gia của chính quyền trong việc thực hành nghi lễ.

 

Trình thức lễ hội cầu ngư Sa Huỳnh vào ngày mùng 3 Tết Nguyên đán hàng năm bao gồm các lễ thức: tế cáo thần linh khai lạch, lễ ra nghề, và các trò diễn.

 

Lễ tế cáo là lễ thức mà tất cả các ban tế tự của làng và đại diện các chủ thuyền tế cáo ở lăng Ông, miếu Bà (Thiên Y, Thủy Long), miếu Thổ thần, Nghĩa tự và gia tiên để khai lạch ra khơi. Lễ tế cáo chỉ đơn giản là trầm trà hoa quả và diễn ra trong chiều ngày mùng 2 Tết hoặc sáng sớm ngày mùng 3 Tết.

 

Vào sáng sớm ngày mùng 3 Tết, tất cả các thuyền trong các vạn, đặc biệt là vạn Thạch Bi, tập trung tại cửa biển, chong đèn kết hoa rực rỡ, bày bàn soạn lễ vật trên thuyền, các loại ngư cụ... Sau khi đại diện chính quyền, hội nghề cá khai mạc và tổng kết nghề đánh bắt hải sản một năm cũng như kế hoạch thực hiện trong năm mới, ông chủ vạn gióng tiếng trống báo hiệu lễ ra nghề bắt đầu. Chiếc thuyền đầu tiên ra khơi là chiếc thuyền được ban vạn bầu chọn (không gặp bất trắc gì trong năm cũ, gia đình hòa thuận, chủ thuyền có uy tín...), và sau đó là hàng trăm chiếc thuyền nối tiếp ra khơi. Ra đến cách bờ chừng vài hải lý, các thuyền lại thực hiện nghi thức tế cáo thần linh, và đánh mẻ lưới làm phép đầu tiên. Sau khi vớt mẻ lưới lên các thuyền quay lại vào bờ.

 

Khi tất cả các thuyền đã quay lại vào bờ, các trò diễn, như đua thuyền, thi lắc thúng, thi đánh bóng chuyền... mới bắt đầu diễn ra. Có năm trong dịp làm lễ cầu ngư, người Sa Huỳnh còn tổ chức hát bội vài ba ngày. Vài ba năm trở lại đây, trong lễ hội cầu ngư Sa Huỳnh, người dân địa phương còn tổ chức múa hát bả trạo và hát sắc bùa.

 

Những làng xã thường tổ chức lễ cầu ngư hàng năm và có quy mô lớn là Sa Huỳnh, An Chuẩn, Cổ Lũy, nhưng tiêu biểu nhất là ở Sa Huỳnh. Có nơi không tổ chức lễ cầu ngư riêng mà người ta xem lễ tế Cá Ông vào dịp đầu năm là lễ cầu ngư.

 

2.3. LỄ HỘI THỜ BÀ/MẪU

Hiện nay, ở Quảng Ngãi còn hàng trăm dinh, miếu thờ Mẫu, thờ nữ thần, như Thiên Y A Na, Ngũ Hành, Thủy Long, Cửu Thiên Huyền nữ, Tứ vị Thánh nương..., ngoài Lý Sơn còn có thờ bà Phạm Tiên Điều (tức bà Roi). Người Quảng Ngãi gọi chung cho tất cả các Mẫu, các nữ thần đều là Bà. Tiêu biểu cho những điểm thờ Bà là dinh thờ Thiên Y A Na ở xóm Trung Yên (An Hải, Lý Sơn), và đặc biệt là ở điện Trường Bà ở Trà Xuân (Trà Bồng).

 

Lễ hội điện Trường Bà

 

Điện Trường Bà (còn gọi là Mao Đình Nhứt Ốc, hay Chùa Bà) thờ chánh thần là Thiên Y A Na (8), có phối thờ Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh nương, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh, và các vị thiên thần, nhiên thần khác. Ngoài ra, căn cứ theo bài văn tế bằng chữ Hán còn lưu giữ, thì điện Trường Bà còn thờ hai vị nhân thần là Trấn Quốc công (Bùi Tá Hán) và Quan Chiếu Vương (Mai Đình Dõng) cùng một vị thần vốn là một con vật, đó là Thần Hổ, với danh xưng là Bạch Hổ sơn quân (có miếu thờ cách điện Trường Bà khoảng 1km).

 

Hàng năm vào ngày 15 và 16.4 âm lịch, người dân ở thị trấn Trà Bồng, gồm người Việt, người Cor (trước đây còn có người Hoa), cùng tổ chức lễ hội tại điện thờ này. Việc tế tự chủ yếu theo các lễ thức quy định trong "Thọ Mai gia lễ" như các lăng, miếu thờ đã nói ở trước, tức bao gồm lễ yết, chánh tế, và trong các buổi tế này cũng theo các bước từ sơ hiến, á hiến, chung hiến. Tuy nhiên có một điều đặc biệt là, vào thời khắc giao điểm giữa ngày 15 và ngày 16 (nửa đêm), người dân nơi đây bày soạn các lễ vật, gồm bò, heo, và những vật phẩm khác để cúng ngoài sân điện. Các bàn lễ vật này hướng về phía núi, với những lời khấn cầu tỏ lòng tri ân các vị thiên thần, nhiên thần, các âm binh, âm hồn... Lễ tế đó gọi là lễ ngoại đàn, là một lễ thức vốn được quy định trong các hương ước xưa ở các làng xã mà nay nhiều nơi đã mất. Tuy nhiên, lễ ngoại đàn tại điện Trường Bà có quy mô to lớn hơn những nơi khác, mang thêm một sắc thái mới, với việc tri ân những người khai mở đất đai, sông núi trên vùng đất này.

 

Vào ngày chánh tế, tất cả nhân dân tại Trà Xuân và các làng nóc lân cận, người Việt lẫn người Cor đều đến tham dự lễ tế. Trong buổi chánh tế, còn có múa lân, ban nhạc lễ (ngũ âm, đội trống), múa cà đáo/đáu của người Cor cùng múa hát hầu thần.

 

Kết thúc lễ chánh tế là bước vào hội. Ban tế tự, gồm chánh tế, bồi tế, các học trò gia lễ cùng đội lân, đội múa cà đáo, ban nhạc ngũ âm, đội trống (đại cổ, tiểu cổ) cùng rước vong Bà (được thể hiện bằng bức ảnh chụp bức tượng Bà trong điện) ra trước cổng điện và đưa ảnh bà đặt lên cao, quay mặt hướng ra trước đền. Lễ thức này gọi là lễ rước vong Bà. Sau lễ rước vong Bà, là tiếp tục múa lân, múa cà đáo, thi đấu bóng chuyền, cờ tướng và buổi tối là diễn các tuồng hát bội. Theo người dân địa phương, trước năm 1975 còn có đông đảo người Hoa ở nhiều nơi trong tỉnh, và người Hoa ở Hội An đến cúng tế và dâng nhiều lễ vật. Dấu ấn của người Hoa còn lưu lại rõ nhất là hiện trong điện còn một ban thờ thờ Quan Công (cùng Quan Bình và Chu Xương/Thương), trong hệ thống kiến trúc, các hoa văn trang trí trong điện... Có lẽ không có lễ hội nào trong tỉnh lại có các dân tộc Kinh - Thượng - Hoa cùng tham gia như lễ hội điện Trường Bà, và tất cả đều xem Bà là Mẫu, là Mẹ chung của các dân tộc, dù có thể Bà nguyên là một nữ thần Chăm (Pô Inư Naga/Thiên Y A Na) mà hiện nay nhiều nơi trong tỉnh nói riêng, trong vùng Nam Trung Bộ nói chung còn thờ phụng và tế tự hàng năm, như ở tháp Bà Pô Naga (thành phố Nha Trang) chẳng hạn. Hiện nay, do điều kiện kinh phí, lễ hội điện Trường Bà chỉ tổ chức với quy mô hai năm một lần.

 

Lễ hội miếu Bà (Yên Phú)

 

Tại miếu Bà nằm ở thôn Yên Phú, xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, hàng năm người ta tổ chức lễ hội tế Bà xuân thu nhị kỳ. Kỳ xuân chỉ trầm trà hoa quả, kỳ thu, vào đúng dịp rằm tháng Bảy, lễ tế Bà được tổ chức quy mô hơn. Theo các bài vị trong miếu thì miếu Bà có chánh thần là Ngũ Hành Thượng giới, các nữ thần phối thờ là Linh Sơn Thánh Mẫu, Tây Vương Mẫu - là những Mẫu được du nhập từ Trung Hoa, theo bước chân những người Hoa vùng Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông... ngụ ở đây từ nhiều thế kỷ trước. Nhưng theo sắc phong còn lưu trong miếu thì đây có thể mới đầu là nơi thờ Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh nương. Trong miếu còn thờ nhiều vị thần khác, có cả Phật Bà và các nam thần. Bên ngoài miếu thờ âm hồn. Hiện nay người ta đưa vào trong miếu quá nhiều ban thờ, nên việc thờ phụng hết sức lai tạp. Trong miếu còn giữ các hiện vật quý: một chiếc ấn, một sắc phong thần, một chang tóc phụ nữ (như chang tóc được thờ trong miếu Bà Thu Bồn ở Quảng Nam). Vào ngày rằm tháng Bảy hàng năm, người ta tổ chức cúng tế các nữ thần, các vị thần phối thờ và âm hồn. Người dân Phú Thọ (gồm người Việt và trước đây còn có một bộ phận đông đảo người Hoa) làm hàng trăm linh vị, hàng trăm cỗ xôi bánh để cúng tế, đặc biệt là cúng ngoài sân. Sau lễ tế, họ còn làm lễ thả thuyền tống ôn và phóng đăng trên sông Cổ Lũy - Phú Thọ. Hàng ngàn chiếc đèn ngũ sắc và thuyền lễ được thả trôi dọc sông, từ miếu Bà ra đến tận cửa Đại Cổ Lũy, hết sức lung linh, huyền ảo.

 

Cách tổ chức lễ hội ở miếu Bà cũng giống như lễ tế cầu an, cầu siêu ở một số dinh miếu khác, như ở lăng Cổ Lũy Nam, cách miếu Bà chừng 500m, tức có lễ tế, có thả đèn trên sông và cả làm lễ tống ôn, mặc dầu lăng Cổ Lũy Nam thờ thần Cá Voi. Nói chung, các lễ hội ở vùng Cổ Lũy, Phú Thọ cũng đã pha tạp nhiều, nhưng hàng năm vẫn thu hút hàng ngàn người tham dự.

 

2.4. LỄ HỘI ĐUA THUYỀN

Vào các dịp lễ tết, nhiều nơi dọc ven sông biển ở Quảng Ngãi thường tổ chức hội đua thuyền. Ở huyện Tư Nghĩa, hội đua thuyền thường diễn ra trên sông Cổ Lũy - Phú Thọ. Ở huyện Bình Sơn, hội đua thuyền thường diễn ra ở vịnh Vũng Tàu, cửa Sa Cần, trên sông Trà Bồng. Ở huyện Sơn Tịnh, hội đua thuyền thường diễn ra trên sông Trà Khúc. Ở huyện Nghĩa Hành, tổ chức đua thuyền trên sông Vệ… Ở huyện đảo Lý Sơn, hội đua thuyền thường được tổ chức ở vùng biển phía tây nam của đảo. Tiêu biểu có các hội đua thuyền truyền thống ở hai làng An Hải, An Vĩnh (Lý Sơn) và Tịnh Long (Sơn Tịnh) vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm.

 

Lễ hội đua thuyền Lý Sơn

Lễ hội đua thuyền Lý Sơn diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Có lẽ đây là lễ hội lớn nhất của cư dân vùng biển ở Quảng Ngãi nói riêng, ở Nam Trung Bộ nói chung, nếu xét ở cả các bình diện: quy mô tổ chức, thời gian tổ chức, tính liên tục (hàng năm, không bị đứt gãy), và thành phần tham gia (có hàng vạn lượt người tham gia trong suốt cả 5 ngày). Lễ hội đua thuyền Lý Sơn không chỉ là một trò diễn vui chơi giải trí, mà còn để tưởng nhớ đến các vị tiền hiền buổi đầu khai khẩn và cầu mong cho quốc thái dân an, người an vật thịnh.

 

Lý Sơn có tất cả 8 thuyền đua (thuyền dài khoảng 8m, mang tên 4 con vật trong tứ linh (Long, Ly/Lân, Quy, Phụng), được trang trí, chạm trổ hết sức công phu. Mỗi thuyền đua thường có 15 người, đều là nam giới, trong đó có 1 tổng lái, 1 tổng thương, 1 tổng mũi, và 12 tay chèo. Ở An Hải, tất cả thuyền đua đều thuộc của xóm, như xóm Đông có thuyền Rồng, xóm Tây có thuyền Phụng, xóm Trung Yên có thuyền Quy, xóm Trung Hòa có thuyền Lân (còn gọi là Liên). Ở An Vĩnh, tất cả các thuyền đua đều thuộc các lân, như lân An Hòa có thuyền Rồng, lân Tân Thành có thuyền Phụng, lân Vĩnh Lợi có thuyền Quy, lân Vĩnh Hòa có thuyền Lân. Mỗi thuyền đua đều được cất giữ tại các dinh miếu của xóm, của lân, chỉ đến ngày tổ chức hội đua thuyền mới làm lễ tại dinh, miếu để đưa thuyền hạ thủy.

 

Trước khi tham dự hội đua thuyền, các tộc họ trong lân, xóm đều đến tế cáo thần linh và các bậc tiền hiền tại các dinh, miếu và đình làng. Tất cả ban tế tự, ban nhạc lễ đều ăn mặc theo lễ phục truyền thống.

 

Lễ hội đua thuyền Lý Sơn có 2 cấp độ: hội đua thuyền của làng, và hội đua thuyền của huyện (2 làng). Hội đua thuyền của làng cho 4 ghe đua của làng trong 4 ngày. Mỗi ngày thuyền đua được đổi vị trí theo kiểu tiệm tiến (ngày thứ 1: Rồng - Phụng - Lân - Quy; ngày thứ 2: Quy - Rồng - Phụng - Lân; ngày thứ 3: Lân - Quy - Rồng - Phụng; ngày thứ 4: Phụng - Lân - Quy - Rồng). Sau 4 ngày đua tính điểm tổng cộng để phân biệt giải. Đường đua gồm 4 vòng 8 dạo (khoảng 2.000m).

 

Nói về lịch đua thuyền trên đất đảo, người Lý Sơn còn thuộc lòng câu ca:

Mùng Bốn có hội đua ghe

Cho đến mùng Bảy bắt phe dồi bòng.

Câu ca này cho biết, hội đua thuyền ở 2 làng chấm dứt vào ngày mùng 7 tháng Giêng (khoảng chừng 14 giờ chiều), và sau khi chấm dứt đua thuyền là tiếp đến hội dồi bòng.

 

Hội dồi bòng được tổ chức tại đình làng, mà theo các nhà nghiên cứu vốn là nhằm để cầu mặt trời (biểu tượng là trái bòng = cầu nắng), đề cao sức mạnh. Các tay đua sẽ tập trung tại làng để tham gia hội này. Sau khi làm lễ trong đình, ông cả làng sẽ ném quả bòng ra sân đình. Đội nào ném được trái bòng vào giỏ là đội ấy thắng cuộc, và đội ấy mang trái bòng ấy về tế tại dinh miếu của xóm, của lân. Người Lý Sơn tin rằng, làng xóm nào giành được quả bòng thì năm ấy cả làng, cả xóm sẽ gặp những điều tốt lành. Đây là một trò diễn hết sức sinh động, hào hứng, có sự cổ v của hàng ngàn người trong tiếng trống thúc giục. Rất tiếc, hội dồi bòng hiện không còn được tổ chức thường xuyên như trước năm 1945 nữa.

 

Sang ngày mùng 8 tháng Giêng, 8 thuyền đua của 2 làng sẽ tập trung trước vùng ven biển giữa 2 làng để tham gia hội đua thuyền toàn huyện. Trước khi tham gia hội đua thuyền toàn huyện (thực ra cũng chỉ có 2 làng), các tay đua và ban tế tự cũng tập trung tại dinh miếu, đình làng để cúng tế. Tham gia tổ chức hội đua thuyền toàn huyện, ngoài các tộc họ, các lân, xóm, còn có chính quyền. Trưởng ban tổ chức cuộc đua thuyền toàn huyện thường là ông Phó Chủ tịch phụ trách văn xã. Đây là giải đua thuyền chính thức được tổ chức sau ngày Lý Sơn được thiết lập thành đơn vị hành chính cấp huyện (1.1.1993), và vẫn duy trì cho đến ngày nay. Hội đua thuyền của huyện chỉ tổ chức trong 1 ngày, bắt đầu khoảng 12 giờ trưa và kết thúc khoảng 15 giờ chiều. Vị trí các thuyền đua cũng sẽ thay đổi kiểu tiệm tiến, và cuối 8 vòng, 16 dạo sẽ cộng điểm chung để chọn ra các giải (9).

 

Hội đua thuyền ở huyện đảo Lý Sơn không chỉ là một trò diễn để vui chơi, giải trí, biểu dương sức mạnh mà còn mang nặng yếu tố tín ngưỡng hơn các hội đua thuyền ở nhiều nơi khác trên địa bàn Quảng Ngãi.

Chủ đề: Lễ hội miền Trung | Lượt xem: 876 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==